04 Lạy Chúa, Ngài ở đâu?
Chương bốn
Lạy Chúa, Ngài ở đâu?
Giờ đây Thiên Chúa đã bắt đầu hoạt
động trong chúng ta và chúng ta cũng cảm thấy thoải mái với Ngài, thì đừng sợ
hãi nhưng hãy hoàn toàn tín cẩn nơi Ngài. Đây là điều khó làm. Các Tông Đồ cũng
cảm thấy thế. Mặc dù sống với Đức Giêsu nhiều năm và chứng kiến những việc lạ
lùng Ngài làm, nhưng các ông cũng còn do dự và ngờ vực, ngay cả khi Ngài có
mặt, như khi Ngài gọi Phêrô lội đến với Ngài lúc biển động. Phêrô vâng lời nhảy
xuống biển, nhưng lại hoảng hốt khi nghĩ mình đang làm gì. Chúng ta quen làm
chủ lấy mình. Chúng ta được đào tạo sống độc lập, sống tự chủ và gọi đó là «có tinh thần trách nhiệm». Bây giờ không
dễ dàng bỏ thái độ ấy đi mà đón nhận Thiên Chúa vào đời sống, đừng nói chi đến
việc để Ngài điều khiển đời sống của chúng ta. Nhưng đó là cách thức độc nhất
mà chúng ta có thể hoạt động cách hữu hiệu và sống còn. Các phụ huynh cũng
thường cảm thấy khó khăn để Thiên Chúa điều khiển con cái mình. Các cụ nghĩ
rằng chỉ có thể bảo vệ con cái khi kiểm soát và hướng dẫn từng bước đi của
chúng. Khi không kiểm soát được chúng nữa thì các cụ thất vọng. Các cụ sợ rằng
đời sống của chúng sẽ bị tàn phá. Tuy nhiên phó thác chúng cho Thiên Chúa là
cách thế duy nhất để giúp chúng, chúng có thể ở vào lứa tuổi hai mươi lăm, ba
mươi hay lớn hơn nữa. Thiên Chúa có thực. Ngài đang chờ cơ hội để trợ giúp nếu
chúng ta mở lòng đón nhận Ngài. Đó không phải là trốn tránh trách nhiệm, không
phải là buông tay nhưng là công tâm chấp nhận rằng mình không quản lý được đời
sống với bao phiền toái do bản chất yếu đuối của thân phận con người, hoặc do
những lực lượng bên ngoài. Đó là lời cầu xin Thượng Đế cứu giúp.
Việc phó thác cho Thiên Chúa có
một nền móng thần học vững chắc vì Thiên Chúa không dựng nên chúng ta cách bừa
bãi. Ngài dựng nên chúng ta trong yêu thương và lo lắng, Ngài hoạch định nhiều
việc lạ lùng cho đời sống chúng ta, không chỉ cho chúng ta nhưng còn cho những
người mà chúng ta sẽ tiếp xúc. Ngài quan tâm đến vai trò của chúng ta trong xã
hội và ảnh hưởng của chúng ta với tha nhân. Đức Giêsu có lần bảo rằng Cha của
Ngài biết chúng ta tường tận, Ngài biết cả sợi tóc trên đầu chúng ta. Thiên
Chúa dấn thân vào đời sống của chúng ta không phải để xoi mói hoặc bắt lỗi,
nhưng để giúp chúng ta hiểu biết chính bản thân và cảm thấy thoải mái với Ngài
và để Ngài hướng dẫn cho. Càng độc lập thì càng khó mà phó thác cho Thiên Chúa.
Chúng ta quen phân tách mọi hoàn cảnh và tìm câu giải đáp, vì thế phó thác cho
Thiên Chúa và mở lòng đón nhận Ngài bị xem như là thua cuộc và lẫn tránh trách
nhiệm. Nhiều người không thể hiểu được. Tuy nhiên, chúng ta cần phải cộng tác
với Thiên Chúa vì đó chính là đường lối linh đạo. Không có Thiên Chúa thì chúng
ta không thể làm gì được vì Ngài là bí quyết của cuộc sống, nhưng Ngài cũng cần
chúng ta để hoàn thành chương trình của Ngài trong công cuộc sáng tạo, một sáng
tạo, theo ý Ngài, còn bất toàn và chưa hoàn tất. Phận sự của chúng ta là giúp
hoàn mỹ công cuộc sáng tạo. Tuy nhiên Ngài không xâm phạm tự do của chúng ta mà
bắt buộc chúng ta hợp tác với Ngài, mặc dầu Ngài cần chúng ta hợp tác để hoàn
thành những mục tiêu của Ngài trong vũ trụ.
Hãy nhìn vũ trụ cách tổng quát. Nhiều
quốc gia đang đói khát, trong khi một số quốc gia lại dư ăn. Người ta oán ghét
Thiên Chúa. «Nếu Thiên Chúa tốt lành, tại
sao Ngài dung túng sự dữ và cơ cực?» Đó không phải tại Thiên Chúa. Ngài
hoạt động với nhân loại là thụ sinh của Ngài. Ngài hoạt động với và qua trung
gian nhân loại. Ngài luôn luôn thi hành phần sự của Ngài. Ngài ban cho chúng ta
nhiều hơn là chúng ta cần, để chúng ta chia sẻ với những ai đang túng thiếu. Chính
chúng ta cắt đứt giây liên lạc với Ngài và từ chối chia sẻ gánh nặng, vì thế
mới có lo buồn và khổ não mọi nơi.
Đời sống cá nhân chúng ta cũng
thế. Thiên Chúa muốn tham gia vào, nhưng chúng ta lại muốn độc lập và sợ mất nó
nếu để Thiên Chúa bước chân vào. Chúng ta tranh đấu và cực chẳng đã mới bỏ đi
tính bướng bỉnh. Nhưng lạ thay, Thiên Chúa lại muốn cho chúng ta hưởng thụ đời
sống Ngài ban. Ngài muốn là cộng tác viên của chúng ta chứ không muốn làm cho
chúng ta cơ cực, mất hạnh phúc và mất tự do. Ngài muốn cho chúng ta biết làm
sao có thể hoàn tất công việc của chúng ta, được an bình và thỏa mãn. Thiên
Chúa chỉ muốn thế. Đức Giêsu cũng đã hứa rằng ai chấp nhận Ngài thì Ngài và Cha
của Ngài sẽ đến cư ngụ nơi họ.
Tôi nghĩ rằng người ta không biết
đó là một đặc ân cao cả và kỳ lạ. Khi nghĩ đến việc Đức Giêsu hứa sẽ thiết lập
một liên hệ với chúng ta, làm bạn đồng hành với chúng ta, thì chúng ta không
khỏi xúc động và an tâm. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ cô đơn.
Phó thác cho Thiên Chúa không có
nghĩa là chúng ta không còn suy nghĩ, không mơ tưởng cho tương lai. Thực ra đời
sống sẽ không thay đổi. Chúng ta vẫn thức dậy buổi sáng, cầu nguyện, xếp đặt
công việc, làm những việc thường làm. Chỉ có khác là chúng ta mở lòng ra cho
Thiên Chúa mà đem Ngài vào đời sống của chúng ta. Và khi hoàn cảnh cho thấy
Thiên Chúa muốn nói gì với chúng ta, thì chúng ta lắng nghe và dù có bận đến
đâu đi nữa, chúng ta cũng theo Ngài hướng dẫn. Điều này sẽ xảy ra thường xuyên
hơn khi chúng ta tìm thấy Ngài. Ngài sẽ dàn xếp những hoàn cảnh của đời sống để
chúng ta có thể chấp nhận thay đổi. Chẳng hạn Ngài đưa đẩy một người lạ đến bàn
thảo với chúng ta về một dự án hay một công việc mà chúng ta không bao giờ nghĩ
đến và như thế mở ra cho chúng ta một chân trời mới. Ngài sắp đặt hoàn cảnh mới
để thay đổi đường hướng của chúng ta. Cuộc sống sẽ hấp dẫn hơn và chúng ta biết
đấy là Thiên Chúa mở cửa và để chúng ta hoạt động với Ngài.
Một trong những vấn đề chúng ta
gặp phải trong việc giao tiếp với Thiên Chúa là cảm thấy mình bất xứng. Tại sao
Thiên Chúa lại quan tâm đến tôi? Cứ xem những gì tôi đã làm và những nơi tôi đã
bước chân đến! Tôi đã vấp ngã và thất bại nhiều lần và đã không để Thiên Chúa
chia sẻ đời sống với tôi. Tại sao giờ đây Thiên Chúa lại quan tâm đến tôi?
Đó là vấn đề không thể hiểu được. Nó
đã làm cho các thánh nhân bối rối. Chúng ta mang nhiều khuyết điểm khi đến với
Thiên Chúa. Chỉ còn cách là cúi đầu khiêm tốn đến với Ngài. Chúng ta đã quá ích
kỷ và dành ít thời giờ cho Thiên Chúa trong quá khứ cũng như đã phạm lỗi một
cách trầm trọng. Tại sao Thiên Chúa lại phải quan tâm? Nếu chúng ta đối xử với
người đời như thế, tất họ sẽ ngoảnh đi nơi khác. Tuy nhiên chúng ta đang tiếp
xúc với một đấng có một lối hành xử khác với nhân loại, Ngài không phiền hà gì.
Chúng ta đang tiếp xúc với một đấng dựng nên chúng ta trong yêu thương, ngài
nhìn đến tội lỗi của chúng ta không như những nhà thần học hay quan án xét xử,
nhưng như một người cha, một bà mẹ yêu chiều con cái, xem tội lỗi của chúng ta
như những bước chân tập tễnh học sống. Một đứa trẻ tập đi và trượt ngã, và cứ
ngã mãi cho đến khi mạnh đủ để bước đi. Có cha mẹ nào phạt con ngã té khi chúng
tập đi?
Đó là tình trạng của chúng ta. Thiên
Chúa rất thực tế. Dù sao Ngài cũng là đấng tạo dựng nên chúng ta và biết chúng
ta sẽ hành xử thế nào. Chúng ta sẽ ngỡ ngàng khi nghĩ đến những gì chúng ta có,
nhưng Thiên Chúa hiểu biết cái phức tạp của những nhu cầu và những động lực
đang sôi sục trong chúng ta. Ngài biết chúng ta đang quờ quạo bước đi giữa
những tham sân si của cõi lòng. Ngài sẽ không thực tế nếu Ngài lánh xa chúng ta
là thụ tạo Ngài dựng nên thể ấy. Thực vậy, Ngài không làm như thế. Đức Giêsu
suốt đời đã cố gắng thuyết phục dân chúng rằng Cha của Ngài rất hiểu biết nhân
loại. Câu chuyện đứa con hoang phí là
một thí dụ tuyệt vời về điều đó. Thực ra đó là câu chuyện người cha hoang phí nếu bạn đọc kỹ lại. Có người cha nào đối
xử với đứa con vô trách nhiệm như trong cốt chuyện? Ông còn chia gia tài cho nó
trước khi ông chết. Thế rồi sau khi người con bỏ nhà ra đi và tiêu phí hết tiền
bạc cho thoả mãn và can đảm trở về, thì người cha lại chạy ra đón lấy nó, cưng
chiều nó, mở tiệc ăn mừng mà không nhắc gì đến dĩ vãng. Rõ ràng Đức Giêsu muốn
nói cho chúng ta hiểu về Cha của Ngài là thế đó, Cha ngài cũng đối xử với chúng
ta như vậy, Ngài ban cho chúng ta dư đầy.
Chúng ta là những người con hoang
phí, chúng ta tiêu xài hầu hết những gì Thiên Chúa rộng rãi ban, phung phí cho
chính mình, rồi gặp khổ đau và cạn túi thì trở về với Thiên Chúa. Nhưng Ngài
lại mở lòng đón nhận chúng ta.
Chúng ta lo lắng về những gì mình
đã làm và những khổ đau mình đã tạo nên. Chúng ta lo đến những người mình yêu
mến và những khổ đau họ đang mang. Thiên Chúa cất những điều ấy đi mà mang lấy
vào mình. Ngài bảo đảm sẽ chữa lành những vết thương ấy, sẽ thoa dịu những vết
thương do chúng ta tạo nên, cũng như những lo lắng cho những người chúng ta yêu
mến. Thiên Chúa làm thế đấy. Thời gian trôi qua, chúng ta sẽ cảm thấy bớt khổ
đau, và những người chúng ta yêu mến cũng sẽ khá hơn và an bình hơn. Những lầm
lỡ chúng ta làm trong quá khứ giống như những vết chân trên bùn được tuyết đông
phủ lấp và rồi trở thành những luống hoa rừng khi xuân đến. Thiên Chúa làm mọi
sự ra mới. Với Thiên Chúa hiện tại mới là quan trọng. Ngài chữa lành những vết
thương của dĩ vãng để chúng không còn năng lực hủy diệt những gì chúng ta tìm
thấy nơi tình yêu của Ngài đối với chúng ta.
Vì sự hiện diện của Thiên Chúa mỗi
lúc càng thúc bách và xác tín, chúng ta cần phải kiên trì hơn. Ngài cố làm bạn
với chúng ta. Chúng ta hãy xem đó là một đặc ân và là một ân huệ, và trân trọng
ôm ấp nó. Hãy giành lấy thời giờ giữa bận rộn mà đến một nơi nào đó để ở với
Thiên Chúa. Chúng ta không cần phải đọc kinh to tiếng hoặc phải hầu chuyện với
Ngài. Chỉ cần ở với Ngài là đủ rồi. Chính Ngài là người có điều muốn nói với
chúng ta, còn chúng ta thì chỉ lắng nghe. Chúng ta không nghe tiếng nói, nhưng
là cảm nhận một bảo đảm rằng Ngài ở trong tâm hồn chúng ta. Có khi bạn cảm nhận
sự hiện diện của Ngài quá rõ rệt, cảm thấy như thoát ly chính mình và không thể
chịu đựng nhiều cảm xúc nữa mà lòng không tan vỡ. Nhưng hãy nhớ rằng đấy không
phải là phần thưởng vì sống tốt. Đấy là Thiên Chúa nói rằng Ngài yêu mến bạn và
Ngài đang ở cạnh bạn. Rồi một ngày cảm xúc này không còn và bạn nghĩ rằng tại
chính bạn làm điều gì sai mà xúc phạm đến Thiên Chúa. Đấy không phải là lý do. Giai
đoạn này chỉ là một kinh nghiệm thoáng qua mà Thiên Chúa ban cho bạn để xác tín
với bạn rằng chính là Ngài và tình yêu của Ngài là thật và rất hấp dẫn. Nhưng
về mặt tu đức nó lại không có giá trị mấy. Khó mà tiến bộ khi bạn có những cảm
xúc đó, dù chúng có vẻ là tu đức. Chúng chỉ có giá trị khi giúp chúng ta chú
tâm vào Thiên Chúa và để ra nhiều thời giờ ở với Ngài. Bằng cách đó, Ngài có
thể tiếp xúc với chúng ta và nói với tâm hồn chúng ta, trong khi từ từ thay đổi
thái độ và sự hiểu biết của chúng ta, điều chỉnh lại cái nhìn của chúng ta đối
với đời sống và tha nhân, và giúp chúng ta nhìn vạn vật như chính Ngài nhìn. Bạn
sẽ trải qua giai đoạn này và trở thành một con người mới, hiền dịu và hiểu biết
cũng như nhân hậu hơn. Nhưng đôi khi cũng có người tự cho mình xứng đáng và nghĩ
rằng mình được Thiên Chúa yêu thương đặc biệt vì họ tốt lành mà coi thường
người khác không được như họ. Điều đó có thể nguy hại không những cho tha nhân
mà cho cả chính mình. Nó có thể tạo nên lòng tự mãn mà Đức Giêsu thấy ở những
thầy thông giáo và Pharisêu là những người nghĩ rằng mình tốt lành vì sống đúng
lề luật.
Nếu chúng ta tránh được hố
sâu đó chúng ta sẽ tiến nhanh trên đường tu đức. Đó là động lực liên kết chúng
ta với Thiên Chúa và cho chúng ta cảm thấy rằng Ngài luôn hiện diện trong chúng
ta và luôn quan tâm đến chúng ta. Nhưng bên cạnh những cảm xúc dịu dàng đó
chúng ta vẫn còn yếu đuối, chúng ta không thể đột ngột thành thánh. Chúng ta
vẫn còn là chúng ta - những con người yếu đuối, mỏng dòn, có thể làm những điều
hổ thẹn. Vì thế, khi có sa ngã thì đừng náo động, đừng thất vọng như thể mất
mát tất cả, hoặc nghĩ rằng mình phản bội Thiên Chúa. Những sa ngã đó, dù có là
tội, cũng hữu ích. Chúng cảnh giác chúng ta thật sự là ai, và nhắc nhở rằng
những gì chúng ta cảm nghĩ về Thiên Chúa là hồng ân Ngài ban chứ không phải vì
chúng ta tốt lành. Có sa ngã nữa thì cũng giúp chúng ta khiêm tốn và thấy rằng
mình chưa tiến xa lắm. Thực vậy, suốt cả đời sống chúng ta cũng chưa tiến bộ
lắm nếu nghĩ đến sự thánh thiện của Thiên Chúa mà chúng ta đang cố bắt chước. Con
đường tu đức thật là huyền nhiệm. Đó là một trong những lý do tại sao chúng ta
phải phó thác con đường tu đức của mình cho Thiên Chúa. Ngài biết dẫn dắt chúng
ta về đâu. Ngài chu đáo êm ái dẫn dắt chúng ta để chúng ta khỏi suy sụp và lạc
lối.
Chương ba <=> Chương năm
Comments
Post a Comment