01 Đơn Côi
Chương một
Đơn Côi
Người bạn đầu tiên của tôi là
người sống bên cạnh nhà tôi. Chúng tôi vừa làm bạn thì anh dọn nhà. Tôi mất anh
và cảm thấy mất mát. Vì chỉ là bạn chơi, nên tôi không buồn lắm. Nhưng vì là
người nhiều tình cảm, tôi yêu rất dễ dàng . Lúc lên bốn, tôi yêu mê mết một cô
bé tên là Têma Chuy. Tôi nhớ cô bé cả ngày và chỉ mong đến lúc bãi trường ba
giờ rưỡi chiều để đứng ở góc đường mà nhìn cô đi ngang qua với bạn bè. Tôi nghĩ
rằng cô bé không biết có tôi ở đấy. Một ngày kia sau giờ bãi trường, cô đứng ở
góc đường trò chuyện với bạn học, rồi lên xe buýt, còn các bạn của cô thì vẫy
tay từ giả. Tôi cảm thấy sẽ không bao giờ gặp lại cô ta. Cô bé chẳng hề nhìn
đến tôi và cũng không biết tôi đứng đó. Tim tôi đau nhói khi xe buýt lăn bánh.
Thế giới của tôi bị sụp đổ, nhưng
tôi cũng không nói cho ai biết. Tôi ôm ấp nỗi đau thương cho riêng mình. Đau
khổ triền miên. Các bạn khác đến rồi lại đi. Phải lâu lắm tôi mới quên được
Têma. Cuộc sống thơ ấu của tôi thật là cô đơn. Tôi nhút nhát và không mở miệng
được với người tôi yêu. Vì thế tôi sống trong một thế giới mộng tưởng. Mặc dù
còn bé, tôi đã cảm thấy mình sống cô độc trong một thế giới mà mọi người đều xa
lạ, và cũng không thể giữ được những người mình yêu thương. Bạn bè ra đi một
cách dễ dàng. Đau đớn hơn nữa khi không biết rằng người mình yêu có yêu lại
chăng? Tôi cảm thấy con người không có tình cảm. Người ta chỉ cười, chỉ nói,
chỉ hài hước làm người khác cười, nhưng không có tình nghĩa gì với nhau.
Tôi thường nghĩ rằng mình lập dị. Nhưng
lúc lớn lên và thấy nhiều người đau khổ, tôi mới ý thức rằng thế gian tràn đầy
đau thương. Tôi không phải là người độc nhất cảm thấy cô độc trên quả địa cầu
này. rồi ai cũng trải qua kinh nghiệm này trong đời sống. Bạn bè đến rồi lại
đi, họ bước vào đời sống của bạn rồi lại bước ra. Những kẻ xa lạ chỉ kết bạn
khi họ cần bạn, nhưng khi nhu cầu được thoả mãn thì họ ra đi. Nếu ai chân thành
trong tình bằng hữu thì rất khó hiểu được điều này. Những người mà bạn yêu mến
sẽ nán lại một thời gian cho đến khi họ không cần bạn nữa. Nếu khi cuộc đời ngã
về chiều mà bạn còn có một người bạn kiên nhẫn trải qua những thăng trầm của
cuộc sống và còn ở lại với bạn, thì bạn thật là may mắn. Nhưng phần lớn bạn
phải đi một mình, rất là cô đơn.
Tôi không cảm thấy kinh nghiệm bị
cô lập này tai hại lắm và có ảnh hưởng không tốt cho đời tôi. Tôi nhắc đến nó
để làm tiền đề cho quá trình tâm lý và linh đạo của tôi. Tôi nghĩ đó là số phận
của con người. Tất cả chúng ta, dù có hoạt bát cách mấy đi nữa, vẫn còn rất là
cô đơn, rất là đơn độc, không thể nào chia sẻ với ai những bí mật sâu xa của
tâm hồn. Cái đau khổ về tình cảm và tâm lý đã trở thành một động lực mạnh mẽ
uốn nắn đời tôi, mặc dù tôi không ý thức lắm. Đối với một số người, đau khổ và
va chạm đã làm họ trở thành cay đắng và yếm thế. Đối với những người khác thì
đấy là dịp họ nhìn tường tận chính bản thân và đời sống để tìm hiểu ý nghĩa của
những biến cố không đâu và hay thay đổi.
Tôi rất may mắn được biết Thiên
Chúa ngay từ lúc còn bé. Mẹ tôi đọc kinh với tôi mỗi đêm, và cho tôi ý thức
rằng Đức Giêsu thương yêu tôi. Điều này có ảnh hưởng lâu dài. Tôi không biết
cuộc đời tôi sẽ ra thế nào nếu tôi không có được những kinh nghiệm như thế ở
tuổi thơ ấu. Vì biết Thiên Chúa là một người bạn tốt nên tôi có thể chia sẻ
những bí mật đời tôi với Ngài. Khi rước lễ lần đầu, tôi rất cảm động khi biết
rằng từ đây Giêsu là bạn lòng của tôi. Mỗi sáng tôi đi lễ một mình để rước Mình
Thánh và ngồi lại trong nhà thờ mà nghĩ đến Thiên Chúa. Ngài có thực đối với tôi,
Ngài là một nhân vật sống động. Tôi cảm nhận được sự hiện diện của Ngài như thể
linh hồn tôi đang sôi sục trong tôi. Đấy không phải chỉ là cảm giác. Đấy không
phải là nhu cầu cần có một người bạn để lấp khoảng trống trong tuổi thơ ấu cô
đơn. Con người tôi tràn đầy Ngài và tôi biết Ngài ở với tôi và ảnh hưởng đời
sống của tôi một cách sâu xa. Khi tôi đau khổ, tôi nói với Ngài hay mẹ Ngài. Tôi
biết rằng Đức Giêsu nghe tôi mặc dù Ngài không làm gì hiển nhiên để đáp lại. Tôi
biết Ngài nghe tôi và tôi biết Ngài đang ở bên tôi để ban sức mạnh cho tôi. Ngài
đã nói rằng ai chấp nhận Ngài thì Ngài và Cha của Ngài sẽ cùng đến và sống với
họ.
Tôi nghĩ rằng có lẽ biết Thiên
Chúa vào lúc mình còn bé như thế không phải là chuyện thông thường, nhưng tôi
cảm tạ vì được như thế. Tôi phải mất một thời gian lâu hơn để hiểu biết Đức
Giêsu. Tôi cân nhắc những biến cố đời tôi và những kinh nghiệm sống trong tình
bằng hữu với Ngài lúc tôi thơ ấu, lớn lên và trưởng thành. Trong những năm thần
học, tôi dần dần hiểu được môn đó qua kinh nghiệm sống với Đức Giêsu. Nhờ đó mà
tôi đã hiểu được những ý niệm lạnh nhạt chạm trổ tinh vi của môn thần học và
biến chúng thành những ý tưởng sống động như Đức Giêsu nghĩ về cuộc sống. Mặc
dù thần học là môn học lạnh nhạt và khô khan, nhưng đối với tôi đó là phương
cách để tìm hiểu ý muốn của Thiên Chúa, để phát triển ý thức chân thực về Ngài,
để ý thức rằng Thiên Chúa không thể được định nghĩa hay hạn chế trong những ý
niệm của loài người. Khi đào sâu Kinh Thánh tôi cũng thấy rằng Thiên Chúa có một
ý niệm về luân lý một cách cởi mở hơn là nền luân lý hạn hẹp và cứng nhắc của
các nhà thần học luân lý hoặc của chính cả Giáo hội. Điều này cũng ảnh hưởng
sâu xa đến việc tôi tiếp xúc với dân chúng sau này khi họ đến với tôi với những
vấn đề tâm lý trầm trọng. Tôi luôn luôn nhìn thấy nhiều cái tốt cùng với sự yếu
đuối nơi con người họ. Tôi học đối xử với họ như là người, chứ không phải là
tội nhân, như cách thức Đức Giêsu đối xử với thiếu phụ Samaritanô là người đã
có năm đời chồng và không quan ngại đến việc cưới người thứ năm chị đang chung
sống. Các Giáo hội không đối xử với dân chúng như thế. Những người có tội
thường bị xa lánh trong các xứ đạo của chúng ta và không được phép tham gia vào
đời sống của Giáo hội. Chúng ta không cảm thấy thoải mái với những người có
tội, và cũng không làm cho họ cảm thấy thoải mái khi không cho họ tham gia các
công tác phụng vụ dành cho những người bề ngoài có đời sống đúng tiêu chuẩn của
Giáo hội. Trong khi đó, Đức Giêsu thì cởi mở với những người mang nhiều khuyết
điểm, và nhìn đến toàn diện đời sống của họ, thấy cái tốt nhiều hơn là cái xấu.
Ngài chọn một người thu thuế, một thầy Lêvi có tiếng là xấu, không chỉ để làm
môn đệ nhưng là làm tông đồ của Ngài. Chính Ngài cũng bị mang tiếng tiệc tùng ở
nhà những người bị tuyệt thông, bởi vì Ngài là Vị Chủ Chăn tốt luôn luôn tìm
kiếm những con chiên bị thương tích và đau khổ. Còn chúng ta thì bảo họ không
được đến gần Đức Giêsu vì họ không xứng đáng.
Chính vì thế mà cần phải hiểu rõ
Đức Giêsu để có thể chia sẻ cái viễn tượng của Ngài về Thiên Chúa, và việc Ngài
hiểu bản tính nhân loại thế nào để có thể liên lạc với Thiên Chúa như là một
trong những thụ tạo của Ngài. Nếu Kitô giáo chỉ là một hệ thống thần học, nó sẽ
sản xuất một giai cấp ưu tú rất thông thái nhưng đời sống của họ lại không có
gì giống Đức Giêsu. Trong một cuộc vận động tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, một ứng
cử viên rất thông thạo về thần học đã thốt ra những lời lăng mạ cực kỳ vô đạo
để chế riễu những người đồng tình luyến ái và vô gia cư. Ứng cử viên đó không
có chút gì là tế nhị và từ tâm, nó chứng tỏ một đời sống tinh thần rỗng tuếch
làm mọi người ngỡ ngàng.
Đáng tiếc, bao nhiêu nghị lực của
các giáo hội đã được dùng để củng cố địa vị thần học và xã hội của mình đối với
các giáo hội khác và đối với thế tục, trong khi mục đích căn bản của tôn giáo
là cổ võ và xây dựng đời sống tinh thần của tín đồ thì không được quan tâm đến.
Chính vì thế mà có nhiều tín hữu Kitô giáo đang lang thang cùng khắp thế giới
để tìm đường lối đưa đến Thiên Chúa, trong khi các nhà chuyên môn về tôn giáo
và các nhà truyền đạo thì lại dấn thân tranh đấu cho những vấn đề hoàn vũ. Lương
tâm của các lãnh đạo tôn giáo và của các nhân viên truyền thông thì rất nhạy
cảm đến những vấn đề đói khát vật chất của dân chúng trên thế giới, điều này
thật đáng khen, nhưng thường thì họ rất là vô tình đối với sự đói khát tinh
thần của những người láng giềng mà họ trực tiếp có trách nhiệm. Tôi rất ít nghe
các giáo sĩ nói về tu đức, hoặc dạy cho giáo dân cách cầu nguyện và phát triển
sự sống thân mật với Thiên Chúa. Có thể các vị không biết làm thế nào. Có thể
đó không phải là công việc ưu tiên đối với nhiều giáo sĩ. Chúng ta dạy thần
học, giải thích Thánh Kinh, tổ chức phụng vụ đẹp đẽ, bàn thảo những vấn đề xã
hội, xuống đường biểu tình. Đó là những hình thức đẹp và rất thách thức. Tuy
nhiên thế giới thần linh mới là thực chất của tôn giáo, nhưng lại thiếu người
hướng dẫn chuyên môn. Trên con đường ngoằn ngoèo kinh hãi có nhiều hố sâu và
bãi mìn này, thì các giáo sĩ lại hiếm hoi cung cấp những phương tiện để dân
chúng đạt đến Thiên Chúa.
Điều này làm tôi rất ngỡ ngàng khi
đến một quốc gia mà đa số dân chúng theo Phật giáo. Ngày nọ lúc nghỉ ngơi trong
một khách sạn, tôi vớ được một quyển sách về đức Phật. Sau khi mô tả cách tổng
quát về đời sống của đức Phật, quyển sách trình bày đời sống của ngài và những
nguyên tắc sống tinh thần cách lành mạnh. Phần còn lại của quyển sách mô tả tỉ
mỉ cách thức đức Phật đạt đến thị kiến về đời sống, cũng như những tín đồ theo
gương ngài đã tìm được an bình trong tâm hồn thế nào. Chúng ta không làm như
vậy với Đức Giêsu. Chúng ta có hàng loạt sách tranh luận có Đức Giêsu không,
Ngài có thực trong lịch sử không hay chỉ là một huyền thoại. Chúng ta có biết
bao tài liệu về những vấn đề chuyên môn, nhưng lại không khai thác đường lối
của Đức Giêsu đưa đến hạnh phúc và bình an, hoặc tìm hiểu Ngài nghĩ về Thiên
Chúa và tạo vật thế nào, hoặc Ngài nghĩ thế nào về cách chúng ta liên hệ với
Thiên Chúa, hoặc thái độ của Ngài đối với sự yếu đuối của nhân loại thế nào. Tìm
hiểu những điều đó có thể giúp chúng ta tìm được an bình nội tâm và ý nghĩa của
đời sống. Thực vậy, không có chủng viện nào ngày nay dạy về Đức Giêsu ngoại trừ
những môn về Kitô học mà nhiều chủng viện nổi tiếng lại dạy như là những môn
được tự do lựa chọn.
Tôi được nghe nói nhiều về những
nhu cầu tinh thần của dân chúng khi sách Giôsê
được nổi tiếng. Người ta thường nói rằng dân chúng lơ là với tôn giáo,
nhưng tôi rất đỗi ngạc nhiên khi nghe thấy phản ứng chung của dân chúng đới với
Giôsê, không phải chỉ những người Công giáo và Êpicôpa, Lutêran và Prêbytêrô,
nhưng cả những người Báptít, Phêntêcốt, Êvangêlican, Do thái, Hồi Giáo, Ấn độ
giáo, Phật giáo, Sikh, và không chỉ những người trưởng thành, nhưng cả trẻ em
chín mười tuổi. Có những linh mục Công giáo viết thư cám ơn tôi và nói rằng
Giôsê đã giữ các vị trong chức linh mục. Các giáo sĩ Báptít khóc mà nói với tôi
rằng Giôsê đã cất nhẹ gánh cuộc đời của các ông và cho các ông hiểu được Đức
Giêsu một cách đẹp đẽ hơn. Những nguời Dothái viết thư cho tôi nói rằng họ đọc
Giôsê và liên lạc mật thiết với Đức Giêsu, và muốn theo bước chân ngài. Những
người thuộc các tôn giáo khác cũng có phản ứng tương tự, và cả những người
không theo tôn giáo nào. Điều này nói lên một cách hùng hồn rằng dân chúng đã
mệt mỏi với tôn giáo, nhưng họ lại khao khát liên lạc mật thiết với Thiên Chúa
để tìm một viễn tượng mới cho cuộc sống và để chữa lành những vết thương lòng
lâu năm mà vui vẻ sống.
Dân chúng khao khát đời sống tinh
thần. Trong hai muơi năm qua, nguời Tây Phương đến vùng Viễn Đông để tìm hạnh
phúc nơi những tôn giáo ở đó. Ngược lại, những người Ấn độ giáo và Phật giáo từ
Phương Đông thì đến Phương Tây để tìm ý nghĩa đời sống. Một nhóm người Ấn độ
giáo liên lạc với tôi sau khi đọc sách Giôsê
và yêu cầu tôi hướng dẫn về đạo cho họ. Họ bảo rằng họ tìm được an bình khi đọc
Giôsê và muốn học hỏi thêm về đời
sống của Đức Giêsu. Họ yêu cầu tôi dạy họ tìm an bình và hạnh phúc và cách thức
liên lạc với Thiên Chúa. Không phải chỉ có người Tây Phương mới tìm ý nghĩa của
đời sống và cách thức liên lạc với Thiên Chúa, nhưng đây là thái độ chung của
loài người. Và cũng chính vì đó mà Chúa Giêsu đến trong trần gian để dạy chúng
ta phải làm thế nào. «Ta là đường, là
chân lý và là sự sống», Ngài bảo. Nhưng đó lại là điều chúng ta không để ý
đến: Kitô giáo là con đường.
Điều đáng lo ngại cho tôn giáo của
chúng ta ngày nay là hàng giáo sĩ không thấy rằng dân chúng đang khao khát đời
sống tinh thần, hoặc các vị không quen với đường lối của Đức Giêsu và truyền
thống về thần bí và khổ hạnh của Kitô giáo qua bao nhiêu thế kỷ. Đó là đạo và
là phương cách áp dụng hay nhất những điều Đức Giêsu dạy, nhưng chúng ta lại
không dạy cho dân chúng. Chính lúc Phong Trào Tin Lành đang thịnh hành nhất thì
thánh Têrêsa thành Avila
và Gioan Thánh Giá, Inhaxiô thành Lôdôla và nhiều thánh nhân khác đã phác hoạ
ra con đường nên thánh bằng cách kết hiệp thần bí với Thiên Chúa một cách rất
thực tiễn. Cả đến ngày nay phương cách đó vẫn còn được dạy trong các lớp thần
học và tu đức. Đáng tiếc là giáo dân không được dạy điều đó trong nhà thờ, họ
cũng không biết có đường lối thánh thiện đó, vì thế mà họ đi tìm tôn giáo khác.
Có thể cha mẹ cũng dạy đạo cho trẻ
em. Các Giáo hội cũng vậy. Nhưng đó không phải là linh đạo (spirituality). Linh
đạo cần được dạy từ bé. Trẻ em phải được dạy về Thiên Chúa một cách đơn sơ và
trìu mến để chúng biết Ngài là một người Cha nhân từ và yêu thương đã dựng nên
chúng, mặc dù không hoàn toàn nhưng cũng ban cho chúng đủ sức để lớn lên trong
tình yêu của Ngài. Chúng cũng phải được dạy về Đức Giêsu và đời sống của Ngài,
Ngài sống làm sao và Ngài yêu thương dân chúng thế nào. Chúng cũng phải được
dạy về Đức Giêsu như là một Chủ Chăn lo lắng đến những con chiên bị thương tích
và đau khổ, để chúng biết chạy đến với Ngài khi chúng gặp rắc rối và khi chúng
sa ngã và lầm lỗi.
Thường thì linh đạo không phải là
việc của trẻ em. Đời sống tinh thần cũng phát triển như mọi phương diện khác
trong đời sống. Nó trải qua từng giai đoạn. Nó phát triển mạnh sau khi con
nguời gặp khủng hoảng. Bắt trẻ em phải học linh đạo khi chúng chưa sẵn sàng là
trái tự nhiên và làm cho chúng không quan tâm đến tôn giáo và Thiên Chúa. Chúng
ta có thể dạy cho trẻ em về Thiên Chúa và gieo nơi chúng hạt giống sẽ nẩy mầm
và lớn lên khi thời gian đến, nhưng hoạt động tu đức không phải là điều giới
trẻ ưa thích. Thực vậy, nó có thể gây tai hại khi đòi hỏi quá mức nơi trẻ em
khi chúng còn bé quá để hiểu được linh đạo là gì. Có nhiều bạn bè của tôi đã
quá nhiệt thành bắt con cái phải học linh đạo làm chúng đâm ra chán ngán đạo. Vì
thế khi lớn lên chúng không chịu được nữa và chỉ đi đến nhà thờ khi bị la rầy. Những
đứa lớn thì không bao giờ đến nhà thờ nữa.
Một lúc nào đó người ta cảm thấy
cần Thiên Chúa và cần phải có đời sống tinh thần. Tuy nhiên linh đạo khác với
việc hành đạo và làm các việc đạo đức. Các việc đạo đức này chỉ là mô phỏng
linh đạo. Nhưng tiếc thay, nhiều người lại nghĩ rằng họ sống gần gũi với Thiên
Chúa khi làm các việc đạo đức. Đó không phải là linh đạo. Họ được tiếng là đạo
đức. Đức Giêsu sống ba mươi năm ở Nadarét, và có lẽ bạn nghĩ rằng dân chúng
trong vùng đó phải cảm phục sự thánh thiện của Ngài. Nhưng lạ thay, họ phải
ngạc nhiên khi Ngài bắt đầu hoạt động công khai và rao giảng Tin Mừng. «Anh ta học điều đó ở đâu? Anh ta không phải
là con bác thợ mộc sao?». Rõ ràng là sự thánh thiện của Ngài không đánh
động dân chúng lắm. Chắc bạn thắc mắc rằng làm sao Đức Giêsu có thể che dấu
linh đạo của Ngài trong từng ấy năm, cả đến bạn bè của Ngài cũng bỡ ngỡ khi
thấy Ngài quan tâm đến tôn giáo. Đức Giêsu không sống ra dáng đạo đức đối với
những người sống gần gũi Ngài, đó là vì Ngài sống đạo đức thật, không phô
trương. Ngài bảo các tông đồ: «Khi cầu
nguyện, anh em hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin Cha của anh em nơi kín đáo
và Cha của anh em là đấng biết mọi việc kín đáo sẽ nghe anh em» . Trong một
dịp khác Ngài bảo các môn đệ rằng họ không nên giống như các kinh sư và người
Pharisêu là những kẻ ưa đọc kinh dài dòng và thích được người ta thấy họ cầu
nguyện nơi công cộng. «Đừng làm việc
thiện để được người ta thấy. Ai làm như vậy thì đã được phần thưởng rồi. »
Những lời dạy như thế cho thấy Đức Giêsu từ đâu đến và lối sống của Ngài thế
nào.
Cái lầm lẫn mà nhiều người mắc
phải là khi cố gắng nên thánh đã miệt mài làm nhiều việc đạo đức, dự nhiều nghi
lễ, vì nghĩ rằng càng làm nhiều thì càng thánh thiện. Nhưng linh đạo không phải
như vậy. Đời sống tinh thần chỉ phát triển cách tiệm tiến, không thấy được, rất
là âm thầm. Ra sức làm nhiều việc thiện cho tha nhân và làm nhiều việc đạo đức
không làm cho chúng ta nên thánh thiện. Nếu không cẩn thận, những công việc đó
sẽ làm cho chúng ta suy nhược và thêm gánh nặng cho đời sống đã quá bận rộn của
chúng ta.
Linh đạo thật thì khởi sự bằng
cách tập tễnh tìm kiếm Thiên Chúa nhưng rồi với thời gian sẽ tự tin. Lúc đầu có
thể tìm Ngài vì tuyệt vọng. Nhưng không sao. Thiên Chúa dùng đủ mọi cách để lôi
kéo chúng ta đến với ngài. Hoặc là chính chúng ta cảm thấy cần gần gũi Ngài. Vì
lý do nào đi nữa, Thiên Chúa cũng gọi chúng ta sống thân mật với Ngài. Đức
Giêsu dạy phải cư xử thế nào khi liên lạc với Cha của Ngài: đó là phải tín cẩn
như trẻ em. Điều này không bắt buộc, nhưng Ngài chỉ cố gắng dạy chúng ta phải
liên lạc mật thiết với Cha của Ngài là đấng Ngài biết rõ. «Tại sao anh chị phải lo lắng thái quá?», Ngài nói với dân chúng thế
đó. «Hãy nhìn chim trời. Chúng không
gieo, không gặt và không làm kho tích trữ. Có Cha của anh chị trên trời lo cho
chúng. Anh chị còn quí giá hơn các đàn chim, nhưng anh chị lại lo lắng, như thể
anh chị không có Cha trên trời. Đừng lo. Cha anh chị trên trời biết anh chị cần
gì, trước khi anh chị xin Ngài. »
Đó là bước đầu tiên của
linh đạo, là cảm thấy cần có Thiên Chúa trong đời sống và đặt mình nơi tay Ngài
với lòng đầy tín cẩn, tin ở tình yêu êm ái của Cha chúng ta. Chúng ta có thể
cảm thấy khó khăn, bởi vì ai cũng thấy mình yếu đuối và không xứng đáng với
lòng từ ái của Thiên Chúa. Nhưng cũng chính đó cho thấy tình yêu của Thiên Chúa
thật là tốt đẹp. Không phải vì ngài thấy chúng ta tốt đẹp, nhưng là vì Ngài yêu
thương và nhân hậu đối với chúng ta, mặc dù chúng ta yếu hèn tội lỗi. Đám dân
mà Đức Giêsu giảng dạy khi Ngài nói về chim trời là những người bình dân, tội
lỗi như chúng ta nếu bạn muốn nghĩ thế, mặc dù Đức Giêsu không gọi họ như thế. Đức
Giêsu gọi dân chúng là con cái của Thiên Chúa, là đàn chiên nhỏ bé. Thật là cảm
động trong cách thế Đức Giêsu ngỏ lời với dân chúng. Ngài bảo đảm với họ rằng
Thiên Chúa lo lắng đến họ mặc dù Ngài biết họ có nhiều khuyết điểm trong đời
sống. Vì thế, khi chúng ta bắt đầu tiếp xúc với Thiên Chúa, chúng ta nên vững
tâm rằng ngài sẽ mở lòng tiếp đón chúng ta. Chúng ta không sợ phải phiền hà
ngài. Mặc cho đời sống dĩ vãng và sự yếu hèn của chúng ta, ngài rất hài lòng
khi chúng ta đến với Ngài. Giống như người cha nhân hậu đối với đứa con hoang
đàng, Ngài sẽ giang tay tiếp đón chúng ta và sẵn sàng làm bạn và vô cùng nhân
hậu với chúng ta. Ngài tha thứ tất cả, Ngài đổi mới tất cả. Mặc dù chúng ta đầy
tràn tội lỗi, Ngài sẽ rửa sạch chúng ta và làm cho chúng ta trắng như tuyết,
qua phép rửa, hoặc làm sống lại đời sống mà phép rửa ban cho để giao hoà lại
với Ngài.
Nội dung <=> Chương hai
Comments
Post a Comment