07 Giôsê - Chương bảy


CHƯƠNG BẢY

Sáng hôm sau Giôsê nằm trên giường, đầu ngả lên gối nghe tiếng mưa rơi trên mái nhà. Những hạt mưa rơi đập đều đặn lên khung cửa sổ nghe êm ả như tiếng nhạc. Lòng trí Giôsê như ở đâu xa. Chàng trầm tư rất lâu như thể đang thị kiến thời gian và không gian tận cùng xa. Rồi chàng rời nhà lên con lộ chính để đi ăn sáng.
Mô Sanđê từ hướng kia đi lại, anh cũng đi ăn sáng. Anh cùng đi với Phát và Hơm. «Kìa, ai đang đến đó!», Phát kêu lớn, tiếng chàng phá tan cái yên tĩnh của sáng sớm. Giôsê không thể không nghe, nhưng vì còn xa trăm thước nên chàng chỉ vẩy tay và mỉm cười, vì họ thình lình nhận ra chàng. Khi họ đến gần, Mô chào Giôsê. «Chào các anh», chàng đáp lại trong khi ba người bước vào quán.
Một số người trong bọn đã đến đó trước, và tiếng muỗng đĩa nghe vang cả phòng. Mùi thịt heo muối chiên và trứng gà làm mọi người thèm ăn và vui vẻ lên. «Kìa, cô bạn gái của Giôsê có vẻ hớn hở vì Giôsê có ở đây», Hơm nói đùa về Mari cô chủ quán. Mọi người đều biết Mari thích Giôsê lắm. Nàng không giấu được điều đó, vì mỗi khi Giôsê đến thì nàng luống cuống đỏ cả mặt. Nàng vô tình tự tiết lộ, không làm sao giấu diếm được. Giôsê biết điều ấy, chàng nháy mắt mỉm cười với nàng.
Nàng tiếp tục đỏ mặt và đứng ở chỗ mà nàng biết Giôsê sẽ ngồi. «Chào Mari», chàng thân ái chào nàng và bình tĩnh nói thêm, «Cô xem sáng sủa và đẹp đẽ trong một ngày u ám».
Mặt nàng càng đỏ lên hơn. «Ai cũng nói tôi vui mỗi khi anh đến. Anh ăn sáng thứ gì?».
Giôsê đọc thực đơn treo ở tường phía trên lò nấu và gọi món ăn. «Tôi ăn bánh rán và xúc xích với nước cam và cà phê».
Mari viết lên giấy và đặt một ly cà phê nóng hổi ở chỗ chàng. Những người kia nhìn chàng, làm ra vẻ ganh tị. «Kìa, anh ta được tiếp ngon lành quá. Người đặc biệt», Hơm nói cách vui vẻ. Mô chòm qua quày hàng vớùi lấy bình cà phê. Chàng đổ cà phê vào ly mỗi người và nói, «Tôi nghĩ là mình phải tự hầu bàn lấy nếu muốn có ăn». Trong khi Mô đổ cà phê, một cô chiêu đãi bước lại dành lấy bình cà phê tiếp mọi người. «Nếu các chú tử tế như Giôsê, có thể cũng sẽ được tiếp đãi cách đặc biệt», nàng nói trong khi rót ly cuối cùng.
Mới quá bảy giờ và là sáng thứ bảy nên quán còn trống một nửa. Tiếng nói của Phát vang cả phòng, lấp hẳn tiếng mọi người. «Nghe nói anh ở nguyện đường Do Thái tối qua». «Anh làm gì ở đó?». Phát không cố ý làm mích lòng, đó là lối hỏi chuyện của anh. Cái gì có trong bụng là anh nói ra ngay.
Giôsê uống một hớp cà phê nóng đầy miệng nên bị sặc khi Phát hỏi bất ngờ. Mấy người đàn ông phá lên cười. «Vâng, tôi thích lắm. Nếu có ở đấy, các anh cũng thích nữa», Giôsê đáp.
«Không chắc», Phát đáp lại. «Anh làm gì ở nguyện đường?»
«Họ đặt tôi chạm một tượng Maisen và mời tôi đến xem. Tôi cảm thấy tự nhiên lắm. Chúng tôi đều là Do Thái, về mặt tinh thần».
«Tôi thì không», Phát phản đối. «Có thể Mô là Do Thái và người anh của hắn càng giống Do Thái hơn».
Mari để bánh rán nóng hổi và xúc xích trước mặt Giôsê. Nàng cũng để thêm vài miếng bơ và nháy mắt như muốn nói, «Đừng cám ơn, kẻo họ thấy mà cười». Giôsê mỉm cười đáp lại. Chàng thích cô gái vui tính này. Nhưng cử chỉ của Mari không che mắt ai được. Mô ngồi gần Giôsê thấy được nên phàn nàn, «Thấy chưa. Cô nàng cho anh ta thêm bơ. Tiếp đãi đặc biệt mà. Cô ả đâu có tiếp mình như vậy, mặc dù mình đến đây mấy năm rồi».
Mari chỉ lờ đi và tiếp tục làm việc.
Hơm thường ít nói, nhưng nay lại mở miệng, «Anh đi lễ nhà thờ chúng tôi phải không, Giôsê?», anh hỏi.
«», Giôsê trả lời.
«Tôi thấy anh ở đó, nhưng không bao giờ thấy anh đi chịu lễ, nên không biết anh có đạo hay không».
«Tôi chịu lễ theo lối của tôi, thật khó mà giải thích», Giôsê trả lời.
Phát nắm ngay lời chàng về vấn đề đó, «Anh muốn nói gì theo lối của anh? Hoặc là chịu lễ, hoặc là không».
Giôsê cười và cố giải thích. May thay chàng được cô chiêu đãi cứu: nàng đem thức ăn sáng đến cho Phát, làm cho mọi người quên đi một lúc, nhưng rồi Mô nói rằng anh thấy Giôsê đi nhà thờ Mêtôđít một Chủ nhật.
Giôsê gật đầu. «Tôi cảm thấy thoải mái khi người ta thành thực tôn thờ Cha tôi». Câu nói rất đơn sơ làm mọi người thoả mãn, nhưng mỗi khi Giôsê nói «Cha tôi» thì khác với lối nói của mọi người, điều đó làm họ thắc mắc. Giôsê nói những lời đó một cách trìu mến, không ai biết đó là lối nói hoa hoè hay là chàng cảm thấy một liên hệ mật thiết với Thiên Chúa. Sau đó cả quán im lìm, chỉ còn nghe tiếng muỗng đĩa khua. Mọi người đều bận ăn.
Sau khi ăn xong, họ nối đuôi nhau trả tiền ở máy tính. Giôsê để dưới cốc khá tiền thù lao trước khi đi. Rồi mọi người rời quán.
Bốn người đi đến góc đường rồi rẽ ra đường hẽm.
«Quỉ ma nào bắt anh dọn về ở đây?», Hơm hỏi Giôsê. Hình như họ chỉ muốn chất vấn Giôsê, nhưng chàng không quan tâm.
«Ở đây yên tĩnh và bình an, dân chúng lại thân thiện», chàng thành thật trả lời.
«Anh nên làm chính trị», Mô nói, «anh biết phải nói gì».
«Anh xem ra hạnh phúc lắm mặc dù chỉ sống một mình. Anh không cảm thấy cô đơn khi sống độc thân sao?», Hơm hỏi.
«Không. Tôi thích ở một mình. Người ta đến nói chuyện với tôi suốt ngày và nhờ tôi làm đồ cho họ. Vả lại, Chúa ở với chúng ta trong mọi lúc, và Ngài có thực, mặc dù chúng ta không để ý đến điều đó lắm».
«Chúa ở với mọi người, nhưng tôi cũng cảm thấy cô đơn. Khi anh làm việc xong, về đêm anh ước mong cái gì trong căn nhà trống?», Phát đối lại. «Nếu có người nấu nướng và lo lắng cho khi làm việc xong lúc đêm về, không tốt hơn sao?».
«Vâng, tôi cũng nghĩ thế, nhưng tôi thích sống thế này. Tôi thích nấu ăn và dùng bữa yên thắm rồi đi bộ qua đồng cỏ. Cái đẹp của thiên nhiên vô cùng hấp dẫn, và cảnh trí cũng thật yên tĩnh. Anh không thích đôi khi ở một mình sao?».
«Anh nói đúng lắm», Phát nói, «nhất là khi vợ tôi giận vì tôi làm gì sai hay là vì tôi to mồm. Nhưng vợ tôi cũng tốt lắm. Có thể chỉ tại tôi».
«Anh xem ra rất thông minh, Giôsê», Hơm nói, và với vẻ quan trọng anh hỏi tiếp, «anh nghĩ thế nào về tôn giáo?»
«Anh muốn nói gì? Có phải muốn nói tôn giáo là lề lối hiện nay, hay lề lối Thiên Chúa muốn phải như vậy? Hai điều đó khác nhau lắm».
«Vâng, lề lối hiện nay, lề lối mà Giáo hội dạy».
«Thiên Chúa không bao giờ muốn tôn giáo trở thành như ngày nay. Giêsu đến thế gian để giải thoát con người khỏi cái loại tôn giáo gò bó đe doạ họ, nếu họ không tuân theo lề luật và lễ nghi do nhóm giáo sĩ đặt ra. Giêsu đến dạy rằng con người là con cái của Thiên Chúa, và vì là con cái của Thiên Chúa, họ được tự do, tự do lớn lên làm con người, tự do trở thành một dân tộc tốt đẹp mà Thiên Chúa muốn. Điều đó không thể đặt thành luật. Giêsu ban cho các tông đồ và cộng đồng sự giúp đỡ, hướng dẫn và ủi an. Giêsu không nghĩ đến việc đặt các kẻ lớn theo nghĩa thế gian. Ngài muốn các tông đồ phải hướng dẫn và phục vụ, chứ không phải ra lịnh và làm luật như những người cai quản thế gian. Tiếc thay, các nhà lãnh đạo tôn giáo mô phỏng các chính quyền dân sự và đối xử với dân chúng giống vậy. Vì làm thế đó, họ sa vào cạm bẩy mà các ký lục và Pharisêu đã sa vào, khiến tôn giáo trở thành một số những điều phải kiêng giữ, có tính cách pháp luật và nông cạn. Do đó họ được tôn sùng chứ không phải Thiên Chúa, họ làm cho dân chúng chỉ quan tâm đến luật lệ và lễ nghi của họ hơn là yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân
«Thi hành các thói quen cũng như các truyền thống đã thay thế việc phụng thờ Thiên Chúa, đó là một cản trở lớn cho việc trưởng thành trong tình yêu của Thiên Chúa. Nếu dân chúng quá tin vào các vị lãnh đạo tôn giáo, thì họ sẽ trở thành cứng nhắc trong tư tưởng và không dám suy tư cho chính mình, nhưng chỉ đợi các vị lãnh đạo quyết định giùm cho. Cả những người trưởng thành cũng còn bám lấy những lối sống đạo thời thơ bé, và khi lễ nghi và thói quen thay đổi thì họ lại đâm hoảng sợ, vì họ đã được dạy đó là đức tin của họ. Với một tâm trạng như thế thì làm gì có trưởng thành, bởi vì muốn trưởng thành thì phải thay đổi, và muốn thánh thiện thì phải liên lỉ tìm hiểu Thiên Chúa và những gì Ngài muốn nơi mỗi người chúng ta. Nếu ai không mở lòng cho Thánh Linh soi sáng vì các linh mục không cho phép, thì cả Thánh Linh cũng không làm sao hoạt động nơi họ được, họ sẽ bị cằn cỗi. Tệ hơn nữa, chính họ là người làm hỏng kế hoạch mà Thiên Chúa muốn thực hiện nơi họ. Chính đó là lý do tại sao các tiên tri thời xưa là các vĩ nhân. Các ông đã dám to gan nhìn xa hơn cái ranh giới của những truyền thống đạo giáo và đưa ra đường lối hướng dẫn đoàn dân Thiên Chúa. Các ông đã can đảm bẻ gẩy những hình thức tôn giáo khô cằn và cứng nhắc, và trêu ngươi các vị lãnh đạo tôn giáo, làm họ thù ghét và bắt hại các ông. Thực vậy, họ còn nhân danh Thiên Chúa mà giết một vài người trong các ông. Các vị lãnh đạo tôn giáo đã sa vào cạm bẩy muốn kiểm soát tôn giáo và lề lối sống đạo của dân chúng, và không để dân chúng tự suy tư cho chính mình, vì các ông sợ sẽ không kiểm soát được họ».
Các đồng bạn của Giôsê chăm chú lắng nghe, họ say mê cái nhiệt tình và sáng suốt của con người mà lúc bình thường xem ra rất hiền lành và trầm tĩnh. Khi Giôsê nói xong, họ yên lặng, không thêm được lời nào và cũng chẳng hỏi được câu nào.
Cuối cùng Hơm lên tiếng nói với Giôsê, «Anh xác tín về điều đó lắm, phải không?»
«Vâng», Giôsê trả lời, «bởi vì Giêsu không muốn tôn giáo làm khổ dân chúng như thế. Thật là quái gỡ, vì nhiều vị lãnh đạo tôn giáo đã bách hại và cả đến tra tấn dân chúng vì lòng tin của họ. Thiên Chúa luôn luôn trọng tự do của con người. Đức tin là một ân huệ. Con người phải được tự do tin tưởng. Bổn phận của các nhà lãnh đạo tôn giáo là đưa con người đến gần Thiên Chúa bằng gương sống đức tin và bằng đời sống tốt đẹp của mình, chứ không phải doạ dẫm dân chúng phải tuân giữ những luật lệ khô khan bên ngoài. Đấy không phải là tôn giáo. Đó chỉ là nhạo báng tôn giáo thôi».
«Tôn giáo thật phải phát xuất tự đáy lòng. Đó là sự liên hệ sâu xa với Thiên Chúa, nó đem lại hoà bình, an vui và tình yêu cho dân chúng, chứ không phải sợ sệt. Việc tôn thờ chỉ có ý nghĩa khi có được tự do. Thiên Chúa không được vinh danh khi người ta tôn thờ Ngài vì sợ tội hay sợ hình phạt. Thiên Chúa cũng không được vinh danh bởi những lề luật trống rỗng tình yêu. Thiên Chúa chỉ hài lòng với một tâm hồn tự do yêu mến Ngài. Nếu không được như vậy thì chỉ là giả dối và chỉ phục vụ cho nhu cầu ngắn hạn của các tổ chức tôn giáo».
Mấy người đàn ông chưa sẵn sàng để nghe những lời đó, nhưng họ cũng thích thú nghe Giôsê nói về việc chàng làm. Trong bụng họ tin điều chàng nói, nhưng trong đời sống họ không bao giờ có thể nói lên những gì chàng vừa nói. Mô nói lên ý nghĩ của mọi người khi anh nói với Giôsê, «Anh nên làm linh mục mới phải. Chúng tôi cần nghe nói như vậy. Chúng tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng không bao giờ nghe nói trong nhà thờ. Nhưng tôi nghĩ là không một giáo sĩ nào dám ăn nói như thế, vì họ sẽ bị sa thải tức khắc».
«Anh học những điều đó ở đâu, Giôsê?», Hơm hỏi với giọng kính phục.
«Khi mình nghĩ những gì một cách xác tín, thì rất dễ dàng mà diễn tả chúng. Chúng ta cần phải biết rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và không nên để bất cứ ai, cả đến những vị lãnh đạo tôn giáo, ngăn cấm chúng ta biết điều đó».
Mấy người đàn ông rất hài lòng vì đã cùng đi bộ với chàng. Họ chưa bao giờ nói chuyện với ai như vậy, nhưng đấy là điều mỗi người trong bọn họ suy nghĩ trong lòng mà không dám cùng ai chia sẻ. Họ rất đổi vui sướng khi nghe Giôsê nói một cách thong dong và không ngại ngùng.
Khi bốn người về đến làng, Phát mời Giôsê đến dự tiệc ở nhà anh tối hôm đó. Giôsê thích lắm và nhận lời ngay.
Không mấy chốc họ đã đến nhà Giôsê, họ đứng lại vài phút ở cổng rồi chia tay mỗi người đi một ngả.
Giôsê vào nhà, nghỉ ngơi một chốc rồi ra phòng làm việc bắt đầu làm. Mặt trời chiếu qua cửa sổ, rọi sáng các đồ làm gần xong nằm đây đó khắp phòng: cái nằm trên bàn, cái trên kệ, cái nữa nằm trên đồ nghề, hoặc dưới sàn. Có mấy cái đã làm xong, mấy cái khác còn đang dở dang.
Chốc nữa người ta sẽ đến lấy hàng. Giôsê biết phải làm cái nào trước, đó là cái ghế cổ nằm trong góc phòng, chân gãy và lưng bị thiếu mấy miếng gỗ. Cái chân ghế mới làm xong và mấy miếng gỗ lưng đang để trên ghế. Chàng làm chúng khi rảnh tay trong tuần lúc không làm tượng. Chúng dễ làm nên không mất nhiều thì giờ lắm, chỉ còn đánh nhám và dán vào.
Chàng làm xong cái ghế lúc mười giờ và để nó qua một bên. Công việc tiếp theo là một cái đồng hồ cổ treo tường có khung chạm rất đẹp nhưng bị gãy hoặc mẻ cùng hết. Chàng dựng đồng hồ tựa vào vách sau lưng bàn thợ và lên giây để nghe tiếng chuông. Tiếng chuông nghe mộc mạc nhưng dễ thương, nghe như tiếng thủy tinh. Trong khi chuông đồng hồ đánh, Giôsê ngồi xuống cái ghế nhỏ và thả hồn theo tiếng nhạc cổ, trí chàng trầm tư về thời gian, về vĩnh cửu và cách sáng chế tinh xảo của đồng hồ để đo các khoảnh khoắc thời gian cho hoàn toàn hoà hợp với vận chuyển của các hành tinh. Chàng nghĩ ít kẻ biết rằng thời giờ không có thật, nó chỉ là một điều tưởng tượng, một ảo ảnh, không có dĩ vãng cũng như không có tương lai, nhưng chỉ là hiện tại. Trí khôn con người bày vẽ ra dĩ vãng bởi vì con người chỉ có thể kinh nghiệm được hiện tại trong từng khoảnh khoắc nhỏ bé và nhứt thời. Khi không còn kinh nghiệm thì cũng không còn dĩ vãng. Để ghi lại kinh nghiệm, con người nghĩ ra dĩ vãng. Họ tổng kê những kinh nghiệm và gọi đó là dĩ vãng, rồi đặt chúng vào những khung thời gian khác nhau. Với trí khôn con người thì tương lai là trống rỗng, là hư không. Mặc dù tương lai đã có đối với Thiên Chúa, nhưng nó chưa có trong ống kiếng kinh nghiệm của con người, vì thế nó được gọi là tương lai. Có bao giờ trí khôn con người hiểu được rằng dĩ vãng đang còn đây và tương lai đã có đây không?
Tiếng chuông đồng hồ ngừng đánh. Sự tĩnh mịch kéo Giôsê ra khỏi cơn mơ. Chàng cầm lấy đồng hồ lên nhìn, rồi đặt nó xuống bàn và bắt đầu làm việc. Chàng dùng cưa cắt vứt đi những hoa hoè bị gãy và bỏ chúng qua một bên. Công việc tiếp theo hơi khó hơn. Chàng phải chạm lại những phần bị gãy và làm giống hệt như trước. Phải tốn nhiều thì giờ, nhưng xem ra chàng thích công việc tẩn mẫn và tỉ mỉ đòi hỏi nhiều tinh vi. Chàng chạm lại những miếng bị gãy và dùi những lỗ nhỏ sau lưng chúng. Rồi chàng làm những cái chốt cùng cỡ, nhúng keo đặt vào mấy cái lỗ và gắn các hoa hoè vào.
Phải mất một phần lớn trong ngày mới làm xong; nhưng sản phẩm thật hoàn hảo, đến độ không thể nói là nó đã được sửa lại.
Ngày trôi qua rất mau. Giôsê chỉ ngưng việc có hai lần, một lần ăn trưa và lần thứ hai khi một cặp vợ chồng già đến lấy cái ghế cổ; nó không phải là đồ cổ, nhưng chỉ là một trong những cái ghế họ còn giữ trong nhà. Họ đã bán hầu hết đồ đạc để trả tiền các chi phiếu, và cái ghế này với một vài đồ đạc khác là những cái họ còn giữ. Khi thấy cái ghế, họ thích thú nhìn nó. Nó đẹp và cứng cáp. Bà già ngồi xuống ghế; nó chắc chắn lắm. Giôsê hài lòng mỉm cười. Khi ông già định trả tiền, Giôsê hỏi ông có làm giúp chàng một việc không. Chàng biết họ nghèo và không muốn lấy tiền họ. Nhưng chàng lại không muốn làm mích lòng họ, nên chàng đưa họ vào bếp và xin bà già chỉ cho chàng vài cách thức nấu gà. Bà dạy chàng vài công thức và nhứt quyết phải viết ra cho chàng. Trong khi bà viết, ông già nhìn thấy cái vỉ nướng ngoài sân bèn dạy cho Giôsê một công thức nướng gà. Giôsê tỏ vẻ rất biết ơn. Và khi chàng từ chối lấy tiền sửa ghế vì hai ông bà đã tử tế với chàng, họ cảm thấy mình đã làm giúp chàng được một việc, vì thế họ vui vẻ ra về. Giôsê đề nghị vác hộ ghế đến nhà, nhưng họ không chịu.
Khi họ ra về, Giôsê nhìn theo. Họ thay nhau khó nhọc vác cái ghế đi lên con lộ chính để về nhà.

Lúc bốn giờ ba mươi Giôsê nghỉ việc. Đó là một ngày dài làm việc cực nhọc. Mặc dù công việc không nặng lắm, nhưng nó tỉ mỉ, thành thử làm chàng mỏi mệt. Mặt trời còn nóng và còn trên cao, vì thế chàng quyết định đi bơi và có lẽ ngủ một ít. Chàng phải đến nhà Phát Dumba dự tiệc tối nay, tiệc có thể kéo dài đến khuya, đó là điều chàng không quen, vì thế chàng cần phải đi ngủ trước. 
____________________________________

Chương trước (06) <=> Chương sau (08)



Comments

Popular posts from this blog

Chân Dung Đức Giêsu (Lm Jos. F. Girzone)

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Cốt tuỷ chung của các tôn giáo