09 Từ Đất đến Vinh Quang
Chương Chín
Từ Đất đến Vinh Quang
Vác thập giá với Chúa Kitô là một
phần không thể thiếu được của đời tu đức. Xem ra u ám, nhưng thực ra nó cũng
không khác chi lắm tình đời. Nếu bạn yêu ai cách tha thiết thì bạn sẽ sẵn sàng
chịu mọi đau khổ, đi mọi nẻo đuờng dù xa xôi đến đâu để chứng minh tình yêu của
bạn. Đối với Thiên Chúa cũng vậy. Đức Giêsu nói rằng, «Nếu bạn không sẵn
sàng vác thập giá của bạn mà theoTa, thì bạn không xứng với Ta». Thập giá
hay hy sinh sẽ luôn là thành phần của đời sống của mình với Đức Giêsu, cũng như
đau khổ luôn đi với tình yêu chân thật.
Tuy nhiên hầu hết các đau khổ
không phải do việc kết hợp với Thiên Chúa. Thường thì những đau khổ của chúng
ta là do chúng ta làm, hoặc là thành phần đương nhiên của cuộc sống. Đau khổ vì
mất mát, đau khổ vì bệnh tật, đau khổ vì trầm cảm, đau khổ khi nhu cầu không
được thoả mãn, đau khổ vì lo lắng đến những người mình yêu, nhất là con cái và
những vấn đề của chúng, những đau khổ này không phải do việc chúng ta dấn thân
cho Thiên Chúa, nhưng chỉ là thành phần của đời sống. Điều an ủi là chúng ta có
thể đưa chúng vào đời sống với Thiên Chúa và làm cho chúng ta sống mật thiết
với Đức Giêsu hơn, bởi vì chúng ta được chia sẻ với Ngài nỗi niềm đau thương và
lo lắng, và tìm thấy trong tình bằng hữu với Ngài sự êm ái và hướng dẫn mà
chúng ta cần có. Tình bằng hữu của chúng ta với Đức Giêsu có thực thế nào,
chúng ta tín nhiệm Ngài ra sao, có giúp đỡ những người chúng ta yêu mến khi họ
phải đau khổ không, đó là những chiều kích của đời tu đức của chúng ta. Thiên
Chúa rất khéo mang lấy lo âu của chúng ta về những người chúng ta yêu và lo âu
về chính chúng ta, chúng sinh ra lợi lộc cho chúng ta và là thành phần trong
chương trình huấn luyện cho công việc mà Ngài chuẩn bị sẵn cho tương lai. Không
có gì là phí phạm cả. Thiên Chúa sẽ có cách dùng chúng ở một nơi nào đó.
Tôi thường cảm thấy đau khổ cho
một người bạn thân của mẹ tôi. Bà tên là Anna. Tôi nghĩ rằng bà sống đau khổ
nhất. Lúc còn trẻ bà mang bệnh tê thấp làm bà què quặt, các bác sĩ phải cắt đôi
chân bà để giản chúng ra. Ngoài cái đau thương đó, bà còn mang bệnh vẩy nến làm
toàn thân bà mang sẹo. Dẫu thế, bà cũng lập gia đình. Cũng trong năm đó hai vợ
chồng bà dọn đi nơi khác gần chỗ làm của chồng bà. Sau đó bà Anna sinh con. Không
lâu sau chồng bà lại bỏ bà. Bà sống xa nhà và xa bạn bè, không được ai giúp đỡ.
Nhưng bà và mẹ của tôi vẫn liên lạc nhau bằng thư tín trong ba mươi lăm năm.
Vào một ngày mùa hạ chúng tôi
quyết định đi thăm bà Anna mà mẹ tôi lâu năm không gặp. Chúng tôi tìm được bà
đang sống trong một viện dưỡng lão. Chúng tôi đến dãy nhà bà ở và đến phòng bà.
Bước vào phòng, chúng tôi mục kích bà nằm liệt giường đau đớn. Toàn thân bà co
quắp vì chứng tê thấp ở các khớp xương. Bà Anna nhận ra mẹ tôi và tôi ngay và
còn nhớ gọi tên chúng tôi. Mẹ tôi bật khóc. Bà Anna nói, «Magarết, đừng khóc cho tôi. Tôi là người hạnh phúc nhất trên thế gian. Thiên
Chúa luôn luôn sống gần gũi tôi. Tôi nghĩ rằng tôi không thể hạnh phúc hơn được
nữa». Bà không thể cử động thân xác trong bảy năm liền, và phải lệ thuộc
vào nhân viên của viện trong mọi việc. Dẫu thế, bà sống rất hạnh phúc. Trong
ngày ấy tôi học hỏi được nhiều về Thiên Chúa, về tu đức, về đau khổ và về nhiều
chuyện khác. Phải mất nhiều thời giờ để học được hết bài học trong vài giây
phút ấy khi nhìn một đấng thánh quằn quoại trong đau thương trên giường bệnh. Thánh
Phaolô đã nói một cách bí ẩn rằng, «Chúng
ta phải mang vào thân xác chúng ta những đau khổ không có nơi Đức Giêsu». Tôi
không hiểu được hết tại sao những đau khổ của Đức Giêsu lại không đủ. Nhưng
ngày ấy tôi đã hiểu được thánh Phaolô muốn nói gì. Có những linh hồn diễm phúc được
Thiên Chúa gọi để chia sẻ những đau khổ của Đúc Giêsu và giúp Ngài trong việc
cứu vớt những linh hồn đang lạc xa ân sủng của Thiên Chúa. Thập giá là phần của
những ai theo Đức Giêsu.
Cũng có những thập giá hàng ngày
khi đi đường tu đức. Chối bỏ những điều ưa thích là cần thiết bởi vì chúng ta
phải kềm chế những giác quan của chúng ta để cho phù hợp với những việc linh
thiêng; đó là hy sinh và là thánh giá nhỏ bé. Điều mà Thiên Chúa đòi hỏi nơi
chúng ta trong đời sống thường nhật khi theo Ngài, như dấn thân giúp đỡ những
ai thiếu thốn, giúp đỡ tài chánh cho những ai trong tình cảnh khó khăn, hoặc
quyết định làm việc thiện và chính đáng khi chúng ta có thể có nhiều lợi lộc
khi làm việc bất chính. Đó là những thập giá phải vác khi muốn trung thành với Đức
Giêsu. Tiến trình tập tành mà Thiên Chúa muốn chúng ta theo khi Ngài làm cho
chúng ta cứng rắn để vững đi trên đường tu đức đôi khi có thể rất đau đớn. Khi đọc
hạnh các thánh, hầu như không có một vị nào không phải cực kỳ đau khổ trong đời
sống. Đau khổ là thử thách khắc nghiệt mà Thiên Chúa dùng để nung đốt tâm hồn
chúng ta, để gạn lọc những gì ti tiện thô lỗ và dần dần hun đúc trong chúng ta
một cái gì thần linh. Nếu Thiên Chúa muốn biến cục đất sét hèn hạ này là chúng
ta, trở thành một cái gì thần linh, tiến trình đó tất phải gây đau khổ. Tôi đang
nghĩ đến một cục than đá và một viên kim cương. Cả hai do chất Cát-bon tạo
thành. Một chất thì không đáng giá là bao, còn chất kia thì vô giá, mặc dù cả
hai đều được cấu tạo từ cùng một chất. Điểm khác nhau ở chỗ kim cương là một
cục than đá đã được đốt ở độ cao và chịu áp suất cao của quả đất cho đến khi
hết cặn, lúc đó nó trở thành kim cương, và vô giá. Bạn có thể gọi kim cương là
một cục than đá đã chịu đau khổ.
Chúng ta cũng thế. Mục đích của đời
sống là trở thành con cái của Thiên Chúa, nghĩa là phát triển đời sống của Ngài
trong chúng ta. Trưởng thành trong linh thiêng là tập tành nhân đức một cách
dũng cảm. Điều này chỉ có thể được nếu chúng ta có được nhiều dịp để thực tập. Hãy
nhẫn nại. Làm sao có thể có được sự nhẫn nại kiêu hùng nếu chúng ta không gặp
những thử thách đòi hỏi kiên nhẫn lâu dài. Vớí thời gian, chúng ta sẽ có được
lòng kiên nhẫn lớn lao. Tỉ như lòng can đảm. Làm sao có được can đảm nếu chúng
ta không ở trong những trường hợp đòi hỏi nhiều dũng cảm. Hoặc tình yêu dũng
cảm. Để đạt đến tình trạng bác ái dũng cảm, Thiên Chúa phải đặt để chúng ta
trong những hoàn cảnh khó khăn và ban cho chúng ta ân sủng để hoàn thành những
gì đòi hỏi tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa và của tha nhân. Tuần tự, tình yêu
của chúng ta sẽ phát triển tới mức độ mà chúng ta không thể ngờ được. Điều lạ
lùng trong tiến trình nên thánh là phần lớn do Thiên Chúa hoạt động trong chúng
ta mà chúng ta không hay biết gì.
Tiến trình này gắn liền với đau
khổ. Không thể nên thánh mà không phải hy sinh và đau khổ. Đức Giêsu gọi đó là
thập giá. Cha tôi thường nói, «Không nên
giáo dục con cái bằng tình cảm». Thiên Chúa làm thế đó. Ngài quá hiểu rằng
nếu Ngài muốn tạo chúng ta thành một cái gì có giá trị, Ngài sẽ bắt chúng ta cố
gắng tập luyện nhiều. Tập luyện tất phải đau đớn, cũng như người lực sĩ tập thể
thao vừa mềm dẻo vừa cứng rắn. Tuy nhiên cuối cùng thì chúng ta cũng thấy là đáng
làm lắm.
Một trong những tác dụng của sự
tập luyện là tư cách của chúng ta sẽ được mềm dẻo hơn. Khi chúng ta bắt đầu
sống đời tu đức,chúng ta có khuynh hướng cứng nhắc và chính xác trong mọi việc
chúng ta làm. Chúng ta cũng đòi hỏi một cách quá đáng đối với bản thân và tha
nhân. Chúng ta không hiểu được tại sao họ không hào hứng về những việc thiêng
liêng như chúng ta. Nhưng sau khi trải qua những đêm tối tăm với những kinh
nghiệm khiêm tốn, chúng ta lại thay đổi thái độ đối với bản thân và tha nhân. Trong
thời gian thử thách và đau khổ đó chúng ta học biết được tính mỏng dòn của bản
chất của chúng ta, và biết rằng phải lệ thuộc vào Thiên Chúa để giữ được mức
quân bình trong đời tu đức và tránh những cạm bẫy hiểm nghèo. Sau khi kinh
nghiệm những yếu đuối của mình, chúng ta sẽ hiểu được những chiến đấu và yếu đuối
của tha nhân. Như thế chúng ta sẽ quảng đại và hiểu biết hơn lúc trước và có
lòng nhân hậu sâu xa hơn đối với những thống khổ mà tha nhân gặp phải trên con đường
đến với Thiên Chúa…
Sau khi trải qua cái giai đoạn cực
kỳ khó khăn của lộ trình tu đức, chúng ta sẽ thoải mái với chính bản thân và
tha nhân. Chúng ta sẽ thong dong và bộc khởi trong khi giao tiếp và cũng không đòi
buộc tha nhân phải thế này hay thế khác như chúng ta nghĩ. Chúng ta sẽ thích
giao tiếp và hài hước được trước những nhược điểm và bất toàn của tha nhân và
họ cũng cảm thấy thoải mái với chúng ta và thích giao tiếp với chúng ta. Đó là điều
chúng ta thấy nơi Đức Giêsu . Ngài cũng thấy thoải mái với mọi người. Ngài tiếp
xúc với dân một cách thong dong. Dân chúng cũng luôn luôn cảm thấy thoải mái
với Ngài dẫu họ là người tội lỗi. Họ không bao giờ thấy Ngài lên án ai. Họ cảm
thấy Ngài biết họ, biết mọi điều về họ và luôn hiểu họ. Không phải là Ngài dung
túng tội lỗi, nhưng Ngài hiểu rằng con người trưởng thành theo như ý của Thiên
Chúa và khi Thiên Chúa định ban ân sủng. Dân chúng biết thế đó và cảm thấy yên
tâm mà đến với Ngài. Giao tiếp với Ngài tất đem lại một sự thay đổi trong đời
sống. Nhưng điều này chỉ xảy ra một cách tuần tự và tự nhiên, và khi Thiên Chúa
ban ân sủng. Đó là tiến trình tu đức thật sự, chứ không phải vì thần kinh bị
kích thích hay là do những nguyên nhân nào khác.
Mặc dù thập giá là chính yếu trong
đời tu đức, nhưng nó không ám ảnh cuộc đời của Đức Giêsu và cũng không nên để
nó ám ảnh cuộc đời những ai theo Ngài. Niềm vui là tính chính yếu của Đức Giêsu
khi Ngài đến với chúng ta. Tiên vàn, Đức Giêsu là một con người hạnh phúc. Ngài
rất thong dong, thong dong trước vật chất, không bất chính bám víu vào ai,
không để cảm xúc ràng buộc hay loạn thần kinh. Thật là đẹp đẽ khi nhìn Ngài
sống dẫu Ngàì có biết những khó khăn đang chờ đợi. Ngài không để mình bị ám ảnh
bởi lo âu hay bất hạnh. Ngài dâng hiến những khó khăn cho Cha Ngài như thể đó
là những vấn đề của Cha Ngài. Ngài chỉ làm những gì Ngài biết mình phải làm mỗi
ngày. Như vậy, Ngài mới có được một sự thong dong tuyệt vời và luôn toả ra một
tinh thần an vui.
Sự giao tiếp mật thiết giữa Đức
Giêsu với Cha Ngài và Chúa Thánh Linh là một hiện tượng đôc nhất trong tôn
giáo. Nó biểu lộ nội tính của Thiên Chúa như là một gia đình với các ngôi vị có
biểu trưng khác nhau nhưng lại đồng nhất. Từ đó Đức Giêsu múc được nguồn lực
cho bản tính và môi trường nhân loại của Ngài. Đức Giêsu muốn chia xẻ điều này
với những ai theo Ngài, giới thiệu họ với Cha Ngài, và khi trưởng thành đủ họ
lại được đón nhận Chúa Thánh Linh.
Cộng đồng là điều quan hệ đối với Đức
Giêsu. Ngài không hoạt động đơn độc. Ngài đi lại trong cộng đồng, luôn có một
nhóm người đi với Ngài qua các làng mạc. Họ gồm thân mẫu của Ngài, những người
họ hàng trung kiên, và các môn đệ thuộc nữ giới như Maria Mai Đệ Liên, Xalômê,
vợ của đầu bếp vua Hêrốt. Ngài giao tiếp với các tông đồ như một cộng đồng, mỗi
người có trách nhiệm của mình. Giuđa làm quản lý, trả các chi phí và cứu trợ người
nghèo. Họ dựng lều ngủ ban đêm khi đi truyền đạo.
Có một nhóm gồm bảy mươi hai môn đệ
tiên khởi đến các tỉnh nhỏ hay làng mạc trước khi Đức Giêsu đến. Họ được huấn
luyện và hoạt động song song với nhóm tông đồ là những người thân cận của Đức
Giêsu, để truyền bá Tin Mừng và chữa bệnh. Không phải ai cũng làm được công tác
này. Xem đấy, bạn thấy rõ Đức Giêsu thiết lập một cộng đồng có tổ chức, mỗi người
có nhiệm vụ riêng biệt và đáp ứng nhu cầu của nhau, lo lắng đến khó khăn và
nguyện vọng của các thành viên. Họ sống rất thân thiết với nhau như là một gia đình.
Ý tưởng về gia đình là một đặc điểm của Đức Giêsu về tôn giáo. Nó liên kết những
ai theo Ngài, khác với tổ chức luật pháp cứng nhắc ràng buộc con người từ lúc sơ
sinh cho đến khi họ nằm xuống huyệt. Ý tưởng về tôn giáo như là một gia đình
không phải là một tổ chức luật pháp mới, nhưng là một cộng đồng gồm những cá
nhân sống tự do làm con cái Thiên Chúa, sống cho chính mình. Các phần tử trong
cộng đồng phải chấp nhận lẫn nhau và không bị ám ảnh với ý tưởng phân loại các
thành viên theo pháp luật. Mục đích của cộng đồng và gia đình không phải là
thống trị cá nhân, nhưng là xây dựng tình đồng đội, tương trợ nhau, xác nhận cố
gắng của nhau và hợp tác nhau để loan truyền niềm vui tuyệt vời và sự tự do họ
tìm thấy nơi Đức Giêsu. Họ nới rộng tầm tay đem đến an vui, nâng đỡ và chữa
bệnh cho những ai cần đến. Họ chóng được tiếng là cộng đồng tình yêu. Một viên
chức cao cấp Rôma chú thích,«Xem đấy,
những người Kitô yêu thương nhau lắm».
Đức Giêsu không có mấy nghi thức
trong việc chia sẻ đời sống nội tâm của Ngài và kết hợp với những ai theo ngài.
Chỉ có những nghi thức đơn giản như «Phép
Rửa». Nghi thức này có thể làm ở bất cứ dòng nước nào, nếu không có thì chỉ
xối nước cũng được. Nghi lễ «Bẻ Bánh»,
chia sẻ mình và máu của Ngài và là việc rất quí giá đối với những người Kitô sơ
khởi, có thể cử hành chung quanh bàn ăn. Nghi lễ «Hoà Giải» có thể thực hiện trên đường đi hay trong đường phố, hoặc
bằng tâm tình sám hối khi tụ họp nhau vì đã bất trung với Thiên Chúa, hoặc đã
gây nên gương mù làm ô danh cộng đồng. Và trong Nghi thức «Đặt Tay » các tông đồ trao lại cho
những người kế vị quyền lực mà các ông đã nhận từ Đức Giêsu.
Lối sống đạo mới mẻ này cũng như
linh đạo phát sinh từ đó là một hiện tượng mới mẻ trong lịch sử nhằm liên kết
gia đình nhân loại với Đấng Tạo Hoá và một trật cũng cho con người huởng thụ sự
tự do được làm con cái của Thiên Chúa và có đời sống trong tâm hồn mình. Lối tổ
chức tôn giáo này là để phục vụ, trong đó các người lãnh đạo tôn giáo có nhiệm
vụ khuyến khích, chỉ dẫn, dạy dỗ, xác quyết và giúp đỡ các con cái của Thiên
Chúa để họ hiểu biết rằng Cha của họ và Chúa Thánh Linh hoạt động trong đời
sống họ và trong cộng đồng. Và điều đòi buộc nơi họ là làm con cái trung tín
của Thiên Chúa và làm môn đệ của Đức Giêsu.
Mục đích tối hậu của công việc này
cũng như nền linh đạo phát xuất từ đó là để chuẩn bị ra trước mặt Thiên Chúa khi
đường đời kết thúc. Thiên đàng là vinh dự của đời sống mà Đức Giêsu hứa cho
những ai theo Ngài. Nếu Đức Giêsu không dạy điều gì khác nữa, thì nội giáo lý
này cũng đủ để thay đổi vận mệnh của nhân loại. Ngài là lãnh tụ tôn giáo độc
nhất và đầu tiên tuyên bố rằng có thiên đàng, Ngài biết chắc chắn vì Ngài từ đó
đến. «Mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe,
trí khôn nhân loại chưa hề nghĩ đến những điều lạ lùng mà Cha của Ta đã chuẩn
bị cho những ai yêu mến Ngài». Và trong một dịp khác Ngài nói, «Ta đi dọn chỗ sẵn cho anh em, và Ta sẽ trở
lại đem anh em đi với Ta, để Ta ở đâu thì anh em cũng ở đấy».
Tiến trình tu đức cũng như sự lớn
lên trong Thiên Chúa đương nhiên sẽ đưa đến đời sống với Thiên Chúa sau khi
chết, một đời sống cho chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa và biết Ngài như Ngài biết
và yêu mến chúng ta. Chúng ta sẽ được cùng nhau chia sẻ với Đức Giêsu nỗi niềm
vui sướng vô biên trước sự hiện diện của Thiên Chúa, chia sẻ tình bằng hữu vô
cùng tận của gia đình Thiên Chúa với những người thân yêu mà Thiên Chúa gọi về.
Chương tám
Comments
Post a Comment