12 Giôsê - Chương mười hai
CHƯƠNG
MƯỜI HAI
Sáng thứ hai tiếng đồn
lan khắp phố rằng một người đàn bà ngủ đêm ở nhà Giôsê. Một vài người không đồng
ý và nói rằng họ thấy một người đàn bà rời nhà chàng không muộn lắm. Một số người
khác nói ngược lại và nhất quyết là nàng ngủ lại đêm. Khi Giôsê đi đến quán
sáng hôm đó, dân chúng vẫn tử tế như thường lệ, nhưng chàng thấy có cái gì thay
đổi. Một người đàn bà trong nhóm người gặp chàng hôm trước đứng nói chuyện với
một bà khác, nhưng thỉnh thoảng len lén nhìn về phía chàng.
Giôsê đoán được việc
gì đang xảy ra, nhưng chàng không làm gì được. Chàng vẫn cởi mở và thân thiện
như mọi khi.
Khi về đến nhà, chàng
cất gói hàng và trở ra làm việc. Chàng làm xong các đồ nhỏ và bắt tay vào pho
tượng Phêrô Tông Đồ. Chàng đã chọn loại gỗ đặc biệt để làm, vì phải nối các mảnh
lại với nhau để làm nền. Cái pho tượng sẽ như một hình chìm hơn là hình nổi, vì
thế chàng cần loại gỗ khô lâu ngày cho khỏi nứt khi làm xong.
Sau đó chàng đi bộ
lên hãng cưa để lấy thêm gỗ. Trên đường chàng gặp lũ trẻ mà chàng đã khắc tượng
cho. Chúng nhìn đi nơi khác khi thấy chàng. Giôsê chào chúng, nhưng chúng không
trả lời. Chàng tiếp tục đi và sau đó về lại nhà. Chàng dành trọn ngày làm các
pho tượng. Chiều hôm đó những nét đại cương bắt đầu xuất hiện.
Ngày thứ ba chàng dự
buổi họp các giáo sĩ. Buổi họp xảy ra tại nhà hội của nhà thờ Prêbytêri. Tất cả
mọi giáo sĩ trong phố đều có mặt ở đó, có cả cha Phát. Vị chủ chăn của cha Phát
không đến. Ông nghĩ rằng Giáo hội Công giáo nắm trọn chân lý, nên không lý gì
phải làm bạn với các giáo sĩ khác. Buổi họp bắt đầu bằng kinh nguyện, cầu xin
Thiên Chúa hướng dẫn các vị trong công việc, và xin Thánh Linh dùng các vị như
khí cụ hoà bình và tình yêu trong cộng đồng. Giôsê cúi đầu khi họ cầu nguyện.
«Giôsê», vị chủ tịch buổi họp bắt đầu, «chúng tôi cám ơn anh đến dự buổi họp hôm nay.
Chúng tôi thấy có nhiều xáo trộn từ ngày anh dọn đến phố. Chúng tôi muốn giải
quyết mọi việc cho ổn thoả kẻo sinh ra tệ hơn. Trước hết, chúng tôi rất quan
tâm đến lời phê bình của anh về tôn giáo. Theo như tôi nghe, thì anh chỉ trích
lối hành đạo của các nhà thờ. Có đúng vậy không?»
«Trước hết», Giôsê bắt đầu nói, «Tôi không chủ ý bàn về các vấn đề đạo. Dân
chúng đến gặp tôi và nói đủ thứ chuyện, trong đó có vài câu hỏi về tôn giáo được
nêu lên. Khi họ hỏi, tôi chỉ trả lời cách đơn sơ và thành thật. Thực vậy, đạo
không được giữ như Giêsu đã dạy và mong muốn».
«Tại sao anh nói vậy?», giáo sĩ Ân hỏi.
«Bởi vì các vị lãnh đạo tôn giáo bắt chước
cách thức của Do Thái giáo mà Giêsu đã cực lực công kích».
«Chẳng hạn?», giáo sĩ Ân tiếp.
«Chẳng hạn khiến tôn giáo trở thành việc tuân
giữ những tập quán do các vị lãnh đạo tôn giáo bày ra. Tỉ như các giáo phái
Kitô. Không phải việc theo Giêsu làm quý vị khác nhau. Nhưng chính những tập
quán do quý vị tạo nên đã làm quý vị khác nhau và chia rẽ nhau. Điều đó làm
Kitô giáo trở thành trò hề và hủy diệt ảnh hưởng chung mà quý vị đã có thể tạo
nên trong thế gian».
«Tôi đồng ý về điểm đó», giáo sĩ Ân trả lời.
Tuy nhiên những vị
khác không đồng ý. Một trong các giáo sĩ hỏi chàng có học thần học hay Thánh
Kinh không. Nếu không học thì làm sao hiểu biết được? Giôsê trả lời rằng Thánh
Kinh rất rõ ràng cho những ai muốn đọc với một tâm hồn cởi mở, và lịch sử cũng
đã chứng minh như vậy.
Khi vị giáo sĩ
Prêbytêri hỏi tại sao chàng đi lễ từ nhà thờ này đến nhà thờ khác mà không dứt
khoát gia nhập vào một nhà thờ, Giôsê trả lời, «Tôi thích cầu nguyện chung với những ai thành tâm tôn thờ Thiên Chúa. Mỗi
nhà thờ của quí vị giảng một khía cạnh lời Giêsu dạy, nhưng lại đi sai với sứ
điệp nguyên thuỷ. Giêsu nhiệt tâm cầu xin cho dân chúng được hiệp nhất, còn các
vị thì chia rẽ vì cãi vã và ganh tị nhau. Quí vị đã chia rẽ dân chúng và ép họ
phải trung thành với bè nhóm hơn là trung thành với Giêsu. Đó là một tội lớn. Quí
vị làm vô hiệu năng và vô ý nghĩa lời giảng dạy của Giêsu cùng điều luật yêu
thương của ngài, bằng cách ép buộc dân chúng phải trung thành với những truyền
thống của quí vị.»
Họ sững sốt nghe những
lời chàng nói; và khi chàng nói xong, một bầu khí yên lặng ngột ngạt bao trùm tất
cả. Trong buổi thảo luận tiếp theo, Giôsê vạch lại lịch sử của mỗi giáo phái và
tại sao họ tách lìa với thân thể Chúa Kitô để tạo nên lối giải thích riêng về điều
Giêsu dạy.
Buổi họp kết thúc
không mấy tốt đẹp. Các giáo sĩ giận dỗi vì lời chỉ trích chua cay của chàng đối
với các giáo phái. Khó mà có thể nhã nhặn với chàng. Để kết thúc, họ đồng ý với
nhau rằng Giôsê không được đi lễ ở nhà thờ của họ, trừ khi chàng dứt khoát gia
nhập vào một đạo. Giáo sĩ Ân và cha Phát là hai người không đồng ý với quyết định
chung, và sau đó hai vị nói riêng với Giôsê rằng chàng có thể đến nhà thờ của
hai vị lúc nào chàng cảm thấy thích. Cha Đabi phải bỏ buổi họp sớm, vì thế cha
không biểu quyết. Giáo sĩ Rôlơn cũng không dự buổi họp đó, nên ông không tham dự
vào những gì đã xảy ra.
Giôsê yên lặng ra về,
lòng không xáo trộn. Về đến nhà, chàng bắt tay làm các pho tượng. Chàng làm tận
lực ngày hôm đó và những ngày kế tiếp. Lúc gần cuối tuần thì các pho tượng đã
làm được nhiều. Mặc dù đề tài của hai pho tượng giống nhau, nhưng lối diễn tả của
mỗi cái lại khác nhau. Thực vậy, sự tương phản rất là rõ rệt, như thể người nghệ
sĩ đang trình bày hai sứ điệp khác nhau qua lối mô tả của cùng một nhân vật.
Vào giữa tuần, đài
truyền hình phóng ra chương trình đặc biệt về Giôsê. Có những cuộc phỏng vấn
Giôsê, có những cảnh trong vườn, và một cảnh thôn dã xinh xắn chiếu Giôsê đang
đi qua cánh đồng với con cừu của Dô Lăng-Phơ đi bên cạnh. Đó là hình ảnh đầu
tiên mà phái đoàn truyền hình thâu, bởi vì khi họ đến thì Giôsê đang từ đồng cỏ
về. Chàng không có chuẩn bị, nhưng hình ảnh rất mực giống chàng. Cũng có những
màn Giôsê đang chạm các chi tiết phức tạp của các bức tượng. Màn nổi bật nhất
là bài phỏng vấn Giôsê: chàng trả lời những câu hỏi được đặt ra về đời sống và
ý nghĩ của chàng. Chàng ngay thẳng, trung thực như thường lệ, và rất hùng biện
khi nói về tôn giáo.
Khi họ hỏi chàng thuộc
tôn giáo nào, chàng đáp, «Tôi nghĩ rằng
tôi thuộc về truyền thống Do Thái-Kitô, và sứ điệp mà truyền thống đó dạy. Tuy
nhiên truyền thống đó đã bị đánh đổ, vì thế cái minh triết của nó đã bị lu mờ
do những người rao giảng một sứ điệp bằng lời nói và một cái khác bằng việc làm.
Bất cứ nơi nào tôi cũng muốn được gần gũi những ai cố gắng đem tình yêu và sự
hiệp nhất trở lại cho gia đình nhân loại».
Khi hỏi về việc đi dự
lễ ở nguyện đường Do Thái, chàng trả lời rằng chàng thích lắm và nghĩ rằng các
nghi thức ở đó cũng có phần giống Kitô giáo, bởi vì Kitô giáo phát sinh từ Do
thái giáo. Cái nhìn của chàng về tôn giáo được cởi bỏ hết mọi tị hiềm nhỏ nhen
mà hầu hết những ai sùng đạo đều mắc phạm khi bàn về tôn giáo. Chàng nhìn chung
đến cố gắng của dân Chúa đang thành tâm tôn sùng Thiên Chúa và phục vụ lẫn nhau.
Chàng nhìn tôn giáo như một đoàn dân hơn là một tổ chức, chàng không thấy có gì
mâu thuẩn khi hoà đồng với những ai tin tưởng. Điều đó rất đơn sơ đối với chàng
và, như một phỏng vấn viên chú thích, «một
quan điểm hiếm có và rất đẹp đẽ».
Khi được hỏi về những
trở ngại trong việc hiệp nhất các Kitô hữu, thì chàng trả lời cách sắc bén và
ngay thẳng. «Nhiều vị lãnh đạo tôn giáo
không muốn vậy. Họ nói về hiệp nhất nhưng hoạt động một cách hời hợt, giả vờ hiệp
nhất nhưng tận đáy lòng thì không muốn gạt bỏ những gì họ đang có. Vì thế họ
trì hoãn những hoạt động chính yếu cho hiệp nhất. Họ cũng tranh luận rằng những
khác biệt về đức tin là một trở ngại lớn cho hiệp nhất. Họ nói thế vì quá chủ
quan về lòng tin của tín đồ của họ. Đó là một điều sai lầm. Thực vậy dân chúng
không tin tất cả những gì các vị lãnh đạo của họ dạy, cả đến những người Công
giáo, Lutêran hay Mêtôđít cũng không tin những gì các giám mục của họ dạy. Bác
ái là bước đầu tiên đưa đến hiệp nhất. Rồi, khi dân chúng làm việc thờ phượng
chung và hoạt động chung như là một gia đình Kitô, khi đó tình yêu sẽ tạo nên sự
hiệp nhất trong đức tin và họ sẽ sẵn sàng chấp nhận sự hướng đạo của Phêrô. Cũng
có thể có những người có lòng tin không đúng với điều Giêsu dạy. Họ phải tự hỏi
họ thuộc về đâu».
Cuộc phỏng vấn kéo
dài gần một giờ đồng hồ và cho biết khá đầy đủ về lối sống của Giôsê và cái
nhìn về triết lý lạ thường của chàng. Cuộc phỏng vấn được mọi người theo dõi và
làm cho các vị lãnh đạo tôn giáo ở Ôbờn phải chú ý đến Giôsê. Dân chúng thuộc nguyện
đường Do thái nghĩ rằng đài truyền hình có nhiều thiện cảm khi mô tả người nghệ
sĩ dễ cảm, từ bi và là một triết gia sâu sắc. Chắc chắn họ không nghĩ chàng là
một thần học gia.
Các vị lãnh đạo Kitô
giáo có nhiều phản ứng khác nhau. Các giáo phái có ít tín điều thì rất thán phục
sự cởi mở của chàng.
Có vị thì cho rằng lối
suy tư của chàng sẽ làm xáo trộn đạo giáo và dĩ nhiên sẽ làm rối rắm những tín
hữu đơn sơ. Trong bài giảng Chủ nhật sau đó, cha Phát nói rằng cha nghĩ Giôsê
là một người đạo đức chân chính hiếm có và là một trong ít người thực sự thấu
hiểu tôn giáo.
Có ít người lại nghĩ
rằng Giôsê chỉ là một nghệ sĩ lừng khừng bị ám ảnh về tôn giáo, nhưng có bản
lãnh khá cao để rao bán nhản hiệu đạo của mình. Phần đông họ coi thường chàng. Đối
với các giáo sĩ thì Giôsê trở thành đề tài khôi hài hơn là một mối đe doạ trầm
trọng.
Tuần lễ trôi qua mau
lẹ. Đến ngày thứ sáu thì chàng làm xong những nét chính của các pho tượng và bắt
tay làm các chi tiết. Chiều thứ sáu Aron đến đón chàng như đã sắp đặt, và hai
người đến nguyện đường. Chiều hôm ấy thật là vui vẻ. Dân chúng hăng say bàn tán
về cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình và chúc mừng Giôsê đã nổi tiếng. Họ hãnh
diện được chàng làm bạn và chia vui với chàng. Trong buổi dạ hội tối đó chàng
được dân chúng ái mộ hơn tuần trước. Nhóm người ngồi bao quanh chàng ở góc nhà
hội lại đông hơn. Vị tư tế cũng nói đùa là ông ganh tị với Giôsê, ông cũng đến
nhập bọn. Ông và Giôsê trao đổi nhiều tư tưởng hay ho; và mặc dù không luôn
luôn đồng ý với nhau, họ vẫn kính trọng và thân nhau. Vị tư tế thú nhận rằng
ông bắt đầu thích pho tượng Maisen; và giờ đây, nhờ hiểu biết Giôsê, ông hiểu Maisen
nhiều hơn. Giôsê cười cách vui vẻ.
Cha mẹ của cô Massia
đi nguyện đường tối hôm ấy. Massia giới thiệu ông bà với Giôsê. Họ rất đàng
hoàng và lịch thiệp. Giôsê ăn mặc đơn sơ khiến họ không có cảm tình lắm, nhưng
vì Massia khen chàng đáo để nên họ cũng muốn xem chàng ra sao. Họ thấy ngay tư
cách nhã nhặn của chàng, nhưng cũng tự hỏi nếu chàng không phải là một kẻ chống
đối, tại sao quần áo chàng lại quá sơ sài. Họ ra về, nghĩ rằng mình đã gặp một
người sống trong thế gian mà không bị hoen úa bởi những ham muốn đầu độc đời sống
của nhiều người. Họ thấy ở chàng một sự tinh khiết và đơn sơ hiếm có, và biết rằng
con gái mình đã tìm được một người giống như nàng. Tuy nhiên ông bà không hiểu
được sự liên hệ giữa hai người. Ông bà rất thực tế, nên không thấy nó sẽ đi về
đâu, nếu không phải chỉ gây nên đau khổ.
Trên đường về Aron
và Giôsê trao đổi đủ thứ chuyện và cuối cùng trở lại đề tài tuần trước, đó là
Aron không thể nhận định cuộc sống như Giôsê. Giôsê nói rằng ông không nhẫn nại
đủ. Ông đã thay đổi nhiều trong tháng qua, nhưng ông không nhận thấy. Đây là lần
đầu tiên Giôsê thấy chiếc xe của ông không đánh bóng láng lắm. Giôsê cười nói: «Khá tiến bộ». Aron đáp: «Tôi quên đó thôi».
Giôsê nói với ông là
lúc trước ông không bao giờ quên lau xe, nhưng bây giờ điều đó không còn quan
trọng đối với ông nữa. Trong buổi dạ hội, Giôsê cũng nghe nói Aron thuê chủ gia
của những gia đình nghèo làm cho hãng thép của ông. Những chuyện xảy ra đó chứng
tỏ một sự thay đổi lớn trong đời sống của ông. Giôsê nhắc nhở ông phải hài lòng
với sự tiến bộ từ từ. Con người cũng như cây cối, chúng lớn lên theo từng giai
đoạn và không thể đốc thúc chúng được. Tới một lúc nào đó chúng sẽ sinh trái. Con
người cũng rất giống vậy. Đúng lúc và đúng chỗ, chúng ta sẽ trở thành những gì
Thiên Chúa muốn. Có những biến cố phải xảy ra và có những người lạ sẽ cản trở
đường đi làm cho chúng ta lo nghĩ. Tất cả mọi cái đó Thiên Chúa dùng để dạy
chúng ta hiểu biết mọi sự. Như thế, chúng ta lớn lên từ từ, không thấy được, dưới
sự hướng dẫn khéo léo của Thánh Linh Thiên Chúa. Thành công không phải là điều
quan trọng lắm. Tay trái không nên biết việc
tay phải làm. Nó chỉ đưa đến hư ảo.
Điều Giôsê nói làm
cho Aron cảm thấy khá hơn. Ông đã làm những gì Giôsê nghe nói. Ông ít gắn bó với
chiếc xe hơn. Ông còn đi bộ chút ít và suy nghĩ về Thượng Đế. Ông cảm thấy an
bình thật sự, khi ông đi vào cái thế giới thần linh này. Tuy nhiên ông vẫn cảm
thấy ông chưa làm đủ.
Giôsê thích Aron. Ông
có bản tính tốt và những ý tưởng cao thượng, mặc dù chúng không giống những ý
tưởng thần linh làm động lực cho chàng. Cứ mỗi cuối tuần lái xe đưa đón Giôsê
đã gây một ảnh hưởng lớn đến đời sống của ông. Ông không bao giờ xem Giôsê thuộc
một tôn giáo nào riêng biệt. Giôsê vĩ đại hơn điều đó. Aron xem chàng như một
con người cao hơn các giáo phái. Chàng là một người lành mạnh có một cái nhìn rất
quân bình về đời sống. Sự giao tiếp của chàng với Thiên Chúa cũng ăn sâu vào cá
tính của chàng. Đối với Giôsê, Thiên Chúa là như khí trời. Nó như da thịt của
chàng, thành thử chàng không cần phải để ý đến nó. Chính cái tự do thoải mái
này đã thu hút Aron đến với Giôsê ngay tự lúc đầu.
Đêm ấy Giôsê nằm
trên giường, tâm trí chàng lùi lại bao thế kỷ về cái nguyện đường ở Nadarét mà
chàng từng biết và yêu mến. Cả một cảnh tượng như sống lại trong tâm trí chàng:
một hướng dẫn viên đưa cho chàng cuộn giấy, một cử toạ im lặng, và một giọng đọc
run run, «Thánh Linh Thiên Chúa đến với
tôi… để đem tin mừng cho người nghèo khổ… để loan tin giải phóng cho người tù tội
và đem ánh sáng cho người mù loà; để trao trả tự do cho người bị đàn áp, để
công bố năm thánh của Chúa, và ngày thưởng công. Đó là một buổi mai trời nắng nóng và nguyện đường chật ních cả người. Bầu
khí rất căng thẳng. Những người cùng tuổi chàng phải ngạc nhiên về những gì họ
đang chứng kiến. Họ chưa sẵn sàng để tiếp thu điều đó, vì thế họ giận dữ. “Đó
không phải là con bác thợ mộc sao? Anh ta học điều đó ở đâu?” Sau đó không lâu,
người ta tống cổ chàng ra khỏi nguyện đường. Chỉ nhờ lúc đang lộn xộn chàng mới
có thể lẫn ra và chạy thoát».
Nước mắt trào lên mi
trong lúc Giôsê nằm trong bóng tối. «Thật
khác với dân chúng ở nguyện đường chiều nay», chàng nghĩ ngợi. Họ phản ứng
khác xa với kinh nghiệm dĩ vãng của chàng. Chàng lịm ngủ cách vui vẻ và cám ơn
Cha chàng.
Vào ngày thứ bảy các
pho tượng đã lộ dáng. Cái làm cho cha Đabi hầu như gần xong. Cái làm cho giáo
sĩ Rôlơn cũng không còn lâu nữa. Giôsê dành phần lớn buổi sáng để làm cái này. Cả
hai pho tượng cao gần một thước rưởi và lớn đủ để thêm nhiều chi tiết. Giôsê
làm rất công phu, cố gắng chạm ý nghĩa và sứ điệp vào khúc gỗ chết, chúng sẽ
gây nhiều phản ứng khác nhau nơi khán giả. Đó là điều chàng muốn. Những nghệ phẩm
chỉ để được ca ngợi thì không kích thích tâm trí và không có ảnh hưởng mấy đến
hạnh kiểm của con người. Vì thế những sản phẩm của chàng rất gợi cảm, và không
ai xem chúng rồi ra về mà lòng không bị xúc động. Thứ bảy đó chàng làm việc rất
muộn và ngủ ngon đêm đó. Sáng sớm Chủ nhật, chàng đi bộ theo con đường nhỏ đến
nhà thờ Phêntơcốt của giáo sĩ Rôlơn. Ngôi nhà làm bằng gỗ cách đơn sơ. Không có
nhiều người trong nhà thờ; cũng không có nhiều người da đen trong phố. Một số
tín đồ phải từ xa đến để đi lễ, và họ phải hy sinh lắm để gầy dựng cộng đoàn của
họ.
Khi Giôsê đến nhà thờ,
giáo sĩ Rôlơn niềm nở đón tiếp chàng và giới thiệu chàng với một số giáo dân đứng
chung quanh ông. Vị giáo sĩ hỏi Giôsê pho tượng làm đến đâu rồi. Giôsê nói nó
được lắm và sẽ hoàn tất vào ngày thứ sáu. Nếu ông đến muộn vào sáng thứ sáu, thì
mọi cái sẽ xong xuôi. Ông thích lắm và không giấu được niềm kiêu hãnh sẽ có được
tượng Tông Đồ Phêrô trong nhà thờ của ông. Mặc dù ảnh tượng không được ưa chuộng,
vị giáo sĩ cũng đã thuyết phục được dân chúng của ông rằng Phêrô tượng trưng
cho nền tảng vững chãi của Kitô giáo, và là một điều nhắc nhở đến căn bản đức
tin của họ. Nhóm người ấy nghĩ rằng mọi quyền hành là do Thánh Kinh, còn quyền
hành của các vị lãnh đạo tôn giáo là do con người đặt ra, vì thế họ không muốn
Giáo hội có nhiều quyền hành. Đối với họ Thánh Kinh là nền tảng của đức tin chứ
không phải là Giáo hội. Lối giải thích này có thể làm tối nghĩa những phần quan
trọng của Thánh Kinh và gây chia rẽ trong những nhóm tự trị. Tuy nhiên dân chúng
lại đơn sơ và thành tâm, nhất là họ có lòng tin mạnh mẽ, nêu gương bác ái và
liêm chính trong cộng đoàn.
Lễ nghi trong nhà thờ
rất đơn giản và vui vẻ. Dân chúng ca hát và cầu nguyện to tiếng. Họ là chứng
nhân sống động cho những kỳ công xảy ra trong đời sống khi họ phó thác toàn
thân cho Thiên Chúa. Giôsê cảm động vì dân chúng thành tâm và đơn sơ. Vị giáo
sĩ chào mừng quan khách và dân chúng của ông, cũng như đặc biệt chào Giôsê, người
nghệ sĩ tài ba đang chạm pho tượng Phêrô Tông Đồ cho nhà thờ của ông. Một bà tự
phát cầu xin Thánh Linh chúc lành cho đôi tay chàng, để chàng có thể đặt vào
pho tượng một sứ điệp đánh động lòng mọi người trong cộng đoàn. Tất cả lớn tiếng
đáp: «Amen».
Sau lễ, mọi người nối
đuôi đi vào nhà hội nhỏ mà những lúc khác được dùng làm phòng học hay phòng hội.
Mùi cà-phê và bánh trái toả cả phòng làm cho ai nấy thích thú. Một số ông tụ
quanh Giôsê và hỏi chàng có thích buổi lễ không. Chàng thành thật cho họ biết
chàng nghĩ gì trong buổi lễ.
Giáo sĩ Rôlơn cũng đến
và nói với Giôsê là ông rất hân hạnh được chàng gặp gỡ dân chúng của ông, và
ông mời chàng đến dự lễ lúc nào cũng được.
Buổi gặp mặt kết
thúc, ai nấy tan họp ra về. Đó là một buổi lễ dài, gần đến hai tiếng rưỡi đồng
hồ. Khi Giôsê ra về, có một ít người cùng đi với chàng đến góc đường, rồi chia
tay.
Trưa hôm ấy Giôsê
nghỉ ngơi sau vườn. Phát và Hơm đến với một người bạn mà họ muốn Giôsê gặp. Tên
anh là Vu-Di. Đó không phải là tên thật của anh, nhưng từ bé anh được gọi bằng
tên đó, vì thế anh vẫn còn giữ nó. Anh mập tròn như Phát và còn mập gấp đôi ở
nhiều chỗ. Vu-Di đơn sơ và thực tế, và mục đích đời sống của anh cũng rất đơn
sơ. Anh có vẻ cộc lốc, nhưng anh là một người tốt và sẵn sàng làm bất cứ việc
gì cho bạn hữu. Giôsê cười vui vẻ khi được giới thiệu với anh, như thể chàng đã
biết hết mọi sự về anh.
Khi ba người vào bếp,
Vu-Di liếc mắt nhìn hết mọi thứ. «Không
có bàn tay đàn bà nào chạm đến nơi này», anh nói. Một lớp bụi phủ lên mọi
cái, điều đó ai cũng thấy, nhưng nó không mấy quan trọng đối với Giôsê.
«Anh sống một mình thật à?», Vu-Di không
tin một người trẻ tuổi và đẹp trai như Giôsê lại có thể sống một mình.
«Tôi không bao giờ cô đơn», Giôsê đáp lại,
«nhưng tôi rất hài lòng sống một mình. Có
người không thể sống một mình, nên không thể tưởng tượng được ai có thể làm được.
Khi có bình an trong tâm hồn, thì mình có thể hưởng được cái cơ hội sống với tư
tưởng».
Vu-Di rất thích
Giôsê. «Lý do nào thúc đẩy anh dọn đến
đây? Anh phải từ đâu đến», anh hỏi Giôsê khi mọi người ngồi xuống. «Tôi không hiểu tại sao ai có thể muốn sống ở
nơi đốn mạt này», anh tiếp.
«Vì dân chúng tử tế và thân thiện», Giôsê
phản pháo.
«Câm mồm chưa», Phát hề hà nói với Vu-Di.
«Biết không, anh bắt đầu nổi tiếng ở đây»,
Hơm nói tiếp. «Tôi thấy anh trên truyền
hình tối hôm trước. Thấy cách anh trả lời những câu hỏi lắc léo, tôi nghĩ anh
phải làm chính trị mới đúng. Anh xem rất tự nhiên. Anh có sợ không?»
«Có, ít thôi. Đó là một kinh nghiệm mới
mẻ, nhưng nó cho tôi một cơ hội tốt để nói lên những điều tôi nghĩ là quan trọng».
«Anh xem được lắm», Phát nói.
«Tại sao họ đưa anh lên truyền hình?», Vu-Di
hỏi.
Phát mau mắn trả lời,
«Vì anh ấy là một nghệ sĩ lành nghề. Anh ấy
cũng đã chạm một pho tượng cho nguyện đường Do thái trong phố. Đó là nguyện đường
ông Rô-Xi đi lễ, ông ta làm chủ đài truyền hình. Tôi nghe nói anh đi dự lễ ở
nguyện đường Do thái mỗi chiều thứ sáu. Đúng vậy không, Giôsê?».
«Dân chúng tử tế mời tôi, và tôi cũng thích họ.
Họ là dân Chúa chọn, anh biết chứ?»
«Anh muốn nói ngày xưa họ là dân Chúa chọn»,
Vu-Di xen vào. «Họ đã có được dịp may khi
Giêsu đến, nhưng họ đã đánh mất nó.»
«Không phải hết mọi người Do thái từ chối
Giêsu», Giôsê trả lời. «Thực vậy, nhiều
người đã từ chối Ngài và đã bị giết khi thành Giêrusalem bị phá hủy. Còn những
ai đã chấp nhận Ngài và nghe Ngài cố vấn, thì chạy lên núi và được cứu thoát
khi quân đội Lamã đến. Những người Do thái ngày nay là con cháu của những người
Do thái sống cùng khắp thế gian. Họ chưa bao giờ biết Giêsu. Ngày nay con cháu
của họ vẫn là dân Chúa chọn. Thiên Chúa không bao giờ lấy lại những gì Ngài đã
ban».
Ba người ngạc nhiên
về lối hiểu biết lịch sử của Giôsê. Một nhà sử học cũng phải ngạc nhiên về điều
Giôsê nói, bởi vì anh nói lên những gì mà họ chưa từng biết.
Giôsê đưa ba người
ra phòng làm việc. Những đồ vật làm dở nằm ngổn ngang. Hai pho tượng Phêrô hiện
ra rõ rệt. Vu-Di hỏi về hai pho tượng.
«Cả hai là Phêrô Tông đồ cho hai nhà thờ»,
Giôsê nói.
Họ rất thán phục. Vu-Di
tự hào là một tay thủ công tài ba, nhưng anh cũng phải thán phục những chi tiết
hoàn hảo mà Giôsê làm.
Comments
Post a Comment