08 Giôsê - Chương tám
CHƯƠNG
TÁM
Cả bọn có mặt ở nhà
Dum-Ba tối đó. Căn nhà nhỏ quá không chứa nổi hết, nhưng không sao. Họ không
khách sáo. Nếu chủ nhà muốn cả bọn đến, thì họ đến và tự tìm chỗ lấy. Họ quen sống
chật chội thế này rồi. Và tối nay đặc biệt hơn cả. Không ai muốn bỏ lỡ cơ hội. Giôsê
là một bí mật từ ngày chàng đến trong phố ba tháng trước đây. Mặc dù chàng tử tế,
nhưng chỉ có vài người tiếp xúc với chàng. Người ta chỉ biết về chàng qua lời đồn
đại hơn là do tai nghe mắt thấy. Vì thế tối nay là cơ hội tốt để gặp con người
Giôsê thật.
Giôsê đến nhà Phát Bazum.
Đó là một buổi chiều đẹp trời sau một ngày thời tiết thay đổi. Lúc Giôsê đến
thì Phát đang đứng dưới hiên nhà nói chuyện với Dô Sanđê, Hơm và anh phát thư
Sang. Sang là người đầu tiên nhận ra chàng và la lên, «Kìa, ai đến đây!». Mấy người kia quay lại và lớn tiếng chào làm
chàng hơi lúng túng. Giôsê mỉm cười và bước vào nhà, chào từng người khi họ đến
chào chàng. Người phát thư bắt tay chàng, nói cách hài lòng, «Quí hoá, ông bạn», như thể anh đã là bạn
của chàng vì anh là người đầu tiên quen biết chàng.
Họ đưa Giôsê vào nhà.
Một đám đông đã ở đó. Tức khắc mọi người yên lặng và trố mắt nhìn chàng. Giôsê
dò xem đám đông, ghi chú từng người vào tâm trí.
Chàng đã gặp họ hầu
hết, ít nhất là các người đàn ông. Hầu hết các bà còn lạ. Phát rất hãnh diện về
người khách của mình, nên huênh hoang giới thiệu từng người với Giôsê.
Chàng nhìn sâu vào mắt
mỗi người như thể nhìn thấu vào tâm hồn họ, rồi niềm nỡ chào họ.
Đây không phải là một
bọn cầu kỳ. Bạn thấy họ thế nào thì họ như thế đó, không có gì giấu diếm. Họ là
những người thực tế và tốt bụng. Họ đã chơi với nhau từ bé, đi học với nhau, và
bấy giờ lớn lên thì làm việc và giữ liên lạc với nhau. Khi họ gặp nhau thế này
thì không có lễ nghi gì. Họ đứng lên, đi lại, bước ra sân, vừa ăn vừa trò chuyện.
Có người ngồi xuống ăn, hầu hết là các bà. Tất cả mọi bữa ăn như thế này đều ăn
theo kiểu tự động, dù họ có chủ ý hay không. Bữa tiệc tối nay được chuẩn bị
theo lối ấy.
Phát không quên giới
thiệu Giôsê với vợ là Minh. Nàng là một người đàn bà tử tế và hiểu biết, nàng
cao hơn Phát. Minh lại cũng hài hước, và khi chồng giới thiệu nàng là vợ với
Giôsê thì nàng vui vẻ nói, «Vâng, hơn bốn
mươi năm, tôi không biết tại sao chịu nổi ổng».
«Bà nói cái gì? Bày đặt!» Phát chống đỡ.
«Tôi bày ra đó», Minh nói.
Giôsê mỉm cười và
nói, «Tôi biết chắc Trời sinh hai anh chị
cho nhau».
«Lấy cho ít thức ăn, tôi đói quá», Phát
nói và kéo Giôsê đến bàn có dọn đầy thịt và thức ăn của Y. Mặc dù ít có người
trong bọn uống rượu mạnh, nhưng họ cũng biết Giôsê thích uống rượu nho, nên họ
mời chàng một ly rượu ép tại nhà để xem chàng có thích không. Rượu đó là của một
người lùn con nhưng tốt bụng, biệt danh là Sô-Ti. Lúc trước ông là một tay đấu
võ, và bây giờ ông đang ở tuổi sáu mươi mà vẫn còn lực lưỡng. Tối hôm ấy ông
không đến được, nhưng ông gởi hai chai rượu đến biếu Giôsê. Chàng nếm rượu, nhắm
nhép trong mồm, rồi nói với Phát, «Không
tệ lắm. Thực ra, ngon lắm».
«Anh nên cám ơn Sô-Ti. Ông ấy gửi biếu anh đó»,
Phát nói với Giôsê, «Anh nên đem về, vì ở
đây không ai uống».
Sau khi Giôsê nói
chuyện với các bà một chốc, các ông bèn kéo chàng ra sân sau nhà. Đây là dịp
may lớn để họ hỏi Giôsê nhiều điều. Mặc dù Giôsê biết đó là một trong những lý
do họ vui vẻ gặp chàng, nhưng chàng cũng thấy là họ có cảm tình với chàng, vì
thế chàng không phiền hà gì về tính tò mò của họ.
«Giôsê, ngồi xuống đây», Hơm vừa nói vừa
chỉ cho Giôsê cái ghế vải gần anh. Giôsê bước lại, tay bưng đĩa thức ăn mà một
bà đã lấy sẵn cho chàng. Chàng ngồi xuống, cẩn thận bưng cái đĩa và ly rượu cho
khỏi đổ.
«Giôsê, nói cho bọn nó nghe chuyện anh đi
nguyện đường tối hôm qua», Mô đề nghị.
«Không có gì lắm», Giôsê đáp. «Thực ra, tôi cảm thấy tự nhiên lắm. Cộng
đoàn ở đó có nhiều phản ứng khác nhau về pho tượng tôi chạm cho họ. Có mấy người
nghĩ là pho tượng trắng trợn công kích dân chúng bây giờ. Tôi nghĩ là nó rất sống
động, nhưng tôi muốn gửi đến một sứ điệp, chứ không phải chỉ làm một pho tượng
của một cá nhân trong lịch sử. Phần đông dân chúng thích nó, họ rất thân thiện
và niềm nở. Họ cũng mời tôi đến khi nào tôi thích. Tôi nghĩ rằng họ rất tử tế».
«Dĩ nhiên», Hơm nói cách hài hước, «nhất là họ không làm giàu trên anh».
«Thiên Chúa không cho ai đồng cắc nào cả, nhưng
Ngài lại ban cho thế gian nhiều ân huệ không thể đo lường bằng tiền của», Giôsê
trả lời phăng phắc. Hơm có vẻ ngượng về điều anh nói. Anh không cố ý làm mích
lòng Giôsê, nhưng anh đã không thể không chua vào.
«Anh nghĩ thế nào về người Do Thái, Giôsê?»,
Phát hỏi. «Họ vẫn nghĩ họ là dân Chúa chọn.
Họ còn nghĩ như thế đến bao giờ?».
«Đúng, họ là dân Chúa chọn», Giôsê trả lời.
«Thiên Chúa không thiên tư. Ngài chúc
phúc mọi người đồng đều, nhưng chọn mỗi người làm một công việc khác nhau. Dân
Do Thái được chọn làm một việc đặc biệt, đó là chuẩn bị cho một người sẽ đến, để
họ nhận ra và chấp nhận con người ấy khi ngài đến, rồi đưa người ấy đến với
nhân loại. Người đó là Giêsu, sinh ra từ dân tộc Do Thái, đó là một vinh dự
không ai cướp được khỏi họ. Họ đang chia sẻ cái vinh dự đó, nó sẽ được thực hiện
một ngày nào đó. Tiếc thay, những người Kitô đã không giúp vào. Bởi lòng độc ác
và hẹp hòi, họ đã không để người Do Thái đến gần Giêsu, vì thế một ngày nào đó
họ sẽ phải trả lẽ về việc ấy».
Không ai nghe Giôsê
nói như vậy bao giờ. Chàng nói với thẩm quyền chứ không phải như một người tầm
thường mà họ từng quen biết. Tuy nhiên trong lời nói hay thái độ chàng không
chê trách, mặc dù chàng không giấu giếm điều mình cảm nghĩ. Mấy người đàn ông
nghe thấy thế nên tháo lui có trật tự.
Lúc ấy có một chàng
trẻ đang trên lề đường tiến đến. Đó là một linh mục. Cha mặc áo tu sĩ nhưng
không đội mũ. Cha nhìn trẻ măng tuy có hói đầu, nhưng cha cũng còn đẹp trai. Dim
nhận ra cha trước nhất nên kêu lên, «Kìa,
cha Phát đến».
Cả bọn cùng quay lại
và lớn tiếng chào linh mục. Cha bước đến có vẻ loạng choạng. Phát đứng lên nhường
ghế cho cha, và nói cách khôi hài, «Này, ngồi
đây cha. Cha cần nó hơn tôi».
Phát biết vị linh mục
hơi say, nên nghĩ rằng nếu vị linh mục ngồi xuống thì tốt hơn.
Cha Phát ngồi xuống
và cám ơn Phát Ba Dum đã nhường ghế cho. Vừa ngồi xuống ghế, cha nhìn qua phía
Giôsê trong khi chàng
cũng đang nhìn cha như thấy rõ tâm hồn cha. Vị linh mục nhìn xuống đất, cảm thấy
lúng túng trước mặt người lạ.
«Tôi tên là Giôsê», Giôsê mào đầu câu
chuyện để cho vị linh mục được tự nhiên hơn. Trong khi chàng nói, hai người bước
tới bắt tay nhau: «Tôi là cha Phát», vị
linh mục nói, «hân hạnh gặp anh».
Hai cặp mắt lại gặp
nhau. Lần này vị linh mục không rời mắt khỏi Giôsê. Cha như bị thôi miên. Linh
tính cho linh mục biết Giôsê không phải chỉ là một người lạ tầm thường. Cha thấy
chàng là một người tốt, chàng có vẻ buồn, có lẽ vì bị xúc phạm, hơn là buồn vì
cay đắng hay mỉa mai. Cha thấy trong cái bắt tay của Giôsê có một sức lực lạ
thường khác với cái vẻ tế nhị bên ngoài của chàng. Cha cố gắng tiếp tục nhìn
Giôsê, bởi vì cha thấy Giôsê có cái nhìn rất sâu sắc. Cha biết Giôsê đang nhìn
thẳng vào tâm hồn cha, tuy nhiên cha thấy rằng đó không phải là cái nhìn xoi
mói. Cha thấy một tình cảm ấm áp và êm dịu phát xuất tự cái nhìn của Giôsê, và
cha cảm thấy bị chàng thu hút tức khắc.
Trong khi vị linh mục
phân tách Giôsê, thì chàng cũng phân tách cha. Các linh mục có thể là một nhóm
người hay phê bình, được kinh nghiệm dạy cho hay thận trọng và thường thì ích kỷ,
có thể vì sống cô đơn.
Một số ông lại kiêu
căng và coi dân chúng thấp hơn mình, đặt đâu phải ngồi đó và bảo chi phải làm nấy.
Nhưng Giôsê không thấy cái đó nơi cha Phát. Xem bên ngoài thì cha là người thích
rượu, nhưng bên trong thì cha là một người nhút nhát, vô cùng cô đơn và đang phấn
đấu để theo đuổi một lối sống. Giôsê thấy rõ cha thực sự yêu mến dân chúng, thích
làm cho họ hạnh phúc và làm cho họ những điều tốt. Giôsê thấy cha tiến tới ở lề
đường trước tiên và thấy trẻ con chạy đến nắm tay cha, thích được gặp cha, trong
khi cha móc túi lấy mấy thứ gì nho nhỏ cho chúng.
«Đây là một linh mục thật», Giôsê suy
nghĩ, «một người yêu mến Thiên Chúa, mặc
dù ông có uống». Cái nhìn và nụ cười hé mở của Giôsê đối với cha Phát cho
thấy chàng yêu mến ngay con người yếu đuối này của Thiên Chúa.
Hai người trao đổi
cái nhìn trong chốc lát nên không ai để ý, vì họ bận trò chuyện và chen nhau đứng.
«Tôi thích cha đến được», Phát nói với
linh mục. «Chúng tôi muốn cha và Giôsê gặp
nhau. Cha ăn thứ gì?».
«Cho tôi ly huých-ky với sô-đa», linh mục
vui vẻ nói.
«Tôi cũng sắp làm một ly». Phát nói thêm,
«Nhưng nhắm với thứ gì - bánh mặn, xúc
xích hay tiêu trái?»
«Bánh mặn ngon hơn», linh mục trả lời, trong
khi Phát đi vào nhà để cửa dập đàng sau lưng.
Cha Phát làm phụ tá ở
nhà thờ công giáo trong vùng. Cha mới đến chưa đầy một năm và ai cũng mến cha. Cha
rất niềm nở và hay khôi hài, nên ai cũng cảm thấy thoải mái và thích gặp cha. Bởi
vì họ thích cha nên cha có uống cũng không thành vấn đề. Cha Phát khác với vị
chánh xứ lắm. Ông này không có được chút hài hước, con người ông lại tự phụ và
khi mở miệng nói thì bao giờ cũng có chút ít chua cay trong đó.
Ông rất ý thức rằng
mình là chủ chăn, thích cai quản một vùng rộng lớn và coi sóc từng người công
giáo ở đó. Ông còn đối xử với cha Phát như chú giúp lễ chứ không phải là một
chuyên gia thông minh với đầu óc bén nhạy hơn ông. Cái nhược điểm của cha Phát
làm cho ông dễ mạt sát cha. Hình như ông còn thích thấy vị phụ tá của ông có
khuyết điểm để ông tha hồ mà nhục mạ. Vị chủ chăn này cũng đối xử với dân trong
xứ đạo như thế. Ông là chủ của họ đạo và của mọi người. Miệng lưỡi ông dữ tợn
làm ai cũng ngán. Không ai dám chọc giận ông vì sợ trở thành mục tiêu cho ông
chua chát tấn công. Đời sống tinh thần của xứ đạo không ai mấy quan tâm ngoài
cha Phát. Chính vì thế mà cả xứ đạo đứng xung quanh cha làm vị chủ chăn càng
thêm ác cảm.
Dự tiệc trong xứ đạo
như tối hôm nay là một lối thoát cho cha Phát. Sống trong nhà xứ thật khó chịu.
Bữa ăn thì hình thức và tẻ nhạt, và trong bữa ăn hai người ngồi lặng thinh. Hoạ
hoằn họ có nói chuyện thì là chuyện trong xứ đạo. Thật là khó sống cho cha Phát.
Cha sinh trưởng trong một gia đình hạnh phúc và quen giễu cợt. Cha không phải
là đứa con cưng nên từ lúc nhỏ đã học cách sống hoà thuận với mọi người. Tuy
nhiên dẫu cha có cố gắng thế nào đi nữa cũng không làm sao sống vui vẻ được với
vị chủ chăn. Vì cha thông minh hơn vị chủ chăn nên không giúp giải quyết được
các khó khăn.
Phát đem thức ăn ra
cho vị linh mục và ngồi gần cha trên một gốc cây già đã bị đốn mà Minh dùng để
nện đất làm vườn cho chặt. «Cha xứ mạnh
không?» Phát hỏi cách châm biếm. Mọi người đều biết cha Phát sống cực lắm, và
mặc dù cha rất trung thành với vị chủ chăn và không bao giờ nói về ông với giáo
dân, người ta cũng biết và hay nói đùa với cha về điều đó. Vị linh mục chỉ biết
cười khi ai nói trúng tẩy.
Giôsê ngồi lắng nghe
họ nói, chàng ráp nối các mẩu chuyện và thấy được tình trạng tinh thần của cộng
đồng Kitô giáo. Rồi ông Dô đến hỏi Giôsê nghĩ thế nào về xứ đạo. Cũng như mọi lần,
Giôsê rất thành thật và ngay thẳng.
«Như tôi đã nói sáng nay, Giêsu quan tâm đến
dân chúng chứ không màng đến quyền hành của hàng giáo sĩ. Giêsu rao giảng sứ điệp
tự do, tự do làm con cái Thiên Chúa. Các vị lãnh đạo tôn giáo phải giúp dân
chúng hiểu được đời sống và vui sướng được làm con cái của Thiên Chúa. Họ đừng
để bị cám dỗ điều hành xứ đạo như làm kinh doanh và cai trị dân chúng như người
ngoại giáo làm. Giêsu không bao giờ muốn làm kinh doanh, nhưng là đặt nền móng
cho một gia đình nhân loại gắn bó và lo lắng cho nhau. Vì như hiện nay, Giáo hội đã trở thành một cơ cấu đè nặng lên
đời sống của dân chúng, và dân chúng thực ra không được làm thành phần của Giáo
hội, phận sự của họ chỉ là để nâng đỡ cơ cấu này. Trong một cộng đồng Kitô đích
thực thì dân chúng phải là trung tâm của cộng đồng. Họ phải được sống tự do và
hoạch định cuộc sống của mình như là Kitô hữu, và xây dựng đời sống của mình
như là con dân của Thiên Chúa. Vị chủ chăn đối với họ phải là một dẫn viên hiền
lành, góp ý kiến, cố vấn và hướng dẫn khi cần thiết. Một tình yêu đích thực phải
hun đúc cộng đồng ấy. Đó là điều Giêsu muốn».
Cha Phát ngồi nghe
có vẻ kinh hãi. Khi Giôsê nói xong, cha hỏi chàng tại sao biết nhiều về Giáo hội
và đời sống Kitô. Giôsê chỉ mỉm cười. Vị linh mục nói với Giôsê rằng điều chàng
nói rất là tốt đẹp, nhưng đấy chỉ là một giấc mộng không bao giờ thực hiện được.
«Các linh mục quá bám lấy quyền hành nên
không để cho dân chúng được tự do và hoạt động như người Kitô trưởng thành»,
linh mục nói. «Lúc trước có một linh mục
rất tốt cố gắng xây dựng một công đồng Kitô theo mẫu mực anh vừa diễn tả, nhưng
giám mục thuyên chuyển ông và đưa một ông khác đến để đem dân về lại lối cũ. Giáo
hội giảng dạy một địều, còn các vị chức trách trong Giáo hội cho phép làm hay
không là một chuyện khác. Các ông cảm thấy sợ hãi khi thấy dân chúng được quá
nhiều tự do làm điều mình muốn. Giáo hội rất anh hùng khi giảng công bình-bác
ái, nhưng lại vi phạm nó nhiều nhất».
Cha Phát thường ít
nói mạnh như thế này, nhưng cái nhìn của Giôsê vào đời sống của cộng đồng như
khơi dậy những thất vọng bị đè nén của cha, và đây là lần đầu tiên cha nói toạc
ra những cảm nghĩ của cha về Giáo hội. Nhóm nhỏ ngồi chung quanh đấy không khỏi
kinh ngạc, nhưng họ hài lòng thấy cha Phát đưa ra những phán quyết mạnh mẽ. Chưa
bao giờ cha nói như vậy, dân chúng có cảm tưởng cha chỉ là một anh chàng dễ mến
thích nhậu huých-ky và giễu cợt. Sự bộc phát này cho thấy con người đích thật của
cha chưa bao giờ lộ ra trong khi thi hành chức vụ linh mục.
Giôsê nghe vị linh mục
nói và đồng ý rằng các linh mục phải phục vụ dân chúng, nhưng thường thì họ chỉ
cai trị dân chúng. Tiếc thay dân chúng lại chịu đựng vì họ sợ linh mục giận. Vấn
đề này xem ra mâu thuẫn với các giáo hội Tin Lành. Vấn đề các giáo sĩ Tin Lành
phải đương đầu là việc dân chúng kiềm chế nhiều quá, vì thế các ông thường
không dám rao giảng cái sứ điệp đích thật của Giêsu, và như thế làm giảm uy tín
chức năng của mình để bảo vệ công ăn việc làm.
Câu chuyện từ từ
chuyển sang những đề tài ít sôi bỏng hơn. Cha Phát kể một chuyện khôi hài về một
ông thầu khoán tên Trí Phi sắp chết. Vợ ông xin cha xứ đến thăm chồng bà ở bệnh
viện và nhắc nhủ ông nhớ đến việc đạo. Ông nhất định chưa muốn chết. Vị linh mục
đến nói chuyện với ông. Trong lúc nói chuyện, linh mục đề nghị với ông nên cúng
tiền cho nhà thờ để đền tội. Nhà thờ đang cần một cửa sổ kính màu. Linh mục còn
hứa cho ông muốn khắc lời gì bên dưới cửa sổ cũng được. Vật kỷ niệm muôn thuở
này chỉ tốn có mười ngàn đô-la, như thế cũng chưa thấm vào đâu so với gia sản
khổng lồ của ông. Lúc ấy một vị bác sĩ bước vào và viết chi phiếu phí tổn chăm
sóc bệnh nhân trong hai tháng qua. Cái chi phiếu lên tới năm mươi ngàn đô-la, ông
thầu khoán nghe nói muốn ngất xỉu. Nhưng vì biết ngày giờ đã đến và cũng không
đem theo tiền bạc được, ông quyết định làm theo ý muốn của hai người.
Ông bảo lấy tập ngân
phiếu và ký cho ông bác sĩ. Rồi trong lúc viết ngân phiếu cho linh mục, ông nhắc
ngài đừng quên lời hứa cho ông viết thứ gì cũng được bên dưới cửa sổ. Vị linh mục
cam đoan với ông. Người thầu khoán bèn nói với linh mục với giọng minh bạch và
cương quyết điều ông muốn: «Ghi nhớ
Trí-Phi chết như Chúa Kitô giữa hai kẻ cướp».
Mọi người cười ồ, vì
linh mục có thể giễu cợt được nghề nghiệp của mình. Sau đó mọi người trò chuyện
thoải mái hơn. Giôsê vào trong nhà nói chuyện với các bà. Họ rất thích được
chàng quan tâm đến gia đình của họ, và cảm thấy hãnh diện khi chàng khen họ đã
giữ cho các gia đình gần gũi nhau và duy trì được một tinh thần lành mạnh giữa
láng giềng.
Giôsê rời nhà Dum-Ba
lúc gần mười một giờ. Cha Phát đứng gần cửa khi chàng ra về, tay cha cầm ly
huých-ky. Cha rất vui vẻ chào Giôsê, và hứa sẽ đến thăm Giôsê sau buổi lễ cuối
cùng ngày mai. Giôsê nhìn ly rượu huých-ky trên tay cha Phát và nháy mắt nói với
cha rằng chàng thấy cha rất đạo đức. Vị linh mục vui vẻ nhận lời nhắn khéo của
Giôsê và nhìn chàng bước xuống bực cấp ra đường cạnh. Cha thắc mắc không hiểu
được chàng là người thế nào. Linh tính cho cha biết rằng chàng không phải chỉ
đơn sơ là anh thợ chạm. Ngày mai cha sẽ biết được điều đó khi có dịp nói chuyện
một mình với chàng.
Comments
Post a Comment