08 Chương 8 - «Vương quốc» và Uy tín


Chương 8
«Vương quốc» và Uy tín

Trong xã hội Đức Giêsu sống, uy tín là điều quan trọng số một, thứ đến là tiền bạc. Cho đến ngày nay ở thế giới Đông Phương uy tín quan trọng hơn tất cả mọi yếu tố khác. Người ta có thể tự sát còn hơn là mất uy tín.
Mỗi người có một địa vị trong tổ chức xã hội ấy, làm gì hay nói gì cũng phải nghĩ đến địa vị của mình trong xã hội. Người có địa vị cao hơn có thể quở mắng người thấp hơn. Nhưng đối với một người đồng hạng thì đó là một điều sỉ nhục không thể chung sống. Còn người dưới làm sỉ nhục người trên là điều không bao giờ có thể chấp thuận được. Chấp nhận địa vị của mình trong xã hội là một điều hệ trọng. Người ta kính trọng lẫn nhau.
Địa vị và uy tín là do ở gia tộc, của cải, quyền lực, giáo dục và đạo đức. Chúng được diễn tả qua cách ăn mặc và xưng hô, qua lối tiếp đãi và được tiếp đãi, qua chỗ ngồi ở bàn ăn và ở hội đường.
Địa vị rất là quan trọng trong tôn giáo cũng như ngoài xã hội. Cả đến những người Do thái nhiệm nhặt và cuồng tín như nhóm người ở Cumran cũng sống theo địa vị và thứ bậc của mình trong cộng đồng của họ. Nhiều chỗ trong tài liệu Biển Chết nói đến địa vị cá nhân trong hệ thống cấp bậc của cộng đồng này. Quyền lợi và uy thế đi kèm với địa vị. Người không có địa vị trong xã hội như người điên, bịnh thần kinh, người mù, què quặt, người điếc, người bị tàn phế và trẻ con là những người bị loại ra bên lề. Đời sống trong cộng đồng này dựa vào quy luật sau đây: «người này được kính trọng hơn người kia là do ở địa vị và đạo đức có cao hơn không».
Đức Giêsu thì sống ngược lại. Ngài xem đó là nguồn gốc của điều ác trên thế gian và hy vọng ở một «vương quốc» không còn có phân chia giai cấp. Phúc cho anh chị bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả, lên án như tội phạm” (Lc 6: 22). «Khốn cho anh chị khi người ta ca tụng anh chị...» (Lc 6:26).
Đức Giêsu công kích các kinh sư và nhóm Pharisêu không phải vì điều họ dạy là sai, nhưng là vì hành động của họ (Mt 23: 1-3)- họ tạo uy tín và muốn mọi người ngưỡng vọng. «Họ làm mọi việc cốt để thiên hạ trông thấy, như mang hộp kinh lớn và tua áo thật dài, ngồi ghế danh dự ở tiệc tùng và hàng ghế đầu trong hội đường, được người ta chào hỏi nơi chợ búa và gọi là thầy» (Mt 23:5-7; so sánh Mc 12:38-40; Lc 11:43; 14:7-11).
Các hành động đạo đức của họ cũng thế, như bố thí, cầu nguyện và chay tịnh. Họ làm nơi công cộng, «để cho mọi người ca ngợi». Đối với Đức Giêsu, thì đấy không phải là đạo đức, nhưng là giả hình (Mt 6:2,5,16). Các thầy thông giáo và người Pharisêu là như những ngôi mộ trắng, họ chỉ lau bên ngoài tách đỉa, họ có vẻ tốt lành, lương thiện, nhưng bụng chứa đầy giả hình (M 23:27-28). Bên ngoài họ giữ lề luật, nhưng bên trong là tạo uy tín (xem Lc 18:9-14).
Người giả hình cũng giống như người giàu, vì họ đã được phần thưởng rồi: đó là được người ta ngưỡng mộ (so sánh Mt 6:1-6, 16-18 và Lc 18:9-14). Họ sẽ không vào «vương quốc» được (Mt 5:20). Thực vậy, ai lo tìm kiếm uy tín và muốn trở thành vĩ đại thì không thích hợp với «vương quốc» như Đức Giêsu nghĩ.
Các môn đệ đến hỏi Đức Giêsu, «Ai là người lớn nhất trong nước Trời ?» Đức Giêsu bèn gọi một em bé đến trước mặt các ông. Rồi ngài nói: «Tôi nói thật cho anh em nghe, nếu anh em không giống như trẻ nhỏ thì sẽ không vào nước Trời được. Vì thế, ai hạ mình làm người nhỏ như em bé này thì đó là người lớn nhất trong nước Trời» (Mt 18:1-4).
Đứa bé là dụ ngôn sống động của «nhỏ bé», là đối nghịch với vĩ đại, địa vị và uy tín. Trẻ con trong xã hội ấy không có địa vị nào cả- chúng không được đếm xỉa. Nhưng đối với Đức Giêsu thì chúng cũng là người và có giá trị. Do đó mà ngài giận khi các môn đệ đuổi trẻ con đi nơi khác chơi. Ngài gọi chúng đến, ôm lấy chúng và đặt tay lên đầu chúng mà chúc lành cho chúng. Ngài nói «Vương quốc của Thiên Chúa thuộc về những ai nhỏ bé như các em này» (Mc 10:14). Đó là «vương quốc» của trẻ em, hay đúng hơn, đó là «vương quốc» của những ai giống như trẻ em bởi vì chúng không có thế giá gì, không có địa vị và uy tín trong xã hội.
Không có bằng chứng rõ rệt nào để giải thích rằng hình ảnh trẻ em là hình ảnh ngây ngô như người ta thường nghĩ, nghĩa là non dại và vô trách nhiệm. Đức Giêsu cũng hiểu thế nào là tính non dại và vô trách nhiệm của trẻ con mà ngài dùng để so sánh những người Pharisêu, như trong dụ ngôn các trẻ ngoài chợ không chịu chơi trò đám cưới hay đám tang (Mt 11:16-17).
Những đứa bé làm hình ảnh «vương quốc» là biểu tượng của những người chiếm chỗ thấp nhất trong xã hội, đó là những người nghèo và người bị đàn áp, người ăn xin, đĩ điếm và người thu thuế- những người mà Đức Giêsu thường gọi là những người bé nhỏ hay người thấp hèn nhất.
Đức Giêsu lo lắng sao cho những người bé mọn này không bị khinh miệt và bị đối xử như người hèn hạ. «Đừng bao giờ khinh miệt những người bé mọn này» (Mt 18:10). Ngài hiểu được sự tủi thẹn và thấp kém của họ. Vì lòng từ bi mà ngài xem họ rất có thế giá. Đối với ngài, họ không có lý do gì để sợ sệt, «Vương quốc» thuộc về họ. «Hỡi những ai bé mọn, đừng lo sợ, vì Cha các người rất vui mừng ban cho các người ‘vương quốc’» (Lc 12:32). Những người thấp kém nhất trong «vương quốc» là những người bé mọn, họ còn cao trọng hơn người cao trọng nhất như Gioan Tẩy giả (Mt 11:11). Đó là lối nói ngược, ngụ ý rằng uy tín của Gioan Tẩy giả tự nó cũng không có giá trị gì.
Điều lạ lùng hơn nữa là Đức Giêsu so sánh những trẻ thơ với các nhà thông thái (Mt 11:25). Các kinh sư được nhiều danh dự và uy tín trong xã hội nhờ ở giáo dục và học thức. Mọi người đều ngưỡng vọng họ vì họ khôn ngoan và tài trí. Còn theo tâm trí của Giêsu thì các trẻ thơ là những người thất học và dốt nát. Ngài nói rằng chân lý về «vương quốc» được tiết lộ cho những người thất học và dốt nát chứ không cho hạng học thức và khôn ngoan. Và Đức Giêsu tạ ơn Thiên Chúa vì lẽ đó.
Tuy nhiên không phải chỉ có những người thuộc về một giai cấp nhất định trong xã hội mới vào được «vương quốc». Ai cũng có thể gia nhập «vương quốc» nếu họ quyết chí thay đổi và trở nên giống như những người bé mọn (Mt 18:3), giống như trẻ thơ (Mt 18: 4). Hoặc theo như cách nói của Mátcô, «người ấy phải làm người rốt hết và trở thành tôi tớ của mọi người» (9:35). Như vậy có nghĩa là không nên bận tâm về địa vị và uy tín cũng như về tiền bạc và của cải. Cũng như phải sẵn sàng bán mọi tài sản để chiếm lấy chỗ thấp nhất trong xã hội, và còn hơn thế nữa, đó là phải sẵn sàng làm tôi tớ cho mọi người.
Tình yêu của Đức Giêsu đối với người nghèo và người bị đàn áp không phải là tình yêu hạn chế; ngài nghĩ đến bản tính nhân loại hơn là địa vị và uy tín. Người nghèo và người bị đàn áp không có giá trị gì cả ngoài bản tính nhân loại và sự nghèo khó của họ. Đức Giêsu cũng quan tâm đến giới trung và cao cấp, không phải vì họ quan trọng nhưng vì họ cũng là con người. Ngài muốn họ bỏ đi những giá trị hư không, bỏ đi của cải và uy tín, để trở thành những con người thật. Đức Giêsu muốn thay thế uy tín trần gian bằng giá trị linh thiêng nơi con người.
Một điểm nữa nói lên rằng Giêsu quan tâm đến giá trị của con người, đó là thái độ của ngài đối với phụ nữ. Trong xã hội thời bấy giờ «sinh làm đàn bà là một điều thất thiệt, là hậu quả lời cầu của cha mẹ không được chấp thuận». Phụ nữ cũng như trẻ con thì không có giá trị gì. Họ không có thể làm môn đệ của một kinh sư hoặc làm thành viên của nhóm Sađuxê, Pharisêu, Ếtsên hoặc Dêlốt. Vai trò của phụ nữ chỉ là sinh lý và đẻ con.
Đức Giêsu xuất hiện như là người đem lại cho phái nữ phẩm giá ngang hàng với phái nam. Ngài quan tâm đến người goá phụ thành Naim, đến mẹ vợ ông Ximông, đến người đàn bà bị xuất huyết và người đàn bà thành Canan, cũng như mọi người khác. Trong số những người theo ngài cũng như các đồ đệ của ngài có các phụ nữ (Mc 15:49-41; Lc 7:36-50; 8:2-3; Gioan 11:5; 20:11-18). Ngài gọi họ là chị em, là thân mẫu của ngài (Mt 3:34-35). Đối với ngài, cô Maria thành Bêtani đã chọn phần tốt nhất khi ngồi dưới chân ngài chứ không để phần đó cho các ông mà lo đi giúp Mátta trong bếp (Lc 10:38-42). Đức Giêsu không ngại tiếp xúc đĩ điếm (Lc:36-50; Mt 11:19; 21:31,32) hoặc phụ nữ không người coi giữ (Gio 4:7-27; 8:10-11). Người là người, đó mới là điều hệ trọng.
«Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên», thành ngữ này không phải là hứa hẹn một tương lai nhiều uy tín cho những kẻ không có uy tín lúc này, hoặc cho những kẻ không hy vọng có được uy tín. Nhưng là hứa hẹn rằng họ sẽ không còn bị đối xử như người thấp hèn, nhưng được chấp nhận như là người. Người nghèo không được hứa ban của cải. nhưng là mọi nhu cầu sẽ được thoả mãn - không ai còn thiếu thốn; do đó những người bé mọn không được hứa cho địa vị và uy tín nhưng là được tôn trọng như là người. Muốn được vậy thì cần phải tổ chức lại cơ cấu của xã hội.
Như vậy, «vương quốc» của Thiên Chúa là một xã hội không còn có uy tín và địa vị, không còn có chia rẽ giữa kẻ sang người hèn. Mọi người sẽ được yêu thương và kính trọng, không phải do giáo dục hay của cải, do tổ tiên hay uy quyền, do địa vị hay đạo đức hay những thành công nào khác, nhưng là vì ai ai cũng là người. Có người sẽ không thể tưởng tượng được đời sống như thế sẽ ra thế nào. Tuy nhiên trẻ con cũng như những người chưa bao giờ có địa vị, lại sẽ dễ dàng thấy được cái đẹp do một xã hội như thế mang lại. Những ai không chấp thuận người ăn xin, đĩ điếm, tôi tớ, phụ nữ, trẻ em được đối xử ngang hàng, những ai không thể sống mà không cảm thấy mình cao hơn một nhóm người nào đó, thì sẽ không cảm thấy tự nhiên trong «vương quốc» của Thiên Chúa như Đức Giêsu hiểu. Họ chỉ muốn sống bên ngoài.


__________________________________

Chương trước (07) <=> Chương sau (09)



Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam