11 Giôsê - Chương mười một


CHƯƠNG MƯỜI MỘT

Căn nhà của Giôsê ở không còn yên tĩnh nữa vì dân chúng đến thăm chàng thường xuyên hơn. Người ta cũng đồn đại về đứa bé được chàng chữa bệnh. Hơn nữa, phái đoàn truyền hình đến phố và ghé lại nhà Giôsê làm thiên hạ bàn tán suốt tháng. Đột nhiên chàng trở thành nổi tiếng. Chàng không còn là con người đơn sơ sống trong căn nhà Văn Đơn ở đàng kia đường nữa. Chàng là nhà điêu khắc Giôsê và là con người có viễn tượng. Những tư tưởng của chàng về tôn giáo làm xáo trộn cả thị xã. Giấy đặt hàng đến tới tấp, và căn nhà của chàng bận rộn suốt ngày với kẻ đến người đi.
Mặc dù chàng cố gắng giảm bớt việc thương mại, nhưng chàng cũng để hết tâm trí vào hai món hàng lớn, bởi vì chúng sẽ có ảnh hưởng đến nhiều người. Đó là những món hàng do hai giáo sĩ đặt, một vị là linh mục Anh giáo tên là cha Giêrêmi Đabi và vị kia là chủ chăn của cộng đồng người da đen tên là Rôlân. Cũng hơi lạ là hai vị cùng đặt Giôsê làm tượng thánh Tông đồ Phêrô, người mà cộng đồng Kitô thời sơ khai đặc biệt tôn kính. Giôsê nói với hai vị rằng mặc dù chàng không nhận hàng nữa, nhưng chàng cũng sẽ làm hai pho tượng này vì chàng yêu mến Phêrô và cũng vì ảnh hưởng của các pho tượng đối với dân chúng.
Chính cha Đabi là người đến gặp chàng trước tiên. Lúc Giôsê đang cuốc đất ngoài vườn, thì một chiếc xe hơi nhập cảng đen bóng nhoáng đậu lại trước nhà. Người tài xế bước ra mở cửa cho khách bước xuống. Một người đàn ông to lớn ở ghế sau bước ra và đứng lên xem thật đồ sộ. Đó là một giáo sĩ mặc đồ lớn màu xám và mang cổ trắng. Ông vênh vang đi đến cổng xem quá nhỏ so với con người khổng lồ của ông. Giôsê dựng cái cuốc lên bờ dậu và bước lại chào ông.
«Ông thợ chạm Giôsê có ở nhà không?», vị linh mục hỏi với giọng anh văn Ốc-Phơ.
Giôsê đưa tay ra mỉm cười nói, «Tôi là Giôsê». «Anh là Giôsê?», linh mục trả lời với giọng khó chịu. «Nhưng anh chỉ là người làm vườn. Chắc phải có một ông Giôsê khác, một nhà điêu khắc nổi tiếng?»
«Chỉ có tôi là Giôsê sống ở đây», Giôsê trả lời. «Tôi cũng chạm gỗ. Nếu tôi là người ông muốn gặp, thì tôi sẽ sẵn sàng giúp ông».
Khi nhìn cảnh vật chung quanh có vẻ đơn sơ cũng như bộ đồ tầm thường Giôsê đang mặc, ông có vẻ thất vọng.
«Vâng, nếu chỉ có anh ở đây, thì anh là người tôi muốn gặp. Tôi tưởng sẽ gặp một người đặc biệt nhất trong thế gian có phong độ cao», linh mục nói. «Tôi là cha Giêrêmi Đabi, chủ chăn nhà thờ Thánh Phêrô thuộc giáo hội Êphicôpha», ông tuyên bố như thế trong khi chìa tay cho Giôsê kính bái.
Giôsê không biết phải bắt tay hay là hôn tay ông, chàng chỉ đặt tay chàng dưới tay ông, nắm qua loa rồi rút tay về. Bàn tay ông nhạt nhẽo, không chút nghị lực. Giôsê cảm thấy lạnh lùng rởn tóc gáy. «Mời cha vào phòng làm việc của tôi», Giôsê lịch thiệp mời. Linh mục nhè nhẹ cúi người nhận lời và theo Giôsê vào nhà. Người tài xế đứng trực ở cổng. Giôsê gọi anh và mời anh nữa. Linh mục sửng sốt vì Giôsê đã phá lệ, nhưng người tài xế không thấy chủ cau mày nên nhận lời Giôsê mà vào nhà. Giôsê đưa tay và tự giới thiệu với anh, vì linh mục thấy hạ cấp không xứng đáng để ông giới thiệu. «Thưa ông, tôi tên là An. Rất hân hạnh gặp ông», anh nói hết sức nhu mì. Rồi ba người cùng bước vào nhà.
Khi đi ngang qua các đồ dùng trong nhà, cha Đabi cẩn thận sợ chạm vào đồ đạc, y như sợ bị lây bệnh. Cha nhìn quanh quẩn căn phòng với vẻ khinh khỉnh, lòng ngờ vực khả năng của một người sống nghèo nàn. Giôsê biết linh mục đang nghĩ gì, nhưng chàng vẫn lặng thinh. Họ đi thông qua bếp đến phòng thợ. Căn phòng gọn gàng, nhưng không có nhiều đồ chạm và cũng không có vẻ gì là phô trương. Vị linh mục nhìn khắp căn phòng và phê bình, «Anh chỉ có bấy nhiêu à? Tôi tưởng sẽ thấy một cái quán trang bị đẹp đẽ với đồ nghề tối tân và đầy mỹ phẩm».
«Người có tài thường chỉ cần đồ nghề đơn sơ cũng đủ để làm được việc», Giôsê nói cách trung thực và không châm biếm.
«Tôi có mọi thứ tôi cần». Vị linh mục nhìn tứ phía và xem xét mọi thứ ông cần xem, rồi bước trở lại bếp. «Tôi hy vọng không lầm khi đặt anh làm việc này cho tôi», ông nói.
«Tôi sẽ làm hết lực. Cha muốn làm thứ gì?»
«Một tượng Phêrô Tông Đồ vĩ đại, một người mà tôi thấy gần gũi và rất quí mến. Ông được chọn làm thủ lĩnh của các Tông đồ và được Giêsu đặt làm nền tảng cho Giáo Hội. Tôi nghĩ rằng ông là một người rất cân đối và cũng trang nghiêm giống như tôi, nếu tôi được phép tự cao một tí».
«Vâng, tôi thấy cha có hơi giống Phêrô», Giôsê mỉm cười nói với linh mục, chàng cố nghiêm trang để khỏi bật cười.
Giôsê không ghét linh mục, nhưng ông cầu kỳ làm chàng khó chịu. Dẫu có thông cảm với ông, chàng cũng cảm thấy khó nói chuyện với cái lối độc thoại của ông. Lời phê bình tiếp theo của linh mục là một lời mặc cả cuối cùng: «Nếu anh cảm thấy không làm được thì xin vui lòng cho tôi biết ngay bây giờ để tôi tìm người khác».
Giôsê biết khả năng của mình nên cam đoan với linh mục là chàng sẽ làm cho ông. Nếu một tuần nữa linh mục trở lại thì công việc sẽ xong.
Vì không còn gì để nói nữa, cha Đabi quay người đi ra cửa. «Đi, An», ông nói với tài xế. Giôsê tiễn họ ra cửa và theo lối ra cổng. Người tài xế cố nói một câu bông đùa cuối cùng với Giôsê, nhưng chủ của anh không làm như vậy, thành thử anh và Giôsê chỉ trao đổi cái liếc mắt. Tuy nhiên, vị giáo sĩ cũng gượng gạo nói được một lời «từ giã» trước khi bước ra xe.
Khi xe chạy đi rồi, Giôsê lấy cái cuốc dựng ở hàng rào và đi vào lại sân làm việc cho xong. Chàng nghĩ tới Phêrô một chập lâu thỉnh thoảng chàng mỉm cười khi những kỷ niệm xưa sống lại trong trí. Đúng, có những cái giống nhau giữa Phêrô và vị linh mục. Cả hai đều tự phụ và chỉ nghĩ đến mình. Cả hai đều to lớn. Nhưng ngoài ra không còn gì giống nhau giữa họ. Phêrô là một người vĩ đại khác với vị linh mục. Phêrô có con tim lớn và một trí óc lớn. Đabi thì lạnh lùng và vô tình. Khi còn trẻ Phêrô có thể cũng muốn có một tài xế, nhưng ông cũng có thể không ngại đội mũ tài xế và làm tài xế cho người tài xế.
Trong khi suy nghĩ như thế, Giôsê thắc mắc không biết phải phác hoạ cái tượng ra sao. Chàng gần như bị cám dỗ muốn dùng vị linh mục làm mẫu, nhưng rồi chàng bỏ ngay cái ý nghĩ ấy đi vì nó ác ý. Chắc Phêrô cũng không hài lòng việc đó. Chàng thắc mắc về cái sứ điệp mà pho tượng sẽ đem đến. Mỗi nghệ phẩm phải mang lại một sứ điệp. Giôsê suy nghĩ hồi lâu, và sau khi loại bỏ hàng tá ý nghĩ, cuối cùng chàng quyết định cách thức chạm tượng vị Tông đồ vĩ đại là Phêrô.
Lúc gần bốn giờ Giôsê quyết định đi bộ ra đường. Ngày hôm ấy trời ấm và oi bức, chàng bận lắm. Chàng muốn đi dạo mát. Mới đây có nhiều chuyện đã xảy ra, chàng phải xem xét mọi việc đi đến đâu.
Chàng đi ngang qua nhà Lăng-Phơ, nhưng cứ tiếp tục đi như không muốn làm gián đoạn suy tư. Chàng chỉ dừng lại để xem các con chim bay nhảy trên cây, hoặc để nhìn qua đồng cỏ và xem những cọng lúa mì múa theo gió. Gió nhẹ thổi qua cánh đồng lúa vàng như các đoàn cừu chạy qua đồng cỏ. Chàng nghĩ đến dân chúng không chủ chăn, rồi chàng tiếp tục đi.
Trên đường về, một nhóm người đến gặp chàng. Một người đàn bà trong bọn họ đã nhìn qua cửa sổ thấy chàng đang đi. Giống như những người Pharisêu ngày xưa, bà đợi chàng từ lâu và đây là dịp cho bà. Bà gọi bạn bè đến gặp nhau ở góc đường mà họ biết Giôsê sẽ đi qua. Họ không có vẻ gì dữ tợn lắm; xem như đấy chỉ là một cuộc gặp gỡ thông thường của bạn bè. Tuy nhiên nhóm này có một mục đích. Họ vào tuổi trung tuần, phần lớn là Công giáo, rất bảo thủ và đang đau khổ vì những thay đổi lớn đang xảy ra cũng như biết chàng đi lễ ở nhiều nhà thờ khác nhau, Tin Lành cũng như Công Giáo, thành thử họ gần như ghê tởm chàng. Chàng nói Giêsu đến để giải phóng con người, nhưng các tổ chức tôn giáo đã tước mất sự tự do mà Thiên Chúa muốn họ được hưởng. Chàng đã gây ảnh hưởng không tốt, và việc chàng không đi lễ một nhà thờ nào nhất định chứng tỏ chàng thiếu đức tin.
Khi Giôsê đi xuống đường, họ tiến lại và hầu như là bao quanh chàng, như thể sợ chàng chạy thoát. «Thưa ông, chúng tôi muốn nói chuyện với ông», một người đàn bà cở người trung bình nói. Bà mặc quần gin xanh và cái áo cánh xanh lợt.
«Mời quí vị đến nhà tôi cho thoải mái hơn», Giôsê nói cách tỉnh táo.
«Không», người đàn bà nhấn mạnh. «Chúng tôi muốn nói chuyện với ông tại đây. Chúng tôi rất quan tâm về những gì nghe nói về ông. Một số người trong chúng tôi cũng đã nghe ông nói chuyện mà không thích lắm».
«Tôi không bao giờ nghĩ là người ta phải luôn luôn đồng ý với tôi. Họ được tự do suy nghĩ», Giôsê lịch sự đáp.
«Ông ở phố này chỉ trong một thời gian ngắn mà đã làm phiền nhiều người trong chúng tôi vì những tư tưởng và hành động dị thường của ông», một bà khác lên tiếng. «Chúng tôi là những người cổ lỗ sĩ xuất thân từ những trường cổ và chúng tôi bị xúc phạm do những gì ông nói về đạo của chúng tôi, ông nói rằng đạo tước mất sự tự do của con người. Có lần ông nói rằng những ai bám víu vào những tư tưởng cũ thì không trưởng thành được, và ông nói rằng những người Công giáo chỉ bám vào những qui tắc bên ngoài hơn là yêu mến Thiên Chúa và láng giềng».
Mọi người yên lặng chờ chàng trả lời câu tấn công của người đàn bà. Giôsê thân thiện nhìn bà và những người kia. «Đúng», chàng nói, «hầu hết những gì bà nói là đúng, nhưng không hẳn theo cách thức bà nói. Tôn giáo thời Giêsu không khác gì thời nay. Các vị lãnh đạo tôn giáo có nhiều quyền hành để sửa phạt tín đồ, nếu họ phạm những qui tắc đạo giáo. Nhưng các ông cũng có thể nghĩ rằng mình có sứ mạng từ trời để kiểm soát đời sống của dân chúng, cả đến tư tưởng của họ. Điều đó không được lành mạnh lắm. Thiên Chúa không bao giờ muốn các tổ chức nhân loại có quyền kiểm soát đời sống của dân chúng. Thiên Chúa dựng nên con người được tự do. Họ là con cái của Ngài».
«Phận sự của các tông đồ cũng như những người kế vị các ông là dẫn dắt đoàn chiên cách êm ái và dạy họ những gì Giêsu đã dạy. Các ông không được ép buộc dân chúng phải tin, hoặc dọa dẫm họ phải tùng phục. Điều đó tước mất quyền tự do của con người. Các ông cũng không được đòi hỏi ở dân chúng nhiều hơn là Thiên Chúa muốn. Tôn giáo chỉ tốt đẹp khi một cá nhân sống đời bình thường nhưng rất mực yêu mến Thiên Chúa. Những thói quen được tạo nên gọi là tôn giáo thì không làm cho người ta nên đạo đức hay đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là loại tôn giáo của những người Pharisêu mà Giêsu đã cực lực tẩy chay».
Một bà nhận xét, «Đúng, tôi đồng ý. Tôi luôn luôn nghĩ rằng chúng ta phải được tự do để quyết định lấy cho mình».
Tuy nhiên một người khác xen vào nói rằng Giáo hội thay mặt Giêsu, và điều gì Giáo hội dạy thì con người phải vâng nghe.
Giôsê công nhận rằng Giáo hội kế vị Maisen và Phêrô như Giêsu đã muốn. Nhưng Giêsu cũng nói rằng những ai theo Ngài thì không nên bắt chước thói quen của những người Pharisêu, vì họ chỉ thích bày vẽ những lối hành đạo để dân chúng tuân giữ. Họ đã làm cho tôn giáo trở thành việc tuân giữ những truyền thống nhân loại. Khi các vị lãnh đạo tôn giáo làm thế thì họ làm cho dân chúng xa cách Thiên Chúa. Dân chúng oán hận vì bị ép buộc phải tuân giữ những luật lệ do con người đặt ra mà các ông nói là cần để được cứu rỗi. Đó là điều Giêsu muốn nói khi Ngài bảo các tông đồ đừng giống như men Pharisêu, hoặc đừng giống như những nhà cầm quyền ngoại giáo chỉ thích cai trị thuộc hạ của mình.
«Ông cho chúng tôi một thí dụ», người ấy hỏi tiếp.
«Được lắm», Giôsê đồng ý. «Giáo hội buộc giáo dân phải cưới xin trước mặt một linh mục, nếu không thì lễ cưới sẽ không thành. Cưới xin trước mặt một linh mục thì không phải là sai, nếu đó là điều hai người muốn. Nhưng bắt buộc họ phải làm như thế nếu không thì hôn nhân sẽ trở thành vô hiệu và vô luân, thì đấy là một việc khác. Nếu một đôi bạn không cưới nhau trước mặt một linh mục, thì các người bảo rằng hôn nhân đấy không thành và đôi vợ chồng sống trong tội lỗi. Họ có thể lấy nhau trong nhiều năm và sinh nhiều con cái, nhưng nếu một trong hai người, trong một lúc nào đó, bỏ nhà cửa và con cái ra đi, và đem một tình nhân khác đến với linh mục, thì họ lại có thể cưới nhau và được linh mục làm phép, bởi vì hôn nhân đầu tiên là vô hiệu quả!
«Hoặc lấy thí dụ một người đàn ông không giữ đạo. Anh ta làm đám cưới trước một quan toà. Nhưng vì anh ta là người có đạo, thì hôn nhân của anh bị xem là vô hiệu quả. Cũng người đàn ông ấy lấy năm bà nữa và có con với mỗi bà, rồi lại bỏ hết. Cuối cùng anh ta quyết định làm đám cưới với một bà trong nhà thờ. Điều này rất dễ dàng xếp đặt, vì mấy đám cưới trước bị xem như đã không xảy ra. Bỏ cả bầy con cũng chẳng sao! Đám cưới sau cùng được linh mục làm phép rất trọng thể. Quí vị có nghĩ rằng cái loại luật pháp ấy sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa không? Đó là cách thức những người Pharisêu giảng dạy. Luật pháp và lễ nghi được lập nên, nhưng lại không nghĩ phải làm đẹp lòng Thiên Chúa cách nào!».
«Hoặc lấy thí dụ việc tha tội. Giêsu muốn đó là là một ân huệ đem lại bình an cho những tâm hồn bị dày xéo. Các vị lãnh đạo tôn giáo lại biến ân huệ này thành một ác mộng làm khổ nảo biết bao người thành tâm, khiến họ không thể cởi mở tâm hồn với ai. Có thể vì thế mà họ phải hư mất. Chính sự thiếu thông cảm về phía các chức trách của Giáo hội đã cất đi ơn sủng của Thiên Chúa, và biến nó thành khí cụ gây đau khổ cho dân chúng. Giêsu muốn ân xá được ban cách êm ái và từ bi, chứ không phải nhục mạ do một linh mục ít kiên nhẫn, hoặc với cách thức làm trẻ con phải té đái vì sợ sệt. Điều mà Giêsu muốn cho dễ dãi và tự do, thì họ lại đặt thành nghi thức cứng nhắc với thời khoá ấn định, như thể Thánh Linh hoạt động theo thời khoá biểu do con người đặt ra».
Nhóm người ấy sửng sốt với những gì họ nghe. Một vài người chăm chú nghe và có vẻ đồng ý. Họ đã có kinh nghiệm đó, và biết Giôsê đã nói lên sự thật, nhưng họ không dám công kích các linh mục của Giáo Hội vì sợ tội. Những người khác thì giận muốn lộn gan. Chưa bao giờ họ nghe ai công kích Giáo Hội của họ như người này. Họ đã được dạy và tin vững vàng rằng Giáo Hội là tiếng nói không sai lầm của Thiên Chúa «Như thế thì những gì chúng tôi nghe nói về ông là đúng sự thật», một người đàn ông vặn lại; ông ta người vạm vỡ, mang mắt kiếng và vào tuổi trung tuần bốn mươi. «Ông ghét Giáo Hội và công kích lời giảng dạy và luật phép của Giáo Hội».
«Không đúng sự thật», Giôsê phản pháo, mắt chàng nẩy lửa.
«Tôi yêu mến Giáo Hội, bởi vì Giêsu yêu mến Giáo Hội. Giáo Hội là một ân huệ Ngài ban cho nhân loại, tuy nhiên Giáo Hội cũng là trần thế, nên cần phải tu chỉnh và khuyến giục để sống trung thành với tinh thần của Giêsu. Người Kitô trưởng thành không nên sợ phải nói lên ý nghĩ của mình, và vì trung thành mà họ đòi Giáo Hội phải tuân theo tinh thần của Giêsu. Họ không phải là tôi tớ trong một gia đình. Chính họ là gia đình, không kém gì những người lãnh đạo. Giêsu muốn những chủ chăn phải làm tôi tớ chứ không phải làm người thống trị, và ngài muốn Kitô hữu không nên sợ sệt khi phải lên tiếng. Tôi nói những gì tôi đã nói, bởi vì tôi muốn Giáo Hội trở nên như Giêsu muốn, đó là một chốn bình an, là một hải đăng chỉ lối, chứ không phải là một tù ngục giam hãm tinh thần, hoặc một lưỡi gươm gây nên thương tích».
Điều Giôsê nói nghe không ổn thoả lắm. Họ chưa bao giờ nghe các linh mục bị công kích như thế. Hơn nữa nhân danh Giêsu mà đả kích là một hành động ma quỉ xấu xa. Chàng là người xấu đội lốt đạo đức. Hoặc là chàng lầm đường, hoặc là chàng tinh quái. Một người đàn bà muốn tát vào mặt chàng, vì chàng dám phạm thượng. Một người khác cảm thấy thương hại cho tình trạng bất ổn của tâm hồn chàng, và hứa sẽ cầu nguyện cho chàng. Một trong những người đàn ông bảo chàng là người rối đạo, và ông sẽ tận lực tiêu diệt ảnh hưởng của chàng trong cộng đồng. Câu hỏi cuối cùng họ đặt cho chàng là, «Tại sao ông cứ đi lễ nhiều nhà thờ khác nhau? Tại sao ông không quyết định đi nhà thờ nào thì đi một cái?» Mặc dù câu hỏi không có ý ngay lành, Giôsê cũng không lấy làm khó chịu. Chàng cười vui vẻ, vì biết rằng họ không bao giờ hiểu nổi. Chàng trả lời cách đơn sơ, «Tôi nghĩ rằng Giêsu yêu mến dân chúng chứ không phải các tổ chức, và dân chúng không nhất thiết là Công giáo, Mêtôđít hay Prêbytêri. Nơi nào mà dân chúng thành tâm tôn thờ Thiên Chúa, thì Ngài ngự giữa họ, và tôi cảm thấy tự nhiên với họ, mặc cho họ là ai. Quí vị có nghĩ là Giêsu sẽ làm khác đi chăng?».
Họ không sao chịu được chàng. Họ không thể hiểu được chàng. Chàng nói ngược lại những gì họ được dạy từ thuở bé. Họ cũng phải công nhận có một cái gì đẹp đẽ trong cái tự do dễ dãi của chàng, tuy nhiên nó rất nguy hiểm vì dễ bị cám dỗ nghe theo. Nó là mối đe doạ cho đức tin và có thể làm cho những ai yếu đức tin phải sa ngã. Tâm tánh của chàng lại dễ lôi kéo giới trẻ, nên họ phải cấm con cái lại gần chàng, như thể chàng còn nguy hiểm hơn dịch hạch. Nhưng con cái của họ lại thích Giôsê. Họ phải cấm chúng đến gần chàng vì chàng có thể làm chúng mất đức tin. Họ không biết rằng chàng không bao giờ nói những chuyện như thế với trẻ con, vì chúng không thể hiểu được. Chúng được tự do và tốt đẹp, và chàng chỉ ước mong người lớn giống như chúng hơn.
Giôsê lắc đầu nhìn họ bỏ đi và bàn tán om sòm ra đến đường. Khi nhìn theo họ, chàng thấy lại hình ảnh các chiếc áo choàng của những người Pharisêu và luật sĩ. Tâm tư của họ cũng như vậy, chỉ có môi trường là khác - thực ra thì họ có thiện chí, nhưng hẹp hòi và kém mở mang. Họ phải đạp đổ những gì họ không hiểu được!
Chiều hôm ấy nhóm người đó đến nhà xứ và họp với vị chủ chăn. Cha Phát gặp họ ở cửa và đưa họ vào một phòng khách rộng rãi để đợi vị chủ chăn. Vị phụ tá trẻ tuổi không phải là người họ ưa thích. Cha rất giống Giôsê trong tư tưởng, và nhờ vị chủ chăn cứng rắn mới giữ cho cha được ngay thẳng! Cha Phát biết họ không chịu được cha, và họ cũng nghĩ như thế đối với cha. Cha có linh cảm về việc họ đến gặp vị chủ chăn và cha tò mò về mục đích của buổi họp này. Cha biết có gì liên can đến Giôsê, nhưng không biết chắc chắn dụng ý của họ.
Khi vị chủ chăn đến, ông bước vào phòng đóng cửa lại. Và sau đó không lâu lắm bên ngoài cũng nghe được chuyện gì, vì họ nói lớn tiếng. Không phải cha Phát cố ý rình nghe. Đó là điều tối kỵ đối với cha. Tuy nhiên cha không thể không nghe trọn câu chuyện, vì văn phòng của cha ở kế bên. Sự ngờ vực của vị chủ chăn đối với Giôsê như khuyến khích nhóm người này nói lên điều họ muốn. Cha Phát rất quan tâm. Cha biết không có gì tốt đẹp sẽ xẩy ra. Cha cảm thấy lòng tan nát. Cha thích Giôsê nhưng không biết làm sao bảo vệ chàng chống lại kết quả của buổi họp này. Cha ước chi vị chủ chăn mời cha dự cuộc họp này để cha có thể lên tiếng bênh vực cho Giôsê.
Cha biết Giôsê không làm gì nguy hại cho một đức tin chân chính. Chàng chỉ là một đe doạ đối với một đức tin bị hướng dẫn sai lạc. Chàng thật sự yêu mến tôn giáo và chàng đạo đức cách chân chính, mặc dù chàng không có cái phô trương của con người quá đạo đức. Cha Phát cũng biết rằng sự hiểu biết của Giôsê về tôn giáo không có gì là phạm thượng, trái lại chàng còn hiểu cái tâm cơ của tôn giáo, đó là sự trưởng thành lành mạnh của con người trong tình yêu Thiên Chúa và nhân loại, cũng như tất cả mọi thụ tạo của Thiên Chúa. Đạo như ngày nay thì không được lành mạnh mấy. Nhưng làm sao cha nói với vị chủ chăn được điều đó, vì chính ông cũng không được lành mạnh.
Tối hôm ấy Giôsê ăn cơm ngoài sân và, như thường lệ chàng tiếp đợt khách thứ tư. Bây giờ họ thân thiện hơn vì họ hiểu biết chàng hơn. Giôsê như không còn tự chủ. Có một cái gì đè nặng lên tâm trí chàng, và chàng có vẻ tuyệt vọng. Các con chim hình như cảm thấy chàng chán nản, chúng nhảy lên người chàng và mổ vào quần áo của chàng. Tuy nhiên tâm trí của chàng lại để vào những việc khác. Chàng thất vọng vì dân chúng. Họ thấy rất khó khăn để khoan dung, hoặc mở tâm trí để có một cái nhìn khác về mọi việc. Họ bám víu vào những gì của tuổi trẻ mà không bao giờ dám thắc mắc. Giữ lấy đức tin là một việc, nhưng bám lấy những truyền thống không ăn nhập gì với điều Giêsu dạy là một việc khác. Nó cho thấy một đức tin bị lạc lối, cũng như một tình trạng bất ổn và sợ sệt làm tê bại sự lớn lên trong đức tin.
Khi Giôsê ăn tối xong và đi vào nhà thì có tiếng gõ cửa. Chàng đi ra mở cửa và ngạc nhiên thấy Massia đứng ở đó. Nàng xem rất quyến rũ trong bộ đồ xanh, mỏng và nhẹ làm nổi hẳn khuôn mặt mịn màng của nàng. Khí sắc Giôsê thay đổi ngay khi chàng thấy nàng. Mặt chàng thoải mái hơn với nụ cười tươi tắn. Hai người trao nhau cái hôn rồi đi vào nhà.
Khi Giôsê đóng cửa, chàng thấy một nhóm người đang đi ngoài đường. Đó là phái đoàn mới ở nhà xứ về. Họ thấy Giôsê và Massia hôn nhau rồi cùng đi vào căn nhà tối. Giôsê cũng đoán được họ sẽ nghĩ gì. Giôsê rất thích vì nàng đến. Chàng mến Massia và biết nàng cũng mến chàng. Chàng cần có bạn để tâm sự. Ngày hôm ấy không mấy may mắn, và Giôsê cũng biết được mọi việc sẽ đi về đâu. Tương lai có điềm xấu. Nàng đến như làm dịu bớt cái căng thẳng trong ngày và giúp đánh tan, ít nhất là tạm thời, cái u ám đè nặng trên người chàng.
Về vấn đề nghệ thuật, Giôsê và Massia có nhiều quan điểm giống nhau. Nàng say mê nghệ thuật, văn hoá và triết lý, và có nhiều vấn đề cần hỏi Giôsê. Có thể nàng không hoàn toàn biết tại sao lại thích chàng, và mặc dù lúc đầu nàng có thể bị chàng thu hút vì lý do cao thượng, nhưng mỗi ngày nàng lại khắng khít với chàng hơn. Trong ngày nàng thường nhớ đến chàng, và tự hỏi chàng nghĩ thế nào về ý tưởng này hoặc ý tưởng nọ hay chương trình kia, và ước mong được cùng chàng thảo luận. Bởi vì nàng không thể gọi điện thoại cho chàng, nên cách duy nhất để liên lạc với chàng là đến thăm chàng. Khi thấy chàng mừng rỡ, nàng rất hài lòng vì mình đã đến.
«Giôsê, tôi hy vọng anh không phiền hà việc tôi đường đột đến thăm anh thế này», nàng miễn cưỡng cáo lỗi.
«Không có chi. Thực ra ngày hôm nay cái gì cũng sai và tôi cảm thấy hơi thất vọng. Cô đến, tôi mừng lắm».
«Tôi biết anh là người có nhiều nghị lực», Massia nói, «và anh có những ý nghĩ sâu xa về nhiều việc. Tôi ghi nhớ những ý kiến của anh và quan điểm độc đáo mà anh diễn tả. Công việc của tôi đòi hỏi lắm và người ta cũng hỏi ý kiến của tôi về nhiều đề tài. Đôi khi tôi cảm thấy không thông suốt lắm, và mong ước được cùng anh thảo luận một ít việc. Tôi biết anh có thể đưa ra nhiều đề nghị hay. Chẳng hạn ngày hôm trước trong buổi họp Ủy ban Văn hoá và Nghệ thuật của Ủy hội Quốc Tế, một vấn nạn được nêu lên về phương diện chính trị của nghệ thuật và văn hoá. Các đại biểu Nga nghĩ rằng vì người Mỹ có quá nhiều ảnh hưởng đối với những dân tộc khác, nên cũng ảnh hưởng sự thiên tư chính trị. Họ mỉa mai nói rằng nghệ thuật Mỹ đang suy đồi và đem tệ đoan đến cho nhân loại.»
«Tôi nghĩ rằng tổ chức Liên Hiệp Quốc là diễn đàn để mỗi quốc gia phát biểu ý kiến của mình. Nếu quốc gia nào cảm thấy thích nghệ thuật Mỹ, hoặc Nga, thì đó là điều tốt vì nó là mối giây liên kết hai dân tộc. Nếu một quốc gia không thích điều đó, thì chỉ vì họ cảm thấy bị đe doạ vì quốc gia kia ái mộ quốc gia đối lập của mình. Nhưng nếu không có tự do phát biểu ở Liên Hiệp Quốc, thì làm sao nó tồn tại được? Một vài quốc gia thuộc Đệ Tam Thế Giới tấn công tôi lung tung, làm tôi cảm thấy thất vọng cho buổi họp. Buổi họp đó rất quan trọng, bởi vì chúng tôi phải quyết định những chương trình nào chúng tôi sẽ đỡ đầu và tài trợ trong năm tới. Không thể đồng ý về một việc rất căn bản như vậy làm tôi thất vọng lắm».
«Tôi cũng biết đó là điều mới lạ đối với anh và có thể ở ngoài lãnh vực của anh, nhưng tôi nghĩ anh có thể đưa ra một vài đề nghị mà tôi có thể mang theo buổi họp kỳ tới».
Giôsê nhìn Massia, đúng hơn là chàng nhìn thẳng vào tâm hồn nàng. Tư tưởng của chàng xem như ở đâu đâu. Nàng không biết chàng có để ý nghe điều nàng cố gắng tỉ mỉ giải thích không. Rồi, sau cái im lặng xem như bất tận, chàng nói với nàng: «Massia, cô ngây thơ dấn thân vào cuộc chiến kiểm soát tư tưởng nhân loại. Điều mà cô đề nghị như là một phương thế liên kết mọi người, thì lại bị xem là lối trá hình của một chương trình tối tăm và nham hiểm để kiểm soát tư tưởng của những dân tộc đơn sơ. Cô đang đương đầu với những lực lượng đang muốn kềm chế tư tưởng bằng cách kềm chế nghệ thuật và văn hoá. Bởi vì các cơ quan này bị ảnh hưởng chính trị, nên cô không thể đề cập đến các vấn đề đó với cái nhìn thuần túy nghệ thuật hay văn hoá, nhưng cô phải khôn lanh như con chồn. Tôi có ý kiến là cô nên đề nghị phát triển nghệ thuật của một quốc gia trung lập thuộc Đệ Tam Thế Giới, hơn là cổ động cho các nghệ sĩ của cô. Nếu cô làm thế, các địch thủ của cô không dám chống lại cô vì sợ làm mất lòng các quốc gia đang phát triển. Một khi đề nghị của cô được chấp thuận, cô có thêm được đồng minh và có thể hoạch định những mục đích lâu dài với các người bạn mới. Điều đó có thể làm được một cách tốt đẹp và kín đáo mà không ai biết cô nghĩ gì. Trong những trường hợp như thế này, cô cần có những mục đích ngắn hạn và dài hạn để cho các địch thủ của cô không biết đâu mà dò. Cô sẽ có thể thực hiện được nhiều điều theo kế hoạch này hơn là trực tiếp đương đầu».
Khi Giôsê nói xong, Massia tỏ vẻ rất thán phục. «Giôsê, anh không đơn sơ như tôi tưởng. Làm sao có thể “đơn sơ như chim câu và khôn lanh như con chồn”? Nhưng tôi nghĩ đó là phương cách độc nhất để đánh lừa địch thủ. Cũng nên thử xem. Còn một vấn đề nữa tôi cần hỏi anh. Nó có tính cách riêng tư hơn, và tôi hy vọng anh không phiền hà nếu tôi hỏi
Giôsê gật đầu cho biết chàng không phiền hà gì.
«Anh có biết rằng anh có rất nhiều khả năng, không những chỉ là một nghệ sĩ, nhưng là một nhà tư tưởng và là một triết gia? Nếu xử dụng đúng chỗ, anh có thể gây ảnh hưởng lớn trong xã hội. Tôi đã nói về anh với nhiều bạn hữu, và họ nóng lòng muốn gặp anh».
«Massia, tôi rất hãnh diện được cô nghĩ tốt về tôi. Tôi quan tâm về sự phát triển lành mạnh của xã hội, tuy nhiên mỗi người chỉ giới hạn trong vai trò mà mình cảm thấy thoải mái. Tôi không nghĩ tôi là người phải ảnh hưởng đến những kẻ xây dựng xã hội. Tôi chỉ là bạn thân của đám người bình dân, tôi cảm thấy thoải mái với họ».
«Nhưng, Giôsê, anh nghĩ thế vì anh khiêm tốn, và chưa bao giờ có ai thúc đẩy anh hoạt động hết khả năng của anh. Tôi cảm thấy rất gần gũi với anh, và tôi thấy chúng ta suy nghĩ và cảm nghĩ rất giống nhau. Tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta có thể hợp tác với nhau mà làm được việc lớn. Tôi biết tôi quá hăng say và tự phụ mà xen vào đời sống của anh như thế này, đó là vì tôi quá quan tâm đến những vấn đề của xã hội. Chúng ta cần có những người thấy xa và hiểu rộng như anh để tạo nên ảnh hưởng lớn. Tôi biết rằng ý kiến này rất mới mẻ đối với anh, và có lẽ anh không cảm thấy thoải mái ngay lúc này, nhưng tôi mong muốn anh suy nghĩ kỹ và có lẽ chúng ta sẽ thảo luận lại với nhau».
«Tôi hứa sẽ nghĩ lại về việc đó, và thành thực mà nói, ý kiến đó nghe rất hấp dẫn».
Massia đã hoàn thành điều nàng dự định khi đến thăm GiôSê, mặc dù nàng chưa thành công. Nàng tự nhiên cảm thấy thoải mái. «Tôi thích căn nhà nhỏ của anh», nàng nói, mắt nhìn một loạt cái phòng khách. «Lối sắp đặt rất hạp với người độc thân, mặc dù có vẻ khắc khổ hơn con người của anh», nàng nói tiếp trong khi cố gắng xem Giôsê có mở lòng tiết lộ tí gì về chàng chăng.
Giôsê chỉ mỉm cười vì nàng có lối hài huớc. Chàng thích cái nét đó ở người nàng, vì thế chàng họa theo và hài hước đáp lại, «Tôi chỉ cần có bấy nhiêu, và mặc dù tôi cũng thích nhà đẹp và tiện nghi hơn, nhưng thế này cũng rất thực dụng rồi. Vả lại tôi không ở nhà nhiều, nên tôi không nghĩ đến việc trang trí nhà cửa. Tôi mộng xa hơn là bốn bức tường này».
«Anh cũng mơ mộng à?», Massia nói, nàng ngạc nhiên về điều tiết lộ này.
«Dĩ nhiên, ai lại không? Tất cả chúng ta đều muốn nhìn mọi sự khác hơn là chúng hiện đang có. Và vì là con người, tôi cũng không khác hơn ai», chàng nói.
«Anh mơ mộng thứ gì?»
«Về những người tôi gặp gỡ, về những gì tôi muốn hoàn thành», chàng trả lời.
«Chắc là tôi không bao giờ có trong giấc mộng của anh», Massia nũng nịu hỏi.
Giôsê mỉm cười cách âu yếm. «Có, tôi có nghĩ đến cô, và tôi thán phục nhiều điều ở cô. Thiên Chúa ban cho cô nhiều tài năng, và cô được Ngài yêu mến lắm, vì cô để Ngài dùng cô cộng tác trong công việc mà Ngài đã hoạch định cho đời cô. Cô là một người rất hiếm có, và tôi hân hạnh chúng ta đã gặp nhau».
Nàng đang mong chàng nói như thế. Và khi nghe chàng nói, mặt nàng sáng rỡ lên. «Tôi cũng nghĩ như thế đối với anh», nàng trả lời. «Tôi hy vọng chúng ta sẽ hiểu nhau nhiều hơn».
Massia nhìn đồng hồ nơi tay. Muộn rồi. Nàng không muốn làm chàng chán ngay ở chuyến viếng thăm đầu tiên. Khi đứng lên ra về, nàng nói với Giôsê, «Tôi hy vọng anh thích viếng nguyện đường của chúng tôi hôm thứ sáu. Dân chúng cảm thấy gần gũi anh và mong gặp lại anh. Họ rất thán phục khi tiếp chuyện với anh trong buổi gặp gỡ xã giao. Tuần sau anh đến nữa không?»
«Có, tôi sẽ đến. Tôi cũng thích và dân chúng cũng thích. Tôi cảm thấy tự nhiên, cám ơn lắm».
Massia đi ra cửa. Giôsê bước theo và nói với nàng, «Cám ơn cô đã đến thăm. Tôi cảm thấy phấn khởi, và tôi sẽ suy nghĩ về lời đề nghị của cô».
Khi họ ra đến hiên nhà, Massia quay lại với Giôsê và nhè nhẹ nghiêng đầu, như nhắc chàng hôn nàng nếu chàng muốn. Chàng đặt hai tay lên vai nàng và âu yếm hôn nàng ở má. Nàng đáp lại, ôm lấy chàng và âu yếm hôn chàng. Rồi hai người cùng theo lối ra xe.
Đèn đường chiếu qua những cành cây đang lay động. Massia bước lên chiếc Mếtxêđét, nàng vẫy tay chào và lái đi.

Khi Giôsê đi vào lại nhà, chàng thấy có hai bóng người bên kia đường. Đó là hai người đến gặp chàng buổi sáng. 
____________________________________

Chương trước (10) <=> Chương sau (12)



Comments

Popular posts from this blog

Chân Dung Đức Giêsu (Lm Jos. F. Girzone)

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Cốt tuỷ chung của các tôn giáo