06 Giôsê - Chương sáu
CHƯƠNG
SÁU
Aron đến đúng sáu giờ ba mươi chiều, và Giôsê đã sẵn sàng.
Tóc chàng chải gọn qua bên trái. Chàng xem gọn gàng vì mặc quần áo đã được giặt
ủi. Chàng cũng mặc một áo ấm gi-lê mà một thiếu phụ ở dãy nhà trên con đường hẻõm
đã đan cho chàng. Nó màu nâu giống như quần áo của chàng, vì thế chàng xem đoan
trang, mặc dù không sao bì với những người ăn mặc sang trọng đến lấy pho tượng
sáng hôm ấy. Rõ ràng là chàng nghèo. Đôi dép chàng mang cũng đơn sơ nhưng chắc
chắn.
Aron đậu xe lại ngay ở cổng trước nhà Giôsê. Khi Giôsê đến
xe, Aron bước ra đón chàng ở lối đi. Ông bắt tay và mở cửa xe cho chàng. Giôsê
xem ra lúng túng trước lễ nghĩa, nhưng chàng cũng vui vẻ nhận nó. Phải mất trọn
hai mươi phút mới đến nguyện đường nằm trong phố, nhưng còn nhiều thì giờ trước
khi lễ bắt đầu.
Họ đến đấy vài phút trước bảy giờ. Aron đậu xe và hai người
cùng đến nguyện đường. Một người dẫn chỗ ngồi thân ái chào họ và đưa cho Giôsê
một cái mũ nỉ. Chàng đội nó lên đầu, trong khi người dẫn chỗ nói chuyện với
Aron. Aron là người rất hoạt động trong cộng đồng, nên được chào đón khi ông bước
vào tiền đình nguyện đường.
Aron hãnh diện giới thiệu Giôsê là bạn và là nghệ sĩ chạm
pho tượng cho nhà hội, và ông khôi hài nói chàng sẽ là thành viên tương lai của
cộng đoàn. Mọi người niềm nở chào chàng.
Vì đã gần giờ lễ, Aron đưa Giôsê vào trong nguyện đường. Và
vì phải lo việc khác nên ông hỏi Giôsê có phiền ngồi một mình đợi ông trở lại
không? Chàng không phiền hà gì. Thực ra chàng cảm thấy rất quen thuộc.
Khi vị tư tế bước vào, mọi người đứng lên và buổi lễ bắt
đầu. Vị tư tế chào mọi người, đặc biệt là những người ở ngoài phố, và đặc biệt
hơn nữa là người đã làm pho tượng cho cộng đoàn. Vài người ngồi gần Giôsê nhìn
chàng và thân ái mỉm cười. Giôsê đỏ mặt. Chàng say đắm theo dõi lễ nghi, thưởng
thức các bài thánh ca, thánh vịnh rất quen thuộc và quí giá đối với chàng. Vì đứng
một mình nên giọng của chàng nghe rõ rệt khi chàng cầu nguyện và ca hát. Chàng
không ngại ngùng gì, cũng không để ý gì. Có mấy người quay đầu xem đó là giọng
của ai mà chàng cũng không hay biết. Giọng của chàng dồi dào, trầm ấm và rất sốt
sắng.
Khi lễ xong mọi người tụ tập ở tiền đường để đi xuống từng
dưới, một vài người đến nói với Giôsê rằng họ thích nghe chàng hát trong buổi lễ.
Giôsê đỏ mặt, và cám ơn họ. Chàng bảo họ chàng không ngờ mình hát lớn tiếng như
vậy. Họ nói rằng chàng không cần phải thoái thác, giọng chàng hay lắm.
Bốn người đến nhà chàng hồi sáng thấy chàng trong đám
đông nên đến chào chàng. Rất dễ nhận chàng ra lắm, vì mọi người chung quanh
chàng đều mặc đẹp, còn chàng thì xem như đi làm ở ngoài đồng mới về. Và mặc dù
chàng đã giặt ủi quần áo, chàng cũng không có vẻ gì là sang trọng. Thực vậy, xem
lối ăn mặc của chàng mà thất vọng, nhưng chàng chẳng lo lắng gì. Chàng không
quan tâm mình xem ra làm sao. Cũng chẳng ai thèm để ý. Người ta chấp nhận chàng
vì con người của chàng, chứ không phải vì quần áo. Và chắc hẳn chàng có rất nhiều
tài năng để cống hiến cho người ta. Những ai biết chàng và sống gần chàng đều
hãnh diện vì được làm bạn với chàng và ít màng tới chàng mặc thứ gì. Hơn nữa họ
cũng đã quen với các tay nghệ sĩ. Người nghệ sĩ hình như ăn mặc khác thường, nhưng
quần áo chàng mặc xem cũng không đến nỗåi quá nghệ sĩ. Vì thế, không ai để ý đến
chúng. Họ chỉ muốn xem pho tượng mà họ nghe đồn đại trên điện thoại suốt buổi
chiều.
Bốn người cùng đi với Giôsê xuống từng dưới, họ nói với
chàng là vị tư tế rất thán phục khi thấy pho tượng. Họ chắc chắn cộng đoàn sẽ
thích nó.
Khi vào nhà hội rộng lớn, họ thấy một đám người đứng trước
tượng Maisen, xem như Mai-sen đang nói với đám đông đang nhìn ông và đưa tay
thúc giục họ với tất cả nghị lực. Khi Giôsê và mấy người bạn tiến lại gần hơn
thì nghe có lời bàn tán, «Thật là một tuyệt
phẩãm vĩ đại». «Có nghĩ rằng dân
chúng làm khổ ông lắm như mình thấy ở nét mặt ông không?». «Tôi nghĩ vậy. Ông gọi họ là “quân cứng cổ”, “cứng
lòng” và “phản loạn”. “Cứ xem cái tượng
thì ông có vẻ mất hết nhẫn nại.»
Ủy ban tiếp tân đã dọn cà phê, nước trà và bánh trái trên
các bàn trong phòng hội. Đám đông khởi sự tiến về phía thức ăn, trong khi một
ít người còn đứng lại nhìn pho tượng. Lúc đó vị tư tế bước vào với hai bà đang
hào hứng nói về chuyện gì đó. Một bà tên là Châu đang nói với vị tư tế là bà ngồi
gần người khách nghệ sĩ trong buổi lễ và nghe chàng cầu nguyện và hát thánh ca
bằng tiếng Hê-Brơ. Vị tư tế không tin, nhưng bà cam đoan là đúng, và bạn của bà
cũng đồng ý với bà. Vị tư tế kết thúc câu chuyện rằng, «Có thể anh ta là người Do thái. Ai biết được. Nếu anh là Do thái, thì
tôi sẽ kín đáo tìm ra được». Hai bà xem ra hài lòng và nói nhỏ tiếng hơn
khi tiến lại gần pho tượng.
Khi họ đến gần thì Lêgâu bước tới vị tư tế, nhẹ nắm cánh
tay ông và kéo ông lại với Giôsê. Mặt ông phấn khởi, khác với dáng điệu bình
thường của ông. Ông rất hài lòng với pho tượng khi ông thấy nó hồi sáng, mặc dù
ông hơi chột dạ khi nhìn nó; ông đã nhận ra cái sứ điệp nó mang đến. Ông thấy rằng
nó không chỉ diễn lại một sự kiện lịch sử, nhưng còn mang đến một sứ điệp sâu
xa cho cộng đoàn Do thái ngày nay. Ông hãnh diện vì pho tượng là của cộng đoàn
của ông, và mặc dù có mấy người công kích việc ông đặt pho tượng trong hội đường,
nhưng ông cảm thấy rằng cái sứ điệp hùng hồn của pho tượng đã đính chính cho việc
ông làm. Tuy nhiên dẫu ông có hãnh diện về pho tượng, ông cũng cảm thấy khó chịu
sao đó. Thực ra ông ngại ngùng, vì lẽ pho tượng mang lại một sứ điệp cho chính
dân chúng của ông bây giờ chứ không phải cho người xưa. Tuy nhiên dân chúng của
ông cũng chẳng khác những người Do thái ngày xưa, và họ cũng cần có những sứ điệp
mạnh mẽ từ trời. Nghĩ đến những điều đó, vị tư tế bắt đầu thấy nơi pho tượng những
điều mà đáng lẽ ông phải rao giảng nhưng ông lại sợ sệt. Và thay vì cái bực bội
lúc ban đầu về sứ điệp của pho tượng, ông lại biết ơn người nghệ sĩ. Ít nhất
trong khi đặt người nghệ sĩ làm tượng, ông nói lên được qua tay người nghệ sĩ
những gì ông cảm thấy Thiên Chúa muốn ông nói, do đó ông hết khổ tâm.
«Thưa thày Dênết»,
Lêgâu nói, «Đây là Giôsê, người nghệ sĩ
chạm tượng Maisen cho chúng ta». Rồi quay qua Giôsê, ông giới thiệu vị tư tế,
nhà lãnh đạo tinh thần mà họ quí mến. Hai người bắt tay nhau.
«Giôsê, tôi rất biết
ơn anh về công trình nghệ thuật đẹp đẽ anh đã làm cho dân chúng của tôi. Thực
ra anh đã sáng tạo nó. Nó không phải chỉ là một khúc gỗ hay chỉ là một cái tượng.
Nó nói lớn tiếng và rõ ràng. Tôi đã nghe được cái sứ điệp của nó. Thú thực, lúc
đầu tôi không thích điều anh nói, nhưng sau khi suy nghĩ, tôi ý thức được rằng
đáng lẽ chính tôi phải nói những gì anh nói, nhưng tôi không có đủ can đảm. Cám
ơn anh lắm. Đó là một kiệt tác», vị tư tế nói với Giôsê.
«Cám ơn. Thày làm
cho tôi hãnh diện», Giôsê lễ phép nói, «Tôi
muốn nó là chứng tích trường cửu tình yêu của tôi đối với dân tộc tôi».
«Dân tộc anh?»,
thày tư tế hỏi, ông ngạc nhiên và nhớ lại điều hai thiếu phụ đã nói với ông.
«Đúng thế, dân tộc
tôi», Giôsê trả lời, «Tôi tha thiết
yêu mến họ».
«Như vậy, anh là
người Do thái?», vị tư tế hỏi.
«Phải».
«Vậy thì mời anh đến
nguyện đường của chúng tôi bất cứ lúc nào và cứ tự nhiên», thày tư tế nói, « Bây giờ tôi không cảm thấy tệ lắm vì sứ điệp
của pho tượng là do một người trong phố chúng ta». Giôsê cười thầm khi thầy
tư tế Dênết và phái đoàn theo chàng đến chỗ dựng tượng để xem kỹ hơn. Một bà liếc
nhìn Giôsê và nghĩ chàng là người nghệ sĩ, nên lạnh lùng hỏi, «Anh có phải là người nghệ sĩ không?». «Phải, chính tôi», Giôsê lễ phép đáp. «Tại sao Maisen có vẻ nài nĩ? Ông có vẽ tuyệt
vọng?».
«Dẫu sao ông cũng
chỉ là con người», Giôsê tử tế đáp, «nếu
bà nghĩ đến bổn phận ông phải làm và những cản trở ông phải đương đầu trong bốn
mươi năm, thì bà sẽ thấy ông không còn có thể làm cách nào khác hơn. Điều mà
ông phải cam chịu có thể giết chết một kẻ yếu kém hơn, vì thế nếu ông có vẻ tuyệt
vọng, thì cũng không phải là không đúng với sự thật, bà nghĩ có đúng vậy không?»
«Đúng, nhưng nó làm
mình cảm thấy hổ thẹn khi phân tích kỹ lưỡng hơn».
«Như vậy thì không
tốt chăng?», Giôsê hỏi.
«Có thể tốt. Nhưng
khi tôi ngắm một nghệ phẩm thì tôi muốn thưởng thức cái đẹp của nó. Nhưng tượng
này làm tôi cảm thấy xao xuyến. Nếu chỉ là một công trình nghệ thuật thì nó thật
tuyệt hảo, và tôi tin chắc người ta sẽ thích nó».
«Tôi nghĩ rằng nhiều
người trong dân chúng sẽ có cảm tưởng như tôi», vị tư tế nói, «Nó sẽ không bao giờ bị lãng quên, hoặc chỉ
được xem như đồ trang trí. Nó sẽ luôn luôn là một bài giảng cho chúng ta, khi
chúng ta bị cám dỗ đi xa lề luật của Thiên Chúa».
Đúng chín giờ rưởi tối thì buổi họp bắt đầu tan. Aron đến
hỏi Giôsê muốn về chưa.
«Có», Giôsê trả
lời, và hai người khởi sự ra về. Họ từ giả nhiều người khi đi ra lối trước.
«Anh nghĩ thế nào về
cộng đoàn của chúng tôi?», Aron hỏi Giôsê khi họ rời sân đậu xe.
«Họ có vẻ là một cộng
đồng tốt», Giôsê đáp.
«Anh có hài lòng về
phản ứng của họ đối với pho tượng của anh không?»
«Có, có nhiều phản ứng
khác nhau, và tôi cũng đã nghĩ như thế. Nhưng tôi muốn để lại một cảm tưởng lâu
dài làm cho họ suy nghĩ, như thế pho tượng mới có một giá trị bền bỉ cho từng
cá nhân. Khó mà làm cho người ta nghĩ đến thế giới tinh thần. Thế giới của cảm
giác rất sống động và rất thực. Thế giới tinh thần thì có thực đối với Thiên
Chúa, nhưng con người thì khó mà tin nó có. Ai nói về thế giới ấy sẽ làm cho
người ta cảm thấy bất ổn. Tuy nhiên con người cần phải được nhắc nhớ đến thế giới
tinh thần».
Aron lắng nghe Giôsê
nói. Ông say mê điều chàng nói và thích thái độ bình tĩnh của chàng. Chàng
không đả kích cách ăn ở của con người, nhưng chàng nói như thể thế giới tinh thần
rất có thực đối với chàng. Chàng dễ dàng suy tư về điều đó, trong khi trí khôn
nhân loại rất khó mà làm được. Aron để Giôsê tiếp tục nói mà không hỏi câu nào.
Ông lái chiếc xe lộng lẫy qua các đường phố chạy ra đường đến Ôbờn. Con đường
giống như một con đường hầm khi ánh đèn xe rọi dưới các cành cây hai bên đường.
Đêm ấy yên tĩnh. Gió
mát hiu hiu thổi qua đồng quê. Họ quay cửa xe xuống để hít khí trong lành. Aron
lặng thinh. Chỉ có Giôsê nói. Aron là một người trần tục, Giôsê làm ông hoang
mang. Cha của Aron làm chủ một hãng thép, và từ bé Aron thường sống quanh quẩn ở
nhà máy. Bây giờ Aron làm giám đốc. Cha của Aron về hưu đã hơn một năm và để
cho Aron quản lý công việc. Aron là người tử tế, ông dùng tất cả thì giờ rảnh
rang để giúp vị tư tế quản trị giáo đường. Ông không phải là người đạo đức lắm,
nhưng ông cúng tiền bạc cho nhiều tổ chức từ thiện. Ông thán phục Giôsê, vì ông
không hiểu được một người thông minh như chàng lại sống như thể vật chất không
có giá trị gì. Ông biết Giôsê có thể có được bất cứ địa vị nào nếu chàng muốn, tuy
vậy chàng lại thích sống đơn giản và không màng đến của cải trần gian. Điều này
làm cho Aron phân vân, vì ngay từ thuở bé ông đã được giáo dục về giá trị của vật
chất. Ông có địa vị, có số trương mục, có cổ phần, có đầu tư địa ốc và một gia
đình hạnh phúc, tất cả đều là quan trọng đối với ông.
Giôsê làm ông phân
vân vì chàng không có các thứ đó và cũng chẳng quan tâm đến chúng. Tuy vậy, chàng
lại hạnh phúc và an bình, điều mà Aron không có. Bên dưới cái hạnh phúc vật chất
và cuộc đời sung sướng của ông là một sự trống rỗng làm ông xao xuyến không sống
yên. Tiền bạc và công việc đầu tư của ông y hệt bài «monopoly»của trẻ con. Đó là trò chơi ông thích và có lần ông đã đam
mê nó, nhưng bây giờ ông lại chán. Trong những lúc yên tĩnh và cô độc, ông kinh
hãi khi nghĩ rằng sống phải là thế đó ư? Có lẽ vì thế mà ông thích được gần
Giôsê. Ông cảm thấy được an bình khi ở gần Giôsê và có được sự an tĩnh mà ông
không tìm thấy ở những nơi khác. Aron ước chi được như Giôsê. Ông muốn có được
sự bình an của chàng. Ông cảm thấy sung sướng và an tâm như thể đang ở trong
hoàn cảnh mới với một bầu khí trong lành và sung túc.
«Giôsê», tiếng nói của Aron đánh tan cái
yên lặng nãy giờ, «làm sao có được lối sống
như anh? Ai dạy cho anh những gì anh tin tưởng?»
«Tại sao ông hỏi thế?», Giôsê tọc mạch hỏi.
«Bởi vì tôi không hiểu được ai có thể có cái
nhìn về đời sống giống như anh. Nó rất xa lạ với điều tôi nghĩ, và cũng rất xa
lạ với ý nghĩ của tất cả những ai tôi quen biết».
«Tôi kinh nghiệm điều tôi tin tưởng, Aron, vì
thế tôi biết điều tôi tin là thật».
«Anh muốn nói gì, anh kinh nghiệm thứ gì? Tại
sao tôi không kinh nghiệm được điều đó?».
«Mỗi người nhìn cuộc sống với nhãn giới khác
nhau. Ba người cùng nhìn một cái cây. Một người thấy nó là gỗ quí đắt tiền. Người
thứ hai thấy nó có nhiều gỗ để sưởi ấm cả nhà trong mùa đông. Người thứ ba xem
nó là một kiệt tác Thiên Chúa ban cho nhân loại, là biểu hiệu tình yêu và sức mạnh
bền bĩ của ngài, nó có giá trị hơn tiền bạc hay gỗ để sưởi. Như vậy, lý tưởng sống
sẽ quyết định điều chúng ta thấy trong cuộc sống và điều chỉnh cái nhìn nội tâm
của chúng ta».
«Ai dạy cho anh nghĩ thế đó?».
«Tôi biết con người được sinh ra thế nào và cần
gì, nếu nó muốn lớn lên và tìm được bình an».
«Giôsê, anh là một người lạ lùng, nhưng tôi lại
cảm thấy gần gũi với anh. Tôi muốn được làm bạn với anh».
«Tôi hân hạnh lắm, và tôi sẽ ghi nhớ tình bạn
của ông».
Họ đã về đến làng. Aron
quẹo xuống Đuờng Chính về lối nhà Giôsê. Đèn đường bị khuất lá, nên làng mạc
xem ra cổ lổ như thuộc về một thời khác. Bóng tối che khuất khu vực tân tiến mới
xây của làng mạc, chỉ còn thấy bóng các toà nhà xem ra xây cách đây hai trăm
năm. Aron thương hại cho Giôsê phải sống một mình giữa thế giới loài người, nhưng
lại không được chia xẻ nỗi vui mừng và đau khổ của đời sống gia đình. Chàng
không thể không cảm thấy cô đơn!
Comments
Post a Comment