17 Giôsê - Chương mười bảy


CHƯƠNG MƯỜI BẢY

Những ngày sau đó rất yên tĩnh. Căn phòng thợ trống rỗng, Giôsê lợi dụng sự yên tĩnh để nghỉ ngơi. Hoạt động sôi nổi trong hai tuần qua làm chàng mệt mỏi, và chàng hài lòng vì không còn có hạn chót phải làm, không còn thời khoá biểu phải theo.
Ngày thứ năm, cha Phát đưa giáo sĩ Dô An thuộc giáo phái Mêtôđít và một linh mục nữa bạn của ông đến thăm Giôsê. Ông tên là An Mông.
Cha Mông ở tuổi trung tuần, hài hước, có lẽ quá bảo thủ trong tư tưởng, nhưng vì ông rất dễ thương nên giáo dân mến ông và không chấp nhứt cái nhược điểm của ông. Dô An thì rất thân thiện, lùn con và mập mạnh, có tóc quăn. Ông là một chủ gia tốt, có bà vợ tên Maria là nguồn cảm hứng lớn cho ông. Ông luôn luôn tươi cười và có đức tin rất cởi mở. Thỉnh thoảng Dô An đi lễ sáng nếu cha Phát dâng lễ, và đi lên chịu lễ. Ông không xem đó là một vấn đề, còn giáo dân thì nghĩ đó là một hành vi rất đẹp.
Giôsê thích hai ông bạn của cha Phát. Họ giúp chàng chuẩn bị bữa ăn, người thì làm nước chấm với những vật mang theo, người khác chuẩn bị thịt và người nữa làm rau hái ở vườn của Giôsê. Họ cười nói hài hước khi nhắc lại những việc đã xảy ra trong mấy tháng qua. Họ nói đùa rằng Giôsê làm náo động cả làng và đang rơi vào trình trạng cực kỳ nguy hiểm. Chàng thích lối hài hước của họ. Họ không bàn điều gì nghiêm chỉnh, chỉ chơi vui vẻ.
Khi họ ra về, Giôsê vào lại nhà và đi ngủ ngay. Lúc ấy đã quá nửa đêm, vừa leo lên giường là chàng ngủ say. Ý nghĩ cuối cùng là vị giám mục. Trong lúc gặp nhau, giám mục nói với chàng nhiều lần rằng điều chàng dạy không có gì là mới mẻ. Chàng xem đó là một sự đàn áp. Chàng cũng biết rằng chàng là đề tài nhạo báng ở bàn ăn khi chàng ra về. Cha Phát cũng nghe được ít chuyện đã xảy ra và nói lại cho Giôsê biết. Cha nói với Giôsê rằng rất tiếc là họ không chịu tìm hiểu chàng mà chỉ nghe những lời đồn đại hay cười nhạo. Cha Phát không phải là người được ưa chuộng ở văn phòng giám mục. Những lời công kích của cha về cái nhỏ nhen và đường lối chính trị của họ đã lọt đến tai họ. Cha gọi họ là giả hình, cha tố cáo rằng họ không quan tâm đến Giáo hội và việc tinh thần mà chỉ lo phô trương và tham quyền. Việc đó xảy ra trước khi họ thuyên chuyển cha đến Ôbờn.
Buổi hội của các cố vấn đã xảy ra như dự định. Vị giám mục và linh mục chưởng ấn làm ra vẻ hỏi ý kiến các cố vấn, nhưng thực ra đã khôn khéo lèo lái họ theo chương trình mà hai ông đã sắp đặt. Các cố vấn đóng vai trò của họ lấy lệ và tán thành những gì được đưa ra. Họ biểu quyết rằng động đến Giôsê ở địa phương sẽ gặp nhiều chống đối, vì chàng bình dân, nhất là đối với cộng đồng Do thái. Chống lại họ chỉ làm hại đến những đóng góp lớn lao của họ cho các chương trình của giám mục.
Vì Giôsê dễ bảo, chàng có thể gọi hợp tác, cả trong việc làm hại chàng. Họ quyết định gửi thư phàn nàn về chàng với Toà thánh Vatican, nói rằng những tư tưởng bất chính của một con người với uy tín đang lên như chàng có thể gây ra ly giáo. Dĩ nhiên điều đó không đúng, nhưng nghe rất xuôi. Và vì biết cách chạy chọt gây chấn động ở Vatican, nên họ nghĩ rằng chiến thuật của họ sẽ thành công. Họ quyết định cho vị chưởng ấn viết một lá thư và gửi đi ngay lập tức, đề nghị nên lập một toà án đức tin để cứu xét vấn đề này. Với cách này các chuyên gia thần học có thể mổ xẻ kỹ lưỡng những tư tưởng của Giôsê và cho chàng biết rằng chàng dốt nát, và thuyết phục chàng thấy mình đã dại dột xen vào những việc nên dành cho các chuyên gia điều hành Giáo hội.
Cha Phát cho Giôsê biết những gì đã xảy ra và chàng không thể làm gì hơn là nhẫn nại đợi. Tấn thảm kịch sẽ được diễn ra. Sân khấu đã dựng lên, và các diễn viên đang chuẩn bị lần chót.
Không phải đợi lâu lắm để nhận được trả lời của Vatican. Vị giám mục có nhiều móc nối mà ông đã cẩn thận gài qua bao nhiêu năm. Không đầy hai tuần Giôsê nhận được một lá thư rất quan trọng. Anh phát thư Sang không thể bỏ nó vào thùng thư. Thư này phải giao tận tay. Anh nóng lòng muốn biết cái gì trong đó. Anh nghĩ rằng không cần phải nghe Giôsê nói gì, nhưng ít nhất là thấy Giôsê phản ứng ra sao.
Giôsê ra mở cửa và mỉm cười khi thấy Sang. Anh ta không giấu được xúc động, và Giôsê biết ngay anh xúc động về thứ gì. Như mọi lần, Giôsê mời anh vào nhà, họ ngồi xuống nói chuyện và ăn uống chút đỉnh. Sang phải thất vọng, vì Giôsê lấy lá thư nơi Sang và để trên bàn, đợi Sang đi rồi mới mở. Thư viết thế này:
«Ông Giôsê thân mến:
«Chúng tôi được giám mục của ông cho biết một ít vấn đề về đạo mà anh thảo luận và truyền bá cho dân Kitô giáo trong cộng đồng của ông cũng như ở những nơi khác. Vị giám mục quan tâm lắm. Bởi vì tính chất trầm trọng của những vấn đề này và về các tín điều, cũng như mối quan tâm thường xuyên của chúng tôi đối với đức tin của dân chúng Kitô giáo, chúng tôi yêu cầu ông đến dự phiên toà của Giáo bộ chúng tôi. Vì vậy chúng tôi định ngày cho phiên toà là mười ba tháng tám năm Thiên Chúa, một ngàn chín trăm tám mươi ba, lúc 9: 30 sáng tại Dinh Thự Thánh Bộ ở Vatican. Chúng tôi hy vọng những vấn đề này sẽ được giải quyết ổn thoả làm mọi người vừa lòng.
«Thân mến trong Chúa Kitô
«Hồng Y Giôvani Ricađô
«Bí thư, Thánh Bộ Đức Tin
Giôsê suy nghĩ về nội dung, giọng văn và ý nghĩa của lá thư. Giám mục nói với chàng rằng ông rất thán phục chàng, và cần có nhiều Kitô hữu như chàng. Tại sao họ lại báo cáo chàng với Rôma và đòi điều tra chàng? Những chiếc áo rộng dài và những hộp đựng sách hiện ra trong trí chàng và làm sống lại một chuỗi những hình ảnh và những con người tham quyền cố vị.
Giôsê tìm một cây bút và ít giấy viết. Còn một số giấy bút của những người mướn nhà lúc trước để lại mà Giôsê tìm được trong một chiếc bàn cổ. Chàng ngồi xuống bàn trong bếp và vắn tắt trả lời.
«Hồng Y Ricađô thân mến
«Tôi rất hãnh diện được mời đến gặp Phêrô. Mặc dù tôi không hiểu hết mục đích của phiên toà nhóm ngày mười ba tháng tám, tôi cũng vui lòng tuân theo. Tuy nhiên, tôi có một vấn đề: Tôi nghèo và không có phương tiện để làm cuộc hành trình như thế này. Nếu tôi có để dành số tiền nhỏ mọn tôi kiếm, cũng phải lâu lắm mới đủ. Nếu ngài giúp tôi giải quyết vấn đề này thì tôi sẽ vui lòng hợp tác.
«Kính thư,
«Giôsê».
Giôsê dán bì thư và đi đến bưu điện để bỏ thư.
Từ đó mọi việc xảy đến cách nhanh chóng. Chỉ mười ngày sau một người đưa thư của văn phòng giám mục đến gọi Giôsê gặp vị chưởng ấn. Chàng không đi như mọi lần. Chàng nhờ cha Phát đưa xe chàng đi. Cha rất mừng và đổi lại giờ giấc của cha. Trên đường đi Giôsê nói với cha rằng lá thư của Vatican làm chàng ngạc nhiên, vì giám mục đã không tỏ dấu gì bất mãn đối với chàng mà còn tán thành nữa. Cha Phát chỉ cười.
Cha nói cho Giôsê điều cha nghe biết. «Vị giám mục được lệnh phải trả tiền vé cho chàng sang Rôma. Sau đó ông bảo vị chưởng ấn ông sẽ không cho chàng chuyến đi miễn phí đến Âu châu. Do đó ông đã giàn xếp với một người bạn của ông đang làm thuyền trưởng một tàu chạy thư để chàng đi nhờ và bắt chàng phụ bàn để trả tiền vé. Chiếc tàu sẽ khởi hành trong ba ngày nữa».
Giôsê cười. «Vui lắm», chàng nói.
Khi đến văn phòng giám mục, cha Phát đợi ngoài xe trong khi Giôsê đi vào trong. Khi chàng bước vào tiền đình thì vị giám mục đi ngang qua hành lang. Vì bị bắt gặp bất ngờ nên giám mục có vẻ luống cuống, làm như thể ông không để ý đến chàng. Vị chưởng ấn gọi Giôsê vào ngay. Ông ta lùn, mập và hói đầu, không có vẻ gì thanh lịch cả.
Khi Giôsê bước vào phòng, vị chưởng ấn đang ngồi phía sau bàn viết quá lớn của ông. Giôsê muốn bật cười khi nhìn thấy cảnh tượng đó. Vị chưởng ấn gần như bị mất hút phía sau bàn, cái ghế ông ngồi cũng quá lớn so với con người lùn của ông. Giôsê chỉ thấy hai bàn chân ông đánh đưa cách sàn nhà năm phân.
Giôsê tiến về phía bàn giấy và đứng đó, nhìn thẳng vào linh mục chưởng ấn đang ngồi lỏng chỏng trên chiếc ghế cao. Vị chưởng ấn tuột xuống ghế giới thiệu mình với Giôsê và bắt tay chàng. Ông bảo Giôsê ngồi, và cho biết lý do chàng được gọi đến.
«Đức giám mục bảo tôi cho anh biết rằng ngài được yêu cầu dàn xếp cho anh đi Rôma gặp các viên chức Toà Thánh. Được biết ngài đã tốt bụng dàn xếp chuyến đi của anh với thuyền trưởng một chiếc tàu vượt đại dương rất tốt. Ông thuyền trưởng sẽ lo cho anh đi, và bù lại anh sẽ kiếm được chút ít tiền cho chuyến đi, nếu anh làm việc ở phòng ăn trên tàu».
«Tôi tưởng là giám mục có cảm tình với tôi?» Giôsê bảo vị chưởng ấn. «Tại sao ông ấy khen tôi khi tôi gặp ông ấy, rồi không lâu sau đó tôi lại bị gọi sang Rôma để điều tra? Cái đó không có nghĩa lý gì cả».
Vị chưởng ấn không dám nhìn Giôsê. Ông bảo chàng ông không biết gì về việc ấy cả.
«Khi nào tàu rời bến, và ở đâu?» Giôsê hỏi.
«Sáng thứ sáu này. Tên tàu là Sao Mai. Thuyền trưởng tàu tên là An Phongli. Tàu sẽ rời bến Bốn Mươi ở Nữu Ước lúc chín giờ sáng».
Linh mục đưa cho Giôsê những giấy tờ cần thiết. Giám mục đã lợi dụng ảnh hưởng của mình để xin giấy thông hành, bởi vì có nhiều cái không được rõ ràng về lý lịch của Giôsê. Họ dùng một cái hình chụp chàng ở nguyện đường Do thái do một người bạn của một nhân vật văn phòng chưởng ấn.
Khi mọi việc xong xuôi, linh mục chưởng ấn chúc Giôsê thượng lộ bình an, rồi ông đưa chàng ra cửa.
Cha Phát ngủ khi Giôsê đi ra. Khi Giôsê mở cửa, cha thức dậy và giụi mắt. «Ngủ ở đây ngon lắm», cha nói cách châm biếm.
Giôsê mỉm cười và chú thêm, «Giáo hội sẽ hoạt động tốt hơn, nếu ở đây đóng cửa. Cũng như Do thái giáo, một khi thành Giêrusalem sụp đổ thì đời sống tinh thần của người Do thái mới phát triển».
«Này, cái án ra sao, Giôsê?» cha Phát hỏi khi lái xe đi.
«Tôi sẽ đi vào sáng thứ sáu».
«Họ bảo anh hay yêu cầu anh?»
«Họ bảo, nhưng tôi không chống đối. Tôi mong việc này từ lâu. Tôi tự đối phó được, và họ không làm gì được nếu tôi không cho phép, cha đừng lo».
«Ăn trưa không?», cha Phát hỏi.
«Tốt, nghe hay lắm», Giôsê đáp.
«Ăn ở đâu», cha Phát hỏi, «quán ăn Do thái hay quán Dinô?»
«Thử quán Do thái. Lâu lắm tôi chưa ăn ở đó». Câu trả lời làm cha Phát suy nghĩ.
Họ lái xe đi vòng quanh một lúc, vừa nói chuyện vừa xem cảnh, rồi lái thẳng đến quán ăn. Họ là khách lạ khi bước vào quán, nhưng không ai để ý đến. Họ ngồi xuống và gọi bia trong khi nghĩ phải ăn món gì. Giôsê cảm thấy tự nhiên, chàng gọi bánh mì săng-huých và một ly bia. Cha Phát cũng gọi như vậy. Họ ngồi nói trăm ngàn chuyện trong khi nhai bánh mì săn-huyích.
Lúc ấy là hai giờ rưỡi khi họ ăn xong. Họ lái vòng trở về Ôbờn. Cha Phát bắt đầu thấy được những liên hệ của các biến bố sắp xảy ra. Cha hỏi Giôsê có trở về lại Ôbờn sau việc ở Rôma không. Giôsê thành thật nói cho cha biết rằng chàng không nghĩ thế. Chàng sẽ làm gì và đi đâu? Giôsê thích cha Phát và trả lời cách thành thực. Công việc của chàng đã đến hồi kết thúc và tương lai của chàng là ở trong tay CHA của chàng.
Cha Phát bỏ Giôsê xuống xe, rồi lái về nhà xứ. Cha chính xứ giận dữ. «Cha đi đâu cả ngày hôm nay?», ông muốn biết.
«Vào phố, đến toà giám mục», cha trả lời.
«Cha làm gì ở đó? Thôi, đấy không phải là việc của tôi. Tôi muốn cha giúp người gác cửa dưới hầm rượu. Anh ta cần một tay giúp đem gỗ lên bán».
«Thưa cha, rất tiếc là tôi có ít việc phải làm không đợi được», cha Phát trả lời. Đó là lần đầu tiên cha Phát có can đảm từ chối lệnh của cha chính xứ.
Cha Kavana giận lộn gan vì bị bất phục tùng. «Cha có biết là cha đang nói với ai không?», ông hỏi.
«Có, rất tiếc. Với một người bị ám ảnh cho mình là quan trọng và núp sau chức linh mục để thống trị người khác. Tôi chán ngấy lắm. Để tôi yên, nếu không tôi sẽ bỏ đi, và với tai tiếng của cha, cha sẽ không có được người khác thay thế tôi».
Cha Phát giận, vì chính linh mục chính xứ đã gây nên những khó khăn cho Giôsê. Cha bỏ lên phòng ngủ vì không muốn làm to chuyện. Vị chủ chăn không nói ra lời. Cũng như mọi người hay bắt nạt, ông không biết phản ứng thế nào khi có người chống lại và tỏ ra không sợ ông.
Điều quan trọng đối với cha Phát là liên lạc với bạn bè của Giôsê và cho cho họ biết chàng sẽ ra đi trong ít ngày. Cha muốn ít nhất cũng tổ chức cho chàng một cuộc tiễn chân đàng hoàng, mặc cho những kẻ làm hại đời chàng. Cha gọi Aron và nói cho ông biết những gì đã xảy ra. Aron gọi Rô-Xê và Lêgâu, rồi báo tin cho Massia. Nàng khóc nức nở, nhưng rồi bình tĩnh lại và gọi vị tư tế cùng ít người bạn khác. Chỉ trong một tiếng đồng hồ mà cả cộng đồng Do thái đều biết việc gì đã xảy ra. Họ tức giận vị giám mục. Họ tưởng ông là người liêm chính và đáng kính trọng. Bây giờ họ mới biết. Điều đó sẽ làm ông mất đi một ít phần dâng cúng.
Sau khi gọi cho các người bạn Do thái của Giôsê, cha Phát gọi gia đình Sanđê và bảo họ nhắn tin trong phố rằng Giôsê sẽ ra đi và họ sẽ có một bữa tiệc tiễn chân chàng ở nhà của chàng vào chiều thứ năm. Cha không nói cho họ nghe hết câu chuyện vì sợ làm xúc động đến lòng tin của họ. Họ yêu mến Giôsê và không bao giờ hiểu được tại sao một vị lãnh đạo tôn giáo có thể tàn nhẫn làm hại một người tốt như thế.
Buổi tiệc cha Phát dự định sẽ được tổ chức trong vườn nhà của Giôsê. Nó rộng đủ, và nếu trời tốt thì sẽ vui lắm. Cả làng sẽ được chứng kiến dân chúng yêu mến Giôsê như thế nào.
Sau khi cha Phát gọi Rô-Xê, ông bèn gọi La-Di là giám đốc mới, và bảo anh đem nhân viên đến nhà Giôsê lúc năm giờ rưỡi tối thứ năm. «Nhưng đó là giờ nghe tin tức», anh phản đối.
«Tôi bất cần, dẫu có Tổng thống đến phố. Tôi muốn nhân viên có mặt ở đó lúc năm giờ rưỡi», Rô-Xê nhấn mạnh. Thường thường ông không có thái độ như vậy đối với nhân viên, nhưng hôm nay vì ông rất bực bội với chuyện của Giôsê.
Mặc dù không có nhiều thì giờ để chuẩn bị bữa tiệc, nhưng vì yêu mến Giôsê lắm nên dân chúng sẽ bỏ mọi việc để có mặt ở đó.
Sau khi cha Phát bỏ Giôsê xuống xe lúc ở phố về, Giôsê đi vào nhà và quan sát chỗ ở, xem phải làm thứ gì trong phút chót. Chàng đã trả tiền thuê nhà và bảo ông chủ nhà rằng chàng sẽ rời nhà trong tuần này. Còn ít rau trong vườn. Chàng đi ra nhổ rau để cho những người bạn sống trong đường hẽm. Sau trưa chàng còn ít thời giờ để làm vài việc
nho nhỏ chung quanh nhà. Cơm tối xong, chàng đi bộ ra đồng cỏ và suy nghĩ sắp đặt công việc cho những ngày sắp tới.
Giôsê nghỉ ngơi an nhàn ngày hôm sau. Bây giờ tương lai đã được định đoạt và chương trình đã được phác họa, chàng nghỉ ngơi và tin chắc rằng mọi việc đã sẵn sàng cho màn tới của tấn thảm kịch. Chàng băng qua đường đi đến nhà Lăng-Phơ.
Khi chàng đến nơi thì trẻ con đang chơi ở vườn sau nên không thấy chàng. Chàng gõ cửa thì Mai Ly trả lời. Nàng rất ngạc nhiên khi thấy chàng. «Trời ơi, chú mang thứ gì đó?», nàng hỏi.
«Ít rau cỏ trong vườn tôi, và vài con gà mà tôi không cần nữa vì tôi đi xa. Tôi nghĩ là chị dùng được. Rau trồng đặc biệt và mới hái», chàng cười nói. Sau khi chàng để mấy cái bao lên bàn, Mai Ly hôn chàng và hai người ngồi xuống nói chuyện. Nàng mời chàng uống cà phê. Chàng nhận lời ngay.
Vì lo lắng về điều chàng vừa mới nói, nàng hỏi thêm nữa. Chàng bảo nàng chàng sẽ đi Rôma. Nàng mừng cho chàng, nhưng nói rằng nàng sẽ nhớ chàng lắm. Nàng hứa gia đình nàng sẽ cầu nguyện cho chuyến đi được bình an.
Ngay lúc đó mấy đứa trẻ đi vào tay xách mấy con gà tục tác chát cả tai. Trẻ con rất mừng rỡ khi thấy Giôsê và hỏi có phải chàng mang gà đến không. Vâng, gà đó là quà cho chúng. Người mẹ nói với chúng về chuyến đi của Giôsê. Chúng mừng cho chàng và ước chi chúng được đi cùng.
Giôsê không ở lại lâu lắm. Chàng bảo Mai Ly chào Hanh hộ chàng, rồi hôn nàng giả từ.
Khi Giôsê về đến nhà thì mọi thứ vẫn còn im lìm. Căn nhà trống rỗng và gọn gàng. Lúc ấy còn sớm, Giôsê làm thức ăn trưa, rồi lấy một cái khăn tắm đi ra hồ nước để tắm. Chàng ở đó suốt cả buổi trưa.
Lúc năm giờ chàng về lại nhà. Chàng ngạc nhiên khi thấy nhiều xe đậu dọc theo đường và dân chúng đứng trên sân cỏ trước nhà. Chàng ngạc nhiên thấy tất cả bạn bè ở đó, một số người mang theo những dĩa thức ăn hoặc những chai nước uống đủ loại.
Khi chàng về đến góc đường, họ quay về phía chàng và cùng la lớn, «Bất ngờ!» Đó là một việc bất ngờ, và là một cảnh tượng lạ lùng, có nhiều người chưa bao giờ gặp nhau. Giôsê không nói ra lời khi thấy lòng thương mến đột nhiên của một số đông người mà ba tháng trước đây còn lạ mặt. Họ bao quanh chàng. Có người ôm chàng, có người hôn chàng, có người bắt tay chàng cách nồng hậu. Phải đến một trăm người ở đó và còn có nhiều người đang đến. Giôsê nhìn thấy Aron và Lêgâu, Massia và tư tế Dênết, cha Đabi và tài xế của ông, giáo sĩ Rôlơn và Dô An, mọi người đứng nói chuyện với nhau. Rồi chàng thấy cha Phát đứng chính giữa nhóm, hớn hở nói chuyện với mọi người. Cuối cùng Giôsê biết được việc gì đang xảy ra. Cha Phát đã tổ chức mọi việc. Chàng hy vọng cha đã không nói cho họ nghe hết sự thật về việc đã xảy ra.
Giôsê hỏi Lêgâu cái gì đấy.
«Tôi nghĩ là anh không biết một mảy may gì, phải không, Giôsê», Lêgâu vui vẻ nói.
Giôsê nhìn thẳng vào mắt cha Phát. Linh mục bật khóc và tự thú đã làm gì. «Này, tôi không muốn anh biến đi mà không một lời từ giã với những người rất yêu mến anh, vì như vậy là quá độc ác. Tôi cũng biết rằng anh không muốn làm người ta buồn, nên tôi nghĩ là anh sẽ không phiền hà gì. Vì thế, anh hãy vui bữa tiệc hôm nay, và để dân chúng tỏ ra họ yêu mến anh thế nào. Điều đó tốt đẹp cho mọi người».
Giôsê biết họ đúng. Chàng chưa hề kinh nghiệm một việc gì như thế này, chỉ trừ một dịp ở Bêtani xa xưa lắm. Tuy nhiên đó là một việc trong gia đình. Còn đây là một chứng tích vĩ đại.
GiôSê còn mang cái khăn lông trên vai, và tóc chàng còn rối bù. Vì thế sau khi mỉm cười đi ngang qua đám đông và xin kiếu, chàng đi vào bên trong để chải tóc và sửa soạn cho đàng hoàng. Cha Phát dẫn đám đông ra vườn sau cho kín đáo và thoải mái hơn.
Một số bà chạy vào bếp để mượn ít thứ. Anh tài xế An của cha Đabi, Vu-Di và Tôn bận rộn nhóm lửa ở lò nướng và tìm than đá. Khi Giôsê đi ra, Phiên hỏi chàng, «Giôsê, anh như người sống ở thế kỷ khác. Anh không có cái gì tân thời sao? Làm sao chúng tôi đốt lửa vĩ nướng được».
«Dùng đèn của Vu-Di», Giôsê đáp. «Nếu không được thì xát hai thanh củi với nhau. Thế nào cũng được». Lúc đó Mô Sanđê và mấy anh em đến, lần này họ đến hết, luôn cả người em Phái. Mô bảo Giôsê có một chiếc xe thùng của đài truyền hình đậu ở trước nhà và một phóng viên đang tìm chàng. Giôsê đi ra phía trước và thấy họ đang sẵn sàng chờ anh. Người phóng viên cầm tập giấy trong tay và khỉ sự phỏng vấn Giôsê. Cái gì đã xảy ra? Tại sao thình lình xảy ra việc này? Có đúng vị giám mục báo cáo anh về Rôma và anh đang bị điều tra không?
Lần này Giôsê phải sáng suốt. Liêm chính và ngay thật là một chuyện, làm hại Giáo hội và đức tin của dân chúng là chuyện khác. Vì trung thành với những kẻ chăn dắt các đoàn chiên, Giôsê cố gắng giải thích những biến cố cho dễ hiểu hơn. Tuy nhiên người phóng viên thấy anh tránh né nên đi thẳng vào vấn đề và hỏi chàng có phải các giáo sĩ chống đối điều chàng dạy không? Giôsê bảo họ rằng luôn luôn khó mà đồng ý về các vấn đề đức tin.
«Các viên chức của Giáo hội thì quan tâm đến trật tự trong dân chúng, còn các vị tiên tri thì quan tâm đến mối liên hệ giữa dân chúng và Thiên Chúa. Luôn luôn có sự căng thẳng giữa đôi bên. Khi các viên chức cố đàn áp tiếng nói của các tiên tri, thì điều đó gây thiệt hại cho dân chúng và sứ điệp của Thiên Chúa. Cái căng thẳng này chỉ giảm bớt nếu các vị lãnh đạo tinh thần thông hiểu những việc tinh thần như họ thông hiểu những việc thế trần của Giáo hội. Nước Chúa phát triễn không phải do cơ cấu luật pháp, nhưng là khi dân chúng được hưởng tự do làm con cái Thiên Chúa và trưởng thành, không bị đè nén bởi những luật lệ cứng nhắc làm cản trở mức lớn lên. Giáo hội phải tránh xa vai trò làm cảnh sát luân lý quốc tế và làm thẩm phán lối sống của con người. Giáo hội phải học cách hướng dẫn để gợi cho con người những lý tưởng cao thượng, chứ không phải lập luật kiểm soát lối sống của con người. Các con cừu sẽ luôn luôn bỏ chạy khi chủ chăn bắt nạt chúng. Người ta chỉ làm đẹp lòng Thiên Chúa trong tự do».
«Có đúng là anh bị gọi về Rôma để chính thức hầu toà không?».
«Đúng».
«Anh đã nói gì sai?», người phóng viên dò hỏi xa hơn.
«Những lời của Giêsu và ý nghĩa của chúng thì không bao giờ bình dân cả. Người ta tức giận khi bị can thiệp vào lề lối họ quen làm. Các vị lãnh đạo tôn giáo xem việc chỉ trích tập quán hoặc những đề nghị để thay đổi là đả kích tín điều. Điều đó không nhất thiết là đúng. Giáo hội phải xét lại mối liên hệ của mình với Thiên Chúa và dân của ngài một cách thành thật, nếu họ còn muốn được được tín nhiệm».
«Những lời nào của Giêsu mà không được tuân giữ?», người phóng viên hỏi tiếp.
«Giêsu giảng sự khó nghèo và khiêm nhượng. Cái đó không bao giờ bình dân cả, vì thế họ lờ nó đi. Giêsu cũng giảng sự hiền lành và dịu dàng cho các tông đồ. Điều này cũng không được điếm xỉa đến. Khi bị chỉ trích thì họ tức giận».
«Có phải vì thế mà anh bị gọi sang Rôma?»
«Tôi không biết, người ta chưa nói với tôi».
«Giám mục không nói với anh khi ông gặp anh?».
«Giám mục bảo rằng tôi là một người tốt và cần có nhiều Kitô hữu như tôi».
«Như vậy anh không biết họ phàn nàn thứ gì?»
«Không».
«Anh không phải là linh mục, họ có thể ra lệnh cho anh như thế này không?»
«Họ nghĩ rằng họ có thẩm quyền trên những ai đã chịu phép rửa. Tôi cũng không chống lại việc đi gặp Phêrô».
«Cám ơn, Giôsê», người phóng viên nói khi kết thúc cuộc phỏng vấn. Rô-Dê đứng gần đó và nói với anh phóng viên đừng cắt xén, nên đưa hết lên truyền hình. Phái đoàn ở lại một lúc để nói chuyện với dân chúng và cho Giôsê biết phản ứng của dân chúng. Rồi họ từ giã.
Dân chúng nhìn Giôsê. Mắt họ lộ vẻ yêu thương. Chàng chỉ sống với họ trong ít tháng, nhưng đã chiếm được lòng họ. Cách sống trầm lặng, không kiểu cách, sự thành thật cảm thông với mọi người, mối quan tâm đến cả những người đơn sơ nhất, lối sống nhã nhặn với người giàu cũng như người nghèo, người quyền thế cũng như người thấp kém, những cái đó như nam châm thu hút dân chúng đến với chàng. Chàng làm họ say mê và ngạc nhiên. Chàng thật sự là ai? Chàng có phải chỉ là anh thợ chạm gỗ không? Chàng từ đâu đến?
Có rất nhiều bí mật về chàng làm cho dân chúng càng thêm tọc mạch. Tuy nhiên họ thương mến chàng và giờ đây họ tỏ ra nỗi niềm đó.
Giôsê hài lòng trước sự đáp ứng của dân chúng. Chàng biết dân chúng sẽ phản ứng thế nào đối với một chủ chăn hướng dẫn họ như Giêsu muốn. Cha Phát rất tự nhiên với mọi người. Trong những trường hợp như thế này cha thật vui vẻ. Cha thích dân chúng và muốn đây là một dịp đặc biệt. Suốt cả tối hôm đó cha không đụng đến một giọt rượu mạnh. Phát Dumba chọc cha về điều đó. Cha nói cho anh biết Giôsê đã giúp cha rất nhiều trong việc này, chàng đã giúp cha hiểu biết cha và công việc của cha, và vì tình bạn cha đã thề bỏ rượu. Cha không cần tới nó nữa. Giôsê cũng nhận thấy việc đó, cả khi chàng xem ra bận bịu với những người khác như không để ý đến cha.
Cha Phát đã giàn xếp không ai được mang quà đến. Chắc Giôsê cũng muốn thế, vì việc đó có thể làm cho những người nghèo ngượng. Chỉ có cha Đabi là phá lệ. Ông đến với Giôsê khi chàng đứng một mình, ông đưa cho chàng một ngân phiếu hai trăm đôla, ông nói đó là tiền pho tượng Tông đồ Phêrô. Ông cũng công nhận đó là một kiệt tác có ý nghĩa tâm lý. Trong khi nói chuyện, ông đặt vào tay Giôsê một hộp nhỏ gói giấy, bảo Giôsê chỉ mở ra khi lên tàu. Ông xúc động lắm về việc Giôsê sắp ra đi, tuy nhiên vì là người Anh chính tông, nên ông không để lộ tình cảm, mặc cho bụng ông cảm thấy thế nào.
Giôsê cám ơn ông và nhìn sâu vào mắt ông. Sứ điệp được trao đổi không cần lời nói, và cha Đabi đã hiểu. Ông mỉm cười và chúc Giôsê thượng lộ bình an.
Hầu hết mọi hoạt động trong đêm đó được xảy ra chung quanh lò nướng thịt. Người ta ngồi trên cỏ hay trên các bực cấp, hoặc trên bất cứ thứ gì có ở đó. Họ nói chuyện hứng thú và vui vẻ khi làm quen với những người bạn mới. Tiếng nói của Phát Dumba vẫn nghe lấp hết mọi tiếng khác. Các người Do thái thì kiểu cách hơn những dân làng khác, tuy nhiên cũng phải ngạc nhiên với tính đơn sơ nồng hậu và thật tâm của họ. Nhiều người làm bạn với nhau trong đêm đó.
Massia không xuất hiện, mặc dù nàng muốn biết về tương lai của Giôsê. Nàng nói với Giôsê rằng nàng lo lắng cho Giôsê lắm, và nàng sẽ nhớ chàng hơn là chàng nghĩ. Giôsê bảo nàng rằng chàng yêu mến nàng và sẽ nhớ đến nàng luôn. Khi nàng hỏi chàng có trở lại không, chàng nghĩ rằng không, mặc dù chàng không biết Chúa đã có chương trình gì cho chàng. Chàng luôn luôn giao phó tương lai mình cho CHA chàng. Chàng bảo Massia đừng lo lắng quá về công việc của nàng. Nàng là ánh sáng trong tăm tối, và Thiên Chúa sẽ đưa công việc của nàng đến thành tựu. Điều nàng muốn cống hiến cho nhân loại sẽ phát hiện rõ ràng, cả khi xem ra không thành công, vì thành công được đo dạt bằng nhiều cách. Công việc của nàng sẽ là một thành công lớn và sẽ ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người.
Nàng bảo sẽ cầu nguyện cho chàng mỗi ngày và sẽ không bao giờ quên chàng. Nàng không nghĩ là sẽ có một người đàn ông nào nữa trong đời nàng. Chàng đã để lại một hình ảnh quá sâu đậm, và không ai có thể thay thế chàng được. Nàng hy vọng hai người sẽ gặp lại nhau. Tuy nhiên nếu không gặp lại, nàng muốn chàng có một vật lưu niệm nho nhỏ. Nàng bắt tay chàng và nhét vào lòng bàn tay chàng một ảnh vàng và một dây xích. Đó là vật sở hữu giá trị nhất của nàng, và nàng rất hãnh diện nếu chàng nhận cho. Giôsê nhìn nó. Đó là hình mặt trời bốc lửa, có một người đàn ông đứng ở giữa. Một ông vua Phi Châu đã tặng nàng vật ấy khi đi thăm Liên Hiệp Quốc. Cái ảnh, một cách nào đó, làm nàng nhớ đến Giôsê. Giôsê nhận lấy và cám ơn. Nước mắt bắt đầu trào ra mi mắt Massia, khi nàng chúc chàng được may mắn. Nàng âu yếm hôn chàng và trở về lại với các bạn của nàng. Giôsê nhìn theo khi nàng đi. Nàng đẹp và hiếm có. Chàng thật sự yêu nàng, và sẽ không bao giờ quên nàng.
Buổi tiệc kéo dài rất khuya. Và vì phải đi làm ngày hôm sau nên dân chúng lần lượt bắt đầu ra về. Họ cám ơn Giôsê về tình bằng hữu của chàng và chúc chàng may mắn. Aron, Massia, Lêgâu, các bà vợ của họ, cũng như cha Phát và giáo sĩ Dô An ra về cuối cùng. Aron nói với Giôsê rằng người con trai của tư tế Dênết là Mai Liên sẽ làm việc trên cùng chiếc tàu mà chàng đi Rôma. Aron và Lêgâu cám ơn Giôsê về tất cả những gì chàng đã làm cho họ. Không chỉ đời sống của họ mà cũng của nhiều người sẽ chịu ảnh hưởng bởi những gì chàng đã dạy bằng lời nói và bằng gương sống. Họ sẽ không bao giờ quên chàng. Massia nhìn chàng, lòng buồn bã nhưng không nói gì. Nàng chỉ mỉm cười, hôn từ giã chàng và ra về với những người khác. Giôsê ứa nước mắt.

Giáo sĩ Dô An và cha Phát trước đó có đề nghị đưa Giôsê đến Nữu Ước. Phải mất trọn ba giờ bằng đường đóng thuế. Giôsê cám ơn cái thịnh tình của họ. Họ là những người ra về cuối cùng với gia đình Sanđê và các bạn hữu. Sau đó căn nhà trở nên yên tĩnh. Giôsê đi ngủ. Chàng đã hoàn thành công vệc của mình. 
____________________________________

Chương trước (16) <=> Chương sau (18)



Comments

Popular posts from this blog

Chân Dung Đức Giêsu (Lm Jos. F. Girzone)

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Cốt tuỷ chung của các tôn giáo