18 Chương 18 - Phiên Toà


Chương 18
Phiên Toà

Những biến cố đưa đến cái chết của Đức Giêsu và các động lực bên sau thật là rối ren. Người ta có cảm tưởng rằng những người trong cuộc cũng cảm thấy rối ren.
Để cho rõ ràng hơn, chúng ta cần phải phân biệt những cáo trạng có thể gán cho ngài và những cáo trạng thật sự đã gán cho ngài, cùng với những động lực muốn huỷ diệt ngài. Các Phúc âm đã chứng kiến ba loại này: chẳng hạn Đức Giêsu có thể bị tố là đã cố tình phạm ngày Sabát hoặc làm phù phép (dùng quyền lực của Satan mà trử quỉ); ngài đã thực sự bị buộc tội vì xưng mình là Vua Cứu Tinh; và động lực chính, theo Mátcô và Mátthêu, là lòng ganh tị. (Mc 15:10; Mt 27:18). Rất tiếc là các Phúc âm không luôn luôn phân biệt rõ ràng như thế. Những cáo trạng đáng lẽ phải gán lên ngài thì được kể lại như là thực sự gán lên ngài (tỉ dụ: lời phạm thượng, Mc 14:54) và những cáo trạng thật sự đã gán lên ngài thì lại xem như là động lực bên sau (tỉ dụ: ngài tự xưng là Vị Cứu Tinh Mc 14:62-64), vì thế mà gây nên nhiều rối ren.
Thứ đến, chúng ta cũng cần phân biệt vai trò của các lãnh đạo Dothái và của chính quyền Lamã. Có hai toà án: Thượng Hội Đồng, hay toà án Dothái, gồm vị thượng tế và bảy mươi giáo sĩ trưởng, các kỳ lão và các kinh sư; toà án Lamã, do Philatô chủ toạ như là quan toàn quyền. Đức Giêsu bị đưa ra xử, bị án và xử tử do toà án Lamã. Nhưng những người viết Phúc âm, cũng như những Kitô hữu đầu tiên, đã cố đổ tội cho các người lãnh đạo Dothái về cái chết của Đức Giêsu. Không phải họ sai, nhưng lối đổ tội đó đã gây nên nhiều hiểu lầm - họ cho cảm tưởng rằng cuộc thẩm vấn do các lãnh đạo Dothái là một phiên toà.
Họ không cố ý đánh lừa hay bóp méo sự kiện lịch sử. Họ chỉ muốn độc giả hiểu được những gì đã xẩy ra. Bên ngoài thì xem ra người Lamã có tội, nhưng thật sự người Dothái mới là thủ phạm. Họ không có chủ ý bài Dothái, cũng không thiên tư người Lamã, họ chỉ thất vọng. Sự thật của vấn đề là Đức Giêsu đã khiếu nại đến một quốc gia thời đó và quốc gia này đã khước từ ngài. Đặt mình trong trường hợp đó chắc nhiều người cũng đã làm thế.
Việc đã xẩy ra làm sao?
Đức Giêsu bị đưa ra toà và bị án tử hình là vì ngài xưng mình là Vị Cứu Tinh hay là Vua Dothái. Đó là điều Philatô hỏi ngài và đó cũng là bản án treo trên thập giá buộc tội ngài. Mọi cái khác chỉ là phỏng đoán: ngài có thể bị cáo và bị lên án. Thượng Hội Đồng có thể buộc tội ngài là một kinh sư giả hoặc một ngôn sứ giả, hoặc là một đứa con phản nghịch (Thứ Luật 21:20-21), hoặc ngài đã cố tình phạm ngày Sabát hay làm bùa phép. Các Kitô hữu đầu tiên nghĩ rằng một số người Dothái đã tố ngài là phạm thượng vì ngài đã tha tội (Mc 2:7) và đã xưng mình là Vị Cứu Tinh, là Con Thiên Chúa hoặc là «Con Người» (Mc 14:61-64), đồng nghĩa với việc xưng mình ngang hàng với Thiên Chúa (Gio 5:18; 10:33, 36; 19:7). Họ cũng nghĩ rằng có thể đó là những lời buộc tội ngài trước Thượng Hội Đồng (Mc 14:61-64) hoặc có thể đó cũng là lý do mà dân chúng yêu cầu Philatô đóng đinh ngài (Gio 19:7).
Theo Luca, người Do thái tố cáo ngài, cũng như người Lamã đã có thể buộc tội ngài, có hành động phá hoại và chống lại việc nộp thuế cho Xêda (23:2). Một cách nào đó có thể nói rằng hành động và lời giảng dạy của ngài nhằm lật đổ chính quyền hiện tại. Ngài muốn thay đổi xã hội từ cao xuống thấp. Về vấn đề thuế má, như chúng ta đã thấy, ngài tránh không đứng về phía nào vì đó chính không phải là vấn đề.
Như thế có nghĩa là mặc tất cả những lời tố cáo ngài, Thượng Hội Đồng đã không xử tội ngài mà chỉ có người Lamã mới xử tội ngài vì ngài đã xưng mình là vua dân Dothái. Tại sao? Tại sao họ hành động như thế?
Philatô là một quan toàn quyền tàn nhẫn. Ông khiêu khích dân chúng và khi họ chống đối thì ông không ngần ngại tập trung họ lại mà giết hết. Những ngưởi bị xem là phản động thường bị giết mà không có án. Theo một triết gia Dothái cùng thời là Philô, thì Philatô «là con người cứng cỏi, ương bướng và khó tính». Ông kể tội của Philatô là «ăn hối lộ, bạo ngược, cướp bóc, cộc cằn, cáo gian, giết mà không cần án và cực kỳ tàn bạo».
Đó là hình ảnh được chứng minh qua ba biến cố dưới thời Philatô được sử gia Josêphu ghi lại. Biến cố thứ nhứt là những phù hiệu Lamã mà người Dothái xem là bụt vì chúng mang hình ảnh của hoàng đế và một số hình ảnh khác. Philatô ra lệnh đem các phù hiệu đó đến Giêrusalem, mặc dù từ trước đến giờ chưa ai làm. Dân chúng phản đối và yêu cầu ông dẹp đi. Philatô từ chối và tập trung họ lại để giết hết. Dân chúng không phản ứng nhưng sẵn sàng tử đạo. Ông đành nhượng bộ vì tàn sát dân chúng cách dã man không lợi cho chính trị. Tuy nhiên trong lần đụng độ lần thứ hai giữa Philatô và dân chúng khi dùng tiền của Đền Thờ mà xây mương dẫn nước, ông tập trung dân chúng lại và ra lệnh dùng dùi cui mà đánh họ. Một số người chết và một số bị thương nặng. Biến cố thứ ba làm ông phải mất chức. Ông bị triệu về Lamã để trả lẽ. Đó là khi một nhóm người Samaritanô tụ tập ở núi Gadim để tìm những bình thánh mà họ nghĩ rằng Maisen đã giấu ở đó. Philatô đưa quân đội đến giết tất cả.
Philatô hình như rất sợ dân chúng tụ tập. Mỗi lần người Dothái (hay Samaritanô) tụ họp vì một lý do gì, ông sợ sẽ có phản loạn chống lại Lamã.
Philatô cũng được mô tả như thế trong một biến cố khác. Luca nói rằng «những người Galilê bị Philatô giết và lấy máu hoà với các vật tế» (13:1) - đó là cuộc tàn sát trong Đền Thờ.
Dĩ nhiên đây không phải là hình ảnh Philatô mà chúng ta đọc thấy trong các bản văn về phiên toà của Đức Giêsu. Rõ ràng là Philatô được làm nhẹ tội hơn để làm nổi bật tội trạng của những người Dothái về cái chết của Đức Giêsu.
Nhưng Philatô nghĩ gì về Đức Giêsu?
Chúng ta biết một số quan toàn quyền khác ít tàn ác hơn Philatô đã nghĩ thế nào về các ngôn sứ hoặc các Vị Cứu Tinh tiềm năng. Vào năm 45 Tây Lịch, có một ngôn sứ tên là Têđa dẫn đầu một đám đông người Dothái gồng gánh của cải tiến về phía sông Giođan, ông hứa sẽ rẽ nước cho họ qua để tiến vào sa mạc, giống như Maisen đã làm. Quan toàn quyền Cupiut Phađu đưa một đoàn kỵ binh đến giết đi một số và bắt giam một số. Têđa bị chặt đầu. Không có bằng chứng nào nói Têđa là người Dêlót.
Cũng có câu chuyện một sứ ngôn Dothái từ Aicập tụ tập dân chúng trên núi Ôliu vào năm 58 và nói rằng ông sẽ ra lệnh cho tường thành Giêsrusalem sẽ sụp. Quan toàn quyền Antôniô Phêli phản ứng ngay lập tức. Nhiều người Dothái trong đám đó bị giết, nhưng vị ngôn sứ này chạy thoát được. Về sau một viên chức Lamã nghĩ lầm rằng Phaolô là vị ngôn sứ đó mà ông cho là người đứng đầu bốn ngàn người Sicari hay quân khủng bố (CV 21:38). Họ không phải là những người Dêlót mặc dù vị ngôn sứ lãnh tụ của họ cũng có những ý đồ giống như người Dêlót.
Dẫu Philatô có biết ý định của Đức Giêsu, dẫu ông có biết «vương quốc» mà Đức Giêsu đang mong đợi là gì, thì ông cũng muốn giết ngài. Philatô xem Đức Giêsu là con người rất nguy hiểm về chính trị, dẫu ông có biết Đức Giêsu không muốn thành lập một «vương quốc» bằng vũ lực, cũng như Hêrốt đã xem Gioan Tẩy giả là một người nguy hiểm về chính trị và thấy cần phải bắt giữ ông, mặc dù ông không dùng đến vũ lực. Chống đối bằng vũ lực không phải là một đe doạ độc nhất đối với chính quyền Lamã. Mọi phong trào bình dân nào nhằm đảo lộn tình thế, nhất là có khuynh hướng tôn giáo, đều bị xem là nguy hiểm.
Đó chính là điều Philatô nghĩ, dẫu ông có biết ý định thật của Đức Giêsu. Nhưng Philatô có biết gì về Đức Giêsu không?
Ông ta chắc có nghe biết về biến cố ở sân Đền Thờ khi Đức Giêsu đuổi các con buôn. Có một đơn vị đồn trú Lamã canh chừng sân Đền Thờ. Khi Phaolô gây xáo trộn bên ngoài cổng sân Đền Thờ thì binh sĩ can thiệp ngay (CV 21:27-36). Việc Đức Giêsu «thanh tẩy» sân Đền Thờ không thể im lìm qua đi được. Việc này cũng đủ để Philatô nghi ngờ Đức Giêsu và ý định của ngài. Tuy nhiên chúng ta không biết chắc đơn vị đồn trú có báo cáo với Philatô về việc này hay không.
Trong phiên xử Đức Giêsu Philatô ít nhất phải biết ngài là một lãnh tụ có nhiều ảnh hưởng và nhiều người xem ngài là Vị Cứu Tinh hay Vua Do thái tương lai. Nhưng Philatô có biết điều đó trước phiên xử không? Hình như ông có biết.
Gioan cho biết Đức Giêsu bị bắt do một nhóm gồm cận vệ Dothái và binh sĩ Lamã (18:3,12). Gioan thường có khuynh hướng làm nhẹ tội người Lamã. Chính vì thế mà khi ông thuật lại các binh sĩ Lamã và viên đội trưởng có nhúng tay, thì phải là việc có thật. Không người Dothái nào, kể cả vị thượng tế, có thể ra lệnh cho binh sĩ Lamã bắt ai. Philatô phải nhúng tay vào. Philatô muốn bắt Đức Giêsu. Ông phải biết về Đức Giêsu trước phiên xử.
Chúng ta có thể kết luận rằng nếu Philoatô không nghi ngờ Đức Giêsu và ý định của ngài khi xảy ra biến cố sân Đền Thờ, thì ông cũng phải biết về Đức Giêsu trước phiên xử.
Như thế chính quyền Dothái đóng vai trò gì trong vụ này?
Vị thượng tế được Lamã bổ nhiệm. Ông được hành quyền và tham gia vào việc quản trị xứ sở. Cả những hoạt động tôn giáo của ông cũng bị Lamã kiểm soát vì họ ban áo mũ cho ông. Vị thượng tế và các cộng sự viên tham gia tích cực vào việc hành chánh quốc gia và hoàn toàn lệ thuộc Lamã. Phận sự của họ là giữ gìn an ninh, nhất là trong các dịp đại lễ.
Họ có bết nhiều về Đức Giêsu không? Có lẽ rất ít. Họ ít ra cũng biết như Philatô biết, nhưng không đủ để buộc tội ngài theo luật Dothái (nếu họ muốn đem ngài ra Thượng Hội Đồng). Họ phải biết Đức Giêsu thúc giục dân chúng tin vào «vương quốc» của Thiên Chúa và họ biết một số người tin rằng ngài là Vị Cứu Tinh. Vị thượng tế và các cộng sự viên của ông xem những lời đồn đại như thế là một đe doạ cho nền hoà bình với Lamã. Họ là những người hành chính, lo đến thủ đoạn hơn là sự thật.
Điều này thấy rõ trong những tính toán của họ về Đức Giêsu trước khi ngài bị bắt. Chính Gioan cho chúng ta biết điều đó như sau:
«Chúng ta phải làm gì bây giờ? Nếu chúng ta để hắn tiếp tục hoạt động thì mọi người sẽ nghe theo hắn và quân Lamã sẽ đến mà tước đoạt chỗ và quốc gia của chúng ta.» Caipha là vị thượng tế năm ấy nói, « ... thà một người chết ... còn hơn là cả nước bị hủy diệt.» (11:47-50)
Họ không quan tâm gì đến sự thật và nhất là sự thật tôn giáo mà chúng ta gọi ngày nay. Đó chỉ là thủ đoạn chính trị. Lamã sẽ trả thù nếu chúng ta không làm gì đối với tên này? Hắn chết đi không tốt hơn sao?
Chỉ có hai cách giải thích những dự toán này. Một là Caipha nghĩ rằng những lời đồn đại về «vương quốc» và việc dân chúng tuyên xưng Giêsu là Vua-Cứu Tinh sẽ gây xích mích giữa Đức Giêsu và Lamã. Nếu việc đó xảy ra thì Lamã «sẽ đến mà tước đoạt chỗ và quốc gia của chúng ta.» Tác giả Paul Winter nói rằng «chỗ» ở đây không có nghĩa là Nơi Thánh hoặc Đền Thờ nhưng là chức vị của thượng tế và Hội đồng. Nếu đúng vậy, thì Caipha sợ rằng các ông sẽ bị tước đoạt chức vị vì không làm tròn bổn phận để ngăn ngừa một cuộc nổi dậy, vì không báo cáo sự việc với Lamã hoặc giải nạp Đức Giêsu để họ hành quyết.
Còn một lối giải thích nữa là Philatô ra lệnh cho họ phải tìm bắt Đức Giêsu mà nạp cho ông. Đây là trường hợp dẫn độ. Có nên giải nạp một công dân Dothái cho một quan chức ngoại đạo vì lý do chính trị không? Câu châm ngôn «thà một người chết còn hơn là cả quốc gia bị hủy diệt» xem ra cũng giống câu phải nạp người bị lùng bắt «kẻo cả cộng đoàn phải khổ vì hắn».
Nói cách khác. có hai trường hợp ở đây: một là tránh đụng độ với Lamã, hai là trường hợp dẫn độ. Trong cả hai trường hợp thì quyết định của vị thượng tế và Hội đồng là hợp tác với Lamã. Thủ đoạn chính trị ở đây đòi phải nạp Đức Giêsu và ngài phải chết. Tìm cách cứu ngài là quốc gia tự sát.
Như vậy thì chính người Lamã muốn giết đức giêsu. Có phải chính họ biết về Đức Giêsu và đòi dẫn độ ngài, hay chính Caipha và Hội đồng báo cáo về ngài? Điều này không rõ rệt. Chính sách của Philatô và những quan toàn quyền là tiêu diệt Đức Giêsu. Họ phải diệt mọi ngôn sứ và những vị Cứu Tinh tiềm năng.
Với bất cứ giá nào những người lãnh đạo Dothái cũng nhất định phải bắt Đức Giêsu mà nạp cho Philatô. Chúng ta có thể buộc tội họ là phản bội Đức Giêsu. Giải nạp hay phản bội là cùng một từ trong tiếng Hy lạp: paradidomai (Mc 9:31; 10:33,34; 14:41; 15:1; Mt 26:2; Gioan 19:11; CV 7:52). Có hai sự phản bội ở đây: Giuđa phản bội Đức Giêsu (nạp ngài) cho các người lãnh đạo Dothái và chính họ phản bội ngài (nạp ngài) cho Lamã (Mc 10:34-35). Ngài bị xử và kết tội tử hình do toà án Lamã.
Điều dáng chú ý nhất trong phiên toà, điều mà chúng ta biết chắc chắn nhưng lại ít được để ý đến, là Đức Giêsu không tự bào chữa. Trong suốt phiên toà, mặc cho ai tố cáo ngài về vụ gì, ngài vẫn thinh lặng (Mc 14:60-61; 15:4-5; Mt 26:62-63; 27:12, 14. Lc 23:9). Nếu ngài có lên tiếng, thì chỉ trả lời cách trống trơn như là không trả lời vậy: «Chính ông nói điều đó» (Mc 15:2; Mt 26:64; 27:11; Lc 22:70; 23:3) và «Nếu tôi có nói, các ông cũng không tin tôi và nếu tôi có hỏi, các ông cũng không trả lời» (Lc 22:67; 20:8; Gioan 18:29-21). Cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và các địch thủ của ngài được những người viết Phúc âm ghi lại. Nó nêu lên rõ ràng một sự kiện: «Ngài không đáp lại một lời buộc tội nào» (Mt 27-14).
Người tôi tớ đau khổ trong Isaia 53:7 thinh lặng trước những người tố cáo - như con chiên trước người xén lông. Không phải là những người viết Phúc âm hoặc những tài liệu các ông dùng đã bịa đặt câu chuyện Đức Giêsu thinh lặng để minh chứng rằng ngài là người tôi tớ đau khổ. Giữ thinh lặng trước những người tố cáo là điều chúng ta nghĩ Đức Giêsu sẽ làm. Trước đó ngài đã luôn luôn từ chối làm dấu lạ từ trời; ngài đã không bao giờ đòi uy quyền; ngài đã từ chối trả lời về quyền lực của ngài; và giờ đây ngài từ chối bênh vực hay thanh minh hành động của ngài.
Nói cách khác, Đức Giêsu đứng đấy, thinh lặng, như đưa mọi người ra xử. Sự thật của vấn đề là không phải là Đức Giêsu bị xử. Những kẻ phản bội và tố cáo ngài đang bị xử. Ngài thinh lặng làm cho họ ngỡ ngàng, bối rối như bị tra hỏi và thử thách. Những lời tố cáo của họ quay ngược lại chính họ và họ tự miệng tố cáo chính mình.
Trước hết, chính Philatô bị xử và bị buộc tội. Đức Giêsu thinh lặng làm ông ngạc nhiên (Mt 27:14). Có lẽ ông do dự trong giây lát như các Phúc âm ghi lại. Nhưng vì ông không quan tâm, và cũng chẳng bao giờ quan tâm đến sự thật, nên ông chọn thủ đoạn chính trị. Gioan nhận xét rõ ràng rằng Philatô có tội không quan tâm đến sự thật (18:37-38).
Caipha và các cộng sự viên còn có tội lớn hơn. Họ phải chọn giữa mạng sống của một người và tương lai của quốc gia. Nhưng còn hơn Philatô, đáng lẽ các ông phải tìm hiểu Đức Giêsu và tìm xem ngài đóng góp được gì.
Tuy nhiên, dẫu Caipha chấp nhận sự thật mà tin theo Đức Giêsu, thì ông có thể làm gì, hoặc phải làm gì, để duy trì hoà bình với Lamã? Có lẽ chúng ta nghĩ rằng ông phải liều mạng mà từ chức để theo Đức Giêsu đi trốn và hoạt động với ngài để truyền bá đức tin trong «vương quốc». Nhưng đây là một đòi hỏi quá lớn lao và không biết có mấy ai trong trường hợp của ông mà quan tâm đến sự thật và liêm chính. Nhưng cũng chính vì đó mà những người thời đó đang lao đầu vào hủy diệt. Caipha không đương đầu nổi với điều Đức Giêsu thách đố ông. Ai trong chúng ta muốn ném đá Caipha trước ?
Cái chết của Đức Giêsu cũng là một lời tố cáo đối với các kinh sư, nhóm Pharisêu và một số người đã bỏ ngài. Nếu họ đã chấp nhận ngài và tin ở «vương quốc» của người nghèo, thì «vương quốc» đã đến thay vì tai ương. Họ cũng không khác người thời nay mấy, nhưng trong phiên xử Đức Giêsu thì họ lại có tội.
Các môn đệ cũng phải chịu thử thách. Đó là một thử thách lớn, họ có sẵn sàng chết với ngài để cứu độ trần gian không? Nhưng Giuđa đã phản bội ngài, Phêrô đã chối ngài, số còn lại thì bỏ chạy.
Đức Giêsu cũng chịu thử thách. Ngài toát mồ hôi máu và bảo các môn đệ cầu nguyện để khỏi phải chịu thử thách như ngài (Mc 14:32-38). Ngài luôn luôn dạy các môn đệ hãy hy vọng và cầu xin đừng có ngày này, và xin Thiên Chúa đừng để họ phải chịu thử thách. Đó là ý nghĩa của lời kinh : «Xin đừng để chúng con phải chịu thử thách» (M6:13; Lc 11:4). Đức Giêsu không muốn cho ai phải chịu thử thách.
Tuy nhiên cơn khủng hoảng đã đến và thử thách lại lớn. Chỉ mình Đức Giêsu chịu nổi giờ thử thách này. Ngài hơn mọi người và sự thật đang lên án mọi người. Đức Giêsu chết một mình vì chỉ có ngài mới chịu nổi cơn thử thách này. Tất cả mọi người đã thất bại, nhưng còn được ban cho một cơ hội khác. Lịch sử của Kitô giáo là lịch sử của những ai tin vào Đức Giêsu và được soi sáng để chấp nhận thử thách của cái chết của mình - một cách nào đó.


__________________________________

Chương trước (17) <=> Chương sau (19)



Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam