09 Chương 9 - «Vương quốc» và Liên đới


Chương 9
«Vương quốc» và Liên đới

Liên đới không phải là một từ kinh thánh, nhưng nó ám chỉ một ý niệm tập thể của Do thái mà các học giả thường nói đến. Gia đình, bộ lạc hay quốc gia thường được xem là một cá nhân tập thể. Cá nhân tập thể này có khi đồng nhất với vua chúa là người nói và hành động nhân danh dân chúng, có khi đồng nhất với một ông tổ chung của tập thể.
Chúng ta không thể hiểu được cái khác nhau giữa «vương quốc» của Satan và «vương quốc» của Thiên Chúa (giữa điều lành và điều ác như Giêsu hiểu) nếu không xét đến cái ý niệm liên đới. Hai «vương quốc» khác nhau không những như là hai cá nhân tập thể, nhưng là đại diện cho hai thái độ khác nhau đối với liên-đới-đoàn-thể.
Sau uy tín và tiền bạc thì liên đới đoàn thể là mối quan tâm căn bản của xã hội thời bấy giờ. Cho đến ngày nay người Do thái vẫn có một tinh thần liên đới hết sức mạnh mẽ. Họ chung lưng đấu cật, nhất là trong những cơn khủng hoảng. Trong thời Đức Giêsu không phải chỉ có liên đới quốc gia mới là quan trọng, hoặc liên đới Do thái giáo chống lại thế giới ngoại giáo. Trong thực tế họ còn đặc biệt quan tâm đến liên đới đoàn thể và quốc gia.
Đơn vị căn bản sống chung với nhau như một tập thể là gia đình - đại gia đình thì gồm có bà con họ hàng. Liên kết máu mủ hay thông gia cũng là điều hệ trọng. Những phần tử trong gia đình như anh, chị, mẹ, cha, thì đồng nhất với nhau. Phạm đến một phần tử trong gia đình là phạm đến tất cả. Một người bị sỉ nhục là tất cả cùng bị. Người trong gia tộc có thể nói với người ngoài rằng: «Làm gì cho người nhỏ nhất trong chúng tôi, là làm cho tôi», hoặc «Tiếp đãi người họ hàng tôi, là tiếp đãi tôi». Còn đối với người trong tộc thì họ có thể bảo nhau: «Ai tiếp đãi anh/chị/chú /bác v.v... là tiếp đãi tôi; ai cảm thấy hỗ ngươi vì anh/chị/ chú/bác...là hỗ ngươi vì tôi». Điều này không cần phải nói ra, nhưng ai cũng biết như vậy.
Cũng trên nguyên tắc đó, khi một người bà con bị sỉ vả hay sát hại, thì người trong họ cảm thấy phải trả thù. Mối thù truyền kiếp hay nợ máu này vẫn còn thấy ở thời Đức Giêsu, mặc dù dưới hình thức nhẹ hơn. Nguyên tắc «mắt đền mắt, răng đền răng» vẫn còn được áp dụng ở thời Đức Giêsu. Nó cũng giống như nhóm Mafia. Điều này không thể hiểu được đối với cá nhân chủ nghĩa Tây phương.
Trong thời Đức Giêsu không phải chỉ có đại gia đình mới sống chung như một đơn vị tập thể. Tình liên đới cũng áp dụng cho cả bạn bè, bạn đồng nghiệp, người cùng giai cấp hay phe nhóm như những người Pharisêu và Ếtsên. Cá nhân không bao giờ nghe nói tới, ngoại trừ trong kinh lễ.
Ngày nay mặc dù sống trong cá nhân chủ nghĩa, chúng ta vẫn còn giữ tinh thần và thành kiến đoàn thể một cách ý thức hay vô ý thức. Điều này thay đổi tùy người, nhưng cũng còn có nhiều người trong xã hội Tây Phương ngày nay đồng hóa mình với chủng tộc, quốc tịch, ngôn ngữ, văn hoá, giai cấp, gia đình, thế hệ, đảng phái và tôn giáo. Yêu thương và trung tín cũng có ranh giới như trong quá khứ.
Điểm khác biệt giữa «vương quốc» của Satan và «vương quốc» của Thiên Chúa không phải ở hình thức liên đới đoàn thể, nhưng là «vương quốc» của Satan xây dựng trên liên đới đoàn thể đóng kín và ích kỷ, trong khi «vương quốc» của Thiên Chúa thì xây dựng trên liên đới quảng đại bao gồm cả nhân loại. «Anh em đã nghe Luật dạy rằng: hãy yêu người láng giềng và hãy ghét kẻ thù. Nhưng tôi bảo anh em: hãy yêu kẻ thù» (Mt 5:43-44).
Yêu thương kẻ thù là tư tưởng hết mực cấp tiến và cách mạng. Ganh ghét kẻ thù là điều dạy rõ ràng trong Tài Liệu Biển Chết và trong ngoại thư Ngân Khánh. Cựu Ước không nơi nào nói mạnh như thế, yêu thương người láng giềng thì phải loại kẻ thù ra bên ngoài. Người láng giềng không phải bất cứ là ai, nhưng là người họ hàng, người thân cận, người trong nhóm.
Đừng vu cáo người thân thích ... Đừng ganh ghét anh em ... Đừng thù oán ... con cái dân ngươi. Phải yêu thương người láng giềng như chính mình. (Lêvi 19:16-18)
Theo sách Cựu Ước thì yêu thương người láng giềng như chính bản thân là sống theo tình liên đới. Chỉ người họ hàng mới được xem như chính mình. Xem ai trong một đám người là anh chị em, tức những người còn lại là kẻ thù.
Đối với Đức Giêsu thì kẻ thù cũng là người láng giềng. Thính giả phải ngạc nhiên khi nghe ngài xem mọi người trong tình liên đới. Lời tuyên bố của ngài nghe rất nghịch lý: đó là phải xoá bỏ sự mâu thuẫn tự nhiên giữa người láng giềng và thù địch, giữa người trong và ngoại tộc, để thù địch trở thành người họ hàng và người ngoại tộc trở thành người trong tộc.
Đức Giêsu không ngần ngại đưa ra một lời khuyến dụ rất cao siêu :
«Hãy làm ơn cho ai ganh ghét anh em, hãy chúc lành cho ai nguyền rủa anh em, hãy cầu nguyện cho ai vu khống anh em» ( Lc 6:27-28).
«Nếu yêu thương ai yêu thương mình thì có ân nghĩa gì? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu mình» (Lc 6:32).
Yêu người trong phe nhóm (yêu ai yêu mình) thì có công đức gì. Những người trộm cướp yêu nhau hơn thế nữa. Đức Giêsu kêu gọi sự liên đới với toàn thể nhân loại, một tình yêu mở rộng không ranh giới, bởi vì nó bao gồm cả đến những người ghét mình, bách hại mình và đối xử tệ với mình.
Tình yêu này không phải chỉ giữa anh chị em, nhưng là tình yêu được đề cập rõ ràng trong Phúc âm và các thư của Gioan, cũng như trong ý niệm về Giáo hội như là thân thể của đức Kitô. Cùng sống trong Đức Kitô có nghĩa là yêu nhau, là cảm nghiệm tình liên đới với toàn thể nhân loại và lẫn nhau (1 Tx 3:12). Đức Giêsu kêu gọi tình liên đới bao gồm tất cả mọi người.
Liên đới với nhân loại là thái độ căn bản. Nó phải trổi vượt mọi tình yêu và mọi liên đới khác. «Ai đến với tôi mà không ghét bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi» (Lc 14:26).
Nếu yêu có nghĩa là liên đới, thì ghét là vô liên đới. Điều mà Đức Giêsu đòi buộc là tình liên đới gia đình phải được thay thế bằng tình liên đới căn bản với toàn thể nhân loại. Điều này hiển nhiên không có nghĩa là phải loại bỏ bạn bè họ hàng như kẻ thù! Họ phải được liệt vào tình liên đới mới, bởi vì họ cũng là con người. Cũng không có nghĩa là phải yêu thương bạn bè bà con ít hơn. Điều phải thay đổi là căn bản của tình yêu. Thương mến ai không phải chỉ vì họ là bà con họ hàng, nhưng vì họ là con người. Như vậy họ càng phải được yêu thương hơn nữa. Họ phải được yêu thương chứ không chỉ được ưa thích.
Tất cả những quy chiếu về gia đình trong các sách Phúc âm đều xác nhận lối giải thích này.
Các môn đệ «bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì vương quốc của Thiên Chúa» (Lc 18:29). Tình liên đới gia đình không thể cản trở tình liên đới mới của «vương quốc» (xem Lc 9:59-62).
Nếu thay thế tình liên đới gia đình bằng tình liên đối cá nhân với cá nhân thì có thể đưa đến đổ vỡ:
«Anh em có nghĩ rằng tôi đến để đem hoà bình cho thế gian không? Tôi nói cho anh em biết không phải thế đâu, nhưng là đem chia rẽ. Từ nay một gia đình có năm người sẽ chia rẽ nhau: ba chống lại hai và hai chống lại ba; cha chống lại con, con chống lại cha, mẹ chống lại con, con chống lại mẹ, mẹ chồng chống lại con dâu, con dâu chống lại mẹ chồng» (Lc 12:51-53; so sánh Mt 10:34-36)
Phần hai của bản văn trên trích dẫn từ sách tiên tri Mica than phiền về tình liên đới gia đình bị đổ vỡ như là một trọng tội của dân Israel trong thời ông (Mic 7:6). Khi Đức Giêsu trích dẫn đoạn văn trên để chỉ sứ mạng của ngài thì rõ ràng có một sự thay đổi căn bản về giá trị, đó là một tình liên đới phổ quát mới thay thế cho những tình liên đối cũ.
Cũng nên lưu ý rằng sự chia rẽ trong gia đình được giải thích như là phân cách thế hệ. Sứ điệp của Đức Giêsu không làm chia rẽ cha và mẹ hoặc anh chị em, nhưng là cha mẹ với con cái. Xem như ngài dự phóng thế hệ trẻ sẽ chấp nhận tình liên đới phổ quát còn thế hệ già thì sẽ chống đối.
Còn Đức Giêsu thì sao? Sự liên hệ giữa ngài với gia đình, và nhất là với thân mẫu của ngài thì sao? Các sách Phúc âm cho chúng ta thấy rằng sự liên hệ giữa Đức Giêsu và hầu hết họ hàng của ngài rất là căng thẳng. Mátcô nói họ nghĩ rằng ngài bị điên, và họ thấy cần phải can thiệp vì tình gia đình đòi buộc (Mc 3:21, so sánh với Gio 7:5). Có lẽ thân mẫu của ngài cũng ở trong nhóm người bà con này. Chúng ta không biết rõ lắm. Nhưng người ta bảo bà có mặt trong nhóm người đến tìm ngài ở ngôi nhà mà «ngài đang ngồi giữa một đám đông người» (Mc 3:31-32). Có lẽ lúc ấy bà không hiểu ngài đang nghĩ gì, cũng như bà đã không hiểu ngài nghĩ gì lúc ngài lên mười hai tuổi khi ngài nói rằng phải ở lại trong Đền Thờ để làm công việc của Cha ngài (Mc 3:41-50). Chỉ sau đó bà mới hiểu được (Gioan 19:25-27). Nhiều người họ hàng khác như Giacôbê và Giuđa cũng chỉ tin ngài sau biến cố Phục Sinh.
Đức Giêsu muốn rằng người ta không nên hiểu tình yêu của ngài đối với thân mẫu (hoặc bất cứ người họ hàng nào) là chỉ do liên hệ sinh học: «Một phụ nữ trong đám đông kêu lên: Phúc thay lòng dạ nào đã cưu mang ngài và vú nào đã cho ngài bú !» Nhưng ngài đáp lại: «Phúc hơn cho những ai nghe lời Thiên Chúa mà giữ lấy» (Lc 11:27-28). Căn bản của tình liên đới đằm thắm giữa Đức Giêsu và thân mẫu ngài phải hiểu là do việc thực thi thánh ý của Thiên Chúa.
Đức Giêsu gạt bỏ tình liên đới thông thường của gia đình để thu nạp những kẻ theo ngài trở thành «anh, chị và mẹ» (Mc 31:31-35), để đón tiếp ai trong bọn họ là đón tiếp ngài (Mt 10:40); Mc 9:37) và bất cứ cái gì làm cho một người thấp hèn nhất trong bọn họ là làm cho chính ngài (Mt25:40, 45). Nhưng chúng ta cũng thắc mắc rằng tình liên đới mà Đức Giêsu rất tha thiết có phổ quát không? Ngài rao giảng tình liên đới phổ quát (yêu kẻ thù) nhưng lại không thi hành chăng ? Tác giả người Dothái là ông C.G. Motefiore tố cáo rằng Đức Giêsu không thi hành điều ngài rao giảng, bởi vì ngài không yêu kẻ thù của mình, đó là các kinh sư và nhóm Pharisêu. Thực vậy, rõ ràng là ngài đứng về phe người nghèo và người bị đàn áp để chống lại các kinh sư và người Pharisêu thuộc giai cấp trung lưu. Đấy có phải là yêu kẻ thù của mình và sống liên đới với toàn thể nhân loại không?
Rất có thể hợp lý mà nghĩ rằng các Phúc âm gia đã thổi phồng những lời tố cáo của Đức Giêsu đối với những người Pharisêu, bởi vì có sự tranh chấp giữa Giáo hội sơ khởi và nhóm Pharisêu. Nhưng đấy cũng chưa phải là câu giải đáp. Thực sự Đức Giêsu có yêu người Pharisêu không?
Nếu yêu có nghĩa là liên đới, thì khi yêu cũng có thể tức giận. Hơn thế nữa, nếu mình quan tâm đến con người như là con người và thông cảm nổi khổ đau của họ, thì tất nhiên không khỏi giận dữ đối với những ai làm cho chính họ và người khác phải đau khổ. Đức Giêsu tức giận, đôi khi cũng quá tức giận đối với những ai tự huỷ hoại chính bản thân và tha nhân, đối với những ai vì kiêu hãnh và giả hình mà không lắng nghe khi ngài cảnh cáo rằng họ đang lao đầu vào cửa tử và lôi kéo mọi người vào đấy. Ngài giận dữ với họ vì lợi ích của dân chúng và của chính bản thân họ. Bằng chứng rõ ràng nhất rằng Đức Giêsu yêu thương mọi người là khi ngài giận dữ với kẻ thù của nhân loại và của mỗi người.
Nếu Đức Giêsu từ chối tranh luận, bàn thảo và đi lại với người Pharisêu, thì khi đó chúng ta mới có thể tố cáo rằng ngài khai trừ họ hoặc đối xử với họ như người ngoại cuộc. Các sách Phúc âm liệt kê đầy dẫy những cuộc đàm thoại và những bữa ăn giữa ngài và họ, cũng như những cố gắng của ngài để thuyết phục họ. Cuối cùng, chính họ là những người khai trừ ngài; còn ngài thì không bao giờ khai trừ họ.
Điều này không có nghĩa là chối bỏ rằng Đức Giêsu đứng về phía những người nghèo và người tội lỗi. Tình liên đới của Đức Giêsu với mọi người không phải là một thái độ mơ hồ, trừu tượng đối với nhân loại cách chung. Yêu hết mọi người cách chung cũng có thể hiểu là không yêu ai đặc biệt. — đây chúng ta dùng những từ như «nhân loại», «dân chúng», «mọi người», để chỉ rằng tình liên đới mới mẻ này không nên hiểu theo nghĩa liên-đới-đoàn-thể. Đức Giêsu không dùng những quan niệm bao la mơ hồ ấy. Ngài tiếp đãi từng cá nhân đến với ngài mà không khai trừ ai. Mỗi người được yêu thương vì chính họ chứ không phải vì tổ tiên, nòi giống, quốc tịch, giai cấp, liên hệ gia đình, thông minh, thành công hay vì một phẩm tính nào khác. Một cách cụ thể và thân mật, Đức Giêsu yêu hết mọi người và sống liên đới với toàn thể nhân loại. Và chính vì lẽ đó mà ngài chung lưng với người nghèo và người bị đàn áp, với những ai bị loại ra bên lề. Sống liên đới với những người «vô danh tiểu tốt» , với những người «bị khai trừ», là phương thế cụ thể độc nhất để sống liên đới với toàn thể nhân loại.
Tuy nhiên, sống liên đới với người nghèo và người bị đàn áp có phải là quá đóng kín không? Yêu những người này mà loại những người khác phải chăng chỉ là thu hẹp trong tình liên đới đoàn thể? Đức Giêsu không làm như thế. Tình liên đới đặc biệt và không đóng khung đối với những người này thực ra là dấu chỉ tình liên đới của ngài đối với con người như là con người.
Còn một vấn đề khúc mắc nữa. Đức Giêsu chỉ thu hẹp phạm vi hoạt động của ngài trong nước Israel và bảo các môn đồ cũng làm thế đó: «Đừng đến vùng những người ngoại, và đừng đến xứ Samaria; nhưng hãy tìm đến những con chiên lạc của nhà Israel» (Mt 10:5-6).
Mátthêu cũng nói rằng ngài không muốn chữa bệnh cho người phụ nữ Cana, nghĩa là không hoạt động cho những người ngoại. «Tôi chỉ được sai đến với những chiên lạc của nhà Israel,» ngài bảo chị (Mt 15:24). Lời tuyên bố của ngài với người thiếu phụ Cana còn nghe chói tai hơn nữa: «Không nên lấy thức ăn của con cái mà cho chó ăn», nghĩa là không nên lấy thức ăn của nước Israel mà cho người ngoại giáo (Mt 15:26 = Mc 7:27).
Dĩ nhiên điểm chính của câu chuyện là cuối cùng Đức Giêsu cũng chữa bệnh cho phụ nữ ngoại giáo, cũng như ngài đã chữa cho tên nô lệ của viên đội trưởng Lamã. Nhưng tại sao chị phải nhọc công nài nĩ ngài? Tại sao những kỳ mục Dothái phải van xin ngài giúp cho viên đội trưởng Lamã ? (Lc 7:3-5)
Đàng khác cũng rõ ràng là Đức Giêsu dự tính một «vương quốc» gồm «vô số» những người ngoại giáo từ đông tây nam bắc đến ngồi chung với Abraham, Isaac va Giacob nơi bàn tiệc, trong khi đó nhiều người Dothái lại bị loại ra (Mt 8:11-12; Lc 13:28-29); 14:15-24). Những người Ninivê và Hoàng hậu từ phương Nam sẽ có mặt ở đấy, làm cho những người Dothái phải bẽ mặt (Mt 12:41-42).
Thái độ nước đôi của Đức Giêsu đối với những người ngoại giáo là một trong những vấn đề nan giải mà các học giả bàn thảo mãi cho đến khi Joachim Jeremias phát hành quyển sách danh tiếng của ông với tựa đề Lời hứa của Đức Giêsu với các quốc gia. Ông chứng minh rằng niềm hy vọng của người Dothái về tương lai không loại trừ những người ngoại giáo. Cuối cùng, một khi những hình phạt tương ứng đã được áp dụng thì toàn thế giới gồm cả người ngoại giáo, sẽ chấp nhận quyền bính của Thiên Chúa. Đó là hình ảnh một cuộc hành hương vĩ đại của người ngoại giáo đến Giêrusalem mà các ngôn sứ đã mô tả, họ đến để tôn sùng vị chủ tể của thế giới là Thiên Chúa tối cao. Thế gian đã bị cai trị qua nhiều đế quốc. Đế quốc Lamã hiện tại sẽ được thay thế bằng đế quốc Israel là đế quốc của Thiên Chúa. Tâm niệm điều đó, nên những người Dothái, đặc biệt là các kinh sư và người Pharisêu, đã hăng say trong việc truyền giáo. Ông Jeremias cũng đã minh chứng rằng «Đức Giêsu xuất hiện ở thời kỳ tột đỉnh của công việc truyền giáo trong lịch sử Dothái».
Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là Đức Giêsu không tán thành nổ lực truyền giáo này: «Khốn cho các ông là những kinh sư và Pharisêu là quân giả hình! Các ông trèo non lặn suối để thu thập người theo đạo, và khi thu thập được họ thì các ông đã làm cho họ đáng xuống hoả ngục hơn các ông nhiều» (Mt 23:15).
Đó là trường hợp người mù dắt người mù, nếu một người mù dắt một người mù, cả hai sẽ sa xuống hố (Mt 23:15). Theo như Đức Giêsu nghĩ, thì người Dothái phải thay đổi trước rồi mới ra đi cải đạo người khác. Đó là điều Đức Giêsu làm, và cũng là lý do ngài bảo các môn đệ của ngài hãy nhắm vào nước Israel trước tiên. Bởi vì thì giờ khẩn bách (thảm hoạ to lớn sắp xảy đến) và bởi vì Israel đã có bao thế kỷ để chuẩn bị cho sự đổi mới này, nên Đức Giêsu xác tín rằng Thiên Chúa muốn người Dothái phải thay đổi để đem cứu độ và liên đới đến với muôn dân. Cũng như khi ngài chú tâm đến những con chiên lạc của nhà Israel, thì ngài cũng chú tâm đến Israel mà mưu đồ lợi ích cho muôn dân. Đấy không phải là tình liên đới đoàn thể, nhưng chỉ là một chiến lược.
Trước hết Đức Giêsu nghĩ rằng giải thích «vương quốc» cho người ngoại sẽ là một quy trình dài, cũng như làm khơi dậy niềm tin nơi họ cũng sẽ tốn kém thời gian nhiều lắm. Điều này quả là xác đáng. Dẫu sao, Đức Giêsu cũng cảm thấy mình được gọi cách đặc biệt để nuôi dưỡng Israel trước tiên và đừng để nó đánh mất cơ hội đổi mới (Thiên Chúa đã tiền định Israel như thế) mà đi phung phí thời gian ngắn ngủi này mà lo cải đạo người ngoại- phân phát thức ăn cho những kẻ chưa phải nguy kịch lắm. Vì thế Đức Giêsu rất đỗi ngạc nhiên khi khám phá ra rằng người phụ nữ Cana có đức tin rất mạnh (Mt15:28) và viên đội trưởng Lamã còn có đức tin mạnh hơn những gì ngài thấy lâu nay trong Israel (Mt 8:10). Đức Giêsu không ngờ. Nếu ngài đã ngờ trước thì ngài đã không từ chối cứu giúp họ. Dẫu sao ngài không thể căn cứ vào sự đáp ứng bộc phát của mỗi người ngoại giáo. Chiến lược quan trọng bây giờ là vì lợi ích của mọi người mà phải nhằm vào nhà Israel. Ngài có lý khi làm như thế, dẫu cuối cùng dân Israel không đáp ứng lại như ngài mong muốn. Mục đích lúc ấy cũng như bây giờ là một «vương quốc» mà mọi người sống với nhau trong tình liên đới.
Để kết luận chúng ta cũng nên nhớ rằng nền tảng của tình liên đới hay tình yêu này là từ bi- tình cảm này chổi dậy tự cõi lòng trước nhu cầu của tha nhân. Dụ ngôn người Samaritanô tốt lành được Luca ghi lại (Lc 10:29-37) là câu trả lời đích đáng cho câu hỏi 'Ai là người láng giềng của tôi?'. Không phải ai cũng là người láng giềng, mặc dù điều đó đúng. Câu trả lời là một dụ ngôn được giải bày làm cho chúng ta đồng hoá với con người bất hạnh bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng ta cảm thông nỗi thất vọng của anh ta, khi những người lẽ ra phải sống liên đới với anh, đó là một giáo sĩ và một thầy Lêvi, thì lại tránh qua một bên mà đi. Chúng ta cảm thông nỗi vui mừng nhẹ nhõm của anh khi một kẻ thù Samaritanô vì động lòng mà phá tan ranh giới liên đới để cứu giúp anh. Nếu chúng ta xúc động vì dụ ngôn này, nếu để những tình cảm sâu xa sống dậy trong lòng, thì chúng ta không còn cần phải hỏi ai là người láng giềng của tôi, hoặc yêu có nghĩa gì. Chúng ta sẽ ra đi và hành động bất chấp mọi ranh giới. Chỉ có từ bi mới dạy cho con người biết tình liên đới với tha nhân có nghĩa là gì.
«Vương quốc» của Thiên Chúa chính là tình liên đới đó.


__________________________________

Chương trước (08) <=> Chương sau (10)



Comments

Popular posts from this blog

Chân Dung Đức Giêsu (Lm Jos. F. Girzone)

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Cốt tuỷ chung của các tôn giáo