13 Giôsê - Chương mười ba
CHƯƠNG
MƯỜI BA
Giôsê làm việc tận lực
suốt tuần kế đó, chàng cố gắng làm cho xong những tượng Tông đồ Phêrô như đã dự
định. Vào trưa thứ hai, có hai chàng trai trong xóm đến gặp Giôsê với một chuyện
không may mắn. Chúng và các bạn sống trong một nông trại. Đồ nghề của chúng rất
thô sơ và không tốt lắm. Sáng hôm ấy, khi chúng làm việc, một bánh xe bị gãy. Chúng
thử sửa lại nhưng không làm được. Chúng nhờ Giôsê giúp, chúng có đem bánh xe
theo. Giôsê nhìn bánh xe và mỉm cười. Chàng nhớ lại ngày xưa khi chàng là anh
thợ con làm việc với cha chàng.
«Có, tôi sẽ giúp các em», Giôsê bảo chúng.
«Ngày mai trở lại, sẽ xong».
Bọn chúng ra về và dọc
đường bàn tán về Giôsê. Chàng còn thong dong hơn chúng, tuy nhiên đời sống của
chàng rất là nề nếp, không giống như đời sống của chúng. Chúng cảm thấy Giôsê
có sự an bình và an phận mà chúng không có, cũng như một niềm vui mà chúng chẳng
bao giờ biết tới. Đời sống đơn giản của chúng là kết quả của sự bất mãn với đời,
nó không đem lại bình an như chúng nghĩ. Giôsê chọn lối sống giản dị, bởi vì nó
cho chàng được tự do để phát triển đời sống nội tâm. Xem bên ngoài thì đời sống
của chàng và của chúng rất giống nhau, nhưng bên trong lại rất khác nhau. Chúng
ganh tị với chàng.
Giôsê sửa bánh xe
khi chàng nghỉ việc. Công việc không tỉ mỉ lắm và cũng dễ dàng hơn. Đã lâu
chàng không làm bánh xe. Một chuỗi ký ức tràn ngập tâm trí chàng. Thỉnh thoảng
nước mắt tràn ra mi khi chàng nghĩ đến những kỷ niệm êm đềm thời xa xưa. Đó là
những ngày đẹp đẽ, khi chàng là một đứa trẻ học vào đời. Mẹ chàng không bao giờ
xa chàng, thỉnh thoảng bà cúi xuống trên chàng như một gà mẹ, bao bọc chàng như
thể hoạn nạn sắp xẩy đến bất cứ lúc nào. Mẹ chàng là một người đàn bà hạnh phúc,
luôn ngâm nga ca hát khi làm việc nội trợ. Từ phòng làm việc của cha, chàng có thể
nghe bà hát. Chàng nhớ lại có ngày cha chàng nói, khi hai người làm cái ách buộc
cổ bò, «Tại sao mẹ con không hát khi
chúng ta ở trong nhà?». Cả hai cùng cười. Chàng nhớ mẹ chàng luôn luôn cố gắng
không để chàng có bạn xấu. Bà đã không thành công! Rồi từ đó bao nhiêu việc đã
xẩy ra!
Giôsê phải gọi Vu-Di
giúp chàng làm bánh xe. Chàng cần hàn vành sắt của bánh xe. Vu-Di đến và hỏi
chàng làm bánh xe cho ai. Khi Giôsê nói cho anh biết, anh dài dòng kể lể về những
cậu trai dị kỳ đó không biết là đàn ông hay đàn bà. Giôsê chỉ lắng nghe khi
Vu-Di hàn cái vành bánh xe.
Khi Vu-Di ra về, Giôsê
lại tiếp tục làm hai pho tượng. Chàng đã làm được rất nhiều trong tuần qua, và
trong vài ngày nữa chàng sẽ làm xong.
Ngày hôm sau mấy cậu
trai và hai bạn đến lấy bánh xe. Chúng nói chuyện với Giôsê hơn một giờ đồng hồ,
cố gắng tìm hiểu đời sống của chàng. «Hình
như trong đời sống chú đã thành công được với những gì mà chúng em tranh đấu
liên lỉ, đó là sự an bình và an phận, chúng luôn luôn trốn tránh chúng em. Chú
có bí mật gì, Giôsê?», một cậu trai cao lớn mặt đầy râu hỏi chàng. «Bình an của tôi phát xuất tự bên trong»,
Giôsê bảo chúng. «
Cái đơn sơ của đời sống
tôi phản ảnh điều tôi có bên trong. Cái đơn sơ của đời sống các em không phát
xuất tự bên trong. Nó chỉ là sự trốn đời, là một hành động thoái thác chính
mình, điều đó chỉ làm cho các em đau khổ. Tôi không có những vấn đề đó trong đời
sống của tôi. Tôi không để các biến cố làm tôi đau khổ. Tôi nghĩ rằng nhân loại
đang đà lớn lên và nhất thiết phải bất toàn. Nó không thể khác hơn được. Tôi hiểu
điều đó và chấp nhận nó, và con người thế nào thì tôi yêu mến họ thế đó. Tôi
thích họ vì Cha chúng ta tạo dựng họ như vậy. Hãy tìm kiếm ThiênChúa và yêu mến nhân loại, các em sẽ tìm thấy
bình an và hoà hợp với thiên nhiên».
Mấy cậu trai rất
thán phục, cả khi Giôsê công kích cái nhìn của chúng. Chúng thích cái nhìn sáng
suốt của chàng. Chúng cám ơn chàng đã dành thời giờ cho chúng và đã sửa bánh xe.
Bốn đứa đều có quà cho Giôsê. Một đứa mang con gà trống trên tay, một đứa mang
con gà mái. Một đứa khác mang bình mứt mà bạn gái nó làm. Đứa thứ tư có một rổ
trứng và một bao bột mì tự tay nó xay. Chúng rất biết ơn Giôsê về những gì
chàng đã làm cho chúng. Giôsê nói với chúng rằng Vu-Di hàn viền xe. Khi nghe
tên Vu-Di, chúng cười. Chúng đã gặp Vu-Di nhiều lần. Chúng cười vì Giôsê đã
thuyết phục được Vu-Di làm việc cho chúng. Chúng lấy bánh xe và ra về. Chúng
lăn bánh xe xuống đường, trong khi Giôsê nhìn theo và mỉm cười.
Chàng đi vào nhà và
tận lực làm các pho tượng. Chàng biết nhiều điều về Phêrô mà không ai biết được,
và chàng tạc những cá tính ấy trên miếng gỗ. Mỗi pho tượng là mỗi khác, các nét
hạnh kiểm đối nghịch nhau như thể là của hai nhân vật khác nhau. Giôsê đã dự
tính như vậy. Hai vị giáo sĩ có hiểu được điều đó hay không lại là việc khác, và
nếu họ hiểu, liệu họ có chấp nhận điều họ thấy không? Giôsê tiếp tục làm, chàng
gọt đẽo các chi tiết hết sức tỉ mỉ.
Vào trưa thứ năm thì
chàng làm xong hai cái tượng. Chàng đánh nhám chúng cho thật láng, rồi tô màu đậm
để các thớ gỗ nổi lên. Rồi chàng đánh sáp chúng và để qua một bên. Đó là những
kiệt tác cuối cùng mà Giôsê làm. Đời sống của chàng trở nên phức tạp hơn. Mặc
dù đời sống cá nhân của chàng rất đơn giản, nhưng dân chúng không để chàng sống
như vậy; họ phản ứng gắt gao đối với chàng. Có một số người không thích thấy
chàng có mặt trong cộng đồng, họ nhất quyết làm mọi cách để tẩy chay chàng.
Giôsê ngủ say đêm đó
nhưng mơ những chuyện lạ lùng: Nataniên vặn hỏi nguồn gốc của chàng, Giacôbê và
Gioan tranh dành địa vị, Phêrô sợ hãi không muốn dính líu với Giêsu, và Giuđa hợp
tác với các viên chức của đền thờ. Tất cả những yếu đuối nhân loại của các tông
đồ cũng lại thấy nơi những kẻ chăn dắt dân ngài. Họ đã gây rắc rối cho Ngài, và
điều đó sẽ tái diễn mãi. Bao lâu con người còn là con người, họ sẽ thấy khó mà
chấp nhận Ngài. Ngài làm cho đời họ quá phức tạp.
Giôsê thức dậy sớm. Chim
chóc ca hát bên ngoài cửa sổ. Chàng ngồi trên mép giường, hai tay ôm đầu. Chàng
mệt mỏi. Chàng đã ngủ say lắm, nhưng những giấc chiêm bao nặng nề làm chàng kiệt
lực. Cuối cùng chàng đứng lên, thay quần áo và nấu ăn sáng. Chàng không đi bộ
buổi sáng ấy. Chàng đi lang thang trong vườn, hái mấy cọng rau vừa lớn để ăn. Không
còn nhiều thì giờ nữa. Chàng đã sắp đặt vườn tược đâu vào đấy và bây giờ chỉ
còn thu lượm những gì sót lại của vụ mùa đầu tiên.
Chàng đang làm việc
thì nghe có tiếng xe hơi dừng lại trước nhà và tiếng người chào nhau. Chàng đi
ra và thấy hai giáo sĩ cùng tiến tới trên lề đường.
Cha Đabi trông thấy
chàng trước tiên. Ông không cầm miệng được khi thấy chàng trong bộ đồ làm vườn,
«Anh nghệ sĩ danh tiếng của chúng ta lại
làm việc bụi bặm. Tôi nghĩ anh nên làm vườn thì tốt hơn là làm nghề điêu khắc. Hình
như anh thích nó hơn». Giáo sĩ Rôlơn cảm thấy khó chịu về tư chất của vị
linh mục.
«Mọi sự sống đều khởi sự từ đất», Giôsê
nói trả đũa, «cả những người nhất trong
chúng ta cũng không thể tự hào là mình cao hơn đất. Chúng ta đều bởi đất mà ra».
Vị giáo sĩ da đen nghĩ đó là một câu sửa lưng đúng và rất xứng đáng. Vị linh mục
thì không chấp nhận dễ dàng lắm và mặt ông có vẻ khinh khỉnh.
Giôsê ra hiên mở cửa
cho hai ông. Rồi chàng xin kiếu đi vào phòng khách đem một cái tượng ra. Chàng
lại đi vào lấy một cái nữa. Khi chàng đem nó ra, hai ông lấy làm lạ vì hai tượng
rất giống nhau mà không hiểu cái khác biệt lớn của các bối cảnh. Cũng không ai
biết người kia đặt làm tượng như thế nào.
Vị linh mục nhìn cái
tượng mà ông nghĩ là của ông và công nhận rằng Giôsê làm không đến nỗi tệ lắm -
đối với khả năng của một anh làm vườn! Giôsê mỉm cười khi thấy ông cố gắng hài
hước.
«Thưa quí ngài», Giôsê nói, «Tôi không nghĩ là các vị sẽ đến cùng một lúc.
Tình cờ hai vị đặt làm cùng một pho tượng Phêrô. Tôi cố gắng làm như quí vị muốn
và chạm những nét của Phêrô cho hạp với dân chúng của quí vị». Chàng lấy
pho tượng Phêrô quì gối tay xoa đầu một người ăn mày sắp chết, cái vương miện của
ông nằm sơ sài dưới đất. Chàng nâng pho tượng lên và đặt gần vị linh mục
Êphicôpha. Linh mục kinh hãi và cảm thấy bị chạm. «Đây không phải là vị Tông Đồ Phêrô vĩ đại, nhưng là một vị thánh tôi tớ
mà tôi không nhận ra», linh mục nói cách giận dỗi.
«Trái lại», Giôsê nói, «đó là lúc Phêrô vĩ đại nhất. Tư chất của
Phêrô không phải để phục vụ. Ông sinh ra để cai trị, và điều đó ảnh hưởng cả tư
cách của ông. Tuy nhiên khi ông trở nên giống Thày mình và hiểu được phận sự thật
của ông là làm tôi tớ Thiên Chúa, thì ông lại có thái độ khiêm tốn đối với những
ai ông cho là thấp kém hơn. Pho tượng này diễn tả một thời lúc trong đời sống
Phêrô khi ông vượt thắng bản tính của mình. Ông hiểu được Giêsu muốn gì, khi
ngài rửa chân các vị Tông đồ và bảo họ hãy trở nên tôi tớ của con cái Thiên
Chúa.»
Vị linh mục thán phục
lập luận của Giôsê, nhưng không ưa lối giải thích của chàng. Ông vẫn còn giận với
những gì ông trông thấy, như thể ông bị Giôsê đập cho cái búa tạ. Giáo sĩ kia
cũng kinh hãi khi thấy pho tượng kia mà ông nghĩ đó là của ông. Ông hiểu ý
nghĩa pho tượng mà Giôsê đưa cho cha Đabi, nhưng ông không hiểu cái này. Phêrô
đứng mặc áo lễ với dây choàng cổ, tay trái nắm chặt gậy chăn chiên và tay phải
giang ra cách uy nghi với một đám đông, trong đó dĩ nhiên có các vị Tông đồ
khác. Nó diễn tả hết mọi sự về Giáo hội mà những người đạo Phêntơcốt không ưa
thích, nhất là cái uy quyền cao cả. Giáo sĩ Rôlơn không thoải mái với cái bối cảnh.
Khi Giôsê đặt tượng gần ông, ông cảm thấy ngượng ngạo.
«Giôsê», giáo sĩ Rôlơn nói hết sức lịch sự,
«Tôi nghĩ có lẽ anh lầm khi làm hai pho
tượng này. Có lẽ cha Đabi thích pho tuợng này hơn, còn tôi thì thích pho tượng
anh làm cho cha hơn».
«Nếu người này thích pho tượng của người kia
và đổi cho nhau thì tôi cũng không phản đối», Giôsê đáp.
Hai người đổi tượng
cho nhau. Giáo sĩ lấy sổ ngân phiếu ra và viết một ngân phiếu đúng như giá tiền
mà Giôsê đã đồng ý làm, đó là 100 đôla. Cha Đabi ngạc nhiên.
«Tại sao pho tượng anh làm cho tôi đắt hơn
cái kia nhiều?» linh mục hỏi. Ông đã đồng ý trả cho Giôsê 135 đôla. Giôsê
không đòi giáo sĩ Phêntơcốt nhiều tiền, vì chàng biết cộng đoàn của ông nghèo, và
họ rất khó mà kiếm nhiều tiền.
Giôsê mất cả nhẫn nại,
chàng nhìn cha Đabi. «Chúng ta đã không đồng
ý giá phải chăng là 135 đôla sao?», Giôsê hỏi ông. «Hai vị có quyền đổi giá cả cho nhau, nhưng đó là việc giữa hai vị».
Vị linh mục tức giận
ra mặt, nhưng ông không muốn tỏ ra mình nhỏ nhen trước mặt giáo sĩ kia mà ông
cho là thấp kém hơn ông cả về nghề nghiệp và địa vị. Ông chỉ nói với Giôsê là
chàng sẽ nhận tiền thù lao qua bưu điện, vì mọi giấy tờ tiền bạc của nhà thờ
ông phải trả theo thủ tục.
Xong đâu đấy, hai vị
mang tượng về. Giôsê tiễn họ ra cổng. Người tài xế đang đứng đợi chủ, anh đỡ lấy
pho tượng của ông. Cha Đabi cáo lỗi với giáo sĩ vì không thể cho ông đi nhờ xe
vì không còn chỗ. Giôsê nhìn hai ông và mỉm cười cách ranh mãnh như thể chàng
biết điều gì mà không ai biết được. Chàng đã chạm các pho tượng đó với một mục
đích, và mục đích đó sẽ đạt được mặc cho hai vị giáo sĩ nghĩ thế nào về chúng. Chàng
đi vào nhà và thở ra cách nhẹ nhõm.
Cái phòng thợ xem ra
trống rỗng khi không còn hai pho tượng. Giôsê tiếp tục làm các vật nhỏ còn lại.
Khi làm xong, chàng để chúng qua một bên. Chỉ còn vài cái nữa. Vào khoảng ba giờ
rưỡi thì chàng nghỉ làm.
Đó là ngày thứ sáu, Aron
sắp đến đón chàng. Chàng nghỉ việc sớm lo cơm nước, để khi Aron đến thì chàng
đã ăn xong. Trong lúc sửa soạn, chàng bị gián đoạn nhiều lần khi người ta đến lấy
hàng. Họ cám ơn chàng đã lấy giá phải chăng. Một người đàn ông đến sau khi những
người khác ra về. Ông tên là Đích. Ông đã đặt làm một vật nhỏ để mừng sinh nhật
vợ ông. Ông thích ngay Giôsê từ ngày gặp chàng ở xưởng cưa khi chàng đến mua gỗ.
Hai người thỉnh thoảng gặp nhau và bàn về nhiều chuyện. Đích dạy môn sử ở đại học
và làm nghề luật. Ông say mê sự hiểu biết của Giôsê về các biến cố lịch sử, cũng
như khả năng của chàng khi đưa ra những quan điểm rất khác với những gì mà các
sử gia chấp nhận. Đích kính trọng lối phán đoán của Giôsê, vì thế ông đưa những
giải thích về lịch sử của chàng vào môn học. Những gì Giôsê nói thì rất chí lý,
chàng lập luận rõ ràng về những trào lưu xã hội và chính trị qua dòng lịch sử. Chàng
giải thích được những dữ kiện mà cho đến nay xem ra không liên hệ gì với nhau.
Đích thuộc về nhà thờ
Prêbytêri trong làng. Ông rất hoạt động trong cộng đoàn và, vì là bạn thân của
vị chủ chăn, nên ông biết được những tin tức «chính thức» trong phố. Giôsê là đề tài của tin tức chính thức mới
đây, và điều đó làm Đích lo âu.
Ông bị giằng co giữa
sự trung thành với nhóm đầu não trong giáo xứ và tình bè bạn với Giôsê. Ông thấy
chàng rất cô đơn trong cộng đồng và dễ bị tấn công, nhưng ông không biết phải
làm thế nào. Cuối cùng ông quyết định nói cho chàng biết mà không phản bội vị
chủ chăn của ông, và một trật có thể giúp cho Giôsê.
«Giôsê», ông nói, «Tôi biết anh, và tôi hiểu cảm nghĩ của anh về mọi sự. Tôi biết anh chia
xẻ nỗi lo âu của tôi về việc các vị lãnh đạo tôn giáo lạm dụng quyền hành. Tuy
nhiên anh ở vào một hoàn cảnh khó khăn hơn tôi. Tôi có thể nói về tôn giáo
trong khuôn khổ lịch sử và che đậy lời công kích của tôi. Nhưng khi anh phát biểu
điều anh suy nghĩ, thì người ta nói đó là ý kiến riêng tư của anh, và họ phê
phán anh theo lời anh phát biểu. Phần đông dân chúng không hiểu được anh, họ lấy
làm chướng tai khi nghe đồn thổi về những gì mà họ nghĩ là anh đã nói. Rất tiếc
là khi nghe vậy, không vị chủ chăn nào thích cả.»
Giôsê chăm chú nghe.
Đích nói đúng. Đó là một nỗi khó khăn. Giôsê phát biểu một cách trung thực điều
chàng nghĩ, nhưng ít người có được kinh nghiệm cần thiết để hiểu chàng. Tuy
nhiên điều quan trọng là chàng nói lên ý nghĩ của chàng. Ít nhất dân chúng nghe
và suy nghĩ về điều chàng nói. Một lúc nào đó nó sẽ có hiệu quả, nhưng rủi thay
điều đó sẽ xảy ra sau khi chàng đã đi rồi.
«Đích, tôi biết ông đúng», Giôsê nói, «cám ơn ông đã nói với tôi điều đó. Tôi suy
nghĩ nhiều về điều tôi phải làm và phải nói, và chúng luôn luôn đi đến cùng một
kết luận - những người nghe sẽ không nghe hoặc không hiểu một cách như nhau những
gì tôi nói. Nhưng ý kiến của ai cũng bị như vậy. Ý kiến của tôi cũng không khác
hơn. Chỉ khác ở chỗ những gì tôi phải nói sẽ có ảnh hưởng đến đời sống của dân
chúng và con cái họ, và cũng sẽ ảnh hưởng đến sự liên hệ của họ với Thiên Chúa.
Họ cần phải hiểu rõ điều đó, vì thế tôi không thể làm khác hơn. Đợi lúc gió lặn,
rơm tàn, thì hạt lúa sẽ chồi lên.»
Tuy nhiên nhà tiên
tri sẽ luôn luôn là nạn nhân đầu tiên của sứ điệp của mình, và chỉ sau đó người
ta mới nói, «Bây giờ tôi mới hiểu. Nhưng ông đã đi rồi!». Đích lắng nghe và
thán phục ý nghĩ của Giôsê cũng như sự bình tĩnh can đảm của chàng trước sóng
gió sắp đến. Điều đó cho thấy đây không phải là lần đầu tiên Giôsê gặp hoàn cảnh
như thế. Ông nhìn nghệ phẩm mà Giôsê đã làm cho ông. Đó là hình một người đàn
ông đứng gần dậu thổi sáo, trong khi trẻ con nhìn đi nơi khác có vẽ không thích,
còn chim chóc đậu trên bờ giậu thì lại chăm chỉ nghe, và một người đàn bà đứng
gần giậu nhìn anh một cách thán phục. Đích nhận ra đấy là gia đình của ông. Ông
không nhịn cười được trước cái ý nghĩ của Giôsê về những vấn đề nhà ông. «Giôsê», ông nói, «thật là thông minh và hoàn hảo trong từng chi tiết! Làm sao anh có đủ
nhẫn nại để làm các chi tiết tỉ mỉ thế đó? Dẫu có khả năng làm, tôi cũng không
thể cầm trí được».
Đích nài nĩ trả tiền
cho Giôsê, nhưng chàng không lấy. Đích nói đó là món quà cho sinh nhật vợ ông, và
ông thấy không phải lẽ nếu ông không đóng góp một ít trong việc trả tiền. Tình
yêu mà Giôsê diễn tả nơi bức tranh quả là một kho tàng quí giá cho cả ông và vợ
ông. Chàng hy vọng lũ trẻ cũng đọc được bài học đó. Đích biết ơn lắm, ông ôm lấy
Giôsê, nước mắt chảy xuống má khi ông nghĩ rằng Giôsê hiểu và yêu gia đình ông
khi chàng chạm bức tranh.
Ông đỡ lấy bức tranh
và lắc đầu không tin khi ông bước ra cửa với Giôsê. Họ cùng đi ra với nhau. Ông
cười thầm khi bước lên xe, ông nghĩ không biết vợ ông sẽ phản ứng thế nào khi
bà thấy món quà.
Aron đến đúng giờ. Xe
của ông được rửa láng bóng trở lại. Ông rửa nó trước khi ông đến vì biết chàng
sẽ để ý. Giôsê đợi ở hiên nhà và bước ra xe khi Aron dừng lại. Chàng ngại ngùng
mỗi khi Aron bước xuống mở cửa xe cho chàng. Chàng tự mở cửa xe để tránh mọi
phiền hà. «Tôi thích ông rửa xe sạch sẽ»,
Giôsê nói trong khi bước lên xe. «Tôi
không thể tưởng tượng
được nó sẽ như thế nào nếu hai tuần mà không rửa».
Aron cười. «Giôsê, anh lanh trí quá. Anh có biết tại sao
tôi rửa xe không? Làm sao tôi có thể đưa một người mẫu như anh đến nguyện đường
trên một chiếc xe nhớp nhúa».
Giôsê vỗ lên đùi Aron.
«Tôi xứng đáng lắm mà», chàng nói
cách hài hước.
Trên đường Aron thổ
lộ một ít tin tức hấp dẫn với Giôsê. Một nhóm người có thế giá thuộc nguyện đường
đã đến gặp vị tư tế trong tuần với một lời đề nghị. Lêgâu, Massia và một vài
người nữa đứng đàng sau đề nghị ấy. Khi Giôsê hỏi việc gì đó, mặt Aron sáng rỡ
lên, nhưng ông nói không thể tiết lộ cho chàng, phải để cho vị tư tế tuyên bố. Ông
hy vọng Giôsê sẽ đồng ý với lời đề nghị. Giôsê không tìm hỏi thêm nữa.
Khi đến nguyện đường,
họ được chào đón niềm nở như mọi lần. Aron bỏ Giôsê ở đó, và một người đàn ông
lạ mặt đến tự giới thiệu với chàng. Ông nghe nói Giôsê đến nguyện đường mỗi tuần
và được tiếp đãi nồng hậu. Ông không thích điều đó tí nào cả. Đó là lý do ông đến
hôm nay. Ông và gia đình ông đã bị những người Kitô giáo bách hại trong nhiều
năm, ông không chịu được khi nghe một người Kitô giáo được dân của ông tiếp đãi
một cách nồng hậu. Ông tố cáo Giôsê nhiều điều, nói rằng chàng phải chịu tội của
những người đã bách hại dân tộc ông và giết họ trong các trại tập trung.
Giôsê thương hại tâm
hồn đau khổ của ông và nghĩ rằng đối chọi với ông là độc ác quá. Rồi, trước sự
ngỡ ngàng của ông, chàng tự động giang tay ôm chầm lấy ông và ôm ghì ông một
cách âu yếm. Chàng xin lỗi ông về những khốn khổ mà người đồng đạo của chàng đã
làm đối với gia đình ông và người Do thái qua bao thế kỷ. Người đàn ông xúc động
vì tình yêu thương chân thành của Giôsê, nên nức nở khóc. Ông ôm lấy Giôsê và
khóc như một trẻ sơ sanh. Chỉ trong chốc lát, bao cay đắng và hận thù đều tan mất
trong tâm hồn ông, và toàn thân ông mềm nhũn như được giải toả hết mọi căm hờn
và bệnh hoạn chồng chất bao năm.
Những người biết ông
và đã xa tránh ông vì mối thù hằn của ông, phải sững sờ trước sự thay đổi đột
ngột nơi ông. Mọi người nhìn theo khi ông và Giôsê cầm tay nhau bước vào nơi
thánh. Biến cố ấy không dễ gì quên được ngay.
Người đàn ông ngồi
chung với Giôsê suốt buổi lễ và ngạc nhiên khi nghe Giôsê đọc kinh và hát thánh
vịnh bằng tiếng Hêbrơ rất thông thạo. Sau lễ hai người cùng đi ra với nhau. Khi
những người ái mộ Giôsê quây quanh chàng để nghe chàng thuyết trình như thường
lệ, ông ấy cũng nhập bọn. Ông nhận thấy Giôsê là người rất tốt, vì chàng thông
hiểu bản tính nhân loại. Chàng nói rằng con người chỉ tìm được bình an khi họ gạt
bỏ những nhỏ nhen và thành kiến, cả đến những thành kiến đâm rễ trong bao thế kỷ.
Chỉ một tâm trí cởi mở mới có thể khai triển được những thái độ cần thiết cho
hoà bình. Mọi sự trên thế gian này không thể mang lại hoà bình; chúng ta chỉ có
hoà bình khi biết vượt lên vật chất mà không còn ham muốn nó nữa. Cả đến dân
Chúa cũng phải ý thức rằng mọi dân tộc đều được ngài chọn để hoàn thành một vai
trò riêng biệt trong định mệnh của nhân loại. Và chỉ khi chấp nhận những dân tộc
khác như những người cùng chia xẻ bình đẳng trong chương trình của Chúa, họ mới
có thể được gia đình nhân loại chấp nhận.
Đây là những ý tưởng
rất can đảm mà Giôsê đã nói lên. Tuy nhiên, dẫu chúng có hay ho đến đâu, thì một
số ông bà có tuổi đã đau khổ nhiều trong đời sống chỉ gật đầu nhưng không thể
chấp nhận. Nếu muốn tìm tình yêu và được chấp nhận, trước tiên phải yêu và chấp
nhận, bởi vì tình yêu chỉ có thể nhận sau khi cho. Không ai phản đối điều Giôsê
nói. Họ đã hiểu biết chàng và ý thức rằng điều chàng nói có một ý tưởng và cảm
nghĩ rất sâu xa, và nó phát xuất từ sự hiểu biết thâm thúy về đời sống. Mọi người
đều muốn nghe chàng nói, và nhiều người cũng đồng ý với chàng.
Một trong những người
bạn của Vu-Di đi dự lễ tối đó tên là Phiên và vợ anh là Ái. Họ nhập vào đám người
ngồi thành vòng tròn chung quanh Giôsê. Họ đến cùng với Massia là bạn của gia
đình. Họ chỉ nghe mà không tham gia vào những cuộc thảo luận. Massia một vài lần
muốn hỏi, nhưng nghĩ rằng những câu hỏi của mình chắc không hấp dẫn đối với những
người khác, nên nàng lại thôi.
Khi buổi dạ hội chấm
dứt, Massia giới thiệu Phiên và Ái với Giôsê. Họ làm bạn với nhau ngay. Phiên cởi
mở và bình dân. Chàng nói chuyện hài hước với Giôsê ngay từ lúc đầu, «Một người tử tế như anh thì làm sao có thể
làm bạn với Vu-Di?». Giôsê cười. «Dễ
lắm. Đối với Vu-Di, thấy anh ấy sao là đúng vậy. Không mưu mẹo, không gian xảo.
Không phức tạp, không giấu giếm. Ước gì có được nhiều người như anh ta».
«Anh thích Vu-Di lắm, phải không?», Phiên
hỏi, nhưng không lấy làm lạ lắm.
«Tại sao không?». Đó là câu trả lời đơn
sơ của Giôsê.
«Hỏi thử thôi. Không có gì, Giôsê. Anh là người
tôi thích. Nếu tôi có thể làm giúp được gì, anh cứ gọi, tôi sẽ đến». Khi
Phiên nói thế, thì rõ ràng là tình bằng hữu của họ đã trở nên keo sơn. Anh, Vu-Di
và gia đình Sanđê, đúng hơn là cả nhóm, cùng có một tôn chỉ. Đó là thực tế, thành
thật và yêu thương. Giôsê nghĩ đến các Tông đồ và đời sống vất vả cũng như ngôn
ngữ cộc cằn của các ông, khi các ông nghĩ rằng Giêsu không muốn nghe các ông.
Khi họ còn đang nói
chuyện thì Aron đến. Đợi cho họ nói xong, ông bảo Giôsê rằng vị tư tế muốn gặp
chàng. Một nụ cười tươi nở trên môi chàng, và khi chàng thấy Massia ở đó chàng
nháy mắt với nàng như thể chàng biết việc gì rồi.
Văn phòng của vị tư
tế rất ngăn nắp. Ông là một học giả, và hầu hết những sách vở dọc trên tường
ông đã đọc hết, không phải như nhiều người chỉ mua sách để chưng. Sàn nhà trải
một tấm thảm lông màu nâu. Có mấy cái ghế nhung màu nâu sậm được đặt chung
quanh bàn viết của ông.
Khi Giôsê bước vào, vị
tư tế đứng lên niềm nở chào chàng. Ông kéo ghế mời Giôsê, và cả hai cùng ngồi
xuống.
«Giôsê», tư tế Di-Ninh bắt đầu, «Cám ơn anh đến gặp tôi. Tôi biết Aron đưa xe
anh về mỗi tối thứ sáu, vì thế tôi không muốn ông ấy đợi lâu. Điều tôi sắp nói
sẽ không dài dòng lắm, và tôi hy vọng anh thứ lỗi cho».
Giôsê lắng nghe vị
tư tế nói tiếp, «Dân chúng của tôi bắt đầu
thích anh trong những tháng qua. Họ rất cảm kích những buổi nói chuyện ngắn của
anh mỗi tuần. Họ chưa bao giờ gặp một người như anh, và tôi phải thú nhận là
tôi đồng ý với họ. Anh là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng tôi. Trong tuần qua, một
vài người trong ủy ban đến gặp tôi và đề nghị anh diễn thuyết cho toàn thể cộng
đoàn. Tôi rất ngạc nhiên, vì tôi cũng đang nghĩ như vậy, nhưng tôi hơi ngại đề
xướng lên. Tôi nói với họ là không có gì ngăn trở, và tôi nghĩ rằng ý kiến đó rất
hay. Họ yêu cầu tôi thảo luận với anh về việc này và hỏi xem anh có đồng ý
không. Như vậy, anh bạn Giôsê, tôi sẽ rất hãnh diện nếu anh nhận lời nói chuyện
với cộng đoàn chúng tôi vào buổi lễ thứ sáu tuần tới».
Giôsê thích lắm. Nước
mắt dâng lên mắt khi chàng nhớ lại một lời mời tương tự lâu lắm rồi. «Thưa thày, thày không thể tưởng tượng được
tôi vui sướng như thế nào», Giôsê nói. «Chính
tôi là người hân hạnh được thày tiếp đãi nồng hậu và tử tế. Tôi rất vui sướng
được nói chuyện với dân chúng của thày Thứ Sáu tuần tới».
«Gấp quá không? Anh có cần thời giờ để chuẩn
bị không?», vị tư tế hỏi.
«Không gấp, tôi đã chuẩn bị từ lâu».
«Được, thế là xong, tối Thứ Sáu nhé».
Hai người bắt tay
nhau, và vị tư tế tiễn Giôsê ra cửa.
Comments
Post a Comment