10 Chương 10 - «Vương quốc» và Quyền lực


Chương 10
«Vương quốc» và Quyền lực

Sự khác biệt cuối cùng giữa «vương quốc» của Thiên Chúa và «vương quốc» của Satan là quyền lực. Xã hội và quyền lực đi đôi với nhau. Xã hội cần phải có một cơ cấu và cơ cấu đó liên quan đến quyền lực. Vấn đề quyền lực và những cơ cấu của quyền lực (ai có quyền trên ai và ai có quyền định đoạt cái gì cho ai) chính là cái mà ngày nay chúng ta gọi là chính trị.
Trong thời Đức Giêsu chính trị trước nhất là vấn đề của vua hay nữ hoàng làm quốc vương. Quyền hành chính trị trước tiên phải hiểu là quyền hành của vua. Trong Anh ngữ chúng ta có thể phân biệt «kinship» (vương quyền) và «kingdom» (vương quốc) vì có hai danh từ xuất xứ bởi từ «king» (vua). Nhưng trong tiếng Hy lạp, Hêbrơ và Aramích thì không có. Từ Hylạp basileia vừa có nghĩa là vương quyền và vương quốc. Từ basileia còn xếp loại theo giống và vì thế nó có nghĩa là vương quyền và vương quốc. Do đó, chúng ta thường dịch từ basileia là «kingdom» (vương quốc), nhưng trong nhiều bản văn phải dịch là «kingship» (vương quyền) thì đúng hơn. Vương quyền và vương quốc phải hiểu chỉ là một ý niệm.
Chúng ta thường phân tách basileia của Thiên Chúa như thể nó ám chỉ một lãnh địa hay một xã hội tương lai thôi. Tuy nhiên phải hiểu basileia của Thiên Chúa sẽ được thành lập cũng có nghĩa là quyền lực chính trị của Thiên Chúa sẽ được thành lập. Đức Giêsu tuyên bố rằng quyền lực chính trị của Thiên Chúa trên tương lai sẽ nằm trong tay những người nghèo và những người bé mọn.
Phúc cho những ai nghèo khổ vì basileia của Thiên Chúa là thuộc về các người. (Lc 6:20)
Tôi sẽ trao ban cho các người một basileia ... Các người sẽ ngồi trên ngai để đoán xét ... (Lc 22: 29,30)
Đừng sợ hãi, hởi đoàn chiên nhỏ bé, bởi vì Cha của ta rất vui lòng trao ban cho các người basileia. (Lc 13:32
Đây là ý muốn nói số phận sẽ bị đảo lộn. Người giàu có và người quyền thế sẽ bị hạ xuống còn người nghèo sẽ được nâng lên.
Ngài (Thiên Chúa) hạ bệ những ai quyền thế và nâng lên những ai thấp hèn. Người đói ăn sẽ được no thoả, người giàu có sẽ bị đuổi đi trắng tay. (Lc 1:52-53)
Phúc cho người nghèo ... Khốn thay người giàu có ... (Lc 6:20, 24)
Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên. (Lc 14:11)
Tuy nhiên điều này không có nghĩa là trong cơ cấu quyền lực của «vương quốc» Thiên Chúa kẻ đàn áp và kẻ bị đàn áp sẽ thay đổi vai trò của nhau, và như thế sẽ còn có đàn áp. Quyền lực trong «vương quốc» Thiên Chúa sẽ hoàn toàn khác với quyền lực được thi hành trong «vương quốc» Satan.
Quyền lực của Satan là quyền lực thống trị và đàn áp, trong khi quyền lực của Thiên Chúa là quyền lực phục vụ và tự do.
Mọi triều đại và quốc gia trên thế gian hiện tại được cai trị bằng quyền lực thống trị và bạo lực. Còn cơ cấu của «vương quốc» Thiên Chúa thì được xác định bằng quyền lực của tự phát phục vụ trong yêu thương mà người ta trao đổi cho nhau.
Đức Giêsu giải thích điều đó như sau:
«Anh em biết rằng nơi những người ngoại đạo thì người thủ lãnh cai trị và áp đặt quyền lực trên mọi người. Nhưng anh em không nên làm như vậy. Ai muốn làm lớn thì phải nên tôi tớ, và ai muốn làm kẻ nhất thì phải làm nô lệ cho mọi người. Bởi vì Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ, và dâng hiến mạng sống làm lễ chuộc cho mọi người.» (Mc 10:42; Mc 9:35)
Hai lối hiểu và thi hành quyền lực thật quá khác biệt. Đó là khác biệt giữa thống trị và phục vụ. Quyền lực của xã hội mới này không phải là quyền lực để được phục vụ, không phải là quyền lực mà mỗi người phải bái gối và khúm núm. Nhưng đó là quyền lực ảnh hưởng đời sống mọi người vì nó phục vụ mọi người. Đó là quyền lực rất quảng đại phục vụ con người đến độ có thể chết cho họ.
Đức Giêsu gọi quyền lực thống trị là quyền lực của các thủ lãnh ngoại giáo. Có lẽ ngài nghĩ tới Xêda và Philatô cũng như các vua chúa ngoại đạo mà Thánh Kinh gọi là những kẻ đàn áp dân Dothái, đặc biệt là thủ lãnh các đế quốc vĩ đại mà ngôn sứ Đaniel mô tả như là thú dữ và vô nhân (7:2-7, 17).
Nhưng Đức Giêsu cũng quá biết rằng người Dothái cũng có thể là những kẻ đàn áp, mặc dù ý tưởng này rất xa lạ đối với Dothái giáo. Ngài gọi Hêrốt là con chồn, có lẽ ám chỉ đến nguồn gốc Êđôm hay một nửa ngoại đạo của ông, và như thế là để lên án lối sống ngoại đạo và cách thức thi hành quyền lực của ông.
Ngài cũng ý thức rằng hầu hết những người lãnh đạo Dothái - các giáo sĩ trưởng, các kỳ mục, các kinh sư và người Pharisêu- là những người đàn áp. Họ không có quyền độc đoán như vua chúa, nhưng chỉ dựa vào luật pháp.
Lề luật là những quy củ và chỉ đạo được truyền lại cho dân Dothái được viết ra trong Thánh Kinh hay do khẩu truyền của các kinh sư. Đối với người Pharisêu cũng như nhiều người thì khẩu truyền cũng có giá trị và uy lực như là lề luật được viết ra. Tất cả được xem là torah, nghĩa là những chỉ thị được Thiên Chúa mạc khải cho dân Israel. Có chỉ thị và luật lệ cho mọi chi tiết của đời sống, cả đạo lẫn đời.
Đức Giêsu không chống lại lề luật, nhưng ngài chống lại cách thức áp dụng lề luật, ngài chống lại thái độ đối với lề luật. Các kinh sư và người Pharisêu đã biến lề luật thành gánh nặng, trong khi nó chỉ để phục vụ con người.
«Họ đặt những gánh nặng trên đầu trên cổ dân chúng, nhưng họ có đưa tay nâng hộ không? Hẵn là không!» (Mt 23:4).
«Ngày Sabát được lập ra cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabát.» (Mt 2:27)
Các kinh sư đã khiến ngày Sabát cũng như nhiều lề luật khác trở thành những gánh nặng không thể vác nổi. Họ dùng ngày Sabát để làm hại hơn là làm lợi cho dân chúng. Đối với họ ngày Sabát là một cái ách, là «sám hối» , là đàn áp, trong khi đối với Đức Giêsu thì ngày đó phải là ngày lành cho dân chúng, để đáp ứng nhu cầu và lợi lộc chính đáng của dân chúng. Chúng ta thấy ở đây có hai thái độ đối với lề luật, hai ý kiến khác nhau về mục đích của lề luật, và như thế hai cách thức khác nhau để dùng lề luật. Thái độ của các kinh sư đưa đến ngụy biện, câu nệ lề luật, giả hình và đau khổ. Còn Đức Giêsu thì có thái độ dễ dãi khi tuân giữ lề luật không đáp ứng được nhu cầu của dân chúng, nhưng ngài lại cứng rắn khi tuân giữ lề luật làm lợi cho dân chúng. Lề luật được tạo ra cho chúng ta chứ chúng ta không được tạo ra cho lề luật và uốn gối trước nó.
Chẳng hạn ngày Sabát được đặt ra là để giảm bớt lao tác cho người dân để họ có thì giờ nghỉ ngơi. Nó không phải để ngăn ngừa dân chúng làm điều thiện, chữa bệnh hoặc cứu sống (Mc 3:4; Mt 12:11-12; Lc 13:15-16), cũng không để ngăn cấm họ ăn uống khi đói (Mc 2:23-26). Đức Giêsu không bận tâm đến những chi tiết nhỏ nhặt của lề luật. Ngài cũng không đồng ý với lối giải thích bừa bãi đang thịnh hành ở Galilê và trong các cộng đoàn hải ngoại. Ngài cũng không bài bác luật truyền khẩu mà chỉ chú trọng vào lề luật trên giấy mực. Nhưng ngài phản đối việc dùng luật và áp dụng luật để làm hại dân chúng.
Đức Giêsu không xem mình là người làm luật. Ngài không chủ ý bải bỏ Luật Maisen (Mt 5:17-18) để đưa ra một đạo luật mới hoặc để thay thế mọi đạo luật khác. Ngài cũng không muốn thêm thắt hoặc cắt giảm hay tu bổ lề luật - không một chấm phẩy nào cả (Mt 5:18). Điều ngài muốn là thi hành trọn vẹn lề luật, lo sao cho nó làm đúng vai trò mà Thiên Chúa muốn, đó là làm đúng mục đích của nó (Mt 5: 18). Một người giữ đúng lề luật của Thiên Chúa nếu họ thi hành đúng mục đích của lề luật, cả đến «lề luật nhỏ nhất». Và mục đích của lề luật là phục vụ, từ bi và yêu thương.
«Thiên Chúa muốn lòng từ bi chứ không phải đồ tế» (Ho 6:6; Mt 9:13; 12:7; Mc 12:23).
Lối ngụy biện thì chỉ khai thác lề luật để mưu đồ lợi ích riêng tư, vì thế đánh mất mục đích của lề luật. Khi tranh cãi những điều vụn vặt thì lại sơ sót «những vấn đề quan trọng» hoặc sơ sót mục đích của lề luật là «công bình, nhân hậu và thành tâm» (Mt 23:23). Phải phân biệt thức ăn nào sạch thức ăn nào bẩn, phải rửa tay trước khi ăn, đó chỉ là để che đậy lòng dạ độc ác (Mc 7:1-7, 14-23). Dùng luật corban để khỏi phụng duởng cha mẹ là quên đi mục đích của lề luật Thiên Chúa ban (Mc 7:8-13). Các kinh sư cố tình quên đi mục đích chính của các luật lệ. Họ biến lề luật thành khí cụ đàn áp.
Các người lãnh đạo và học sĩ thời Đức Giêsu trước hết trở thành nô lệ cho lề luật. Điều này giúp họ tạo uy tín trong xã hội và cũng đem lại an ninh cho chính mình. Chúng ta sợ phải được tự do. Để kẻ khác quyết định giùm cũng như hoàn toàn dựa vào luật pháp thì dễ dàng hơn. Có những người muốn làm nô lệ như vậy.
Một khi đã trở thành nô lệ cho lề luật, thì người ta thường không cho người khác được tự do. Họ không nghĩ ngơi cho đến khi nào đặt những gánh nặng tàn ác trên mọi người (Mt 23:4, 15). Người nghèo và người bị đàn áp là những kẻ phải đau khổ về lề luật nhất.
Đức Giêsu muốn giải phóng con người khỏi lề luật- mọi lề luật. Nhưng điều này không thể làm được nếu chỉ bãi bỏ hay sửa đổi lề luật. Ngài cần phải hạ bệ lề luật. Ngài phải làm cho lề luật trở thành tôi tớ chứ không phải chủ nhân của chúng ta (Mc 2:27-28). Chúng ta phải lãnh lấy trách nhiệm cho tôi tớ của chúng ta là lề luật, và dùng nó để đáp ứng nhu cầu của nhân loại. Điều này khác với tình trạng bừa bãi vô luật pháp hay thả lỏng một cách vô trách nhiệm. Đức Giêsu tương đối hoá lề luật để mục đích của nó có thể thực hiện được.
Trong cơ cấu chính trị của «vương quốc» Thiên Chúa thì quyền lực, thẩm quyền và luật pháp chỉ là những chức năng. Chúng chỉ cần thiết khi con người phục vụ lẫn nhau cách thực tâm và hữu hiệu. Mọi hình thức thống trị cũng như nô lệ hoá cần phải được bãi bỏ. «Nếu anh em không ăn ở công chính (tuân trọn lề luật) hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ không vào được Nước Trời» (Mt 5:20).


__________________________________

Chương trước (09) <=> Chương sau (11)



Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam