11 Chương mười một ‒ Vị cứu tinh nhân hậu đem hồng ân đến


Chương mười một
Vị cứu tinh nhân hậu
đem hồng ân đến

Sách Phúc Âm ngụy kinh Tôma cũng như sách Phúc âm về thời thơ ấu của Đức Giêsu ghi lại nhiều giai thoại về trẻ Giêsu, về ngài làm việe với Giuse ở xưởng thợ mộc, về Maria dạy ngài học Thánh Kinh, và về nhiều chi tiết khác ít đúng với sự thật. Đức Giêsu đến trần gian để «nên giống như chúng ta về mọi phương diện trừ tội lỗi», vì thế chúng ta cũng nghĩ rằng ngài cũng phải học hỏi như chúng ta. Dĩ nhiên là khả năng tri thức của ngài rất cao vời nên ngài hiểu được mọi việc cách mau lẹ và khó quên. Lúc lên mười hai tuổi ngài làm cho các người lãnh đạo tôn giáo ở đền thờ phải thán phục về sự thông biết Thánh Kinh và sự khôn ngoan của ngài. Cả đến ngày nay, khi nhìn lại đời sống của ngài, người ta không khỏi thán phục sự hiểu biết về Kinh thánh của ngài. Ngài trích dẫn Kinh Thánh cách dễ dàng, ngài cũng giải thích Kinh thánh với tầm hiểu biết sâu xa khi ngài đương đầu với các kinh sư và người Pharisêu.
Kinh Thánh làm dồi dào không những đời sống thiêng liêng của Đức Giêsu nhưng cả đời sống thường nhật của ngài. Không phải ngài trích dẫn Kinh Thánh suốt ngày, nhưng đời sống thường nhật của người Do thái thấm nhuần lề luật tôn giáo, vì thế người Do thái phải biết Kinh Thánh cũng như chúng ta biết luật đi đường vậy.
Mặc dù thấm nhuần Kinh Thánh, nhưng Đức Giêsu không bao giờ dạy các môn đệ phải thêm thắt Kinh Thánh hay viết Kinh Thánh mới, hoặc viết ra những lề luật hay thông lệ mới. Ngài không bao giờ dạy họ như Cha của ngài dạy Maisen trên núi Sinai những điều để lưu truyền lại cho các thế hệ tương lai, hoặc như cách thế Cha của ngài nói với các ngôn sứ khi ngài muốn các ông chuyển lại sứ điệp của ngài cho dân chúng. Khi tụ họp các môn đệ, Đức Giêsu dạy họ bằng dụ ngôn hoặc bằng ngôn ngữ bình dân những gì bổ ích cho dân chúng. Cả đến khi gặp gỡ ít bạn bè, ngài cũng bảo họ những gì ngài quen thuộc. Ngài chia xẻ đời sống của ngài một cách rất thân mật và riêng tư với những người theo ngài. Ngài bảo dân chúng rằng Cha của ngài muốn họ làm con cái và bạn hữu. Khi Kitô giáo trùm lên cơ cấu tổ chức của mình cái xa hoa của triều đình vua chúa, thì nó trở thành xa lạ với tâm trí và tinh thần của Đức Giêsu. Đức Giêsu biết mình là vua, nhưng ngài không muốn dân chúng xem ngài là vua. «Hãy đến với tôi, hỡi những ai mệt mỏi vì gánh nặng, tôi sẽ bổ sức lại cho, bởi vì tôi hiền lành và khiêm nhượng». Đức Giêsu muốn tình bằng hữu của dân chúng, và ước mong họ liên kết mật thiết với Cha của ngài, «Hãy gọi ngài là Abba, là Cha». (Abba có nghĩa là «Bố». Xem đấy, Đức Giêsu muốn tôn giáo của chúng ta được tự nhiên. Những tổ chức giả tạo của tôn giáo hình như không có ý nghĩa gì lắm đối với Đức Giêsu. Ngài chỉ muốn dân chúng chia xẻ đời sống của ngài, của Cha ngài và Thánh Linh. Chúng ta không thiết lập một tổ chức khi muốn làm bạn với ai. Đó là lầm lỗi của các tôn giáo. Các viên chức sáng chế ra những tổ chức rườm rà đè trên đời sống bình thường của dân chúng. Đó là lý do tại sao dân chúng gặp khó khăn đối với tôn giáo. Họ cảm thấy họ không còn là họ, nhưng phải trở thành những gì không phải là họ, phải mặc y phục đặc biệt, hoặc để tóc dài, không nên ăn một số món ăn nào đó, phải tuyên thệ những điều không thích hợp với bản thân, phải tin những gì xem ra trái nghịch với trí thông minh, hoặc phải tuân giữ vô số những phong tục tập quán hay kinh nguyện. Chính vì thế mà ỏLề lối mớiõ của Đức Giêsu thật là đẹp đẽ, vì nó chấp nhận lối sống bình thường của dân chúng, một lối sống với con tim mới, tinh thần mới và viễn tượng mới. Đó chính là tất cả những gì Thiên Chúa muốn. Chỉ khi nào các người lãnh đạo tôn giáo hiểu như thế, thì tôn giáo sẽ trở thành lành mạnh và thu hút mọi người.
Vì thế chúng ta thấy Đức Giêsu dùng những dụ ngôn bình dân và những câu chuyện trong đời sống. Ngài nói cho biết những giá trị và viễn tượng của ngài về cuộc sống phải như thế nào. Chúng ta còn nhớ khi ngài đến Bêtani lúc Ladarô chết. Khi ngài xuất hiện, cô Mátta trách ngài không đến sớm hơn. Đức Giêsu an ủi cô và bảo cô rằng Ladarô sẽ sống lại. Mátta trả lời, ỏõTôi biết nó sẽ sống lại trong ngày tận thế.” Điều đó chứng tỏ Giêsu đã có lần nói với họ về những gì sẽ xảy ra trong ngày cuối cùng, về người chết sống lại mà họ chưa từng nghe nói.
Điều đáng ngỡ ngàng là cách thức thuần túy đơn sơ của Lối Sống Mới. Không vênh vang, không rùm beng, không họp kín với những người được tuyển chọn để đưa ra những điều cực kỳ nghiêm trọng cho đám dân đang run rẩy chờ đợi. Lề luật, ngôn sứ và tổ chức chỉ để chuẩn bị ngày Giêsu đến. Giờ đây ngài đã đến, những biểu hiện trước chỉ còn cần để nhắc nhớ hay đem hy vọng cho những ai còn mong đợi. Những lễ tế súc vật phải nhường chỗ cho Con Chiên đích thật của Thiên Chúa hiện diện nơi Đền Thờ. Chính Con Chiên này mang lại ý nghĩa cho tất cả mọi lễ vật. Vì rằng làm sao tế một con vật mà có thể đền tội cho nhân loại? Chính Con Chiên đích thật, Con của Thiên Chúa, mới mang lại ý nghĩa cho những gì đã xảy ra trong dĩ vãng.
«Đây Chiên Thiên Chúa, đấng gánh tội trần gian,» Gioan tuyên bố như thế khi được Thánh Linh soi sáng.
Đức Giêsu rao giảng sứ điệp hy vọng, tự do và cứu rỗi. Ánh Sáng thế gian là Đức Kitô đã chan hoà rọi chiếu tình yêu của Thiên Chúa cho một thế giới đang mất niềm tin. Ngài đã thu kết dân ngài thành một cộng đồng mới, một cộng đồng không còn mang dấu vết cơ cấu những luật lệ phức tạp, những cấm kỵ, những lễ nghi đè nặng trên đời sống của dân chúng. Họ chuẩn bị ngày ngài đến, họ là một tổ chức, là phương thế truyền đạt điều ngài dạy bảo. Khi ngài đến, ngài đã phải tu bổ lại toàn diện, quân bình lại toàn thể thế giới mà tinh thần đã bị lủng loạn do Adong và Eva khi hai ngài quyết định đưa gia đình nhân loại theo một quá trình độc lập với Đấng Sáng Tạo. Các ngài đã làm cho con cháu mất đi sự thân thiện với Thiên Chúa trong vườn địa đàng. Các ngài đã xúc phạm Thiên Chúa. Các ngài cũng như con cháu không bao giờ có thể chuộc lỗi cho sự xúc phạm tày trời này. Chỉ có một đấng vừa là thần linh vừa là nhân loại mới có thể làm được, và ngài đã chuộc tội bằng chính cái chết của mình mà ngài đã tự nguyện hiến dâng để cứu công cuộc sáng tạo yêu quí của Cha ngài khỏi quyền lực ác tà.
Giải phóng dân chúng là mục đích chính của Đức Giêsu. Đem họ về lại gia đình của Cha ngài là một phần của ân sủng đó. Cách thức Đức Giêsu làm chứng tỏ một tài năng phi thường. Đó là một nghi thức đơn sơ, không đau đớn không đổ máu, chỉ rửa trong nước, như đọc thấy trong một tài liệu cổ Điđakê gọi là Giaó Lý Của Các Tông Đồ. Qua nghi thức đơn sơ này Đức Giêsu, như là đấng Cứu rỗi, ban đời sống của Thiên Chúa cho người chịu rửa, đem họ là con cái Adong-Eva về lại với gia đình của Thiên Chúa, để mãi mãi thông phần đời sống của ngài trong vương quốc của ngài. Thánh Phêrô nhắc đến phép rửa như là một cuộc tái sinh, vì người chịu rửa được chia xẻ đời sống của Thiên Chúa, từ tình trạng một thụ tạo trở thành con cái của Thiên Chúa, với quyền thừa kế người Cha là Vua và là Chúa của toàn thể vũ trụ.
Đức Giêsu nhận thức rằng cuộc sống mà ngài đang chia xẻ thật là mỏng dòn và dễ đổ vỡ, vì thế ngài ban cho các môn đệ quyền hòa giải những ai lạc đàng và hủy hoại sự liên kết với Thiên Chúa, quyền xức dầu và chữa lành những người bệnh tật cả thân xác lẫn tâm hồn. Ngài cũng ban cho các môn đệ một của ăn để nuôi duỡng đời sống thần linh và sống mật thiết với ngài. Của ăn huyền nhiệm nhưng thật sự này chính là «thịt và máu của ngài để nuôi dưỡng thế gian». Ngài cũng hứa với những ai theo ngài rằng khi họ chấp nhận tình bằng hữu với ngài, thì ngài và Cha của ngài sẽ đến sống trong họ. Như thế ngài và Cha của ngài sẽ cảm thông với người yếu đuối, què quặt. Làm thế nào Thiên Chúa có thể thiết lập tình bằng hữu mật thiết với con người? Đó là mầu nhiệm tình yêu của ngài. Đức Giêsu đến để mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm này, nhưng nó cao vời quá mà tâm trí chúng ta không hiểu được. Thật là kinh hãi khi nghĩ đến việc Thiên Chúa nâng chúng ta từ tình trạng vô vọng chán nản đến tình trạng kỳ diệu và kinh hãi khi chúng ta suy đến sự tốt lành của ngài. Hãy nghĩ đến tình trạng tồi tàn, nghèo hèn của chúng ta mà thốt lên mắt ngấn lệ trước sự kỳ diệu này, «Thiên Chúa yêu thương tôi. Tôi không biết tại sao. Tôi không làm gì để được xứng đáng, nhưng ngài lại yêu tôi. Thiên Chúa thật là kỳ diệu!».
Việc Thiên Chúa sống trong con người là nền tảng của nền thần bí mà chúng ta thấy nơi nhiều thánh nhân, và ai cũng có thể được ân huệ này nếu thành tâm đến với Thiên Chúa. Đó là sự phát triển tự nhiên của đời sống thần linh được ban cho lúc lãnh nhận phép rửa, nếu đời sống đó được nuôi dưỡng. Rất tiếc rằng ít khi các giáo sĩ dạy về đời sống thần bí này mà ai cũng có thể có được và cũng không dạy cách thức để chúng ta chuẩn bị chính mình. Chúng ta cũng có thể biết về đời sống thân mật với Thiên Chúa khi đọc hạnh các thánh. Nếu không đọc hạnh các thánh, chúng ta mất đi nhiều nguồn cảm hứng và hướng dẫn thực tế. Các thánh nhân được Thiên Chúa ban nhiều ân sủng, vì thế chúng ta có thể học hỏi nơi các vị. Các vị thường được xem là mẫu mực cho giới trẻ. Rất tiếc là ngày nay trẻ em không còn có được dạy nguồn cảm hứng nơi các thánh mà chỉ say mê các thần đồng thể thao.
Sống thân mật với Thiên Chúa là nguồn sức mạnh của con người Giêsu. Nó phát sinh từ đời sống cầu nguyện mà ngài luôn nuôi dưỡng. Đó là bí quyết sống mật thiết với Thiên Chúa: cầu nguyện liên lỉ và chia xẻ tư tưởng và cảm xúc giữa linh hồn và Thiên Chúa. Sau một thời gian, đời sống của con người sẽ thay đổi. Đó là lối cầu nguyện liên kết linh hồn với Thiên Chúa và mở rộng tâm hồn đón nhận sự khôn ngoan và hiểu biết của Thiên Chúa. Đó là điều chúng ta học hỏi được nơi Đức Giêsu, và hiểu biết đời sống nội tại của các ngài.
Rất nhiều lần trong Phúc âm chúng ta thấy Đức Giêsu ở một mình. Chính những lúc đó ngài sống gần gũi với Cha ngài và tìm được sức mạnh. Nhưng những trường hợp này lại xảy ra thường xuyên làm cho chúng ta thắc mắc có những lý do nào khác mà ngài cần ở một mình. Ngài có cô đơn không? Hay là ngài chỉ thích an bình và yên lặng? Ngài có cần tránh xa dân chúng không?
Nhưng Đức Giêsu thì khác. Mặc dù ngài yêu thương các môn đệ, nhưng chắc hẳn các ông không thoả mãn được cái nhu cầu có bạn bè của ngài. Ngài rất thông minh, tâm trí ngài rất bén nhạy như tia sáng, ngài có một đời sống tình cảm nồng nàn và nhân hậu. Những điều ngài suy tưởng và quan tâm thì ngài không thể chia xẻ với ai. Ai hiểu ngài được? Ngài nhìn đến trời cao và thấy tận cùng thế giới bên kia. Ngài có thể chia xẻ với ai? Ai có thể hiểu ngài được? Vì thế khi lo âu, ngài cần ở một mình để liên lạc với Cha ngài và có lúc với các thiên thần.
Các môn đệ, dẫu ngài có yêu thương họ cách mấy, cũng không giải được phiền muộn mấy khi ngài cần đến. Trong lúc ngài gặp cơn khủng hoảng thì các ông lăn ra ngủ. Khi ngài sống với các ông, thì tâm trí các ông để ở những việc nhỏ mọn như ăn trưa thứ gì, hoặc là nếu theo ngài thì các ông lấy gì mà sống? Còn vợ con thì sao? Con cái thì sao? Tại sao ngài chọn người đó hợp tác với các ông? Tôi không chịu được ngài; bây giờ chúng ta lệ thuộc vào ngài suốt đời. Vì thế để tìm được an bình và yên lặng, Đức Giêsu cần đi xa mọi người để ở một mình. Điều đó không có nghĩa là ngài cô đơn, trừ khi hiểu cô đơn là không có ai để chia xẻ tình yêu, để trút cả tấm lòng cho người có thể thông cảm được.
Tuy nhiên Đức Giêsu có bạn bè. Mặc dù ngài là Thiên Chúa, ngài cũng có tình bạn thắm thiết. Chẳng hạn ngài cảm thấy thoải mái với Maria Mađalêna. Nghe hơi chướng tai, nhưng thực tình cô ta rất đầm ấm và có một tình yêu tha thiết. Rất ít có người có thể đáp lại tình yêu của Đức Giêsu. Maria là một trong những người ấy. Cô có rất nhiều để cho. Một tình bạn rất tự nhiên khai triễn giữa cô và Đức Giêsu. Ladarô và các chị của anh là Maria và Mátta thuộc vào đám bạn hữu này. Họ không tha thiết bằng Maria Mađalêna, nhưng họ có nhiều thiện cảm, là nguồn an ủi và rất bình tĩnh. Họ luôn luôn có mặt khi ngài cần có bạn. Trong những dịp như thế, Đức Giêsu có thể đàm luận về sứ điệp của ngài trong bầu khí tự nhiên và thoải mái, trong khi những người Pharisêu có thiện chí cũng có thể tham dự mà không sợ các đồng bạn dò xét.

______________________

Chương trước (10) <=> Chương sau (12)


Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam