18 Giôsê - Chương mười tám
CHƯƠNG
MƯỜI TÁM
Giôsê thức dậy lúc bốn
giờ ba mươi, đúng như dự định và không cần đồng hồ đánh thức. Cha Phát và giáo
sĩ Dô An đến lúc năm giờ ba mươi, ngay sau khi Giôsê ăn điểm tâm xong. Họ uống
cà phê với chàng, trao đổi vài câu chuyện hài hước, và ra đi. Giôsê nhìn quanh
quẩn căn nhà, lòng buồn man mác. Chàng lấy cái búa và cái đục trên bàn tặng cha
Phát, và một bộ khác tặng giáo sĩ Dô An. Chàng xách một gói nhỏ đựng đồ của
chàng và nhìn qua cửa sổ phía sau ra cánh đồng cỏ. Qua các kẻ hở của hàng rào gỗ,
chàng thấy ba còn cừu đang nhìn vào vườn nhà. Chàng đi ra cửa sau, bước qua giậu
và sờ mấy con cừu, âu yếm nắm tai chúng như chàng thường làm, rồi đi lại vào
nhà và ra cửa trước với hai ông bạn. Họ thấy nước mắt chảy xuống má chàng, nhưng
không nói gì cả.
Chiếc xe yên lặng
lăn bánh ra khỏi làng. Hầu hết dân chúng còn đang ngủ. Những tia nắng vàng của
mặt trời hực đỏ dọi qua cây cối như những luồng điện sáng. Trời hơi lạnh. Giôsê
mặc áo ấm. Thật là một buổi sáng tốt để lái xe đi xa. Họ lái theo những con đường
miền quê đến cổng đóng tiền. Không mấy chốc họ đã đến trạm tính tiền.
«Hôm nay cha đi làm sớm?», người gác trạm
hỏi trong khi đưa vé cho cha Phát.
«Vâng, phải đi xa», cha Phát ngái ngủ trả
lời.
Con đường vào phố
chính xem ra không xa mấy. Một khi đã hoàn toàn tỉnh ngủ, họ nói chuyện suốt đường.
Họ dừng lại ở trạm xăng gần lối cuối cùng bỏ xa lộ để lấy xăng và uống ly cà
phê với bánh ngọt. Giao thông trong phố chưa bận rộn lắm, họ còn nhiều thì giờ
khi đến bến tàu. Chiếc tàu đã sẵn sàng rời bến. Đó là một chiếc tàu cũ nhưng
xem được. Khi ba người đi cầu lên boong tàu, ông thuyền trưởng chào họ. Ông là
người vui tính, đẹp trai, và nói tiếng Anh với giọng Ý Đại Lợi chải chuốt. Ông
xem đẹp đẽ trong bộ hải phục. Ông nghĩ Giôsê là khách có hai giáo sĩ tiễn chân,
nên hỏi giấy tờ của chàng. Giôsê móc túi lấy chúng ra đưa cho ông. Ông xem giấy
tờ và chào Giôsê cách lạnh nhạt, rồi gọi một người phụ tàu đưa Giôsê đến phòng
của chàng. Cha Phát và giáo sĩ Dô An đi theo. Họ đi xuống bực thang và đi dọc
hành lang. Cái phòng đứng một mình. Đó là cái phòng duy nhất còn lại khi giám mục
giàn xếp. Phòng thường không được dùng. Người phụ tàu mở cửa phòng và để mọi
người bước vào. Phòng tuy nhỏ nhưng sạch sẽ và mới sơn. Có một cái giường ngủ, một
rương đựng quần áo và một phòng tắm. Họ cười khi thấy căn phòng xa xí của Giôsê,
và cùng nhau lên lại boong tàu.
Đã gần giờ tàu nhổ
neo, vì thế cha Phát và giáo sĩ Dô An từ giã Giôsê. Đó là một buổi chia tay buồn
bã đối với họ. Họ đã trở nên gần gũi nhau và có những quan niệm sống giống nhau.
Cha Phát nói với Giôsê rằng cha sẽ cầu nguyện cho chàng. Giáo sĩ Dô An cũng nói
như vậy. Giôsê bảo họ hãy thành thực với chính mình và theo đuổi điều mình tin
tưởng, và đừng thất vọng khi người ta không hiểu mình. Những vật quí giá thường
hiếm có. Đối với tư tưởng cũng vậy. Để hướng dẫn dân chúng, các ông không thể
suy tư như họ. Vì thế đừng mong họ hiểu. Các bạn làm công việc của Thiên Chúa, Ngài
sẽ ban thưởng khi thời lúc đến. Hai người hôn Giôsê và rời tàu. Cầu tàu dở lên
và còi hụ. Chiếc tàu to lớn từ từ rời bến. Đứng dưới bến, hai người vẫy tay
Giôsê. Chàng vẫy tay lại. Chàng xem buồn bã và cô đơn một mình trên tàu. Đó là
lần cuối cùng bạn bè thấy chàng.
Giôsê được giao cho
công việc ở phòng ăn. Chàng phải trình diện với đầu bếp lúc sáu giờ sáng để dọn
bàn ăn, và hầu bàn cho khách ăn điểm tâm. Chàng phải trở lại bếp lúc mười một
giờ và hầu bàn bữa trưa. Cơm chiều vào lúc sáu giờ, vì thế chàng phải sẵn sàng lúc
năm giờ để dọn ăn. Ngoài ra thì chàng được tự do.
Khi người thủy thủ
chỉ dẫn xong, Giôsê đi lên boong tàu và nhìn qua nước vào đất liền. Nó cứ xa dần.
Một nỗi buồn xâm chiếm tâm hồn Giôsê, khi chàng nghĩ đến những cái tốt lành và
đẹp đẽ chàng thấy ở dân chúng mà chàng gặp gỡ trong thời gian ngắn ở Ôbờn. Chàng
cũng nghĩ đến cha chính xứ và vị giám mục, chàng thương hại họ. Đời sống của họ
thật nông cạn và trống rỗng. Họ không có gì mấy để cống hiến cho dân chúng. Chàng
nhìn ra biển và không biết việc gì sẽ xảy ra trong vài tuần nữa. Chuyện vui hay
chuyện buồn?
Chưa chi đã mười một
giờ. Giôsê đi trình diện với đầu bếp. Ông ta bảo chàng lấy nước và dọn bàn. Ông
chỉ cho chàng những đĩa ăn để ở đâu và bảo chàng đem chúng đến quày để ông bỏ
thức ăn lên. Ông bảo chàng cắt bánh mì và để lên mấy cái rổ. Lúc ấy hành khách
vào phòng ăn. Họ rất thân thiện và hỏi chàng tên gì. Chàng nói tên mình với họ,
trao đổi chuyện vui và chỉ họ chỗ ngồi. Người đầu bếp đưa cho Giôsê một khăn hầu
bàn để vắt lên cánh tay.
«Để làm gì?», Giôsê hỏi.
«Để khi anh cầm thứ gì nóng, hoặc lau những vụn
bánh trên bàn, hoặc khi mở rượu cho khỏi rớt trên khăn bàn».
Bữa ăn trưa tiến
hành tốt đẹp. Chỉ có độ hai muơi lăm người cả thảy, gồm ông thuyền trưởng và thủy
thủ đoàn. Giôsê rất lanh lẹ. Chàng theo dõi và dò trước mọi nhu cầu, nếu ai muốn
gì thì chàng đến và lịch thiệp hỏi họ. Đặc biệt các bà rất phục cử chỉ nhã nhặn
và mau mắn của chàng khi thấy ai cần thứ gì.
Cơm chiều cũng giống
thế. Một số khách chú ý quan sát hơn, họ thấy ngay phẩm cách nhã nhặn tự nhiên
của Giôsê. Họ muốn hỏi chàng nhiều câu để biết chàng nhiều hơn nhưng lại thôi, vì
nghĩ rằng tốt hơn nên kính trọng đời tư của chàng. Tuy nhiên khi chàng trở nên
đề tài ở các bàn ăn thì hành khách càng tọc mạch hơn. Vào ngày thứ hai của chuyến
đi, người ta biết được chàng không phải là người hầu bàn tầm thường. Có một nét
uy nghiêm ở người chàng bên dưới cái vẻ đơn sơ, cả khi chàng phục dịch. Mặc dù
chàng không trò chuyện nhiều với khách, nhưng họ cũng thấy chàng rất thông minh
trong cách trả lời. Trong những câu chuyện với chàng trên boong tàu ngoài các bữa
ăn, họ hiểu biết chàng cách thân mật hơn và có lòng nể nang chàng. Họ ngượng
ngùng khi chàng hầu bàn họ. Giôsê cảm thấy điều đó và cố gắng làm cho họ tự
nhiên, chàng bảo rằng họ rất tử tế và chàng thích phục dịch cho họ lắm.
Chỉ có một người gây
khó khăn cho Giôsê. Ông ta cộc cằn và ồn ào, và thấy cái gì cũng sai. Giôsê cố
gắng làm ông hài lòng. Mọi người ngạc nhiên khi thấy chàng không bao giờ mất
bình tĩnh. Ông ta càng xem ra dễ ghét khi thấy Giôsê không để ý gì, chàng chỉ mỉm
cười và lờ đi những câu chỉ trích của ông. Những người khách khác thương hại
cho Giôsê, nhưng hứng thú khi thấy cử chỉ của người đàn ông không làm chàng bực
bội được.
Vào ngày thứ ba của
chuyến du hành, trong khi Giôsê ngồi trên sân tàu, thì một thảm cảnh xảy ra bên
dưới. Một thằng bé té xuống thang. Họ đem nó vào phòng bệnh và gọi bác sĩ. Ông
chạy xuống và khám nó. Nó bị gãy cổ và khó thoát chết. Ông bác sĩ làm hết sức
mình, nhưng không được gì. Thằng bé chết vài phút sau đó. Bác sĩ khám nghiệm
hình quang tuyến ông đã chụp và thấy gãy hai đốt xương sống gần cổ. Tên thằng
bé được chuyền đi khắp tàu rất mau. Tên nó là Mai Liên Dênết.
Khi nghe tin đó
Giôsê không nói gì, chỉ xin kiếu với vài hành khách để đi xuống hầm tàu. Khi
chàng đi dọc hành lang thì thuyền trưởng rời phòng vô tuyến. Ông thấy Giôsê, nhưng
không để ý đến chàng cho đến khi thấy chàng đi về phía phòng bệnh. Rồi ông cảm
thấy tò mò. Ông nhìn chàng từ đàng xa và thấy chàng đi vào căn phòng mà xác chết
đang nằm. Không có ai trong phòng cả, và vì Giôsê để cửa mở một nửa nên thuyền
trưởng thấy được hết mọi việc.
Giôsê bước đến cái
bàn có xác chết nằm, nâng tấm vải dưới đầu thằng bé và gọi lớn, «Mai Liên, dậy đi». Thuyền trưởng cảm thấy
lạnh xương sống, ông không biết phải la lên mừng rỡ vì con của bạn ông còn sống,
hay là phục gối xuống. Cha thằng bé là bạn lâu năm của ông, nên ông cảm thấy
đau khổ lắm trước tại nạn đã xảy ra. Nhưng giờ đây niềm vui mừng của ông lại
ngàn lần lớn hơn cái đau khổ, và ông mừng rỡ không thể tả. Trong khi đó, Giôsê
bảo thằng bé ăn miếng bánh mì mà chàng mới đưa cho nó. Mai Liên hỏi việc gì đã
xảy ra. Giôsê bảo nó không có gì và đừng nói cho ai biết. Rồi Giôsê rời căn
phòng và đi lên boong tàu như thể không có việc gì đã xảy ra.
Ông thuyền trưởng lập
tức đi gặp bác sĩ và bảo ông là thằng bé đã ngồi dậy được. Bác sĩ nói là phi lý,
vì thằng bé đã chết rồi. Hai người chạy đến phòng bệnh, và khi bác sĩ thấy Mai
Liên đứng gần giường, ông phát điên lên. Ông bảo thằng bé leo lên bàn.
«Tại sao? Cháu không sao cả».
«Con ạ, con chết rồi. Tại sao thế này?», bác
sĩ hỏi.
Thằng bé không nói
gì, nhưng bác sĩ khăng khăng hỏi. Thuyền trưởng cũng không thể nói cho bác sĩ
biết việc gì đã xảy ra. Bác sĩ đòi phải chiếu điện một lần nữa. Phim quang tuyến
không cho thấy gì cả, không có chỗ gãy, cũng không có vết gãy. Ông không thể lầm.
Ông nóng nảy cầm cái phim đầu tiên lên nhìn, so sánh với phim thứ hai, và với
giọng thoả mãn, ông chỉ cho thuyền trưởng. «Đây,
cổ nó gãy. Thấy không? Nhưng cái gì đã xảy ra? Tại sao nó lành? Tôi không thể
hiểu được».
Bác sĩ cho thằng bé
đi ra và bảo nó nếu cảm thấy yếu trong người hay nôn mửa thì trở lại ngay. Khi Mai
Liên đi lên boong tàu thì nó trở nên nổi tiếng. Ai cũng muốn biết cái gì đã xảy
ra. Mai Liên nói với họ những gì nó nhớ, nó té xuống cầu thang và mang máng nhớ
những người đứng chung quanh nó, nhưng không nhớ gì nữa cho đến lúc nó thức dậy.
Nó thấy gì không khi nó chết? Nó có nghe nhạc hay tiếng nói gì không? Nó có thấy
Chúa không? Thằng bé nói rằng nó không thấy gì cả cho đến lúc nó thức dậy. Ông
thuyền trưởng không biết phải làm gì. Ông phải làm một bản tường trình đầy đủ, nhưng
ông phải viết gì trong đó? Ông có nên viết những gì ông đã chứng kiến không? Ai
sẽ tin? Nhưng ông không có một sự lựa chọn nào. Ông chỉ có thể viết điều ông
trông thấy. Nếu họ tin, thì mọi việc sẽ tốt đẹp. Nếu họ không tin, thì đó là việc
của họ.
Ông bác sĩ gặp rắc rối
hơn. Ông không thể giải thích được những giây phút ngắn ngủi giữa lúc ông từ
giã thằng bé nằm chết và lúc thấy nó đứng dậy vài phút sau đó. Thuyền trưởng
cũng không giúp được gì, mặc dù về khuya đêm đó ông tâm sự với bác sĩ điều ông
đã chứng kiến. Bác sĩ cười khỉnh, nhưng không biết phải viết gì trong bản tường
trình của ông.
Việc tình cờ đó xảy
ra vào giữa trưa. Thuyền trưởng Phongli rất cảm xúc với biến cố đó. Ông bắt đầu
thắc mắc về lý lịch thực của anh hầu bàn khiêm tốn vui vẻ phục dịch cho khách
này. Vị giám mục có cho ông biết ít chi tiết về Giôsê, nhưng không có cái nào
xem đúng với con người mà ông biết trong mấy ngày qua. Ông bắt đầu sợ sệt khi
nghĩ đến Giôsê phải hầu bàn, nhất là hầu bàn cho ông.
Thuyền trưởng gọi
Giôsê đến phòng ông. Khi chàng đến, ông mời chàng ngồi ghế và đối xử với chàng
rất nhã nhặn. «Giôsê», ông nói, «tôi đã quyết định không để anh làm trong
phòng ăn nữa».
«Tại sao, thưa thuyền trưởng?», Giôsê hỏi,
có vẻ quan tâm.
«Tôi thích phục dịch cho khách. Họ là những
người tốt và tôi thích làm một cái gì cho họ».
«Giôsê, tôi đã thấy việc gì xảy ra trưa nay. Bây
giờ tôi biết và hiểu anh hơn lúc trước. Anh khác nhiều với điều tôi nghe nói về
anh, và tôi rất ái ngại để anh làm công việc hèn hạ thế đó.»
«Nhưng, thưa thuyền trưởng, đó là sự đồng ý
giữa tôi và giám mục, và tôi muốn giữ lời».
Thuyền trưởng nghĩ
ngợi một lúc. «Được, nhưng tôi ái ngại về
việc đó lắm». Rồi ông cười khi nghĩ ra việc gì. «Tôi nghĩ ra rồi. Tôi thích nấu ăn, nhưng không bao giờ có dịp. Hay là
tôi cho người đầu bếp nghỉ ngơi, anh và tôi sẽ nấu ăn và hầu bàn chung với nhau?
Tôi thường làm việc đó một đêm trong mỗi chuyến du hành».
Giôsê cười và đồng ý.
Do đó thuyền trưởng gọi người đầu bếp và cho biết ý định của ông. Người đầu bếp
mừng lắm. Anh ta không phiền hà gì. Vì vậy lúc bốn giờ ba mươi Giôsê và thuyền
trưởng đi xuống bếp. Giôsê dọn bàn như thường lệ, và lấy đồ trong tủ cho ông
thuyền trưởng, trong khi đó ông ta lục tủ lạnh và tủ đựng thức ăn để tìm những
thứ cần đùng cho bữa ăn.
Món khai vị là cá Đức
với kem chua, thịt nhồi chiên với nước tương đậu nành chua, và cà chua thái mỏng
phết tương chua. Món tiếp là rau át-ti-sô và xà lách trộn. Món ăn chính là sa-tế
Nam
đương, một kiểu thịt nướng của vùng Đông Nam Á, dọn với tương đậu phọng và cơm
nghệ. Thức ăn tráng miệng là bánh ngọt dọn với tương trái mơ và mấy loại cà phê.
Bữa ăn tối có hơi muộn,
nhưng không ai phiền hà gì. Người ta chuyền miệng nhau rằng ông thuyền trưởng nấu
ăn, do đó khách hàng không mong nó đúng giờ. Họ rất thích khi nghe ông thuyền
trưởng làm đầu bếp. Ông xem rất ra vẻ khi mang cái khăn che mình màu trắng và đội
mũ nấu ăn.
Giôsê dọn những món
khai vị. Khách rất thích. «Thuyền trưởng
nên tiếp tục nấu ăn», người đầu bếp có ý kiến như thế trong khi ngấu nghiến
món thịt nhồi. Món kế tiếp được đem ra. Khách hàng không ngờ lối sành ăn của
ông thuyền trưởng. Thực vậy, đó là một lối ngoại giao khéo léo. Lối đó đem người
ta lại gần nhau. Khi món ăn chính và món tráng miệng cũng như cà phê được dọn
ra, ai ai cũng phải thán phục.
Khi khách hàng ăn
xong và Giôsê lau bàn xong, họ ngồi lại ăn đồ tráng miệng và uống cà phê. Sau
đó ông thuyền trưởng và những người phụ tá cùng ngồi ở bàn thuyền trưởng và ăn
tối. Họ rất hãnh diện về chính mình, đặc biệt khi thuyền trưởng đến khen họ đã
làm việc tốt. «Tôi không làm khá hơn»,
ông bảo họ. Mọi người cùng cười.
Bầu khí trên chiếc
tàu thay đổi ngay sau đó. Mọi người xem ra thoải mái và thân thiện hơn. Đoàn thủy
thủ ăn trong phòng riêng, họ cũng ăn cùng thức ăn như khách, và lại thích nữa. Họ
thay đổi thái độ đối với thuyền trưởng. Họ vẫn kính trọng ông, nhưng giờ đây họ
có cảm tình với ông hơn, họ thấy ông cũng có thể rất là người. Họ tỏ lòng biết
ơn bằng cách làm thêm những việc lặt vặt không phải là bổn phận của họ.
Giôsê thấy nhiều cái
tốt nơi thuyền trưởng. Đó là lý do tại sao ông được chọn để chứng kiến việc
chàng làm. Hai tối tiếp theo thuyền trưởng và Giôsê cũng làm như hai dêm trước,
nhưng với những thực đơn khác. Hai người gần gũi nhau hơn khi họ hiểu biết nhau.
Thuyền trưởng chưa nói với ai về biến cố ở phòng bệnh, trừ ra với bác sĩ. Ông hối
hận vì đã bảo ông bác sĩ. Điều đó làm bác sĩ ấy buồn và khổ não từ hôm ấy.
Biến cố đó cũng làm
cho Mai Liên và Giôsê gần gũi nhau. Họ chia sẻ cái bí mật. Vì quen biết thuyền
trưởng, nên Mai Liên nói cho ông nghe việc đã xảy ra làm sao và hỏi ông nghĩ thế
nào. Thuyền trưởng thú nhận ông cũng không hiểu và ông chỉ nghĩ rằng tuy bên
ngoài Giôsê có vẻ đơn sơ, nhưng là một người lạ thường, chàng phải gần gũi với
Thiên Chúa lắm. Mai
Lên bảo ông rằng nó
nghĩ chàng còn là gì hơn nữa, rồi nó tiếp tục nói cho ông nghe nhữmg kinh nghiệm
đã xảy ra tại nguyện đường của cha nó ở Ôbờn.
«Nếu ông mà nghe chú ấy», Mai Liên nói, «Chú ấy được ơn soi sáng, cháu chắc chắn như
vậy. Phải chi ông thấy những gì đã xảy ra trong đêm đó ở nguyện đường. Một ông
gàn trong cộng đoàn đến gặp Giôsê và oán trách chú ấy về việc người Kitô giáo
bách hại người Do thái trong lịch sử. Chú Giôsê chỉ lắng nghe, rồi ôm lấy ông ấy.
Hai người trở thành bạn ngay lúc đó và nắm tay nhau đi vào nguyện đường. Thật
là đẹp đẽ». Thuyền trưởng chỉ lắng nghe, cố gắng tìm hiểu, và thắc mắc tại
sao vị giám mục đưa chàng đi Rôma để điều tra.
Ngày thứ ba của chuyến
du hành không có gì xảy ra, mặc dù biển bắt đầu động. Giôsê bị say sóng nặng
nên phải bỏ ăn trưa. Chàng cũng cố gắng vào bếp, nhưng khi ông đầu bếp thấy
chàng, ông gọi ngay thuyền trưởng. Thuyền trưởng ra lệnh cho Giôsê về giường nằm
và gọi bác sĩ cho chàng thuốc cầm nôn. «Hắn
chữa được người khác, nhưng không chữa được cho mình», bác sĩ bảo thuyền
trưởng. Thuyền trưởng nhăn mặt khi nghe những lời đó.
Ngày hôm sau tàu đến
gần Adô. Thời tiết thay đổi bất thường ở vùng này, thuyền trưởng bảo hành khách
nếu họ cảm thấy bệnh thì hãy gặp bác sĩ và có lẽ nên uống thuốc ngừa nôn. Biển
trở động, những đám mây đen tụ ở chân trời. Buổi sáng không đến nỗi tệ, nhưng
vào trưa sóng biển dâng cao và những cơn mưa lớn bắt đầu đánh vào ghe.
Thuyền trưởng gọi
phòng vô tuyến hỏi báo cáo về thời tiết. Mưa to, gió mạnh. Sóng biển đánh dữ dội
và bắt đầu lung lay tàu. Những máy giữ thăng bằng không còn hiệu lực. Các thủy
thủ phải buộc chặt những gì lay chuyển kẻo chúng rơi xuống biển. Hầu hết mọi
người trở về phòng của mình hoặc phòng giải trí đang chiếu phim Con Beo Hồng Trở
Về. Giôsê nằm trong phòng cố gắng nghỉ ngơi. Chàng không chịu được biển động.
Đến bốn giờ chiều thời
tiết càng tệ hơn. Mưa đập vào tàu mạnh quá đến độ không nghe được tiếng người
nói. Gió thổi mạnh như bão và tin vô tuyến cho biết tàu không nên rời hải cảng
cho đến khi bão lặng.
Thuyền trưởng lần đến
đầu tàu để ở với người lái tàu. Anh ta không thấy gì hết bên ngoài cửa sổ. Chiếc
tàu lắc lư kinh khủng. Có lần người lái tàu mất thăng bằng và ngã vào tường, dập
đầu lên một cái đinh sắt. Anh lau máu trên đầu và đội mũ chồng lên khăn lau mặt
đậy trên đầu.
Sóng biển càng dâng
cao. Sóng đã cao đến gần năm thước và sẽ dâng cao nữa. Thuyền trưởng bắt đầu lo
sợ tàu không chịu nổi. Đó là một chiếc tàu cổ, nó đã chịu nhiều sóng gió lúc
trước, nhưng lần này tệ nhất và tàu chỉ có thể chịu đựng đến một mức nào thôi. Người
lái cố gắng tránh các con sóng đang đánh tới, nhưng gió đẩy chiếc tàu lao vào
sóng làm tàu ngập cả nước gần lật úp.
Thuyền trưởng nhìn
ra cửa sổ xem bão có lắng xuống không, hy vọng không có tàu nào đang chạy. Bão
biển làm mọi người cảm thấy bất lực. Một chiếc tàu lớn và khoẻ lướt đi như ghe
buồm khi trời tốt, giờ đây lại tùy thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Nó bị đánh bập
bềnh như một khúc gỗ trôi giạt. Điều mà bất cứ thuyền trưởng nào chỉ có thể làm
được lúc này là giữ cho tàu vững và hành khách không hoảng hốt.
Tuy nhiên thuyền trưởng
Phongli bắt đầu lo lắng hơn. Không có dấu gì bão sẽ dịu, và ông cũng không làm
gì được nữa. Ông cầu nguyện trong tiếng thở dài và tiếp tục nhìn ra bức tường
mưa. Ông đi qua bên phải tàu và nhìn xem có hư hỏng gì trên boong tàu không. Cho
đến giờ chưa có gì. Ông không nhìn rõ lắm nhưng ông nghĩ là ông thấy một cái gì
lạ thường. Ông nhìn lại một lần nữa và thấy lờ mờ một hình người bấu chặt tay cầm
của cái thang và đang leo lên boong tàu. Thuyền trưởng giật nẩy mình không tin.
Đó là Giôsê. Trời ơi, hắn làm gì ở đó? Bước sai, hay lỡ chân trên sân láng bóng
đó thì hắn sẽ bị cuốn xuống biển. Ông mở cửa sổ và gọi lớn, nhưng biết là vô vọng.
Hắn làm gì ở đó? Thuyền trưởng chỉ nhìn và ghi nhớ lấy điều chính mắt ông trông
thấy. Ông đã bắt đầu yêu mến con người đơn sơ và tốt lành đó, ông cảm thấy
thích Giôsê trong mấy ngày qua. Nhưng tại sao hắn làm việc dại dột thế này? Ông
âm thầm cầu nguyện cho anh chàng bất hạnh này. Hắn đang cố gắng làm gì? Hắn sẽ
làm gì?
Thuyền trưởng đứng đấy
bất động và nghẹt thở, khi thấy Giôsê ướt mẹp đang lần đi lên boong tàu. Trong
chốc lát gió đổi chiều. Chiếc tàu êm lại trong khoảnh khắc, đủ để Giôsê đứng thẳng
người lên. Chàng đưa mắt nhìn lên trời và giang tay ra như thể truyền lệnh cho
gió. Miệng chàng như gào với gió hú, xem chàng như người điên. Thuyền trưởng thấy
thương hại cho anh chàng bất hạnh này. Có thể đấy là điều làm cho vị giám mục sợ.
Bỗng nhiên gió lặng,
mưa thưa, và sóng biển im đi. Những đám mây bắt đầu tan, để trời xanh lộ ra và
mặt trời chiếu một luồng ánh sáng rực rỡ qua quảng trống trên trời. Giôsê quay
lại đi vào trong, và biến mất bên dưới boong tàu. Chàng đi vào phòng tắm để rửa
và lau khô.
Thuyền trưởng lấy
tay che mặt, ông sợ hãi với điều ông vừa chứng kiến. Người lái tàu nghĩ là ông
đọc kinh cám ơn vì bão đã ngừng. Thuyền trưởng bảo người lái tàu đi xuống dưới
nghỉ ngơi, ông sẽ thay chàng một lúc. Người lái tàu cám ơn ông. Chắc chắn anh cần
nghỉ ngơi. Anh bước ra và đi xuống dưới hầm tàu.
Thuyền trưởng suy
nghĩ và thắc mắc về điều ông vừa thấy. Ông ta càng không nghi ngờ lý lịch của
con người khiêm tốn và đơn sơ này. «Nhưng
có thể được không? Có thể xảy ra được
không?», ông thắc mắc, nước mắt chảy xuống má khi
ông nghĩ rằng điều đó có thể xảy ra cho mình, mặc dù ông không xứng đáng. Ông
nhớ lại thời thơ ấu, nhớ lại khi người chú của ông là một linh mục nói cho gia
đình ông nghe nhiều chuyện đã xảy ra trong đời những kẻ có đức tin đơn sơ. Nhưng
thuyền trưởng không phải là người có đức tin đơn sơ, ít là ông không nghĩ mình
như vậy. Ông cảm thấy có lỗi vì đã không đạo đức hơn. Ông nghĩ đến người chú của
ông đang làm Hồng y tại Vatican .
Ông sẽ nói với ngài tất cả việc này khi ông lên bờ. Có thể ngài sẽ giải thích
cho ông được. Ông mong tàu cập bến. Ông sẽ gọi điện thoại cho chú ông ngay.
Sau khi nghỉ một lát,
người lái tàu trở lại và cám ơn thuyền trưởng.
«Anh có nghỉ được không?», thuyền trưởng
hỏi.
«Có, nhưng tôi nghĩ đến cơn bão và không hiểu
tại sao nó biến đi nhanh như thế. Tôi hỏi người giữ vô tuyến, nhưng anh ấy nói
không hiểu tại sao trời ở đây quang, trong khi anh ta còn nhận được tin báo động
trầm trọng. Còn có những cơn bão và gió mạnh trong vùng, xa đến tận Canari»
«Chắc chắn có», ông thuyền trưởng chỉ trả
lời đơn sơ, rồi ông đi tìm Giôsê.
Khách bắt đầu trở
lên boong tàu khi thuyền trưởng đi xuống. Mặt trời ló diện và không khí tốt
lành. Ông hỏi có ai thấy Giôsê không? Vài phút trước đó có người thấy chàng ướt
mẹp đi vào phòng của mình. Thuyền trưởng đi xuống bên dưới boong.
Ông nghe một khúc
hát không mấy quen thuộc bên trong. Ông gõ cửa.
«Mời vào».
Ông thuyền trưởng mở
cửa. Giôsê đang lấy cái áo phơi ở ống nước nóng chạy phía sau lưng tủ. Chàng mặc
áo và chào ông thuyền trưởng như không có việc gì đã xảy ra.
«Ông muốn tôi làm gì?», chàng hỏi thuyền
trưởng.
«Không, anh làm đủ rồi», ông thuyền trưởng
trả lời ngay.
Giôsê lờ đi lời chú
thích đó, chàng không muốn bị lôi vào cuộc thảo luận không thể tránh được tiếp
sau đó.
«Tôi xin cám ơn những gì anh đã làm», thuyền
trưởng nói cách khiêm tốn. Giôsê chỉ mỉm cười với ông một cách lạ lùng và trẻ
con, như thể không có gì cả.
«Giôsê, tôi không biết phải nói gì», thuyền
trưởng nói, «nhưng tôi rất hãnh diện được
có anh trên tàu của tôi. Thực sự tôi không xứng đáng với những gì đã xảy ra
trong mấy ngày qua. Tuy nhiên tôi biết nó sẽ thay đổi cả cuộc đời tôi. Tôi thấy
những việc đã xảy ra là không đúng: cuộc điều tra ở Rôma, lòng ngờ vực của giám
mục và của những thẩm quyền khác. Tôi có một người chú ở Vatican . Có thể
ông ấy sẽ giúp anh được khi anh đến đó. Tôi sẽ gọi cho ông khi tôi lên bờ và bảo
ông đợi anh. Tên ông là Hồng Y Giôvani Ricađô. Ông là một người tốt.»
«Cám ơn ông», Giôsê nói, «Có thể tôi cần giúp đỡ khi đến đó. Tôi nghĩ
rất khó để cho họ hiểu tôi. Tôi không hy vọng lắm».
«Nhưng làm sao họ bắt tội anh được? Xét cho
cùng, chính anh là người gây nên… .» Giọng ông kéo dài trước khi ông nói
xong, ông biết rằng mình đang ở trong lãnh vực không thuộc về mình. Ông không
có quyền tìm tòi xa hơn và biết Giôsê sẽ chỉ mở hé cửa thôi. Ông đã nghe và thấy
đủ rồi.
«Nhưng họ không biết gì, cũng giống như ông
khi tôi bước lên tàu lần đầu tiên».
Thuyền trưởng đỏ mặt
vì ông đã tiếp đón Giôsê cách lạnh nhạt khi chàng lên tàu. Giôsê nhắc cho thuyền
trưởng rằng gần đến giờ cơm tối và họ chưa chuẩn bị thức ăn.
Hai người bước ra khỏi
phòng, thuyền trưởng hỏi Giôsê có dậy nổi để làm bếp sau cái cực hình vừa rồi
không? Giôsê nhìn ông với vẻ nghiêm khắc và nói rằng chàng thích hầu bàn cho
khách hàng lắm. Đã từ lâu chàng không được vui như vậy. Mỗi người có thích thú
riêng. Chàng sung suớng khi làm cho người ta thích thú.
«Tôi nghĩ đó là lề lối của Thiên Chúa», thuyền
trưởng vui vẻ nói. Giôsê cười vì thuyền trưởng nói đùa.
Bữa ăn tối muộn, nhưng
dân chúng không phiền hà gì. Họ đến sớm một giờ, ăn rau, trái cây và đồ nguội, và
cám ơn Trời đã hết bão. Đây là bữa ăn tối cuối cùng trên tàu, và thuyền trưởng
trổ hết tài, mặc dù đã mệt nhọc lái con tàu qua cơn bão tố. Đó là bữa ăn tự chọn
với những món thật mỹ vị để đãi khách.
Bữa ăn tối cuối cùng
kéo dài đến quá khuya. Và vì mọi người thích thú, nên đêm đó trở thành một đêm
tiêu khiển.
Trong khi ăn, ông
bác sĩ theo dõi Giôsê. Ông tọc mạch lắm. Hơn nữa, ông đã uống nhiều quá và nhất
định kéo Giôsê vào câu chuyện.
Khi mọi người ngồi
quanh quẩn trò chuyện, ông gọi Giôsê đến và kéo ghế cho chàng. Ông mời Giôsê một
ly rượu nhưng chàng từ chối, ông hỏi Giôsê đi học ở đâu. Giôsê bảo ông chàng có
được một sự giáo dục rộng rãi và có những thày giáo ưu tú, mặc dù chàng không
bao giờ đi đến trường. Bác sĩ cười vì lối hài hước không mấy nghiêm chỉnh của
chàng.
«Anh là một người thông minh lắm», bác sĩ
nói. «Thực vậy, anh thông minh hơn mọi
người trong phòng này. Này, anh bạn trẻ, tên anh là gì, Giôsê. Này, tôi chưa viết
bản tường trình sức khoẻ của thằng bé đó», ông bác sĩ nói lê thê. «Thành thực mà nói, tôi không biết phải đặt
bút viết gì. Có lẽ anh giúp tôi được».
«Làm sao tôi giúp được, thưa bác sĩ, ông là
người chuyên môn», Giôsê đáp.
«Có thể tôi là người chuyên môn, nhưng có một
số việc làm tôi sai bét. Và, thành thực thú nhận, đây là một trong những việc
đó. Anh có tin phép lạ không, anh bạn trẻ?».
«Không».
Ông bác sĩ sửng sốt.
Ông đang chờ nghe một bài giảng đạo đức. «Vậy,
làm sao anh giải thích được cái việc đã xảy ra ngày hôm ấy?».
«Một việc nhỏ như thế lại làm bận trí ông, bởi
vì ông không thấy những huyền nhiệm vĩ đại hơn xảy ra liên tục mỗi ngày. Cái việc
xảy ra ngày hôm ấy làm ông ngạc nhiên vì ông không ngờ. Nhìn vào gương soi khi
ông đi vào phòng ông tối nay, ông sẽ thấy nhiều sự lạ lùng diễn ra còn hấp dẫn
hơn là một cái xương được lành và một mạng sống được cứu. Mỗi ngày có đầy dẫy
những sự lạ lùng vô biên mà chúng ta cho là đương nhiên, bởi vì chúng xảy ra
cách im lìm như dòng đời. Tuy nhiên, mỗi biến cố nhỏ và một thời lúc, là một
phép lạ sáng tạo».
«Rất là thơ mộng», bác sĩ chú thích, «nhưng anh cho đó là sáng tạo. Tôi nghĩ là vì
anh tin có Thiên Chúa».
«Không. Chúng ta tin cái gì chúng ta không thấy.
Tôi biết có Thiên Chúa, cũng như ông biết chắc tôi đang ngồi đây trước mặt ông».
«Tôi phải viết gì về việc đã xảy ra với Mai
Liên», cuối cùng bác sĩ hỏi.
«Viết điều ông đã chứng kiến. Nó đơn sơ lắm. Chỉ
vì ông không tin điều ông thấy, nên ông mới gặp khó khăn khi viết những sự kiện
đơn sơ», Giôsê bảo ông.
«Tôi sẽ bị loại ra khỏi hội y khoa nếu tôi viết
điều đó xuống», bác sĩ trả lời.
«Nhưng nếu đó là sự thật, thì chính ông là
người phải cười cái dốt nát của họ. Khi ông chứng kiến một cái gì tốt đẹp, ông
phải vui thích và hãnh diện, không nên hổ thẹn và sợ hãi».
«Anh là một người lạ lùng, Giôsê. Tôi không
biết phải nghĩ gì về anh. Mai Liên được chữa làm sao?», ông bác sĩ đi thẳng
vào vấn đề.
Giôsê cười. «Khi chúng ta cầu nguyện, thì Thiên Chúa lắng
nghe. Khi chúng ta cần, thì Thiên Chúa ban cho. Đức tin như cái nhìn tuyệt vọng
trên mặt con nai trong mùa săn. Thiên Chúa không thể từ chối».
«Giôsê, tôi ước có được đức tin của anh, hoặc
bất cứ cái gì anh có. Anh rất thong dong và hạnh phúc. Tôi không tin ở Thiên Chúa.
Tôi nghĩ tôi là người vô thần».
«Không ai chữa bệnh mà có thể là người vô thần.
Đời sống của họ chỉ hơi lệch lạc thôi. Vì quá quen nhìn những sự kỳ diệu nên
ông để chúng tuột khỏi kẽ tay. Khi ông để giờ xem xét lại những cái kỳ diệu mà
ông mổ xẻ, và đứng lùi lại mà nhìn, ông sẽ thấy phản ảnh của Thiên Chúa và hình
bóng Ngài đi qua. Lúc đó ông sẽ không còn nghi ngờ nữa. Quyền năng chữa bệnh của
Ngài thể hiện mỗi ngày qua những ngón tay của ông, nhưng ông không để giờ cảm
thấy sự hiện diện của
Ngài. Ông là đôi tay của Thiên Chúa. Vì Ngài gần gũi quá mà ông không trông thấy
Ngài».
«Anh bạn trẻ ơi, anh làm tôi rối rắm. Tôi đã
nói với anh, anh thông minh hơn những người ở đây».
Giôsê mỉm cười và, sau
khi bảo bác sĩ rằng chàng rất thích nói chuyện với ông, chàng xin kiếu và ra khỏi
phòng ăn. Đó là một ngày dài, và cho dù Giôsê có thong dong và không câu nệ, các
biến cố trong ngày cũng làm chàng kiệt sức. Ngày mai họ sẽ đến Ý Đại Lợi, và một
chương sách mới sẽ mở ra. Chàng cần ngủ.
Khi về đến phòng ngủ
và vặn đèn lên, chàng thấy một cái hộp nhỏ rơi ra khỏi bao mà chàng để đồ đạc của
chàng. Đó là món quà cha Đabi đã tặng chàng. Chàng lượm nó lên và mở ra. Trong
đó có hai đồng tiền Rôma giống những đồng tiền mà Giêsu nói khi giảng dạy, «Trả cho Xêda những gì thuộc về Xêda, và trả
cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa». Giôsê cười. Vị linh mục có
tính hài hước. Giôsê nhớ lại lời phê bình mà chàng đã nói trong một dịp nào đó,
khi chàng nói với linh mục về giáo phái của ông. Chàng nói rằng khi đặt vua Anh
quốc làm đầu Giáo hội, các giám mục không những đã làm sai lệnh của Giêsu, nhưng
còn phản bội sự tin cậy thánh thiện và các ông giao trả Nước Trời cho Xêda.
Comments
Post a Comment