16 Giôsê - Chương mười sáu


CHƯƠNG MƯỜI SÁU

Đi bộ vào phố phải mất đến bốn tiếng đồng hồ. Lúc ấy gần mười giờ sáng khi Giôsê đến khu ngoại ô. Chàng còn phải tìm văn phòng của giám mục. Đó là một ngày trời nóng, chàng toát mồ hôi nhễ nhãi. Chàng hỏi cảnh sát dọc đường, và cuối cùng đến dinh thự của giám mục. Nó giống một văn phòng tân tiến hơn là một toà chưởng ấn cổ. Giôsê đi vào và trình diện.
Toà nhà lạnh lẽo và quá đều đặn. Giôsê cảm thấy khó chịu và lạc lõng. Đó không phải là kiểu chàng thích; nó gợi lại trong ký ức của chàng hình ảnh những hành lang của đền thờ, những áo dài lê thê và những giáo sĩ trịnh trọng bận bịu với việc đạo và luật pháp không thích hợp.
Giôsê ngồi đợi ở hành lang. Các linh mục và viên chức đi lại xem rất bận bịu, từ văn phòng này đến văn phòng nọ. Giôsê nghe họ bàn từ các văn phòng công việc của địa phận, của các giáo xứ và các cơ sở. Họ rất tận tụy với công việc, và Giôsê nghĩ là họ say mê lắm.
Văn phòng giám mục kiểm soát đời sống của các giáo xứ; các báo cáo về tài chánh được duyệt xét kỹ lưỡng. Cũng như thời xưa, vấn đề tiền bạc là mối quan tâm trọng yếu của các vị lãnh đạo tôn giáo. Nhưng họ không có cách nào để duyệt xét những vấn đề tinh thần. Việc đó để Chúa lo! Điều hành Nước Chúa ở trần gian là một công tác cao thượng của các giáo sĩ, và các vị rất thích thú làm việc Chúa. Giôsê lắc đầu ngơ ngác. «Họ say mê công vụ của Nước Trời lắm», chàng nghĩ. «Ước chi họ cũng nhiệt thành như vậy đối với các linh hồn».
Sau khi đợi gần nửa giờ, cuối cùng Giôsê được đưa đi dọc theo hành lang vào phòng của giám mục.
Cái phòng rộng rãi. Một tấm thảm đỏ đậm nằm dưới sàn. Trên tấm thảm có dệt hình một vương miệng vàng, xem rất lộng lẫy nhưng có vẻ thương mại. Cuối phòng là cái bàn viết chạm bằng tay, vị giám mục ngồi phía sau. Họ bắt tay nhau và vị giám mục đưa tay bảo Giôsê ngồi xuống. Giám mục người cao lớn, rất khoẻ mạnh và hói đầu. Kiếng mắt viền vàng của ông xem rất phàm tục, và cử chỉ của ông lại không thanh lịch như địa vị đòi hỏi.
Khi Giôsê ngồi xuống, chàng đưa mắt nhìn căn phòng trang hoàng lộng lẫy. Những đồ cổ được đặt chính xác đó đây cho biết sở thích của giám mục. Một cái đèn bách đăng lộng lẫy treo trên trần, các cánh thủy tinh sáng lóng lánh khi ánh mặt trời chiếu qua cửa sổ rọi lên các vật bằng kính trong phòng. Vị giám mục cám ơn Giôsê đã đến và, vì thì giờ của ông rất quí báu nên ông đi ngay vào vấn đề. «Giôsê, tôi nghe nhiều chuyện về anh trong những tuần qua. Chúng tôi cũng nhận được nhiều thư tín của những người rất quan tâm về những gì anh nói».
Giôsê hết sức ngờ vực về những gì giám mục nói. Chàng biết rằng lý do chàng đến đây là vì linh mục ở Ôbờn đã phàn nàn về chàng. Giôsê cũng biết rằng, nếu dân chúng đã mất giờ viết về anh cho giám mục thì họ đã nói những chuyện tốt. Tuy nhiên giám mục thấy khó mà nói cho ai nghe những chuyện tốt nghe được, vì nó làm cho ông khó chịu.
«Anh gốc ở đâu đến?», giám mục hỏi chàng.
«Bếtlem, một chỗ nhỏ, dân chúng thân thiện», Giôsê đáp.
«Ừ, tôi biết cộng đồng đó. Tôi có ít người bạn ở đó. Chỗ đó nổi tiếng lắm», giám mục đáp.
Giôsê cảm thấy thoải mái, chàng biết câu trả lời của chàng đánh trúng vào tâm não của giám mục.
«Tôi nghe nói anh thích đạo, rằng anh đạo đức và thích nói chuyện về thần học với dân chúng», giám mục nói.
«Tôi nghĩ là đức cha nghe hơi sai. Tôi không cố ý nói về đạo. Tôi không thích những chuyện đạo như đức cha hiểu. Tôi suy nghĩ nhiều về Thiên Chúa và tôi yêu mến dân chúng. Tôi cũng rất quan tâm đến mối liên hệ của dân chúng với Thiên Chúa. Điều đó khác với công việc đạo».
«Nhưng anh nói về chuyện đạo và chuyện Giáo hội, đúng vậy không?», giám mục khăng khăng nói.
«Vâng, chỉ những gì người có đạo nói và làm mà có ảnh hưởng đến mối liên hệ của họ đối với Thiên Chúa», Giôsê đáp.
«Nói cho tôi nghe một ít ý nghĩ của anh về Thiên Chúa?» giám mục hỏi.
Giôsê nhìn ông và thấy được cái trống rỗng của tâm hồn ông. Có thể ông là một người giỏi về hành chánh, nhưng có rất ít chiều sâu tinh thần nơi con người mà đời sống chỉ tận tụy cho chức nghiệp trong chính trị giáo đường.
«Làm sao diễn tả Thiên Chúa trong vài lời được», Giôsê nói, chàng rất ngạc nhiên về câu hỏi thừa thãi đó. «Nếu đức cha muốn hiểu về Thiên Chúa, thì hãy nhìn Chúa Cha nơi Giêsu. Ngài là biểu hiệu tình yêu của Chúa Cha, ngài có từ muôn thuở và sinh ra trong thế gian để tỏ bày tình yêu của Thiên Chúa cho mọi thụ tạo».
«Anh tin thế nào về ý nghĩ của Giêsu về tôn giáo?», giám mục hỏi, ông đi gần vấn đề hơn.
«Giêsu không thích cái loại tôn giáo mà đức cha hiểu. Đối với đức cha, tôn giáo là lưu truyền những giáo điều được gọt đẽo tỉ mỉ và những phong tục cứng nhắc. Đối với Giêsu, tôn giáo là tìm kiếm Thiên Chúa và hưởng cái tự do được gần gũi ngài - thấy ngài nơi thụ tạo, nhất là nơi những con cái của ngài. Làm hoàn hảo những liên hệ ấy là cách thức Giêsu hiểu về tôn giáo. Theo như ý muốn của Giêsu, Giáo hội phải lo việc cổ võ mối liên hệ của con người với Thiên Chúa và chỉ vẽ cho họ cùng chung làm việc, lo lắng cho nhau và xây dựng tín cẩn và tình yêu trong gia đình các quốc gia».
«Tôn giáo đã không làm như vậy. Các vị lãnh đạo tôn giáo đã dành quá nhiều thì giờ tạo nên các tổ chức mô phỏng thế quyền. Vì cai trị đời sống của dân chúng bằng luật lệ, họ đã hạn chế sự tự do mà Giêsu muốn những kẻ theo ngài có. Thay vì khuyến giục dân chúng nên tốt, họ đã tạo nên những luật lệ buộc phải kiêng giữ, họ giống hệt những thày tư tế và người Pharisêu. Vì quản trị tôn giáo thế này, họ đã tạo nên nhiều căng thẳng hơn và làm thêm chướng ngại chia rẽ dân chúng. Giêsu muốn sứ điệp của ngài đem vui mừng đến cho đời sống của dân chúng, nhưng nhiều khi tôn giáo đã đem lại khổ não và mặc cảm tội lỗi, và làm cho dân chúng xem Thiên Chúa là hà khắc và hay bắt bẻ».
«Anh có những ý nghĩ đó ở đâu? Anh có học thần học không?», giám mục hỏi trong khi cố gắng tỏ ra mình không khó chịu.
«Tôi nói về những gì tôi biết, và tôi biết điều tôi nói là đúng. Đức cha cũng biết là đúng».
Vị giám mục giận lắm vì anh thợ mộc không học hành này lại dám giảng dạy cho ông, ông hỏi tiếp, «Anh có bảo dân chúng rằng họ tự do không ở dưới quyền của linh mục của họ không?»
«Tôi bảo họ rằng họ được tự do, và không ai có thể cất sự tự do ấy khỏi họ. Nếu họ cảm thấy vị chủ chăn tước đoạt sự tự do của họ, thì họ đã tự phán đoán lấy rồi, không phải tôi», Giôsê trả lời cách sắc bén.
Vị giám mục biết rằng không phải mình đang đương đầu với một người thất học. Giôsê rất lanh trí, và giám mục nhớ lại câu, «Hiền lành như chim câu, tinh ranh như con rắn». Ông biết chỉ tốn công khai thác anh chàng này, ông phải nhờ đến các nhà thần học và kinh thánh cứu xét. Ông thấy rằng cha Kavana nói đúng. Anh chàng này có thể nguy hiểm. Nếu ảnh hưởng của hắn lan rộng và sứ điệp về tự do của hắn đâm rễ, có thể xảy ra rối đạo và gây tai hại trầm trọng cho Giáo hội.
«Cha chính xứ nhà thờ của anh rất quan tâm về những gì anh dạy dân chúng», giám mục nói tiếp, ông quy trách nhiệm cuộc gặp gỡ hôm nay cho linh mục. Ông không muốn Giôsê nghĩ xấu về ông, và ông cố gắng đứng về phía Giôsê. «Giôsê, tôi biết anh là một người có học, bên ngoài anh có vẻ đơn sơ nhưng anh biết rất thâm sâu về những việc của Thiên Chúa, và anh rất cảm thông với dân chúng. Cần có nhiều người bổn đạo như anh».
Giôsê không nói năng gì, chàng biết vị giám mục không thành thật.
Vị giám mục nhìn đồng hồ đeo tay của ông. Sắp đến giờ ăn trưa. Ông đứng dậy, cám ơn Giôsê đã đến và nói rằng ông bận việc, rồi đưa chàng ra.
Khi đi dọc hành lang một mình, chàng đi ngang qua nhiều linh mục và viên chức giáo dân. Chàng mỉm cười chào họ, nhưng họ bận quá nên không để ý. Chàng đói bụng vì phải lội bộ xa, nhưng lại không có tiền để vào quán ăn. Đường về nhà còn xa và trời lại nóng.
Khi bỏ toà chưởng ấn và bước xuống các bực cấp, chàng thấy một người bán bánh mì độn xúc xích bên kia đường. Chàng thò tay vào túi xem có bao nhiêu tiền. Chàng còn đủ tiền để mua hai ổ bánh mì độn xúc xích và một chai nước xôđa. Người bán bánh rất tử tế, Giôsê nói chuyện với anh trong khi ăn trưa. Rồi chàng chúc anh mạnh khoẻ. Chàng còn phải đi bộ xa mới về đến nhà.
Trong khi ấy các viên chức toà chưởng ấn tụ nhau ăn trưa ở phòng ăn. Khi giám mục bước vào thì vị chưởng ấn đến gặp ông và hỏi có thành công với tên «khùng» ở Ôbờn không?
«Hắn là một con chồn tinh ranh», giám mục bảo vị chưởng ấn. «Cha Gioan nói đúng lắm», giám mục nói tiếp, ý muốn nói cha Kanava, «tên này nguy hiểm. Chúng ta phải tẩy chay hắn».
«Làm sao được? Hắn nổi tiếng, và người Do thái lại thích hắn. Nếu họ nghi ngờ chúng ta làm gì hại hắn, thì sẽ ảnh hưởng nặng đến việc họ dâng cúng cho các tổ chức bác ái của chúng ta», vị chưởng ấn có ý kiến. Ông đã quen đối xử với những việc có thể làm hạ danh giá của giám mục, và ông có tài vận động ngầm.
«Gọi các cố vấn họp tối nay», giám mục nói. «Nhưng đừng gọi cha Bốp hay cha Gioan, hai người đó hay áy náy lương tâm, và tôi không cần tới thứ đó. Nếu họ hỏi tại sao không gọi họ, thì bảo là không liên lạc được. Đừng nhận lời kiếu của ai cả. Nếu ai nói không đến được, thì bảo họ trực tiếp gọi cho tôi. Tôi không muốn ai đổ lỗi cho tôi trong việc này. Tốt hơn, nên để mọi quyết định xem ra đến từ họ đến».
Vị chưởng ấn biến mất trong bữa ăn và bắt đầu gọi điện thoại. Khi bữa ăn trưa chấm dứt, thì ông cũng đã liên lạc được với hết mọi người. Rồi ông trở lại phòng ăn, các nhân viên đang nghỉ xả hơi ở đó. Ông bảo giám mục rằng mọi người đồng ý đến. «
Một vài người gây khó khăn lúc đầu, nhưng khi con bảo họ gọi đức cha nếu họ nhứt định không đến thì họ nhượng bộ, mặc dù có phải thay đổi chương trình của họ.
Bàn ăn ở toà chưởng ấn là toà thượng thẩm xét xử từng nhân vật; danh tiếng của linh mục được thổi phồng hay làm nhơ cũng ở đó. Tòa chưởng ấn thường xuyên duyệt lại những lời đàm tiếu về một số linh mục. Họ không quan tâm mấy đến công việc của các linh mục, miễn là các ông nạp đủ tiền đúng định kỳ. Họ thích dành thì giờ rỗi rảnh để bàn đến những gương mù mới nhất hoặc những lời đồn đại về các linh mục. Hầu hết những lời bàn tán đó cuối cùng sẽ đến tai các linh mục và làm cho các ông bực tức mà không nói ra. Các linh mục biết ông nào ở toà chưởng ấn nói thứ gì về ai, và một ngày nào đó nó sẽ nổ tung. Cha Phát luôn luôn nghĩ rằng vị quản lý là bạn thân. Nhưng cha không biết rằng những gì cha nói kín với ông bạn, lại trở thành đề tài thảo luận ở bàn ăn của toà chưởng ấn.
Câu chuyện về Giôsê thật đặc biệt. Có những lời đồn đại, giễu cợt và chỉ trích chàng, nhưng vị giám mục và thuộc hạ của ông cứ để mặc cho họ làm ố danh chàng. Điều đó cho thấy các ông ít quan tâm đến đời sống thực tế của cộng đồng và ít để ý đến danh tiếng.
Đường về nhà Giôsê rất xa. Chàng đã mệt vì đi bộ buổi sáng. Ngày hôm ấy trời nóng, và chàng không ăn đủ để có sức đi bộ xa. Khi đến ngoại ô thành phố, chàng nghỉ dưới bóng một cây phong lớn trước một cái nhà cổ, kiểu Vitôria. Chàng vừa ngồi xuống thì một người gàn gàn tuổi sáu mươi trong nhà đi ra. Ông lấy cái cào dựng ở hiên, đi về phía Giôsê và bảo chàng đi ra khỏi bãi cỏ. Giôsê bảo đảm với ông là chàng không làm hư cỏ đâu, nhưng người đàn ông không muốn nghe. Ông đưa cái cào lên doạ dẫm. Giôsê đứng lên và đi trên lề đường đến một cây khác trước nhà kế đó.
Khi mấy đứa trẻ bán đồ giải khát ngoài đường thấy vậy, một đứa bèn đến đưa cho Giôsê ly nước giải khát. Giôsê ngồi xuống giữa hai rễ cây và giãn hai chân ra. Áo chàng ướt đẫm mồ hôi. Khi đứa bé đưa nước ngọt, chàng thò tay vào túi, nhưng đứa bé xem có vẻ khó chịu và nói, «Không, chú ạ, không lấy tiền. Chú xem buồn quá, bữa nay chắc chú cực lắm».
Giôsê cám ơn nó, rồi uống một ngụm dài nước giải khát, và thở ra nhẹ nhõm. Thằng bé sướng quá vì đã làm cho một người lạ khuây khoả, hắn ngồi xuống bên cạnh chàng. «Chú tên gì?», hắn hỏi Giôsê.
«Giôsê», chàng trả lời.
«Ở đâu đến?»
«Ôbờn», Giôsê mệt quá thở không ra hơi.
«Chú có việc làm không?»
«Có, chú chạm gỗ».
«Đừng lo cái ông ở nhà đó. Ổng bủn xỉn lắm. Ổng luôn luôn như vậy. Khi cháu còn nhỏ, ổng đánh cháu một cây vì đi trên cỏ của ổng. Ổng đánh cháu đau lắm. Chú đừng buồn».
Giôsê mỉm cười và nói chàng không phiền hà gì. Chàng đã quen với những người như thế. Chàng đưa tay sờ đầu thằng bé và cám ơn nó đã cho chàng uống nước ngon lắm, rồi chàng đứng dậy đi. «Xin Chúa chúc lành cho em, Phêrô, và hãy nhớ luôn luôn tử tế với người ta nhé». Thằng bé đi với chàng về phía cái quày bán nước ngọt. Trong khi Giôsê tiếp tục đi, thằng bé nhìn theo chàng và ngạc nhiên tại sao chàng biết tên nó.
Khi Giôsê đi không xa lắm, thì có một chiếc xe chạy qua mặt chàng, rồi thắng và lùi lại. Đó là mấy người trong bọn Ôbờn đi làm về. Họ làm việc xong và đi về sớm.
Họ ngạc nhiên khi thấy Giôsê đi ngoài đường, và vui vẻ chở chàng về. Giôsê cũng thích vậy. Chàng nhớ lại chưa bao giờ mệt như thế này.
Chiều hôm ấy Aron đến đúng sáu giờ rưỡi như mọi tuần. Giôsê ê ẩm cả mình mẫy và có vẻ yếu ớt khi đi ra xe. Aron hỏi Giôsê việc gì đã xảy ra. Giôsê chỉ cười. «Tôi bắt đầu già», chàng nói. «Tôi đi bộ vào phố sáng nay, và tôi không còn quen đi như thế này nữa». Chàng nhớ lại ngày xưa chàng đi nhiều ngày trên đường trải đá bụi bặm, diễn thuyết ở những làng mạc dọc đường, có ít thì giờ để nghỉ ngơi. Nhưng đó là lâu lắm rồi.
«Sẵn sàng để thuyết trình chưa», Aron hỏi khi chàng bước lên xe.
«Rồi. Tuần này hơi khác thường và tôi không có dịp để nghĩ đến buổi tối nay. Nhưng hôm nay tôi có chút ít thì giờ để suy nghĩ khi tôi đi bộ vào phố, vì thế tôi nghĩ là tôi sẵn sàng rồi».
«Lêgâu gọi điện thoại cho tôi hồi sáng sớm và nói cho tôi nghe những gì đã xảy ra ở buổi gặp mặt của các người mù», Aron nói, nghĩ rằng Giôsê sẽ tiếp lời mà kể lại đầu đuôi câu chuyện. Nhưng Giôsê cứ nhìn ra cửa sổ, như thể chàng mới nghe tin đó. Chàng chỉ nói, «Vâng, buổi họp hay lắm. Những người ấy rất can đảm, và họ sẽ được thưởng».
Aron hỏi thẳng Giôsê, «Cái gì đã xảy ra cho cô gái mù?»
Giôsê suy nghĩ hồi lâu. Aron đợi. Ông không để Giôsê chạy thoát lần này. Khi biết rằng mình bị sa lưới, Giôsê cười và nói, «Này Aron, ông và Lêgâu sẽ thắng tôi. Tại sao ông nghĩ tôi có gì với cô gái mù ấy?»
«Nó xảy ra ngay sau khi anh đặt tay lên đầu cô ấy».
«Tại sao nó có liên hệ gì đến việc ấy?».
«Trùng hợp thật lạ lùng. Anh chạm đến cô ấy, lập tức cô thấy được. Cô ấy mù từ lúc sinh ra».
«Thú thật, tôi thương cô ấy, tôi nghĩ rằng cô không thể săn sóc bà mẹ tàn tật của cô, và tôi cầu nguyện cho cô. Tôi nghĩ rằng đó chỉ là một sự trùng hợp».
«Anh biết rõ ràng đó không phải là một sự trùng hợp, Giôsê. Tại sao anh không thú thật với tôi đi? Tôi nghĩ rằng giờ đây chúng ta đã là bạn», Aron nói với giọng đau đớn.
Giôsê xúc động. Chàng nhớ lại những lời nói xa xưa, «Thày gọi chúng con là bạn hữu, vì thày nói cho chúng con hết mọi sự và không giấu diếm điều gì với chúng con. Chúng con không còn là tôi tớ, nhưng là bạn hữu». Giôsê biết thế nào là tình bạn hữu. Chàng cảm thấy buồn; bây giờ mọi cái đều khác.
«Aron», chàng nói, «ông là bạn tôi, và ông đã biết việc gì xảy ra hôm thứ tư. Rất khó cho tôi nói về những việc như thế đó. Tôi chỉ có thể nói rằng tôi luôn luôn gần gũi với Thiên Chúa, và Ngài luôn luôn nghe tôi. Hơn nữa, cô gái ấy có lòng tin mạnh, và điều đó có liên hệ nhiều lắm với những gì đã xảy ra».
Aron xem ra thoả mãn, nhưng hai người im lặng một lúc lâu. Aron cảm thấy không tốt vì đã dò xét Giôsê và đã dùng việc xảy ra để thử tình bè bạn. Ông biết mình đã làm Giôsê lúng túng, tuy nhiên câu trả lời của Giôsê làm ông an tâm và cho ông thấy chàng hiểu biết lắm. Họ nhìn nhau và cười ngất về biến cố ấy, rồi nói sang chuyện khác.
Khi họ đến nguyện đường thì sân đậu xe đã đầy. Một đám đông bất thường đang tiến về phía nhà nguyện. «Chắc hẳn anh nổi tiếng lắm, anh bạn ơi», Aron nói, mắt nhìn đám đông. «Tôi biết chắc anh làm họ say mê, cả khi họ không biết say mê thứ gì. Cũng không thấy anh sợ sệt gì cả. Anh thật là phi thường», Aron thật tình nói.
«Thật tình tôi hơi sợ», Giôsê bảo ông. «Đã lâu tôi không làm việc này, và hy vọng lần này thì khác». Tâm trí của Giôsê phiêu lưu về cõi xa và nhớ lại những trường hợp tương tự, hầu hết là thú vị. Chàng nghĩ đến các thày tư tế và những người Pharisêu. Họ không có ở đây hôm nay. Không còn tổ chức, không còn cơ cấu của Do thái giáo như ngày xưa. Giáo hội bây giờ lại đóng vai trò đó. Tiếc rằng Giáo hội không phát triển như nguyện đường Do thái. Tuy nhiên Giêrusalem phải bị tàn phá trước khi việc đó sẽ xảy đến.
Hai người cùng đi vào, trà trộn với đám đông. Aron biết hầu hết mọi người, nhưng tối nay có nhiều người lạ mặt. Dân chúng tự động chào hỏi nhau và giới thiệu bè bạn. Lêgâu và Massia đang đứng đợi với vị tư tế Dênết. Họ niềm nở chào Giôsê. Họ sung sướng vì thấy có nhiều người. Cả đến những vị tư tế cũng nhận lời mời mà đến, và một số đã có mặt trong đám đông.
Massia hỏi Giôsê có sợ không. Nàng đặt tay trong tay chàng và siết chặt, như thể để trấn an chàng. Giôsê mỉm cười và thú nhận rằng chàng sợ. Chàng mong muốn mọi việc sẽ tốt đẹp. Massia đội một cái mũ ni thêu đẹp lên đầu chàng, và đặt trên vai chàng một khăn giắt vai của ông nội nàng. Cái khăn che bớt vẻ sơ sài của quần áo quá đơn sơ của Giôsê. Thực ra, chàng xem ra hấp dẫn hơn trong lối thô sơ của chàng.
Buổi lễ bắt đầu hơi muộn. Điều đó hơi bất thường đối với vị tư tế, vì ông luôn luôn đúng giờ. Tuy nhiên dân chúng vẫn còn đến sau bảy giờ, vì thế ông không thể làm gì được hơn là đợi. Cuối cùng mọi người ngồi vào chỗ.
Aron, Lêgâu và vị tư tế đi cùng với Giôsê từ phòng đọc sách vào lòng nguyện đường, và lễ bắt đầu.
Giôsê ngồi bên trái hòm bia, cạnh tư tế Dênết đang ngồi chính giữa. Sau khi yên lặng cầu nguyện, vị tư tế bắt đầu kinh nguyện và các bài đọc. Aron đứng lên và đọc một đoạn Sách Thánh thích hợp với buổi lễ. Giôsê ngạc nhiên về đoạn sách ông chọn.
«Thần Linh Thiên Chúa ngự trên tôi», ông đọc từ sách tiên tri Isaia, và đọc tiếp, «bởi vì Ngài đã xức dầu cho tôi. Ngài sai tôi đến giảng cho kẻ ôn hoà, chữa lành những tâm hồn tan nát, rao giảng cứu độ cho kẻ tù đày, và mở mắt cho kẻ mù loà; loan báo năm ân xá của Thiên Chúa, và ngày viếng thăm của Ngài, để vỗ về những ai đang có tang chế».
Aron xếp sách và về lại chỗ ngồi. Giôsê đứng dậy và từ từ đi đến bàn đọc. Một bầu khí im lặng bao trùm lấy cung thánh. Giôsê đặt hai tay lên bàn đọc và nắm chặt lấy nó. Các bắp thịt của hai cánh tay chàng căng lên.
«Đồng bào thân mến».
Chàng khỉ sự, rồi dừng lại. Tiếng nói của chàng vang cả phòng. Dân chúng không tưởng tượng nổi ý nghĩa của những lời lẽ đó, hoặc ai đã nói. Họ chỉ cảm thấy sự dịu dàng vô biên mà những lời phát ra tự môi chàng. Chàng dừng lại giây lát nhưng xem như vô tận. Rồi chàng nói tiếp.
«Những lời của Isaia hôm nay có ý nghĩa hơn là trong bao thế kỷ. Thiên Chúa không từ bỏ dân ngài. Ngài đã ở với các bạn qua bao biến cố, vui vẻ cũng như đau buồn, mà các bạn đã chịu đựng. Có thể các bạn nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Có thể các bạn thắc mắc rằng Thiên Chúa làm gì mà lại im hơi lặng tiếng qua bao thế hệ, trong khi Ngài đã nói nhiều trong dĩ vãng xa xưa.»
«Có thể các bạn thắc mắc về Đấng Được Xức Dầu mà Ngài hứa sẽ sai đến. Thực vậy, các bạn tự hỏi các bạn có còn là dân Chúa chọn không, các bạn có còn là vị hôn thê mà Ngài đã hứa là sẽ không bao giờ bỏ rơi hay xua đuổi không?»
«Có thể các bạn nghĩ rằng mình bị xua đuổi, khi các bạn bị phân tán cùng khắp thế giới và bị cộng đồng nhân loại khinh bỉ».
«Thế nhưng, hãy mở tai, hãy mở lòng mà nghe tôi cho rõ ràng. Các bạn không bao giờ bị xua đuổi. Thiên Chúa cũng không ở xa các bạn, cả những giờ phút tối tăm nhất của các bạn. Các bạn vẫn còn là những kẻ Ngài chọn. Các bạn vẫn còn được Ngài yêu thương, là con cưng của Ngài, và là con ngươi của mắt Ngài.»
«Có thể các bạn hỏi, ‘Tại sao Ngài cư xử với các bạn như Ngài đã làm qua bao thế kỷ? Tại sao ngài câm tiếng và không đưa tay cứu trợ các bạn? ’. Tuy nhiên, tôi xin nói với các bạn, các bạn hãy để các thảm kịch và những cuộc đi lang thang cô độc giải bày cho. Thiên Chúa cho tổ tiên của các bạn bí quyết để hiểu những dấu hiệu và sứ điệp của Ngài. Chúng nói lên rõ ràng, bây giờ cũng như trong quá khứ. Hãy lắng nghe chúng và nghe điều chúng nói cách rõ rệt và lớn tiếng. Nhưng có một điều quan trọng hơn, hãy tiếp tục tín cẩn nơi Thiên Chúa. Điều Ngài đã hứa, Ngài sẽ thực hiện. Điều Ngài đã thề ước, Ngài sẽ hoàn thành. Và cho dù các bạn có thể không theo bước chân của Ngài, Ngài vẫn còn trung thành với các bạn».
«Nhưng các bạn đừng tìm kiếm Ngài và sự cứu độ của Ngài trong thế giới chung quanh các bạn. Các bạn cũng sẽ không tìm được sự cứu rỗi trong việc tích trữ của cải thế gian. Các bạn trở thành cái mà các bạn yêu chuộng, và khi các bạn yêu chuộng những sự của thế trần này, các bạn tự hạ thấp mình xuống lãnh vực của chúng. Chúng không đáng để các bạn ham muốn và đánh giá, như thể chúng ban cho các bạn một nhân phẩm. Chúng chỉ có giá trị như để nhắc nhở với các bạn cái thế giới mà Thiên Chúa ngự. Yêu mến chúng vì chúng là chúng, đó là uống nước từ giếng dơ bẩn mà Giêrêmia nói đến.»
«Các bạn đã cam chịu bao đau khổ, nhưng các bạn vẫn còn trung thành. Nhưng điều quan trọng đối với các bạn là nên nhớ rằng Thiên Chúa cao vời đối với các bạn và những gì các bạn kinh nghiệm. Vì thế các bạn đừng ngạc nhiên khi Ngài tỏ bày chính Ngài cho các bạn. Tình yêu của Ngài đối với các bạn thật là dịu dàng và mật thiết. Nếu Ngài có bày tỏ chính mình cho các bạn cách riêng biệt, nếu Ngài có mong muốn ở giữa các bạn, thì các bạn đừng nên cho đó là điều ô nhục. Như Isaia nói, Ngài là Vị Cứu tinh của các bạn, là Thiên Chúa ở giữa các bạn. Nếu điều này bắt buộc các bạn phải thay đổi sự hiểu biết về Thiên Chúa, thì các bạn hãy mở lòng và lắng nghe. Tâm trí các bạn không nên đóng lại mà không tìm hiểu Thiên Chúa cách sâu xa và rộng rãi hơn như các bạn đã làm trong quá khứ. Mặc dù Thiên Chúa là độc nhất, nhưng sự độc nhất của Ngài khác với mọi độc nhất mà các bạn biết, bởi vì Ngài là duy nhất. Ngài là Ngài. Sự độc nhất của Ngài không phải như sự độc nhất của bản tính nhân loại. Mặt trời là một, nhưng nó có nguồn, có ánh sáng và sức ấm, tất cả chỉ là một, nhưng mỗi thứ là một phương diện khác của cùng một hiện hữu. Đừng phán đoán Thiên Chúa với điều các bạn thấy nơi con người. Mặc dù con người, một cách nào đó, là hình ảnh của Thiên Chúa, và hình ảnh đó được phản chiếu nơi linh hồn con người. Con người có linh hồn, có tâm trí và ý chí, tất cả đều khác nhau nhưng lại là một».
Khi Giôsê nhìn cử toạ, chàng thấy mặt họ chìm đắm trong suy tư, và nước mắt chảy dài xuống má một ít người. Chàng tiếp tục, «Các bạn đã được định và tuyển chọn không chỉ để đem hạnh phúc vật chất cho nhân loại, nhưng để trở nên dụng cụ Thiên Chúa dùng để nói với mọi quốc gia, để giúp họ có được một sự hiểu biết khôn ngoan hơn về Ngài và về những chương trình của Ngài cho nhân loại. Hãy thành thật với tiếng gọi đó, và đừng bao giờ nghi ngờ rằng Thiên Chúa không đứng về phía các bạn. Đừng tìm kiếm vị Cứu Tinh hay sự cứu rỗi của các bạn trong nước thế gian này. Chỉ Thiên Chúa là vị Cứu Tinh của các bạn, và chỉ nơi ngài các bạn mới tìm được bình an và hoàn thành định mệnh của các bạn».
Khi Giôsê nói xong, mọi người im phăng phắc, rồi cả cộng đoàn đứng lên vỗ tay tán thành ầm ĩ. Giôsê vui mừng hớn hở và cúi nhẹ đầu, nhận lấy sự đáp ứng của họ. Cuối cùng họ dừng lại và ngồi xuống. Giôsê trở về lại chỗ ngồi của mình. Vị tư tế Dênết bắt tay chàng, Aron và Lêgâu cũng làm thế, má họ ướt cả nước mắt.
Vị tư tế đến bàn đọc sách và nói, «Tôi phải thú nhận rằng tôi không biết phải nói gì. Tôi không thể không cảm thấy rằng, trong khi anh bạn thân mến của chúng ta nói, tôi nghe tiếng của một người khác nói qua anh, và điều anh nói không phải là sứ điệp của anh nhưng nó được gửi đến qua anh. Chúng ta rất hãnh diện và may mắn được gặp Giôsê trong những tuần qua. Đời sống của chúng ta được phong phú hơn và có nhiều ý nghĩa hơn lúc trước. Chúng ta hy vọng rằng, tương lai có xảy đến ra sao, chúng ta sẽ không bao giờ mất đi sự gần gũi và tình yêu mà chúng ta có được trong mấy đêm cuối tuần. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh bạn của chúng ta và ở với anh trên đường anh đi».
Phần còn lại của buổi lễ diễn tiến cách tốt đẹp. Lúc lễ kết thúc, mọi người nối đuôi ở tiền đình và đi vào phòng họp để gặp gỡ nhau. Giôsê nổi tiếng đêm đó. Họ nói với chàng rằng chàng được ơn soi sáng, và cả họ nữa cũng cảm thấy được soi sáng do cái viễn tượng về dân Chúa. Họ cảm kích cái ý niệm hoàn toàn mới mẻ của chàng về dân Chúa và chương trình của Ngài cho đời sống họ. Nó sẽ là đề tài để suy nghĩ và thảo luận trong những tháng tới. Trước nhất, họ rất biết ơn chàng đã cống hiến nhiều cho họ. Mọi người đều biết họ chỉ là những người xa lạ đối với chàng, và chàng không có trách nhiệm gì hay hứa hẹn gì đối với họ cả.
Aron và Lêgâu ôm lấy chàng cách nồng hậu. Vị tư tế hôn chàng hai bên má và giới thiệu chàng với những tư tế bạn. Mỗi vị đều nói rằng họ thích nghe chàng nói, và mặc dù họ không hiểu hết những gì chàng muốn đưa đến, họ nghĩ rằng những tư tưởng của chàng phát xuất tự tấm lòng yêu mến dân chúng và làm cho họ suy nghĩ nhiều, cũng như làm cho họ phải xét lại lương tâm. Họ hứa sẽ nói về những ý tưởng của chàng khi họ về lại với các cộng đoàn của họ.
Massia đến, giang tay ôm lấy chàng và hôn chàng. Nàng mừng rỡ vì buổi nói chuyện thành công cũng như sự đáp ứng nồng nhiệt của dân chúng.
«Giôsê», nàng nói trong khi giúp chàng cởi khăn giắt vai và chiếc mũ nỉ, «Tôi nghĩ rằng điều anh nói rất đẹp đẽ. Anh phải được ơn soi sáng để nói về một đề tài rất tế nhị đối với người Do thái, và anh đã nói một cách làm họ không bị mích lòng mà lại tán thành điều anh nói và cách anh nói. Tôi rất hãnh diện về anh. Tôi có thể dễ dàng tưởng tượng rằng Thiên Chúa tự bày tỏ dưới một hình thức mà chúng ta có thể hiểu được, để chúng ta tin vào tình yêu của ngài. Ngài đã làm điều đó trong quá khứ. Giacốp tranh đấu với Ngài trong đêm tối. Cả Abraham cũng thấy Thiên Chúa trong ba người lạ mặt đến thăm ông. Tôi rất hài lòng vì đã biết được anh như bạn hữu. Tất cả chúng tôi được hân hạnh và hãnh diện về anh».
Kế đó mọi người gặp xã giao nhau. Nhiều người khách được giới thiệu với Giôsê và bảo chàng họ nghe nói nhiều cái hay về chàng. Có đông người quá trong hội trường, thành thử khó mà đề cập đến vấn đề gì cho sâu sắc, hoặc trả lời một câu hỏi mà không bị gián đoạn. Cuối cùng, buổi gặp mặt chấm dứt và mọi người ra về. Aron, Lêgâu, Massia và Giôsê đi về với nhau.
Aron đã chăm chú nghe bài diễn thuyết của Giôsê trong nguyện đường và có ít điều muốn hỏi. «Giôsê», ông nói, «khi anh nói về sự hiện diện của Thiên Chúa có thể xảy ở bình diện cá nhân, thì anh muốn nói gì? Tôi biết chắc hầu hết mọi người nghĩ rằng điều anh nói rất đẹp đẽ, tuy nhiên vì biết con người anh, nên tôi thấy nhiều hơn nữa qua những lời nhận định có vẻ đơn sơ của anh. Tôi muốn biết thêm về lời tuyên bố trên. Tôi mong anh nói rõ hơn».
«Aron», Giôsê trả lời, «Tôi không biết ai không để tôi yên, ông hay là Lêgâu. Ông cứ dò xét và chất vấn. Tại sao ông không đón nhận mọi sự theo giá trị bên ngoài của chúng và chỉ dùng chúng để tham chiếu khi suy gẫm, hơn là muốn mọi cái phải được giải thích từng chi tiết cho ông».
«Với người khác thì được, nhưng với anh thì không. Anh nói nhiều điều bí ẩn, anh thách đố chúng tôi. Tôi vẫn biết anh còn có cái gì hơn là cái vẻ bên ngoài của anh. Khi anh nói cũng vậy, có cái gì hơn là điều tai nghe. Đừng đánh trống lảng. Anh muốn nói gì?».
Giôsê cười. «Thiên Chúa không bị giới hạn trong sự hiện diện của Ngài. Con người thì lại rất cứng nhắc và hạn chế trong việc hiểu biết mọi sự. Ông không biết rằng Thiên Chúa có thể hiện diện trong nhiều cách thế khác nhau sao? Mặc dù Ngài dùng hình thức nào đi nữa, chúng ta cũng nên cẩn thận đừng có thành kiến mà nói, “Ngài không thể đến trong hình thức này nọ, bởi vì nếu chúng ta làm thế, chúng ta sẽ hạn chế Thiên Chúa trong hình ảnh hạn hẹp mà chúng ta có; và khi làm thế, chúng ta có thể từ chối Ngài khi Ngài đến với chúng ta trong cách thức mà chúng ta không ngờ».
«Thiên Chúa là duy nhất và đơn thuần, nhưng Ngài có thể bày tỏ chính mình trong nhiều phương diện của sự cao cả của Ngài. Hãy nhìn mặt trời. Mặt trời là một và đơn nhất. Tuy nhiên, đây là mặt trời, và đây là sức nóng và ánh sáng ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta. Chúng ta biết có mặt trời khi những tia sáng của nó đánh tan cái tăm tối của đêm. Một người mù biết có mặt trời qua sức ấm của nó. Chúng khác nhau, nhưng chúng là biểu hiệu của cùng một thực thể. Cũng vậy đối với Thiên Chúa. Sự duy nhất của Ngài không thể hạn hẹp trong sự hiểu biết của chúng ta về cái duy nhất».

Thời gian trôi qua mau chóng khi họ đi xe. Massia chỉ lắng nghe, nàng vui vẻ khi được gần Giôsê. Nàng thoả thích nhìn chàng khi chàng nói, nàng cố gắng thu thập tất cả ý nghĩa của từng lời nói. Không bao lâu họ đã đến Ôbờn. Họ lái xe theo đường đến nhà Giôsê. Chàng cám ơn mọi người đã có nhã tâm đưa chàng về mặc dù trái đường. Chàng bước xuống xe trước khi Aron có cơ hội mở cửa cho chàng. Trong khi bước xuống xe, chàng nắm lấy tay Massia và chúc nàng ngủ ngon. Lêgâu nói đùa rằng nhà chàng tối quá và cần Massia làm nội trợ. «Tôi thích lắm», nàng nói hơi pha trò, «nhưng tôi nghĩ anh ấy không muốn có ai ở bên cạnh làm anh chia trí». Giôsê mĩm cười với Massia, nhưng không nói gì. Sau khi nói với Aron rằng chàng rất biết ơn nếu ông đến đón chàng vào tuần tới, chàng chào từ giã họ và đi vào nhà. 
____________________________________

Chương trước (15) <=> Chương sau (17)



Comments

Popular posts from this blog

Chân Dung Đức Giêsu (Lm Jos. F. Girzone)

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Cốt tuỷ chung của các tôn giáo