05-Viễn tượng mới


Chương năm
Viễn tượng mới

Tôi rất ngạc nhiên khi thấy những bạn trẻ hăng say khổ luyện trong ngành thể thao. Các lực sĩ tập luyện hàng giờ, ngày nọ qua ngày kia, để chuẩn bị tranh giải. Các ca sĩ cũng tập luyện hàng giờ mỗi ngày. Và ngày nay dân chúng cũng khó nhọc tập thể dục để được khoẻ mạnh.
Đời sống thiêng liêng cũng không khác hơn. Chúng ta phải tập luyện luôn. Mặc dù tôi nghĩ rằng đời sống thiêng liêng không cần phải làm những chuyện khác thường, nhưng cũng có những việc riêng biệt của nó, đó là tập tành đạo đức. Linh đạo là tiếp cận với con người nội tâm, tìm hiểu chúng ta là ai, là gì, cảm nghĩ thế nào và liên hệ với thế giới ra sao? Điều quan trọng nhất là hiểu biết chúng đưa chúng ta đến với Thiên Chúa là trung tâm của đời sống của chúng ta thế nào. Trong tiến trình tu đức, điều cốt yếu là phát triển cái nhìn bao quát về đời sống, về Thượng đế là chuẩn đích để nhìn rõ hơn, cảm nhận rõ hơn và thấy được ý nghĩa của cuộc sống. Phát triển cái viễn tượng này không phải dễ dàng. Chúng ta có thể bị lạc lối. Chúng ta có thể phạm lỗi lầm khốc hại. Hãy xem những điều quái dị mà con người làm với danh nghĩa tôn giáo. Biết bao lần chúng ta thấy những người mang danh đạo bị ám ảnh về đạo và nghĩ rằng mình là lương tâm của những người chung quanh. Họ trở thành phiền toái vì tạo áp lực cho gia đình và cho cả người lạ. Qua dòng lịch sử có biết bao người bị thiêu sống và tra tấn vì danh nghĩa tôn giáo? Ở thời đại này chúng ta cũng chứng kiến những thảm kịch đã xảy ra vì những kẻ cuồng tín. Những người ấy đã khởi sự lộ trình linh đạo một cách tốt đẹp như mọi người. Nhưng rồi vì một ý tưởng kỳ quặc nào đó họ đã rẽ sai ngã đường và có những tư tưởng không mấy lành mạnh.
Để cho tâm trí được lành mạnh chúng ta cần những thức ăn bổ dưỡng. Chúng ta cần hơi thở. Sự thực là vậy. Thức ăn bổ dưỡng này lấy từ những gì chúng ta đọc, đặc biệt là Thánh Kinh; đời sống cầu nguyện là hơi thở. Kềm chế những dục vọng lăng loàn là chính yếu. Đọc sách giúp cởi mở tâm trí và lớn lên trong đời sống thiêng liêng tùy theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa và sức lực cá nhân. Nên nhớ rằng đời sống thiêng liêng mỗi người mỗi khác. Không có một công thức nào là độc nhất. Người thì thích công bình xã hội. Người thì thích vai trò phụ nữ trong xã hội. Người thì thích chính trị. Người thì thích tranh đấu cho cảnh cơ cực của những kẻ đói khổ. Người lại thích chiêm niệm. Có người lại chỉ thích đời sống bình thường với bạn bè láng giềng, cách chung tùy theo Thiên Chúa hướng dẫn. Những sở thích này không hoàn toàn là lối sống tthiêng liêng, nhưng là những ngoại diện của đời sống nội tâm, nhưng không phải là cốt tính của đời sống nội tâm. Cốt tính của đời sống nội tâm là cộng tác với Thiên Chúa, là sống mật thiết với Ngài. Ngài muốn gì nơi chúng ta thì chúng ta luôn sẵn sàng. Ngài muốn dẫn đi đâu thì chúng ta đi theo đến đấy.
Sống đời sống mới này không phải dễ. Nó không tự nhiên đối với chúng ta, vì thế cần phải khắc phục những khuynh hướng tự nhiên để thích ứng với lối sống mới và xa lạ này. Sống kỷ cương là cần thiết để phát triển đời sống thiêng liêng cũng như đời sống thể lý và tinh thần. Cũng như lực sĩ tự khắc chế không ngừng nghỉ với những môn thể dục và thích thú tìm đọc về đời sống của những lực sĩ mình ái mộ, thì lực sĩ về đời sống thiêng liêng cũng phải khắc chế những khuynh hướng loạn xạ của mình và yêu thích phát triển đời nội tâm. Nếu không theo quy tắc này thì sẽ cảm thấy lạnh nhạt dần và trở về đường xưa lối cũ ! Ngày xưa những người có khuynh hướng sống đời sống thiêng liêng thì thích đọc truyện các thánh. Việc này rất có lợi mà lại còn thích thú nữa. Nó gợi lên những tư tưởng mạnh mẽ và hấp dẫn cho suy tư và bắt chước. Ngày nay vì loại các thánh ra ngoài nên phụ huynh làm mất mát cho mình và con cái hàng loạt những chứng nhân mạnh mẽ cho đức tin và linh đạo. Tôi nhớ lúc còn thơ ấu, tôi thường đọc hạnh các thánh hàng giờ, nhất là các thánh tử đạo thời giáo hội sơ khai. Tôi cảm phục sự can đảm của các ngài cũng như lòng tín cẩn đối với Thiên Chúa. Thật là cảm động khi chứng kiến những việc lạ lùng Thiên Chúa làm trong đời sống của những tâm hồn quảng đại này, những tâm hồn sẵn sàng hy sinh để theo ngài.
Giới trẻ ngày nay ít được nghe biết về hạnh các thánh. Họ không mấy thích thú đọc Thánh Kinh vì văn chương và lời hành văn thì cổ xưa, các câu chuyện lại rời rạc và nhàm chán đối với đa số bạn trẻ. Hạnh các thánh có thể giúp họ đến với Đức Kitô. Sự thiếu thốn này đã tạo nên một khoảng trống mà giới trẻ không tìm được người lý tưởng để theo, thế nên họ tạo nên người lý tưởng cho mình, nhưng tiếc thay những người lý tưởng này không mấy thánh thiện. Một điều đáng buồn là trong xã hội ngày nay giới trẻ chỉ có lực sĩ là người hùng của mình. Vì chúng ta đã không đưa các thánh vào đời sống của chúng, bây giờ chúng ta phải trả một giá rất đắt. Chúng không có những người hùng để noi theo.
Giai đoạn phát triển trong đời sống thiêng liêng là quyết liệt. Quyết liệt vì ở thời điểm này chúng ta vạch định đường hướng cho tương lai. Những quyết định trong thời điểm này sẽ ảnh hưởng suốt đời sống của chúng ta. Yếu tố chủ chốt của đời sống mới là tự do. Một khi đã tìm được Đức Kitô là đấng cứu chuộc thì Ngài sẽ ban cho chúng ta sự tự do. Tự do là chính mình tự do theo ngài, tự do lựa chọn. Đáng tiếc là có nhiều người không mấy thoải mái với tự do. Họ thấy cần phải có một người lãnh đạo, một ông thầy, hay một cố vấn để phụ trách hướng đi của đời sống thiêng liêng, để bảo họ phải làm gì và phải suy nghĩ làm sao. Một viên hướng đạo hay một người cố vấn thì có thể hiểu được, như trong ngành thể thao hay trong nghề nghiệp, nhưng cũng chưa đủ. Nhiều người lầm tưởng rằng họ phải được hướng dẫn từng bước đi.
Tôi đang đọc một quyển sách về một tổ chức trong Giáo Hội Công giáo đòi hỏi vâng lời tuyệt đối. Các thành viên phải có phép của người lãnh đạo để làm bất cứ việc gì, kể cả việc thay đồ lót! Họ không được liên lạc với gia đình, không được tham gia một tổ chức nào với người trong gia đình. Khi một thanh niên gia nhập tổ chức này, họ được lệnh không được báo cho gia đình biết. Các thành viên buộc phải bộc lộ hết tâm can cho người lãnh đạo. Có tư tưởng nào mới trong đường tu đức, họ cũng phải trình bày cho người lãnh đạo để xin phép thi hành. Người lãnh đạo hoàn toàn nắm quyền hành trên các thành viên. Kinh khủng!
Lối sống như thế bóp nghẹt sự tự do mà Đức Giêsu ban cho chúng ta. Nó tước bỏ phẩm giá con người là con cái của Thiên Chúa nhưng lại không được trực tiếp liên lạc với Ngài. Nó cho người lãnh đạo quyền phủ quyết trên cả hoạt động của Chúa Thánh Linh trong đời sống con người. Nó cất đi niềm vui được tự do mà chỉ làm nô lệ cho tư tưởng của người lãnh đạo, dù tư tưởng của ông có cao siêu đến đâu đi nữa. Thiên Chúa không kềm chế đời sống của chúng ta như tổ chức này làm đối với các thành viên. Những tổ chức không được lành mạnh này thật ra hạn chế công cuộc cứu rỗi của Đức Kitô và can thiệp vào đường lối hoạt động của Chúa Thánh Linh trong tâm hồn mỗi người. Mục đích chính của tổ chức này là tranh quyền trong Giáo hội và trong xã hội. Để đạt được mục đích này họ làm bạn với người giàu, người có học và người có quyền. Người nghèo thì không mấy đáng kể. Họ đi xa tinh thần của Đức Giêsu, để đạt mục đích của mình thì họ buộc các thành viên phải từ bỏ tự do mà làm theo ý muốn của các người lãnh đạo.
Tự do là chính yếu trong đời sống thiêng liêng nếu chúng ta muốn đáp lại tiếng gọi của Chúa Thánh Linh và lớn lên trong ân sủng Chúa ban. Chúng ta thấy rõ rệt điều này trong đời sống các ngôn sứ của Cựu Ước. Các ngài phải hoạt động thật khó khăn trong chương trình của Thiên Chúa. Thiên Chúa trao quyền giáo huấn trong Dothái giáo cho Maisen, cho các vị thượng phẩm, các thầy thông giáo và các người Pharisêu. Ngài hướng dẫn đời sống thiêng liêng của dân Ngài qua các vị. Các ngôn sứ thì dễ bị tổn thương khi quốc gia ở trong cơn khủng hoảng. Khi các vị lãnh đạo tôn giáo không làm theo ý của Thiên Chúa thì Ngài chọn các ngôn sứ là những người không ở trong ban giáo huấn để mang sứ điệp đến cho dân Ngài. Điều này khơi dậy lòng ganh tị nơi giáo sĩ và vua chúa vì họ cảm thấy bị khinh dể khi Thiên Chúa chọn những người không tên tuổi để hướng dẫn dân Ngài. Kết quả là các vị lãnh đạo tôn giáo bách hại và giết các ngôn sứ. Vì lẽ đó cũng dễ hiểu tại các ngôn sứ trẻ tuổi phải lo lắng khi được Thiên Chúa gọi, các ông miễn cưỡng nghe lời thúc dục của Thiên Chúa vì các ông quá biết số phận của các ông sẽ ra sao. Những vị can đảm này là những người hùng trong Thánh Kinh, nhiều sách trong Thánh Kinh mang tên các ông. Không ai nhớ tên các thầy thông giáo hay người Pharisêu, hoặc các vị tư tế đã làm gì ngoài việc các vị giết chết các ngôn sứ. Các ngôn sứ là những người đặc biệt vì các ông tự do lắng nghe Thiên Chúa và đáp lời Ngài.
Ngày nay chúng ta cũng thấy những hiện tượng tương tự. Các vị lãnh đạo trong Giáo Hội câu nệ những hình thức cằn cỗi cổ xưa, tham gia vào chính trị và tiền tệ quốc tế, tuy là những việc cần thiết. Nhưng dân Chúa thì đang đóí khát những nhu cầu cần thiết mỗi ngày một trầm trọng. Do đó chúng ta thấy Thiên Chúa qua mặt quyền giáo huấn của Giáo hội mà dạy dỗ qua trung gian những thường dân như Dorothy Day, César Chavez hoặc một vài thần học gia am hiểu và nhìn xa. Các vị này đánh động lương tâm các chủ chăn để họ thức tỉnh mà đáp ứng nhu cầu của đoàn chiên. Lịch sử tái diễn! Các ngôn sứ bị bách hại và khai trừ vì nghe lời Thiên Chúa và mang sứ điệp của ngài đến với họ. Ngày xưa Thiên Chúa dùng các ngôn sứ để làm những việc đặc biệt cho Ngài, bởi vì các ông tự do nghe những gì Ngài dạy bảo và không quá bám lấy dĩ vãng. Các ông có thể từ chối. Nghĩ cho cùng, các ông là gì mà dám bảo những người được Chúa thánh hiến phải dạy gì và hành xử thế nào? Nhưng các ngôn sứ chân chính thì nghe lời kêu gọi và dạy bảo của Thiên Chúa.
Các ngôn sứ chỉ là một thí dụ của những người biết lắng nghe Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta cũng có một sứ mệnh quan trọng và có ấn tượng mạnh như các ngôn sứ. Chúng ta cũng phải tự do theo con đường ngài dẫn dắt nếu chúng ta muốn hoàn thành vai trò Ngài trao cho.
Tuy nhiên không dễ gì mà thi hành tự do. Có người sợ hãi khi nghĩ đến tự do. Mấy năm về trước tôi làm trưởng nhóm một nhóm nhân quyền và vừa là thành viên trong ban cố vấn của văn phòng chính phủ lo cho người già trong tù không còn là đe dọa cho xã hội. Tôi lập một ủy ban vận động để trả tự do cho họ. Lúc đầu, các nhân viên nhà tù không tìm ra hết được những người phải được thả ra vì tên tuổi của họ bị chôn vùi trong những đống hồ sơ và cũng không có trên máy vi tính. Khi tìm ra được danh sách thì được biết là những tù nhân ấy thích được vô danh và không muốn được trả tự do. Họ thấy an toàn hơn trong thế giới của họ và muốn ở đấy cho đến chết. Họ sợ là không sống nổi khi được sống tự do bên ngoài. Có nhiều người cũng sợ hãi tự do như thế. Có thể vì lý do an ninh hay vì không muốn lãnh lấy trách nhiệm cho công việc của mình, nhưng hậu quả vẫn thế. Họ sợ rằng khi được tự do họ sẽ thất bại hay sẽ phải gánh lấy trách nhiệm về những quyết định của mình. Họ thích được dạy bảo và khỏi phải tự quyết định. Nếu ai có vấn đề như thế thì rất khó sống đời sống thiêng liêng vì muốn sống kết hợp với Thiên Chúa thì phải có quyết định, quyết định thay đổi cái nhìn về tạo vật, nhìn Thiên Chúa dưới ánh sáng khác, theo con đường Thiên Chúa dẫn dắt. Đối với những người như thế thì có thể cần có một vị linh hướng, không phải một người có quyền áp đặt những quyết định, nhưng là như người có nhiều ý kiến có thể giúp giải quyết những vấn đề phức tạp và rắc rối và đưa ra những đề nghị mới để suy nghĩ. Vị linh hướng là người có đức tin và hiểu biết linh đạo, thông minh và thực tế.
Người ta không biết rằng tự do là một điều thích thú, chỉ vì không biết dùng tự do của mình nên không thấy thích thú. Trẻ con cũng giống thế. Chúng phàn nàn kêu ca. Má ơi, con chán quá. Ta sẽ luôn luôn nhàm chán nếu chúng ta không biết dùng tự do của mình. Đọc sách cũng gíúp ích rất nhiều. Có hàng loạt sách về tu đức cho mọi lứa tuổi trong đời sống thiêng liêng, có những quyển thật nhàm chán nhưng cũng có những quyển rất bổ ích và hứng thú. Chúng ta nên làm quen với những sách đó và để dành mỗi ngày chút ít thời giờ mà đọc. Chúng sẽ mở cho chúng ta một chân trời rộng rãi và đưa ra những vấn đề để suy tư.
Ngoài việc đọc sách là cầu nguyện. Sống mật thiết hơn với Thiên Chúa là nhờ ở việc cảm nhận Ngài hiện diện trong đời sống của chúng ta. Khởi đầu rất khó mà nghĩ đến Ngài. Nhưng Ngài sẽ hiện diện rõ rệt hơn và chúng ta sẽ cảm nhận Ngài một cách mật thiết hơn trong kinh nguyện của chúng ta. Có khi là độc thoại, có khi là đàm thoại với Ngài. Trong kinh nguyện Thiên Chúa sửa đổi thái độ của chúng ta. Ngài giúp chúng ta thay đổi cái nhìn và hiểu biết về đời sống. Qua một giai đoạn sống mật thiết với Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy thái độ của chúng ta về mọi sự sẽ thay đổi. Chúng ta nghĩ về Thiên Chúa một cách khác. Chúng ta nghĩ về chúng ta và tha nhân một cách khác. Chúng ta nghĩ về người giàu và người nghèo một cách khác. Chúng ta thấy cuộc sáng tạo của Thiên Chúa rất là thánh thiện. Với thời gian, Thiên Chúa sẽ thay đổi toàn diện đời sống của chúng ta. Ngài làm một cách hết sức tế nhị mà chúng ta không hay biết. Có người sẽ nhận thấy và nói: Bạn sống tốt lành quá! Nhưng bạn lại không hiểu họ muốn nói gì, bởi vì Thiên Chúa âm thầm hoạt động mà bạn không biết việc gì đã xảy ra. Đó là điều thánh Phaolô muốn ám chỉ khi thánh nhân viết, «Tôi sống, nhưng không phải là tôi , mà là đấng Kitô sống trong tôi».
Sống theo ý Thiên Chúa đòi hỏi nhiều tin tưởng, nhưng có thể đó là một quyết định quan trọng nhất trong đời sống của chúng ta. Khắc chế chính mình và tập tành đạo đức sẽ giúp chúng ta sống mạnh mẽ và dũng cảm đi trên con đường mới. 
___________________________________

Chương bốn  <=>  Chương sáu



Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam