03 Mãi mãi là bạn


Chương ba
Mãi mãi là bạn

 Tương quan với Đức Giêsu đề cập trong chương trước cũng giống như mọi mối tương quan, nghĩa là cần phải được bồi dưỡng. Nó phải được bồi dưỡng bằng kinh nguyện. Tôi biết nhiều người khi nghe nói đến cầu nguyện là bỏ đi ngay. Cầu nguyện xem ra không có ấn tượng tốt nơi tâm trí nhiều người. Đối với họ cầu nguyện là công việc nhàm chán và vô bổ vì như thể hầu chuyện mà chẳng bao giờ được đáp ứng, là chia sẻ mà chẳng bao giờ được chia sẻ lại, là cầu xin trong lúc tuyệt vọng mà chẳng được đáp lại, nói mà người không nghe! Nhưng đấy không phải là loại cầu nguyện mà tôi muốn nhắc đến. Người ta nản lòng khi cầu nguyện vì muốn được nhận lời ngay, nếu không được thì đâm ra chán nản. Họ xem Thiên Chúa như một ông thần mà nhà ảo thuật chỉ cần phất tay một cái là ông hiện ra ngay. Thiên Chúa không hành động như thế. Ngài không hành động ngay. Ngài rất nhẫn nại và êm ái cứu chữa.
Cầu nguyện mà tôi muốn nói đến đây là dứt bỏ chính mình, không mong mỏi gì cả, nhưng chỉ đặt mình trước Thiên Chúa và chia sẻ cảm nghĩ hay đau khổ của mình với ngài. Đó là lối cầu nguyện mà bạn mở lòng ra với Thiên Chúa: «Lạy Chúa, con đây. Con không xin gì cả. Con chỉ muốn ở với Chúa và bộc lộ lòng con ra với Chúa. Con cần có Chúa và tùy ý Ngài xử dụng. Chúa muốn con làm gì, con xin sẵn sàng. Con không biết phải nói gì với Chúa. Con không biết phải xin gì. Con cũng không biết cái gì là cần thiết cho con. Chúa biết tất cả. Con biết Chúa muốn chia sẻ nhiều điều với con và con sẵn sàng nghe. Xin nói cho con nghe. Xin đừng bỏ con một mình».
Cầu nguyện như thế là có hiệu quả nhất. Không phải đòi được nhận lời ngay. Thiên Chúa cũng không làm thế. Đó là lối cầu nguyện của một tấm lòng khiêm tốn mà Thiên Chúa có thể hoạt động được. Người có lòng khiêm tốn thì luôn lắng nghe,và như thế cũng mở đường cho Thiên Chúa hoạt động, để Ngài hướng dẫn tư tưởng, cảm nghĩ và chỉnh đốn cái nhìn của mình. Như thế khi nhìn đến tạo vật, chúng ta sẽ xem đấy là hồng ân Chúa ban, chứ không phải chỉ là vật để xử dụng rồi quăng đi. Khi nhìn đến con người, dẫu là người đáng ghê tởm, chúng ta vẫn thấy Thiên Chúa nơi họ mà đối xử cho phải phép. Khi gặp đau khổ, chúng ta biết có Chúa ở đấy và Chúa sẽ biến đau khổ thành ân sủng. Chúng ta cũng chẳng cần phải kêu xin. Thái độ cởi mở như thế khi cầu nguyện sẽ giống như lòng tín cẩn của trẻ em, luôn luôn sẵn sàng khi Thiên Chúa dạy bảo theo cách thế ngài muốn.
Dứt bỏ chính mình là yếu tố căn bản khi cầu nguyện. Chúng ta trở nên mềm dẻo dễ uốn nắn và dễ xử dụng trong tay Thiên Chúa. Đó là điều Ngài rất mong muốn nơi chúng ta, nhưng có mấy ai cho Ngài! Nếu cho Ngài thì chúng ta sẽ được Ngài sử dụng cách tối đa. Đó là lý do mà Ngài dựng nên chúng ta sống một đời sống đặc biệt.
Dứt bỏ bản thân là điều rất khó làm, vì thế cần phải tập luyện. Không phải chỉ dứt bỏ vật chất, nhưng phải dứt bỏ những nhu cầu thầm kín vì chúng thúc đẩy chúng ta thi hành những chương trình riêng tư mà không đếm xỉa gì đến điều Thiên Chúa muốn. Chúng ta bất lực trong việc gạt bỏ những nhu cầu tưởng tượng hoặc đã được thiết kế. Chính những nhu cầu này tạo khó khăn cho việc dứt bỏ bản thân và tạo nên chán nản. Cho dù có phải nổ lực để đạt đến chút ít việc dứt bỏ bản thân, thì cũng đáng công lắm, vì chúng ta mở lòng ra đón nhận ân sủng Chúa ban để được bình an.
Khi tôi học môn thần học (có lẽ lúc ấy tôi độ 24 tuổi), đó là thời điểm cực kỳ quan trọng cho đời sống tinh thần của tôi, tôi muốn được phục vụ ở Rôma, làm việc ở bộ ngoại giao chẳng hạn. Thực ra chẳng có mấy hy vọng. Nhưng nếu tôi cố gắng xoay xở, có thể tôi cũng đạt điều tôi muốn. Lúc ấy tôi có viết một bàì về thần bí học. Giáo sư gọi tôi đến để giải thích cho ông nghe. Khi nghe tôi, ông rất thán phục và hỏi tôi có muốn phục vụ ở Rôma không. Ông bảo rằng tôi có óc tự biện và cần có những nhà thần học như thế. Tôi trả lời rằng có, và ông bảo ông sẽ cố gắng. Nhưng không có gì xảy ra cả và tôi cũng chẳng màng nhắc ông, dẫu khi ông được bầu làm Bề Trên ở Rôma. Tôi đã đạt đến thời điểm trong đời sống tinh thần mà mọi việc tôi đều phó thác trong tay Chúa và không mưu đồ việc gì mình muốn cả.
Quyết định đó một phần nào đã gây ra tai hại cho tôi, bởi vì tôi gặp nhiều khó khăn trong lần bổ nhiệm sau đó. Tôi được sai đi dạy tại một trường trung học của tu hội chúng tôi tại Bronx. Không một linh mục nào ở đó ra đón tôi cả. Một linh mục khách từ Hoà Lan đang ở đó nói cho tôi biết rằng các vị kia đi vắng vì không muốn tôi đến. Thật là tai hại cho tôi vì đó là nhiệm sở đầu tiên của tôi. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng đó là vấn đề của Chúa chứ không phải của tôi. Mặc dù không ai hỏi han đến tôi trong suốt mấy tuần lễ, tôi vẫn thi hành phận sự của tôi và mạnh mẽ đương đầu với cái bất nhẫn của những vị lớn tuổi và cũng là những tu sĩ ! Dần dần tôi được biết trường học đang gặp nhiều khó khăn, nhiều học sinh là những tù nhân tại ngoại. Trường học xin vị Giám tỉnh cho một linh mục lực lưỡng, loại lực sĩ cử tạ. Khi phải nhận tôi, một con người với dáng vóc mảnh khảnh, họ bực tức lắm cho đến khi tôi trở nên bình dân với học sinh và ban giáo chức. Sau đó mọi việc mới thay đổi.
Vài năm sau, tôi được gửi đến một thành phố hầm mỏ ở vùng Pensylvania. Sau bốn năm hoạt động ở Nữu Ước, chuyến thay đổi này thật là khó khăn. Thế nhưng đó là thời gian tôi sống hạnh phúc nhất mặc dù gặp nhiều trắc trở. Sau đó tôi được đưa đi dạy ở chủng viện và phục vụ ở một số nhiệm sở khác mà không thấy có lý do gì chính đáng. Các nhiệm sở kế tiếp lại càng khác nhau và tôi không bao giờ được huấn luyện hay chuẩn bị cả, như làm việc trong những khu Do thái, Tin Lành, phục vụ người già, phục vụ trong những khu bất ổn, những trại tù, đứng trong danh sách hội đồng kiểm duyệt tình trạng các tù nhân thiếu niên cũng như những vấn đề mà tôi chưa từng đương đầu. Mâu thuẫn ở chỗ là tôi chỉ muốn học và viết lách.
Thật may mắn là tôi đã không bao giờ chống đối những lần bổ nhiệm này, bởi vì cũng nhờ đó mà tôi có được những kinh nghiệm để viết lách, để đặt nhân vật Giôsê trong nhiều môi trường khác nhau cho câu chuyện Giôsê thêm phần sâu sắc và dễ tin. Tôi không thế nào viết lách được nếu không có được các kinh nghiệm trên. Nhờ thế mà sách Giôsê đã ảnh hưởng đời sống của hàng triệu độc giả trên thế giới. Do đó, theo kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy được giá trị của việc từ bỏ tham vọng cá nhân mà đặt mình trong tay Thiên Chúa để Ngài hướng dẫn cho.
Có thể có người phản đối lối sống này vì nó làm cho chúng ta mất lòng tự tin mà phó thác mình cho những sức mạnh mù quáng trong đời sống. Điều này đúng nếu chúng ta không tin có Chúa là đấng luôn quan tâm đến chúng ta. Tuy nhiên linh đạo của chúng ta đặt trên nền tảng là có một Thiên Chúa và Ngài là vị Thiên Chúa yêu thương. Càng lớn tuổi tôi càng thấy được cách thức Thiên Chúa hoạt động nơi con người. Thời trẻ mặc dầu đầy dẫy những xáo trộn, đau khổ hay lêu lổng, nhưng khi lớn lên với kinh nghiệm sống mà nhìn lại, thì chúng ta thấy đó là nền tảng và quy trình đào tạo cho những công việc tốt đẹp mà Thiên Chúa đã sắp đặt cho tương lai của chúng ta. Tôi không muốn nói kế hoạch sinh nhai, nhưng nói đến động lực của đời sống với những va chạm và liên hệ cùng những cách thức tác động tha nhân, cũng như nghĩ đến ảnh hưởng của chúng ta trên thế giới, trên gia đình, trên đời sống xã hội và nghề nghiệp.
Hãy nhìn đời sống của Maisen chẳng hạn. Ông là người Dothái sinh truởng ở Ai-cập. Vua Pharaô của Aicập ra chỉ dụ tàn sát hết mọi trẻ trai Dothái dưới hai tuổi. Thân mẫu của Maisen đã giấu ông trong đám sậy gần cung điện Pharaô. Công chúa Aicập nhìn thấy hài nhi Maisen và đem nó vào cung điện nuôi nấng như người thuộc hoàng tộc. Khi lớn lên Maisen lại làm việc trong triều đình vua. Rồi một ngày nọ Maisen thấy một binh sĩ Aicập đánh đập một tên nô lệ Dothái. Maisen bèn can thiệp và lỡ tay đánh chết binh sĩ Aicập. Sau đó có trát tìm bắt Maisen và kể từ đó đời sống của ông thay đổi toàn diện.
Maisen trốn vào sa mạc Sinai và sống ở đó nhiều năm. Ông gặp người con gái của một trưởng bộ lạc và cưới cô. Sau đó Thiên Chúa gọi ông về lại Aicập để giải phóng dân Ngài. Bốn mươi năm kế tiếp, Maisen bận rộn với công việc quốc gia Dothái, lãnh đạo hơn nửa triệu dân lang thang trong sa mạc cho đến ngày đến được đất hứa. Bạn chỉ có thể nghĩ rằng cuộc đời dĩ vãng của Maisen là thời gian Thiên Chúa uốn nắn ông cho công việc Ngài dành sẵn cho ông. Nếu không có những năm kinh nghiệm hành chánh ở Aicập, cũng như những năm tháng cô đơn lang thang trong sa mạc Sinai, Maisen đã không sẵn sàng làm những đại sự trong tương lai. Có thể ngay cả việc giết binh sĩ ở Aicập cũng có trong chương trình đào tạo ông thành một luật gia vĩ đại. Maisen có sứ mạng loan truyền lề luật của Thiên Chúa trong khi ông đã phạm một trong những lề luật căn bản là giết người!
Bạn cũng thấy những việc tương tự nơi nhiều nhân vật có ảnh hưởng sâu xa đến đời sống dân chúng. Không phải tình cờ mà họ trở thành vĩ nhân. Nhưng là những năm tháng cơ cực chuẩn bị và đào tạo mà Thiên Chúa rèn đúc tâm hồn họ cho tương lai. Họ đã phải bị nung cháy và thử thách nặng nề trong khi Thiên Chúa âm thầm hoạt động trong tâm hồn họ, để họ có cái nhìn sâu sắc về đời sống và thông hiểu những hoạt động tương lai dành cho họ.
Công việc đào tạo này khác nhau ở từng cá nhân. Thánh Phaolô có nói đến những ân sủng và hoạt động khác nhau của thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Thánh Linh hoạt động khác nhau nơi từng cá nhân vì mọi người có nhiệm vụ riêng biệt trong việc xây dựng thân thể mầu nhiệm. Để thi hành những công việc riêng biệt, mỗi người chúng ta phải được Thiên Chúa đào tạo cách đặc biệt. Ân sủng kiện toàn tự nhiên và Thiên Chúa tuần tự hoạt động trong chúng ta, ban nhiều ân sủng để nắn đúc đời sống của chúng ta. Vì thế không ai giống ai; linh đạo không phải là một bàn thạch mà ai ai cũng được mài giũa theo một khuôn mẫu. Thực vậy, đời sống nội tâm thì độc đáo nơi mỗi người. Mỗi người trưởng thành theo cách thức riêng tư của mình, trong khi Thiên Chúa ban ân sủng cho họ mà con mắt người đời không sao xoi bới được.
Thật là kỳ chướng khi chúng ta ép người khác hành động và thay đổi đường lối của họ cho hợp với lối sống và những giá trị đạo đức của chúng ta. Tôi không muốn nói đến những vấn đề hệ trọng như đón nhận Thiên Chúa vào đời sống, nhưng nói đến việc ép buộc người khác cầu nguyện như chúng ta hoặc thi triển ân sủng Chúa Thánh Linh theo như chúng ta nghĩ. Bởi vì làm thế, chúng ta sẽ can thiệp vào công việc của Thiên Chúa tác động trên mỗi người. Thật là ghê tởm khi ép buộc người khác trong vấn đề tu đức, bởi vì mỗi người đang ở trong một giai đoạn khác nhau trên đường nên thánh. Thiên Chúa hoạt động rất tế nhị trong đời sống mỗi người chúng ta. Vì thế can thiệp vào sự mật thiết giữa người khác với Thiên Chúa thì thật là thô lỗ. Lại nữa chúng ta cũng không bao giờ biết được việc gì đang xảy ra trong tâm hồn họ. Chúng ta có thể phán đoán là họ không thánh thiện và cần được thúc đẩy, nhưng thực ra chúng ta không biết gì cả. Linh đạo chân thực thì lại rất thâm sâu và có người là một đấng thánh mà không ai nhận ra được. Chúng ta tiến đến mức độ đang có là nhờ Thiên Chúa hướng dẫn; có khi sau nhiều năm không đáp lại đường lối của Thiên Chúa lại bỗng nhiên tiếp nhận ân sủng của Ngài. Tại sao chúng ta dám can thiệp vào đời sống của kẻ khác mà nghĩ rằng chúng ta có thể ép họ đột nhiên sống thánh thiện. Đấy không phải là đường lối của ân sủng Thiên Chúa, và sự thay đổi đột ngột đó cũng không phải là chân chính, vì đó là kết quả của ép uổng và dọa nạt.
Sự liên hệ của mỗi người với Thiên Chúa là một mầu nhiệm, một mầu nhiệm rất sâu thẳm mà chúng ta không thể dò được. Chúng ta chỉ biết rằng Thiên Chúa đang hình thành một tác phẩm xinh đẹp tuyệt vời mà mắt nhân loại không thể nhìn thấu cũng như tâm trí không thể thấu hiểu được. Với thời gian, chương trình của Thiên Chúa bắt đầu hình thành và cho thấy những gì dấu ẩn bên trong. Tôi tin chắc rằng mỗi người chúng ta sẽ có thể nhận ra mô thức mà Thiên Chúa đang tạo ra cho đời sống của chúng ta. Với tuổi đời, chúng ta sẽ nhận ra mô thức ấy, và sẽ nhìn thấy rõ ràng hơn khi nhìn từ đàng xa. Chúng ta sẽ thấy những điều tốt đẹp phát sinh từ những kinh nghiệm đau đớn của tuổi trẻ. Tôi đã trải qua mười năm suy thoái của tuổi trẻ cho đến lúc tôi thụ phong linh mục. Trong thời gian ấy tôi thấy khó mà tin rằng có Thiên Chúa. Không phải là tôi không tin. Đức tin của tôi lớn mạnh hơn bao giờ hết, nhưng đêm tối lại dày đặc hầu như không chịu nổi, nhất là khi nghĩ rằng cho đến thời điểm ấy tôi sống rất mật thiết với Thiên Chúa. Tôi chỉ còn cố tin mà bám lấy Ngài, trong tăm tối và trong đau khổ, cả đến ngày tôi thụ phong linh mục. Tuy nhiên, đó là những năm sung túc của đời sống tu đức trong khi Thiên Chúa giúp tôi hiểu biết Ngài, hiểu biết tha nhân và chính tôi nhiều hơn. Tôi nghĩ rằng tôi không thể thực hiện công việc tôi đang làm nếu tôi đã không trải qua những kinh nghiệm trước đó trong đời sống. Những điều tôi học hỏi được đã chuẩn bị tôi cho tương lai, mặc dù tôi đã nghĩ rằng tôi không thể chịu đựng cho đến lúc ấy.

Tôi không nghĩ rằng ai ai cũng phải đi con đường ấy để đến Thiên Chúa, nhưng đối với tôi thì đó là con đường thiết yếu cần phải đi. Những người khác thì lại có những kinh nghiệm khác tùy theo đường lối Thiên Chúa uốn nắn và hướng dẫn họ. Bài học cao quý là mỗi người trong chúng ta là độc nhất và đặc biệt. Chúng ta cần phải để Thiên Chúa hoạt động nơi tâm hồn của chúng ta theo cách thức Ngài muốn vì Ngài là một tay thợ lão luyện sẽ hoàn thành một kiệt tác. 

___________________________________

Chương hai  <=>  Chương bốn



Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam