19 Giôsê - Chương mười chín


CHƯƠNG MƯỜI CHÍN

Chiếc tàu Sao Biển cập bến ở Ôtia. Lúc ấy trời đã vào chiều. Hành khách đứng dọc boong tàu, hào hứng nhìn cảnh vật. Cái thị trấn cổ đang hiện ra.
Chiếc tàu cổ hạ neo. Ông thuyền trưởng chào hành khách khi họ nối đuôi lên bờ. Ông thân mật bắt tay Giôsê, và trong giây phút cuối cùng ông ôm choàng lấy chàng, hai người ôm nhau. Mai Liên đứng gần ông thuyền trưởng cũng làm như thế. Họ cám ơn Giôsê về hết mọi việc và chúc chàng may mắn. Ông bác sĩ cũng đi Rôma vài ngày và hỏi Giôsê có muốn quá giang không. Giôsê vui mừng nhận lời ngay. Chàng không có nhiều tiền và cũng đã định đi bộ.
Đi xe đến Rôma cũng gần. Bác sĩ bảo Giôsê rằng ông suy nghĩ nhiều về câu chuyện họ trao đổi tối hôm trước, và ông đã viết trong tờ tường trình những sự kiện y như đã xảy ra. Ông cảm thấy sung sướng về việc đó, mặc dù ông không biết nó có ý nghĩa gì. Ông vui sướng vì đã gặp Giôsê và nghĩ là sẽ không gặp được người nào như chàng nữa.
Giôsê bảo ông đừng quá khắt khe với chính mình. Ông là một người tốt và rồi, khi mọi việc đâu vào đấy, ông sẽ tìm được bình an.
Bác sĩ bỏ Giôsê xuống ở công trường Thánh Phêrô. Sau khi chào từ giã, Giôsê mang cái túi du lịch đi vào công trường rộng rãi. Chàng mở rộng mắt nhìn cái vĩ đại và huy hoàng của thế giới Kitô giáo như thể hiện sự uy nghiêm của Thiên Chúa.
Công trường với các pho tượng khổng lồ đứng trên những hành lang xem như đang giang tay ôm ấp thế giới. Cái vương cung thánh đường cao vời vợi trước mặt chàng thật là huy hoàng so với đền thờ Giêrusalem ngày trước. Chàng mơ tưởng lại những hành lang tương tự, ngàn lần nhỏ hơn, tấp nập dân chúng, linh mục và những người Pharisêu trong các chiếc áo dài lê thê. Hình ảnh người đàn bà bị bắt quả tang đang ngoại tình sống lại trong trí nhớ của chàng. Tất cả xem ra nhỏ bé so với kích thước của đền đài rộng lớn này.
Chàng đi qua công trường rải đá vào thánh đường. Dân chúng đi lang thang cùng khắp, nhìn đó đây, cố gắng thâu lượm những gì mà mắt trông thấy. Các giáo sĩ áo đen mang cặp đứng rải rác ở những chỗ trống. Giôsê bước lên các bực cấp của lối vào, và đi vào cung thánh rộng lớn. Chàng để ý thấy tượng Phêrô, có một ngón chân mòn đi vì người ta sờ đến nhiều. Chàng mỉm cười. Chàng nhìn lên trần bảng và say mê ngắm những hình ảnh diễn tả trọn bộ Thánh Kinh. Chàng đi đến các gian bên, xem từng chi tiết các bức vẽ và các pho tượng. Tiếng đại phong cầm nghe vang vì người nhạc sĩ đang tập dượt cho buổi hoà tấu hay lễ Chúa nhật. Trên bàn thờ chính là một hào quang to lớn biểu hiệu cho huy hoàng của thiên đàng. Sức tưởng tượng và thiên tài của con người đã được khai thác triệt để trong việc diễn tả thiên đàng cho loài người. Những người nghệ sĩ đã tài tình mô tả cái uy nghiêm của Thiên Chúa. «Nhưng», Giôsê suy nghĩ, «tại sao con người cố gắng lắm để mô phỏng thiên đàng trên trần gian, trong khi lại gặp khó khăn trong việc tiếp thu cái sứ điệp của hang đá? Họ thích diễn tả cái uy nghiêm của Thiên Chúa và cảm thấy thoải mái với quyền lực xa hoa, hơn là sống cái đơn sơ của sứ điệp đích thực. Họ đã không hiểu ý nghĩa của phúc âm. Giảng khó nghèo và thoát ly trong bối cảnh thế này thì ai tin?»
Chàng bước ra khỏi vương cung thánh đường và đi về phía con đường phụ mà chàng sẽ ở. Nhà trọ là một toà nhà cổ nhiều phòng làm bằng đá, cửa trước làm bằng gỗ với sườn sắt rất nặng. Giôsê bước vào và tự giới thiệu với một ông già bé người đang ngồi ở bàn viết. Ông điền một số giấy tờ và đưa chìa khoá phòng cho Giôsê. Cái phòng ở đàng góc, lên bực thang ngắn. Đó là cái phòng duy nhất ở đầu thang. Phòng nhỏ, chỉ đủ để một cái giường, một cái ghế và cái kệ.
Có một phòng tắm đơn sơ với hoa sen. Chàng chỉ cần có bấy nhiêu.
Chàng đặt cái túi trên ghế và ngả lưng lên giường nghỉ ngơi. Cuối cùng chàng đã đến đây. Ngày mai chàng phải đi phỏng vấn. Chỉ trong vài phút chàng đã thiếp ngủ. Chàng mơ thấy Ôbờn và dân chúng đơn sơ ở đấy; chàng mơ thấy nguyện đường, Massia và Aron. Chàng nhớ họ và nhớ lại những kỷ niệm chàng để lại.
Chàng nghỉ độ nửa giờ, rồi chỗi dậy, rửa mặt và đi ra đường. Chàng đi qua những con đường của Rôma, xem dân chúng buôn bán, cũng một loại hàng mà bán với giá khác nhau. Chàng để ý thấy ngay ở trung tâm của thế giới Kitô giáo những đứa bé vô kỹ luật, chúng làm những nghề mà không đứa bé nào nên nghe nói đến. Mấy đứa gái ăn mặc kỳ lạ lại gần chàng và mời chàng đi với chúng. Chàng ngạc nhiên khi thấy những chiếc xe nhỏ xíu và xe gắn máy chạy thật nhanh trên những con đường hẹp, chúng tài tình tránh né mấy bà già bé nhỏ đang cố băng qua đường. Chàng thấy những giáo sĩ mặc giáo phục đi từng cặp nói chuyện rất sôi nổi về những biến cố trong ngày. Chàng hơi nực cười khi thấy một nhà thờ Tin Lành oai nghiêm với hàng chữ lớn phía trước, «Lux in tenebris luce» («Ánh sáng soi tăm tối»).
Một quán ăn nhỏ làm Giôsê chú ý. Chàng đến xem giá tiền trên thực đơn ở cửa sổ. Giá có hơi cao, nhưng vì đói bụng nên chàng bước vào và ngồi xuống. Một người hầu bàn trong bộ đồ đen bước lại, trên tay vắt một cái khăn trắng. Thấy dáng chàng không phải là người Ý, anh ta hỏi chàng muốn gì bằng tiếng Anh bồi. Một đĩa lớn món ăn Ý macarôni với nước chấm đồ biển và một ly rượu Phacati. Anh hầu bàn ghi các món ăn và trở lại với một ổ bánh mì và một đĩa rau sống trộn.
Giôsê nhìn quanh quẩn phòng. Có những ảnh thành Náp và Cabi vẽ trên tường và những cái bàn nhỏ phủ khăn hình bàn cờ màu đỏ và trắng. Chính giữa mỗi bàn có đặt một chai rượu Kianti lớn với một cây nến, tạo nên một bầu khí ấm cúng và thích hợp. Một cặp tình nhân trẻ ngồi trong góc đầu kia phòng, họ nói chuyện tình tứ trong khi ăn món canôli và uống cà phê capusino â. Giôsê cảm thấy cô đơn.
Anh hầu bàn đem đến đĩa macarôni bốc hơi nghi ngút đặt trước mặt chàng. Anh mở chai Phacati, đổ một ít vào ly, và đưa cho Giôsê nếm. Giôsê đồng ý và người hầu bàn rót đầy ly cho chàng. Giôsê cám ơn anh, chàng nhét khăn ăn vào áo và bắt đầu món ăn trộn nước chấm đỏ. Chàng đói bụng và ăn ngon lành. Người hầu bàn đem đến một bát phó mát xay nhỏ và đặt trên bàn.
Thỉnh thoảng Giôsê dừng lại và nhấm rượu. Chàng thích bữa ăn và bảo anh hầu bàn thức ăn ngon lắm.
Khi ăn món macarôni xong, chàng uống một ly cà phê nóng, rồi bỏ ít tiền thưởng, trả tiền bửa ăn và đi ra. Lúc ấy đã gần chín giờ rưỡi. Chàng đi lòng vòng ở ngoài đường một lúc, thích nhìn đèn màu và xem dân chúng ở trong những quán cà phê bên lề đường, rồi chàng trở lại phòng và đi ngủ.
Ngày hôm sau trời nóng và khó thở. Tiếng xe nhà và xe vận tải thay thế tiếng chim hót lúc mặt trời mọc. Giôsê thức dậy sớm, rửa mặt, mặc quần áo, và đi đến một quán ăn nhỏ để ăn sáng.
Cuộc phỏng vấn ở Toà Thánh là chín giờ ba mươi. Không xa lắm, nên chàng còn nhiều thì giờ. Sau bữa ăn sáng, chàng đi bộ đến cổng vào thị xã Vatican. Hai người lính Thụy sĩ trong bộ đồ nhiều màu sắc hỏi chàng giấy tờ. Chàng bảo họ tên của chàng và nói có cuộc phỏng vấn với Hồng Y Ricađô. Tuy nhiên chàng cũng phải trình giấy tờ. Giấy tờ độc nhất chàng có là lá thơ của Hồng Y. Lá thư đó cũng đủ.
Lính gác cổng xem lá thơ, và để chàng vào. Chàng lên lầu đi đến văn phòng thứ nhất có một thầy dòng trực. Giôsê bảo thầy chàng là ai và tại sao chàng đến đây. Thầy gọi điện thoại, rồi đưa cho Giôsê giấy phép và chỉ cho chàng đi lối nào. Thầy cho một người dẫn lối chàng trong dinh thự.
Bên ngoài hội trường mà Bộ Đức Tin cứu xét những vụ tố tụng có một lính gác đứng trực, anh soát giấy tờ những người đi vào. Giôsê trình giấy phép của mình do ông thầy dòng cấp và được phép đi vào. Lúc đó là đúng chín giờ hai mươi tám phút. Các viên chức đứng quanh quẩn trò chuyện với nhau. Cái phòng có trần cao, chạy những đường viền bằng cẩm thạch. Nền nhà cũng bằng cẩm thạch, ở giữa để một tấm thảm Ba tư. Giữa trần nhà treo một cái đèn bách đăng.
Phía trước phòng đặt một cái bàn dài. Nó được phủ bằng một tấm nỉ dày màu nâu. Một cái ghế giám mục lớn ngồi chễm chệ giữa bàn. Những tập giấy và bút chì để gọn gàng trước mỗi chỗ.
Khi Giôsê đi vào, không ai chào chàng. Vài người quay lại và nhìn về phía chàng, rồi tiếp tục câu chuyện của họ. Hai vị giám mục mặc áo đen viền đỏ nhìn về phía chàng, rồi nhìn đi nơi khác và tiếp tục nói chuyện. Giôsê cảm thấy khó chịu.
Đúng chín giờ ba mươi một vị Hồng Y già và cao lớn mặc áo chùng đen bước vào phòng. Ông xem rất lễ độ, đầu bạc, trẻ hơn tuổi trên dưới bảy mươi lăm của ông. Khi ông bước vào, mọi người ngồi vào chỗ, và vị Hồng Y ngồi vào ghế dành riêng cho mình.
Có một cái ghế dài ở giữa sàn nhà, cách xa cái bàn độ ba thước. Một trong các giáo sĩ ra dấu cho Giôsê ngồi vào chỗ của mình. Vị Hồng Y bắt đầu bằng một kinh, cầu xin Thánh Linh hướng dẫn công việc nghiêm trọng mà họ sắp làm. Ông cầu xin cho họ hướng dẫn công việc tố tụng trong đức ái và trong công lý, và xin cho chân lý được thể hiện. Kinh này được xin vì danh Giêsu. Mọi người thưa, «Amen».
«Thưa ông», Hồng Y nói trong khi nhìn Giôsê, «tôi tên là Hồng Y Ricađô. Đây là các đồng nghiệp của tôi. Tên của họ được ghi trước chỗ ngồi của họ. Xin ông vui lòng cho biết tên và địa chỉ của ông?»
«Tôi tên là Giôsê. Gần đây tôi sống trong một làng nhỏ ở Mỹ. Nhưng tôi không còn sống ở đó nữa. Địa chỉ hiện tại của tôi là Đường Phôxa Phalavicini, Rôma, Ý Đại Lợi».
«Tên tộc ông là gì?», Hồng Y hỏi.
«Tôi chỉ có tên Giôsê», chàng đáp.
Nghĩ rằng không thể hỏi thêm được gì nữa, Hồng Y tiếp, «Giôsê, chúng tôi có đây những báo cáo dài về việc ông thảo luận các vấn đề thần học với những người Công giáo thuộc một số giáo xứ. Có đúng vậy không?»
«Thưa Hồng Y, tôi không hiểu ngài muốn nói gì về thần học, tôi không bao giờ chủ ý nói về những vấn đề thần học. Tôi chỉ làm nghề chạm gỗ. Khi khách hàng đến thăm tôi, thì chúng tôi nói chuyện. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện. Chúng tôi nói về dân chúng, về những vấn đề của họ, về Thiên Chúa, và về những vấn đề họ đương đầu trong khi họ cố gắng thực hiện thánh ý của Thiên Chúa. Tôi là một người tầm thường, và tôi chỉ nói cách đơn sơ và thành thực khi thiên hạ hỏi tôi điều gì».
«Khi ông nói về Thiên Chúa, về những gì của Thiên Chúa và về Giáo hội, đó là thần học. Ông có nói về những điều đó không?», Hồng Y Ricađô hỏi.
«Khi dân chúng quan tâm và băn khoăn về tôn giáo và hỏi tôi nghĩ thế nào, thì tôi trả lời cho họ», Giôsê trả lời.
«Ông bảo họ thứ gì?».
«Tôi bảo họ Giêsu đến để mang lại ý nghĩa cho đời sống của con người, và cái sứ điệp đó phải cho họ niềm an vui. Họ không nên rối rắm, sợ hãi và cảm thấy tội lỗi vì sứ điệp của Giêsu».
«Ông chỉ nói với họ có bao nhiêu thôi sao?», một giám mục tuổi trung tuần hỏi.
«Không. Dân chúng hỏi tôi nghĩ thế nào về tôn giáo ngày nay, tôi đã thành thực bảo họ».
«Ông bảo họ thứ gì?», vị giáo chủ hỏi tiếp.
«Tôi bảo họ rằng tôn giáo không nên tách rời với đời sống. Nó là sự sống của họ, sống tốt hay sống xấu. Giêsu bảo dân chúng rằng họ được tự do và họ nên yêu mến mối liên hệ của họ với Thiên Chúa, và tìm thấy an vui trong đời sống. Tuy nhiên thường thì sứ điệp của Giêsu được giảng dạy như một mớ tín điều, như những lề luật cứng nhắc phải tuân giữ, nếu không sẽ bị phạt nặng nề. Điều đó đã phá hủy cái vẻ đẹp của sứ điệp của Giêsu và làm cho dân chúng sợ hãi mà xa lánh Thiên Chúa».
«Ông ám chỉ Giáo hội khi ông bảo dân chúng điều đó phải không?», một trong những thần học gia hỏi.
«Tôi ám chỉ những ai dạy sứ điệp của Giêsu cách đó. Giáo hội dạy những sự đẹp đẽ, nhưng chỉ trên giấy tờ. Tình yêu của Thiên Chúa đã không được giảng dạy đúng cách, cái vẻ đẹp của đời sống của Giêsu cũng bị như thế, do đó dân chúng lớn lên mà không được biết Thiên Chúa yêu thương và chấp nhận họ như một người cha hay người mẹ yêu thương chấp nhận một đứa con thành tâm mặc dù nó có ương ngạnh. Giáo hội phải là sự hiện diện sống động của Chúa Kitô giữa các con cái của Thiên Chúa, tuy nhiên thường thì dân chúng chỉ thấy cái lạnh nhạt và tự phụ của những chủ chăn nóng nảy không biết thông cảm với dân chúng khi họ bị xúc phạm hay sa ngã»
«Ông nói mọi linh mục là như thế phải không?» một thần học gia trẻ tuổi và hói đầu hỏi.
«Dĩ nhiên là không», Giôsê đáp. «Có những linh mục hiến cả hồn xác để phục vụ Thiên Chúa, nhưng số đó không có được bao nhiêu. Có quá nhiều vị lại hưởng cái uy tín và danh dự của chức linh mục và, giống như những người Pharisêu ngày xưa, họ thích chỗ danh dự nơi công cộng và quyền hành do địa vị ban. Họ coi dân chúng như bầy tôi đặt đâu phải ngồi đó và bảo chi phải nghe. Như vậy là xúc phạm không những đến dân chúng, mà đến cả Thiên Chúa nữa. Còn các giám mục thì thích hành động như các thủ lĩnh quốc gia và muốn có hết mọi sự, nhưng các ông lại bỏ rơi những cộng đồng Kitô giáo địa phương đang khao khát được hướng dẫn và khao khát tìm ý nghĩa của đời sống làm dân Thiên Chúa. Họ lại bị những chủ chăn vô tình và tự phụ cai trị, các ông chỉ làm khổ đoàn chiên và gây thiệt hại lớn lao cho dân Chúa trong khi các ông lại an nhàn. Đó là vì cộng đồng Kitô giáo thực sự không quan trọng đối với Giáo hội. Giáo hội đã quá bận tâm với các tổ chức bác ái không cần thiết. Đáng lẽ phận sự của các vị lãnh đạo tôn giáo là khuyến khích việc bác ái, chứ không phải bỏ rơi các cộng đồng Kitô giáo để tổ chức những công việc riêng to lớn. Công việc chính của giám mục là dẫn dắt và chỉ đạo các vị chủ chăn địa phương, nhưng họ lại dành ít thì giờ để chia sẻ gánh nặng và khó khăn của các cộng đồng Kitô giáo.»
«Đi xa hơn tí nữa, Giôsê», một linh mục già ranh mãnh hỏi, «ông nghĩ đây có phải chỉ là trường hợp cá nhân, hay đây là lề lối Giáo hội?»
«Tôi nghĩ có thể là cả hai. Có quá nhiều vị cần quyền lực và địa vị để biện hộ cho công việc của mình. Lòng ham muốn địa vị xem ra quá ăn sâu trong Giáo hội và công việc điều hành các tổ chức, đã cho thấy cảm tưởng đó.»
«Ông có chống lại thẩm quyền không?», cũng linh mục ấy hỏi.
«Không, cần có thẩm quyền, nhưng phải hiểu ý nghĩa của thẩm quyền cho chính xác. Giêsu hiểu thẩm quyền khác xa với cái thẩm quyền mà thế gian hiểu. Các vị lãnh đạo của Giáo hội rất sốt sắng thi hành thẩm quyền như thế gian hiểu hơn là như chính Giêsu hiểu».
«Ông xem ra biết rất nhiều về những gì Giêsu đã dạy và những gì ngài đã không dạy», một thần học gia trẻ tuổi và dễ tức giận hỏi cách châm biếm. «Xin ông nói cho biết cái loại thẩm quyền nào mà ông nghĩ là Giêsu đã dạy.»
«Giêsu dạy rằng các tông đồ và chủ chăn phải như đèn soi bóng tối, đem ánh sáng cho dân chúng và khuyến khích họ, phải đối xử với họ không phải thấp kém như những bầy tôi để cai trị, nhưng như là anh chị em cần được thông cảm cách nhân hậu. Có lúc, nhưng chỉ hiếm hoi thôi, cũng cần cứng rắn khiển trách nếu họ làm hại đến những người khác. Điều đó khác với việc xem dân chúng như bầy tôi bị trị với những điều hành và luật lệ như các viên chức dân sự đối xử với bầy tôi của họ. Cái loại thẩm quyền đó không có chỗ đứng trong Giáo hội. Nó hạ thấp dân chúng và tạo nên một hệ thống giai cấp rất xa lạ với tư tưởng của Giêsu. Giêsu đã thấy khuynh hướng đó nơi các vị tông đồ. Vì thế ngài đã rửa chân họ vào đêm trước khi ngài chết, để in vào tâm trí họ bài học khiêm nhường và đừng nên thống trị đoàn chiên, nhưng phải làm tôi tớ cho đoàn chiên. Không mấy kẻ muốn làm tôi tớ».
Hồng Y Ricađô nhìn Giôsê rất kỹ trong cuộc đối chất này và thấy chàng khiêm tốn, đơn sơ và hoàn toàn tránh xa cãi vã. Chàng không có vẻ độc đoán tí nào, nhưng thực sự tin tưởng ở điều mình nói. Nhưng đấy chẳng phải là lề lối của những nhà cải cách cấp tiến sao? Lề lối kêu gọi dân chúng cũng đơn sơ và thành thật như thế? Tuy nhiên Giôsê, vì một lý do nào đó, không thuộc hàng ngũ này. Có một sự hiểu biết chân thật và một mối quan tâm nơi Giôsê làm cho chàng khác xa với những người cấp tiến và bất mãn. Nhiều năm kinh nghiệm của Hồng Y dạy cho ông thấy và hiểu được con người khi phỏng vấn họ. Ông nghĩ là vị linh mục trẻ đã không thấy điều mà ông nhìn thấy nơi Giôsê. Đối với họ chàng chỉ là một người thông minh cần phải đánh đổ hay lật mặt là gian xảo và nguy hiểm cho Mẹ Thánh Giáo Hội. Ông không thích cái lối khảo cung này tí nào. Nhưng ông không làm gì được, vì ai cũng được tự do phát biểu.
Một trong các vị giám mục đang lắng nghe hỏi Giôsê một câu nữa: «Thưa ông, tôi thấy ông rất quan tâm về Giáo hội. Có phải vì ông quan tâm về dân chúng hay là vì ông tức giận các vị lãnh đạo của Giáo hội mà ông có ý kiến như thế?»
Câu hỏi ấy rất tinh quái, Giôsê cũng biết vậy. Nó nhắc chàng nhớ đến những luật sư ngày xưa chuyên môn gài bẫy. «Tôi e rằng cái tinh thần của tình yêu của Giêsu đã bị thay thế bằng pháp luật».
«Ông có nghĩ rằng Giáo hội có thẩm quyền để làm luật và ban hành luật không», giám mục hỏi tiếp.
«Giêsu ban quyền để cầm buộc và tháo mở, nhưng đó là một thẩm quyền cần được dùng đến cách khôn ngoan và sinh lợi cho đoàn chiên. Nó không phải để dùng cách độc đoán hay thường xuyên đối với Kitô hữu».
«Ông có nghĩ là nó được dùng cách độc đoán không?», giám mục hỏi.
«Khi nhìn lại lịch sử thì rất khó mà kết luận cách khác».
«Nhưng thời gian đã thay đổi», giám mục tiếp.
«Hoàn cảnh có thay đổi, nhưng lòng ham muốn kiểm soát và thống trị được diễn ra dưới những hình thức khác thôi».
«Ông có vẻ khôn khéo lên án luôn cả đức Thánh Cha», giám mục nói.
«Tôi chưa bao giờ gặp đức Thánh Cha, nhưng nếu cứ xét những cái chung quanh đây mà tôi thấy từ lúc tôi đến Rôma, thì khó mà thấy được tinh thần khiêm tốn hướng dẫn đời sống của những ai sống ở đây.»
«Có phải đấy là lời công kích đức Thánh Cha không?», một linh mục hỏi.
«Không phải tí nào cả. Tôi chưa bao giờ gặp ngài. Tôi nghe nói ngài là một người tốt và là một tông đồ tận tâm», Giôsê nói, chàng cẩn thận rào trước đón sau.
«Ông nói đến những cái chung quanh đây. Ông muốn nói cái gì với chúng tôi? Có phải ông nghĩ là những cái chung quanh đây không hợp với những gì Giêsu dạy không?», cũng linh mục ấy hỏi.
«Cha nói đúng. Nhà cửa người ta ở phản ảnh tư tưởng của họ. Giêsu dạy các tông đồ và môn đệ của ngài phải sống khiêm tốn và đơn sơ. Mặc dù những người sống và làm việc ở đây không xây những dinh thự này, nhưng họ chọn để sống và làm việc ở đây, cũng như sống phù hợp với những vật chung quanh đây».
«Ông muốn nói gì?», linh mục nói một cách châm biếm.
«Cái kiểu không mấy khác lâu đài vua chúa và những kẻ cai trị thế gian, điều mà Giêsu cực lực cảnh cáo chống lại», Giôsê đáp.
«Như vậy ông nghĩ rằng những ai sống ở đây, kể cả đức Thánh Cha, có một lối sống mà Giêsu cấm?», linh mục hỏi.
«Tôi không dám đoán xét lối sống của quí vị. Chỉ quí vị mới biết mình có sống thật với điều Giêsu dạy không».
«Nhưng ông tuyên bố rằng ai sống và làm việc trong môi trường này thì nhất thiết sống theo kiểu của nó. Đức Thánh Cha sống và làm việc ở đây, như vậy theo sự lý luận của ông thì ngài sống cái lối sống không hợp với tinh thần của Giêsu», linh mục nói cách đắc thắng.
«Cha nói điều đó, chứ không phải tôi. Một ông vua khiêm tốn có thể sống trong một cung điện mà vẫn có thể là một người khiêm tốn và không bị ràng buộc với của cải của ông. Một người kế vị Phêrô có thể sống ở đây, mà vẫn có thể sống khiêm tốn, mặc cho môi trường này. Tuy nhiên những bức tường này nói lên một sứ điệp, đó là sứ điệp của quyền lực và địa vị thế trần. Quyền lực và địa vị đó tạo nên hình ảnh của người sống ở đây, vì thế nó có thể mang đến hai sứ điệp, một thật và một ngoài ý muốn. Tính chất lờ mờ đó làm do dân chúng rối rắm và che đi cái tinh túy của sứ điệp của Giêsu».
Giôsê rất sắc bén. Họ không bắt bẻ được chàng là rối đạo hay phản loạn. Điều rõ ràng là Giôsê đã mạnh bạo chỉ trích cái lối sống và lối hành sự của các vị lãnh đạo trong Giáo Hội. Chàng không có cách nào tránh được cái cảm tưởng đó, và chàng cũng không muốn tránh điều đó. Chàng đến đây vì một lý do, không phải chỉ để tấn công hay chống đỡ. Chàng có một mục đích, và mục đích đó phải đạt được.
Cuộc thẩm vấn tiếp tục. «Khi ở trong khu phố của ông, ông có nói những vấn đề này với dân chúng khi họ đến thăm ông không?», một giám mục hỏi.
«Không, không có lý do gì cả», Giôsê trả lời.
«Ông có bảo dân chúng rằng Giêsu không bao giờ muốn đạo được giảng dạy như ngày nay không», cũng giám mục đó hỏi.
«».
«Ông có bảo dân chúng rằng, vì là con cái của Thiên Chúa, họ được tự do và không ai có thể lấy đi khỏi họ cái tự do ấy không?», giám mục hỏi tiếp.
«».
«Và ông có bảo họ rằng các linh mục của họ phạm đến những điều Giêsu dạy do lề lối họ cai quản dân chúng không?»
«Không, điều đó chỉ thêm rối rắm cho dân chúng và không lợi gì».
«Nhưng ông có bảo dân chúng rằng Giêsu không bao giờ muốn tôn giáo trở thành như ngày nay không».
«».
«Và nói như thế tức là ông bảo dân chúng rằng tôn giáo không được dạy đúng. Có đúng không?», giám mục tiếp.
«Tôi không nói như vậy», Giôsê bình thản đáp, chàng bực tức vì ông đặt những lời đó vào miệng chàng.
«Nhưng nó rõ ràng hàm ý như vậy. Còn có thể rút ra kết luận nào hơn nữa?».
«Tôi không nói tại sao tôn giáo trở nên thế này, hay lỗi tại ai, tại cha mẹ hoặc tại các linh mục hay thày giáo». Rồi Giôsê hỏi vặn lại, «Tai sao có nhiều người có những ý tưởng sai lầm về tôn giáo?»
«Chúng tôi là thẩm vấn», giám mục nhắc với Giôsê.
Những vị trẻ tuổi trong đoàn mỗi lúc càng xúc động. Những vị có tuổi hơn thì đã thường dự những phiên toà như thế này, nên họ vẫn bình tĩnh. Họ đã quen với những lời bóng gió hay ám chỉ. Điều họ quan tâm trước nhất là xem thuyết trình gia nào đó có là một đe doạ cho đức tin của dân chúng không, và xem mối liên hệ của họ đối với Giáo hội và các vị lãnh đạo có thù nghịch và đáng ngại không. Những vị trẻ tuổi thì nghiên cứu từng chi tiết thần học.
Thần học gia trẻ tuổi và hói đầu hỏi câu tiếp theo. «Giôsê, lúc nãy ông nói Giáo hội cai trị bằng luật pháp và sắc chỉ. Ông có thể cho một thí dụ về điều ông tuyên bố không?»
«Thí dụ như trường hợp hôn nhân. Giêsu không bao giờ bảo người Kitô giáo phải cưới nhau trước mặt một tông đồ hay linh mục. Nhưng quí vị ra luật rằng nếu một người Công giáo không cưới xin trước mặt một linh mục, hoặc trước mặt một người khác mà không có phép chuẩn, thì hôn nhân ấy không thành và cặp vợ chồng sống trong tội lỗi. Như thế là ngạo mạn và không cho dân chúng được tự do tự quyết định lấy. Nhiều người có thể có lý do chính đáng không muốn cưới xin trước mặt một linh mục. Họ có thể không nắm vững đức tin của mình, hoặc đức tin của họ chưa trưởng thành đủ. Hoặc có thể họ ý thức rằng mình không phải là người Kitô tốt, nên lễ cưới theo phép đạo chỉ là giả hình. Làm sao quí vị có thể nói rằng Thiên Chúa không chấp nhận hôn nhân của họ, hoặc nói rằng họ sống trong tội lỗi? Có thể là một cử chỉ đẹp đẽ khi một đôi bạn đang sống trong đức tin và trong tình yêu của Thiên Chúa, trao nhau lời thề trăm năm trước sự hiện diện của cộng đồng Kitô giáo hay một linh mục. Nhưng nếu cưỡng bách họ làm việc đó, thì không được lành mạnh và khích lệ mấy; nhất là khi đời sống của hai người gây gương mù gương xấu, thì đấy chỉ là trò hề. Tôn giáo chỉ đẹp đẽ khi nó tự do phát xuất tự tâm khảm. Chính thế mà quí vị nên hướng dẫn và khích lệ chứ không phải làm luật quy định lối sống. Và dọa rằng Thiên Chúa giận khi dân chúng không tuân theo lề luật của quí vị, là một sự hiếp đáp vô luân và không làm đẹp lòng Thiên Chúa tí nào. Quí vị là chủ chăn và là người hướng đạo, chứ không phải là quan án tối cao xét xử lối sống của con người. Điều đó chỉ thuộc về Thiên Chúa».
Mọi người đều sững sốt khi nghe nói thế. Vị Hồng Y nhăn mặt nhưng cũng chăm chú nghe, ông nghĩ rằng Giôsê không sai lắm. Thật ra không có lý do gì mà Giáo hội phải đặt ra lề luật khắc khe về hôn nhân, nó chỉ tạo nên sầu khổ cho nhiều người. Tuy nhiên chàng đang dẫm chân lên chỗ nguy hiểm, và điều này có thể làm hại đến chàng.
«Còn thí dụ nào nữa không?» cũng linh mục ấy hỏi.
«Thí dụ một cặp vợ chồng đang phá hoại nhau. Trong quá khứ quí vị nói rằng không được ly dị. Nhưng giờ đây quí vị bảo sẽ ban cho họ đặc ân hủy bỏ hôn phối để họ lập gia đình lại. Và quí vị căn cứ quyết định của mình trên căn bản không có hôn phối thực sự giữa hai người, và nói rằng mối liên hệ giữa họ là nguy hại. Trong khi tiến hành công việc, quí vị khảo sát những chi tiết mật thiết của cuộc đời tình ái của họ, và gọi người làm chứng để bàn thảo điều họ biết về sự liên hệ của cặp vợ chồng. Tuy nhiên quí vị thú nhận rằng quí vị không ban đặc ân hủy bỏ hôn phối, nhưng chỉ quyết định là giữa hai người không có một sự liên hệ đáng kể để chung sống. Quí vị không nghĩ rằng cặp vợ chồng đó đã biết chuyện ấy sao? Và có ích gì khi linh mục hạch hỏi những chi tiết của đời sống tình ái của dân chúng? Đó là điều các người Pharisêu đã làm để kiểm soát dân chúng và bắt họ trả lẽ về lối sống của mình».
«Và nếu một cặp vợ chồng không đến với quí vị mà ly dị và lập gia đình lại, thì quí vị bảo rằng họ phạm tội ngoại tình. Làm sao quí vị có thể bảo rằng họ phạm tội ngoại tình, nếu tận đáy lòng họ biết hôn nhân trước của họ không được lành mạnh và hủy diệt họ? Có phải chỉ vì quí vị không được phép xem họ có ăn ở với nhau được không? Và làm sao quí vị hy vọng có thể kiểm soát được hàng triệu mối tơ vương? Các vị cắt đặt hàng ngàn người làm công việc không mấy giá trị này, trong khi không biết bao triệu linh hồn cần được nghe giảng Phúc âm và không biết bao triệu Kitô hữu xa cách Thiên Chúa vì bị bỏ rơi? Không tốt hơn sao, nếu quí vị để cho Thiên Chúa đoán xét những chi tiết thân mật của đời sống của dân chúng, còn quí vị thì lo việc đem sứ điệp của Giêsu đến cho hàng triệu người cần nghe ngài?»
Lối lý luận của chàng đánh bại đối phương. Thẩm phán đoàn phải suy nghĩ khi Giôsê nói, họ ý thức rằng có nhiều cái đúng trong điều chàng nói, và chàng cũng không có chút tự phụ hay chua cay. Lối đối xử của chàng cho thấy chàng rất quan tâm về Giáo hội và về công việc của Giáo hội. Điều đó thúc đẩy vị Hồng Y hỏi câu tiếp theo.
«Giôsê, ông nghĩ thế nào về Giáo hội?»
«Giáo hội là hiền thê của Giêsu, là bạn đồng hành được tuyển chọn để đem tình yêu của Thiên Chúa và mối quan tâm của ngài đối với dân chúng. Giáo hội là sự hiện diện sống động của Thiên Chúa qua dòng lịch sử. Và chính vì thế mà Giáo hội phải cố gắng hết sức để tỏ ra sự dịu hiền và quan tâm của Giêsu đối với những ai đau khổ, chứ không phải chỉ lo đến quyền làm luật và xét xử, vì nó thường chỉ làm cho dân chúng sợ hãi và đẩy họ xa Thiên Chúa».
Vị Hồng Y rất thán phục, mặc dù ông không nói gì. Ông cảm thấy căng thẳng với lối tố tụng và tỏ ra bực bội khi ông bẻ tay trên đùi. Ông là một người có tuổi và không đương đầu nổi nữa với bầu khí căng thẳng này. Giôsê thì khác với mọi người. Chàng có lòng tốt và rất quan tâm, nên điều chàng nói có ý nghĩa hơn. Chàng không chủ tâm phá hoại hay đánh đổ, nhưng cốt làm cho người ta suy nghĩ, và đó là điều tốt.
Một trong các vị trẻ tuổi hỏi chàng cách sống sượng. «Nếu ông có ý nghĩ tốt đẹp về Giáo hội như thế, tại sao ông lại hay chỉ trích?»
«Bởi vì tôi quan tâm», Giôsê nói cách chán chường.
«Nếu ông quan tâm, tại sao ông gây xáo trộn như thế ở địa phương ông sống?»
Giôsê chưa kịp trả lời, thì vị Hồng Y bị lên cơn và té xỉu khi lau mặt với khăn tay. Đầu ông dập mạnh vào chiếc bàn cứng phủ nỉ. Mọi người đều kinh hãi. Hai giám mục hai bên ông quay lại, nhưng không biết phải làm gì.
Giôsê im lặng và bình tĩnh rời ghế để đi đến bàn, chàng cúi xuống, đặt tay lên đầu ông, vuốt mặt và má ông. Cánh tay trái của Hồng Y thòng xuống yếu ớt; một bên mặt của ông lõm xuống và méo mó. Ông bị xỉu.
Khi Giôsê sờ ông, vị Hồng Y cảm thấy tay chàng vuốt ve ông và ông bắt đầu cảm thấy thân thể ông sống lại và tay hết tê lệt. Ngay lúc đó một thần học gia trẻ tuổi bước tới đẩy Giôsê qua một bên và nói, «Tránh ra, về chỗ ngồi», ông đẩy mạnh quá suýt làm Giôsê mất thăng bằng.
Lúc ấy vị Hồng Y ngẩng đầu lên được và thấy việc đã xảy ra. Mắt ông và mắt Giôsê gặp gỡ trong phút chốc, và vị Hồng Y hiểu. Trong đầu ông nảy ra một ý nghĩ, «Chúa ơi, có thể được không? Lịch sử có thể tái diễn được không?» Và vị Hồng Y thấy mình trong vai trò linh mục thượng phẩm, và nhà thần học gia trẻ tuổi là người đầy tớ đang vả vào mặt đấng Kitô. Ông cảm thấy hổ thẹn và bất lực.
Ông đã cảm thấy một cái gì đẹp đẽ nơi Giôsê. Ông đã cảm thấy cái phẩm cách điềm đạm gần như uy nghiêm của chàng, nhưng giờ đây ông mới hiểu hết. Những nhân vật khác của thẩm phán đoàn biểu quyết gia hạn cuộc thẩm vấn, nhưng vị Hồng Y nói rằng ông không sao. Ông nhìn Giôsê trong khi nói, rồi nhìn xuống hổ thẹn. «Cuộc thẩm vấn tiếp tục», ông nói. Từ giây phút đó vị Hồng Y muốn tha bổng Giôsê và cố tìm đủ cách để xoay cái ý nghĩ của thẩm phán đoàn. Tuy nhiên không có hiệu quả gì. Cuộc phỏng vấn kéo dài đến sau trưa, rồi, khi mọi người đã thoả mãn với mọi tin tức thu lượm được, Hồng Y tuyên bố chấm dứt phiên toà.
Khi mọi người bước ra khỏi phòng, vị Hồng Y bước tới Giôsê và cám ơn chàng. Giôsê mỉm cười và bảo ông đừng nói với ai. Một trong các giám mục hỏi chuyện hồng y, hai ông hăng say nói chuyện với nhau, nhờ thế Giôsê bỏ đi được. Không ai để ý đến chàng nữa, một khi phiên toà chấm dứt. Họ quan tâm đến chàng là vì nghề nghiệp và với tính cách vô tư, và một khi xong việc, họ không màng đến chàng nữa, cũng không hỏi chàng có đói không hoặc muốn uống gì không. Chàng chỉ là một vụ kiện. Đó là một thí dụ nữa trong lối lo việc đạo một cách vô nhân đạo, nó đã trở thành lối sống của nhiều người hiến dâng đời mình để theo đuổi một nghề nghiệp nơi tôn giáo. Dân chúng không quan trọng, nhưng sự trung tín với tổ chức và thành công trong việc tỏ ra lòng trung tín đó mới là quan trọng, nếu bạn muốn tiến thân.
Nhân viên ở bàn giấy bảo Giôsê rằng nếu cần, chàng sẽ được gọi lại, vì thế chàng đừng đi xa chỗ trọ.
Giôsê đi ra công trường nắng chói và tìm một nơi để ăn.
Sau bữa trưa, Hồng Y Ricađô xin hội kiến với đức Thánh Cha. Điều này rất quan trọng. Ông được biết sẽ gặp ngài lúc bốn giờ ba mươi trong thư viện của ngài. Ông nóng lòng nói cho ngài công việc đã xảy ra.
Đức Thánh Cha vui vẻ và chịu khó lắng nghe. «Thưa đức Thánh Cha», Hồng Y bắt đầu, «
Con rất bực bội về việc đã xảy ra trong phiên toà hôm nay. Nó khác với mọi cái con đã kinh nghiệm. Anh chàng Giôsê, đó là tên anh ta cho biết, xem ra đơn sơ, không học vấn, nhưng khi chúng con chất vấn anh thì anh tỏ ra là người hiểu biết sâu xa về những gì của Thiên Chúa, và anh cũng được ơn soi sáng để hiểu biết, con xác tín như thế. Con biết bản báo cáo nói rằng anh ta chỉ trích lề lối chúng ta điều hành Giáo hội, nhưng con thấy rằng mọi điểm anh nêu lên hết sức là khôn ngoan, và có lẽ chúng ta nên lắng nghe anh ta. Con cũng nghĩ rằng thẩm phán đoàn sẽ lên án anh ta, và con thấy trước rằng nếu chúng ta làm thế thì lịch sử sẽ ghi lại đây là một giờ phút đen tối trong Giáo Hội.
Đức Thánh Cha nhìn Hồng Y khi ông nói. Ông đã sống lâu ở đây và đã làm việc tốt, nhưng tuổi tác ông đã lớn. Ông luôn luôn là một người nhân hậu, nhưng người ta không thể điều khiển một tổ chức như Giáo hội trên nhân hậu. Phải có trật tự và kỷ luật. Khi vị Hồng Y nói xong, đức Thánh Cha bảo ông rằng ngài sẽ đọc bản tường trình trước khi quyết định.

Hồng Y Ricađô biết mình bị thoái thác, và ông nói với đức Giáo hoàng điều đã xảy ra với ông trong phiên toà. Ngài nhã nhặn nghe và khôn khéo trình bày rằng, mặc dù đó là điều quan trọng đối với Hồng Y, nó không dính dáng gì đến phiên toà và không nên để nó ảnh hưởng đến quyết định. Hồng Y nghĩ là mình có thể nói chuyện với đức Giáo Hoàng diện đối diện, tuy nhiên vai trò pháp lý của đức Giáo Hoàng là một ngăn trở không thể vượt qua được. Vị Hồng Y xin đức Thánh Cha ít nhất là gặp Giôsê và nói chuyện với chàng. Cuối cùng đức Giáo Hoàng đồng ý và cám ơn Hồng Y về mối quan tâm của ông. Vị Hồng Y cám ơn và bước ra. 
____________________________________

Chương trước (18) <=> Chương sau (20)



Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam