06 Chương 6 - «Vương quốc» của Thiên Chúa



Chương 6
«Vương quốc» của Thiên Chúa

Có lẽ Đức Giêsu dùng một ít đoạn trong sách Isaia để giải thích sứ mạng giải phóng người nghèo và người bị đàn áp (Lc 4:16-21; 7:22) của ngài (Mt 10:7-8). Có lẽ Luca đã tìm được trong tài liệu của ông câu chuyện Đức Giêsu đọc sách Isaia trong hội đường Do thái ở Nagiarét, rồi ông lồng đoạn văn Isaia vào câu chuyện trên như để khai trương chương trình hoạt động của Giêsu (Lc4:16-21). Dẫu Đức Giêsu không có đọc và chú giải Isaia, nhưng việc Luca dùng những đoạn văn Isaia để giải thích hoạt động của Đức Giêsu cũng không phải là sai.
Sau đây là ba đoạn trong Isaia cần được lưu ý:
«Ngày ấy người điếc sẽ nghe được những lời trong sách, Người mù sẽ không còn ở trong tối nhưng sẽ thấy được.
Kẻ thấp hèn sẽ hoan hỉ trong Thiên Chúa,
Và người nghèo khó sẽ nhảy mừng trong Đấng Thánh của Israel.»
(Isaia 29:18-19)
«Mắt người mù sẽ được mở ra,
Tai người điếc sẽ được thông,
Người què sẽ nhảy nhót như hươu,
Và lưỡi người câm sẽ hân hoan ca hát»
(Isaia 35:5-6)
«Thần khí của Thiên Chúa đã ban cho tôi,
Vì ngài đã xức dầu cho tôi.
Ngài sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó,
Chữa lành những tấm lòng tan nát;
Loan báo tự do cho người bị giam cầm,
Phóng thích người tù tội,
Công bố năm cứu độ của Thiên Chúa».
(Isaia 61:1=2)
Người điếc, câm, mù, què, người bị tan nát tấm lòng, người bị giam giữ, người cùng đinh, là những cách nói khác nhau để chỉ người nghèo và người bị đàn áp. Chữa lành, cho thấy được, nghe được, đem lại niềm vui, giải thoát, công bố tự do hoặc ân sủng và đem lại tin mừng, là những cách nói chỉ sự giải phóng. Như vậy công bố hay đem lại tin mừng có nghĩa là giải phóng, và những lời giảng dạy của Đức Giêsu cũng phải hiểu theo chiều hướng đó. Đem lại tin mừng cho người nghèo có nghĩa là giải phóng họ bằng lời nói. Gọi là «tin mừng» khi nó chỉ một biến cố mới, mới xảy ra hay sẽ xảy ra trong một tương lai rất gần. «Tin mừng» có nghĩa là nguồn tin mang nhiều hy vọng và khích lệ, làm cho mọi người phấn khởi. Tin mừng cho người nghèo là tin đem lại cho họ nhiều hy vọng và khích lệ. Tin mừng mà Đức Giêsu đem lại cho người nghèo và người bị đàn áp là một lời tiên tri. Ngài báo trước một biến cố đem lại phúc lành cho người nghèo. Biến cố này không phải chỉ tiên báo «vương quốc» của Thiên Chúa sẽ được thành lập, nhưng là thành lập cho người nghèo và người bị đàn áp. «Vương quốc Thiên Chúa là của anh chị em» (Lc 6:20).
Lời tiên tri căn bản của Đức Giêsu là những mối phúc.
«Phúc cho anh chị là những người nghèo
Vì Vương quốc Thiên Chúa là của anh chị.
Phúc cho anh chị là những người đói ăn bây giờ,
Vì anh chị sẽ được ăn no.
Phúc cho anh chị là những người phải khóc lóc,
Anh chị sẽ được cười vui vẻ. »
(Lc 6:20-21)
Luca là người ghi lại bản văn gần nguyên thủy nhất. Nó nhằm đến những người đương thời với Đức Giêsu: anh chị là những người nghèo khổ, đói khát và khốn cùng. Còn Mátthêu thì thay đổi nó cho thích hợp với độc giả của ông, họ không phải là những người nghèo, đói khổ hay khốn cùng. Ông nhắm đến những ai có tâm hồn nghèo hoặc thông cảm với người nghèo, những ai ước vọng công lý, những ai sống như người thấp hèn, những ai lo buồn và thiểu não, những ai bị bách hại vì Giêsu, đó là bất cứ ai đạo đức đích thực (5:10-12). Mátthêu đã đổi lời tiên tri thành lời khích lệ.
Nếu hoạt động của Đức Giêsu đã tạo nên nhiều hy vọng cho người nghèo, thì lời tiên tri của ngài càng đem lại nhiều hy vọng lớn lao hơn thế nữa. Tuy nhiên những niềm hy vọng này không phải là thiên đàng - ít nhất nó không phải là cõi phúc hay cõi phạt đời sau. Thiên đàng thời Đức Giêsu có nghĩa là «vương quốc của Thiên Chúa». Được phần thưởng trên thiên đàng có nghĩa là có tên trong sổ vàng của Thiên Chúa. Theo nghĩa đen, thiên đàng có nghĩa là bầu trời, nơi mà Thiên Chúa và thần thánh ngự. Thời ấy người ta không nghĩ chết rồi là lên thiên đàng, nhưng mọi người chết phải xuống âm phủ, nghĩa là thế giới bên dưới hay dưới huyệt. Cả những người tin có thưởng phạt đời sau cũng nghĩ rằng có hai nơi dưới âm phủ. Những người lành thánh thì ngồi trong lòng Abraham dưới âm phủ, và một vực thẩm to lớn ngăn cách họ với những người gian tà đang ở trong một phần khác của âm phủ ( so sánh Lc 16:23-26). Việc người Kitô giáo tin có thiên đàng bắt nguồn sau khi Giêsu chết, họ tin rằng ngài được đem về thiên đàng và ngồi bên hữu của Thiên Chúa.
Tuy nhiên tin mừng của «vương quốc» Thiên Chúa là tin về một biến cố tương lai ngay tại quả đất này, khi người nghèo không còn nghèo nữa, người đói sẽ có ăn và người bị đàn áp sẽ không còn phải khốn khổ. Nói rằng «Nước Cha được thành lập» thì cũng đồng nghĩa với nói «Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời» (Mt 6:10).
Qua bao thế hệ nhiều Kitô hữu đã hiểu sai nghĩa «vương quốc» của Thiên Chúa vì bản dịch nói rằng vương quốc của Thiên Chúa ở trong anh chị em (Lc 17:21). Theo ý kiến các học giả ngày nay thì phải hiểu là «vương quốc» Thiên Chúa đang ở giữa anh chị em. Từ Hylạp entos có nghĩa là ở trong hay ở giữa, nhưng theo bối cảnh lúc ấy thì phải hiểu là ở giữa, bằng không thì câu trả lời của Đức Giêsu cho nhóm người Pharisêu xem ra mâu thuẫn với lời giảng dạy của ngài (Lc 17:29-21).
«Vương quốc» của Thiên Chúa giống như mọi vương quốc, nó không thể ở bên trong con người, nhưng là thời kỳ mà con người sống. Đức Giêsu cũng đã dùng nhiều hình ảnh để diễn tả «vương quốc» này: đó là thời kỳ mà người ta có thể ngồi xuống ăn uống (Mt 14:25; Mt 8:11-12.; Lc 22:30); «vương quốc» này có cửa hay cổng mà con người có thể gõ (Mt 7:7-8; 25:10-12); «vương quốc» này có chìa khoá (Mt 16:19); Lc 11:52) và có thể khoá lại (Mt 23:13; Lc 13:25). Đó là hình ảnh của một ngôi nhà hay một thị xã có thành vây quanh.
«Vương quốc» của Thiên Chúa đối nghịch với «vương quốc» của Satan. Nó cũng được ví như một ngôi nhà hay một thị xã.
Satan làm sao chống Satan được? Nếu một vương quốc tự chia rẽ thì nó sẽ không đứng vững được. Và nếu nhà nào tự chia rẽ, thì nhà đó sẽ tan nát. (Mc 3:23)
Không ai vào được nhà của người mạnh mà cướp của được (Mc 3:27).
Bất cứ vương quốc nào tự chia rẽ thì sẽ bị điêu tàn. Và không thành phố nào hay nhà nào tự chia rẽ mà có thể đứng vững được (Mt 12:25).
Hình ảnh thường được dùng trong các dụ ngôn là chủ nhà. Có bảy dụ ngôn nói về người chủ nhà, và có đến sáu dụ ngôn nói về tiệc tùng tổ chức tại nhà.
«Vương quốc» cũng được so sánh với đền thờ. Đền thờ mà Đức Giêsu nói sẽ xây trong ba ngày không phải là đền thờ do tay con người xây (Mc 14:58), nhưng là một cộng đồng mới. Những tài liệu tìm được ở Biển Chết cho biết rằng cộng đồng Cumran xem họ là đền thờ mới, ngôi nhà mới của Thượng Đế. Chắc hẵn đó cũng là ý nghĩa của lời tiên tri của Đức Giêsu nói rằng ngài sẽ xây một đền thờ mới.
Dùng hình ảnh một ngôi nhà, một thành phố hay một cộng đồng để nói về «vương quốc» cho thấy Đức Giêsu muốn nói gì: đó là cơ cấu của một cộng đồng chính trị ở trần gian. «Vương quốc» là một ý niệm chính trị. Đó là một xã hội với một cơ cấu quân chủ, nghĩa là có vua cai trị. Không một lời nói nào của Giêsu để cho chúng ta suy ra rằng ngài nghĩ «vương quốc» là một tổ chức vô chính trị.
Câu nói thường được trích dẫn «Vương quốc của tôi không thuộc về thế gian này» (Gio 18:36) không có nghĩa là không phải hay sẽ không phải ở trần gian này. Đó là cách nói của Gioan, và chúng ta phải hiểu theo ông hiểu. Khi Gioan (1&:11,14-16) nói rằng Giêsu và các môn đệ sống ở trần gian nhưng không thuộc về trần gian, thì ý nghĩa thật rõ ràng. Họ sống ở trần gian nhưng không là người thế tục, họ không sống theo tiêu chuẩn giá trị của trần gian. Như vậy nếu cùng một sách phúc âm nói rằng «vương quốc» không thuộc về trần gian, thì chúng ta cũng phải hiểu theo nghĩa trên. Những giá trị của «vương quốc» Thiên Chúa thì khác và đối nghịch với những giá trị của trần gian. Như vậy không có lý do gì để nghĩ rằng «vương quốc» là một cái gì lơ lửng trên không, là một thực thể với một cơ cấu vô xã hội và vô chính trị.
Thành ngữ «vương quốc của Thiên Chúa» không hàm ý vô chính trị, nhưng chỉ nói nó đối nghịch với «vương quốc trần gian» hay đúng hơn, nó đối nghịch với «vương quốc» của Satan.
Theo như Đức Giêsu hiểu thì Satan đang cai trị thế gian này. Đây là một thế hệ hư hỏng và tội lỗi (Mc 8:38; 9:19; Mt 12:39-45; 23:33-36; CV 2:40), một thế giới mà sự ác đang thống trị. Điều này thấy rõ khi người nghèo và người bị đàn áp phải đau khổ và điều ác đang tác oai nơi họ; nó cũng lộ diện nơi sự giả hình, vô tâm và mù quáng của các người lãnh đạo tôn giáo (các kinh sư và người Pharisêu) cũng như nơi lòng tham lam và sự đàn áp của giai cấp cầm quyền. Điều này xảy ra không phải chỉ trong xã hội Đức Giêsu nhưng ở mọi vương quốc và quốc gia trên thế gian. Những người có quyền lực trong thế gian này đều nằm trong tay Satan, Satan ban cho họ quyền cai trị con người, miễn là họ tôn thờ và vâng lệnh hắn (Mt 4:4-10). Họ tôn thờ Satan bằng cách cai trị theo tiêu chuẩn của sự ác. Satan là một loại thần cai trị cách gián tiếp và vô hình. Xêda, Hêrốt, Caipha, các giáo sĩ trưởng, các kinh sư và những người Pharisêu lãnh đạo là tay sai của Satan. Giêsu lên án mọi cơ cấu chính trị xã hội của thế giới ngài đang sống. Họ là những người tàn ác và thuộc về Satan.
Khi «vương quốc Thiên Chúa» được xây dựng, Thiên Chúa sẽ thay thế Satan. Thiên Chúa sẽ cai trị toàn thể nhân loại và ban «vương quốc» hay quyền cai trị cho những ai phụng sự mục đích của ngài ở trần gian. Mọi điều ác sẽ bị loại ra và con người sẽ được tràn đầy Thần linh của Thiên Chúa.
Cái khác nhau là ở chỗ một xã hội thi hành điều ác và một xã hội thi hành điều thiện. Đó là vấn đề quyền lực và thi hành quyền lực. Trong thế giới ngày nay chắc hẵn có nhiều người thiện, nhưng điều ác vẫn hoành hành, Satan vẫn còn quản trị.
Giêsu xem hành động giải phóng của ngài là một cuộc đấu tranh với quyền lực ác tà trong mọi hình thức. Hành động chữa bệnh của ngài là một sự đột nhập vào «vương quốc» Satan (Mc 3:27). Điều này có thể làm được bởi vì có một lực lượng mạnh hơn Satan đang hoạt động. Xét cho cùng, thiện sẽ thắng ác. Đức Giêsu rất xác tín rằng «vương quốc» của Thiên Chúa sẽ thắng «vương quốc» của Satan và thay thế nó ngay ở trần gian này.
Như thế thì phải hiểu thế nào về lời tiên tri của Đức Giêsu và Gioan về một tai ương kinh hoàng? Có phải Giêsu nghĩ rằng «vương quốc» của Thiên Chúa sẽ đến sau tai hoạ hay thay vì tai hoạ?
Để trả lời câu hỏi trên chúng ta cần hiểu thêm về «vương quốc» gồm những gì. Cái mấu chốt là ý nghĩa cụ thể và thực tiễn của thiện và ác. Muốn biết Đức Giêsu suy nghĩ thế nào thì phải xem ngài hiểu cái cơ cấu của sự ác ở trần gian làm sao, cũng như ngài nghĩ thế nào về những giá trị của cơ cấu «vương quốc» của Thiên Chúa. Như vậy triều đại Thiên Chúa khác với triều đại Satan làm sao?


__________________________________

Chương trước (05) <=> Chương sau (07)



Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam