02 Không có gì / Có tất cả
Chương 2
Không có gì / Có tất cả
Ngày kia, Đức Giêsu nói, «Chim có tổ, chồn có hang, nhưng Con Người không có nơi để ngả đầu».
Tôi suy nghĩ mãi về câu nói này. Xem như ngài tự tủi thân. Nhưng không đúng lắm
vì đó không phải là lề lối suy tư của ngài. Hình như ngài muốn nói: «Xem đây, tôi không có gì hết, cả đến nhà để
ngủ, nhưng tôi rất hạnh phúc». Túi tiền quản lý ngài giao cả cho Giuđa, mặc
dù biết không thể tin Giuđa về vấn đề tiền bạc. Như thế cũng đủ thấy rằng Ngài
không quan tâm đến vấn đề vật chất lắm. Thái độ của Ngài đối với vấn đề vật
chất là căn bản để hiểu linh đạo của Ngài. Ngài chỉ có một áo choàng, không có
túi tiền. Ngài thường ngủ trên sườn đồi và cầu nguyện suốt đêm ở đó, các tác
giả Phúc âm nói như vậy. Ngài và các môn đệ sống nhờ vào lòng hảo tâm của dân
chúng. Họ cung cấp những vấn đề vật chất, đặc biệt là thức ăn. «Đừng lo có gì để ăn, có gì để uống. » Đó
là lời khuyên nhủ mà Ngài thi hành trong đời sống. Tuy nhiên Ngài lại không
phản đối những người có của cải theo Ngài. Maria, Mátta và Ladarô không phải là
những người nghèo. Giakêu người thu thuế là một người rất giàu. Giuse Aratêma
cũng là một người giàu. Rồi còn chàng thanh niên giàu có đến hỏi ngài làm gì để
được cứu rỗi. Đức Giêsu bảo anh «hãy giữ
các giới răn». Chỉ khi anh không thoả mãn lắm với câu trả lời đó, ngài mới
bảo anh, «Nếu anh muốn nên toàn hảo, thì
hãy về nhà bán hết tài sản mà cho người nghèo». Nhưng Ngài lại không đòi
buộc anh làm thế. Ngài chỉ đề nghị điều đó vì anh tỏ ra muốn làm hơn thế nữa.
Đức Giêsu chọn đời sống nghèo. Ngài
sinh ra nghèo. Lấy máng lừa làm nôi. Ngài có đủ điều kiện để thành giàu có,
nhưng Ngài không muốn. Ngài thấy sống nghèo có ý nghĩa hơn. Ngài biết Ngài là
ai. Của cải vật chất không thêm được gì cho Ngài. Đối với Ngài, chúng chỉ như
bụi bặm ngoài đồng; vàng chỉ là đá, áo quần là da thú hoặc lá cây. Ngài không
cần đến của cải vật chất để tô điểm và làm tăng phẩm giá cho mình đối với dân
chúng. Điều Ngài đem đến còn quí giá hơn gấp bội: đó là tinh thần tự do và niềm
vui mừng phát xuất từ đó. Chính tinh thần đó mà đức Giêsu muốn truyền đạt lại
cho những ai theo ngài. «Phúc cho người
có tinh thần nghèo khó, vì nuớc trời thuộc về họ. » Ngài không nói phúc cho
người cần nhu cầu vật chất hay tài chánh, nhưng là người có tinh thần nghèo
khó, vì họ được ban tự do, vui mừng và bình an của con cái Thiên Chúa, của nước
trời. Đó là điều kiện để tìm được niềm vui mà đức Giêsu có và muốn những kẻ
theo Ngài cảm nghiệm. Chính đó là căn bản của linh đạo của Đức Giêsu. Hãy đặt
tin tưởng vào Cha trên trời là đấng biết hết mọi sự, và đừng lo lắng lắm về
những gì trên trần gian. Ngài sẽ ban cho bạn những gì bạn cần.
Khi tôi còn bé, cha của tôi làm
nghề bán thịt, ông thường đưa tôi và anh chị em tôi đến quán của ông. Công ăn
việc làm của ông tốt nhờ có khách hàng khá giả - thẩm phán, luật sư, bác sĩ,
công chức và thương gia. Cha tôi là người hàng thịt tốt, ông không ngại vào kho
để chọn những miếng thịt ngon mà khách hàng muốn. Mỗi sáng người ta thường đứng
trước quán đợi ông đến, vì biết rằng ông sẽ bán cho những miếng thịt ngon mới
cắt vào sáng sớm.
Tuy nhiên mặc dù công việc làm ăn
tốt, cha tôi cũng không lo lắng lắm về của cải vật chất. Vào mùa đông ông mặc
chiếc áo choàng cũ rích lủng túi. Ông không phiền hà gì, mặc dù mẹ tôi cố vá nó
lại. Ông cũng không mang giày ống vì chân bị đau. Ông mang bịnh ung nhọt căng
giãn tĩnh mach rất đau đớn. Khi đất có tuyết, ông buộc giày bằng vải bao tải,
xem không được tí nào. Tôi rất lấy làm e ngại nên không muốn cùng xuống xe vận
tải với ông vì có bốn năm người đang đứng chờ trước quán thịt. Khi cha tôi bước
xuống xe thì có một ông thẩm phán quần áo bảnh bao nói đùa, «Ăn mặc diện quá. » Cha tôi mĩm cười trả
lời, «Thưa ông toà, ông mới cần mặc đẹp. »
Ngày kia tôi hỏi cha tôi tại sao ăn mặc như thế. Cha tôi trả lời, «Ăn mặc không quan trọng. Cái gì có bên trong
mới quan trọng. Cái đẹp của tâm hồn mới là đáng giá. » Lúc ấy tôi không
hiểu lắm.
Cách đây vài năm khi tôi về hưu vì
lý do sức khoẻ, tôi không nhận một bổng lộc nào của địa phận, mặc dù tôi không
có một lợi tức nào. Đó là lần đầu tiên tôi gần sạch túi. Tôi chỉ có đủ để sống.
Tôi dùng những thức ăn mà cả người nghèo cũng chê. Tôi không có tiền sắm quần
áo. Đồ đạc tôi phải đóng từ những miếng ván mua rẻ tiền. Tôi chỉ có một cái
đĩa, một cái bát, hai cái ly và vài ba cái nồi, xoong, chảo. Đó là lần đầu tiên
tôi biết thế nào là sống nghèo thật sự, đúng theo nghĩa của nó. Tuy nhiên đó là
những ngày hạnh phúc nhất của đời tôi, mặc dù tôi không có gì. Tôi phải tập
sống như đức Giêsu dạy và như tôi đã giảng dạy suốt đời tôi, «Hãy xem chim trời . . . ». Do kinh
nghiệm sống, tôi học được điều cha tôi cố dạy tôi và điều Đức Giêsu đã dạy một
cách rất tốt đẹp trong đời Ngài. Tôi thấy không cần phải có nhiều thứ để sống,
không cần phải sống xa hoa, nhưng chỉ đủ để sống. Vừa đủ sống cũng đủ làm cho
tôi hạnh phúc.
Một buổi sáng kia tôi đi bách bộ
và không biết phải ăn gì vì không còn tiền. Tôi đi dọc theo đường và thấy ít
tiền dưới cống rãnh. Nhưng tiền từ đâu mà nằm dưới rãnh? Tôi đến gần cúi xuống
xem và rõ ràng là tiền nằm xếp đó vừa đủ để ăn sáng. Tôi dường như nghe Đức
Giêsu nói: «Tôi đã bảo anh đừng lo, có
tôi lo cho anh». Đức Giêsu nói đúng. Và giờ đây do kinh nghiệm ấy tôi thấy
Ngài đúng.
Sau đó không lâu, mọi sự đều thay
đổi. Khi sách Giôsê nổi tiếng thì
tiền bạc lại là một gánh nặng. Dùng đồng tiền một cách khôn ngoan không phải
dễ.
Theo đức Giêsu thì không có của
cải vật chất làm cho chúng ta thong dong. Có của cải thì cũng có thể sống thong
dong, nhưng nó lại tạo ra nhiều trách nhiệm phiền toái làm cản trở thong dong. Điều
quan trọng là đừng để bị ràng buộc vào những gì chúng ta có, lớn hay nhỏ, và
đừng để lòng quá bận bịu đến chúng mà tinh thần không trưởng thành được. «Kho tàng của ngươi ở đâu thì lòng ngươi ở
đó. » Nhưng con người không cần phải có nhiều của cải mới bận bịu. Một
người nghèo cũng có thể quá bận bịu với của cải ít oi của mình còn hơn người
giàu đối với tài sản kếch sù của họ.
Thong dong và an bình mà Đức Giêsu
nói đến không phải chỉ đối với của cải vật chất, nhưng với tất cả những gì tạo
nên lo âu làm xáo trộn đời sống nội tâm. Một đặc điểm của đời sống của Đức
Giêsu là Ngài sống rất an tĩnh. Khi nghĩ đến những ồn ào chung quanh Đức Giêsu
- dân chúng tuốn đến Ngài và kẻ thù tìm cách tiêu diệt Ngài - và thật lạ lùng
khi thấy Ngài sống rất điềm tĩnh. Điều đó đủ cho thấy Ngài không dính bén với
những gì có thể phá tan cái an tĩnh nội tâm của Ngài. Ngài cố gắng chia sẻ điều
đó với những người theo Ngài, để họ cũng có thể tìm thấy cái an bình trong đời
sống của Ngài.
Nếu đức Giêsu có ban gì cho những
người theo Ngài thì đó là ơn an bình. «Bình
an cho anh em, tôi ban bình an của tôi cho anh em. » Ngài không ngừng nói
đến bình an mà Ngài sẽ ban cho những ai chấp nhận đường lối của Ngài. Đó là chủ
đề triền miên khắp sứ điệp của Phúc âm. Đó là nhãn hiệu của linh đạo của Ngài,
và phải là dấu chỉ đặc biệt của các môn đệ của Ngài, dù sống ở bất cứ thời điểm
nào.
Nếu thế, tại sao những kẻ tin theo
Đức Giêsu lại không có dấu gì là có an bình cả? Câu trả lời rất đơn sơ : Qua
mọi thế hệ các môn đệ của Đức Giêsu không gần gũi với sứ điệp Ngài mang đến. Chúng
ta, bất cứ thuộc giáo phái nào, lớn lên được dạy dỗ giữ đạo của chúng ta một
cách mặc nhiên. Tuy nhiên giữ các phong tục và luật đạo không tạo thành môn đệ
của Giêsu. Người ta nói nhiều về việc chấp nhận Đức Giêsu và dấn thân cho Ngài,
nhưng thường thì sự dấn thân đó ít ăn nhập gì với chính Đức Giêsu. Đó chỉ là sự
chấp nhận một vị thầy đã đem đến một sứ điệp và lề lối sống mà quần chúng theo.
Đó không phải là sứ điệp của Đức Giêsu, mà chỉ là sự hướng dẫn và sự diễn dịch
của vị thầy. Vị thầy ấy trở thành một lối sống. Đó không phải là mối liên hệ cá
nhân trực tiếp với Đức Giêsu.
Nếu muốn khai triển một linh đạo
dựa vào đời sống của Đức Giêsu, thì điều cần thiết là hãy mở lòng ra cho Giêsu
đi vào cuộc sống của chúng ta để Ngài làm bạn và hướng dẫn chúng ta. Ngài đã
hứa, «Tôi không để anh em mồ côi; tôi sẽ
đến với anh em . . . Những ai yêu mến tôi, thì sẽ được Cha tôi yêu mến, và tôi
sẽ yêu mến họ và bày tỏ tôi cho họ». Đó là căn bản của linh đạo Kitô giáo,
là sự hiện diện sống động của Đức Giêsu nơi tâm hồn của chúng ta. Ngài ở đây,
không phải chỉ là người nộm không nghe không nói, nhưng là một cộng sự viên đắc
lực, hướng dẫn và vỗ về khi chúng ta cần đến Ngài. Căn bản của linh đạo Kitô
giáo là tình thân hữu huyền nhiệm với Đức Giêsu, và đó là hành trình duy nhất
cho từng cá nhân.
Một khi mở lòng ra cho Thiên Chúa
và có thiện chí theo ân sủng của ngài trong đời sống, chúng ta lại muốn biết
kết quả ngay. Tuy nhiên chúng ta thực sự đang hành trình một nơi xa lạ. Linh
Đạo là một cuộc hành trình thực sự về cõi vô tri. Đâu là thông số, là luật lệ
và đường hướng? Chúng sẽ dẫn đưa về đâu? Có phải mọi người sẽ đi cùng con đường
và giống nhau trong cuộc hành trình bất thường này chăng? Chúng ta có phải bỏ
đi cá tính và dập tắt hết bản ngã để trở thành con người mới không?
Nhiều người nghĩ rằng phải bỏ con người cũ khi
sống đời sống tinh thần và trở nên thánh thiện ngay. Không phải thế đâu. Thể
xác của chúng ta không lớn lên nhanh chóng được. Tình cảm và tâm trí của chúng
ta cũng không trưởng thành ngay lập tức. Trưởng thành là cả một tiến trình dài.
Đời sống tinh thần cũng vậy. Chúng ta trưởng thành trong suốt cuộc sống. Nếu
không thể ép thân xác lớn lên một sớm một chiều, thì cũng không ép được đời
sống tinh thần mà không gây nên tổn hại, bởi vì làm như thế là tự ép mình sống
hoàn toàn trước khi phát triển đầy đủ nghị lực và bác ái xây dựng đời sống toàn
thiện. Mỗi người phát triển theo đường lối của Thiên Chúa hoạch định cho mình. Thánh
Phaolô nói rằng ân sủng xây dựng trên thiên nhiên, chứ không huỷ hoại thiên
nhiên.
Như vậy đường lối của Thiên
Chúa là gì? Có lẽ chúng ta không bao giờ biết được, và cũng không cần phải
biết. Điều quan trọng là chúng ta phó thác hoàn toàn để ngài tận dụng khi thấy
cần. Đó là công việc của Ngài. Chúng ta chỉ là thụ tạo, là tôi tớ của Ngài. Bổn
phận của chúng ta là phó thác tùy Ngài xử dụng. Khiêm tốn là điều kiện căn bản
trong liên hệ với Thiên Chúa. Tuy nhiên chúng ta cũng nên tin chắc rằng Thiên
Chúa sẽ sử dụng chúng ta. Đường lối của Ngài cho chúng ta sẽ rất hấp dẫn và
phiêu lưu. Nhiều người ngại không dám trao toàn thân cho Chúa và tiếp đón Ngài
vào cuộc sống, bởi vì họ sợ rằng sẽ không có gì hứng thú, và như thế đời sống
của họ sẽ trở thành nhàm chán. Trí óc sáng tạo của Thiên Chúa không ai tưởng
tượng nổi. Đời sống của chúng ta sẽ trở nên hấp dẫn khi chúng ta gặp được Thiên
Chúa và khi Ngài trở thành cộng sự viên tích cực trong đời sống của chúng ta. Cuộc
sống của chúng ta trở thành hấp dẫn một khi chúng ta dứt khoát để ngài hướng
dẫn chứ không tự bước đi theo một đường lối riêng tư. Điều này rất có ý nghĩa. Thiên
Chúa không dựng nên chúng ta cách ngẫu nhiên. Ngài dựng nên chúng ta với một
mục đích và muốn chúng ta hoàn thành mục đích ấy. Nhưng Ngài lại cần chúng ta
hợp tác. Khi chúng ta dâng cho Ngài thiện chí và mở lòng đón nhận Ngài (chúng
ta chỉ cần làm có thế) thì Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta thi hành nhiệm vụ đã được
sắp đặt cho. Việc này rất thú vị và thưởng lệ, vì ân huệ và tài năng Ngài ban
cho rất thích hợp với công việc ngài hoạch định cho chúng ta. Đó là kế hoạch
đem lại thành công, hạnh phúc và thoả mãn.
Chương một <=> Chương ba
Comments
Post a Comment