Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam
Về
phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam
đối với một bài viết về vụ Linh mục Antôn Đặng Hữu
Chúa Giêsu bảo các môn đệ:
«Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa
có lòng tin?»
(Mc 4:40)
Sau khi Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam bị bề trên của ông là Giám mục Giáo phận Vinh yêu cầu ông ngưng dâng thánh lễ và ngưng làm mục vụ, tôi bèn lên tiếng về vụ này qua bài viết «Vụ Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam» của tôi (1).
(1) xem https://1234chinhtri.blogspot.com/2022/01/vu-lm-dang-huu-nam.html
hoặc https://www.facebook.com/nguyenchinhket/posts/10221768490023696)
Mục đích
của tôi là bênh vực một vị Linh mục đang bị bạo quyền trù giập vì đã làm
theo lương tâm của mình để lên tiếng đấu tranh cho Công bằng Xã hội đang bị chà
đạp trong xã hội hiện nay thay cho những nạn nhân của sự chà đạp này. Theo tinh
thần Giáo huấn của Giáo Hội về Xã hội, tôi luôn luôn ủng hộ những giáo sĩ nào
dám thực hành Giáo huấn ấy của Giáo Hội. Tôi còn đưa lên mạng bài «Chính sách biến chất tôn giáo của CSVN» (2)
để mọi người hiểu rõ hơn chuyện đã xảy ra với Linh mục
(2) xem https://tamlinh-tongiao.blogspot.com/2022/01/chinh-sach-bien-chat-ton-giao.html
Để phản ứng lại bài viết trên của tôi, Ban Biên Tập
Công giáo Việt Nam đã đưa lên một bài viết và một video mang tựa đề «Đầy tớ chứ không phải ông chủ của LỜI CHÚA –
Chuyên mục “Huế-Saigon-Hanoi” - BBT CGVN» (3).
(3) xem http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=22334
và https://www.youtube.com/watch?v=PWGH4Xhsmv0
Đáng lẽ sau
khi công khai trên mạng xã hội hai bài viết ấy của tôi, tôi muốn im lặng để hy
vọng và chờ đợi có sự cải thiện mà tôi mong muốn. Nhưng trong bài viết và video
youtube nói trên của «Ban Biên Tập Công
giáo Việt Nam» mà tôi nhận được qua email, tôi đã bị kết án rất nặng nề. Nhưng
những kết án ấy không thuyết phục tôi chút nào, vì chẳng chứng minh được tôi
sai chỗ nào. Vì thế tôi nghĩ cũng cần phải lên tiếng tự bênh vực mình kẻo tôi
bị hiểu lầm như những điều họ kết án, và cũng bênh vực cả những ai dám vượt
thắng sự sợ hãi, chấp nhận bị bạo quyền xách nhiễu, thậm chí vào tù hay mất
mạng để lên tiếng về những sai trái trong xã hội thay cho những người không có
tiếng nói, nạn nhân của những sai trái ấy. Tôi đoán chắc tới 90% lập trường của
Ban Biên Tập này không phải là của Hội đồng Giám mục Việt Nam, vì tôi không thể
tin được các vị mà tôi kính mến lại có luận điệu giống y hệt như những bài
trong báo chí của nhà nước đả phá và chụp mũ những người dám lên tiếng nói sự
thật về những sai trái trong xã hội.
Sau khi đọc
bài và xem video nói trên, tôi cảm thấy quan điểm của Ban Biên Tập Công giáo
Việt Nam xem ra chưa được đúng đắn lắm, nên đã viết trong phần Comment của
video ấy như sau:
«Tôi có nhận được video trên và bài viết của “Ban
Biên Tập Công Giáo Việt Nam” nói về bài “Vụ Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam” do tôi
viết.
«Video và bài viết của Ban Biên Tập có những
lời về bài viết của tôi như “Bài viết được rào đón kỹ càng để chứng tỏ là khách
quan, nhưng nội dung có những nhầm lẫn đáng tiếc, thậm chí có thể bị hiểu theo
nghĩa rất xấu; và từ đó nhiều người có thể sẽ hiểu sai Lời Chúa một cách hết
sức nguy hiểm”, “Chỉ vì quan điểm chính trị mà ông đã làm một việc để phỉ báng
Thiên Chúa và công khai chống lại Giáo Hội: ông dùng Lời Chúa để làm phương
tiện phục vụ cho suy nghĩ chủ quan cá nhân của mình, ông mượn Lời Chúa để tự
đưa ra “tiêu chuẩn” đánh giá các Giám Mục, Linh Mục Việt Nam để lôi kéo dư luận
đi theo chiều hướng của mình».
«Tôi rất lấy làm lạ khi bị phê bình nặng nề
như thế. Chỉ có điều là bài viết của Ban Biên Tập kết án nặng nề như thế mà
không hề dẫn chứng tôi sai hay nguy hiểm cho Giáo Hội ở chỗ nào. Có lẽ tôi cũng
phải lập lại lời nói của Chúa Giêsu trước toà Thượng tế Khanna và Caipha: “Nếu
tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh
lại đánh tôi?” (Ga 18:23).
«Tôi có cảm tưởng là tôi bị chụp mũ “chính
trị” tương tự như Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam, trong khi tôi và linh mục Nam
chỉ lên tiếng đấu tranh cho Chân Lý, Công Bằng xã hội, và cho Tình Yêu đang bị
chà đạp trong xã hội hiện nay, đúng theo tinh thần giáo thuyết của Giáo Hội về
xã hội mà linh mục nào cũng được học trong những năm đầu tiên ở Đại chủng viện.
Không phân biệt được đấu tranh cho tự do tôn giáo và cho công bằng xã hội khác
với làm chính trị ở chỗ nào thì quả thật là quá… kém cỏi.
«Tôi nghĩ rằng các giáo sĩ trong Giáo Hội cần
đọc lại Giáo huấn của Giáo Hội về Xã hội và thi hành giáo huấn này, đồng thời
cũng phải phân biệt một cách rõ ràng rằng làm theo Giáo huấn ấy của Giáo Hội
hoặc làm theo lương tâm mình thì không phải là làm chính trị.
«Tôi sẵn sàng tranh biện về vấn đề này để mọi
Kitô hữu có thể phân biệt được phải trái ra sao.»
Về vấn đề làm
chính trị của các linh mục, tôi nghĩ các giáo sĩ cần hiểu thật rõ ràng lập
trường của Giáo Hội Công giáo về vấn đề này để không lẫn lộn việc làm chính trị
với việc đấu tranh cho Chân Lý, Công Lý trong xã hội.
Giáo Hội phân
biệt hai trường hợp:
1) làm chính
trị theo sự thúc đẩy của lương tâm hay đức ái, nhằm lợi ích trực tiếp cho đại
chúng. Giáo Hội khuyến khích giáo dân nên làm chính trị vì động lực cao thượng
này.
2) và làm
chính trị đảng phái, nhằm lợi ích trực tiếp cho phe nhóm hay đảng phái của
mình; vì thế, lợi ích của đại chúng chỉ được nhắm đến cách gián tiếp. Giáo Hội
có thể chấp nhận cho giáo dân làm chính trị loại này, nhưng cấm giáo sĩ làm.
Như vậy, theo
luật Giáo Hội, giáo sĩ không được phép làm chính trị đảng phái, còn giáo dân
thì được tự do. Còn những gì mà lương tâm hay đức ái đòi hỏi, dù có liên quan
ít nhiều đến vấn đề chính trị, thì dù là giáo sĩ hay giáo dân cũng đều nên làm
và nhiều khi buộc phải làm. Giáo Hội không chủ trương làm chính trị, chỉ chủ
trương làm theo đòi hỏi của đức ái hay của lương tâm mà thôi. Nếu khi làm theo
những đòi hỏi của đức ái hay của lương tâm mà việc ấy mang tính cách chính trị,
thì Giáo Hội không vì thế mà tránh né.
Luật Giáo Hội
Điều 285 §3 viết: «Cấm các giáo sĩ đảm
nhận những chức vụ công quyền có kèm theo việc hành xử quyền bính dân sự». Điều
287 §2 cũng viết: «Các giáo sĩ không được
tham gia tích cực vào các đảng phái chính trị, hoặc dự phần lãnh đạo trong các
nghiệp đoàn, trừ khi nào, theo phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền của
Giáo hội, việc bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội và cổ võ công ích đòi hỏi như vậy».
Theo những điều này thì những vị giáo sĩ nào tham gia vào Quốc hội hay vào một
tổ chức chính trị nào của quốc gia, thì là lỗi luật Giáo Hội. Tôi lấy làm lạ là
nhiều vị lãnh đạo trong Giáo Hội không hề kết án những giáo sĩ loại này là làm loại
chính trị Giáo Hội cấm, mà lại kết án những vị lên tiếng cho Công Lý theo đòi
hỏi của đức ái hay của lương tâm là làm chính trị. Dường như họ không hiểu rõ
luật Giáo Hội thì phải (?!). Đối với những vị giáo sĩ như Linh mục Antôn Đặng
Hữu Nam, Giáo Hội còn khuyến khích qua Điều 287 §1 : «Các giáo sĩ hãy tận lực cổ võ duy trì hòa bình và hòa đồng giữa mọi
người, dựa trên nền tảng công bằng». Theo Giáo huấn của Giáo Hội về xã hội,
thì việc đấu tranh cho Công Bằng Xã hội thì là bổn phận của người Kitô hữu, bất
kể là giáo sĩ hay giáo dân.
Vì thế tôi
viết thêm trong phần reply comment của tôi trong video nói trên như sau :
«Nếu Ban Biên Tập cũng lên tiếng để bênh vực
những nạn nhân của bất công xã hội tương tự như lên tiếng bênh vực hàng giáo sĩ
thì chắc chắn số người theo đạo Công giáo sẽ đông hơn rất nhiều. Nếu hàng giáo
sĩ chỉ biết co cụm vào chính mình, và làm ngơ trước những bất công xã hội,
trước những người bị đàn áp, đồng thời chụp mũ “chính trị” cho những ai lên
tiếng chống bất công xã hội, tố cáo những sai trái trong xã hội… thì tôi chắc
chắn 100% rằng như thế là đã đi sai đường rồi. Lẽ ra hàng giáo sĩ phải ủng hộ
những người dám làm theo Giáo Huấn của Giáo Hội về Xã hội mới đúng, thay vì
chống lại họ.
«Thiết tưởng tôi cũng nên lập lại lời của
Linh mục Nguyễn Văn Lý :
«Giáo Hội mọi
thời đều luôn có 4 loại người phải gặp gỡ :
«– Giáo Hội gần
gũi người có quyền, mọi người sẽ ghét Giáo Hội.
«– Giáo Hội gần gũi người có tiền,
mọi người sẽ khinh Giáo Hội.
«– Giáo Hội gần gũi người có học,
mọi người sẽ sợ Giáo Hội.
«– Hội Thánh cần hòa đồng, gần
gũi, yêu thương, chăm sóc, quý trọng, phục vụ người yếu thế, bất hạnh, bệnh
tật, cô đơn, ít học, nghèo khổ… thì mọi người và 3 loại người trên phải quay
lại ủng hộ Hội Thánh. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đương nhiệm luôn nêu gương
hòa đồng và chăm sóc người nghèo rất rõ. Rất tiếc bài học lịch sử mọi thời này,
2000 năm rồi, nhiều Vị Lãnh đạo Hội Thánh Công Giáo Việt Nam đến nay vẫn chưa
thuộc, mong gì lãnh đạo đúng !!!»
Tôi cũng comment thêm (4) trong Facebook nơi
bài viết về video nói trên:
(4) xem https ://www.facebook.com/nguyenchinhket/posts/10221799522079478 ?comment_id=10221800333539764
«Trước đây, thầy dòng Martin Luther khi qua
Roma đã nhìn thấy những điều sai trái trong Giáo Hội và vì lương tâm đã lên
tiếng sửa sai. Nhưng thay vì sửa sai thì Giáo Hội lại kết án Luther, để rồi
cuối cùng Luther đã lập nên một Giáo Hội Cải Cách tách rời khỏi Giáo Hội. Thay
vì chấp nhận chữ “Cải Cách” (Reformed) và nhận lỗi ít nhiều về mình, thì Giáo
Hội lại gọi họ là “Thệ Phản” (Protestant). Xem ra không cao thượng lắm !
«Chính vì thế, trong Tông Thư “Tiến Tới Thiên
Niên Kỷ Thứ Ba” (Tertio Millennio Adveniente) ban hành ngày 10/11/1994, Đức
Gioan-Phaolô II đã kêu gọi Giáo Hội sám hối vì trong thiên niên kỷ thứ hai,
Giáo Hội một phần nào đã “phá hỏng sự hiệp nhất mà Thiên Chúa muốn có nơi Dân
Ngài” (số 34). Và hiện nay Giáo Hội đang muốn sửa chữa lại những sứt mẻ ấy.
«Giáo Hội đang muốn sửa chữa lại những sứt mẻ
ấy. Nhưng cách kết án nặng nề của Ban Biên Tập kênh youtube “Ban Biên Tập Công
Giáo Việt Nam” thì lại đang lập lại chính những sai phạm mà Giáo Hội đang muốn
sửa chữa. Hy vọng các vị lãnh đạo Giáo Hội Công giáo Việt Nam tránh được những
sai phạm đáng tiếc ấy.
«Rất mong các Giám mục Việt Nam đồng hành hay
hiệp hành với những người dám hy sinh sự an thân hoặc mạng sống của mình để lên
tiếng cho Chân Lý, Công Lý theo quan điểm của Giáo Huấn của Giáo Hội về Xã hội…
chứ đừng đồng hành hay làm mọi người hiểu lầm rằng các vị đồng hành hay hiệp
hành với những kẻ chà đạp Chân Lý, Công Lý.»
Nguyễn Chính Kết
Houston,
16-1-2022
Tờ Công giáo Việt Nam là tay sai cho "lều cầm quyền" độc tài đảng trị.
ReplyDelete