07 Chỉ cần có một việc


Chương bảy
Chỉ cần có một việc

Khi bạn chứng kiến nhiều chức năng mà Thiên Chúa tạo nên cho mỗi người để giúp chúng ta hiểu biết nhau cũng như hiểu vai trò của Ngài trong đời sống mỗi cá nhân, bạn không khỏi ngạc nhiên khi nghĩ đến mầu nhiệm của đời sống tu đức. Không phải Thiên Chúa tăng công suất cá nhân trong việc tuân giữ lề luật của Ngài để đi đường tắt lên thiên đàng. Đời sống tu đức không phải đơn giản chỉ có thế. Được vào thiên đàng không phải chỉ do tuân giữ lề luật. Lề luật chỉ là một phần nhỏ. Thiên Chúa ban cho chúng ta lề luật và muốn chúng ta có một đời sống luân lý lành mạnh, nhưng ngài lại không quá câu nệ vào việc tuân giữ lề luật. Chính vì thế mà trong dụ ngôn về ngày Phán xét Đức Giêsu không nhắc gì đến lề luật, nhưng lại nói về tình yêu tha nhân. “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy vào nước trời Cha Ta đã chuẩn bị sẵn cho các người từ muôn thưở. Bởi vì khi ta đói, các người cho Ta ăn, khi Ta khát, các người cho Ta uống; khi Ta trần truồng, các người cho Ta mặc, khi Ta đau yếu, các người chăm sóc Ta, khi Ta bị tù đày, các người thăm viếng Ta”.
Tu đức không phát triển từ một trống không, nhưng tất cả đời sống của chúng ta lại liên hệ với nhau. Thiên Chúa không tạo dựng nên chúng ta để sống cô lập. Ngài dựng nên chúng ta bất toàn để chúng ta cần nhau, giúp đỡ nhau, liên hệ đến nhau. Sự thánh thiện là do lòng sùng đạo, và Thiên Chúa không chỉ biết có mình, nhưng Ngài là một vị Chúa ưa ban bố, luôn luôn chia sẻ lòng từ thiện vô biên của Ngài với thụ tạo. Sự thánh thiện chính đáng là khi chúng ta cởi mở lòng với tha nhân, chia sẻ với họ những gì chúng ta được Thiên Chúa dồi dào ban cho. Mặc dù Ngài hoạt động riêng rẻ với từng cá nhân, hun đúc trong chúng ta đời sống thầm kín của Ngài, nhưng Ngài thông ban cho chúng ta và tha nhân những gì cần thiết để sống còn và phát triển, để chúng ta trở thành như một tấm thảm với những đường chỉ dọc ngang. Đời sống tu đức đích thực diễn ra bên dưới đời sống thường nhật. Thiên Chúa dùng những biến cố, những hoàn cảnh cũng như tha nhân để thay đổi nếp sống của chúng ta, làm sáng tỏ thị kiến của chúng ta, chỉnh đốn lại hướng đi và cá tính của chúng ta, để hoà hợp với đời sống nội tại của Đức Giêsu.
Một khi chúng ta hiểu tường tận đường lối phức tạp Thiên Chúa hoạt động trong đời sống, chúng ta sẽ hiểu tại sao cần phải quen dần với sự hiện diện của Thiên Chúa và sẵn sàng lắng nghe tiếng Ngài. Dù không thể liên lỉ ý thức sự hiện diện của Ngài vì đời sống của chúng ta quá bận rộn, chúng ta cũng có thể để dành chút ít thời giờ mỗi ngày để nghe tiếng Ngài và quen dần với tiếng nói âm thầm của Ngài trong chúng ta. Chính đó (mặc dù không phải chỉ những lúc đó) là những lúc chúng ta ý thức được những tư tưởng mới trong chúng ta, hiểu biết Thiên Chúa và đường lối kỳ diệu Ngài hoạt động nơi các thụ tạo của Ngài. Có thể một ngày đó bạn ngồi xuống, suy tư, lo âu vì những khuyết điểm bạn làm trong dĩ vãng và những tội lỗi mà bây giờ bạn cảm thấy xấu hổ. Bạn cảm thấy khiêm tốn và bất xứng với Thiên Chúa, và tự hỏi làm sao Thiên Chúa lại có thể tha thứ cho bạn? Trong những lúc mơ màng như thế một ý tưởng trầm lặng chỗi dậy trong tâm tư bạn, «Tội lỗi của con, dù có xấu xa đến đâu, cũng đã được tha hết rồi. Chúng đã đi vào quá khứ và không còn nữa. Giờ đây con là người mới, một thụ tạo mới, đã được tẩy sạch và canh tân trong máu Ta. Con vẫn còn có thể sai lầm. Con là người mà. Nhưng Ta cũng thấy được tình yêu của con và biết được những công việc tốt đẹp con đã làm cho tha nhân đang thiếu thốn. Như thế, đừng lo lắng hay sợ hãi! Con là con người tốt và Ta rất hài lòng về con. Ta yêu thương con và Ta luôn ở bên con. Vậy, đừng lo lắng áy náy và đừng hổ ngươi. Con là người thế nào thì Ta yêu thương con thế đó».
Tư tưởng đó chính là đường lối Thiên Chúa truyền đạt. Mặc dù nó chỉ xảy ra thoáng qua, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng suốt đời bạn, là bí quyết giúp bạn yêu mến bạn như là con nguời bạn đang sống, vì biết rằng bạn thế nào Thiên Chúa yêu mến bạn thế ấy. Từ đó, bạn thấy được đường lối đơn giản nhưng hiệu nghiệm mà Thiên Chúa hoạt động trong chúng ta. Ngài chia sẻ với chúng ta sự hiểu biết vả tư tưởng của ngài. Chính đó là đường lối chúng ta trưởng thành. Qua một thời gian hàng ngàn những tư tưởng như thế này sẽ thay thế đường lối suy tư của chúng ta và giúp chúng ta trở thành con người mới. Ân sủng cứu chuộc và thánh hoá kỳ diệu này được diễn tả rất cảm động trong bài thơ Cây đàn vĩ cầm cũ.

Ngón tay nhạc sư
Chiếc đàn sứt mẻ và trầy trụa
Đưa lên cao, người đấu giá nở nụ cười hô to,
Các bạn ơi, bao nhiêu, bao nhiêu đây?
Một đồng, một đồng, rồi hai, hai.
Ba được không , ba, ba?
Bổng nhiên từ căn phòng cuối,
Một lão bạc đầu xuất hiện,tay nâng bổng cây đàn.
Tay lau bụi và tay se dây
Rồi tay kéo bản nhạc mê ly
Như khúc hát thiên thần.
Tiếng nhạc dứt,
Người đấu giá với giọng trầm trầm
Bao nhiêu đây, cây đàn cũ?
Một ngàn, một ngàn…
Ai mua, hai ngàn, hai ngàn?
Ba ngàn, ba ngàn?
Một, hai, ba …thế là xong.
Tiếng vổ tay huyên náo lẫn tiếng khóc vang lên.
Vì sao bỗng tăng giá, hởi cây đàn cũ?
Thưa chính ngón tay nghệ sĩ của nhạc sư.
Hỡi ai tấm lòng tan nát,
Trầy trụa với đau thương.
Đáng là bao với mắt trần
Như cây đàn cũ đợi chủ mới
Như nồi cháo, như ly rượu,
Như canh bạc rồi lại ra đi
Kể là bỏ, kể là bỏ
Một, hai…
Bỗng nhiên Thầy xuất hiện,
Không ai hiểu được giá trị một linh hồn và sự thay đổi
Do bàn tay của Thầy uốn nắn.
Chúng ta đều bị bầm dập và sứt mẻ. Chúng ta không thể sống mà không mang nhiều vết thương lòng. Thiên Chúa biết điều đó. Ngài chấp nhận và tiến hành. Chính vì thế mà câu chuyện thiếu phụ mãi dâm ở nhà Ximông người Pharisêu có một ý nghĩa rất đặc biệt. Người thiếu phụ không mấy tốt lành. Cái đặc biệt của cốt chuyện là tội lỗi của chị. Nghề mãi dâm bị xã hội lên án. Nhưng Đức Giêsu không nhìn đến tội lỗi của chị. Ngài thấy cái tốt lành bên dưới tiếng xấu chị đang mang, và Ngài ca ngợi chị với những người Pharisêu ngồi ăn cùng bàn.
Có những tội lỗi tệ hơn làm nghề mãi dâm, nhưng chúng ta lại không phạt những người phạm tội. Lấy thí dụ một vị thẩm phán vô tâm phạt mười năm hay hai mươi năm tù cho một người da đen không biết thương lượng, trong khi đó chỉ kêu án treo một người da trắng trung cấp trong những trường hợp tương tự. Đối với Thiên Chúa thì đấy là một tội ghê tởm hơn nghề mãi dâm, nhưng vị thẩm phán vẫn được kính trọng trong xã hội, trong khi người làm nghề mãi dâm thì lại bị khinh chê. Điều lạ lùng là Thiên Chúa vẫn chấp nhận ông thẩm phán và nhìn được cái đẹp trong con người ông và cố gắng sửa đổi đời sống của ông trở nên giống Ngài.
Câu chuyện thuyền trưởng John Newtown ở thế kỷ mười tám làm đánh động lòng mọi người. Sau khi bỏ Lực Lượng Hải Quân Hoàng Gia, anh làm nghề buôn bán nô lệ và cuối cùng tậu được một chiếc tàu cho mình. Trong nhiều năm anh đã chuyên chở nô lệ đến Tân Thế Giới, sống một đời bê tha. Tuy vậy, một ngày nọ cuộc đời anh lại thay đổi trong một cơn bão dữ dằn. Anh trở về với Thiên Chúa và cầu xin Ngài cứu anh và thủy thủ đoàn. Anh đọc Sách Gương Phúc của Tôma Kempis và nhớ lại hình ảnh đạo đức của mẹ anh, nó đưa anh về với Thiên Chúa. Sau đó anh gặp John và Charles Wesley. Họ khuyên anh gia nhập hàng giáo sĩ và thụ phong linh mục. Người ta biết nhiều đến John Newton qua các bài thánh ca nổi tiếng của anh, đặc biệt là bài thánh ca Ân Huệ Tuyệt Vời (Amazing Grace). Giống như bài thánh ca Tuyệt Vời của anh, đời sống của John Newton là chứng tích hùng hồn về việc Thiên Chiên Chúa nâng chúng ta lên từ hố sâu xấu xa và đánh thức cái thiện trong chúng ta.
Sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế gian được nhận thức bằng nhiều cách, nhất là khi người ta lo lắng cho nhau. Phong Trào Những Người Nghiện Rượu Nặc Danh (Alcoholics Anonymous) bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa qua cuộc sống của những người có những khó khăn khốc hại. Chương trình này làm tôi luôn nghĩ rằng Giáo Hội phải hoạt động như thế. Những thành viên chương trình Mười Hai Bước (Twelve Steps Program) đã phác họa cách nương tựa vào Thiên Chúa. Nó rất khích lệ và rất trẻ thơ trong cách thức đơn sơ của nó. Chương trình này rất lớn, nó bao gồm thành phần của mọi tôn giáo và sắc tộc, cũng như trưng bày mọi đau khổ và tội lỗi. Nó phản chiếu lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Không giống như các giáo hội cảm thấy phải phân chia dân chúng theo tín điều của họ và phải công khai tranh đấu cho nền luân lý cao, làm cho những người tội lỗi phải e dè. Chương trình này đón tiếp những người tội lỗi và thiết tha yêu mến họ. Sự hiểu biết của những thành viên trong chương trình này là điều những người đạo đức đích thực phải có trong khi phục vụ tha nhân. Không bao giờ muộn màng, không bao giờ quá lâu khi phải giúp đỡ những kẻ sắp buông xuôi và sắp tuyệt vọng. Họ lo lắng cho nhau là một hình ảnh rất cảm động mà Đức Giêsu nói đến khi Ngài tuyên bố, «Anh em hãy yêu mến nhau như Ta đã yêu mến anh em».
Mỗi người trong chương trình AA (Những Người Nghiện Rượu Nặc Danh) có thể nói cho bạn nghe những ân sủng lạ lùng Thiên Chúa ban và cách thức Ngài hoạt động trong đời sống của họ và của những người bảo trợ hay giúp đỡ họ. Mặc dù họ không gọi mình là đạo đức, nhưng sự thật họ là thế. Khi bạn làm quen với những thành viên của chương trình này, bạn sẽ thấy rõ họ nương tựa lẫn nhau và ảnh hưởng đến đời sống nhau. Sự hiện diện của Thiên Chúa nơi nhân loại rất là xác thực và hiển nhiên làm bạn cảm thấy có thế sờ Ngài được. «Nơi nào có hai hay ba người họp lại vì danh Ta, Ta có ở đó». Nơi nào con người chung đụng nhau cách thiết thực thì có Thiên Chúa ở đó. Nơi nào có tình yêu thương, nơi đó có Thiên Chúa.
Gần đây tôi có nhận thư của một người trong chương trình AA. Anh ta bảo họ thường nhóm họp ở tầng hầm một nhà thờ trong chương trình AA. Đây là những buổi họp nặng nề, liên quan đến khổ não, chiến thắng và vui mừng của mỗi người. Đây là thế giới thực. Khi họ đi lên nhà thờ dự lễ, họ có cảm tưởng như là bước vào một thế giới cằn cỗi, không cảm giác, không kinh nghiệm sống. Sự khác biệt thật là choáng váng. Có lẽ cần phải có cả hai hoàn cảnh, nhưng đối với những người trong chương trình AA thì họ dễ dàng nhận thấy Thiên Chúa trong tầng hầm hơn là trên nhà thờ. Đáng tiếc thật, mặc dù có lẽ chúng ta phải chấp nhận cả hai hoàn cảnh. Tôn giáo rất cần cho khối dân chúng đang đau khổ nếu họ nói lên được hy vọng, mơ ước, đau thương và buồn khổ của họ cho nhau trong lúc làm việc thờ phượng. Ngày nay lễ nghi lại quá hình thức nhưng lại khô cằn làm cho những người dự chỉ giao tiếp nhau cách hời hợt mà không biết rõ nhau lắm. Có thể đó là một trong những lý do tại sao dân chúng cảm thấy tôn giáo không thích hợp, vì họ không tìm được nơi nương tựa và an vui khi gặp khủng hoảng và đau thương. Chính trong những lúc ấy tôn giáo mới là thiết thực.
Phương diện xã hội của linh đạo bắt đầu sớm thể hiện trong tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta có thể cảm thấy khi Ngài dùng chúng ta để đến với tha nhân. Tôi thấy rõ điều này khi sách Giôsê được phát hành. Trước đó tôi biết Thiên Chúa thúc đẩy tôi viết. Khi tôi không đáp lại Ngài thì tôi lại cảm thấy bị thúc đẩy nhiều hơn và liên lỉ hơn. Tôi nghĩ chỉ có cách là từ chức linh mục, nhưng tôi lại không muốn làm điều đó. Rồi một ngày bác sĩ gọi tôi đến văn phòng của ông và cho biết rằng tôi đang bị đột quỵ và hỏi ý kiến của tôi thế nào. Tôi nửa đùa trả lời, «Tôi về hưu để viết sách?» Ông nói rằng đó là ý nghĩ tốt nhất cho tôi, bằng không tôi có thể không còn sống đến cuối năm. Khi tôi viết xong quyển sách và bắt đầu phát hành, thì thư từ tới tấp gửi đến từ khắp nơi, người ta nói rằng quyển sách đánh động họ và đem họ đến gần Thiên Chúa hơn. Tôi biết rằng đó không phải là do tôi, nhưng là Thiên Chúa hoạt động qua quyển truyện làm cho người ta ý thức rằng Thiên Chúa yêu thương họ. Dường như Thiên Chúa bất lực cho đến khi có ai để ngài hoạt động qua trung gian họ, rồi những việc lạ lùng sẽ xảy ra. Đó là một hiện tượng bên ngoài trong đời tu đức xem như thể là một chuổi tình cờ, nhưng sự kiên trì và thời điểm rõ rệt cho bạn biết rằng chính Thiên Chúa đang hiện diện trong đời bạn và làm cho bạn gắn bó với Ngài mà không cái gì có thể lay chuyển được. 
___________________________________

Chương sáu  <=>  Chương tám



Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam