14 Giôsê - Chương mười bốn


CHƯƠNG MƯỜI BỐN

Giôsê làm việc suốt ngày thứ bảy và làm xong hầu hết mọi thứ. Chàng để chúng thứ tự trên mặt bàn. Sau trưa, chàng nằm dưới bóng cây gần hồ nước suy nghĩ về bài thuyết trình sẽ nói ở nguyện đường. Chàng mỉm cười nhớ lại những diễn tiến đưa đến quyết định bất ngờ này. Chàng nghĩ đến nguyện đường này và những cái khác mà chàng quen biết. Chúng không thay đổi mấy qua bao thế kỷ. Chúng được xây như ngày xưa. Đàn ông và đàn bà bây giờ ngồi chung nhau. Những cuộn Sách Thánh vẫn được đặt trong hòm bia, nhưng không được dùng đến nữa. Những người đọc Sách Thánh dùng bản in. Không có các vị tư tế hay Pharisêu, hoặc linh mục mặc áo rộng dài đi vênh vang và mang các bình chứa sách kinh y hệt như những con công giữa đám người bình dân. Nhưng dân chúng không còn bình dân nữa. Nghĩ đến người đàn ông đến với chàng tối hôm qua làm chàng nhớ lại người đàn ông bị câm ngày xưa mà chàng trừ quỷ. Ma quỷ ngày xưa dễ thấy hơn. Thời bây giờ chúng rất tinh tế và trá hình là những nhà tư tưởng muốn làm cách mạng xã hội, gieo rắc ngờ vực đối với việc thánh, hoặc trá hình là nhà lãnh đạo tôn giáo để xúi giục dân chúng của mình ghét tha nhân và cả đến giết chóc với danh nghĩa Thiên Chúa.
Rồi chàng nghĩ đến Massia, đến công việc của nàng tại Ủy Hội Quốc Tế, về việc thiện nàng đang cố gắng thực hiện giữa rất nhiều người có mục đích mập mờ. Nàng như chim câu trong trắng và vô tội giữa đàn kên kên. Có thể cái trong trắng đẹp đẽ của nàng sẽ làm mềm lòng nhiều người hơn là các thủ đoạn chính trị gian manh. Chàng nhớ đến Maria ở Bêtani. Massia thì khác, nhưng cả hai đều yêu mến nồng nhiệt. Tình cảm của chàng đối với hai người cũng như nhau.
Lúc về đến nhà, Giôsê thấy một thằng nhỏ từ hiên nhà đi ra. Hai người gặp nhau ở cổng.
«Em muốn gì?», Giôsê hỏi.
«Cha Kavana muốn chú đến nhà xứ. Cha muốn nói chuyện với chú», thằng bé trả lời.
«Ngay bây giờ?».
«Không, Cha đang bận việc bây giờ và cả ngày mai. Cha sẽ gặp chú vào ngày thứ hai lúc chín giờ ba mươi».
«Cám ơn em».
Sáng hôm sau Giôsê đến nhà thờ Êphicôpha dự lễ. Cha Đabi dâng lễ và nói về cái tượng Tông Đồ Phêrô đã được đặt vào hốc tường của bàn thờ cạnh. Giôsê thấy cờ Anh Quốc treo cùng khắp nhà thờ, biểu lộ sự trung thành của giáo phái. Chàng cố gắng cầu nguyện, nhưng thấy khó quá. Tiếng nhạc làm chàng chia trí không còn đủ sức tự chủ. Người đánh đại phong cầm là ông Quơn chơi một cách tuyệt vời những bài ca thánh cổ nhập cảng từ một lục địa khác và có một lịch sử khác. Buổi lễ xem ra rất hoàn hảo về phương diện kỹ thuật, nhưng trống rỗng về tinh thần. Cha Đabi diễn thuyết dài dòng và chải chuốt về ý nghĩa tượng trưng gợi cảm của lễ nghi, và ca tụng Giáo hội đã khôn ngoan sát nhập cái phong phú của nghệ thuật vào phụng vụ. Thật là xứng đáng với sự cao cả kinh hoàng của Thiên Chúa.
Giôsê thở phào khi lễ chấm dứt. Người tài xế gặp Giôsê bên ngoài nhà thờ và ân cần với chàng ầm ĩ lên, chỉ chàng cho tất cả bạn bè và giới thiệu chàng là người nghệ sĩ chạm pho tượng. Dân chúng đối xử tử tế với chàng, chúc mừng chàng tài ba, và hỏi chàng có thích nhà thờ của họ không? Giôsê bảo họ rằng lễ nghi rất đẹp đẽ và cũng thấy một số người chăm chỉ cầu nguyện. Chàng nghĩ rằng họ là một phúc lớn cho cộng đồng.
Chính lúc ấy Cha Đabi đến và nghe lời bình phẩm của Giôsê. Chàng quay lại chào ông. Vị linh mục đứng yên tại chỗ và chỉ nhẹ gật đầu, đợi cho Giôsê đến gặp ông, nhưng chàng không đến. Linh mục quay lưng và nói chuyện với những người đang đợi ông. Người tài xế lẫn đi khi thấy linh mục từ nhà thờ bước ra.
Giôsê đi ra đường. Một vài người bạn cũng bỏ nhà thờ và dừng lại chào chàng. Phiên, anh quản lý hãng cưa, bước đến đặt tay lên vai Giôsê. «Anh là người tôi muốn gặp», anh nói, «Đến nhà tôi ăn sáng được không?»
«Được», Giôsê đáp, và hai người cùng đến gặp gia đình Phiên. Họ bước xuống bực cấp nhà thờ và quẹo ở góc đường về nhà.
Khi về đến nhà, Phiên đưa Giôsê vào phòng khách trong khi vợ anh nấu bữa ăn sáng. Anh có ít điều muốn hỏi Giôsê. Gần đây anh không gặp Giôsê và lại nghe nhiều lời đồn đại về chàng. Giôsê có mạnh khoẻ không? Công việc làm ăn của chàng ra sao? Gần đây chàng không cần nhiều gỗ nữa làm Phiên lo lắng chàng có gặp rắc rối gì không.
Giôsê không biết phải trả lời thế nào. Vâng, mới đây có nhiều sự thay đổi. Chàng thường rất bận nhận hàng của dân chúng, tuy nhiên có những phương diện khác của đời sống cần phải lo trước, thành thử chàng không nhận hàng nữa.
Phiên biết có một số người làm cho Giôsê khó sống, nhưng anh cố gắng khuyên giải chàng rằng đa số dân chúng yêu mến và ủng hộ chàng.
Giôsê bảo anh rằng chàng đọc được thời cuộc và có thể biết chắc chắn cái gì sẽ xẩy ra. Chàng bảo Phiên đừng lo, chàng tin vào tương lai.
Mùi bánh rán, xúc xích và thịt heo muối thơm ngát cả phòng. Ánh-Li, vợ của Phiên, mời mọi người ngồi vào bàn. Giôsê bước vào với Phiên và ngồi cạnh anh. Câu chuyện nghiêm chỉnh chấm dứt ở đó, và sau khi đọc kinh mọi người bắt đầu bữa ăn sáng. Cà phê nóng thơm lựng và ngon lắm. Thức ăn biến đi cách mau lẹ khi Ánh-Li dọn ra. Giôsê ăn ngon lành, chàng thích mọi thứ. Chàng rất mừng vì có nhiều người thích chàng và lo lắng cho chàng. Nó cất đi được bớt ưu sầu.
Ánh-Li là một người đàn bà tốt. Nàng từ Đức đến khi nhỏ và còn pha giọng chút ít. Lối sống của nàng còn y hệt quốc gia cũ.
Cách thức giữ gìn nhà cửa, giáo dục con cái cũng như may mặc cho chúng, xem rất đẹp đẽ và đơn sơ theo lối cổ.
Giôsê hỏi chuyện từng đứa bé trong khi ăn. Chúng không bộc lộ tâm tình như những đứa bé trong đường hẻm, nhưng chúng thích Giôsê và vui mừng được Giôsê đến ăn sáng. Người cha đã nói với chúng nhiều về Giôsê, vì thế chúng xem chàng như một người hùng địa phương.
Ăn sáng xong, mỗi đứa trẻ lo công việc của mình. Giôsê ở lại vài phút nói chuyện với Phiên và Ánh-Li, rồi ra về.
Ngày còn lại trôi qua cách chậm rãi. Chàng không còn hăng hái và không cảm thấy thong dong như trong các tuần qua. Tuy nhiên chàng vẫn an tâm. Chàng vẫn thích đi bộ ngang qua nhà Lăng-Phơ. Chàng vẫn thích xem con chim trĩ nhiều màu sắc chạy nhảy trước mặt chàng rồi cất cánh bay đi. Tuy nhiên chàng như bận tâm với thế giới nội tâm mà một thảm kịch đang bắt đầu diễn ra. Chàng như đang đợi thứ gì. Chàng biết mình có thể ảnh hưởng đến các biến cố, nhưng chàng không làm. Chàng để mình trở thành một diễn viên trên sân khấu do những kẻ khác sắp đặt.
Sáng thứ hai, Giôsê đến nhà xứ để gặp cha Kavana. Cô thư ký niềm nở chào chàng và đưa chàng vào văn phòng. Đó là một căn phòng rộng rãi, chưng bày đẹp đẽ. Ở góc phòng có đặt một cái bàn viết lớn bằng gỗ đào với những chiếc ghế lưng cao để dọc theo vách. Sau bàn treo bức ảnh đức Giáo Hoàng, và hai bên ảnh là hình giám mục và cha chính xứ Kavana. Trên vách bên cạnh có treo một bản đồ lớn của Ôbờn và các vùng lân cận. Cha Kavana ngồi sau bàn viết.
«Này, anh bạn trẻ», vị chủ chăn khởi sự, «mới đây tôi nghe nói nhiều chuyện về anh. Anh được nhiều người theo, mặc dù anh mới đến phố trong thời gian ngắn. Một trong những điều làm tôi lưu ý là các cuộc thảo luận của anh về tôn giáo».
«Xin cha nói rõ hơn?», Giôsê hỏi.
«Vâng. Tôi nghe nói anh muốn dạy đạo, và theo như tôi nghe, thì đấy không phải thứ đạo tốt. Nhiều người bổn đạo của tôi rất lo lắng về điều đó và hỏi tôi có đồng ý không. Dĩ nhiên tôi bảo họ rằng tôi không đồng ý, và tôi cũng không biết anh là ai. Hình như anh cũng nói với dân chúng rằng đạo ngày nay không phải là đạo Giêsu dạy, và các lãnh tụ tôn giáo không khác gì những vị lãnh đạo tôn giáo thời Giêsu. Có đúng vậy không?»
Giôsê nhìn vị linh mục cách khả ái và trả lời cách đơn sơ, «Không phải vậy. Tôi không cố ý dạy đạo, nhưng khi người ta thảo luận về các đề tài đó, tôi phát biểu tự do điều mà tôi biết. Vâng, đúng vậy, Giêsu không bao giờ muốn tôn giáo trở thành như ngày nay. Giêsu là con người tự do và Ngài dạy dân chúng rằng họ là con cái của Thiên Chúa, và vì là con cái của Thiên Chúa, họ được tự do. Họ không phải là nô lệ. Giêsu cũng muốn rằng các vị lãnh đạo của Ngài phải khiêm tốn và phải để dân chúng hưởng tự do. Tiếc thay không có mấy vị lãnh đạo tôn giáo cảm thấy an tâm khi dân chúng được tự do, họ lại còn thích áp dụng quyền hành đối với dân chúng. Họ thích đặt luật pháp đè nặng trên đời sống người dân và tuyên bố rằng, nếu dân chúng không tuân giữ luật pháp, thì sẽ phạm tội và sẽ bị Chúa phạt. Điều đó không giống Giêsu tí nào».
Vị chủ chăn cảm thấy khó chịu và tức giận về điều Giôsê nói.
«Làm sao anh biết Giêsu muốn gì?», linh mục chận lại nói.
«Các sách Phúc Âm không cho thấy rõ ràng thái độ của Giêsu về những việc đó sao?», Giôsê ôn tồn hỏi.
«Giêsu dạy là một chuyện, còn một người giáo dân không học thần học mà dám công kích lối hành đạo của Giáo hội, là một chuyện khác», linh mục phản đối.
«Tôi biết điều tôi nói là thật, và Thánh Kinh làm chứng điều đó. Tôi biết Giêsu dạy các môn đệ của ngài phải khiêm tốn, và bảo họ phải thực thi quyền hành cách nhỏ nhẹ và ôn hoà. Ngài lại rửa chân họ để ghi vào tâm khảm họ rằng phục vụ dân là quan trọng, chứ không phải cai trị dân».
«Anh bạn trẻ ơi, tôi không thích thái độ của anh, và tôi phẫn uất cái lối anh muốn giảng đạo cho tôi. Tôi cũng phẫn uất cái lối anh nói với dân chúng của tôi, tôi không cho phép anh làm như vậy».
«Ai là dân chúng của cha?», Giôsê hỏi cách châm biếm.
«Anh cứ xem bản đồ trên vách?» linh mục nói, tay chỉ bản đồ. «Tất cả những ai sống trên vùng vạch ra trên bản đồ là dân của tôi, và tôi có thẩm quyền trên họ. Không ai có quyền dạy họ mà không có phép của tôi».
Giôsê giận ra mặt. «Họ không phải là dân của cha», chàng nói cách cứng rắn. «Họ là con cái của Thiên Chúa, và vì là con cái của Thiên Chúa, nên họ được tự do. Chỉ những chủ chăn như cha mới tước quyền tự do của con cái Thiên Chúa và khiến họ trở thành nô lệ, không còn được tự do sống theo lương tâm, hoặc nghe theo tiếng nói nội tâm, hoặc cả đến tiếng nói của Thiên Chúa. Chỉ những người như cha mới ham mê quyền hành mà tức giận dân chúng, khi họ nói với nhau về Thiên Chúa mà không có phép của cha. Chỉ những người như cha đã phá hủy tiếng tốt của sứ điệp Giêsu và đã đưa đời sống dân chúng vào cồng và sợ hình phạt, không phải vì các vị quan tâm đến dân chúng, nhưng chỉ để bảo vệ quyền hành của mình. Giêsu dạy các tông đồ của ngài phải yêu mến và phục vụ, nhưng quí vị đã không bao giờ yêu mến dân chúng, bởi vì quí vị không thể yêu mến như mọi người yêu mến. Quí vị trị dân và ép buộc họ phục vụ quí vị thì đúng hơn».
Linh mục giận tái mặt. Ông đứng lên và bước về phía Giôsê. Chàng cũng đứng lên. Linh mục thấy Giôsê biết ông cả trong lẫn ngoài, mặc dù chàng chưa bao giờ gặp ông. Ông cũng phát sợ chàng, và lúc này chỉ còn việc tống cổ chàng đi.
«Anh bạn trẻ ơi», linh mục cứng rắn nói, «cuộc thảo luận hôm nay đến đây là chấm dứt. Tôi không biết anh định làm gì, nhưng tôi không thấy có gì tốt đẹp cả. Tôi không muốn anh đi lễ nhà thờ của tôi nữa. Tôi không thấy có gì lợi cho anh hoặc cho dân chúng của tôi khi anh có mặt. Tôi nhất định sẽ bảo dân của tôi tránh xa anh». Nói xong, linh mục chỉ lối cho Giôsê ra cửa, và ông đi lên lầu vào phòng đóng dập cửa lại.
Giôsê đi ra đường. Vài đứa trẻ con đang chơi ở khoảng đất trống dọc theo đường. Vừa thấy chàng, chúng chạy đến và cùng đi với chàng. Chúng nói cho chàng nghe đủ thứ chuyện mà chúng nghĩ là quan trọng. Giôsê quên cả nỗi bực bội của mình. Chàng quàng tay lên vai chúng, bảo chúng hãy yêu mến tuổi thơ và đừng lớn lên trước thời gian. «Các em là con cái của Thiên Chúa», chàng bảo chúng, «và các em được tự do. Đừng để ai lấy mất sự tự do của các em».
«Chúng em không để mất đâu, chú Giôsê ạ», chúng trả lời, mà không hiểu chàng muốn nói gì, mặc dù những lời lẽ đó sẽ ăn bám vào trí nhớ của chúng trong nhiều năm.
Trong khi Giôsê đi với lũ trẻ, cha Kavana đã đi lên phòng của mình, ông đi đi lại lại, suy nghĩ phải làm gì đối với tên cuồng tín vô liêm sĩ này. Ông nhất định không để Giôsê yên sau khi chàng đã xúc phạm đến danh giá của ông. Bởi vì không thể đương đầu với Giôsê, ông sẽ tìm cách khác. Ông nhắc điện thoại lên gọi văn phòng giám mục.
«Cái gì đó, cha Gioan?», vị giám mục hỏi.
Linh mục giận dữ, điều đó được thổ lộ qua những lời ông tố cáo Giôsê. «Có một người trong họ đạo của con, hắn mới đến mà đã gây ảnh hưởng lớn với nhiều người ở đây. Hắn nói về đạo và xúi dân chống lại Giáo hội. Nếu không chận hắn lại, hắn sẽ phá hoại địa vị của con và sẽ làm hại vô song đối với đức tin của dân chúng. Con đã cố gắng lịch thiệp nói chuyện với hắn, nhưng hắn làm nhục con và bảo con không xứng đáng làm linh mục».
Vị giám mục chăm chú nghe, rồi, khi vị giáo sĩ nói xong, ông trả lời, «Có phải cha nói về Giôsê không?».
«Đúng, đúng hắn».
«Tôi làm gì bây giờ?», giám mục hỏi.
«Đức cha nên gọi hắn đến mà nói chuyện với hắn».
«Cha có nghĩ là hắn sẽ nghe tôi không?»
« Ít nhất hắn cũng thấy rằng hắn không chạy thoát được với cái vô liêm sĩ của hắn».
«Và nếu hắn không nghe, thì chúng ta làm gì? Ảnh hưởng của hắn không chỉ giới hạn ở Ôbờn. Tôi đã nhận nhiều thư từ của dân chúng trong vùng sau khi hắn xuất hiện trên đài truyền hình. Hắn nổi tiếng rất nhanh».
«Vì thế càng phải chận hắn lại ngay bây giờ, nếu không sẽ muộn. Hãy tin con, hắn nguy hiểm lắm. Nếu dân chúng nghe theo những tư tưởng của hắn, không biết rồi các nhà thờ của chúng ta sẽ ra sao. Và nếu những tư tưởng của hắn được truyền bá, thì các nhà thờ sẽ trống trơn».
«Cha có phóng đại không?», vị giám mục hỏi. «Cha có nghĩ là hắn quan trọng thế đó không?».
«Gặp hắn rồi sẽ biết, thưa Đức Cha. Nếu nói chuyện với hắn Đức cha sẽ đổi ý».
«Nhưng hắn chỉ là một người giáo dân. Chúng ta không thể trừng phạt hắn như trừng phạt một linh mục. Nhưng, để cha được an tâm, tôi sẽ gặp hắn».

Sau khi ở nhà xứ về, Giôsê dành cả ngày để suy tính. Chàng đi dạo ra đồng cỏ. Mặt trời lẩn sau các đám mây đục. Chim chóc im tiếng. Rừng cây cũng im lìm. Giôsê quỳ gối xuống và ngồi trên hai gót chân, tay chàng nắm chặt đặt trên đùi. Chàng nhìn chân trời xa, không phải nhìn những gì mắt thấy, nhưng là mơ tưởng những gì xa hơn màu sắc và hình thù của vật chất. Chàng quỳ gối không lay động, người thẳng đứng, gần một giờ đồng hồ, như thể hồn đã tạm lìa xác và người chàng chỉ còn là cái vỏ. Nước mắt chảy dài xuống hai má chàng rồi tắt. Mặt trời vui đùa với các đám mây khi một luồng ánh sáng chiếu qua khe trống rọi lên mặt Giôsê, khiến những đường nét đặc biệt trở nên vô cùng đẹp đẽ. Chàng quỳ gối im lặng, chìm đắm trong suy tư. Rồi mặt chàng dịu lại, những thớ thịt giãn ra trong niềm an tĩnh, khi một nụ cười hé nở đón nhận những sứ điệp mà chỉ có chàng mới nghe thấy được. 
____________________________________

Chương trước (13) <=> Chương sau (15)



Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam