13 Chương 13 - Chính trị và Tôn giáo
Chương 13
Chính
trị và Tôn giáo
Một điều chắc
chắn và xác thực là Đức Giêsu thành Nadarét đã bị xử án tử hình do quan toàn
quyền Lamã là Philatô về tội phản bội. Điều này cũng không có gì độc đáo. Hàng
ngàn người Dothái phản loạn và cách mạng cũng đã bị đóng đanh thập giá do những
nhà cầm quyền Lamã thời đó. Cách chung, người Dothái chống đối quyền cai trị
của Lamã, và có một số người có chủ ý muốn lật đổ người Lamã để phục hồi lại
vương quốc Israel .
Đức Giêsu bị bắt vì tội tham gia vào âm mưu ấy và hơn thế nữa, vì ngài công bố
mình là vua Dothái, là người thừa kế, hoặc là nhân vật mà người Dothái gọi là
Mêsia, tức vị Cứu Tinh.
Chúng tôi đã
phát giác ra tên này xúi giục dân chúng phản động; chống đối việc nộp thuế cho
Xêda; xưng mình là Mêsia, là vua ... (Lc 23:2)
Tấm bảng treo
trên thập giá (Vua dân Dothái) cho thấy rõ lời buộc tội Đức Giêsu.
Ngài có tội
hay không có tội? Ngài có xúi giục dân chúng phản động không? Ngài có chống đối
việc nộp thuế cho người Lamã không? Ngài có tuyên xưng mình là vua hay là Vị
Cứu Tinh sẽ cai trị dân Dothái thay vì Hêrốt hay Philatô hay Xêda không? Ngài
có dự định lật đổ chánh quyền không?
Một đàng là
những người cho rằng ngài có tội (ít nhất là chính quyền Lamã), bởi vì ngài
tuyên xưng mình là Vị Cứu Tinh và muốn làm một cuộc cách mạng lật đổ đế quốc
Lamã. Người ta lý luận rằng Đức Giêsu nhúng tay vào chính trị thời bấy giờ và
phát động một phong trào tôn giáo-chính trị - giống như nhóm Dêlót. Đức Giêsu
và nhóm Dêlót được xem là rất giống nhau. Một trong mười hai môn đệ của ngài có
tên là Ximông người Dêlót (Lc 6:15; CV 1:13) và người ta cũng đôi khi nói rằng
Phêrô, Giuđa và cả nhưng người con của Dêbêđê cũng là người Dêlót. Hơn nữa, vài
năm sau khi Đức Giêsu chết, một thủ lãnh Pharisêu muốn khôi phục phong trào
Giêsu nghĩ rằng đó cũng là phong trào Dêlót của Giuđa người Galilê CV 5:34-39).
Có lần người ta lầm tuởng Phaolô là một lãnh tụ cách mạng từ Aicập (CV
21:37-38).
Đàng khác,
một nhóm người lại quả quyết rằng Giêsu là hoàn toàn vô tội đối với những lời tố
cáo chính trị. Ngài không muốn xúi giục dân chúng nổi loạn, ngài bảo họ phải
nạp thuế, ngài là một con người ưa chuộng hoà bình và tuyên xưng là Vi Cứu Tinh
«tinh thần» hoặc Vua «tinh thần» của người Dothái. Họ cũng
nghĩ là ngài không dính líu gì đến chính trị đương thời, rằng ngài chỉ rao
giảng một sứ điệp hoàn toàn thiêng liêng và đạo giáo, và những lời buộc tội về
chính trị chỉ là những điều bịa đặt do các người lãnh đạo Dothái muốn tẩy chay
ngài.
Sự thật không
nằm giữa hai thái độ trên. Sự thật của vấn đề là hai lập luận trên đều lỗi
thời, bởi vì người ta đặt những tư tưởng sau đó vào hoàn cảnh và các biến cố
của quá khứ.
Người Dothái
không phân biệt giữa chính trị và tôn giáo. Những vấn đề mà ngày nay chúng ta
gọi là chính trị, xã hội hay tôn giáo, thì người Dothái nghĩ rằng chúng thuộc
về Thiên Chúa và lề luật. Một vấn về thuần túy thế tục không thể có được. Chỉ
cần đọc thoáng qua sách Cựu Ước cũng cho thấy rõ điều đó.
Tuy nhiên
chúng ta cũng có thể nói rằng một số vấn đề của thời ấy có thể gọi là chính
trị, miễn là cần nhớ rằng đối với người Dothái thời ấy thì các vấn đề này được
xem trong nhãn giới tôn giáo. Theo ý nghĩa đó thì có thể nói rằng mối tương
quan giữa Israel và quyền lực đế quốc Lamã là một vấn đề chính trị, hoặc là,
nếu bạn muốn, thì đó là một vấn đề tôn giáo-chính trị. Nếu Đức Giêsu khác với
những người Dêlốt trong vấn đề này, không phải là ngài muốn đứng ngoài chính
trị. Đối với người Dothái đó là một vấn đề tôn giáo và một người có đạo phải có
ý kiến trong vấn đề này cũng như phải có ý kiến về ngày Sabát hay về chay tịnh
(Mc 12:13-17).
Đức Giêsu
muốn Israel
được giải phóng khỏi đế quốc Lamã, cũng như người Dêlót, Pharisêu, Ếtsên hay
bất kỳ ai cũng muốn vậy. Những người viết Phúc âm không quan tâm mấy đến ý kiến
của Đức Giêsu trong vấn đề này, bởi vì nó không quan trọng đối với những ai
sống ngoài đất Palêtina và bởi vì, sau khi thành Giêrusalem bị sụp đổ năm 70
T.L., nó không còn là vấn đề liên quan đến ai nữa. Nhưng Luca, vì muốn dùng
những tài liệu nguyên thuỷ (Lc 1:1-4), đã dùng một tài liệu viết ở Palêtina
trước khi Giêrusalem bị sụp đổ. Các học giả gọi tài liệu này là Nguyên-Luca
(Proto-Luke), và họ cho rằng nhiều đoạn trong phúc âm Luca và sách Công Vụ cũng
rút ra từ tài liệu này. Điều làm cho chúng ta lưu ý là Nguyên-Luca, khác với
hầu hết các tài liệu khác, thường xuyên ám chỉ giải phóng chính trị của Israel .
Trong
Nguyên-Luca những người có mặt khi Đức Giêsu sinh ra và thời thơ ấu của ngài
được gọi là «những kẻ mong đợi ngày giải
phóng của Giêrusalem» (2:38) hoặc «niềm
an ủi của Israel »
(Lc 2:25). Lời tiên tri của Giacaria (Benedictus: Bài ca Chúc tụng) nói đến
việc Thiên Chúa của Israel
«giải phóng dân Ngài» (1:68) và «cứu khỏi thù địch và tay những kẻ ganh ghét
chúng tôi» (1:71), «cho chúng tôi
không còn sợ hãi, cứu chúng tôi khỏi tay kẻ thù» (1:75). Kẻ thù của Israel chắc hẵn
là người Lamã (19:43). Lòng hy vọng và mong chờ diễn tả ở đây là Đức Giêsu «sẽ là người giải phóng Israel »
(24:21).
Đức Giêsu đáp
lại sự mong ước có tính cách tôn giáo và chính trị này, nhưng không phải cách
thế mà dân chúng mong muốn và cũng không theo đường lối mà các người Dêlót làm.
Đức Giêsu quyết tâm giải phóng dân Israel
khỏi sự thống trị của Lamã bằng cách thuyết phục Israel phải thay đổi. Nếu không có
một sự thay lòng đổi dạ trong Israel ,
thì không thể có một cuộc giải phóng nào khỏi chủ nghĩa đế quốc. Đó cũng là sứ
điệp của mọi ngôn sứ, kể cả Gioan Tẩy giả. Đức Giêsu là một ngôn sứ và ngài
cũng nhúng vào chính trị cùng một cách như mọi ngôn sứ đã làm.
Nhưng thay
đổi thế nào để được giải phóng? Theo Nguyên-Luca thì Đức Giêsu cố sức thuyết
phục những người Dothái ở Palêtina rằng thái độ căm hận và cay đắng của họ là
tự sát. Ngài bảo họ hãy đọc dấu hiệu của thời thế (12:54-56) và tự xét lấy
(12:57) thay vì nghe theo những gì người Dêlót hoặc ai đó nói. Trong tình trạng
lúc ấy thì những dấu hiệu đó là tai ương sắp xẩy đến - «mây mù kéo đến từ phương tây» (15:24). Trong Nguyên-Luca tai ương
được mô tả rõ ràng và nhất quán như là một cuộc thất trận của Israel, trong dó
thành Giêrusalem sẽ bị «quân thù» bao
vây (19:43), nghĩa là quân đội bao vây (21:20) và các con đại bàng Lamã sẽ bu
lại xác chết của các con súc vật Israel (17:37). Điều này khác với điều mong
ước của những người Dêlót.
«Nếu không thay đổi, các người sẽ bị tiêu
diệt hết» (13:3). Bởi vì họ không thể lật đổ người Lamã bằng quân sự, bởi
vì họ không thể thắng quân thù, thì điều tốt nhất là làm hoà với họ (12:58).
Như Đức Giêsu nghĩ, để được giải phóng khỏi kẻ thù thì hãy yêu mến họ, làm điều
thiện cho những ai ghét mình, và cầu nguyện cho những ai đối xử tệ với mình
(6:27-28).
Đấy không
phải là vấn đề cúi đầu chịu Lamã đàn áp; cũng không phải là giết họ cách nhân
hậu. Nhưng là đi đến tận nguồn gốc của đàn áp và thống trị: đó là vì nhân loại
thiếu lòng từ bi. Nếu dân Israel
không có lòng từ bi, thì lật đổ người Lamã có làm cho Israel được tự
do hơn không? Nếu người Dothái tiếp tục sống theo những giá trị vật chất của
tiền bạc, danh dự, phe nhóm và quyền lực, thì việc đàn áp tàn nhẩn của Lamã sẽ
được thay thế bằng một loại đàn áp không kém do người Dothái không ?
Đức Giêsu
quan tâm về việc giải phóng hơn là nhóm Dêlót. Họ chỉ muốn thay đổi chính quyền
- từ Lamã sang Dothái. Đức Giêsu muốn có một sự thay đổi ảnh hưởng toàn diện
con người và những tin tuởng căn bản của người Dothái cũng như người Lamã. Đức
Giêsu muốn một thế giới khác - đó là «vương
quốc» của Thiên Chúa. Ngài không muốn chỉ thay đổi một vương quốc thế tục
bằng một vương quốc thế tục khác. Vì như thế thì không có giải phóng.
Không ai
trước Đức Giêsu đã thấy có nhiều đàn áp và bóc lột kinh tế chính trong Dothái
giáo hơn là từ bên ngoài. Những người Dothái trung cấp nổi loạn chống lại Lamã,
thì chính họ lại đàn áp người nghèo và người thất học. Dân chúng đau khổ nhiều
hơn do sự đàn áp của các kinh sư, Pharisêu, Sađuxê và Dêlót hơn là do người Lamã.
Chống đối Lamã chỉ là giả hình. Đó chính là điểm mà Đức Giêsu trả lời câu hỏi
có phải nộp thuế cho vua Xêda không.
Trong thực tế
Lamã cai trị có nghĩa là Lamã lấy thuế. Đối với hầu hết người Dothái, nộp thuế
cho người Lamã có nghĩa là cho Xêda những gì thuộc về Thiên Chúa, đó là tiền
bạc và tài sản Dothái. Nhưng đối với Đức Giêsu thì đấy chỉ là viện lý, là một
lý do giả hình vì lòng keo kiệt. Nó không ăn nhập gì đến vấn đề chính yếu.
«Có được nạp thuế cho Xêda không? Chúng tôi
phải làm hay không?» Thấy rõ sự giả hình của họ Đức Giêsu đáp, «Tại sao các ông gài bẫy tôi? Đưa tôi xem
đồng bạc.» Họ đưa cho ngài một đồng và ngài hỏi: «Hình này là ai? Tên gì?» «Xêda»,
họ đáp. Đức Giêsu nói, «Đưa cho Xêda
những gì thuộc về Xêda- và cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa».
Câu trả lời này làm họ sửng sốt. (Mc 12:14-17).
Câu trả lời
của Đức Giêsu không những vạch ra sự giả hình không ngay thật của câu hỏi, mà
cả đến lý do chính của vấn đề thuế má: đó là ham mê tiền bạc. Những người đặt
câu hỏi thì lại đang mang tiền của Lamã. Đồng bạc được xem là tài sản riêng của
người cai trị phát hành nó. Đồng bạc này có khắc tên và hình Xêda. Đó là tiền
bạc của Xêda chứ không phải của Thiên Chúa! Nếu từ chối trả lại cho Xêda những
gì thuộc về Xêda, thì chỉ tại mình ham tiền. Nếu thật lòng muốn trả lại cho
Thiên Chúa những gì thuộc về ngài, thì hãy bán hết tài sản mà đem tiền phân
phát cho người nghèo ,và đừng tham quyền, địa vị hay tài sản.
Vấn đề chính
yếu là đàn áp chứ không phải là Lamã ngoại đạo dám đàn áp dân Chúa chọn. Lý do
sâu xa của đàn áp là con người thiếu lòng từ bi. Những kẻ oán trách người Lamã
đàn áp mà không nghĩ đến mình đang đàn áp người nghèo, là thiếu từ bi cũng như
người Lamã, hay có khi còn hơn. Nói về từ bi thì cực nhọc trong việc nạp thuế
cho chính quyền Lamã thay vì nạp cho chính quyền Dothái và lòng đạo bị xúc phạm
bởi một kẻ xâm lược ngoại đạo, thì cũng chỉ là nhỏ mọn so với nổi cực khổ của
người nghèo và người tội lỗi do tay những công dân giàu có và đạo đức.
Cần phải tiêu
diệt hai nổi cực nhọc đó, nhưng Đức Giêsu lại cảm thương nổi cực khổ của những
người nghèo và người tội lỗi hơn. Đức Giêsu nhấn mạnh sự đàn áp bởi tay người
Pharisêu và Sađuxê (và cũng gồm người Dêlót và Ếtsên) hơn là người Lamã.
Làm thế, Đức
Giêsu không tránh khỏi vấn đề chính trị. Như ông Segundo nêu lên rằng, «đặt yếu tố chính trị trong thời Đức Giêsu
vào cơ cấu tổ chức của đế quốc Lamã bởi vì nó giống một đế quốc chính trị hiện
đại ... là lỗi thời.» Ông giải thích tiếp:
«Đời sống chính trị, tổ chức dân sự của dân
Dothái, những gánh nặng, những đàn áp ... ít do đế quốc Lamã nhưng do ý tưởng
thần học đang thịnh hành của nhóm kinh sư và Pharisêu. Chính họ, chứ không phải
Đế Quốc, áp đặt những gánh nặng nề trên kẻ yếu ... đó làcơ cấu xã hội-chính trị
thực của Dothái. Theo đó, tư tưởng thần học đối nghịch của Đức Giêsu mang màu
sắc chính trị còn hơn là những lời tuyên bố hay hành động chống lại Đế quốc
Lamã.» (Concilium, tháng 1, 1974, trg 118).
Lại nữa, cuộc
tranh đấu của nhóm Dêlót không liên hệ gì đến công cuộc giải phóng đích thực.
Họ chiến đấu cho tinh thần quốc gia Dothái, cho sắc tộc Dothái, cho sự cao cả
của Dothái và cho thành kiến tôn giáo của Dothái. Giải phóng đích thực phải là
tranh đấu cho dân như là người. Yêu kẻ thù địch là sống liên đới với mọi người
và tranh đấu cho mọi người như là người.
Cuộc cách
mạng mà Đức Giêsu mang đến còn triệt để hơn những gì người Dêlót hay bất cứ ai
có trong tâm trí. Đức Giêsu xét lại tận căn bản mọi lĩnh vực của đời sống, như
chính trị, kinh tế, xã hội và tôn giáo, và ngài làm đảo ngược tất cả. Những ý
tưởng đương thời về những gì sai hay trái xem ra rất là vô tâm, và như thế đi
ngược lại ý muốn của Thiên Chúa.
Chúng ta thấy
những tỉ dụ về việc đó trong dụ ngôn những người làm công ở vườn nho (Mt
29:1-15) và trong dụ ngôn người con trai hoang đàng (Lc 15:11-32). Những người
làm công «vất vả suốt ngày ngoài trời
nóng bức», họ than phiền rằng họ cũng chỉ lãnh phần lương bằng những người
mới làm có một giờ. Xem ra bất công và vô luân. Nhưng sự thật không phải vậy.
Một đồng là tiền công đúng cho một ngày và họ cũng đã đồng ý như vậy. Nhưng chủ
nhân, là Thiên Chúa, vì lòng từ bi đã cảm thương những người thất nghiệp mà ông
thấy đứng ở ngoài chợ, và vì thực sự quan tâm đến họ và gia đình họ, ông đã
thuê họ làm muộn và trả một ngày lương cho họ, mặc dù không đúng với một ngày
lao công nhưng đúng với nhu cầu của họ và của gia đình họ. Những người làm suốt
ngày thì không thông cảm được lòng từ bi của ông chủ mà đi than phiền. Sự «công bình» của họ, giống như sự công
bình của người Dêlót và người Pharisêu, là vô tâm. Họ ganh tị cái may mắn của
người khác và, giống như Giôna, họ tiếc rẻ lòng từ bi và đại lượng của Thiên
Chúa đối với những người khác.
Cũng thế,
trong dụ ngôn người trai hoang đàng, người con cả làm việc tận tụy với cha nó
trong những năm qua và không bao giờ bất tuân cha nó (như người Dêlót và người
Phariasêu). Nó giận dỗi khi nghe nói cha nó giết con bò con béo tốt để ăn mừng
đứa con tội lỗi. Người con cả không thông cảm được lòng từ bi của cha nó đối
với đứa con đã mất. Do đó nó cảm thấy cha nó bất công.
Nếu chúng ta
phân loại chính trị và tôn giáo, và nếu hiểu chúng như cách thức chúng ta hiểu
ngày nay, thì chúng ta phải nói rằng Đức Giêsu không công kích nhóm Dêlốt là
quá chính trị , nhưng là quá đạo hạnh cũng giống như những người Pharisêu và
Ếtsên. Người Dêlót thì quá cuồng tín. Vì tận tâm với lề luật của Thiên Chúa mà
họ đã sát hại những người Dothái phản đạo (và như thế, phản tổ quốc) và mang
khí giới chống lại quân xâm lược ngoại đạo. Người Dêlót muốn theo gương của
Phinêa: khi anh giết một người Do thái ăn nằm với một thiếu phụ ngoại đạo, thì
được tán dương là sùng dạo (Dân Số 25:6-13). Vì lòng cuồng tín tôn giáo mà
người Pharisêu bách hại và đàn áp người nghèo và người tội lỗi. Người Ếtsên
ghét những nguời Dothái nhơ bẩn cũng là do lòng đạo.
Chúng ta khó
mà tưởng tượng được phản ứng đối với dụ ngôn người thu thuế và người Pharisêu
(Lc 18:9-14). Người Pharisêu được xem là người đạo đức gương mẫu. Ông còn làm
hơn là những gì lề luật đòi buộc: đó là ông ăn chay hai lần mỗi tuần. Ông cũng
không phải người giả hình. Ông cũng không phô trương công việc đạo đức của
mình; ông chỉ biết cảm tạ Thiên Chúa. Còn người thu thuế, mặc dù xin Thiên Chúa
tha thứ, lại không quyết tâm sửa đổi nếp sống của anh và không hứa sẽ trả lại
những của cải anh đã ăn lường.
Án lệnh của Đức
Giêsu trên hai người này nghe thật kỳ quặc. Người tội lỗi thì đẹp lòng Thiên
Chúa, còn người đạo đức thì không. Tại sao? Bởi vì người tội lỗi thì không đề
cao mình, còn người đạo đức thì đề cao mình. Người Pharisêu thì xem mình hơn
những người khác như người thu thuế: «Tôi
không giống như mọi người trong dân gian và nhất là không giống như người thu
thuế đây.» Đây không hẵn là tự kiêu, nhưng là không thông cảm được lòng từ
bi của Thiên Chúa đối với dân chúng. Không có từ bi thì mọi hành vi hay tín
ngưỡng tôn giáo chỉ là vô ích và trống rỗng (I Co 13:1-3). Không có từ bi thì
chính trị là đàn áp, cả đến chính trị cách mạng.
Một trong lý
do căn bản của đàn áp, kỳ thị và đau khổ trong xã hội thời bấy giờ là tôn giáo
của nó - cái loại tôn giáo vô tâm của những người Pharisêu, Saduxê, Ếtsên và
Dêlót, tôn giáo của phái nam. Không gì khó thay đổi bằng lòng sùng đạo. Lòng
đạo đức và hành vi đạo đức của một người chăm chuyên giữ đạo làm cho họ nghĩ
rằng Thiên Chúa đứng về phe mình. Họ không cần lòng nhân từ và ơn tha thứ của
Thiên Chúa; đó là điều người khác cần. Trong khi đó, người tội lỗi thì biết rõ
rằng mình cần lòng nhân từ và ơn tha thứ (Lc 18:13), và cần thay đổi nếp sống.
Khi một người mắc nợ nhiều mà được tha thì rất biết ơn (lc 7:41,47). Đức Giêsu
sớm khám phá ra rằng chính người chăm chỉ đạo đức, chứ không phải nguời tội lỗi
hay người Lamã ngoại đạo, làm ngăn trở không cho «vương quốc» giải phóng toàn diện đến.
Đức Giêsu đã
thấy điều đó khi dân chúng đáp lại lời tiên tri của Gioan Tẩy giả. Những thầy
đạo thì không muốn chấp nhận rằng Israel đang lao đầu vào hủy diệt
(Mt 21:25-26,32). Tại sao Thiên Chúa muốn phạt họ thay vì phạt những dân ngoại
và những người tội lỗi? Đàng khác, những người tội lỗi thì tuốn đến xin Gioan
rửa vì họ thấy không có lý do gì mà phải nghi ngờ rằng tai ương sắp xảy ra. Dù
sao, họ cũng biết mình là người tội lỗi.
Như Đức Giêsu
thấy, những người lãnh đạo tôn giáo là những người đã hứa tuân phục Thiên Chúa
(Mt 21:28-31), nhưng trong cơn khủng hoảng khi «vương quốc» của từ bi và huynh đệ được ban cho thì họ từ chối tham
gia vào (như người con trai lớn trong dụ ngôn (Lc 15:28) và họ viện nhiều lý lẽ
(như những người được mời đến dự tiệc Ờ Lc 14:16-24). Những người đĩ điếm và
tội lỗi lúc trước có bất tuân Thiên Chúa, nhưng trong cơn khủng hoảng khi nghe Đức
Giêsu cho biết lòng từ bi và ơn tha thứ của Thiên Chúa, thì họ sẵn sàng chấp
nhận «vương quốc».
Điều lạ là
trong các phúc âm Đức Giêsu rao giảng về một «vương quốc» tôn giáo-chính trị mà những ông có đạo (Những người
Dêlót, Pharisêu, Ếtsên và Sađuxê) thì bị loại ra, hoặc là chính họ tự loại mình
ra. Theo Mátthêu, Đức Giêsu bảo họ rằng «những
người thu thuế và đĩ điếm thì vào vương quốc nhưng không phải các ông» (Mt
21:31). Xem ra không còn «công lý» gì
nữa vì «con cái của vương quốc» thì
bị loại ra ngoài (Mt 8:12) trong khi những «kẻ
nghịch» của Thiên Chúa là những người tội lỗi và ngoại đạo, thì lại đem
vào. Chắc hẳn đó là ý nghĩa nguyên thuỷ của lời tuyên bố bí hiểm sau đây của Đức
Giêsu:
Lề luật và
các ngôn sứ có cho đến thời ông Gioan. Rồi từ đó thì vương quốc của Thiên Chúa
được rao giảng và mọi người dùng sức tranh nhau vào (= và mọi người vội vả vào)
(Lc 16:16).
Từ ngày Gioan
Tẩy giả đến bây giờ, nước trời phải bị bạo động (= bị áp lực) và những người
bạo động (=những người lấn vào) đột chiếm nó. Vì lề luật và các ngôn sứ đã nói
tiên tri cho đến thời ông Gioan (Mt 11:12)
Bạo động đây
không có nghĩa là đổ máu hay dùng vũ khí. Nó chỉ co ý nói không dùng phương
tiện thông thường Ờ lề luật và các ngôn sứ. Hình ảnh đám dân (mọi người và mỗi
người) đột chiếm thị trấn xem ra bất hợp pháp và bất công đối với công dân ngay
lành (những người Pharisêu).
Đức Giêsu hoà
đồng với người tội lỗi vì danh Thiên Chúa và tin rằng họ được Thiên Chúa chấp
nhận trong khi người đạo đức thì lại không được: đó là «đi ngược» lại tất cả những gì Thiên Chúa, tôn giáo và đạo đức dạy.
Nhưng Đức Giêsu không bận tâm đến việc phục hồi tôn giáo; ngài chỉ bận tâm đến
một cuộc cách mạng - một cuộc cách mạng về tôn giáo, chính trị và cách mạng tất
cả.
Người sống
thời Đức Giêsu thấy khó mà nghĩ rằng ngài là một người đạo đức không nhúng vào
chính trị và cách mạng. Họ xem ngài là một con người vô đạo mặc áo tôn giáo để
đả phá mọi giá trị mà tôn giáo, chính trị, kinh tế và xã hội được xây dựng.
Ngài là một nhà cách mạng nguy hiểm và phá hoại cách tinh vi.
Nhưng người
Lamã thì nghĩ sao? Họ có xem đó chỉ là một tư tưởng mờ ám của đám dân thuộc địa
không? Thực vậy, họ có để ý chút nào không?
Đức Giêsu
phản đối sự đàn áp của Lamã như bất cứ một người Do thái nào, mặc dù với những
lý do khác. Ngài phản đối việc họ «đặt
quyền thống trị» và «cai quản thuộc
hạ» (Mc 10:42). Nhưng ngài dự tính thay đổi điều đó bằng cách thay đổi
Israel, để Israel có thể cho Lamã thấy tấm gương sống động về những giá trị và
lý tưởng của «vương quốc». Ngài không
nghĩ rằng dùng «vương quốc» của Thiên
Chúa để đối đầu trực tiếp với người Lamã sẽ thức tỉnh long trace ẩn và niềm tin
nơi họ.
Tuy nhiên rốt
cuộc Đức Giêsu cảm thấy cần phải đương đầu với những người Dothái đang hợp tác
với Lamã: những giáo sĩ trưởng và kỳ lão, những người lãnh đạo dân chúng, đó là
những người thuộc nhóm Sađuxê. Cho đến bây giờ Đức Giêsu chỉ công kích những
người đạo đức, nhất là các kinh sư và Pharisêu; giờ đây ngài phải đối đầu với
những người hành chánh, các chức trách Dothái ở Giêrusalem. Không nhất thiết vì
họ cộng tác với Lamã, nhưng vì họ bóc lột người nghèo. Chúng ta hãy bàn đến
cuộc đối đầu này - cuộc chạm trán đã đưa ngài đến cái chết.
Comments
Post a Comment