10 Giôsê - Chương mười


CHƯƠNG MƯỜI

Trong thời gian ngắn ở trong làng, Giôsê đã quen biết nhiều người. Chàng nổi tiếng vì hầu hết ai cũng thích chàng và thích nghe chàng nói chuyện. Trong một làng nhỏ như Ôbờn khó mà tìm được người nói chuyện hấp dẫn, vì thế Giôsê được nổi bật. Lối giao tiếp của chàng lại đơn sơ và không phiền lụy ai. Chàng thân thiện và cởi mở nên người ta dễ dàng thảo luận với chàng bất cứ việc gì, họ cũng thấy chàng am tường nhiều đề tài. Tôn giáo là một đề tài rộng lớn, nên chất vấn và thảo luận về tôn giáo là điều thường được đưa ra. Đấy là những vấn đề mà Giôsê rất quan tâm, chàng phát biểu cách tự do khi chúng được đề cập đến. Tuy nhiên những điều Giôsê tin tưởng mạnh mẽ và dân chúng cũng thấy hợp lý thì lại bị xem là cấp tiến.
Trong khi phần đông dân chúng thấy những tư tưởng của Giôsê rất lành mạnh và tốt đẹp, nhưng cũng có những người có khuynh hướng bảo thủ lại lấy làm khó chịu và cảm thấy bị va chạm. Việc Giôsê đi lễ nhiều nhà thờ là điều họ không thể tưởng tượng được. Một ít người cho đó là chủ nghĩa tự do, nhóm khác lại xem đó là lố bịch, và nhóm nữa lại nghĩ rằng chàng thiếu đức tin. Các giáo sĩ, ngoại trừ cha Phát, không còn lạ gì Giôsê nữa do lời đồn đại, họ gặp chàng thoáng qua hơn là trực diện đối thoại nghiêm chỉnh với chàng. Họ không thích những gì họ thấy nơi chàng và nghe nói về chàng. Trong ý nghĩ của họ thì chàng là con người phóng túng không muốn nhập vào một nhà thờ nào cả. Các ông nghe nói chàng làm một tượng Maisen cho nguyện đường Do Thái trong phố và cũng đi lễ ở đó nữa. Trong những buổi họp liên giáo sĩ, khi tên chàng được nhắc tới thì chàng chỉ là trò hề và làm đề tài cho họ châm biếm. Chàng bị báo cáo có gốc Do Thái và có thể sẽ gia nhập nhà thờ Do Thái. Tuy nhiên chàng đã nổi tiếng trong một thời gian ngắn.
Nhưng điều làm cho các giáo sĩ khó chịu là Giôsê cứ tự do phát biểu về tôn giáo. Có một ít người có thế giá không hài lòng với điều Giôsê nói về lối sống đạo trong các giáo phái, và vì muốn lấy lòng các giáo sĩ nên họ mau đem tin tức về cho các ông. Những bản báo cáo nói rằng Giôsê công kích cá nhân các vị giáo sĩ, nhưng thật sự thì đó không phải là cách thức của chàng. Tuy vậy nó cũng làm cho các ông có thái độ cứng rắn đối với chàng, vì thế cách chung họ đã có thành kiến không tốt đối với chàng, mặc dù chưa hề gặp chàng hoặc nói chuyện với chàng.
Giôsê biết điều ấy nhưng chàng nghĩ là không làm gì được. Không phải đó là chuyện lê mách đầu tiên làm tổn hại công việc và thanh danh của chàng, nó đẩy cả một tổ chức chống lại chàng. Tuy nhiên đó vẫn là đường lối mà những người có thị kiến không sợ lụy đến mình, họ dám làm khác hơn. Họ chuẩn bị sẵn sàng để chịu đựng các hiểu lầm và nghi kỵ do những người có đầu óc hẹp hòi không hiểu nổi những tư tưởng xa vời hơn cái tầm thường. Sự hiện diện của họ là một phiền toái và đe doạ cho các giới chức chỉ thích ôm lấy lề luật mà không bao giờ biết suy nghĩ về công việc của mình.
Đó là vài tư tưởng mà Giôsê nghiền gẫm trong khi chàng làm việc. Nhưng có tiếng gõ cửa làm chàng tỉnh mộng. Chàng bỏ đồ nghề xuống và đi ra xem ai đấy. Chàng ngạc nhiên khi thấy hai người đàn ông mặc đẹp đang đứng ở dưới hiên.
«Mời các ông vào», Giôsê thân thiện mời họ, rồi hỏi họ muốn gì.
Mấy người đàn ông bảo là họ không ở lại lâu, chỉ đến để nhắn tin. Các ông mời Giôsê vui lòng đến dự buổi họp của hiệp hội giáo sĩ tổ chức vào trưa thứ ba tuần tới lúc hai giờ. Giôsê trả lời rằng chàng rất thích đến dự. Khi chàng hỏi dịp gì vậy, thì họ cho biết rằng các giáo sĩ muốn nói chuyện với chàng. Sau khi nhắn tin với Giôsê, họ ra về. Giôsê đi trở lại phòng và tiếp tục làm việc.
Gần đây công việc của chàng thường bị gián đoạn, nên chàng khó mà làm xong số hàng đặt. Dù chàng không muốn từ chối nhận hàng vì dân chúng thích đồ chàng làm, nhưng chàng đã phải bảo họ chàng không thể nào làm kịp với số hàng lớn.
Tuần lễ trôi qua rất mau, không có gì đặc biệt lắm ngoài thái độ thay đổi của một số người lúc trước rất thân thiện với chàng. Chàng không hiểu tại sao xảy ra như thế, nhưng chàng không thể làm gì hơn. Chàng vẫn tử tế với họ và cũng đối xử với họ cách bình thường.
Tối thứ sáu hôm ấy chàng đi đến nguyện đường như thường lệ. Bạn của chàng là Aron đến đón chàng đúng sáu giờ rưởi. Dân chúng ở nguyện đường nồng hậu tiếp đón chàng và chấp nhận chàng như người trong bọn. Họ không biết chàng có phải là Do Thái hay không. Điều đó cũng chẳng sao. Họ thích chàng và tiếp đãi chàng như là người bạn. Sau buổi lễ đầu tiên bà Châu nói với vị tư tế là có nghe chàng cầu nguyện bằng tiếng Hê-Brơ. Vị tư tế có hứa là sẽ dò xem, nên ông đã bảo một người bạn thân tên là Mai-Sơn kín đáo ngồi cách Giôsê một khoảng để dò xem chàng. Mai-Sơn là một học giả về tiếng Hê-Brơ và đang dạy ở đại. Buổi lễ tối đó Giôsê thấy có một người đàn ông ngồi trước mặt chàng, lệch qua một tí, đang lắng nghe chàng. Khi vị tư tế hướng dẫn cộng đoàn cầu nguyện bằng tiếng Hê-Brơ, chỉ có ít người đáp lại, trong đó có Giôsê. Giọng chàng nghe rõ ràng không thể lầm được. Lễ xong, người đàn ông đi ngang qua Giôsê và mỉm cười với chàng. Sau đó Giôsê thấy ông nói chuyện với vị tư tế, nhưng vì xa quá chàng không nghe ông nói gì.
Khi Giôsê bước vào nhà hội, một số người trong cộng đoàn bao quanh chàng, đứng thành một nhóm ở góc nhà hội. Vị tư tế đi vào với Mai-Sơn. Hai người còn đang nói chuyện với nhau thì Massia là người trong ủy ban đặt pho tượng bước lại đứng gần hai ông.
«Ông có chắc là anh ấy nói tiếng Hê-Brơ không?», vị tư tế hỏi Mai-Sơn.
«Thưa thầy, có.» Tôi không nghi ngờ gì cả. Tuy nhiên, đó là loại tiếng Hê-Brơ mà tôi không quen thuộc. Có thể là loại tiếng địa phương không còn nói nữa, và nếu tôi không lầm, thì đó là tiếng Aramích, một hình thức của Hê-Brơ được nói cách đây gần hai ngàn năm. Tôi không tưởng tượng nổi anh ta học nó ở đâu.
Trong khi ấy Giôsê bận nói chuyện với đám người ái mộ chàng. Họ đã tiến về phía góc phòng rộng rãi có trường kỷ và ghế ngồi thoải mái. Giôsê ngồi trên ghế đu đưa trong khi những người kia ngồi thành một vòng bán nguyệt chung quanh chàng. Nhóm này biết nhiều về Giôsê, không phải chỉ ở đêm dựng tượng, nhưng ở buổi nói chuyện của cô Massia với hội phụ nữ trong tuần. Nàng mô tả pho tượng và nói nhiều về cá tính của người nghệ sĩ. Cô đã vô tình tuyên truyền rất nhiều cho Giôsê.
«Giôsê, tôi biết anh không phải là thành viên của cộng đoàn chúng tôi, nhưng anh đã bày tỏ một cảm nghĩ rất mạnh mẽ nơi pho tượng mà anh chạm cho chúng tôi, vì thế chúng tôi tin chắc anh là một người rất đạo đức», Bà Châu nói. Bà mập mạp, mặt tròn và vào tuổi trung niên.
Giôsê mỉm cười hài lòng vì được chấp nhận dễ dàng do những người mà chàng thật tình yêu mến. «Bà tử tế với tôi quá. Bà làm tôi cảm thấy được quí hoá, như thể tôi là người nhà», Giôsê đáp lại.
«Khi anh chạm tượng Maisen, anh đặt vào đó một tinh thần đạo đức rất sâu xa, tôi nghĩ anh đã suy nghĩ rất nhiều về Thiên Chúa và tôn giáo. Anh có chia sẻ với chúng tôi một vài cảm nghĩ của anh được không?». Người hỏi Giôsê là bà Tơ, câu hỏi của bà đánh trúng tim đen chàng. Đó là câu mào đầu mà Giôsê cần có để bày tỏ cảm nghĩ của chàng về tôn giáo và hy vọng nó sẽ mang lại một ý nghĩa gì cho dân chúng.
«Tôi nghĩ con người cần ý thức rằng Thiên Chúa quan tâm nhất đến dân chúng, chứ không phải các tổ chức tôn giáo. Các tổ chức có là để đem lời Chúa đến với dân chúng. Chính dân chúng là điều Thiên Chúa quan tâm. Ngài muốn họ hiểu được đời sống và tìm được hạnh phúc. Ngài không muốn gì nơi họ cả ngoài việc họ phải lớn lên. Luật Chúa không phải là một bộ luật chuyên chế áp đặt lên dân chúng để kềm chế tự do của họ cách bất chính. Nó chỉ có mục đích đem đến hạnh phúc. Qua bao thế kỷ các vị lãnh đạo tôn giáo đã bóp méo lề luật và làm thành một bộ luật không liên quan gì đến bản tính con người, vì thế nó hạn chế sự tự do tự nhiên mà con người cần phải được hưởng. Đó là điều làm cho tôn giáo trở thành một gánh nặng cho dân chúng hơn là một cái gì giúp họ tìm được hoan hỉ và bình an. Việc độc đoán hạn chế tự do đã làm cho tôn giáo mang tiếng xấu, Thiên Chúa không muốn điều đó. Thiên Chúa cho con người được tự do và hưởng đời sống ngài ban. Thiên Chúa chỉ muốn chúng ta yêu mến ngài và yêu mến nhau, và khi làm thế chúng ta tìm được hạnh phúc. Tất cả chỉ rất đơn sơ».
«Hay quá», bà Tơ nói. «Tôi không bao giờ nghĩ tôn giáo là thế đó, Thiên Chúa cũng không khác với điều anh vừa diễn tả. Thật là đơn giản khi nhìn đời theo lối đó. Giôsê, anh có bình an trong tâm hồn».
Lúc ấy Massia bước đến và ngồi xuống trong đám người trước mặt Giôsê. Chàng để ý nàng và mỉm cười. Massia mỉm cười lại. Một người đàn ông ngồi cạnh Massia tên là Bá-Ninh hỏi Giôsê một câu hốc búa: «Giôsê, tại sao dân tộc chúng tôi phải chịu nhiều đau khổ?».
Bá-Ninh ở tuổi trung tuần, vẻ mặt cứng rắn và đôi mắt hủng sâu dưới cặp lông mày. Ông đã biết thế nào là đau khổ và phiền muộn, và luôn luôn tìm câu giải đáp. Đó không phải là lần đầu tiên ông đặt câu hỏi ấy với các thuyết trình viên. Giôsê nhìn ông một cách âu yếm và thông cảm với những gì chàng thấy nơi ông. «Bá-Ninh», Giôsê nói, «các bạn vẫn là dân Chúa chọn. Định mệnh của các bạn gắn liền với Thiên Chúa, Ngài dùng các bạn để đem phúc lành của Ngài đến cho nhân loại. Nhưng, như ngày xưa, khi Thiên Chúa chỉ bảo một đàng thì dân tộc bạn đi một nẻo, nhiều người lại không tin có Thiên Chúa. Dẫu vậy Ngài vẫn cho các bạn thấy Ngài còn quan tâm đến các bạn, bằng cách để các bạn phải đau khổ vì bị cô lập. Nên nhớ rằng các bạn không được tự do như những dân tộc khác để chọn lấy định mệnh của mình. Các bạn thuộc về Thiên Chúa cách đặc biệt, và các bạn phải để Thiên Chúa dẫn dắt cho. Khi nào các bạn ý thức được điều đó, các bạn sẽ có được một chỗ danh dự trong gia đình nhân loại».
Giôsê đưa mắt nhìn Massia. Chàng thấy nàng đẹp lắm. Cái đẹp của nàng không phải chỉ ở thể xác. Trí khôn của nàng lanh lẹ và bén nhạy, nàng thông minh và có một nền văn hoá cao, nàng lại thân thiện với một tâm hồn đẹp đẽ hiếm có. Giôsê yêu mến nàng ngay, và điều đó thấy rõ lúc chàng nhìn nàng. Rồi bốn mắt gặp nhau. Massia không quay nhìn đi nơi khác, nhưng nhìn thẳng vào mắt chàng để tìm hiểu. Chàng có cái nhìn sâu sắc và thông suốt làm nàng cứ muốn nhìn chàng mãi. Nàng nhất định phải tìm hiểu chàng. Nàng biết mình bị chàng thu hút, mặc dù nàng không biết tại sao. Thường thì nàng không có phản ứng như thế đối với đàn ông. Tim nàng có thể bị rung động, nhưng vì là một nghệ sĩ và là một học giả nên nàng luôn bận rộn, ít để ý đến đàn ông. Tuy nhiên đối với Giôsê thì lại khác. Nàng như tìm thấy ở chàng nhiều liên hệ đến nghề nghiệp của nàng. Chàng không phải chỉ là một nghệ sĩ, đó là điều hiển nhiên rồi. Lối chạm tượng của chàng cho thấy chàng nắm vững hình thức và lý thuyết mà nàng phải mất lâu năm mới học được. Tuy vậy nàng biết chàng không học những điều đó nơi sách vở hay học đường. Sự hiểu biết của chàng về thiên nhiên, về con người và các sinh vật cho thấy chàng không thể nào hấp thụ được điều đó trong một thế hệ. Sự hiểu biết của chàng về con người không thể đạt được trong ba mươi năm. Giống như cha Phát, Massia có linh cảm là chàng đã sống ở đây lúc trước. Sự hiểu biết của chàng về lịch sử quá là chính xác, nó có được do kinh nghiệm hơn là do học hỏi.
Nàng thấy chàng có tất cả những gì nàng tận tụy học hỏi suốt đời, nàng rất phục chàng. Nàng cũng biết là chàng bị nàng thu hút, và mặc dù chàng nhìn đi nơi khác, nàng vẫn tiếp tục phân tách chàng. Nàng thấy rằng cách chàng đối xử với dân chúng đã để lại nơi họ một sự thân mật mà cả những phần tử cùng một gia đình cũng ít cảm thấy với nhau, như thể mỗi người thuộc về chàng một cách nào đó, như thể chàng đã biết họ từ lâu trước khi gặp họ. Chàng trả lời mỗi người một cách khác nhau, như thể chàng biết mỗi người cần nghe gì, và do đó mọi người lắng nghe chàng. Chàng thành thạo tâm lý quần chúng; chàng như thông cảm nổi đau khổ của con người đang tìm hiểu ý nghĩa của đời sống.
Massia thích lối chàng tiếp xúc dân chúng. Chàng hiểu đời sống cách đơn giản quá làm nàng không thể hiểu được. Càng nghĩ về chàng, nàng càng thắc mắc về đời sống cá nhân của chàng, chàng làm gì khi về lại căn nhà trống không điện thoại trong một đêm tối như hôm nay. Chàng nhất định phải cô đơn. Tại sao chàng lại sống như thế? Rõ ràng là chàng không chỉ say mê nghệ thuật và nghề chạm gỗ. Chàng thích dân chúng lắm nên không thể chỉ hài lòng với bấy nhiêu. Trong tâm tưởng, chàng nghĩ gì ở căn nhà trống ấy? Chàng có khó chịu không nếu nàng đến thăm chàng vào một buổi chiều sau khi chàng nghỉ việc? Ngay lúc ấy Giôsê nhìn nàng. Nàng nghĩ là chàng biết mình đang suy nghĩ gì, và nàng đỏ mặt. Tuy nhiên cái nhìn của chàng hình như nói, «Mời đến». Tim nàng trả lời, «Tôi sẽ đến».
Chỉ có một mình Giôsê nói trong suốt buổi thảo luận này. Mọi người lặng thinh. Massia nhất định phải hỏi chàng một câu. «Giôsê, anh nghĩ thế nào về Thượng Đế? Câu hỏi này làm tôi ăn ngủ không an lâu lắm rồi, và tôi chưa bao giờ thảo luận nó với ai cả. Tôi muốn biết anh nghĩ thế nào về vấn đề ấy».
Giôsê nhìn nàng và dừng lại vài giây để kiểm soát tư tưởng. Làm sao chàng có thể tóm tắt trong vài chữ cái tư tưởng và cảm nghĩ của chàng về đời sống rất mật thiết và siêu việt của chàng. «Massia», chàng nói, «trước nhất Thiên Chúa là độc nhất. Maisen đã nhấn mạnh điều đó, và ông rất chí lý. Tuy nhiên cũng nên hiểu rằng sự duy nhất nơi Thiên Chúa không giống như sự duy nhất nơi con người. Thiên Chúa không phải là con người. Thiên Chúa là độc nhất và không thể nào sánh ví đuợc. Tuy nhiên, Thiên Chúa là độc nhất, nhưng sự độc nhất của ngài lại đẹp đẽ trong nhiều phương diện và có thể diễn tả trong nhiều cách thế. Mỗi loài thụ tạo tốt đẹp diễn tả một phương diện của cái đẹp của Thiên Chúa. Mỗi vị tiên tri nói lên phần nào sự hiện hữu của ngài. Đức Giêsu phản ảnh tình yêu vô hạn của Thiên Chúa đối với dân tộc ngài. Mỗi động lực lớn bé trong thiên nhiên diễn tả một phương diện sự cao cả của Thiên Chúa. Không gian vô cùng mênh mông cũng nhắc nhớ đến trí tuệ khôn lường của Ngài. Tuy vậy Thiên Chúa còn trổi vượt hơn nữa».
«Tình yêu của Thiên Chúa như sức ấm của mặt trời, nó toả lên mọi vật, ban cho chúng sức ấm và ánh sáng. Thiên Chúa thường bày tỏ chính mình theo cách thế chúng ta hiểu được. Tuy nhiên đó là cái nguy hiểm, vì chúng ta có thể lầm lẫn trong việc nhận biết ngài với con mắt loài người. Massia, tôi nghĩ là cô nên tìm Thiên Chúa trong cô. Sự hiện diện của Thiên Chúa và tình yêu của ngài được bày tỏ rõ ràng nhất nơi con người cô. Nếu cô để thì giờ trò chuyện với Thiên Chúa, cô sẽ tìm được ngài, và khi tìm được ngài rồi cô sẽ tìm thấy sự vui mừng lớn lao của đời cô. Ngài sẽ tự bày tỏ cho cô, và khi có được ngài rồi thì cô sẽ hiểu biết mọi cái khác».
«GiôSê, thật là tốt đẹp», Massia nói, «nhưng không dễ hiểu. Tôi muốn nói chuyện với anh về điều đó nữa. Tôi thấy là anh kinh nghiệm được những gì anh nói và chúng đem nhiều bình an lại cho anh».
Lúc ấy một người đàn ông mập lùn, có lẽ là người trong ban chấp hành, tiến đến cái vòng tròn. Ông đã nhìn thấy và lắng nghe từ đàng xa. Ông có vẻ rất thán phục Giôsê. Ông tên là Rô-Xi. Thực vậy, ông là thành viên ban chấp hành của nguyện đường. Rô-Xi đứng ở vòng ngoài và không hỏi câu nào. Ông chỉ muốn nghe. Khi cuộc thảo luận chấm dứt, Rô-Xi bước đến và tự giới thiệu. «Tôi tên là Rô-Xi. Tôi biết anh là Giôsê. Tôi nghe nói về anh suốt tuần; khi nghe anh nói chuyện, tôi rất thán phục công việc của anh và việc anh dấn thân với dân chúng. Tôi làm chủ một trong những đài truyền hình, tôi muốn viết một câu chuyện về anh, anh nghĩ sao?».
Giôsê do dự về việc xuất hiện công khai. Nó có làm rắc rối cho đời chàng không, hoặc nó có cản trở chàng hoàn thành sứ mạng của mình không, hay là nó sẽ giúp nhiều vào việc chàng sẽ thực hiện? Không cần nhiều thì giờ để quyết định, sau khi suy nghĩ cái lợi và cái hại, chàng trả lời:
«Cuộc phỏng vấn sẽ ở đâu?»
«Nơi nào mà anh thấy tiện».
«Tôi không có xe, nên khó đi đến phố»
«Tôi sẽ đưa nhân viên đến nhà anh, nếu anh nghĩ là được».
«Tốt».
«Ngày mai được không?», Rô-Xi hỏi.
«Ông không phí thì giờ của ông chứ?», Giôsê nói cách vui vẻ.
«Ngày mai được lắm. Chín giờ được không?»
«Được, chín giờ. Các nhân viên sẽ đến đúng giờ».
Khi Giôsê và Rô-Xi đi qua phòng hội với một ít người nữa, thì vị tư tế và Mai-Sơn đến gặp chàng. «Giôsê», vị tư tế nói, «tôi muốn anh gặp một thành viên của cộng đoàn, đây là Mai-Sơn. Ông ta nghe những người ái mộ anh nói về anh và ông muốn gặp anh».
«Rất hân hạnh», Giôsê nhã nhặn nói và đưa tay ra bắt.
«Tôi mới là người được hân hạnh», Mai-Sơn trả lời, «Pho tượng anh chạm cho chúng tôi thật là hùng hồn. Mỗi khi tôi nhìn nó thì nó đưa đến một sứ điệp khác. Như thế đủ chứng tỏ người nghệ sĩ có biệt tài, vì anh đã nói lên nhiều điều nơi pho tượng gỗ».
«Cám ơn ông», Giôsê khiêm tốn nói.
«Tôi công nhận anh nói tiếng Hê-Brơ hay quá. Tôi tình cờ nghe anh cầu nguyện trong buổi lễ. Anh học ở đâu mà nói giỏi thế ấy?»
«Tôi học ở nhà».
«Như vậy anh là Do Thái?»
«Đúng».
Lúc ấy Aron đến đề nghị đưa xe chàng về. Câu chuyện chấm dứt đột ngột, vì Aron có chuyện muốn bàn với vị tư tế trước khi đưa Giôsê về.
Nhiều người tự động đến từ giả Giôsê. Massia nói nàng sẽ đến thăm chàng vào một buổi chiều, nếu không làm phiền chàng. Massia hơi có vẻ táo bạo, nhưng vì nàng quen sống độc lập và không bao giờ sắp xếp đờì sống theo lối những người phụ nữ ít độc lập. Nàng thường liên lạc với các viện văn hoá và trí thức nổi tiếng, nên nàng cảm thấy thoải mái với mọi người, vì thế cái gì xem ra táo bạo với người khác thì xem ra rất tự nhiên đối với nàng.

Sau khi Aron nói chuyện với vị tư tế Dênết, ông và Giôsê cùng đi ra. Đường còn dài trước khi họ về đến nhà. 
____________________________________

Chương trước (09) <=> Chương sau (11)



Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam