12 Chương 12 - «Vương quốc» đến


Chương 12
«Vương quốc» đến

Đức Giêsu động lòng thương người nghèo và người bị đàn áp, và sự thành công của ngài đối với họ làm ngài tin tưởng rằng cuộc giải phóng toàn diện («vương quốc») sẽ sớm xẩy ra. Vương quốc mà ngài nghĩ đến thì không ai, cả đến ngài, có thể xây dựng được. Vương quốc này chỉ có thể đến chứ không thể xây dựng. Vương quốc này cũng không phải từ các vương quốc hay xã hội mà chúng ta đang có, dẫu chúng có kiện toàn hay phát triễn trong tương lai. Dẫu những người lãnh đạo có nhiều quyền lực, nhiều ảnh hưởng hay rất hoà nhã cũng không thể xây dựng một xã hội như thế. Quyền lực thế trần, quyền lực áp đặt ý muốn của mình trên người khác, dẫu có khéo léo đến đâu cũng chỉ tạo ra một xã hội khác với sự giải phóng toàn diện và tự do mà Đức Giêsu nghĩ. Con người có thể được giải phóng khỏi hình thức thống trị này hay thống trị nọ, nhưng không ai có thể bị ép buộc để được tự do. Chúng ta chỉ có thể tạo nên những điều kiện để giải phóng con người nếu họ muốn. «Vương quốc» không thể xây dựng, nhưng chỉ có thể nhận lãnh - như một món quà.
Tuy nhiên cũng có một quyền lực có thể làm nên phép lạ. Không phải là quyền lực của tôi hay của bạn, nhưng là một quyền lực mà chỉ có tôi mới có thể phát ra trong tôi và chỉ có bạn mới có thể phát ra trong bạn. Quyền lực này vượt trên cá nhân bạn và tôi, nhưng nó lại không ở bên ngoài chúng ta. Đó là quyền lực tối cao đàng sau mọi quyền lực đang hoạt động nơi con người và thiên nhiên. Phần đông gọi đó là quyền lực của Thiên Chúa. Bạn gọi đó là gì cũng được. Đôi khi Đức Giêsu gọi quyền lực ấy là Thiên Chúa. Nhưng thường thường ngài gọi cách khác. Các ngôn sứ chỉ gọi đó là Thiên Chúa: lời, lời hứa hay lời đe doạ của Thiên Chúa. Những lời và dụ ngôn của Đức Giêsu thường nói về sự sống và quyền lực đang hoạt động trong đời sống và trong thiên nhiên. Hoạ hiếm ngài mới thấy cần thiết để nhắc đến tên của Thiên Chúa. Có một cái gì rất sâu xa và rất bộc lộ về cách Đức Giêsu hiểu quyền lực tối cao thường được gọi là lời của Thiên Chúa.
Như chúng ta đã thấy rằng đối với Đức Giêsu, quyền lực tối cao làm nên những gì không thể làm được có thể gọi là đức tin. Đức tin làm phát sinh nơi chúng ta một quyền lực vượt trên chúng ta. Chính nhờ đức tin mà những người bệnh, người tội lỗi, được giải thoát khỏi tội lỗi. Cũng vậy, chính đức tin của con người làm cho «vương quốc» đến.
Đức Giêsu không ngừng thúc giục người ta tin ở «vương quốc» (Mt 1:15). Ngài cảm thấy phải đi từ làng này qua làng khác để rao giảng tin mừng (Mc 1:38; Lc 4:43). Để lời rao giảng được rộng rãi hơn, ngài đào tạo môn đệ và sai họ đi rao giảng (Mc 3:14; 6:7; Mt 10:7; Lc 9:2; 10:9,11). Những tín hữu đầu tiên tin rằng «vương quốc» sẽ đến khi tin mừng được rao giảng khắp thế giới (Mc 13:10). Nếu không có rao giảng thì không có đức tin (Roma 10:17). Chỉ khi đức tin mạnh mẽ đủ trong thế gian thì phép lạ về «vương quốc» sẽ xẩy ra.
Cũng nguy hiểm khi biến đức tin này thành một loại thần bí. Đức tin không phải là một quyền lực ma thuật, nhưng là một quyết định thẳng thắn tin ở «vương quốc» của Thiên Chúa. Metanoia hay sự thay đổi mà Đức Giêsu kêu gọi là thay lòng thay trí, thay lòng trung thành. Tiên vàn hãy tìm vương quốc, để hết lòng vào đó (Mt 6:33). Hãy tin vào «vương quốc» để tìm an ủi và phần thưởng (Mt 6:4, 6, 18; Lc 6:20-25). Hãy tích trữ kho tàng cho mình nơi Thiên Chúa và trong «vương quốc» (Mt 6:19-21). Hãy đổi lòng trung thành đối với những vương quốc hiện tại sang vương quốc của Thiên Chúa. Hãy lấy «vương quốc» của Thiên Chúa làm ưu tiên trong cuộc sống và đặt hết kỳ vọng vào đấy. Đó là một kho tàng bí ẩn. Đó là viên ngọc quý. Đầu tư hết vào đó.
Đức tin là một cuộc đổi hướng căn bản của đời sống. Nó không chịu thoả hiệp hay lưng chừng. Không thể làm tôi hai chủ. Phải lấy «vương quốc» và những giá trị của nó làm hướng đi căn bản cho đời sống hoặc là không tin gì hết. Hãy thừa nhận «vương quốc» như là eschaton và là định mệnh của nhân loại hoặc là không thừa nhận gì hết. Thái độ lưỡng lự hoặc thoả hiệp là dấu chỉ thiếu đức tin (đức tin non nớt), và như thế là vô ích.
Tuy nhiên, quyền lực của đức tin không phải từ một quyết định mạnh mẽ hay một lòng xác tín vững chải. Quyền lực của đức tin phát sinh từ chân lý của điều mình tin và hy vọng. Nếu «vương quốc» của Thiên Chúa chỉ là ảo tưởng, thì đức tin cũng bất lực mà không làm nên gì. Thế giới có đầy dẫy tin tưởng mạnh mẽ và ảo huyền. Chúng chỉ đưa chúng ta đến bờ tai hoạ. Nếu «vương quốc» của Thiên Chúa mà Đức Giêsu rao giảng là thực cho đời sống, nếu nó là chân lý về con người và những nhu cầu của nó, nếu chỉ có nó mới đem lại cho nhân loại thoả mãn, thì lòng tin ở «vương quốc» có thể thay đổi thế giới và thực thi điều không thể làm được. Quyền lực của đức tin là quyền lực của chân lý.
Đức tin chân thật không thể có được nếu không có từ bi. «Vương quốc» mà Đức Giêsu muốn những người «vương quốc» của tình huynh đệ trong đó mọi người được yêu thương và kính trọng bởi vì họ là con người. Chúng ta không thể tin hay hy vọng ở «vương quốc» nếu chúng ta không có lòng từ bi đối với đồng bạn của chúng ta. Thiên Chúa nay mạc khải ngài là Thiên Chúa của từ bi. Quyền lực của ngài là quyền lực của từ bi. Con người có lòng từ bi với nhau sẽ tạo nên quyền lực của Thiên Chúa trong thế gian. Đó là quyền lực phát sinh phép lạ về «vương quốc».
Điều làm cho «vương quốc» đến là từ bi và lòng tin. Lòng tin, hy vọng và tình yêu (từ bi) hôm nay là mầm của «vương quốc» ngày mai. Đức tin là như hạt cải tí hon và vô nghĩa (Mt 17:20). Nhưng không có hạt đức tin thì sẽ không có cây cải lớn (Mc 4:30-32). Men xem ra bất lực nhưng nó lại làm cho mẻ bột nổi phồng lên (Mt 13: 33). Một đức tin không nhân nhượng những giá trị và lo âu trần gian chắc chắn sẽ đem lại một mùa màng xum xuê (Mc 4:3-9). «Vương quốc» sẽ là một phép lạ như những phép lạ của thiên nhiên (Mc 4:30-32; Mt 17:20).
Nhưng nếu việc «vương quốc» đến tùy thuộc vào đức tin của con người (đức tin đó gồm có hy vọng và từ bi), thì «vương quốc» sẽ đến không? Làm sao có thể chắc chắn rằng sẽ có đức tin đủ trong thế gian để làm cho «vương quốc» đến? Hoặc là, tai ương sẽ lâu lắm mới xẩy ra để đức tin có đủ thời gian bừng dậy trong thế gian? Nếu tai ương còn lâu lắm mới xẩy ra, hay là nếu có nhiều người còn sống sót sau tai ương, liệu có gì bảo đảm rằng đa số dân chúng sẽ tin vào «vương quốc» mà Đức Giêsu rao giảng? Lòng tin mạnh mẽ nơi «vương quốc» đó là như một phép lạ giống như việc «vương quốc» đến.
Dẫu vậy, Đức Giêsu chắc chắn «vương quốc» sẽ đến. Dân chúng cứng lòng tin có thể làm trì hoãn «vương quốc» đến (Lc 13:6-9), nhưng cuối cùng rồi nó cũng sẽ đến. Tai ương có thể xẩy ra trước, nhiều tai ương sẽ xẩy ra trước nhất, nhưng rồi «vương quốc» của Thiên Chúa sẽ là quyết định cuối cùng (Mc 13:7-8). Cuối cùng «vương quốc» sẽ đến bởi vì sớm muộn con người cũng sẽ tin.
Tại sao? Tại vì có một Thiên Chúa.
Tin ở Thiên Chúa là tin rằng sự thiện mạnh mẽ hơn sự ác và chân lý mạnh mẽ hơn gian dối. Tin ở Thiên Chúa là tin rằng cuối cùng sự thiện và chân lý sẽ thắng sự ác và gian dối, và Thiên Chúa sẽ chiến thắng Satan. Ai nghĩ rằng sự ác sẽ là quyết định cuối cùng, hoặc là sự thiện và sự ác sẽ có đồng đều cơ hội thì ngưới ấy là kẻ vô thần. Có một quyền lực hướng về sự thiện trên thế gian, một quyền lực biểu lộ trong ước muốn và tiềm lực sâu xa nơi con người và thiên nhiên, một quyền lực, nếu phân tích cặn kẽ, sẽ không thể chống lại được. Nếu Đức Giêsu đã không tin như vậy, thì ngài cũng đã không có gì để nói.
Vì thế, tin ở «vương quốc» của Thiên Chúa không phải chỉ là chấp nhận những giá trị của nó và mơ hồ hy vọng rằng nó sẽ đến trong trần gian. Tin ở «vương quốc» là lòng xác tín rằng bất cứ gì chăng nữa «vương quốc» cũng sẽ đến. Và lòng xác tín này sẽ làm cho «vương quốc» đến, bởi vì lòng xác tin này là thật. «Chân lý sẽ giải phóng anh em» (Gioan 8:32).
Tuy nhiên không có gì bảo đảm rằng «vương quốc» sắp đến. Đức tin có thể lan khắp thế giới cách mau lẹ và chúng ta có thể thấy «vương quốc» đến giữa chúng ta. Nhưng như chúng ta đã bàn đến, «vương quốc» có thể trì hoãn dài hạn. Dẫu vậy, chính Đức Giêsu đang mong đợi «vương quốc» sớm đến. «Vương quốc của Thiên Chúa sắp đến rồi» (Mc 1:15; Mt 4:17; Lc 10:8,11). Thực vậy, hình như ngài mong nó đến trong thời những người sống đồng thời với ngài «trước khi thế hệ này qua đi» (Mc 13:30; 9:1). Ngài cũng nói rằng các môn đệ sẽ không đi hết các làng mạc của Israel trước khi «Con Người» đến (Mt 10:23).
Khi nhìn đến các bằng chứng, kể cả các dụ ngôn và việc cấp bách rao giảng, chúng ta thấy Đức Giêsu đang mong đợi một cái gì sắp xẩy đến trong một tương lai rất gần.
Điều này không có ý nói rằng Đức Giêsu nói về ngày giờ của «vương quốc» đến. Theo Mátcô, Đức Giêsu chối rằng ngài biết ngày và giờ (Mc 13:32), nhưng Thiên Chúa sẽ can thiệp thình lình và không ai ngờ đến, giống như kẻ trộn ban đêm hoặc như sấm sét (Mc 13: 33-37; Mt 24:42-44; 25:13; Lc 12:35-40; 17:24). Không ai biết khi nào «vương quốc» đến, vì thế phải tỉnh thức hoặc canh chừng. Có thể các Kitô hữu sơ khởi giải thích biến cố này cặn kẻ hơn là Đức Giêsu muốn. Nhưng rõ ràng là Đức Giêsu chống lại mọi dự đoán về ngày giờ dựa vào các dấu lạ và điềm báo (Lc 17:20-24).
Tại sao Đức Giêsu nhấn mạnh rằng «vương quốc» sắp đến?
Điều mà chúng ta không chú ý là không phải Đức Giêsu nghĩ rằng Thiên Chúa sẽ sớm can thiệp. Đó chỉ là tư tưởng chung của thời đại. Chính vì tin như vậy mà những người Ếtsên bỏ vào sa mạc để chuẩn bị. Chính sự tin tưởng đó tạo nên viễn tượng và tính toán cho các văn sĩ khải huyền. Chính tin tưởng đó đã làm cho những người Dêlót mong đợi Thiên Chúa đến và ban cho họ chiến thắng người Lamã để họ xây dựng vương quốc Thiên Chúa tại Israel. Gioan Tẩy giả kêu gọi dân chúng lãnh phép rửa thống hối vì chính ông đang chờ Thiên Chúa sớm can thiệp «dân Israel sẽ được xét xử». Nói cách khác, lòng hy vọng và mong đợi đã đến cực độ chưa từng thấy. Tình cảnh đã chín mùi, chiến tranh với người Lamã đang ngấm ngầm và sắp có thay đổi. Israel sẽ chiến thắng người Lamã chăng? Vị Cứu tinh sẽ đến chăng? Ngày tận thế sắp đến chăng?
Cũng như Gioan, Đức Giêsu tin rằng Israel đang lao đầu vào hủy diệt ngày gần đây. Biến cố sắp xẩy đến là tai ương.
Gioan có phản ứng tiêu cực đối với tai ương. Ông cố gắng tránh nó hay cứu một số người khỏi tai ương. Đức Giêsu thì phản ứng tích cực. Đó là thời gian của chân lý. Đe doạ tai ương gần kề là cơ hội độc nhất để «vương quốc» đến. Đứng trước sự tàn phá toàn diện, Đức Giêsu thấy đây là cơ hội để ngài kêu gọi một sự thay đổi tức khắc và toàn diện. «Nếu không thay đổi, anh em sẽ bị hủy diệt» (Lc 13:3,5). Nếu thay đổi và tin tưởng, thì vương quốc sẽ đến chứ không phải tai ương.
Cuộc khủng hoảng chưa từng thấy này đem lại cho dân chúng một cơ hội độc nhất để lựa chọn giữa «vương quốc» và tai ương. Đó là đề tài của nhiều dụ ngôn hoặc châm ngôn. Điểm mà dụ ngôn người quản lý bất công nêu lên là khi thấy phải mất mát hết, anh liền hành động ngay và dứt khoát, để bảo toàn hạnh phúc tương lai cho mình (Lc 16:1-8). Ngược lại, người phú hộ ngu xuẩn thì xây những kho lớn hơn rồi lại mất mát hết (Lc 12:16-20). «Được cả thế gian mà mất mạng sống thì lợi lộc gì?» (Mc 8:36). Nếu dân chúng, nhất là các ngươi lãnh đạo, không thấy trước tai ương mà đề phòng, thì sẽ bị bất ngờ, giống như người chủ nhà say ngủ khi kẻ trộm đến (Mt24:43), hoặc như người có nhà bị đổ trong cơn giông bảo vì nhà xây trên cát (mt7:24-27). Bây giờ là lúc phải quyết định và hành động, không phải chỉ để tránh sự mất mát toàn diện nhưng cũng vì có sự lựa chọn tốt hơn: đó là một kho tàng lớn, một viên ngọc quí, một bữa tiệc thịnh soạn (Mt 13:44-46; Lc 14;15-24). Nếu còn chần chờ thì chỉ làm mất cơ hội độc nhất. Ngày mai thì trễ mất rồi.
«Vương quốc» sắp đến. Đó không phải là một điều chắc chắn, nhưng là một cơ hội. Điều chắc chắn đối với Đức Giêsu là tai ương hoặc vương quốc sẽ đến trong tương lai gần. Đối với ngài, eschaton hoặc điều Thiên Chúa sắp làm, là một trong hai biến cố đó. Đó là điều nói lên và quyết định thời gian của Đức Giêsu như là thời gian để lựa chọn và hành động, là một cơ hội độc nhất.
Mọi ám chỉ, trực tiếp hoặc gián tiếp, đến việc Thiên Chúa sắp can thiệp, đều minh xác kết luận này. Đức Giêsu không bao giờ an ủi những người nghèo rằng «vương quốc» gần đến rồi, nhưng ngài tiên đoán rằng «vương quốc», khi nó đến, sẽ thuộc về họ. Không có gì bảo đảm rằng «vương quốc» sẽ sắp đến. Biến cố sẽ xẩy đến «trước khi thế hệ này qua đi» và nếu không hoán cãi, thì tai ương sẽ xẩy đến(Mc 13:2-4,30; Lc 13:3,5). Cách chung, biến cố sắp đến không phải là «vương quốc» đến nhưng là «Con Người» (Mc 13:26; 14:62; Mt 10:23; 19:28; 24:37-39,44; Lc 17:24; 21:36). Không biết có phải chính Đức Giêsu dùng thành ngữ đó hay không, nhưng ám chỉ việc Con Người đến chắc chắn là ám chỉ đến việc phán xét (Mc 8:38; Mt 10:32-33; 19:28; 24:37-39). Rất có thể thành ngữ «Con Người sẽ đến» là chỉ «người sẽ đến», đó là một quan án mà Gioan Tẩy giả nói. Bất luận thứ gì sẽ xảy ra thì cũng ám chỉ đến biến cố phán xét (Mt 24:37-39).
Trong một ít biến cố nói «vương quốc» gần đến (Mc 1:15; 9:1; Mt 4:17; Lc 10:11) thì văn cảnh cũng cho thấy rõ là chúng ta đang đọc một lời cảnh cáo về cuộc phán xét sắp đến, vương quốc hay tai ương. Như thế Đức Giêsu không nói, «Hãy vui mừng, vì vương quốc sắp đến», nhưng «Hãy hối cải, vì vương quốc sắp đến» (Mt 4:7; Mc 1:15; Mt 3:2). Mọi ám chỉ về một số biến cố sắp đến là những lời cảnh cáo.
Chúng ta cũng có thể kết luận về đề tài «khẩn trương» trong các Phúc âm. Bởi vì công việc truyền giáo rất là khẩn trương, nên người rao giảng không còn thì giờ để nhìn lại đàng sau một khi họ đã tra tay vào cày (Lc 9:62). Không còn thì giờ để về chôn cha của mình, nghĩa là đợi cho ông chết (Lc 9:59-60). Không còn thì giờ để ghé lại thăm bạn bè hay bà con (Lc 9:61; 10:4). Nhưng phải đi nhẹ nhàng và đi lẹ (Lc 9:3; 10:4). Công việc khẩn trương đòi phải bỏ hết mọi thứ ngay lập tức, bỏ lưới, bỏ công việc, nhà cửa, gia đình và cha mẹ, để đi theo Giêsu mà rao giảng «vương quốc» của Thiên Chúa (Mc 1:20; 10:28)
Tại sao?
Bởi vì Israel đang lao đầu vào hủy diệt. Giả sử có một vương quốc huy hoàng được bảo đảm trong tương lai, thì không cần phải cấp bách rao giảng. Không nên mất thì giờ, bởi vì cách độc nhất để ngăn chận Israel lao đầu vào hủy diệt là phải thay đổi lòng dạ, một cuộc thay đổi toàn diện để làm cho «vương quốc» đến chứ không phải tai ương.
Giả sử «vương quốc» đến thay vì tai ương, thì những kẻ không thuộc về vương quốc sẽ cảm thấy bị tai ương. Họ cũng sẽ cảm thấy rơi vào tăm tối (Mt 8:12; 22:13; 25:30, mất hết những gì họ đã cố công lưu trữ suốt đời. Những ai tìm hạnh phúc và an ninh nơi tiền bạc, uy tín, phe phái và thế lực, sẽ thấy rằng chúng không còn chỗ đứng trong thế giới mới của «vương quốc». Họ sẽ cảm thấy đó là một sự mất mát to lớn, mất hết mọi sự đã đem ý nghĩa cho đời họ, đó là chính bản thân bị huỷ diệt. Họ sẽ không bị loại ra khỏi «vương quốc», nhưng chính mình tự loại ra lấy.
Tai ương cá nhân này thường cũng được mô tả như sống trong tăm tối hoặc như bị quăng vào lửa của Ghêhenna. Đó là tên một thung lũng ngoài thành Giêrusalem. Từ nhiều thế kỷ, đó là nơi mà nhiều sự nhờm tởm đã xẩy ra: trẻ con bị thiêu sống để tế thần (Sách Ký Sự II: 28:3; 33:6; Giêrêmia: 7:31). Đó là một nơi bất thánh, nhơ bẩn và xấu xa, và người ta dùng nơi ấy để đổ rác cho thành Giêsrsalem. Cũng như mọi hố đổ rác khác, đó là một chỗ hôi hám, mất vệ sinh mà mọi vật đều mục đi và bị côn trùng ăn. Lửa cũng âm ỉ cháy ở đó để thiêu trụi rác rến. Số phận đen tối nhất của con người cũng chỉ bằng thế, nghĩa là bị quăng vào ổ rác Ghêhanna âm ỉ lửa để cháy mòn. Đó là nguồn gốc của hình ảnh hoả ngục của người Dothái và người Kitô.
Hình ảnh lửa và giòi bọ là do hố đổ rác Ghêhenna tạo nên. Nên lưu ý rằng giòi bọ ở đó không bao giờ chết, cũng như lửa chẳng bao giờ tắt. Còn mọi sự mọi người thì tan rã và bị thiêu hủy hết. Ghêhenna là hình ảnh của hủy diệt toàn diện, nghịch với sống còn. Nếu Đức Giêsu đã dùng hình ảnh Ghêhenna, thì đây là điều có trong tâm trí ngài. «Đừng sợ hãi những kẻ chỉ giết được thể xác mà không giết được linh hồn; hãy sợ người có thể giết cả xác lẫn hồn trong Ghehenna» (Mt 10:28).
Hoả ngục là hủy diệt linh hồn hay là toàn thể cá tính con người: đó là cái mà sách Khải Huyền gọi là cái chết thứ hai (KH 2:11; 20:6,14; 21:8). Theo ý nghĩa đó, thì một số người như đã chết rồi. «Để người chết chôn người chết» (Mt 8:22). Ít người trong bọn họ tìm được con đường đến đời sống thực và chính đáng: «Hãy vào cửa hẹp, bởi vì đường đưa đến huỷ diệt thì rộng thênh thang và nhiều người theo đường đó: nhưng chính cửa hẹp và đường khó đi mới đưa đến sự sống, và cũng ít người tìm được» (Mt 7:13-14). Do ảnh hưởng của triết lý Hylạp cho rằng linh hồn là bất tử, người Kitô hiểu Ghêhenna hay hoả ngục là nơi đau khổ triền miên cho linh hồn lìa xác mà không hề bị huỷ diệt.
Tuy nhiên không phải vì tai ương của một số cá nhân mà Đức Giêsu hoạt động một cách khẩn trương. Nhưng tai ương xã hội và chính trị mà Israel đang lao đầu đến sẽ chôn vùi mọi người - kẻ vô tội cũng như người có tội. Người vô tội cũng ít được tha trong cuộc tàn sát (Mc 13:14-20). Họ được khuyên hãy bỏ chạy và «trốn lên núi» (Mc 13:14-20). Việc làm khẩn trương là ngăn chận tai ương này bằng cách khuyến dục mọi người hãy lợi dụng cơ hội mà quy hướng đời sống của mình về «vương quốc» của Thiên Chúa.
Như chúng ta biết, chính tai ương đã xảy đến chứ không phải vương quốc. Vào năm 70 người Lamã hủy diệt thành Giêrusalem và Đền Thờ. Vào năm 135 họ hoàn thành tai ương đó khi huỷ diệt quốc gia Israel và lưu đày người Dothái khỏi Palêtina. Đó là một cuộc tàn sát tàn nhẫn gây nên đau thương cũng như chết chóc không tả được.
Đức Giêsu đã không sai lầm; ngài đã thất bại, hay đúng hơn dân chúng đã làm cho ngài thất bại. Một cơ hội độc nhất đã bị đánh mất. Tuy nhiên đó không có nghĩa là hết. Còn có một cơ hội nữa và còn nữa, bởi vì «vương quốc» của Thiên Chúa cuối cùng sẽ đến - Thiên Chúa có quyền trên hết. Những người Kitô đầu tiên đã áp dụng lời tiên tri của Đức Giêsu vào những hoàn cảnh mới của họ.
Sứ điệp của Đức Giêsu cũng như của mọi ngôn sứ không phải là vô thời gian. Tuy nhiên nó cũng nói lên một cái gì liên hệ đến nhân loại và Thiên Chúa một cách rất chân thực, nên có thể áp dụng cho những thời gian và địa điểm khác. Một khi sứ điệp được truyền ra khỏi Palêtina không còn mang màu sắc khủng hoảng chính trị, và nhất là sau khi người Lamã đã tiêu diệt quốc gia Israel, thì người ta nghĩ rằng phải thích nghi sứ điệp với hoàn cảnh mới , đúng vậy, bất cứ hoàn cảnh nào. Điều này đã được thực hiện bằng cách khải-huyền-hoá (apocalyptizing) sứ điệp. Tôi không chủ ý tranh luận ở đây về cái hay cái dỡ của diễn tiến này, nhưng chỉ nêu lên rằng đó là cách các Phúc âm gia đã giải thích sứ điệp nguyên thuỷ của Đức Giêsu.
Chúng ta cũng có thể đọc thấy cái diễn tiến khải-huyền-hoá sứ điệp này trong phúc âm Mátcô, cả trước khi quốc gia Dothái bị tiêu diệt. «Điều mà tôi đang nói với anh em, tôi cũng muốn nói với mọi người» (Mc 13:37). Eschaton (thế mạt) trở thành một biến cố siêu lịch sử, khác với tai ương chính trị sắp xảy đến (Mc 13:7,10,29). Sự phán xét siêu-lịch-sử trong ngày cuối cùng được dùng theo lối khải huyền để răn dạy luân lý và đe doạ cá nhân hơn là xã hội. Mátthêu còn đi xa hơn nữa khi nhấn mạnh về ngày phán xét và phân chia công tội.
Điều mà Đức Giêsu nói về ngày cuối cùng không phải là khải huyền, nhưng là tiên tri. Chúng ta có thể tìm hiểu được Đức Giêsu muốn nói gì với dân chúng thời ngài, trước khi có Kitô giáo, bằng cách phi-khải-huyền (de-apocalyptizing) các Phúc âm.


__________________________________

Chương trước (11) <=> Chương sau (13)



Comments

Popular posts from this blog

Chân Dung Đức Giêsu (Lm Jos. F. Girzone)

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Cốt tuỷ chung của các tôn giáo