19 Chương 19 - Tin ở Giêsu


Chương 19
Tin ở Giêsu

Đức Giêsu không thành lập một tổ chức nào. Ngài chỉ gây nên một phong trào và phong trào đó đã sớm trở thành một tổ chức. Tuy nhiên từ thuở ban đầu chỉ có những người đơn sơ, cá nhân hay từng nhóm, đã được Đức Giêsu truyền cảm. Đó là Nhóm Mười Hai, những phụ nữ, gia đình của ngài (Maria, Giacôbê, Giuđa), một số người nghèo và người bị đàn áp, những môn đệ từ Galilê, Giêricô (như Giakêu) và Giêrusalem (như Giuse Arimatê và Nicôdêmô), những người Dothái nói tiếng Hylạp như bảy người theo đến vì nghe nói về ngài (CV 6:1-6), cả những người Pharisêu và các giáo sĩ gia nhập cộng đoàn được thành lập tại Giêrusalem (CV 6:7; 15:5).
Người ta nhớ lại Đức Giêsu mỗi người mỗi khác, và lời ngài đánh động họ một cách khác nhau. Lúc đầu không có tín điều và tín lý, không có công thức nào để theo và tin ở ngài.
Đức Giêsu không có người kế vị. Ngài không truyền cảm một phong trào cứ tiếp diễn bằng cách đặt người kế vị thủ lãnh đầu tiên. Nhóm Dêlót, giống như nhóm Macabê trước họ, là cha truyền con nối. Nhưng điều đặc biệt của phong trào Giêsu là ngài vẫn tiếp tục là người lãnh đạo của những kẻ theo ngài, cả sau khi ngài chết. Như vậy rõ ràng là không ai có thể thay thế Đức Giêsu. Nếu ngài chết, thì phong trào cũng chết theo. Nhưng nếu phong trào còn sống, thì chỉ có thể nói rằng Đức Giêsu vẫn tiếp tục sống bằng một cách nào đó.
Phong trào đó có nhiều hình thái và không rõ rệt. Điểm duy nhất của nó chính là con người Đức Giêsu, không phải chỉ để lưu truyền lời dạy bảo của ngài hay là để nhớ ngài. Những Kitô hữu đầu tiên là những người tiếp tục cảm nghiệm hay khỉ sự cảm nghiệm sự hiện diện của Đức Giêsu sau khi ngài chết. Họ cảm thấy rằng mặc dù chết ngài vẫn tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo và soi sáng họ. Một số người biết và thấy ngài trước khi ngài chết (đặc biệt là Nhóm Mười Hai) thì lại quả quyết rằng họ thấy ngài sống lại và dạy bảo họ như lúc trước. Những phụ nữ khám phá ra ngôi mộ trống, rồi các môn đệ nữa, tuyên bố rằng Đức Giêsu đã sống lại.
Nhiều người cũng cảm nghiệm rằng Đức Giêsu vẫn tiếp tục lãnh đạo và soi sáng qua Thần Khí của ngài - Thần khí của Thiên Chúa. Họ cảm thấy mình bị Thần khí của ngài chinh phục và hướng dẫn. Lời tiên tri của Giôen được thực hiện nơi họ qua Đức Giêsu: Thần khí được đổ tràn đầy lên họ, biến họ thành những ngôn sứ thấy được thị kiến và mơ những giấc mơ (CV 214-41). Đức Giêsu vẫn hiện diện và hoạt động qua Thần khí của ngài: «Chúa là Thần khí và ở đâu có Thần khí của Chúa thì ở đó có tự do ... đây là công việc của Chúa, ngài là Thần khí» (2Cr 3:17-18).
Đức Giêsu tiếp tục tác động sâu xa trên những kẻ theo ngài. Do đó họ thấy không ai có thể bằng ngài hay cao trọng hơn ngài Ờ cả đến Maisen hay Êlia (Mc 8:2-8), hay Abraham (Gio 8:58). Họ nghĩ rằng không thể có một ngôn sứ hay một quan án hay Vị Cứu Tinh nào sẽ đến sau Đức Giêsu và cao trọng hơn ngài (Gio 7:31). Không cần phải «chờ đợi ai nữa» (Mt 11:3). Giêsu là tất cả. Giêsu là tất cả những gì người Dothái hy vọng và cầu xin. Giêsu dã thực hiện và sẽ thực hiện mọi lời hứa và tiên tri. Người có nhiệm vụ phán xét thế gian phải chính là ngài (CV 19:42; 17:31). Người được phong làm Vị Cứu Tinh, làm Vua, làm Con của Thiên Chúa trong «vương quốc» không thể là ai khác, nhưng chính là Đức Giêsu (CV 2”36; 3:20-21; Rm 1:4; KH 17:13; 19:16)
Sự kính phục và tôn thờ của họ đối với ngài thật là vô bờ bến. Ngài là tiêu chuẩn giữa thiện và ác, thật và giả. Ngài là niềm hy vọng độc nhất cho tương lai, là quyền lực có thể biến đổi thế gian. Những kẻ theo ngài tôn vinh ngài lên bên hữu Thiên Chúa, hay đúng hơn họ tin rằng ngài được Thiên Chúa coi trọng và đang ngự bên hữu Thiên Chúa (CV 2:33-34; 5:31; Êph 1:20-23; 1Cr 15:24-27; 1Phê 3:21-22; Do 10:12-13). Thiên Chúa đi ngược lại mọi tính toán của các người lãnh đạo Dothái. Họ tẩy chay Giêsu, phản bội ngài và giết ngài. Nhưng Thiên Chúa nâng ngài lên, tuyên dương ngài và phong ngài làm Chúa, làm Vị Cứu Tinh, làm viên đá góc (CV 2:22,36; 3:13-15; 4:11; 5:30-31; 1Phê 2:4).
Đức Giêsu được xem như người mở đường trong lịch sử nhân loại, Ngài siêu việt tất cả những gì được nói và được làm từ trước. Ngài là lời cơ bản và tối hậu. Ngài ngang hàng với Thiên Chúa. Lời của ngài là lời của Thiên Chúa. Thần khí của ngài là Thần khí của Thiên Chúa. Cảm hứng của ngài là cảm hứng của Thiên Chúa. Điều ngài chủ trương thì cũng là điều Thiên Chúa chủ trương. Không còn gì cao trọng hơn.
Tin ở Đức Giêsu là tin những lời xác quyết trên. Chúng ta không cần phải dùng những ngôn từ đó, những ý niệm đó hay danh hiệu đó. Thật ra không cần phải dùng danh hiệu. Nếu chúng ta đặt Đức Giêsu và những gì ngài chủ trương vào hạng hai trong lược đồ giá trị của chúng ta, thì chúng ta đã khước từ ngài và những gì ngài chủ trương. Điều mà Đức Giêsu quan tâm là sống và chết, đó là điều tối quan hệ. Hoặc là bạn chọn «vương quốc» như Giêsu hiểu hay là không chọn. Bạn không thể làm tôi tớ hai «chủ». Phải chọn tất cả hay không chọn gì hết. Hạng hai hay nửa vời là đồng nghĩa với không gì hết. Tin ở Giêsu là tin rằng ngài là thần linh.
Mỗi người có một chúa - nghĩa là xem điều gì là số một trong cuộc sống: tiền bạc, quyền hành, uy tín, bản thân, nghề nghiệp, tình yêu v.v ... Phải có cái gì trong cuộc sống của bạn đem lại ý nghĩa và sức mạnh, cái gì mà bạn xem như là quyền lực tối cao trong đời sống, ít ra một cách tiềm tàng. Nếu bạn nghĩ rằng ưu tiên trong cuộc sống của bạn là một nhân vật siêu việt, thì bạn gọi đó là Thiên Chúa với chữ hoa. Nếu bạn xem một lý tưởng hay một ý thức hệ là giá trị cao nhất thì bạn gọi đó là chúa với chữ nhỏ. Cái nào bạn chọn cũng có tính chất thần linh đối với bạn.
Tin Đức Giêsu là thần linh là chọn ngài và những gì ngài chủ trương là Thiên Chúa của bạn, Chối bỏ điều đó tức là chọn ai khác làm Thiên Chúa của mình, tức là đặt Giêsu và những gì ngài chủ trương vào hạng hai trong bậc thang giá trị của bạn.
Tôi chọn lối tiếp cận này bởi vì nó giúp chúng ta khởi sự bằng một ý niệm cởi mở về thần linh và tránh cái sai lầm lâu nay là gán lên đời sống và con người Đức Giêsu những ý niệm sẵn có về Thiên Chúa phải là thế này hay thế khác. Hình ảnh cổ truyền về Thiên Chúa đã trở nên khó hiểu và rất khó mà thích nghi với những sự kiện lịch sử của cuộc đời Đức Giêsu, vì thế mà nhiều người không thể nào nhận ra Giêsu là Thiên Chúa đó. Đối với nhiều giới trẻ ngày nay thì Đức Giêsu vẫn sống động, nhưng Thiên Chúa cổ truyền đã chết rồi (xem C Duquoc, «Yes to Jesus-No to God and the Church,» Concilium, tháng 10 1974, 17-30.)
Bằng lời nói và hành động, Đức Giêsu đã thay đổi nội dung của từ ngữ «Thiên Chúa.» Nếu chúng ta không để ngài thay đổi ý niệm về Thiên Chúa của chúng ta, thì chúng ta không thể nào gọi ngài là Chúa, là Thiên Chúa của chúng ta. Chọn ngài làm Thiên Chúa, tức là để ngài dạy về Thiên Chúa, chứ không phải gán cho ngài những ý niệm sẵn có của chúng ta về Thiên Chúa.
Đó là ý nghĩa của cách nói cổ truyền rằng Giêsu là Lời của Thiên Chúa. Giêsu mạc khải Thiên Chúa cho chúng ta. Thiên Chúa không mạc khải Giêsu cho chúng ta. Thiên Chúa không phải là Lời của Đức Giêsu, có nghĩa là những ý niệm của chúng ta về Thiên Chúa không thể giải thích về đời sống của Đức Giêsu. Lý luận từ Thiên Chúa đến Giêsu thay vì từ Giêsu đến Thiên Chúa thì như là đặt cái cày trước con bò. Đó là điều nhiều người Kitô đã làm. Họ đưa ra nhiều suy đoán vô nghĩa chỉ làm rối rắm vấn đề và không để Đức Giêsu mạc khải Thiên Chúa cho chúng ta.
Chúng ta không thể suy luận về Đức Giêsu từ những gì chúng ta biết về Thiên Chúa. Trái lại, chúng ta phải suy luận về Thiên Chúa từ những gì chúng ta biết về Đức Giêsu. Như vậy, khi chúng ta nói rằng Giêsu là thần linh, chúng ta không chủ ý thêm cái gì nữa cho những gì chúng ta đã biết về Giêsu; chúng ta cũng không chủ ý thay đổi những gì chúng ta đã nói về Đức Giêsu. Nói rằng Giêsu là thần linh không có nghĩa là chúng ta thay đổi sự hiểu biết của chúng ta về Đức Giêsu, nhưng chỉ thay đổi sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa. Chúng ta không chỉ quay mặt đi với những vị chúa của tiền bạc, quyền hành, uy tín, bản thân, nhưng chúng ta cũng quay mặt đi với những hình ảnh cổ xưa về một Thiên Chúa riêng tư để tìm kiếm Thiên Chúa của chúng ta nơi Đức Kitô và những gì ngài chủ trương.
Nói thế không có nghĩa là chúng ta phải loại bỏ Cựu Ước và khước từ Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp, nhưng là nếu chấp nhận Đức Giêsu là thần linh, thì chúng ta phải giải thích Cựu Ước theo quan điểm của Đức Giêsu và phải cố gắng hiểu Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp theo như Đức Giêsu hiểu. Chúng ta chấp nhận Thiên Chúa của Cựu Ước như một đấng giờ đây đã thay đổi và không còn khắc khe với những ý định thuở xưa, ngài đã trở nên từ bi đối với nhân loại - tất cả nhân loại.
Chấp nhận Đức Giêsu là chấp nhận đấng mà Đức Giêsu gọi là Bố (Abba) như là Thiên Chúa của chúng ta. Quyền lực tối cao này, quyền lực của sự thiện, của chân lý và tình yêu, một quyền lực mạnh mẽ hơn mọi quyền lực trên trần gian, nay được trông thấy và nhận ra nơi Đức Giêsu - nơi những gì ngài nói về Abba và nơi chính bản thân ngài, đó chính là cơ cấu của đời sống cá nhân ngài và sức mạnh tối cao của lòng tin của ngài. Thiên Chúa của chúng ta là Giêsu và Abba. Vì chính sự duy nhất đó mà khi chúng ta phụng thờ đấng này thì cũng phụng thờ đấng kia. Nhưng hai đấng khác nhau vì chúng ta chỉ trông thấy Đức Giêsu, chỉ có Đức Giêsu cho chúng ta biết về thần tính, chỉ có Giêsu là Lời của Thiên Chúa.
Chúng ta đã thấy Đức Giêsu thế nào rồi. Giờ đây nếu chúng ta muốn xem ngài là Thiên Chúa của chúng ta, chúng ta phải biết rằng ngài không muốn chúng ta phụng sự ngài, nhưng là ngài muốn phụng sự chúng ta. Thiên Chúa không muốn có một địa vị cao nhất trong xã hội loài người, nhưng ngài muốn chiếm một chỗ thấp nhất, một nơi không thứ bậc, không địa vị. Thiên Chúa không muốn được sợ hãi và vâng phục, nhưng ngài muốn được nhận ra nơi những đau khổ của người nghèo và người yếu hèn. Thiên Chúa không bàng quang và thờ ơ, vì ngài đã chọn đồng hoá với mọi người trong tình liên đới và từ bi. Nếu đó không phải là hình ảnh thật của Thiên Chúa, thì Đức Giêsu không phải là thần linh. Nhưng nếu đó là hình ảnh thật của Thiên Chúa, thì ngài thật là người, thật là nhân hậu, hơn bất cứ con người nào. Thiên Chúa thật là Người Thiên Chúa, là Deus humanissimus như Schillebeeckx gọi. (E Schillibeeckx, Jesus, trg 545)
Nhân tính hay thần tính theo siêu hình học có nghĩa là gì đi nữa, nhưng theo ý nghĩa tôn giáo đối với những người nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa của mình, thì nhân tính và thần tính được kết hợp với nhau để chỉ một giá trị tôn giáo. Theo ý nghĩa đó thì thần tính của Đức Giêsu không khác với nhân tính của ngài, không phải là cái gì thêm vào nhân tính của ngài; nhưng thần tính của Đức Giêsu là chiều sâu siêu việt của nhân tính của ngài. Đức Giêsu vô cùng là người hơn mọi người, và chính đó là điều chúng ta quí giá hơn tất cả mọi sự khi chúng ta nhận ngài là thần linh, khi chúng ta nhận ngài là Chúa và là Thiên Chúa của chúng ta.
Tuy nhiên có những lý do khách quan và lịch sử nào để tin rằng con người này là thần linh chăng? Chọn sự gì như tiền bạc và quyền lực làm chúa của mình là hành động chủ quan và tuỳ tiện - một hình thức sùng bái thần tượng. Nhưng chọn Đức Giêsu thì không phải hoàn toàn chủ quan và tuỳ tiện, bởi vì trong trường hợp này có thể biện minh cho sự lựa chọn của mình là chính đáng và có lý.
Có những cách giải thích không được vững lắm về lòng tin của chúng ta nơi thần tính của Đức Giêsu. Nhiều người Kitô lý luận rằng Đức Giêsu xưng mình là thần linh một cách rõ ràng bằng cách dùng danh hiệu hay quyền lực thần linh, hoặc cách hàm ẩn khi nói hoặc hành động với quyền lực thần linh. Họ nghĩ rằng những lời tuyên bố này đã được minh chứng hay xác định bằng các phép lạ hoặc bằng sự phục sinh của ngài.
Như chúng ta đã thấy, Đức Giêsu không hề đòi những tước hiệu thần linh hoặc quyền lực thần linh, nhưng ngài nói rằng ngài biết chân lý và biết nó mà không cần phải dựa vào quyền lực nào khác hơn là chính chân lý. Ngài xác định, ít ra cách gián tiếp, rằng ngài liên lạc trực tiếp với chân lý, hay đúng hơn, chân lý được thể hiện nơi ngài. Như thế, cử toạ của ngài không phải mù quáng dựa vào quyền lực của ngài, nhưng tìm được chân lý nơi ngài và trong lời của ngài, chân lý mà ngài không nhận được từ ai cả. Học hỏi nơi ngài chính là biến chân lý thành quyền lực của mình. Ai được Đức Giêsu thuyết phục là được chính chân lý thuyết phục. Đức Giêsu hoà hợp một cách độc đáo với những gì là chân lý và có thực trong đời sống. Lòng từ bi tự phát của ngài đối với dân chúng không có chút gì là phóng thể hay giả tạo. Lòng tin tự phát của ngài nơi sức mạnh của sự thiện và chân lý là dấu chỉ một đời sống không gian dối vào không ảo tưởng. Có thể nói rằng ngài chan hoà trong chân lý, hay đúng hơn, nơi ngài chân lý trở thành xương thịt.
Đức Giêsu cảm thấy điều đó vì ngài hoàn toàn hoà hợp với Thiên Chúa. Ngài phải ý thức rằng mình cảm nghĩ như Thiên Chúa cảm nghĩ. Vì thế ngài không cần phải nại đến hay dựa vào quyền lực nào ngoài kinh nghiệm của ngài.
Nhưng làm sao chúng ta biết đó không phải là ảo giác? Không có phương pháp khoa học hay lịch sử nào có thể chứng minh hay bài bác điều đó, như trong câu châm ngôn xem trái thì biết cây. Nếu trái, là những lời nói và hành động của Đức Giêsu, là xác thực thì kinh nghiệm của ngài không phải là ảo giác. Một khi đã nghe Đức Giêsu với tâm trí cởi mở, và một khi đã được thuyết phục và xác tín do những gì ngài nói về cuộc sống, chúng ta sẽ thấy những kinh nghiệm của ngài về chân lý không phải là những lời phô trương. Ngay khi chúng ta tin những gì Đức Giêsu chủ trương, chúng ta sẽ đặt hết tin tưởng nơi ngài và đặt chân lý của ngài làm Thiên Chúa của chúng ta. Nói cách khác, lòng tin mà Đức Giêsu khơi dậy nơi chúng ta là lòng tin nơi ngài và nơi thần tính của ngài.
Đây là kinh nghiệm đã ảnh hưởng sâu xa đời sống của những người theo Đức Giêsu. Họ đã không bịa đặt ra đâu. Xét cho cùng, đấy không phải là những lý thuyết về Đức Giêsu và về Thiên Chúa. Từ ngữ và lý thuyết luôn luôn là khiếm khuyết. Phân tích đến cùng, đức tin không phải là cách nói hay cách suy tưởng, nhưng là cách sống, và nó chỉ có thể diễn đạt trong hành động. Nhận Đức Giêsu là Chúa và Đấng Cứu Thế chỉ có ý nghĩa khi chúng ta cố gắng sống như ngài và những giá trị của ngài. Chúng ta không cần phải đặt ra những lý thuyết về Đức Giêsu, nhưng chỉ cần sống như ngài trong thời đại và hoàn cảnh của chúng ta. Ngài không xem chân lý là điều chúng ta bảo trì, nhưng là điều chúng ta lựa chọn để sống và kinh nghiệm. Do đó, cũng giống như ngài, chúng ta tìm kiếm thực hành (true practice) chứ không phải thực lý (true doctrine). Chỉ có thực hành đức tin mới minh xác điều chúng ta tin. Chúng ta có thể nại đến thẩm quyền cổ truyền và những lý lẽ thần học, nhưng điều chúng ta tin chỉ có thể là thật và xem là thật qua những thành tích thực tiển mà đức tin tạo nên trong thế giới - hôm nay và ngày mai.
Chúng ta khởi sự tin ở Đức Giêsu khi cố gắng đọc những dấu hiệu của thời đại chúng ta như Đức Giêsu đọc những dấu hiệu của thời đại ngài. Có những điểm giống nhau, cũng như những điểm khác nhau. Chúng ta không thể chỉ lập lại những gì Đức Giêsu đã nói; nhưng chúng ta có thể khỉ sự phân tách thời đại của chúng ta với tinh thần mà Đức Giêsu đã phân tách thời đại của ngài.
Cũng như Đức Giêsu, chúng ta phải khỉ sự bằng từ bi - thương cảm hàng triệu người đói ăn, những người bị sỉ nhục và ruồng bỏ, hàng tỉ người sẽ đau khổ vì lối sống của chúng ta. Chính lúc đó, như người Samaritanô nhân hậu, chúng ta mới khám phá ra được tình nhân loại phổ cập, chúng ta mới khỉ sự kinh nghiệm điều Đức Giêsu đã kinh nghiệm. Chỉ có những ai nghĩ đến nhân phẩm của loài người như là người, mới nên giống như Thiên Chúa là đấng đã tạo dựng nhân loại giống ngài và ngài không thiên vị ai (CV 10:34). Paul Verghese thuộc Giáo hội Chính Thống nước Kenya nói rằng: «Không phải Phúc âm Kitô giáo hạ bệ con người để tâng bốc Thiên Chúa. Một Thiên Chúa tôn vinh mình bằng cách hạ bệ loài người là một Thiên Chúa nhỏ nhen.» Tin ở Đức Giêsu mà không kính trọng và yêu thương tha nhân là nói dối (1Cô 13:1-2; Giacôbê 2:14-26). Đồng hoá với Đức Giêsu là đồng hoá với mọi người.
Tìm những dấu hiệu của thời gian trong tinh thần Đức Giêsu có nghĩa là xem những lực lượng hoạt động chống loại nhân loại là những lực lượng của sự dữ. Thế giới hiện tại không bị Satan là kẻ thù của nhân loại đang cai trị hay sao? Phải chăng hệ thống cũng tương đương với «vương quốc» của Satan? Phải chăng lực lượng của sự dữ đang đưa chúng ta đến huỷ diệt, đến một địa ngục trần gian? Chúng ta phải tìm hiểu cơ cấu của sự ác trong thế giới ngày nay. Chúng ta có trông cậy nhiều không vào những giá trị trần gian của tiền bạc, tài sản, uy tín, địa vị, ưu tiên, quyền lực và liên đới gia đình, sắc tộc, giai cấp, đảng phái, tôn giáo và quốc gia chủ nghĩa? Xem chúng là những giá trị tối cao là đi ngược lại với Đức Giêsu.
Tin ở Đức Giêsu là tin rằng sự thiện có thể thắng và sẽ thắng sự ác. Mặc cho hệ thống, mặc cho những khó khăn to lớn vá phức tạp hầu như nan giải ngày nay, nhân loại cuối cùng có thể được giải phóng và sẽ được giải phóng. Mọi hình thức của sự dữ - tội lỗi và mọi hậu quả của nó: bệnh hoạn, đau khổ, khốn cùng, thất vọng, sợ hãi, đàn áp và bất công Ờ đều có thể tiêu diệt. Và quyền lực để thực hiện điều đó là quyền lực của đức tin. Vì như chúng đã thấy, đức tin là quyền lực của sự thiện và chân lý, là quyền lực của thiên Chúa.
Có một quyền lực có thể chống lại hệ thống và không cho nó tiêu diệt chúng ta. Có một động lực có thể thay thế và mạnh hơn động lực tìm lợi lộc. Có một động lực có thể động viên thế giới, giúp những người «giàu có» hạ mức sống của mình và làm cho chúng ta sẵn sàng phân phối tài sản thế giới và dân số. Động lực đó cũng đã thúc đẩy Đức Giêsu hành động, đó là từ bi và đức tin. Người ta thường gọi đó là đức tin, hy vọng và tình yêu; gọi nó là gì cũng được, nhưng bạn phải hiểu đó là sức mạnh của chân lý và của thiện mỹ.
Với cách tiếp cận những khó khăn của thời đại cách đó, chắc chắn chúng ta sẽ xem tai ương sắp tới là cơ hội độc nhất để «vương quốc» đến. Đối với chúng ta, tai ương sắp tới là toàn diện và dứt khoát. Đó là biến cố xác định thời đại của chúng ta; đó là thế mạt của chúng ta. Tuy nhiên nếu nó đánh động đời sống của chúng ta, thì chính là Đức Giêsu đã khơi dậy niềm tin nơi chúng ta và chúng ta thấy được những dấu hiệu của «vương quốc» giờ đây đang ở giữa chúng ta. Thiên Chúa đang nói với chúng ta qua những biến cố và những khó khăn của thời đại chúng ta. Đức Giêsu có thể giúp chúng ta hiểu được tiếng nói của chân lý. Nhưng cuối cùng, chính chúng ta phải quyết định và hành động.

__________________________________

HẾT

Chương trước (18)



Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam