15 Giôsê - Chương mười lăm
CHƯƠNG
MƯỜI LĂM
Chiều ấy cha Đabi nhận
được một cú điện thoại của giáo sĩ Rôlơn. Giáo sĩ cảm thấy áy náy với pho tượng
Tông Đồ Phêrô. Ông thích cái tượng, nó đẹp lắm. Ông cũng thích cái sứ điệp mà
pho tượng nói lên từ miếng gỗ, nhưng cái đó ông đã nghe biết rồi. Nhưng còn thiếu
một cái gì nữa, như thể pho tượng trở nên câm mà không nói nữa. Ông thấy khó chịu
khi có pho tượng đứng trong nhà thờ của ông. Ông hỏi cha Đabi có nhã ý đổi lại
pho tượng không?
Cha Đabi cũng ngạc
nhiên về cú điện thoại, tuy nhiên nó cũng giúp ông khỏi ngượng ngùng khi phải gọi
điện thoại về cùng một đề tài. Ông cũng cảm thấy khó chịu về pho tượng của ông.
Nó vừa vặn với nhà thờ nguy nga của ông, tuy nhiên nó lại không nói lên gì, như
thể ông bạn Tông đồ Phêrô không muốn nói! Pho tượng cũng như câm, và rõ ràng là
nó không hạp với nhà thờ của ông. Ông rất vui lòng đổi pho tượng lại với người
anh em khả ái. «Chúng tôi đi xe cùng tài
xế đến ngay bây giờ», ý muốn nói ông và ông bạn Tông đồ Phêrô của ông.
Sau đó không lâu, cha
Đabi đã đến ngôi nhà thờ bé nhỏ. Ông phải kinh ngạc về sự nghèo nàn của vị giáo
sĩ và gia đình ông. Vị giáo sĩ khiêm tốn này đúng là một người Kitô chân chính.
Vị linh mục lấy cái tượng của giáo sĩ và đổi lại cái của ông. «Thưa mục sư», linh mục nói cách khiêm tốn,
«Tôi rất hãnh diện nếu được mục sư và gia
đình đến nhà tôi dùng cơm tối trong tuần này».
«Được lắm. Vợ tôi sẽ thích lắm».
Người tài xế lái xe
ngang qua nhà Giôsê. Cha Đabi vẫn còn giận Giôsê và tức tối vì chàng nói rất
đúng về các pho tượng. Ông cũng cảm thấy ngượng ngùng vì Giôsê biết con người
ông rành mạch để chạm một pho tượng như thế cho ông. Để trả đũa vì bị nhục, ông
đã quyết định không gởi ngân phiếu trả tiền cái tượng, ít nhất là không trả
ngay. Giờ đây ông cảm thấy áy náy vì đã đối xử như thế, nhưng ông cũng không hối
hận.
Họ về đến nhà thờ và
đem pho tượng đặt vào chỗ. Sau khi xê dịch nó cho ngay ngắn, họ đứng lùi lại và
ngắm nghía. Bức tượng xem rất hùng vĩ và gợi cảm. Tiếng nói mạnh mẽ của nó cũng
đánh động lòng những ai chai đá nhất. Cái vương miện nằm sơ sài dưới đất nói
lên sự khải hoàn của Phêrô trên thiên nhiên và ban được ân sủng. Khuôn mặt của
người sắp chết mà Phêrô đang săn sóc làm động lòng cha Đabi. Ông nhìn kỹ hơn. Ông
nhìn nữa, lòng không tin. Đó chính là ông. Ông sợ sệt khi nghĩ đến vị Tông đồ
quỳ gối chăm sóc ông. Ông đâu đến nỗi hèn hạ, nhưng khi nghĩ lại thì đúng thế. Nước
mắt dâng lên khi ý nghĩa của pho tượng đánh động lòng ông. Người tài xế phải
lúng túng, anh tế nhị nhìn đi nơi khác để cho linh mục nghĩ là anh không trông
thấy. Linh mục quỳ gối xuống, không phải cầu xin pho tượng, nhưng để đọc kinh cầu
xin Chúa tha thứ cái lòng tự kiêu quái gở của ông, và xin giúp ông nên giống
như vị Tông đồ Phêrô chính thực, người mà ông hết lòng yêu mến.
Hai người đi ra khỏi
nhà thờ. Vị linh mục lấy cái mũ người tài xế đội lên đầu mình. Và như một diễn
viên thật, ông mở cửa sau của chiếc Mêxêđết và đưa tay mời tài xế bước lên xe. An
hơi lúng túng nhưng cũng làm theo. Linh mục đội mũ lên đầu, cầm tay lái, và đưa
người tài xế về nhà.
Tuần lễ chậm chạp
trôi qua. Giôsê làm xong những tượng còn lại và dân chúng đến lấy hàng. Họ yêu
mến Giôsê. Họ xem chàng như bạn bè. Họ nói với chàng những khó khăn của họ. Họ
chia sẻ với chàng những chuyện vui xảy ra trong đời họ, và khôi hài với chàng về
những biến cố xảy ra trong phố.
Trong những ngày tới,
dân chúng đến rồi lại đi, họ không thể không cảm thấy buồn cho Giôsê. Chàng
không còn là con người đến phố cách đây không lâu. Vâng, chàng cười và hài hước
với họ như thường lệ, tuy nhiên có một nỗi u hoài xâm chiếm căn nhà chàng. Phòng
thợ không còn đầy những pho tượng nữa.
Vào ngày thứ tư,
Lêgâu đến thăm Giôsê. Ông là bạn của Aron Pha, Aron đã nói với ông hầu hết những
chuyện ông biết về Giôsê. Lêgâu làm việc tình nguyện cho một nhóm người mù và hỏi
Giôsê có muốn đi với ông đến gặp họ không. Ông đã nói với những người mù về
Giôsê và về pho tượng Maisen mà chàng đã chạm. Ông cũng đã đem vài người đến «xem» pho tượng, để họ dùng những ngón
tay nhạy cảm sờ mó những đặc nét và đôi tay của pho tượng. Họ nóng lòng gặp
Giôsê. Chàng có đến không? Dĩ nhiên là có, nếu chàng không bận việc. Giôsê tươi
cười. Chàng rất hài lòng khi gặp Lêgâu. Aron đã nói với chàng nhiều về Lêgâu và
gia đình ông. Lêgâu hiện đang ở toà nhà lập pháp và tiến rất nhanh trong đảng
Dân chủ. Ông mới đọc một bài diễn văn hùng hồn ở Thượng Viện chống lại án tử. Giôsê
rất hài lòng khi nghe điều đó. Người Do thái đã tiến khá xa, so với khi luật
pháp và án tử hình của họ ngày xưa. Mặc dù không ý thức, nhưng qua bao thế kỷ họ
đã hấp thụ tinh thần đích thực của Giêsu, trong khi người Kitô giáo lại thường
có khuynh hướng bỏ đi cái tinh thần ấy mà trở lại cái khắt khe của luật pháp. Thật
là một mâu thuẫn kỳ lạ.
Giôsê bảo Lêgâu rằng
chàng rất thích đi với ông. Chàng không bận việc nên không khó khăn gì. Chàng
chỉ xin được ít phút để rửa ráy.
Sau đó, hai người
lái xe vào phố. Khi đến nhà hội, Lêgâu giới thiệu Giôsê với chủ tịch ủy ban tổ
chức là bà Thêm.
Bà là người rất đứng
đắn và hài hước. Lêgâu đã nói với bà hết về Giôsê, và bà biết thế nào cũng gặp
được Giôsê một ngày nào đó, nếu bà cứ nài nỉ ông.
Sau khi giới thiệu
Giôsê với các viên chức, bà Thêm mời Giôsê ngỏ lời với nhóm người ở đó trong ít
phút. Họ nôn nóng gặp chàng để hỏi chuyện. Giôsê đồng ý, và người ta đưa chàng
đến đầu phòng. Sau khi vắn tắt giới thiệu, chàng cất tiếng nói. Có độ một trăm
người trong đám thính giả, đàn ông, đàn bà và trẻ con.
Giôsê đưa mắt nhìn
thính giả. Họ biết chàng đứng ở đâu, mặc dù không nhìn thấy chàng. Căn phòng trở
nên im lặng.
«Các bạn thân mến», chàng bắt đầu, «tôi gọi các bạn như thế dẫu các bạn chưa hề
gặp tôi, bởi vì tôi biết các bạn. Các bạn là những người đặc biệt. Khi ông Lêgâu
lái xe đưa tôi qua vùng quê đến đây, tôi nhìn các cánh đồng và thấy những gì mà
các bạn suốt đời muốn nhìn thấy. Tôi nghĩ đến những gì mà các bạn thấy và những
gì chúng tôi có mắt mà không bao giờ thấy. Tôi ý thức được lòng lành lạ lùng của
Thiên Chúa. Nhìn thấy những gì qua đi cách nhanh chóng chỉ là cái nhìn tạm thời
và ảo tưởng. Nhưng các bạn thấy được những gì có thực, vượt trên ảo tưởng. Điều
các bạn thấy là thực, còn chúng tôi chỉ thấy cái bề ngoài. Chúng tôi phải là những
người đáng thương hại, bởi vì ít ai trong chúng tôi thấy được cái thực tại bên
dưới ánh sáng và màu sắc. Cái nhìn của các bạn đâm thủng bề mặt và thấy được thực
chất của sự sống. Các bạn thấy được mọi sự dễ dàng như Thiên Chúa thấy. Các bạn
có một vai trò rất quí báu trong đời sống. Các bạn có thể chia sẻ với người
khác những gì các bạn thấy mà họ không thể thấy.»
«Tôi biết rằng rất khó mà chấp nhận mình
không trông thấy. Nhưng nếu các bạn tin ở Thiên Chúa và biết rằng Ngài có một
công việc riêng biệt dành cho các bạn, thì các bạn sẽ hiểu được giá trị của vai trò của các bạn. Các bạn có thể bị cám dỗ để
cạnh tranh trong những lãnh vực mà người có mắt đang phát triển, đó là quyền của
các bạn. Tuy nhiên, có những đóng góp duy nhất cho nhân loại và cho việc hiểu
biết đời sống mà chỉ có các bạn mới có thể làm, bởi vì các bạn có những tài
nguyên mà người khác không có. Hãy lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa, đừng sợ
hãi. Hãy để Ngài nắm tay và hướng dẫn các bạn. Hãy để Ngài nâng đỡ các bạn và
làm đèn soi lối đi. Thế gian cần những gì mà chỉ các bạn mới có thể dạy họ. Hãy
tìm kiếm những gì cho riêng mỗi người, các bạn sẽ được tràn đầy an vui».
Giôsê tiếp tục nói về
những việc khác, nhưng trên đây là đề tài chính của sứ điệp chàng nói. Mọi người
chăm chú nghe, và ai nấy cảm thấy như đã biết chàng trong đời sống. Cái nhiệt
tâm của chàng đánh động lòng họ, như nhựa thơm thoa dịu những vết thương, vết bầm
mà họ mang trên người trong nhiều năm.
Sau buổi nói chuyện,
họ đặt với chàng nhiều câu hỏi, chẳng hạn chàng sống ở đâu, chàng sinh ở đâu, về
cha mẹ của chàng, về công việc nghệ sĩ của chàng, và chàng học nghề điêu khắc ở
đâu. Chàng trả lời cách đơn sơ, cũng bằng những câu trả lời tương tự cho những
người khác. Tuy nhiên, họ lắng nghe chàng hơn những người khác. Họ biết rằng mặc
dù chàng có vẻ đơn sơ, chàng còn có gì nhiều hơn là điều người ta biết về chàng.
Chàng là một người rất khác biệt. Họ ước mong được biết chàng nhiều hơn.
Tiếp theo là những
câu hỏi thân thiện và riêng tư, và Giôsê làm quen với nhiều người. Thấy chàng động
lòng trắc ẩn, họ nói cho chàng nghe những gian nan và thảm kịch của đời mình. Chàng
lắng nghe và khuyến dụ mỗi người. Sau đó, khi chàng và Lêgâu đi ra cửa, thì một
cô gái trẻ, tuổi hai mươi, được giới thiệu với chàng. Chàng nói chuyện với nàng
một lát. Nàng nói với chàng về mẹ già nàng đang nuôi dưỡng, và hoàn cảnh của
nàng trở nên khó khăn. Nàng rất lo âu về tương lai. Giôsê lắng nghe, và cảm
thông tình cảnh khó khăn của nàng. Chàng nói với nàng vắn tắt, rồi đưa tay đặt
trên đầu nàng như thể chào giã biệt, và bảo nàng tin ở lòng lành của Thiên Chúa,
Ngài không để nàng tuyệt vọng đâu.
«Em tin vào Ngài», nàng đáp. «Ngài là niềm hy vọng độc nhất của em».
Khi Lêgâu và Giôsê
đi ra khỏi cửa, và vì bận trò chuyện, họ không nghe tiếng ồn ào bên trong. Người
con gái mù la lớn lên, tiếng thét nghe lạnh cả xương sống làm mọi người hốt hoảng.
«Tôi thấy được rồi. Tôi thấy được rồi. Tôi
chưa bao giờ thấy được trong đời tôi, nhưng bây giờ tôi thấy được», nàng
nói đi nói lại. Người ta bao quanh nàng và hỏi nàng việc gì đã xảy ra. Nàng chỉ
nói, «Tôi không biết. Tôi đang nói chuyện
với ông nghệ sĩ, và khi từ giã, ông ấy chạm vào người tôi. Ông chạm vào người
tôi, và giờ đây tôi trông thấy được».
Mọi người mừng cho
nàng, như thể họ cũng được may mắn như nàng. Họ đã cảm thấy như thế khi Giôsê
khởi sự nói chuyện với họ, và khi họ về nhà trưa hôm ấy, họ cảm thấy có một cái
gì tuyệt vời xảy ra cho đời họ.
Bên ngoài, Giôsê và Lêgâu
tiếp tục trò chuyện khi đi ra xe, họ không hay biết việc gì đã xảy ra bên trong.
Nó xảy ra riêng cho những người ở đó, và Giôsê không muốn nó đi xa hơn nữa.
Khi Lêgâu bỏ Giôsê ở
Ôbờn và về nhà, điện thoại của ông reng liên hồi. Vợ ông nhận được nhiều cú điện
thoại xin ông gọi lại. Khi ông gọi lại, họ nói cho ông hay việc gì đã xảy ra. Họ
rất biết ơn Lêgâu đã đem bạn ông đến thăm. Họ sẽ không bao giờ quên việc xảy ra
ngày hôm ấy.
Khi Lêgâu gọi cú điện
thoại cuối cùng và đặt ống nói xuống, ông ngả lưng trên chiếc ghế bành nhung
màu xanh và nói lớn, “«on chồn ấy, con chồn
khôn lanh ấy! Anh ta biết rõ từ đầu những gì xảy ra trong phòng họp ấy, nhưng
làm bộ không biết. Đợi đến thứ sáu tôi sẽ gặp anh ta. Tôi sẽ mắng anh ấy». Vợ
ông đến ngồi xuống nói chuyện với ông. Nhiều người đã nói với bà những gì đã xảy
ra. Bà hỏi Lêgâu nghĩa lý làm sao, và ông nghĩ thế nào về Giôsê. Họ nói chuyện
đến quá khuya và nóng lòng đợi đến thứ sáu để nghe Giôsê nói chuyện với cộng
đoàn người Do thái và những vị khách tư tế. Họ rất hãnh diện vì Giôsê là bạn của
họ, nhưng họ bắt đầu nghi ngờ về lý lịch thật của chàng. Chàng không chỉ đơn sơ
là anh thợ chạm. Còn có nhiều bí ẩn nữa mà chàng không để lộ cho người ta biết.
Họ mới bắt đầu chọc thủng bức màn bí mật bao quanh chàng.
Khi Giôsê về đến nhà,
chàng thấy một lá thư trong thùng thư. Nhìn phong bì, chàng đọc, «Văn phòng giám mục», với địa chỉ bên dưới.
Chàng mở thư đọc trong khi đi vào nhà. Đó là một lá thư chính thức của giám mục
gửi,
«Ông Giôsê thân mến,»
«Chúng tôi được lưu ý về việc ông quan tâm đến
những vấn đề đạo và ông đã chia sẻ ý nghĩ của ông với một số dân chúng trong cộng
đồng xứ đạo ở Ôbờn. Chúng tôi muốn thảo luận việc này với ông và giờ chỉ định
cho cuộc họp là mười giờ rưỡi ngày thứ sáu. Chúng tôi sẽ đợi ông vào lúc ấy».
«Thân mến trong Chúa Kitô»,
Tiếp theo là chữ ký
của giám mục.
Giôsê nhận thấy lối
trịnh trọng không đúng cách. Không những chàng biết rõ cái ý đồ của cuộc họp, mà
còn biết tại sao nó đã xảy ra. «Vâng lời
họ, vì họ đang ngồi ghế Maisen», chàng nhớ lại câu nói đó. Chàng biết giám
mục và cha Kavana là bạn thân, và biết linh mục đòi phải làm gì đối với chàng. Giôsê
không thích cái lối hách dịch ra vẻ lịch thiệp đòi chàng phải đến. Họ không hỏi,
không đếm xỉa gì đến cái bất tiện của chàng. Chàng chỉ được ra lệnh và phải
tuân theo.
Chiều hôm ấy Giôsê
đi ngủ sớm. Chàng mệt mỏi, mệt hơn là chạm gỗ dài giờ. Mệt khi chạm gỗ là cái mệt
thoả mãn. Còn đây là cái mệt của một người đang bực bội vì không được để yên. Chàng
ngủ say, và như mọi buổi sáng, chàng thức dậy khi mặt trời vừa mọc lên.
Trời còn sớm khi
chàng ra làng ăn sáng. Cả bọn đã có mặt trong quán và trêu chọc chàng về những
lời đồn đại trong phố. Chàng chỉ cười và phụ hoạ, «Vâng, tôi nghĩ là cuối cùng tôi được nhận là người nhà, theo như kiểu họ
nói về tôi».
«Đúng đó», Mô nói. «Đúng, họ đã lo đám cưới cho anh, mà cũng không phải với Mari».
«Mô, tốt lắm. Anh khôn lắm đó», Mari nói.
Rồi nàng nói với Giôsê, «Tôi không tin một
tí gì về lời họ nói, và anh cũng đừng để ý làm gì. Họ cũng sẽ đóng đinh Giêsu nếu
ngài trở lại, và họ sẽ hối hận về việc đó hai ngày sau. Họ chỉ thích nói, nhưng
họ như chó không răng. Họ không cắn anh đau được». Giôsê cười và gọi món ăn
sáng.
Chàng về nhà để làm
cho xong cái tượng cuối cùng. Những người đặt làm tượng đến lấy chúng vào lúc
trưa. Lúc hai giờ thì họ đã ra về hết, và phòng thợ trống trơn. Giôsê nhìn
chung quanh và nghĩ đến mọi hoạt động trong những tháng qua và rất hài lòng. Nhưng
chàng buồn khi khi nghĩ đến dân tình tử tế và thân thiện, cũng như thời gian tốt
đẹp chàng sống với họ.
Đây là lần đầu tiên
chàng lau nhà sau nhiều tuần lễ và quét dọn vườn cỏ. Hai con gà chạy lung tung
trong mấy tuần qua, vì Giôsê bận quá không có thì giờ chơi với chúng. Chàng thấy
một cái ổ mà con gà mái làm và có ba cái trứng trong ấy. Chàng quyết định chờ
xem nó có ấp trứng không… Chàng rửa vỉ nướng và không biết phải ăn tối thứ gì. Cha
Đabi chưa trả tiền cái tượng cho chàng, vì thế chàng không còn nhiều tiền lắm. Tiền
chàng có được do cái tượng kia thì để mua thức ăn và trả tiền gỗ. Chàng thọc
tay vào túi lấy ra một xấp chi phiếu, tổng cọng 175 đô-la. Tiền nhà chiếm hầu hết,
nhưng cũng còn chút đỉnh để mua thức ăn. Một ít người cũng còn nợ tiền hàng với
chàng, nhưng chàng chỉ nhận được tiền tuần tới. Chàng ước chi cha Đabi trả số
tiền cha còn nợ chàng.
Comments
Post a Comment