12 Chương mười hai ‒ Thiên đàng


Chương mười hai
Thiên đàng

Khi Đức Giêsu lên sườn đồi để ở một mình với Thiên Chúa, thì như là về lại nhà mà ngài đã ra đi khi đến trần gian. Thiên đàng rất có thực đối với ngài, như có lần ngài tiết lộ cho các môn đệ. Xem ra ngài nhớ nhà: «Phải chi họ biết nhà của tôi ra sao. Mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, trí khôn của loài người không thể tưởng tượng nổi những điều kỳ diệu mà Cha của tôi chuẩn bị cho những ai yêu mến ngài.» Và trong một dịp khác ngài cũng nói: «Trong nhà Cha của tôi có nhiều chỗ, tôi đi dọn chỗ sẵn cho anh em.»
Rõ ràng là lời hứa ban thiên đàng của Đức Giêsu không phải là chỉ là giấc mơ, nhưng là một động lực lớn cho đời sống chúng ta. Cuộc sống thời Đức Giêsu thật là u ám, vô vọng và vô nghĩa. Dân chúng không có tư tưởng gì về thiên đàng. Có người cũng đưa ra lý thuyết về thiên đàng, nhưng không chắc nó có thực. Các triết gia Hylạp và Lamã suy luận ra thiên đàng, nhưng đấy cũng chỉ là một giả thuyết. Người Dothái thì nói đến một nơi gọi là lâm bô, nhưng không chắc nó có thực hay là do trí tưởng tượng.
Đức Giêsu tuyên bố rằng ngài từ trời đến, từ nhà Cha của ngài. Đó là một lời mạc khải vĩ đại. Chỉ một lời tuyên bố đó cũng đủ để thay đổi cả vận mệnh của chúng ta. Chỉ có Thiên Chúa mới hứa nổi thiên đàng, và Giêsu đã làm thế. Nó không phải là điều chúng ta xem như là đương nhiên. Đó là nhà của Thiên Chúa. Đức Giêsu mạc khải thiên đàng, như thế nó rất xác thực. Ngài không phải là một người mơ mộng, cũng không phải là người ưa vẽ vời những chuyện không có thực. Khi một con người có tầm mức quan trọng như ngài tuyên bố điều gì, thì người thông minh phải lắng nghe và xác nhận là đúng.
Có người nói nếu ai từ cõi chết sống lại và nói có thiên đàng thì họ mới tin. Nhưng có chắc họ sẽ tin không? Đôi khi người ta cũng nghe nói như thế ngay ở đám tang. Tôi không hiểu họ muốn bằng chứng gì nữa.
Tôi suy nghĩ mãi và đi đến kết luận rằng dẫu người chết có sống lại thì họ vẫn không tin. Họ sẽ trả lời, «Có thể người ấy chưa chết thật. Có thể chỉ là một trạng thái tâm thần, một tình trạng tâm lý mà chúng ta chưa hiểu hết được. Có thể chỉ là một giấc mơ lúc ngừng sinh hoạt». Không cần phải lý luận dài dòng để thấy rằng câu trả lời trên là không xác đáng. Đức Giêsu rất trung thực, rất quân bình và thông minh. Ngài sẵn sàng chết vì sứ điệp của mình, chết vì Tin mừng ngài đem đến cho chúng ta. Tất cả những điều đó chứng tỏ rằng Đức Giêsu có thể tin được. Vì thế khi gặp một người có tầm mức như Đức Giêsu nói rằng: «Nếu bạn sẵn lòng vác thánh giá theo tôi, thì một ngày nào đó bạn sẽ sống với tôi trên thiên đàng» hoặc là: «Tôi sẽ đi dọn chỗ sẵn cho bạn, và tôi sẽ trở lại đem bạn đi cùng», thì bạn không làm sao mà không tin ngài.
Thiên đàng mà Đức Giêsu nói đến và hứa cho những ai nghe theo ngài là gì? Ở đâu? Một phi hành gia từ không gian đánh điện về nói một cách mỉa mai rằng: «Chúng tôi đang ở xa ngoài không gian nhưng không thấy dấu vết thiên đàng nào cả». Mỉa mai làm sao! Thật là trẻ con khi có người nghĩ rằng có thể đi lên thiên đàng bằng phi thuyền!
Thiên đàng là gì? Có phải là một địa điểm không? Có xa lắm không? Làm sao đi đến đó? Đó là những câu hỏi chúng ta muốn đặt ra. Chúng ta chỉ nghe nói về Thiên đàng trong sách Tân Ước. Đức Giêsu nói về thiên đàng. Thánh Phaolô cũng đề cập đến, nhưng vắn thôi. Thánh Phaolô nói rằng có lần ông được đem lên thiên đàng, với cả giác quan hay không, ông không biết. Lần đó ông được đem đến tầng trời thứ bảy. Lần khác ông được đem đến tầng trời thứ ba. Các tầng trời này có giống như nhà mà Đức Giêsu nói đến không?
Trong sách Khải Huyền, thánh Gioan Phúc âm nói đến một thiên đàng ông được mục kích. Đó là một chỗ thật sự, không giống với cái gì dưới trần thế, rất mực đẹp đẽ. Có đồi núi, có đồng cỏ, nhưng không giống với cái gì dưới trần thế, trông tuyệt mỹ. Có sông, có lạch, nhưng hình như không có nước mà chỉ có pha lê chảy. Có sinh vật ở đó, nhưng không giống cái gì dưới trần thế. Không lời lẽ nào diễn tả được, nhưng rất mực đẹp đẽ. Cũng có lâu đài, không phải làm bằng vật liệu trần gian, nhưng bằng vật liệu xem như ngà ngọc toả ánh sáng, không phải ánh sáng mặt trời, nhưng là ánh sáng phát xuất từ Thiên Chúa và chan hoà khắp vương quốc bao la. Tất cả đều trầm mình trong tình yêu nồng ấm của Thiên Chúa, phát ra từ ánh sáng đó. Thánh Gioan chỉ diễn tả được bấy nhiêu. Nhưng bạn cũng có thể hình dung và hiểu biết điều thánh nhân muốn diễn tả. Hãy nhìn vạn vật chung quanh chúng ta và nhớ rằng đó chỉ là hình bóng thiên đàng. Rồi tâm trí bạn sẽ bắt đầu suy diễn.
Trời xanh, một màu xanh êm dịu và nhẹ nhàng. Nó không đen hay đỏ mãi. Bằng không, nó sẽ nhàm chán và làm cho phát điên. Rồi các đám mây bay nhẹ nhàng trên đại dương xanh; đôi khi có mây đen, nhưng thường là màu tùng lâm. Rồi bạn hãy nhìn mặt trời. Bạn sẽ bị loá mắt. Tất cả thật là đẹp đẽ, nhưng không là gì cả khi sánh với vẽ đẹp của thiên đàng.
Hoặc bạn đi qua những cánh rừng trong một ngày đẹp trời mùa xuân. Bạn vui thích xem hàng ngàn bông hoa nẩy nở từ đất lạnh cóng. Bạn ngạc nhiên trước cái huyền bí của sự sống phát sinh từ đất đầy tuyết lạnh. Bạn nghe chim trời ca hát như một dàn hoà tấu với những giọng ca vui vẻ. Bạn biết rằng Thiên Chúa muốn nói lên gì, ngài muốn đem đến một sứ điệp hạnh phúc cho những tâm hồn cần an bình. Và bạn nghe gió hiu hiu thổi qua cây lá. Nó nhắc nhớ bạn đến Thánh Linh Thiên Chúa lảng vảng trên đất và nước, mơn trớn mọi tạo vật, làm ấm lòng những ai lạnh lẽo và ủi an những ai tâm trạng bị căng thẳng. Và những con vật hài hước làm bạn nghĩ đến Thiên Chúa cũng hài hước.
Hoặc một ngày nào đó bạn đứng trên sườn đồi hay trong đồng cỏ khi mặt trời lặn. Nếu bạn có chút tâm hồn thi sĩ, bạn có thể xuất thần chìm đắm trong vẻ đẹp của vầng thái dương khi một biển màu sắc giải ra trước mắt bạn, cứ vài phút lại đổi màu tựa như nhìn không gian vô cùng tận trong ống kính vạn hoa. Và bạn nghĩ rằng đó cũng còn kém cái vẻ đẹp của nhà Thiên Chúa. Hoặc bạn đứng ở bờ đại dương nhìn sóng vỗ trên đá mà cảm nghiệm cái hùng vĩ và huy hoàng của đại dương. Hoặc bạn đứng bên thác nước Niagara mà ngắm phong cảnh hãi hùng khi nhìn hàng vạn tấn nước nổ tung trên các phiến đá bên dưới…
Có những kỳ công thật là ngoạn mục, nhưng bạn ý thức rằng không gì có thể sánh ví với vẻ đẹp huy hoàng của thiên đàng: những âm thanh trong thiên nhiên, những tiếng nước chảy, tiếng chim ca, tiếng kêu của đàn thú, âm thanh huyền bí trong đêm tối, tiếng lá xào xạc và tiếng nói của loài người. Rồi trong tâm trí bạn gợi lên những bản hoà tấu và âm thanh làm tâm hồn bạn mê mẩn. Nhưng bạn lại nghĩ rằng đó chỉ là hình ảnh những gì đang tồn trữ trên thiên đàng.
Rồi bạn cũng ý thức rằng nếu có phải thu nhặt tất cả những cảnh đẹp, những âm thanh huy hoàng trong vũ trụ mà gia tăng hàng triệu lần đi nữa, thì cũng chỉ có được hình ảnh lu mờ của vẻ đẹp huy hoàng nơi Thiên Chúa ngự.
Có một linh mục tôi ở trọ với. Ông là một người tốt lành, rất bình dân. Ông tham gia thế chiến thứ hai trong ngành hải quân. Sáng hôm ấy ông kể lại giấc chiêm bao đêm hôm trước. «Tôi được đưa đến một nơi chưa từng thấy, một chỗ rất đẹp, lòng tôi rất vui sướng. Tôi nghe những âm thanh kỳ diệu, những sinh vật lạ lùng. Tôi muốn sống mãi ở đó». Khi được hỏi nơi đó thế nào, ông chỉ đáp: «Tôi không diễn tả được vì suốt đời tôi không thấy gì giống như tôi thấy trong giấc chiêm bao. Không có lời lẽ nào diễn tả được. Tôi chỉ có thể nói rằng so với những gì tôi thấy trong giấc chiêm bao, thì tất cả cái đẹp nơi trần thế chỉ là rác rưới. Tôi chỉ muốn được sống ở đó. Điều lạ lùng là tôi được bảo rằng tôi sẽ đến đó một ngày gần đây. Tôi sốt ruột quá».
Vài tuần sau đó, ông chết, trong khi còn khoẻ mạnh và thọ năm mươi bốn tuổi. Đó có phải là chiêm bao không? Hay là một viễn tượng Thiên Chúa ban để chuẩn bị ông trong những ngày cuối cùng của cuộc đời? Chúng ta không thể biết được, nhưng chúng ta nhớ lại lời của Đức Giêsu: «Mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, tâm trí loài người chưa hề tưởng tượng được những điều lạ lùng mà Cha của tôi đã chuẩn bị sẵn cho những ai yêu mến ngài».
Tuy nhiên, niềm vui vĩ đại nhất không phải là được những điều đó. Niềm vui vĩ đại nhất là được thấy Thiên Chúa. Niềm vui vĩ đại nhất của vật có tâm trí là vui được yêu thương. Nếu hai người, mặc cho những bất toàn và yếu đuối của mình, mà có thể yêu nhau tha thiết để chung sống với nhau suốt đời, thì chúng ta cũng có thể tưởng tượng khi gặp thấy Thiên Chúa sẽ như thế nào. Tất cả các vẻ đẹp của thiên thần hay mọi loài thụ tạo chỉ là hình bóng lu mờ của vẻ đẹp huy hoàng của Thiên Chúa. Khi bạn nhắm mắt lần cuối cùng và đối diện trực tiếp với Thiên Chúa, thì bạn sẽ vui sướng biết bao. Thiên Chúa nhìn bạn và bạn sẽ cảm thấy được yêu thương êm dịu biết bao. Ngài sẽ gọi tên bạn mà nói: «Vào đây con!» Bạn nhìn ngài và cảm thấy mình được yêu thương ngoài sự mơ ước. Không có gì có thể làm xao lãng tình yêu đó. Đó là niềm vui vĩ đại nhất trên thiên đàng, niềm vui được gặp gỡ Thiên Chúa.
Nhưng Thiên đàng ở đâu? Thiên đàng là nơi Thiên Chúa ngự, và ngài ở khắp mọi nơi. Như thế Thiên đàng cũng ở mọi nơi, chung quanh chúng ta, nhưng trong tầm hướng ngoài cảm giác của chúng ta. Thiên đàng như ở bên kia tấm màn mỏng, rất gần gũi đến độ chúng ta có thể sờ thấy được, chúng ta có thể gặp gỡ những người thân yêu mà Thiên Chúa đã cất đi.
Sự gần gũi này là mối giây liên kết chúng ta với những người thân yêu đã ra đi. Khi còn sống, linh hồn của họ ở trong thể xác và chỉ hoạt động qua năm giác quan. Khi một người chết đi thì như gà con đập vỡ trứng mà ra hoặc như một đứa bé sinh ra trong một thế giới mới. Thật là kinh hãi. Khi đứa bé ra đời, ánh sáng làm loá mắt nó nhưng rồi sẽ hết đi và một thế giới kỳ lạ sẽ hiện ra.
Khi linh hồn ra khỏi xác, nó sẽ như thiên thần. Thiên thần không có xác, vì thế thiên thần không biết đến sự hiện diện vật chất. Nhưng sự hiện diện của thiên thần còn sâu xa và thiết thực hơn sự hiện diện thể chất. Các thiên thần rất mật thiết với nhau, biết cả tư tưởng và cảm nghĩ của nhau. Khi một người thân yêu chết và không còn bị ràng buộc với thể xác, thì lại gần gũi với gia đình và bè bạn hơn lúc còn sống, gần gũi đến độ biết cả tư tưởng và cảm nghĩ của người còn sống và có thể gúp đỡ họ hơn lúc còn sống. Các linh hồn mật thiết nhau như các thiên thần, và liên lạc mật thiết với nhau. Đêm trước ngày an táng thân phụ tôi, khi mẹ tôi ngồi ở bàn ăn bà cảm thấy một bàn tay đè nặng trên vai bà như thể nói: «Can đảm lên, tôi đang ở gần bà, đừng sợ.» Mẹ tôi ngoảnh lại xem có ai đứng sau lưng không, nhưng chẳng thấy ai cả. Rồi bà không cảm thấy gì nữa. Cảm giác ấy rất mạnh mẽ. Mẹ tôi biết rằng người đó là cha tôi.
Nếu thiên đàng chỉ là một chiều hướng khác và những người thân yêu không phải chỉ thay đổi để đi đến một nơi khác lạ, thì tình yêu và nỗi quan tâm của họ đối với chúng ta vẫn còn là một phần của đời sống của họ. Họ vẫn còn gần gũi với chúng ta, và chúng ta có thể chắc chắn họ sẽ đáp ứng các nhu cầu của chúng ta cũng như trước khi họ ra đi. Thực ra thiên đàng không phải là một mầu nhiệm vĩ đại, nhưng là một sự tiếp tục đương nhiên của đời sống trần thế. Khi đến giờ, chúng ta không nên sợ hãi đi gặp Thiên Chúa.
Thiên Chúa có nghiêm khắc khi chúng ta đến đó không? Ngài không nghiêm khắc hơn Đức Giêsu mà người ta gặp gỡ ở trần gian. Không ai sợ hãi Đức Giêsu. Những người tội lỗi chạy đến với Giêsu vì biết ngài yêu mến và hiểu biết họ, với cả thiện chí của họ, mặc dù họ yếu đuối và vấp ngã nhiều phen. Ngài biết họ có thiện chí mặc dù họ tội lỗi, «Tội của cô dù nhiều bao nhiêu cũng đã được tha thứ, vì tình yêu của cô rất lớn lao.» Những người mà Đức Giêsu cảm thấy khó tiếp xúc với là những người làm ra vẻ đạo đức mà khinh rẻ người khác là tội lỗi.
Trong tỉ dụ về ngày phán xét cuối cùng, Đức Giêsu không dùng các giới răn làm căn bản phán xét, nhưng là cách thức chúng ta đối xử với tha nhân. «Hỡi những kẻ Cha của ta chúc phúc, hãy vào vương quốc đã được dọn sẵn cho các người từ đầu. Khi ta đói, các người cho ta ăn. Khi ta khát, các người cho ta uống. Khi ta trần truồng, các người cho ta mặc».
Và họ thưa: «Chúng con có thấy Chúa khi nào đâu?»
Và Thiên Chúa đáp: «Khi các người làm những điều đó cho những người thấp hèn nhất trong anh chị em của ta, là làm cho chính ta».
Có những linh hồn bị bầm dập khi đến thế giới bên kia. Có những người rất nhạy cảm và thấy cuộc sống thật là khó khăn. Họ cố gắng hơn mọi người để đương đầu với cuộc sống, nhưng lại đau khổ khi va chạm với tha nhân và gặp những thử thách thường nhật. Họ như những người cố bám lấy sống ở đầu dây tử hình. Họ bám lấy bao lâu còn nội lực. Đến lúc mệt lã, họ buông tay và rơi xuống… trong vòng tay êm ái của Thiên Chúa. Một người rất thánh thiện kể lại cho tôi rằng ông xuất thần thấy thiên đàng. Ông thấy Đức Giêsu đi lại trên thiên đàng, an ủi vỗ về những ai gặp hoạn nạn và đau khổ. Lúc ở trần gian, Đức Giêsu dạy cho chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa biết chúng ta yếu đuối và cố gắng. Ngài hiểu chúng ta đang phấn đấu, đang đau khổ và dốc chí sống tốt đẹp hơn. Nếu chúng ta thông cảm nỗi khổ đau và cô quạnh của tha nhân và ra tay giúp đỡ, thì tội lỗi của chúng ta, dù có nhiều bao nhiêu, cũng sẽ được tha.
Khi giờ cuối cùng đến, phải là giờ mong đợi và phấn khởi được gặp Thiên Chúa là đấng hiểu biết chúng ta.
Khi đến đó, có nhàm chán không? Có được ngồi gãy đàn không? Được chứ, nếu chúng ta thích! Tôi thích nghe tiếng đàn, nhưng tôi không thích gãy đàn. Những điều tốt đẹp mà chúng ta cho là tự nhiên, sẽ trở nên hoàn hảo trên thiên đàng. Tâm hồn ưa thích học hỏi, ưa thích nghệ thuật, âm nhạc, tình yêu, mạo hiểm, tìm bạn, sẽ được nghìn lần đáp ứng. Sống trong yêu thương, sống ở nơi mà mọi nhu cầu sâu xa của trí khôn và tâm hồn con người được thoả mãn, thì sẽ không bao giờ phải nhàm chán.

______________________

Chương trước (11) <=> Chương sau (13)


Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam