06 Đến mùa


Chương sáu
Đến mùa

Một trong những câu hỏi đặt ra cho chúng ta trước tiênkhi bắt đầu cuộc sống mới với Thiên Chúa là phải bắt đầu từ đâu? Chúng ta biết rằng không phải những việc chúng ta làm sẽ cứu rỗi chúng ta, nhưng đó là ân huệ từ Đức Kitô. Tuy nhiên, tự bản năng, chúng ta cũng biết rằng cần phải đóng góp một cái gì để chứng minh lòng tin và yêu thương của chúng ta. Thánh Phaolô nói «chúng ta phải run sợ và lo lắng cho mình được rỗi». Theo thói thường chúng ta nghĩ rằng phương cách tốt đẹp nhất là giữ các giới răn Thiên Chúa. Cũng có thể bị cám dỗ lục lạo đời mình để moi móc cho ra hết mọi tội lỗi và những ước muốn ngông cuồng, phải từ bỏ mọi tội lỗi, mặc dù chúng ta cũng không đến nỗi tệ lắm! Chỉ trong một thời gian ngắn mà chúng ta đánh trăm ngàn mặt trận dưới trăm ngàn hình thức! Nếu có ý chí mạnh mẽ chúng ta sẽ thành công, nhưng không lâu chúng ta sẽ thấy mình kiệt sức, và khi chúng ta ngã xuống, điều này chắc chắn sẽ xảy đến, chúng ta sẽ nản lòng và bỏ cuộc.
Mặc dù cần phải cố gắng làm những việc tốt lành và đạo đức, nhưng không thể làm trong một ngày. Không có gì trong thiên nhiên nẩy nở trong một đêm. Cây cối mọc từ hạt giống. Hạt giống nẫy mầm sinh cây con rồi thân cây lớn. Hoa nở rồi đến trái. Mọi sự sẽ phát triển theo mùa như đức Giêsu nói. Mọi sự trong vũ trụ lớn lên cùng một cách, từ từ, từng bước cho đến khi chín mùi. Loài người cũng vậy. Phải nhiều năm thân thể mới nẩy nở toàn vẹn. Tâm trí cũng phải mất nhiều năm để trưởng thành. Tình cảm và tâm lý cũng vậy, phải đến bốn mươi hay năm mươi năm. Tôi còn nhớ một việc xảy ra ở một bữa tiệc. Một bà không còn nhẫn nại được với chồng mà nói,
Bao giờ ông mới khôn lớn? Bà muốn nói về trưởng thành tâm lý. Chồng bà bảy mươi lăm tuổi. Trưởng thành trong tình cảm phải mất nhiều thời gian. Chúng ta được tạo dựng thế ấy. Đời sống tu đức cũng vậy. Chúng ta nghĩ là có thể thay đổi trong một ngày, nhưng thiên nhiên không phải như thế. Đời sống tu đức phát triển rất chậm, không phải là vài năm nhưng là suốt đời. Chúng ta cố gắng sống tốt, làm việc tốt, có những quyết định tốt, giúp đỡ tha nhân, trung thành kinh nguyện. Tuy nhiên chúng ta vẫn sa ngã và thất bại, dẫu với nhiều cố gắng. Suốt đời khắc chế chính mình, hoàn thiện chính mình để được khôn ngoan và kiên cường hơn, thận trọng và kỷ cương hơn. Chúng ta lớn lên, trưởng thành, rồi từ từ mất hết. Hình như Thiên Chúa đang mỉm cười trước mọi cố gắng của chúng ta và không coi chúng ta quan trọng mấy như chúng ta nghĩ. Có thể chỉ có thiện chí và cố gắng của chúng ta là điều Thiên Chúa muốn, dẫu có ít ỏi bao nhiêu. Ngài cũng không quan tâm mấy đến thành công mà chúng ta cố đạt trong khi tập tành nên thánh. Có thể điều quan trọng đối với Thiên Chúa là cố gắng không ngừng của chúng ta để làm theo ý Ngài, là cảm thông nỗi thống khổ của tha nhân và rộng tay cứu giúp họ. Chúng ta phải biết điều này lúc ban đầu để khỏi phải thất vọng.
Cứ quan tâm đến việc trở nên toàn thiện và bới móc tội lỗi có thể trở thành một ám ảnh và tạo nên một thứ linh đạo tư kỷ. Đó là thứ linh đạo của các thày thông giáo và nhóm Pharisêu mà Đức Giêsu đã cực lực công kích. Đó là một linh đạo chỉ chú vào việc nên toàn thiện bản thân và tự tôn sùng mình thay vì xây dựng một đời sống dựa trên tình yêu thương quên mình phát xuất từ lối sống mật thiết với Thiên Chúa. Đây là linh đạo mà Đức Giêsu đã cố gắng gieo vào lòng dân chúng. Và đó cũng là đường mà chúng ta phải đi. Điều khác thường trong lối giao tiếp của Đức Giêsu với dân chúng mà chúng ta gọi là những người tội lỗi là lối hòa đồng thoái mái và dễ dãi của Ngài với họ. Không ai cảm thấy e dè đối với ngài. Chúng ta cũng đừng cảm thấy e dè với sự hiện diện của Đức Giêsu và của Thiên Chúa. Ngài không muốn chúng ta e dè với Ngài. Sứ điệp của Đức Giêsu là con người phải cảm thấy thoải mái với Cha Ngài trên trời, Tại sao các người quá lo lắng … «Đừng lo lắng quá, Cha của các người trên trời sẽ lo cho các người». Câu chuyện giữa Đức Giêsu và người đàn bà bên giếng nước nói lên rõ ràng thái độ của Ngài đối với người bình dân. Đức Giêsu chọn ngày gặp thiếu phụ. Ngài biết rõ về nàng. Nàng có năm đời chồng và nguời đàn ông mà nàng đang sống với thì lại chưa cưới. Tuy thế, Đức Giêsu lại chọn nàng để đưa sứ điệp của Ngài cho thôn xóm Samaritanô. Cũng chính Đức Giêsu đã rao giảng những lý tưởng cao đẹp nhất, trong đó có lý tưởng hôn nhân. Thì cũng chính Đức Giêsu đó đã nhìn ra cái thiện trong đời sống người phụ nữ và chọn nàng làm sứ giả cho những người láng giềng. Thiên Chúa không bị chấn động hay bị ngăn cản vì những yếu đuối và thất bại của chúng ta, dù to lớn thế nào. Ngài chỉ quan tâm đến lòng thành và cố gắng nên tốt đẹp của chúng ta. Đó là điều quan trọng đối với Thiên Chúa. Đời sống rất là phức tạp, nhất là ngày nay, có khi chúng ta thấy không thể thực hiện được những lý tưởng mà các giáo hội dạy mặc dù chúng ta cố gắng hết mình. Nhiều người trong chúng ta có một đời sống dĩ vãng rất khó khăn và không thể bỏ đi những thói quen không mấy tốt đẹp. Chúng ám ảnh chúng ta và dù cố gắng cách mấy chúng ta vẫn sa ngã. Có người gặp nhiều khó khăn hơn người khác. Tôi có biết hai chàng thanh niên. Một người thì sống dễ dàng và thành công, còn người kia thì luôn luôn sai lầm và vi phạm những lỗi trầm trọng. Dẫu cố gắng bao nhiêu, anh vẫn không làm đúng. Có lúc anh nghĩ rằng mình làm đúng, nhưng kết cục lại sai. Và điều đau lòng nhất là anh cố gắng quá sức. Tôi nghĩ rằng sự tranh đấu khó nhọc của chàng thanh niên này đưa anh đến gần Thiên Chúa. Anh ta là người mà Đức Giêsu thích bầu bạn với.
Tôi có biết một người trong tù. Anh ta thật tốt lành. Anh sống trong kinh nguyện hơn bất cứ một ai mà tôi quen biết trong thế giới bên ngoài. Các bạn tù nói rằng anh giống như Đức Giêsu, nhưng anh lại nghĩ rằng người ta không thế nào tin anh nữa vì tính tình nguy hiểm và khó khăn của anh. Đối với những người như anh, không thể nói rằng thành công thấy được mới có giá trị, nhưng là cố gắng đấu tranh. Mỗi người chúng ta đều có những khuyết điểm trầm trọng. Thiên Chúa biết điều đó. Chính vì những khuyết điểm đó mà Thiên Chúa nhân hậu với chúng ta.
Chúng ta không nên quá lo âu về tội lỗi. Sống thiêng liêng không phải chỉ lo sợ phạm tội hay sợ Satan, nhưng là giao kết với Thiên Chúa, cởi mở tấm lòng với Ngài, mời Ngài đến để hướng dẫn chúng ta. Một khi biết rõ Ngài, chúng ta sẽ yêu mến Ngài nhiều hơn. Liên hệ mật thiết với Ngài sẽ giúp chúng ta tránh tội. Lấy thí dụ, trước khi gặp gỡ Thiên Chúa chúng ta ao ước được thành công như những người khác, nhưng thất vọng vì không được như họ. Giờ đây khi đã gặp Thiên Chúa và biết rằng mình được yêu thương cách đặc biệt cũng như Ngài giao phó cho chúng ta những công việc đặc biệt mà không ai có thể làm thay, đời sống của chúng ta lại có ý nghĩa hơn mà không còn ganh tị với những người khác. Chúng ta không còn lo người khác làm được gì. Giờ đây chúng ta thấy mình đặc biệt và quan trọng đối với Thiên Chúa. Điều này cũng có thể áp dụng với những tật xấu khác. Lần lượt, chúng ta sẽ gạt bỏ được những tật xấu. Đó là một phương thức tốt để đương đầu những nhược điểm và hạn chế của mình một khi chữa trị tận gốc của tội lỗi.
Tôi không muốn nói rằng cứ phạm tội. Tôi chỉ muốn nói rằng khi quá bị ám ảnh về tội lỗi và diệt trừ tội, thì chúng ta chỉ chú trọng vào mình hơn là Thiên Chúa. Chúng ta sẽ ý thức được khi thấy điều sai, và dĩ nhiên là sẽ xa lánh nó. Người khác thường thấy khuyết điểm của chúng ta dễ dàng hơn, họ có thể giúp chúng ta. Thẩm vấn lương tâm mỗi ngày cũng giúp chúng ta nhận ra những nhược điểm của chính mình và sửa sai. Không phải lúc nào cũng thành công, nhất là đối với những thói xấu đã quá ăn sâu vào bản thể!
Sống mật thiết với Đức Giêsu cũng giúp chúng ta thay đổi lối sống cũ bằng những công việc tốt lành. Những việc tốt lành này sẽ tăng triển trong chúng ta và sẽ thay thế những việc không mấy tốt lành, trong đó có tội lỗi. Điều quan trọng trong đời tu đức là phải sống lành mạnh. Nó là một diễn tiến tuần tự. Dẫu có muốn nên toàn thiện cách mấy, cái diễn tiến đó cũng phải phát triển theo một công thức ngoài tầm tay của chúng ta.
 Phần lớn công thức đó là do Thiên Chúa định đoạt. Vì mỗi người chúng ta là duy nhất và được tạo nên để làm một công việc đặt biệt, như vậy đời sống là một trường thao diễn. Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta bằng một chuỗi những kinh nghiệm để chuẩn bị chúng ta. Nếu Thiên Chúa chọn một người làm thẩm phán, ngài sẽ không ban cho người ấy một bản chất đầm ấm, nhiều tình cảm và sẽ không đặt họ trong những cảnh huống gợi từ tâm đối với người phạm luật pháp. Một thẩm phán có lòng từ tâm là tốt, nhưng nếu đặc tính ấy quá mạnh mẽ thẩm phán sẽ khó mà thi hành chức vụ của mình.
Nếu Thiên Chúa gọi một người để biểu lộ lòng nhân hậu và tình yêu của Ngài đối với một thế giới đầy đau thương, Ngài sẽ không ban cho họ một tâm tính cứng nhắc và bấp bênh, thấy trắng ra trắng đen ra đen, lành ra lành dữ ra dữ, và xét xử người ta một cách khắt khe. Nhưng Ngài sẽ ban cho họ một tâm tính dịu hiền, thấy cái thiện nơi những kẻ đáng khinh bỉ nhất và ban cho họ lòng nhẫn nại vô biên để nới vòng tay đón nhận những kẻ bị ngã xuống để họ tiếp tục tìm đến Thiên Chúa. Vì nhu cầu của nhân loại thì vô biên nên cần phải có nhiều chức năng giữa chúng ta để phục vụ ngõ hầu tô điểm sáng tạo của Thiên Chúa.
Kết quả là trường đào tạo của mỗi người mỗi khác. Không ai theo cùng một con đường linh đạo như kẻ khác, và không ai đạt đến một điểm như họ. Do đó, thật là vô tâm khi ép người khác phải được như chúng ta nghĩ. Đó không phải là công việc của chúng ta. Mỗi người chúng ta thuộc về Thiên Chúa và Thiên Chúa âm thầm hoạt động một cách huyền nhiệm trong chúng ta. Một cách tiệm tiến và nhẫn nại Ngài xây dựng những gì Ngài muốn hoàn thành nơi chốn thâm sâu của tâm hồn mỗi người. Gương sáng và những lời tốt đẹp của chúng ta là đủ để khích lệ tha nhân. Con người phải đáp lại Thiên Chúa khi họ sẵn sàng, không phải do áp lực bên ngoài. Hoạ hiếm lắm mới có trường hợp một người yếu ớt cần đến kỷ luật của một bạn mạnh khoẻ.
Bởi vì Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta đi trên con đường riêng, vì thế đời sống thiêng liêng của chúng ta sẽ có những hào quang khác với bất cứ ai. Mỗi người mỗi khác. Đời sống thiêng liêng cá nhân là một cái gì riêng rẽ. Điều này thấy rõ nơi đời sống mỗi người. Tôi có gặp một người đàn ông trong một đám cưới. Ông ta ngồi trên xe lăn và nói chuyện với tôi suốt một tiếng đồng hồ. Ông ta có hình dáng dị tật bẩm sinh. Chúng tôi chuyện trò vui vẻ. Khi được biết anh có việc làm, tôi bèn hỏi anh làm gì. Anh ta cho biết rằng anh là kỹ sư và làm việc cho nhà nước. Tôi rất thán phục. Tôi đoán là khi thấy tôi thán phục, anh bèn nói tiếp, “Tôi nghĩ rằng có nhiều người nghĩ rằng má tôi phải phá thai, nhưng tôi sống vui sướng lắm, và tôi yêu thích công việc của tôi”. Đời sống của anh ta là một bài giảng sống động. Anh không cần phải giải thích gì cả.
Chuyện Bênêđitô Labrê sống ở Pháp hai thế kỷ trước đã gây nhiều ấn tượng đối với tôi. Khi còn nhỏ cậu Bênêđitô đã muốn làm thầy khổ tu. Cậu ghi danh ở một số dòng tu nhưng đều bị từ chối. Cuối cùng, cậu nghĩ rằng Thiên Chúa gọi cậu làm việc khác. Cậu về nhà và thưa với bố mẹ rằng cậu cảm thấy Thiên Chúa muốn gọi cậu đến Rôma. Ông bà miễn cưỡng để Bênêditô ra đi. Cậu trở thành một khất sĩ lang thang ở Rôma với một số khất sĩ khác. Bênêditô ăn mặc rách rưới và sớm được tiếng là một trong những người vô gia cư lang thang ngoài đường xin thức ăn thừa và quần áo cũ mà dân chúng bố thí cho. Sau một thời gian dân chúng thấy ở khất sĩ này có cái gì khác lạ. Ngày nọ một số bạn bè bắt gặp Bêneditô quì gối chìm đắm trong kinh nguyện trong một thung lũng. Bêneditô ở trong trạng thái ấy khá lâu. Bạn bè rất đỗi ngạc nhiên. Họ cũng khám phá ra Bênêditô có đặc ân làm cố vấn cho nhiều người với nhiếu vấn đề phức tạp và đem lại an bình cho họ. Danh tiếng Bênêditô vang cùng khắp Rôma và không lâu dân chúng kéo đến từ mọi nẻo để hầu chuyện với Bênêđitô: luật sư, bác sĩ, quan toà, phụ nữ, giám mục, hồng y cũng như thường dân. Sự khôn ngoan và hiểu biết của Bênêđitô đã đem lại an bình cho những tâm hồn bị xáo trộn. Khi Bênêđitô chết, dân chúng đến đưa tang chật cả nhà thờ. Sau lễ an táng, dân chúng khắp Âu Châu đến viếng mộ và xin Bênêđitô bầu cử với Thiên Chúa. Những phép lạ và ân sủng dân chúng nhận được quá lớn lao đến độ Toà thánh Vaticanô bắt buộc phải mở cuộc điều tra phong thánh cho Bênêđitô, và trong thời gian kỷ lục Bênêđitô được tuyên dương là con người thánh thiện hiếm có. Trong thánh lễ phong thánh tại đền thờ Thánh Phêrô, ảnh Bêneđitô ăn mặc rách rưới được giương cao đề mọi người kính bái. Một ơn gọi lạ lùng! Bạn hỏi tại sao? Đó là lúc toàn thế giới Kitô giáo ham mê vật chất hơn tinh thần và không còn ý nghĩa gì nữa với dân chúng. Do đó, Thiên Chúa kêu gọi chàng trai trẻ này từ bỏ tất cả để lang thang trên các nẻo đường Rôma với những người vô gia cư khác, ăn mặc rách rưới và hôi hám. Trong khi đó Thiên Chúa lại hun đúc tận đáy lòng chàng trai trẻ này một sự thánh thiện mà người ta chưa bao giờ thấy, một lòng đạo đức lạ lùng đáng khâm phục và nên gương cho mọi người. Dĩ nhiên đây là một ơn gọi khó noi theo, nhưng thánh Bêneđitô lại luôn luôn hạnh phúc, vì lẽ thánh nhân đã hài lòng nhận biết rằng mình đang theo con đường Thiên Chúa hướng dẫn.
Đời sống của thánh Phanxica Calibri ở Rôma là một thí dụ khác thường nữa. Lúc còn là một nữ tu trẻ, sức khoẻ của chị quá yếu ớt và không ai nghĩ chị sẽ sống đuợc lâu và nên ích lợi gì cho nhà dòng. Nhưng với lòng yêu mến đậm đà đối với Thiên Chúa và lòng thánh thiện nổi bật, cũng như tình yêu đối với người nghèo khó, nhất là di dân, chị đã âm thầm và nhẫn nại thành lập trên hai trăm bệnh viện trong toàn Hiệp Chúng Quốc, cũng như ở Trung và Nam Mỹ.
Chúng ta không biết bao giờ Thiên Chúa sẽ dùng đến chúng ta. Điều quan trọng là cởi mở tấm lòng ra với Ngài và sẵn sàng để ngài xử dụng theo cách thế Ngài muốn. Chúng ta có thể tin chắc rằng ngài không để chúng ta thất vọng. Ngài sẽ sớm biến cuộc sống của chúng ta thành một cuộc phiêu lưu đem lại vui mừng và thoả mãn cũng như an bình chưa từng có. 
___________________________________

Chương năm  <=>  Chương bảy



Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam