05 Giôsê - Chương năm
CHƯƠNG
NĂM
Giôsê còn đang ăn
sáng thì có tiếng gõ cửa. Mới năm giờ bốn mươi lăm. Khi chàng ra mở cửa thì thấy
anh quản 1ý xưởng gỗ là Phiên đứng ở đó. Anh nhớ Giôsê dặn nếu muốn xem tượng
chàng chạm cho nguyện đường Do Thái thì ghé lại trên đường đi làm.
«Hy vọng tôi không đến quá sớm», Phiên
cáo lỗi, «Tôi đang trên đường đi làm và
không muốn bỏ lỡ cơ hội xem tuyệt tác của anh. Tôi nghĩ là sẽ không bao giờ có dịp
xem nó trong nhà nguyện».
Hai người đi ra phía
sau nhà. Giôsê nhắc pho tượng đặt lên bàn gần cái dùi. Các tia sáng mặt trời
chiếu qua cây cối như nguồn cảm hứng từ trời rọi lên pho tượng. Phiên giật mình
thốt lên, «Trời ơi, đẹp quá!» anh còn
nhớ khúc gỗ Giôsê vác từ xưởng ra hai hôm trước.
«Anh chạm từ khúc gỗ mua hôm trước à?»
Phiên hỏi Giôsê, lòng còn chưa tin.
«Đúng, khúc gỗ ấy», Giôsê đáp.
«Anh có vẻ rất đơn sơ và tầm thường, Giôsê. Khó
mà tưởng tượng anh là một nghệ sĩ chính danh».
«Tại sao phải cư xử khác hơn nếu mình chạm gỗ
được? Tài năng không phải để làm cao. Khả năng nào chúng ta có đều do Chúa ban,
và mình càng có tài càng phải khiêm tốn hơn, không phải để tự cao. Đó là lỗi lầm
mà nhiều khoa học gia vấp phạm, khi họ nghĩ rằng tự họ sáng tạo những gì mà
chính Thiên Chúa ban cho họ đặc ân khám phá ra. Vì tâm trí hẹp hòi, họ dùng những
khám phá của họ để đặt dấu hỏi về sự hiện hữu của đấng ban khả năng cho họ. Đó
là cái tội không thể tha thứ của thời
đại tân tiến. Vì mù quáng kiêu hãnh, họ đặt mình ra ngoài hồng ân cứu độ của
Thiên Chúa, giống như nhóm Xa-Đu-Xê và Pharisêu ở những thế kỷ trước».
Phiên chăm chú nghe
Giôsê nói. Anh thích nghe Giôsê vì có một sự khôn ngoan sâu xa hiếm có tự chàng
phát ra. Tuy vậy chàng không tự phụ hay coi thấp thiên hạ. Chàng có một lối
nhìn tốt đẹp về đời sống và mọi sự trong đời sống.
«Tôi biết anh muốn nói gì, Giôsê, nhưng tôi
nghĩ anh cũng nên hãnh diện về công trình tốt đẹp thế này», Phiên nói.
«Vâng, tôi thích công trình của tôi, tôi
thích thấy dân chúng vui sướng nhìn vật tôi làm cho họ. Tôi hãnh diện về công
trình của tôi, nhưng tôi cũng thích cái đẹp trong tâm hồn của một người khiêm tốn
không có một tài năng nào hiển nhiên, nhưng lại khiêm tốn nhìn thấy những tài
năng mà Thiên Chúa ban cho người khác. Điều đó đối với Thiên Chúa còn quí giá
hơn những tài năng khác, phải vậy không?».
Phiên cười. «Anh nói thế, thì làm sao tôi có thể nghĩ
khác được? Anh tử tế quá làm tôi cảm thấy vui sướng. Tôi không có tài gì, nhưng
tôi luôn luôn ngưỡng mộ tài năng nơi người khác».
«Anh là người tốt, Phiên. Anh có cái loại tài
năng mà một người cha cần có để vui vẻ nhìn thấy con cái và giúp chúng lớn lên
thành người mà Thiên Chúa muốn. Anh sẽ hãnh diện về con cái của anh một ngày
nào đó, mặc cho những lo âu và buồn phiền».
«Cám ơn, Giôsê, tôi cần được vậy. Xin lỗi, tôi
phải đi ngay vì các người làm đang đợi. Tôi nghĩ rằng pho tượng rất phi thường.
Các thành viên của nguyện đường sẽ thích lắm.»
«Tôi cũng hy vọng như vậy», Giôsê trả lời
trong khi bước theo Phiên vòng quanh nhà đi ra cổng trước. Giôsê trở lại sân và
đem tượng vào trong, rồi trở ra đi tản bộ.
Chàng đi lên con lộ
chính và theo đường phụ ra đồng. Độ hai dậm dọc đường có một dãy lều hư nát lúc
trước là nhà ở. Một nhóm người nghèo đang ở đó, họ là những người tốt, không
hơn không kém những người giàu mà chàng thường gặp. Có người vừa mới mất việc, có
người lãnh trợ cấp xã hội kinh niên. Giôsê không quan tâm về điều đó. Tuy nhiên
những người này lại thích Giôsê. Chàng đặc biệt thích con cái của họ. Chúng đơn
sơ và không hư hỏng, khác với những đứa trẻ bị hư hỏng vì những xa xỉ chúng có
quá sớm trong trong đời sống.
Khi trẻ con thấy
Giôsê, chúng chạy đến nắm tay và ôm lấy chàng. Chàng thường mang theo những vật
chàng làm, như yô-yô hay các con búp bê bằng gỗ, hoặc đồ chơi lúc lắc, hoặc những
tượng nhỏ với khuôn mặt hề. Trẻ con thích lắm, nhưng chúng còn thích Giôsê hơn.
Cả những khi chàng không mang gì đến, chúng cũng mừng rỡ khi gặp chàng. Chúng
thích những câu chuyện chàng kể cho chúng, những chuyện về đời sống, về cách
dùng tài năng Thiên Chúa ban mà làm điều thiện cho kẻ khác, và đem hạnh phúc đến
cho họ để Thiên Chúa có thể hãnh diện về họ. Mỗi đứa trong bọn chúng có thể là
một phép lạ của tình yêu Thiên Chúa bằng cách chịu khó sống và làm một cái gì tốt
đẹp cho đời sống. Chàng nói với chúng rằng Thiên Chúa yêu thương chúng cách đặc
biệt, vì chúng không có những vật đẹp đẽ mà các trẻ khác có. Chúng cũng đừng
nên ganh tị hay cay đắng vì không có nhiều thứ. Chàng nói với chúng rằng chàng
không có gì cả mà chàng lại rất hạnh phúc, vì chàng thích những cái đẹp trong
thiên nhiên, như ánh sáng mặt trời, bầu trời đẹp, những con chim nhỏ bé, những
con vật, những hoa đẹp trong cánh đồng. Không cần phải làm chủ chúng mới thưởng
thức được chúng. Không bị ràng buộc là bí quyết để sống an bình và hạnh phúc. Luôn
luôn sống tự do, và không chiếm hữu vật gì là có tự do phần nào rồi.
Dĩ nhiên mỗi lần
Giôsê nói như thế với trẻ con, thì luôn luôn có cha mẹ chúng ở đó. Chàng biết họ
hiểu được điều chàng nói hơn trẻ con; tuy nhiên cả trẻ con nữa, một ngày nào đó
chúng sẽ lại nhớ những gì chàng đã nói với chúng, và điều đó sẽ ảnh hưởng đến đời
sống của chúng trong tương lai.
Khi Giôsê đi về phía
dãy nhà thì một con chó sủa lên, tiếng sủa khô khan phá tan cái yên tĩnh của buổi
sáng tinh sương. Nó bị buộc bằng giây thòng lọng vào chuồng vì thế không chạy
ra xa được. Nó cũng không nguy hiểm lắm. Có tiếng cửa lưới mở ken két, và một
thằng bé mặc quần xà lỏn xuất hiện ở lối vào bên hông nhà. Nó thấy Giôsê và oà
khóc chạy vào. Lập tức một bọn trẻ chạy ra, đứa mặc quần áo, đứa ở trần.
«Chú Giôsê, làm gì mà dậy sớm vậy? Chúng cháu
mới ngủ dậy», một đứa gái gọi chàng.
«Chú đi bộ buổi sáng. Thỉnh thoảng chú đi lối
khác. Sáng nay chú đi lối này», chàng trả lời và tiến lại gần. «Chú vào nhà cháu ăn sáng được không?», một
thằng bé tóc đỏ hoe chân mang một chiếc vớ hỏi chàng. Giôsê đưa tay vuốt đầu thằng
bé tóc rối bù, «Chú ăn sáng rồi», chàng
đáp; nhưng tất cả cùng hùa mời chàng vào nhà, đứa thì kéo tay mặt, đứa thì kéo
tay trái của chàng.
Một người đàn ông tuổi
trung tuần hiện ra ở lối vào. Rõ ràng là anh mới thức dậy. Anh cười khi thấy mấy
đứa con níu kéo Giôsê. «Không đi đâu hết»,
anh ta nói, «ít là vào uống với chúng tôi
một ly cà phê. Chúng không để anh đi đâu».
Giôsê cười và để lũ
trẻ kéo chàng vào nhà. Trong bếp có một cái lò cũ kỹ, giống đồ cổ hơn là lò nấu.
Giữa bếp có một cái bàn gỗ lớn làm bằng tay, hai bên bàn là hai cái ghế dài. Mấy
đứa trẻ chạy ngồi vào chỗ của mình ở bàn ăn. Cha chúng mời Giôsê ngồi ở đầu bàn,
còn anh thì ngồi cạnh chàng ở ghế dài. Mấy đứa nhỏ nhất thì tranh nhau ngồi bên
chàng, đứa bé nhất không có chỗ ngồi nên khóc nói muốn ngồi bên chàng. Giôsê nhắc
đứa bé lên và đặt nó ngồi trên đùi chàng. Nó lè lưỡi nhạo thằng anh nó và toét
miệng cười vì đã thành công.
Một bà mẹ trẻ từ
phòng khác bước ra, tay cuộn mớ tóc hoe bắt đầu phai. Chị xem mỏi mệt và kiệt lực
mặc dù còn trẻ, chị mỉm cười khi thấy Giôsê. Chị đến bên Giôsê, cúi xuống hôn
chàng. Giôsê nói rằng sáng sớm mà chị xem rất tươi trẻ. Chị đỏ mặt lên, nhưng
thích được khen. Những người cỡ chị ít được khen, thành thử chị không biết phải
phản ứng làm sao; chị chỉ cười cám ơn, rồi mời chàng ăn một bát dâu rừng. Chị
và các con hái dâu ngày hôm trước ở ngoài đồng mà chưa ăn.
Giôsê tròn mắt lên
đáp, «Có».
Trong khi đó mấy đứa trẻ cãi vã, xô nhau, tranh nhau ăn
và cố làm cho Giôsê chú ý, nhưng thất vọng vì chàng bận nói chuyện với cha
chúng. Chỉ có đứa nhỏ nhất ngồi trên đùi chàng là thủ lợi. Nó cứ bốc mấy trái
dâu trong bát của Giôsê. Người cha chận nó lại một hai lần, nhưng Giôsê thích để
cho đứa bé làm như vậy, nên anh cũng thôi.
«Má ơi, con còn đói»,
một đứa khóc. Mẹ nó lờ đi, nhưng một đứa nữa cũng khóc như vậy làm chị ngại
ngùng. Chị xin lỗi Giôsê vì mấy đứa nhỏ ngỗ nghịch, chị bảo chúng đợi chị đi ra quán. Lũ
trẻ hiểu ngay. Giôsê cũng biết là họ không còn thứ gì trong nhà để ăn. Tấm ngân
phiếu thất nghiệp của Hanh không ăn tiêu được bao lâu, còn phải đợi vài ngày nữa
họ mới có thể đến quán mua đồ ăn. Vì thế mà họ đã phải đi hái dâu. Có lẽ họ phải
làm như vậy hôm nay. Nếu may mắn thì Hanh có thể bắt được vài con thỏ hay con
sóc về nấu cháo ăn ít ngày; đám trẻ không thích lắm nhưng cũng phải ăn vì đói.
Giôsê không ở lại lâu. Chàng muốn về để làm việc. Chàng đợi
mấy người ở nguyện đường Do Thái, nhưng không biết họ sẽ đến lúc nào. Chàng cám
ơn cặp vợ chồng có lòng rộng rãi. Khi ra về chàng hôn người vợ là Mai Ly và bắt
tay Hanh. Mấy đứa trẻ hỏi tại sao chàng đi về, Giôsê bảo chúng chàng có nhiều
việc phải làm.
Chàng sờ đầu mỗi đứa, âm thầm chúc lành chúng, rồi đi ra
cửa sau. Khi chàng ra về, Mai Ly nhét một gói nhỏ vào tay chàng, rồi hôn chàng
và đóng cửa lại. Khi ra đường, Giôsê mở gói ra thấy một lọ mứt dâu nhỏ. Chàng ứa
nước mắt, «Người nghèo không bao giờ có đủ
cho mình, nhưng luôn luôn có thừa để cho người khác».
Khi chàng về đến nhà thì mới chín giờ sáng. Chàng để cái
lọ mứt trên kệ và lấy cái tượng Maisen đặt lên một cái ghế nhỏ trong bếp ở chỗ
có nhiều ánh sáng, sẵn sàng cho khách đến xem. Chàng lấy một tấm vải mềm đánh
sáp cái tượng cho thật bóng láng. Chàng chỉ còn chờ người đến lấy tượng. Chàng
nóng lòng xem nét mặt họ thế nào khi họ thấy pho tượng. Phản ứng đầu tiên sẽ
cho thấy cảm nghĩ thật sự của họ.
Chàng không phải đợi lâu lắm. Khi chàng đánh nước bóng cuối
cùng thì có tiếng gõ cửa. Tim chàng đập mạnh. Chàng biết là không nên hồi hộp, nhưng
không kềm chế được. Chàng muốn họ hài lòng với đồ chàng làm. Đây là những người
đặc biệt đối với chàng và cả Maisen nữa. Chàng mở cửa và trực diện bốn người ăn
mặc sang trọng, ba ông một bà.
«Chào!», một
người đàn ông nói với Giôsê.
«Xin chào!», Giôsê
đáp lại. Họ ngạc nhiên với giọng Do thái chính cống của chàng.
«Anh học tiếng
Hêbrơ ở đâu?» người đàn bà hỏi.
«Tôi học lâu lắm rồi»,
Giôsê thản nhiên trả lời, rồi mời họ vào nhà.
Người đàn bà rất hấp dẫn và mặc đẹp. Nàng mặc váy đầm
xanh lợt và áo choàng nỉ màu xanh. Tóc nàng mềm và đen, nước da nàng màu ô-liu
với cặp mắt màu xanh lục. Người nàng gầy rất hạp với sống mũi cao, đôi mày cong
và cặp môi mềm mại gợi cảm. Nàng đẹp. Mỗi khi Giôsê nhìn nàng, nàng xem ra
thích lắm. Nàng chìa tay ra bắt khi tự giới thiệu. Nàng tên là Massia Lan.
Cứ dáng bên ngoài mà xét thì những người đàn ông là các
tay thương mại, họ ăn mặc lịch sự và có vẻ sắc bén. Một người mặc đồ bộ sọc màu
xám. Người này xem vẻ nặng nề và tầm thường, mang cặp kính lớn viền đen. Ông tự
giới thiệu là Đavít Manh. Người thứ hai gầy và có vẻ thông minh. Ông mặc đồ bộ
màu sạm với áo sơ-mi trắng, mang cà vạt thắt ngang cổ. Tên ông là Aron Pha. Người
thứ ba ăn mặc quá kỹ càng, với đồ bộ màu sậm may vừa vặn, áo sơ mi đặt may và
cái cà vạt in bông huệ có kẹp vàn gắn kim cương. Giày của ông nhập cảng từ Ý, làm
bằng da cá sấu. Một chiếc nhẫn vàng trên ngón tay mặt lấp lánh ánh ngọc. Mỗi
bên viên ngọc có ba hột kim cương sắp theo hình tam giác. Người này tự giới thiệu
là Lêgâu. «Chúng tôi nóng lòng muốn xem
kiệt tác của chúng tôi», Aron hào hứng nói. Mọi người đồng ý. Sau khi bắt
tay và nói chuyện khôi hài, Giôsê đưa họ vào bếp; mặt trời còn chiếu sáng qua cửa
sổ. Khi bước vào bếp họ ngạc nhiên vì không ngờ thấy pho tượng ở đó. Cái tượng
đang đứng đó với ánh mặt trời chiếu lên khuôn mặt Maisen như thể ông vừa trên
núi xuống. Massia mừng rỡ thốt lên, «Trời
ơi, đẹp quá!», rồi bình tĩnh trở lại như thể nàng không muốn để lộ cảm nghĩ
của mình trước khi xem xét tường tận cái tuyệt phẩm. Nhưng bức tượng đẹp quá
làm nàng sửng sốt và phản ứng không kịp suy nghĩ.
Những người đàn ông xem ra ý tứ hơn. «Tôi không ngờ nó đẹp thế này», Lêgâu nói.
Aron ngắm pho tượng cẩn thận và tỏ vẻ thích thú, rồi lấy tay sờ mũi, môi và mấy
chòm tóc. «Đây là một kiệt tác», ông
nhất quyết, «Tôi chưa từng thấy một công
trình nghệ thuật thẩm mỹ như thế này. Tôi không ngạc nhiên, nếu nó làm mình xúc
động».
Người đàn bà, chắn chắn là một nghệ sĩ, nhìn pho tượng kỹ
hơn. Nàng hỏi Giôsê có dùng nguyên một khúc gỗ không? Giôsê trả lời không, vì
chàng không tìm được một khúc gỗ lớn đủ. Người đàn bà tìm vết nối các cánh tay
nhưng không tìm ra. «Anh nối cánh tay ở
đâu?», nàng sốt ruột hỏi. Giôsê đi lại bên pho tượng nhìn phía dưới đường gấp
của cái áo MaiSen và nhận ra vết nối ngay. Nhưng vì đường nối không rõ lắm, nên
người đàn bà vẫn không nhận ra được. Rồi nàng nhìn hai lỗ mũi và sờ hai vành
tai, chúng xem mềm mại lắm. Nàng biết rằng chúng không phải như vậy vì làm bằng
gỗ. Nàng lại nhìn hai con mắt và chi tiết của mi mắt. Chúng được chạm thật hoàn
hảo. Nàng rất thoả mãn và đứng lùi lại nhìn thẳng vào mắt Giôsê và hỏi: «Cám ơn anh về công trình nghệ thuật tuyệt hảo
anh làm cho nhà hội chúng tôi. Đây là một trong những công trình nghệ thuật đẹp
nhất mà tôi được thấy. Nó sẽ là một kho tàng quí giá của chúng tôi».
Giôsê vui ra mặt và cám ơn nàng.
«Này, Giôsê»,
Lêgâu nói, «anh có phải là người Do-Thái
không? Với cái tên Giôsê và tình cảm anh chạm vào pho tượng, thì anh phải là
người Do Thái!».
Giôsê mỉm cười và trả lời cách bí ẩn, «Có, tôi có họ hàng gần».
«Mời anh đến nguyện
đường của chúng tôi. Chúng tôi tha thiết mời anh đó», Lêgâu nói.
«Tôi thích lắm»,
Giôsê đáp, «nhưng xa quá mà tôi lại đi bộ».
«Không sao», Aron
nói. «Tôi sẵn sàng đón anh. Tối nay được
không, để anh có dịp thấy phản ứng của dân chúng đối với kiệt tác của anh».
Giôsê mừng lắm. «Như
thế thì tốt quá», chàng náo nức đáp.
«Tôi sẽ đón anh
đúng sáu giờ rưởi», Aron hứa.
«Tôi sẽ sẵn sàng».
Lêgâu cho tay vào túi lấy ra một bao thư đưa cho Giôsê.
«Tôi rất ngại chỉ
đưa cho anh có một trăm đô-la để trả tiền công trình nghệ thuật đẹp đẽ này. Chỉ
gỗ thôi cũng đáng giá bao nhiêu đó rồi. Giôsê nhận phong thư và cám ơn. Chàng
nói với họ rằng chàng rất vui thích làm công việc này cho họ. Rồi chàng nhắc
pho tượng lên, vác ra cửa trong khi họ bước theo chàng. Họ thán phục pho tượng
và nói rằng giáo sĩ của họ sẽ thích lắm khi ông thấy nó. Khi đến chiếc xe thùng,
Lêgâu mở cửa xe cho Giôsê để pho tượng vào trong. Chàng leo lên xe và cẩn thận
đặt pho tượng trên một cái mền phủ sàn xe. Khi chàng lùi xuống xe, Massia đặt
tay lên cánh tay chàng và ân cần nhắc chàng đừng vắng mặt buổi lễ tối đó. Giôsê
nhìn nàng, mỉm cười và nói, “Tôi sẽ có mặt ở đó”».
Sau khi họ chào giã biệt, chiếc xe thùng lái đi, bỏ Giôsê
đứng lại ở cổng nhà. Chàng đóng cổng đi vào bên trong, nhưng vài phút sau chàng
trở ra để đi đến quán thực phẩm ở đầu đường.
Chủ tiệm chào chàng và hỏi chàng muốn gì. Giôsê hỏi mua
ít loại thịt, thực phẩm, rau cỏ và trái cây. Chàng cũng mua một hộp kẹo. Người
bán tính tiền, cả thảy là $72. 56.
Trong khi Giôsê lấy tiền trong túi ra đếm, người chủ quán
để mọi thứ vào bao. Giôsê trả tiền và nhờ anh giao đồ ăn cho gia đình ở trong hẻm.
Anh chủ quán biết gia đình Giôsê muốn nói. Anh bảo Giôsê rằng họ rất tử tế và
anh cũng không ngại làm việc đó. Để khỏi phải làm chạm tự ái gia đình ấy, Giôsê
viết mấy chữ bỏ vào trong một các gói hàng: «Cám ơn lòng tốt của các bạn, xin vui lòng nhận món quà tượng trưng nhỏ
mọn này».
Chủ quán hứa sẽ tự tay giao hàng để không ai biết. Một giờ
nữa anh sẽ đi giao hàng. Giôsê cám ơn anh và rời quán.
Comments
Post a Comment