17 Chương 17 - Con người xuất hiện


Chương 17
Con người xuất hiện

Đức Giêsu bị đánh giá thấp quá - không phải chỉ do những người chỉ xem ngài là một người dạy đạo, nhưng cũng do những người quá chú trọng vào thần tính của ngài đến độ ngài không còn hoàn toàn là người nữa. Nếu gạt đi thành kiến khi nghe ngài nói để cố gắng tìm hiểu ngài và tìm hiểu thời đại của ngài, người ta sẽ thấy nơi ngài một con người rất độc lập, rất can đảm và đáng tin cậy - một con người có một nhận thức sáng suốt. Chối bỏ nhân tính của ngài tức là chối bỏ sự cao cả của ngài.
Chúng ta rất khó mà tưởng tượng người ta sẽ nghĩ sao về một con người sống khác với mọi người, ở trong một thời đại mà hành động theo phe nhóm là mức đo chân lý và đạo đức. Cái uyên bác của nhóm kinh sư không làm cho Đức Giêsu khâm phục. Ngài không do dự sống khác với họ dẫu họ có thông thạo các chi tiết lề luật và lối giải thích lề luật hơn ngài. Không một truyền thống nào mà không thể chất vấn được. Không một quyền bính nào mà không thể đối lập. Không một giả định nào xác đáng đến độ không thể thay đổi.
Không nơi nào trong các Phúc âm cho phép chúng ta nghĩ rằng ngài chống đối mọi người chỉ vì muốn chống đối hoặc là vì ngài bực tức thế gian. Ngài tỏ ra là một con người can đảm với những niềm tin của mình, một con người độc lập với mọi người bởi vì ngài có một nhận thức hết sức đúng đắn mà không cần phải nuơng tựa vào ai.
Không có dấu gì tỏ ra ngài sợ hãi. Ngài không sợ gây ra tiếng vang hay tai tiếng, không sợ mất mạng sống. Những người đạo đức, cả Gioan Tẩy giả, cũng chướng tai gai mắt khi thấy ngài hoà mình với người tội lỗi, thích làm bạn với họ, coi nhẹ lề luật, không mấy quan tâm đến tội lỗi nặng nhẹ và đối xử với Thiên Chúa một cách thong dong và dễ dàng. Ngài sớm bị mang tiếng xấu: «Xem kìa, một tay bợm nhậu.» Nhưng ngài lặp lại lời bình phẩm ấy một cách hài hước rất tế nhị (Mt 11:16-19). Làm bạn với những người tội lỗi là liệt mình vào hàng ngũ họ rồi (Mt 11-19; Gio 9:24). Trong một thời buổi mà làm bạn với người phụ nữ nào không thuộc gia đình mình thì chỉ có thể đưa đến một kết luận. Như thế việc ngài làm bạn với phụ nữ và nhất là những người đĩ điếm chắc phải làm tổn hại đến danh tiếng của ngài (Lc 7:39; Gio 4:27). Ngài không làm gì cũng như không nhượng bộ gì để tìm chút uy tín cho mình đối với người khác. Ngài không tìm sự tán dương của ai, cả đến của «người lớn nhất được sinh ra».
Theo Mátcô ( cả Mátthêu và Luca), dẫu kẻ địch của Đức Giêsu cũng phải công nhận rằng ngài liêm chính và can đảm: «Chúng tôi biết ông là ngươi liêm chính, ông không sợ ai cả, bởi vì địa vị không là gì đối với ông, và ông giảng dạy đường lối của Thiên Chúa một cách liêm chính» (12:14).
Mặc dù nói như thế là để gài bẫy Đức Giêsu để ngài tuyên bố hấp tấp về việc nạp thuế cho Xêda. Tuy nhiên nó cũng cho chúng ta thấy Đức Giêsu đã gây ảnh hưởng trên dân chúng thế nào. Gia đình thì cho là ngài mất trí (Mc 3:21); những người Pharisêu nghĩ là ngài bị quỉ ám (Mc 3:22); ngài bị tố cáo là tay bợm nhậu, là người tội lỗi và phạm thượng, nhưng không ai có thể tố ngài không thành thật và giả hình, hoặc là ngài sợ người ta nghĩ gì về mình và làm gì đối với mình,
Sự can đảm và độc lập của Đức Giêsu đã khiến dân chúng thời ấy nhiều lần đặt câu hỏi, «Ngài là ai?» Lưu ý là ngài không bao giờ trả lời. Không nơi nào nói ngài tuyên xưng cho mình những danh hiệu mà Giáo hội về sau gán cho ngài.
Nhiều học giả nói rằng tước hiệu độc nhất mà ngài tuyên xưng cho mình là tước hiệu «Con Người». Nhưng không đúng. Không phải vì ngài đã không xưng mình là «Con Người», nhưng bởi vì «Con Nguời» không phải là một tước hiệu.
Bao nhiêu công lao sưu tầm và trí thức đã dành cho đề tài «Con Người» trong các Phúc âm. Nhiều kết luận của các học giả trứ danh càng làm cho vấn đề thêm phức tạp. Không ai đồng ý với ai về tước hiệu đó, ngoại trừ đó là đề tài rất quan trọng. Điều này cũng đủ cho thấy rằng vấn đề đã bị đặt sai. Thành ngữ «Con Người» tự nguyên thuỷ có phải là một tước hiệu không? Thành ngữ này không bao giờ thấy dùng trong lời tuyên xưng đức tin nào cả; nó không bao giờ được dùng để chỉ Đức Giêsu hay ai cả; trong các phúc âm, chỉ có Đức Giêsu dùng thành ngữ này; không thấy ai phản đối ngài dùng nó, không ai thắc mắc hay phản ứng về thành ngữ đó. Học giả Vermes nói rằng thành ngữ Aramích này không phải là một tước hiệu, nhưng là cách nói trong tiếng Aramích ở Galilê để gián tiếp chỉ về mình, nghĩa là người nói, vì sợ hay nhũn nhặn khiêm tốn, xưng mình là «Con Người» thay vì «tôi». Ngoài ra, theo Vermes, «Con Người» cũng được dùng đồng nghĩa với «nhân loại». Nó cũng được dùng để chỉ là người chứ không phải là cầm thú (Dan 7:3-7, so sánh 17-26 với 7: 13).
Một vài quy chiếu về «Con Người» trong các phúc âm dường như dựa vào Đaniên 7:13, «Tôi thấy ai như Con Người đến trên mây». Có thể nói rằng trong các bản văn này «Con Người» được dùng như là một tước hiệu để chỉ một vị thẩm phán sắp đến. Tuy nhiên cũng nên lưu ý rằng ở đây Đức Giêsu nói về một nhân vật khác chứ không phải là ngài. Ngài không nói rằng ngài chính là «Con Người» sẽ đến trên mây. Vả lại, nhiều học giả ngày nay lý luận rằng những bản văn này không phải do chính Đức Giêsu nói nhưng là do những Kitô hữu đầu tiên đặt ra.
Như vậy có phải Đức Giêsu dùng thành ngữ ngày như là một lối nói đặc biệt của tiếng mẹ đẻ mình chăng: đó là tiếng Aramích Galilê? Nhưng cũng có thể phỏng đoán rằng Đức Giêsu còn có ngụ ý gì hơn thế nữa. Các sách Phúc âm cho thấy rằng Đức Giêsu cố ý nhấn mạnh vào thành ngữ «Con Người». Nếu chúng ta nhớ rằng Đức Giêsu rất trọng nhân phẩm của con người như là con người, thì chúng ta cũng có thể phỏng đoán rằng khi thường xuyên dùng và nhấn mạnh thành ngữ «Con Người», ngài chủ ý đến con người như là con người và đồng hoá chính mình với họ.
Như vậy, nói rằng «Con Người là chủ ngày Sabát» (Mc 2:28) là như nói rằng «ngày Sabát được thành lập cho con người chứ không phải con người cho ngày Sabát» (Mc 2:27). Nói rằng «Con Người có quyền trên quả đất để tha tội» (Mt 9:6) là ca ngợi «Thiên Chúa đã ban quyền lực ấy cho loài người» (Mt 9:8). Nói rằng «chồn có hang và chim có tổ trong khi Con Người không có nơi để nương đầu» có thể hiểu là hoàng tộc Hêrót (chồn) và người Lamã (chim) có một chỗ đứng trong xã hội, trong khi loài người như là người thì lại không. Cũng vậy, khi nói «Con Người sẽ bị nạp trong tay loài người» (Mc 9:31) có thể ám chỉ đến cái mâu thuẩn rằng những ai xem mình là loài người thì sẽ bị bách hại do tay những đồng loại của mình.
Nếu đồng hoá mình với thứ gì là trở nên thứ ấy, thì cũng có thể nói rằng khi Đức Giêsu đồng hoá với nhân loại thì ngài trở thành nhân loại, làm người như là người hoặc làm «Con Người».
Đây cũng chỉ là suy đoán. Điều có thể nói cách chắc chắn là khi dùng thành ngữ «Con Người», Đức Giêsu không dùng nó như một tước hiệu hoặc địa vị hay giai cấp của ngài.
Xem lại những gì ngài dạy về tước hiệu và danh dự, chúng ta cũng không ngạc nhiên lắm khi thấy rằng ngài không thừa nhận một tước hiệu nào cả. Làm sao ngài có thể dùng tước hiệu cho mình trong khi lại dạy:
Không nên gọi mình là kỳ mục, vì các anh chỉ có một Thầy và các anh tất cả là anh em.
Không nên gọi ai trên thế gian là cha, vì các anh chỉ có một Cha, và ngài ở trên trời. Các anh cũng không nên xưng mình là thầy, vì các anh chỉ có một Thầy (là đức Kitô). (Mt 23:8-10)
Câu sau cùng của đoạn này là do Mátthêu hay tài liệu ông dùng đã thêm vào. Như chúng ta đã thấy, Đức Giêsu thường tránh ám chỉ mình là đấng Kitô hay Vị Cứu Tinh. Lại nữa, mục đích nguyên thủy của câu trên là để nói rằng chỉ có Thiên Chúa là «Thầy, là Cha, là Chủ».
Trừ khi Đức Giêsu không thực hành điều ngài giảng dạy hoặc là ngài xem mình là ngoại lệ, chúng ta phải nghĩ rằng ngài can ngăn dân chúng gọi ngài là kỳ mục hay là Chủ. Không có bằng chứng rõ rệ nào nói ngài làm như thế. Có thể ngài nghĩ rằng có vẻ hơi mô phạm nếu cứ sửa những ai muốn tỏ ra mình kính trọng ngài như là thầy. Đàng khác, có thể ngài thật sự can ngăn dân chúng không cho họ gọi ngài là kỳ mục hay Chủ mà không tài liệu ghi lại điều đó. Nhưng lý luận như thế lại xem ra gượng gạo vì theo truyền thống kể lại thì Đức Giêsu thực sự đã can ngăn dân chúng gọi ngài là nhân lành! Đức Giêsu nói với anh, «Tại sao anh nói tôi nhân lành? Không ai nhân lành cả ngoài Thiên Chúa ra» (Mc 10:18; Lc 18:19).
Chắc là Mátcô và Luca xem câu chuyện có vẻ mỉa mai - vì các ông tin rằng Đức Giêsu là nhân lành bởi vì ngài là thần linh. Mátthêu thì không thấy như vậy, nên ông đã sửa lại (19:16-17). Tuy nhiên từ lúc đầu Đức Giêsu đã thi hành điều ngài giảng dạy. Họ muốn gọi ngài là Chủ, nhưng ngài lại muốn làm tôi tớ họ, rửa chân cho họ (Gio 13:12-15).
Đức Giêsu phải biết rằng mình thực hiện những lời tiên tri và những ước vọng của Thánh Kinh, nhưng hình như ngài không quan tâm lắm ai sẽ thực hiện. Theo các Phúc âm, khi các môn đệ của Gioan hỏi ngài có phải là đấng sẽ đến chăng, thì ngài không trực tiếp trả lời câu hỏi, nhưng lại chỉ nhắc đến Thánh Kinh giờ đây được thực hiện: «Người mù thấy được và người què đi được, người phung được chữa ... và tin mừng được rao giảng cho người nghèo» (Mt 11:4-5).
Ngài không nói: «Tôi cho người mù được thấy, Tôi rao giảng tin mừng cho người nghèo». Điều quan trọng là những cái đó đang được thực hiện, dân chúng được giải phóng và được cứu độ. Còn ai làm thì không quan hệ gì. Ngài muốn các môn đệ của ngài ra đi và làm như ngài đã làm. Ngài không cấm ai tham gia vào công cuộc giải phóng (Mc:38-40), cả đến những ai hoàn toàn xa lạ. Điều ngài quan tâm là dân chúng được giải phóng.
Khi chứng kiến rõ ràng rằng Đức Giêsu không nhắc đến tước hiệu, một ít học giả lỗi lạc đã lý luận rằng Đức Giêsu có thi hành thẩm quyền một cách gián tiếp trong cách nói và hành động của ngài. Họ lý luận rằng ngài hành động độc lập với mọi thẩm quyền, và lối nói của ngài, «Còn tôi bảo anh em ...» hoặc «Amen, amen, tôi bảo anh em ...» là ngụ ý có quyền trên mọi thẩm quyền. Theo các ông, đó là một sự kiện lịch sử xác đáng có thể dựa vào khi tìm hiểu con người lịch sửa của Đức Giêsu, và đó cũng là nền tảng lịch sử của các tước hiệu Kitô học.
Nhưng Đức Giêsu có đòi thẩm quyền, bất cứ loại thẩm quyền nào chăng, dẫu một cách gián tiếp? Phải chăng đúng hơn khi nói rằng điều làm cho Đức Giêsu cao trọng hơn mọi người trong nhân loại là ngài nói và hành động mà không nhân danh một thẩm quyền nào và ngài xem việc «thi hành thẩm quyền» là một điều tà (Mc 10::62).
Thẩm quyền có nghĩa là người khác phải tuân phục mình. Đòi thẩm quyền tức là đòi quyền đó, đòi người khác phải phục tùng. Mátcô hiểu những lời của Đức Giêsu là thẩm quyền phải vâng theo (Mc 1:22,27). Tuy nhiên nên lưu ý rằng những kẻ vâng lệnh ở đây là các thần dữ, bệnh tật, tội lỗi, gió và biển chứ không phải dân chúng! Từ Anh «authority» có nghĩa là quyền được người khác phục tòng. Từ Hy lạp exousia còn có nghĩa là có quyền trên sự vật. Luca đã nhấn mạnh điểm này khi dùng exousia và dunamis : thẩm quyền và quyền lực (9:1)
Chúng ta đã thấy quyền lực mà Đức Giêsu có trên các thần dữ hay sự dữ là quyền lực của đức tin. Đức tin lạ lùng của Đức Giêsu chữa lành và cứu sống, khơi dậy lòng tin nơi những người tiếp xúc với ngài, đức tin đó đã được các Phúc âm diễn tả là một loại thẩm quyền. Câu chuyện đại đội trưởng Lamã nói lên thẩm quyền ấy. Câu chuyện này là do một truyền thống độc lập với Mátcô (Mt 8:5-13; Lc 7:1-10; Gio 4:5-53). Theo hình thức câu chuyện trong Mátthêu và Luca, một bên là kỷ luật quân đội phải tuyệt đối tuân thủ và một bên là quyền lực của Đức Giêsu trên các thần dữ. Một người hiểu kỷ luật tuyệt đối của quân đội cũng sẽ hiểu sức mạnh đức tin của Đức Giêsu, và con người đó có lòng tin mạnh mẽ hơn những gì Đức Giêsu thấy ở Israel.
Thẩm quyền mà Đức Giêsu thi hành là một thẩm quyền tương tự, thẩm quyền trên sự dữ là quyền lực đức tin. Nhưng lề lối dạy và rao giảng của ngài thì sao?
Không thấy nói có một thẩm quyền nào trong các dụ ngôn của Đức Giêsu. Mục đích chỉ là khơi dậy một cái gì nơi người nghe. Các dụ ngôn không phải là tỉ dụ của các tín điều mạc khải, nhưng là những tác phẩm nghệ thuật để diễn tả hoặc che dấu chân lý của đời sống. Chúng làm khơi dậy đức tin nơi người nghe để họ tìm thấy chân lý cho chính mình. Chính vì thế mà các dụ ngôn của Đức Giêsu đều kết thúc bằng một câu hỏi trực tiếp hay gián tiếp mà người nghe phải trả lời. «Ai trong ba là người láng giềng?» (Lc 10:36); «Ai yêu ông ta hơn?»7:42); «Các ông nghĩ sao? Ai trong hai người con làm theo ý người cha?» (Mt21:28, 31); «Người chủ vườn sẽ đối xử với họ thế nào?» (Lc 20:16). Dụ ngôn con chiên lạc và đồng bạc mất được đặt ra như một câu hỏi (Lc 15:4-10; Mt 18:12-14).
Các dụ ngôn đó không nhằm đến người nghèo hay người tội lỗi hay các môn đệ của Đức Giêsu, nhưng là nhằm các địch thủ của ngài. Chúng được dùng để thuyết phục. Các câu hỏi, tương tự như các câu hỏi trong cuộc đối thoại của Socrate, là để làm cho người nghe phải tự suy nghĩ lấy.
Cũng có thể nói rằng Đức Giêsu lý luận cách đó với các địch thủ của ngài, nhưng khi nói với các môn đệ hay đám đông dân chúng xem ngài là Thầy, thì ngài nói với thẩm quyền. Không giống như các dụ ngôn, hầu hết những lời của Đức Giêsu không đặt ra như câu hỏi, không phải là những lý luận để thuyết phục, nhưng là những lời tuyên bố có thẩm quyền về chân lý.
Nhưng có phải Đức Giêsu chỉ muốn các địch thủ của ngài phải tự suy nghĩ lấy chăng? Có phải các môn đệ cũng phải tự suy nghĩ lấy (Lc 12:57) và phải tự đọc lấy các dấu lạ của thời gian chăng (Lc 12:54-56; Mt 16:2-3)? Có phải ngài muốn các môn đệ phải chấp nhận một cách «mù quáng» những gì ngài nói chăng?
Đức Giêsu muốn người khác thấy được điều ngài thấy và tin điều ngài tin. Ngài tin chắc điều ngài thấy và tin là có thật. Ngài xem ra rất tự tin và chắc chắn. Chính những cái đó đã tạo nên vẻ «thẩm quyền». Chính lòng xác tín vô bờ bến đã khiến ngài nói (nếu thật sự ngài có nói): «Nhưng tôi bảo các ông...» hoặc «Amen, amen tôi bảo các ông...». Đức Giêsu mạnh dạn công bố chân lý khi ngài dùng lối dụ ngôn hay bằng những lời tuyên bố suông. Ngài không dùng kiểu nói «có lẽ» hay «có thể»; không có những từ «nếu» và «nhưng». Đây là chân lý về đời sống; các ông không thấy sao?
Không thấy có bằng chứng nào nói rằng Đức Giêsu dùng thẩm quyền cả - thẩm quyền của ngài hay của ai. Không giống như các kinh sư, ngài không bao giờ nại đến thẩm quyền của truyền thống kinh sư hoặc thẩm quyền của Thánh Kinh. Ngài không trình bày chân lý bằng cách giải thích hay chú giải bản văn thánh. Ngài cảm nghiệm và dạy chân lý một cách trực tiếp mà không nương tựa vào đâu cả. Ngài cũng không nại đến thẩm quyền của một ngôn sứ, thẩm quyền từ trời. Khác với các ngôn sứ, ngài không nói rằng mình có ơn gọi đặc biệt làm ngôn sứ hoặc được xuất thần để minh xác lời lẽ của ngài. Ngài không bao giờ dùng lối nói cổ điển, «Thiên Chúa nói rằng ...» Và ngài từ chối làm dấu lạ từ trời để minh chứng điều ngài nói vì danh Thiên Chúa. Cuối cùng, khi phải trực tiếp trả lời câu hỏi về thẩm quyền của mình thì ngài từ chối trả lời (Mc 11:44). Ngài muốn dân chúng thấy được chân lý của những gì ngài nói và làm mà không cần phải nại đến một thẩm quyền nào cả, Linemann, trong khi khảo sát về các dụ ngôn của Đức Giêsu, đã kết luận rằng, «điều minh xác những gì Đức Giêsu nói, là chính lời của ngài» (Linnemann, Eta. Jesus of the Parables: Introduction and Exposition, trg 45).
Đức Giêsu là con người độc nhất trong dân chúng thời ngài. Ngài có khả năng coi nhẹ mọi hình thức thẩm quyền. Thẩm quyền độc nhất mà ngài nại đến chính là chân lý. Và nếu thẩm quyền của Thiên Chúa được hiểu là thẩm quyền của chân lý, thì có thể nói rằng Đức Giêsu nại đến thẩm quyền của Thiên Chúa. Tuy nhiên khi nói về thẩm quyền của chân lý (và như vậy là thẩm quyền của Thiên Chúa) thì thành ngữ «thẩm quyển» phải hiểu theo cách ẩn dụ. Đức Giêsu không mong rằng dân chúng sẽ vâng nghe theo ngài; nhưng ngài muốn họ «vâng nghe» chân lý, sống một cách chân thật. Như vậy thì tốt hơn nên nói về quyền lực hơn là thẩm quyền. Quyền lực của tiếng nói của Đức Giêsu chính là chân lý. Đức Giêsu đã để lại ảnh hưởng sâu đậm trên dân chúng bởi vì ngài không nghĩ đến thẩm quyền nhưng đến quyền lực của chân lý - đó là quyền lực của Thiên Chúa và quả thật là quyền lực của đức tin.
Điều mà có thể nói rằng Đức Giêsu nại đến là ngài dạy chân lý. Đây là một lời khẳng định rất lớn lao, lớn hơn bất cứ lời khẳng định nào về tước hiệu hay thẩm quyền siêu phàm. Đâu là nền tảng của lời khẳng định ấy? Cái gì làm cho Đức Giêsu biết chắc rằng những tin tưởng của ngài là hoàn toàn đúng? Câu trả lời là: chính tự những niềm tin ấy. Đức Giêsu cảm thấy rõ ràng rằng sự hiểu biết của ngài về chân lý không cần phải chứng minh hay dựa vào cái gì bên ngoài chân lý. Sự hiểu biết của ngài là một kinh nghiệm trực giác và tự minh chứng lấy.
Điều này đưa đến vấn đề rất tế nhị là kinh nghiệm cá nhân của Đức Giêsu. Cố gắng phác hoạ lại tâm lý hay tri thức của đức tin là làm công việc thuần tuý phỏng đoán. Hầu hết các học giả đều nghĩ rằng trong cá tính huyền nhiệm của Đức Giêsu có một kinh nghiệm độc đáo về sự liên hệ mật thiết với Thiên Chúa - mà ngài gọi là Bố. Điều này rất đúng theo như những bằng chứng chúng ta có, nhưng không thể nào xác định được cái kinh nghiệm đó là thế nào?
Thật ra không cần phải suy đoán về tâm lý của Đức Giêsu. Chúng ta biết rằng ngài hành động và phát ngôn vì động lòng từ bi. Và kinh nghiệm gọi Thiên Chúa là Bố là một kinh nghiệm về ngài như là một người cha có lòng từ bi. Điều đó có nghĩa là Đức Giêsu kinh nghiệm cái quyền lực sáng tạo huyền nhiệm bên dưới mọi hiện tượng như là từ bi hay tình yêu. «Ai yêu thương là được sinh ra bởi Thiên Chúa và có kinh nghiệm về Thiên Chúa; ai không yêu thương thì không bao giờ có kinh nghiệm về Thiên Chúa bởi vì Thiên Chúa là tình yêu» (1Gio 4:7-8).
Theo tác giả Von Rad thì các ngôn sứ không những thông phần vào sự hiểu biết của Thượng đế, nhưng họ cũng được đầy tràn những cảm giác và tình cảm của Thiên Chúa. (Von Rad, Gerhart. The Message of the Prophets. trg 42, 50, 165-166). Trong trường hợp của Đức Giêsu thì chính lòng từ bi của Thiên Chúa đã chiếm lấy ngài và đầy ứa trong ngài. Cái kinh nghiệm căn bản này được diễn đạt qua những xác tín, qua đức tin và ước vọng của ngài. Đức tin và hy vọng là kinh nghiệm từ bi như là cảm xúc thần linh.
Từ bi là căn bản của chân lý. Kinh nghiệm từ bi là kinh nghiệm đau khổ và cảm thông với ai. Đau khổ và cảm thông với nhân loại, với thiên nhiên và với Thiên Chúa là hoà hợp với nhiệp điệu và xung lực của đời sống. Đó cũng là kinh nghiệm về liên đới, liên đới với nhân loại, với thiên nhiên và Thiên Chúa. Trong đó không có một ngoại lai hay giả tạo nào. Nó làm cho con người hoà hợp với thực tại, và như thế xác thực với chính mình.
Bí quyết của sự hiểu biết và lòng xác tín không hề lay chuyển của Đức Giêsu là kinh nghiệm bền bỉ về tình liên đới với Thiên Chúa được diễn tả qua kinh nghiệm liên đới với nhân loại và thiên nhiên. Điều này làm cho Đức Giêsu thành một con người hoàn toàn được giải phóng, hoàn toàn can đảm, không sợ hãi, độc lập, đầy hy vọng và chân thực.
Cái gì khiến cho người ta muốn hủy diệt một con người thế đó? Tại sao lại có người muốn bắt và xử tội ngài?


__________________________________

Chương trước (16) <=> Chương sau (18)



Comments

Popular posts from this blog

Chân Dung Đức Giêsu (Lm Jos. F. Girzone)

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Cốt tuỷ chung của các tôn giáo