11 Chương 11 - Thời gian mới
Chương 11
Thời
gian mới
Chúng ta ngày
nay không thể hiểu được Đức Giêsu nếu không tìm hiểu ngài và các người đồng
thời với ngài nghĩ thế nào về thời gian. Vì không tìm hiểu ý tưởng đó nên nhiều
học giả đã không ngớt tranh luận và tạo ra nhiều vấn đề nan giải. Lấy tỉ dụ vấn
đề «vương quốc»: Đức Giêsu có hiểu đó
là vấn đề hiện tại hay tương lai, hay cả hai? Nếu là cả hai, thì ngài liên kết
hiện tại với tương lai thế nào? Nhưng đặt vấn đề như vậy là không đúng, vì
người ta tìm hiểu lời lẽ của Đức Giêsu theo cách thức chúng ta ngày nay hiểu về
thời gian. Những cuộc tranh luận không ngừng về ý nghĩa của ngày thế mạt hay là
tận thế trong Thánh Kinh đã không giải quyết được gì, vì thiếu ý thức rõ ràng
về ý niệm thời gian của Thánh Kinh.
Ý niệm của
Tây phương về thời gian xem nó như lượng độ. Khi nghĩ về một thời lúc nào,
chúng ta dùng đồng hồ hay lịch. Chúng ta xác định một thời đại hay một nhân vật
lịch sử theo hai niên đại, dĩ vảng và tương lai. Thời gian được hiểu đây như là
một không gian trống rỗng đã được đo đạc, đầy dẫy những biến cố hơn kém quan
trọng. Thờì gian này có thể gọi là thời gian đo đạc hay lượng thời gian.
Theo một
trong những học giả danh tiếng về Cựu Ước là ông Gerhard von Rad, «Một điều chắc chắn là ngày nay người ta có ý
niệm về thời gian như là một tuyệt đối, trống không, giống như những khoảng
trống của một câu hỏi chờ câu trả lời, loại thời gian này rất xa lạ đối với dân
Israel.»
Người Hêbrơ
nói và nghĩ về thời gian như là phẩm. Điều này đọc thấy rõ ràng trong đoạn văn
danh tiếng của sách Giảng Viên sau đây (3:1-8):
«Dưới bầu trời mọi sự đều có lúc, mọi việc
đều có thời:
thời
để sinh,
thời
để chết;
thời
để trồng,
thời
để nhổ cây trồng;
thời
để giết,
thời
để chữa;
thời
để phá,
thời
để xây;
thời
để khóc,
thời
để cười;
thời
để than van,
thời
để nhảy mừng...
thời
để yêu,
thời
để ghét;
thời
đánh giặc,
thời
hoà bình.»
Đối với người
Hêbrơ, biết thời gian không phải là biết ngày tháng, nhưng là biết loại thờì
gian gì. Có phải là thời gian để khóc hay để cười, thời gian giặc giả hay thời
gian hoà bình? Không biết thời gian mình đang sống có thể là một điều rất tai
hại. Cứ tiếp tục than vản và chay tịnh trong thời hồng phúc là như gieo giống
trong mùa gặt hái (Dêkaria 7:1-3). Thời gian là phẩm chất hay trạng thái của
biến cố.
Ý niệm này
thật ra cũng không xa lạ với chúng ta lắm. Chúng ta vẫn thường nói thời tốt,
thời xấu, thời khó khăn, thời tân tiến, thời chiến tranh. Chúng ta nói thời
gian chưa chín mùi cho điều gì hay công việc làm ăn không có tương lai. Chúng
ta cũng nói một tư tưởng thuộc thế kỷ 19. — đây thời gian không còn là lượng,
nhưng là phẩm của cái gì đang xẩy ra, phẩm chất kinh nghiệm của con người.
Tuy nhiên khi
nói đến lịch sử thì chúng ta lại trở về với ý niệm về thời gian như là lượng.
Chúng ta đặt mình trong dòng thời gian tưởng tượng với một dĩ vảng phía sau và
một tương lai phía trước. Người Dothái thời cổ không xác định mình đứng ở vị
trí nào cả. Họ xác định các biến cố, các môi truờng, thời gian, rồi xem mình
như đang trong một cuộc hành trình qua các điểm cố định này. Mọi cá nhân như
hành trình qua các điểm này. Những người trong quá khứ thì đã ở đó trước và
tiếp tục đi trước. Những người trong tương lai thì sẽ đến sau. Khi cá nhân đạt
đến một điểm cố định, tỉ dụ lễ Vượt qua hay thời hạn hán, thì họ trở thành
người đồng thời với tổ tiên hay hậu sinh của mình là những người đã và sẽ trải
qua cùng một thời. Tổ tiên và hậu sinh của họ chia xẻ cùng một loại thời gian,
mặc dù có những năm chia cách.
Thời hiện tại
được nghĩ là được định đoạt do những hành động cứu vớt của Thiên Chúa trong quá
khứ (tỉ dụ cuộc Xuất Hành) hoặc một hành động cứu vớt của Thiên Chúa trong
tương lai. Các ngôn sứ đặt biệt quan tâm về hành động thứ hai này. Những đại
ngôn sứ của Israel
nói cho dân chúng biết ý nghĩa của thời gian mà họ đang sống khi suy đến hành
động mà Thiên Chúa sắp thi hành. Các ông nghĩ rằng không thể hiểu được thời
hiện tại nếu chỉ nhìn về dĩ vảng. Do đó các ông thúc giục dân chúng hãy quên đi
dĩ vãng, đừng dựa vào nó để tìm ý nghĩa, an ninh và cứu độ. Và các ông nói rằng
«căn bản của ơn cứu độ là nằm trong hành
động tương lai của Thiên Chúa.»
Biến cố tương
lai sắp xảy ra xác định hiện tại, nó đem lại ý nghĩa cho cuộc sống mỗi người
trong hiện tại và bảo người ta phải làm hay không phải làm điều gì. Như vậy
biến cố tương lai đã dứt khoát và chắc chắn rồi - đó là thế mạt, hay biến cố
cuối cùng, đối chiếu với thời gian hiện tại. Bởi vì người Dothái ngày xưa không
có ý niệm về thời gian như là đơn vị trừu tượng như chúng ta có, nên họ không
nghĩ đến cái không gian trống trơn bên kia biến cố mà họ đang mong đợi. Đối với
họ biến cố tương lai là dứt khoát và cuối cùng rồi, bởi vì nó xác định mọi sự
trong đời sống của họ ngay bây giờ.
Các ngôn sứ
luôn luôn xem hành động tương lai của Thiên Chúa là một biến cố hoàn toàn mới
mẻ và chưa từng thấy... Nó hoàn toàn đoạn tuyệt với dĩ vãng, «nó rất sâu xa ... nên không thể xem như là
nối tiếp những gì đã xảy ra trước». Nó là thời gian mới, hiểu theo nghĩa
phẩm hơn là lượng. Nếu nói về thế mạt như thể vượt qua bên kia lịch sử, hiểu
theo nghĩa vượt qua thời gian như là lượng, là lẫn lộn hai ý niệm khác nhau về
thời gian. Hơn nữa, nếu thời gian hiện tại được hoàn toàn xác định do hành động
mới mẻ và chưa từng thấy của Thiên Chúa, thì thời hiện tại là một thời gian
hoàn toàn mới mẻ, một kỷ nguyên mới.
Nhờ hiểu như
thế đó mà các sứ ngôn thấy được tương lai trong hiện tại. Thế mạt, hay là biến
cố tương lai trọng đại, phải đọc từ «chân
trời của lịch sử thế giới» cũng thường được gọi là những dấu hiệu của thời
gian. Các ngôn sứ được soi sáng để đọc lời của Thiên Chúa nói cho thời đại của
các ông qua những dấu hiệu của thời gian. Chính sự hiểu biết sâu sắc về thời
gian này tạo nên ngôn sứ.
Do đó sứ điệp
của một ngôn sứ không bao giờ là một sứ điệp không mang màu sắc thời gian và
xây dựng trên những ý tưởng vô thời gian. Nhưng nó là một lời ngỏ với dân chúng
trong một trường hợp cụ thể về ý nghĩa của thời của họ và những điều họ nên và
không nên làm. Những thế hệ sau có thể được dẫn dắt do lời của một sứ ngôn
trong những thế kỷ trước, nếu họ thấy mình cũng sống vào một thời gian tương tự
và một cách nào đó như là người đồng thời với ngôn sứ. Giá trị và hiệu quả của
sứ điệp của một ngôn sứ là căn cứ vào một thời gian nhất định. Ý tưởng về một
sứ điệp có giá trị lớn lao mà vô thời gian tính là một ý tưởng Tây phương dựa
trên ý niệm thời gian Tây phương.
Do đó thế mạt
là một tương lai thực, khác với mọi biến cố dĩ vãng, và đó là biến cố độc nhất
mang lại ý nghĩa cho tình cảnh hiện tại. Thế mạt là một biến cố tương lai,
nhưng xét theo khía cạnh nó ảnh hưởng và quyết định đời sống của chúng ta, thì
nó là một biến cố hiện đại, một biến cố có thể đọc thấy được qua những dấu hiệu
của thời gian.
Điều này
không có nghĩa là dân Dothái không có có ý niệm về lịch sử. Nó chỉ muốn nói
rằng họ có ý niệm về lịch sử cách khác. Chúng ta xem những biến cố dĩ vãng,
hiện tại và tương lai theo thứ tự căn cứ theo mức đo lường thời gian của chúng
ta: tính giờ, ngày và năm. Đối với người Dothái thì căn bản của dòng thời gian
là Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa quyết định thời gian: thời ăn chay hay thời
mừng lễ, thời phán quyết hay thời cứu độ. Những biến cố trong lịch sử là những
hành vi của Thiên Chúa, và thứ tự thời gian là hoàn toàn lệ thuộc vào ý muốn tự
do của Thiên Chúa. Biến cố này xảy ra rồi đến biến cố kia, hoặc thời gian này
đến thời gian kia, tất cả đếu do quyết định hay mệnh lệnh của Thiên Chúa. Thiên
Chúa có thể thay đổi ý muốn và quyết định của ngài. Theo như kế hoạch đó thì
không còn có những khoảng trống hay năm tháng trống rỗng giữa các biến cố. Giá
trị và thứ tự của các biến cố là hoàn toàn do Thiên Chúa là Chúa của lịch sử
quyết định.
Nếu không có
ý niệm về Thiên Chúa như là Chủ tể của lịch sử, thì dân tộc Dothái không thể có
ý niệm nào cả về lịch sử, cũng không có tâm mơ nào về một vận mệnh vĩ đại và
huy hoàng. Ngược lại, nếu không có ý niệm này về thời gian, thì Thiên Chúa của
người Dothái cũng không khác với thần của các dân tộc khác.
Nhập đề dài
dòng trên đây là cần thiết để tránh gán gấp ý niệm về thời gian của Tây phương
vào tư tưởng và lời giảng dạy của Đức Giêsu.
Đức Giêsu
công bố một thời hoàn toàn mới và sự cấp bách của «vương quốc» cuối cùng và dứt khoát của Thiên Chúa: «Thời giờ đã đến, vương quốc của Thiên Chúa
đã hòng đến» (Mc 1:15).
Thời gian mới
mà Đức Giêsu công bố không giống như thời gian mà Gioan công bố vài năm trước
đó. Nếu nói theo thứ tự thời gian hay đo lường thì hai biến cố Giêsu và Gioan
xem ra xảy ra cùng lúc- nghĩa là Gioan và Giêsu công bố sứ mệnh cũng trong cùng
thời gian vài tháng hay vài năm. Tuy nhiên, Mátcô và Luca đặc biệt quan tâm
rằng chúng ta không nên lẫn lộn thời gian của Gioan và Giêsu. Mát cô nói rõ hơn
khi nói rằng Đức Giêsu đến Galilê và khỉ sự rao giảng «sau khi Gioan bị bắt». Luca xem phép rửa của Đức Giêsu như khởi
hành sứ mạng hay thời gian của ngài. Vì thế ông ghi lại rằng Gioan rao giảng và
bị bắt trước, rồi mới ghi lại việc Gioan làm phép rửa cho Đức Giêsu! (3:19-22).
Sự khác biệt
về phẩm chất giữa thời gian của Gioan và thời gian của Đức Giêsu được trình bày
rõ ràng trong dụ ngôn ngắn của Luca (Lc 7:31-35 = Mt 11:16-19)
Dân chúng của
thế hệ này giống bầy trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau:
«Bọn tao thổi sao, tại sao tụi mày không múa;
Bọn
tao hát đám ma, tại sao tụi mày không khóc».
Thực vậy,
Gioan Tẩy giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo, «Ông ấy bị quỉ ám». Con Người đến, ăn
uống, thì các ông bảo, «Xem kìa, tay ăn
nhậu và bè bạn với những người thu thuế và người tội lỗi». Nhưng đức Khôn
Ngoan đã được con cái mình biện hộ cho.”
Gioan có một
cung điệu như ai ca; còn Đức Giêsu thì như vũ điệu ở tiệc cưới. Gioan sống chay
tịnh còn Đức Giêsu thì sống tiệc tùng. Tuy thế, hai ngài không chống đối nhau.
Hai ngài đều thể hiện sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, chỉ khác thời và khác hoàn
cảnh. Thời của Gioan là thời than khóc, còn thời của Đức Giêsu là thời liên
hoan.
Metanoia (hối
cãi) trong thời của Gioan có nghĩa là chay tịnh và sám hối; metanoia trong thời
của Đức Giêsu là như nhận lời mời đi dự tiệc (Lc 14:15-17), hoặc như tìm được
kho tàng hay ngọc quí mà đành phải hy sinh tất cả mọi cái khác (Mt 13:44-46).
Trong thời của Gioan ân xá được hiểu như là một biến cố tương lai nhờ ở phép
rửa; trong thời của Đức Giêsu ân xá là một thực tế hiện tại và không còn cần
phải chịu rửa dưới sông Giođan.
Cái mới lạ
của thời gian của Đức Giêsu thật quá rõ ràng. Rượu mới không thể cất trong bầu
cũ hay là trong những công thức đạo giáo cũ, và vải mới không thể vá vào áo cũ
(Mt 2:21-22). Dẫu con người cao cả nhất cũng không còn giá trị gì (Lc 7:28). Dĩ
vãng bị dứt khoát đoạn tuyệt. Nó đã qua rồi và Thiên Chúa đã tái lập thời gian
mới.
Thời gian của
Gioan và của Đức Giêsu khác biệt tự căn bản vì lẽ chúng được xác định bằng
những biến cố tương lai khác nhau. Gioan báo trước sự phán xét của Thiên Chúa,
còn Giêsu thì loan báo sự cứu độ của ngài. Gioan đang chờ một tai ương to lớn
sẽ xảy đến, còn Giêsu thì mong ngóng một «vương
quốc» vĩ đại được thành lập. Gioan là ngôn sứ của thảm họa, còn Giêsu là
ngôn sứ của tin mừng.
Giống như các
ngôn sứ khác, Đức Giêsu cũng đọc được dấu hiệu của thời gian. Những dấu hiệu
của thời đại đã làm cho ngài tin rằng «vương
quốc» sắp được thành lập. Đó là những dấu hiệu nào?
Đối với Đức
Giêsu những dấu hiệu đó là sự thành công của các hoạt động của ngài giữa đám
người nghèo và người bị đàn áp, là thực hành công việc giải phóng. «Nếu nhờ bàn tay của Thiên Chúa mà tôi trừ
được ma quỷ, thì hãy biết rằng vương quốc của Thiên Chúa đã được thành lập cho
các người» (Lc 11:20).
Quyền lực của
Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Giêsu và các môn đệ của ngài để giải phóng
những ai bị đau khổ. Đối với Giêsu đó là ý muốn của Thiên Chúa. Quyền lực của
đức tin đang làm những gì không thể làm được. Những đạo binh của Thiên Chúa
đang tiến chiếm lãnh thổ của Satan. Ngày chiến thắng không xa lắm. «Vương quốc» của Thiên Chúa sắp được
thành lập, sắp rồi và sẽ được thành lập trước họ. Thực vậy tương lai «vương quốc» của Thiên Chúa và công việc
giải phóng của Đức Giêsu đang xảy ra cùng lúc. Quyền lực của «vương quốc» tương lai đang ảnh hưởng
hoàn cảnh hiện tại.
Những người
Pharisêu muốn Đức Giêsu đưa ra những dấu hiệu từ trời để minh chứng hoạt động
và lời nói của ngài. Đức Giêsu từ chối. Ngược lại, ngài chỉ cho họ xem những
dấu hiệu trên quả đất (Mt 16:1-4; Lc 12:54-56). Để trả lời những câu hỏi của
Gioan Tẩy Giả, ngài nói: «Hãy về mà bảo
Gioan về những gì các ông nghe và thấy: Người mù xem được, người què đi được,
người phung khỏi được và người điếc nghe được ...» (Mt 11:4-5).
Sự thiện đang
thắng sự ác. Thiên Chúa đang hồi tâm và không còn muốn phạt dân chúng nữa. Giờ
đây Ngài muốn cứu họ. Hàm ý của hoạt động và lời nói của Đức Giêsu là Thiên
Chúa đã thay lòng. Điều đó đọc được qua những dấu hiệu của thời gian.
Người ta
thường nói rằng Đức Giêsu có một hình ảnh hoàn toàn mới mẻ về Thiên Chúa. Thiên
Chúa của Đức Giêsu là hoàn toàn khác biệt với Thiên Chúa của Cựu Ước hoặc Thiên
Chúa của những người Pharisêu - thực vậy Thiên Chúa của Đức Giêsu không giống
tí nào Thiên Chúa mà hầu hết các người Kitô tôn thờ. Chúng ta không thể hiểu
được hoạt động của Đức Giêsu và ý niệm về «vương
quốc» nếu không có một hình ảnh hoàn toàn mới mẻ về Thiên Chúa.
Điều này rất
đúng, nhưng đấy không phải là cách thức Đức Giêsu hiểu. Ngài không có một hình
ảnh nào về Thiên Chúa. Nếu ngài có đi nữa, thì Thiên Chúa cũng đã thay đổi rồi.
Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacob đang làm một việc hoàn toàn mới lạ và
vô tiền khoán hậu. Ngài cảm thương những con chiên lạc của nhà Israel . Đức
Giêsu nói lên điều đó trong dụ ngôn con chiên lạc, đồng bạc mất và nhất là
người con trai hoang đàng (Lc 15:1-43). Bằng những dụ ngôn này, Đức Giêsu cố
gắng bày tỏ cho những kẻ địch của ngài thấy dấu hiệu của thời gian, đó là Thiên
Chúa vì cảm thương mà đã thay lòng và làm một cái gì mới lạ.
Điểm này thấy
rõ ràng trong dụ ngôn người con trai hoang đàng. Phần đầu của câu chuyện (Lc
15:11-20) cho thấy tình trạng tội lỗi của người con và nó làm đau lòng cha nó
thế nào. Kế đến, việc người con trở về nhà thật là một thay đổi bất ngờ. Điều
mà người cha không làm là ông không bắt thằng con phải đền tội, hay đền bù
thiệt thòi về tài chánh khi nó bỏ đi mà làm đầy tớ chăn heo, điều mà thính giả
nghĩ là ông sẽ làm. Ông không phạt thằng con tí nào, điều này đi ngược lại lề
lối công lý. Ông cũng không quở trách hay đòi thằng con phải xin lỗi. Ông cũng
không nói tha thứ con ông. Ông chỉ biết vui mừng và bảo làm yến tiệc.
Tại sao? Bởi
vì ông động lòng xót thương (Lc 15:20). Con ông trở về bình an là đủ rồi, ông
không cần gì nữa, đó là lý do phải mở tiệc ăn mừng ngay.
Người con
trai lớn phản ảnh tâm tình của khán giả, của các kinh sư và người Pharisêu (câu
2). Họ nghĩ rằng Thiên Chúa không bao giờ hành động như thế.
Nhưng Đức
Giêsu biết chắc rằng nếu Thiên Chúa có hành động thế nào trong quá khứ, thì giờ
đây người tội lỗi vẫn được yêu thương che chở; người ghét và nguyền rủa Thiên
Chúa vẫn được ngài chúc phúc, «bởi vì
ngài nhân hậu với cả kẻ vô ân và độc ác» (Lc 6:27,27,35). Chính vì thế mà
người bệnh được chữa lành và người có tội được tha thứ. Chính Thiên Chúa giang
tay tha thứ cho mọi người một cách dễ dàng vô điều kiện.
Thiên Chúa
đang quan tâm đến nhân loại và những nhu cầu của họ. Thiên Chúa từ trời, từ nơi
cao sang nhất đến ở lân cận với mọi người để họ có thể gọi ngài là abba, là «bố».
Chưa hề có ai
dạy gọi Thiên Chúa như thế, ngoại trừ Đức Giêsu. Học giả Jeremias đã sưu tầm và
quả quyết rằng Đức Giêsu đã gọi Thiên Chúa như thế. Abba không phải chỉ có
nghĩa là cha, nhưng hàm ý nghĩa thân mật giữa các phần tử trong gia đình. Điều
này trái ngược với thái độ của những người đến với Thiên Chúa mà run sợ lẩy
bẩy, đặt ngài trong thế kính nhi viễn chi vì ngài là chủ tể và là đấng thánh!
Điều này cũng
không có nghĩa là Đức Giêsu xem Thiên Chúa thuộc phái nam. Từ abba cũng nói lên
Thiên Chúa nhân hậu như gà mẹ ấp ủ đàn con dưới cánh (Lc13:34)
Hành động
chữa bệnh và giải phóng dân chúng của Đức Giêsu cho thấy rằng Thiên Chúa xót
thương người đau khổ, rằng ngài muốn sống liên đới với nhân loại và dùng uy
quyền của ngài để phục vụ và bảo vệ họ.
Khi những
người Pharisêu đòi dấu lạ từ trời, thì Đức Giêsu nhắc lại cho họ dấu lạ Giôna.
Matthêu và Luca không hiểu đó là gì. Hai ông chỉ đón mò. Giôna nằm trong bụng
cá mập ba ngày ba đêm, nên Matthêu nghĩ rằng Đức Giêsu muốn nói đến sự phục
sinh của ngài như là dấu lạ từ trời (Mt 12:40). Còn Luca thì nghĩ rằng «Giôna là dấu lạ đối với dân thành Ninivê thế
nào, thì Con Người cũng là dấu lạ đối với thế hệ ngày nay như vậy» (Lc
11:30). Nhưng câu chuyện lại liên quan đến việc Giôna nổi giận như những người
Pharisêu (Giôna 4:1) khi «Thiên Chúa hồi
tâm mà không giáng hoạ như ngài đã doạ» (Giôna 3:10). Giôna nói, «Quả tôi biết Ngài từ tâm và nhân hậu, không
hay nổi giận, giàu lòng nhân nghĩa, sẵn lòng hối lại việc dữ» (Giôna 4:2).
Nhưng Giôna, cũng như những người Pharisêu, không muốn Thiên Chúa từ tâm với
người tội lỗi (4:1-3). «Ngươi nổi giận
phải không», Thiên Chúa hỏi ông, «Ta
không từ tâm được với dân thành Ninivê sao ... đối với những người không phân
biệt được tay phải với tay trái?» (4:11)
Đó là dấu lạ
cho những người Pharisêu. Thiên Chúa lại một lần nữa hồi tâm và cảm thương
những người bình dân. Thiên Chúa đã thay đổi, và cũng vì thế mà thời gian cũng
đã thay đổi. Đây là thời gian mới, đoạn tuyệt với dĩ vãng; một thời gian chỉ có
thể hiểu được theo eschaton mới, đó là biến cố tương lai mới - «vương quốc» của người nghèo và người bị
đàn áp.
Ai muốn tìm
hiểu dấu hiệu của thời đại của chúng ta chắc hẵn cũng thấy những điểm tương tự
rõ rệt. Chúng ta đang sống trong thời gian mới, một thời gian không khác lắm về
phẩm đối với thời gian của Đức Giêsu. Sau khi đã duyệt qua thời gian của Gioan
và trực diện với tai ương sắp tới mà nên hay không nên làm gì, có lẽ chúng ta
có thể tiến xa hơn nữa, dưới sự hướng dẫn của Đức Giêsu, để đọc những dấu hiệu
giải phóng qua những biến cố gần đây nhất và nhận ra eschaton mới hay biến cố
tương lai như là ngày «vương quốc»
được thành lập.
Tuy nhiên,
chúng ta cần hiểu rõ thêm Đức Giêsu hiểu thế nào về việc việc thành lập vương
quốc, liên quan đến những tai ương sắp xảy ra.
Comments
Post a Comment