14 Chương mười bốn ‒ Công việc còn dở dang


Chương mười bốn
Công việc còn dở dang

Khi những ngày cuối cùng của cuộc đời Đức Giêsu sắp kết thúc, chúng ta thấy ngài rất điềm tĩnh và can đảm trước cái bất hạnh sắp đến. Ngài thấy trước các biến cố và tiếp tục thi hành sứ mệnh Cha của ngài giao phó cho. Ngài biết rằng mình không thể ra đi trước khi mọi sự được hoàn thành. Không gì có thể thay đổi điều đó. Vì thế ngài chú tâm đến các diễn tiến. Chẳng hạn lễ Vượt Qua với các nhân vật và biểu tượng mà ngài nghĩ đó là hình ảnh của việc hy tế của chính mình để chuộc tội cho nhân loại. Có những công việc còn đang dỡ dang với các môn đệ. Các ông vẫn chưa biết ngài là ai. Phêrô tuyên xưng ngài là Vị Cứu Tinh, là đấng Kitô, là Con Thiên Chúa hằng sống. Chúng ta không biết ông có hiểu lời tuyên xưng của ông không. Các môn đệ khác thì còn kém hơn. Người Dothái khó mà chấp nhận một người đi lại ngoài đường là Thiên Chúa. Ngày kia, Đức Giêsu đem Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi. Khi ngài cầu nguyện thì Maisen và Êlia hiện ra và bàn luận với ngài về các biến cố sắp xảy đến. Các môn đệ thấy thế, đâm ra sợ hãi. Không thể ngờ được Maisen và Êlia nói chuyện với ngài! Ngài phải là một nhân vật rất quan trọng, có thể ngài là Vị Cứu tinh. Các môn đệ nghĩ sao? Các ông rất thán phục và muốn xây một ngôi đền để kính nhớ biến cố này. Giờ đây ba ông nhìn Giêsu với cái nhìn mới, cái nhìn này sẽ ở mãi với các ông và giúp các ông hiểu được ý nghĩa của các biến cố hãi hùng sắp xảy ra. Giờ đây các ông biết những gì sắp xảy ra nằm trong kế hoạch mà Thiên Chúa dã sắp đặt sẵn cho Thầy của mình. Mặc dù các ông không thông hiểu, nhưng kế hoạch này đang diễn ra trong cuộc đời của Đức Giêsu và của các ông. Các ông cảm thấy đó là một định mệnh lạ lùng.
Đức Giêsu nói nhiều điều trong những ngày cuối cùng này. Vương quốc của Thiên Chúa là mối quan tâm nhất của ngài. Ngài không những nói với các môn đệ nhưng với những người theo ngài về vương quốc và ngài hiểu vương quốc như thế nào. Nó như một cánh đồng lúa mà kẻ thù đã lén gieo cỏ lùng vào đấy để phá hoại mùa màng. Nó giống như một chủ điền sáng sớm đi thuê một số thợ làm vườn nho với số lương ấn định. Sau đó ông lại thuê thêm những người thợ khác. Cuối ngày, ông bảo đốc công trả lương đồng đều cho thợ, làm những người vất vả suốt ngày phải sửng sốt. Đó là những điều ngài gợi cho biết sẽ xảy ra trong Vương quốc khi ngài đi rồi.
Ngài cũng ví vương quốc ở trần gian như một con buôn đi tìm ngọc. Khi tìm được một viên ngọc quý, anh về bán hết tài sản để tậu nó. Vương quốc cũng giống như một kho vàng chôn trong đồng lúa, và người tìm ra nó sẽ bán hết tài sản mà mua nó.
Trong những tỉ dụ đó, Đức Giêsu cho biết vương quốc là vô giá, nó rất quí báu nên người ta sẵn sàng hy sinh tất cả để gia nhập. Nhưng ngài cũng rất thực tế và bảo những ai theo ngài rằng vương quốc ở trần gian là gia đình gồm những người yếu đuối, què quặt cần được cứu chuộc. Do đó, đừng nghĩ là sẽ có một xã hội hoàn hảo.
Ngài ví vương quốc như người đi đánh cá. Anh kéo lưới vào bờ mà lựa cá, có con tốt có con thối. Vương quốc trần gian như thế đó, Giáo hội như thế đó. Ngài cũng ví vương quốc như người đi chài lưới trong hồ nước. Anh xúc từ đáy hồ lên đủ thứ. Đồ tốt thì để dùng hay bán, còn đồ xấu và rác rưới thì quăng đi. Đó là cách thức Đức Giêsu dạy các môn đệ và chúng ta về giá trị của vương quốc ở trần gian mà ngài ban cho chúng ta. Nhưng vương quốc cũng gồm những người tội lỗi với nhiều hành vi xấu xa. Đừng nghĩ rằng vương quốc chỉ gồm những người tốt lành. Ở cấp bậc nào cũng thế, vương quốc sẽ luôn có những người tội lỗi. Khi những người tội lỗi bị loại ra, thì nó sẽ không còn là Giáo hội của đấng Chăn Chiên Lành. Vì thế hãy cố bám lấy kho tàng. Khi thấy những cái xấu trong vương quốc thì đừng thất vọng mà đi tìm những ảo tưởng vô thực chất. Nhiều người đã làm thế trong suốt lịch sử.
Đức Giêsu cũng quan tâm đến thái độ của các môn đệ. Khi ngài đi ngang qua vùng Samaria trên đường đi Giêrusalem, dân Samaritanô thấy bị đụng chạm và tức giận vì ngài đi Giêrusalem. Họ không muốn mời ngài vào làng. Giacôbê và Gioan bực tức và hỏi ngài có nên gọi lửa từ trời xuống thiêu đốt họ không. Đức Giêsu phải lo âu vì qua bao năm sống với ngài mà các môn đệ vẫn chưa thấm nhập tinh thần của ngài. Ngài bèn đặt cho hai ông cái tên ỏCon cái sấm sétõ vì tính ưa trả thù của hai ông.
Ngày nọ Phêrô đến hỏi Đức Giêsu, «Thưa thày, tôi phải tha thứ cho kẻ thù bao nhiêu lần? Bẩy lần phải không?» Ngài đáp, «Không phải bẩy lần, mà bẩy mươi bẩy lần. Họ phạm đến anh bao nhiêu lần, là anh phải tha bấy nhiêu.» Câu chuyện chấm dứt ở đó. Phêrô bỏ đi, tay gãi đầu. «Bẩy mươi bẩy lần. Nhiều quá. Bẩy lần thì cũng đã quá lắm rồi. Không thể được, bẩy mươi lần bẩy.»
Nhiều người không hiểu lời Đức Giêsu nói, nhưng rõ ràng là ngài muốn nói thế. Có phải đấy chỉ là cách nói, hay ngài thật sự muốn như vậy?
Bên ngoài xem ra Đức Giêsu không cố ý đặt một gánh nặng tâm lý lên dân chúng. Ngài đến để cất nó đi khỏi tâm hồn họ. Thật là phi lý khi ngài đặt nó lên những người theo ngài. Ngài có mục đích gì?
Tôi suy nghĩ mãi về vấn đề phải tha thứ này. Nếu suy niệm về đời sống của ngài, thì thấy ngài luôn thi hành điều ngài giảng dạy. Ngài luôn luôn tha thứ, mặc dù không thấy nói rõ ràng lắm. Nếu bạn nghĩ ngài là ai và cách thế dân chúng đối xử với ngài, tất ngài phải bị sỉ nhục lắm. Ngài đi đến miền Nadarét là quê hương của ngài. Những người mà ngài đã sống với trong ba mươi năm bây giờ trở mặt và tìm cách giết ngài. Ngài lánh họ và trốn ra khỏi vùng. Suốt cuộc đời công khai, ngài hoạt động ở vùng Caphanaum, làm nhiều phép lạ, nhưng dân chúng trong vùng đó không tin nghe ngài và sứ điệp của ngài mà quay về với Thiên Chúa. Điều này cũng xảy ra ở Bêsaiđa. Ngài buồn lắm vì họ không mở lòng ra. Ngài thương khóc cho số phận của họ khi ngài thấy trước rằng quân đoàn Lamã sẽ đến tiêu diệt họ. Ngài yêu thương Giêrusalem, nó làm tan nát lòng ngài cũng như lòng Cha ngài qua bao thế hệ. Ngài cũng khóc khi nghĩ đến những bất hạnh sẽ xảy đến với nó.
Một ngày kia ngài giảng dạy dân chúng. Họ thích nghe ngài, nhưng điều ngài dạy lại quá mơ mộng. Ngài xem ra dễ mến, nhưng lại mơ mộng. Sứ điệp của ngài lại quá đơn sơ, quá lý tưởng. Họ thích có một chiến sĩ hơn, một tướng lãnh dũng mạnh làm vị cứu tinh. Họ thất vọng về ngài và bỏ đi. Ngày hôm sau họ lại đến, không phải để nghe ngài nói, nhưng lại đem đến người bệnh, người què, người mù để xin ngài chữa cho. Không màng đến thái độ của họ đối với sứ điệp của ngài, Đức Giêsu lại ra tay cứu chữa và ban an bình cho tâm hồn khổ đau của họ mà không chút tị hiềm.
Cả những kinh sư và người Pharisêu theo dõi từng bước đi của ngài, ngài vẫn cố gắng đem họ về lại với Thiên Chúa. Khi họ mời ngài đến nhà họ dùng bữa, ngài không bao giờ từ chối. Mặc dù họ không đối xử tử tế và lịch sự, ngài vẫn luôn luôn nhã nhặn.
Với tất cả những điều tốt ngài làm cho dân chúng, nhưng chỉ có một người đến cám ơn ngài. Anh ta là người ngoại quốc. Cuối cùng kẻ thù của ngài bắt ngài và đưa ngài đem đóng đinh. Trần truồng trên thập giá, ngài nhìn xuống kẻ thù của mình và chỉ nói: «Lạy Cha, xin tha cho chúng; chúng không biết việc chúng làm».
Đức Giêsu thi hành điều ngài dạy về sự tha thứ, nhưng điều đó không giải thích được lý do tại sao ngài lại nhấn mạnh về sự tha thứ tuyệt đối này. Hầu hết mọi người tha thứ nữa vời, «Được rồi, tôi tha thứ, nhưng tôi không nói chuyện với ngưới ấy nữa». Đấy không phải là tha thứ. Đó chỉ là một hình thức trả đủa rất đích đáng, nhất là trong trường hợp đối với cha mẹ, anh chị em, hay một người thân thích. Đó là từ chối yêu người ấy. Đó là loại người ấy ra khỏi đời sống của mình. Đó là nói với họ rằng mình không muốn biết việc gì xảy ra với họ, tốt hay xấu. Nếu người ấy chết, thì mình cũng đến đọc kinh để làm trọn nghĩa vụ tình yêu. Thế là chấm dứt. Thật là nhỏ nhen! Người ta vẫn tìm ra cách tự bào chữa rất chính đáng. Tôi có đọc một quyển sách nói về hai anh em không nói chuyện với nhau trong nhiều năm. Một trong hai người nuôi mẹ già đang đợi chết mà không nói cho người kia biết. Khi mẹ già chết, anh ta cũng không báo tin. Mãi lâu sau người kia mới biết mẹ mình đã chết. Anh buồn tủi. Quyển sách tên là Blood Brothers (Anh em ruột thịt) của tác giả Elia Chacour. Đó là một câu chuyện thật cảm động về tình tha thứ trong một gia đình Ả Rập-Kitô giáo ở xứ Palêtina. Tổ tiên của họ sống từ thời Đức Giêsu. Họ bị đuổi đi và nhà cửa bị đặt mìn phóng hỏa.
Đức Giêsu thường xuyên chứng kiến loại căm thù và xấu bụng đó. Thực ra có một lề luật cho phép làm điều đó, «Mắt đền mắt, răng đền răng». Nếu ai làm bạn bị thương tích, bạn được gây lại thương tích tương tự. Trả đủa như thế rất là tai hại.
Một ngày kia Đức Giêsu đề cập đến vấn đề đó. «Người ta thường nói ‘mắt đền mắt, răng đền răng’, nhưng tôi nói cho các người hay nếu tận đáy lòng các người không tha thứ cho anh em, thì Cha của tôi ở trên trời cũng sẽ không tha thứ cho các người». Đức Giêsu luôn luôn suy nghĩ về điều này và đã đề cập đến nó trong nhiều dịp khác. Nó là thành phần chính trong sứ điệp của ngài. Thực vậy, ngài đến để giao hoà thế gian với Thiên Chúa, để xin Cha ngài tha thứ tội lỗi cho gia đình nhân loại, và yêu cầu những ai theo ngài phải vượt trên những nhỏ nhen để tha thứ cho nhau.
Một vài năm trước đây tôi chợt hiểu rõ ràng hơn những gì Đức Giêsu cố gắng dạy bảo chúng ta. Tôi thấy rằng ngài đã không đặt một gánh nặng lên đầu cổ những ai theo ngằi, nhưng là ban cho chìa khoá hoà bình nội tâm đích thực và hoà bình trên thế gian. «Nếu bạn muốn có hoà bình trong tâm hồn và với người láng giềng, hãy học tha thứ.» Thực vậy, ngài nhằm đến những gì sâu xa hơn, những gì mà chính bản thân ngài thực hành. Đừng tức giận, nhưng hãy cố gắng tìm hiểu nỗi khổ đau tạo nên bực tức của người khác. Như thế, bạn sẽ thấy sự đau khổ và bất bình thường của họ mà cảm thông họ và đừng để sự khổ não của họ xúc phạm đến mình. Điều đó rất chí lý. Không phải dễ dàng làm được điều này và Đức Giêsu cũng đã thấy như vậy, nhưng đó là cách thức độc nhất để có hoà bình. Nếu chúng ta tập sống như thế mỗi ngày, thì nó sẽ dễ dàng hơn và sẽ trở thành một bản tính thứ hai.
______________________

Chương trước (13) <=> Chương sau (15)


Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam