05 Chương 5 - Tha thứ


Chương 5
Tha thứ

Gioan Tẩy giả rao giảng cho người tội lỗi. Hanina con Dôsa thì trừ quỉ cho họ. Còn Giêsu thì hoà đồng với họ. Ngài bỏ giai cấp của mình mà hoà đồng với người ăn xin, người thu thuế và đĩ điếm.
Trong xã hội có ranh giới giai cấp, chủng tộc và phe phái, thì người ta không trà trộn bừa bãi. Người ta không ăn chung, liên hoan chung, hoặc giải trí chung với những người không cùng giai cấp. — Trung Đông ăn cùng bàn với ai là dấu chỉ cùng hội hè hay là bạn bè thân thiết. Có lịch thiệp cách mấy đi nữa, người ta cũng không ngồi ăn với người thuộc giai cấp thấp hơn hay người nào họ không chấp nhận.
Đức Giêsu mang tiếng xấu vì hoà đồng với người tội lỗi. Người thời nay không sao hiểu được điều này. Nó có nghĩa là ngài chấp nhận họ và đồng ý với họ, và thực sự muốn làm «bạn với người thu thuế và người tội lỗi» (Mt11:19). Ngài gây ảnh hưởng lạ lùng đối người nghèo và người bị đàn áp.
Đức Giêsu hoà đồng với người tội lỗi là một điều có thật. Chúng ta đọc thấy điều đó trong bốn Phúc âm và trong văn thể của mỗi Phúc âm. Hành vi tăm tiếng này không thể được bày đặt ra do những người «có thế giá» theo ngài. Chúng ta cũng thắc mắc có thể các Phúc âm đã chẳng nói ít đi về thói quen này của ngài. Tuy nhiên những bằng chứng mà chúng ta đang có cũng đủ để chứng minh rằng Giêsu «ăn đồng bàn» với những người tội lỗi.
«Người này tiếp đãi phường tội lỗi và ăn uống chung với họ» (Lc 15:2)
«Khi ngài dùng bữa tại nhà ông ấy, nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với ngài và các môn đệ của ngài; và có nhiều người trong bọn họ trong số những người theo ngài» (Mc 2:15 so sánh với Mt 9:10; Lc 11:18).
Các ông bảo, «Xem kìa, tay ăn nhậu và say sưa, bè bạn với phường thu thuế và tội lỗi.» (Lc 7:34 = Mt 11:19)
Đức Giêsu tiếp đãi những người tội lỗi trong nhà ngài. Chúng ta có khuynh hướng hiểu theo nghĩa đen lời nói sau đây: «con người không có nơi để tựa đầu» (Mt 8:20 = Lc 9:58). Đức Giêsu đi nhiều và có khi phải ngủ dọc đường hay trọ nhà bè bạn. Nhưng ngài có nhà ở Capernaum, rất có thể ở chung nhà với Phêrô, Anrê và gia đình các ông ấy (Mc 1:21,29,35; 2:1-2; Mt 4:13). Làm sao Đức Giêsu có thể bị tố cáo là tiếp đãi người tội lỗi (Lc 15:2) nếu ngài không có nhà hay chỗ ở nào để tiếp họ.
Nếu khách được mời nằm vào bàn ăn, thì các bữa ăn mà Phúc âm nói đến phải là tiệc tùng, vì những bữa ăn thường trong gia đình thì người ta ngồi ăn như chúng ta bây giờ. Thời ấy người ta chỉ nằm xuống ăn khi có tiệc tùng, và tiệc tùng thì thường sang trọng và tốn kém (Lc 10:38-42). Ngồi chung và trò chuyện với nhau thì còn quan trọng hơn là ăn uống. Đức Giêsu lại thường mở tiệc nên bị tố là người say sưa chè chén.
Theo Luca, có một lần Đức Giêsu nói với ông chủ bạn rằng ông phải mời «người nghèo, người tàn tật, người què, người đui» thay vì cứ mời «bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có» (14:12-13). Chúng ta có thể cho rằng Đức Giêsu thi hành điều ngài rao giảng và như thế ngài cũng thường tiếp đãi không những các người thu thuế và người tội lỗi mà cả đến những người ăn xin và què quặt.
Đàng khác có thể Đức Giêsu cũng mời những người Pharisêu và những «bậc vị vọng» khác đến ăn. Nếu họ mời ngài đến nhà họ (Lc 7:36; 11:37; 14:1) thì chắc chắn ngài cũng mời họ đến nhà ngài lại. Nhưng làm sao những người Pharisêu và các kẻ ăn xin ngồi chung bàn nhau được? Các người Pharisêu không sợ mất mặt khi nhận lời mời sao?
Đây là điều làm cho người ta nghĩ rằng dụ ngôn các khách được mời (Lc 14:15-24) có thể dựa vào câu chuyện có thật trong đời sống của Đức Giêsu. Có phải các bậc vị vọng tìm cách từ chối mời ăn cùng bàn không? Có phải Đức Giêsu đã thật sự sai các đồ đệ «đi ra đường và các ngõ hẻm trong phố» mà mời «người nghèo, người tàn tật, người đui và người què» và đi đến «các nẻo đường và bờ bụi mà ép người ta đến» không?
Những người ăn xin dĩ nhiên là ngại lắm, còn người tội lỗi thì cũng đắn đo không ít trước khi mời Giêsu đến nhà họ. Để phá đổ cái luật lệ xã hội này, có thể Đức Giêsu đôi khi đã ép người nghèo đến nhà ngài, và ngài tự động đến nhà những người tội lỗi. Luca trình bày sự việc này trong câu chuyện Dakêu (Lc 19:1-10).
Dakêu không nghèo về tiền của. Ông là người thu thuế thâm niên ở Giêricô, điều đó giúp ông trở nên giàu có. Tuy nhiên ông bị loại ra bên lề xã hội vì nghề nghiệp xếp ông vào hàng ngũ những người tội lỗi. Không bậc vị vọng nào bước chân đến nhà ông hay ngồi ăn với ông. Còn Đức Giêsu thì tự động đến nhà ông - trong khi ông công khai là người tội lỗi ở Giêricô.
Tuy nhiên một khi đã biết rõ được Đức Giêsu, thì những ngưởi thu thuế và người tội lỗi, cũng như những người bệnh hay tàn tật, lại tìm đến ngài và mời ngài đến nhà họ dùng bữa (Lc 15:1).
Đức Giêsu rất chú tâm đến những bữa tụ họp ăn uống này. Thỉnh thoảng ngài thuê phòng ăn trong quán để ăn mừng với những người theo ngài. Buổi tiệc ly cuối cùng cũng là một buổi ăn nhậu như thế. Sau khi ngài chết, các môn đồ vẫn tiếp tục cùng nhau”bẻ bánh” để nhớ đến ngài. Ngài muốn họ làm thế đó để nhớ đến ngài - dưới hình thức một bữa tiệc liên hoan. «Làm thế này để nhớ đến tôi» (I Corintô 11:24,25).
Không thể tưởng tượng được ảnh hưởng to lớn của những bữa tiệc như thế đối với người nghèo và người tội lỗi. Xem họ như bè bạn và đồng hàng làm cho họ hết hổ ngươi, hết nhút nhát và hết mặc cảm tội lỗi. Ngài đối xử với họ như là người, và như thế đem lại phẩm giá cho họ và giải phóng họ. Nằm ăn chung chạ với họ (so sánh Gio 13:25) làm cho họ cảm thấy họ sạch sẽ và được mọi người chấp nhận.
Hơn nữa, vì Đức Giêsu được xem như là một nhân vật của Thượng đế và là một ngôn sứ, nên thái độ thân thiện của Đức Giêsu được giải thích là họ được Thượng Đế chấp nhận. Giờ đây được Thượng Đế chấp nhận, thì tình trạng tội lỗi, dốt nát và dơ bẫn của họ không còn nữa, và như thế họ được tự do.
Ăn cùng bàn thường được giải thích như là được tha tội. Để hiểu vấn đề này rõ hơn, chúng ta hãy xem quan niệm về tội lỗi và tha thứ thời bấy giờ thế nào.
Tội lỗi là nợ nần với Thượng Đế (Mt 6:12; 18:23-35). Người ta gánh nợ của mình hay của tổ tiên vì phạm lề luật. Phạm luật có thể vì vô tình hay chủ ý như chúng ta đã bàn đến. Làm một đứa con hoang Dothái hay lai chủng là sống mãi trong tình trạng tội lỗi và nợ nần với Thượng Đế, vì đó là lỗi của tổ tiên mà con cháu phải mang.
Tha thứ có nghĩa là tha hay chuộc nợ với Thượng Đế. Tha thứ trong tiếng Hy lạp (aphièmi) có nghĩa là xoá bỏ, thả ra hay giải phóng. Tha thứ lại có nghĩa là giải phóng khỏi dĩ vãng đè nén. Thượng Đế tha thứ cho ai khi ngài quên đi dĩ vãng của họ và xoá bỏ hiệu quả hiện nay do những lỗi phạm trong quá khứ.
Cử chỉ thân thiện của Đức Giêsu nói lên rõ ràng điều ngài nghĩ trong trí. Ngài quên đi dĩ vãng của họ và không có gì chống lại họ nữa. Ngài đối xử với họ như là những người không còn nợ nần với Thượng Đế, và như thế không phải bị hất hủi hay loại bỏ.
Đức Giêsu không cần phải nói ra điều này, cũng như người cha của đứa con trai hoang đàng không cần phải nói ra bằng lời ông đã tha thứ cho đứa con. Cử chỉ đón lấy con cũng như việc cùng ăn uống nói lớn hơn là lời nói.
Bởi vì bệnh tật được xem như là hậu quả của tội lỗi, nên chữa bệnh được xem như là tha tội. Bệnh tật được xem như là hình phạt của tội, là giá cả mà bệnh nhân phải trả vì họ mang nợ với Thượng Đế. Nếu được khỏi bệnh thì có nghĩa là hết mang nợ với Thượng Đế. Cũng như trong các tài liệu tìm được ở Biển Chết, vua Babylon là Nabula nói rằng, «Trẫm bị bệnh này (bệnh loét) bảy năm rồi và một thầy trừ tà Dothái đã tha tội cho trẫm.»
Đó cũng là ý tưởng đọc thấy trong dụ ngôn người bị tê liệt (Mc 2:1-12). Nếu anh ta đứng dậy và đi được, tức tội lỗi của anh đã được tha. Có thể mặc cảm tội lỗi làm cho thần kinh anh bị suy yếu và ảnh hưởng đến thể xác. Khi Đức Giêsu bảo anh đã đuợc tha tội và không phải mang nợ với Thượng Đế nữa, thì anh không còn mang mặc cảm tội lỗi nữa nên anh có thể đứng lên đi.
Cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và những người Pharisêu có lẽ do chính Mátcô hay một giảng viên Kitô đầu tiên viết ra. Mục đích của cuộc đối thoại này là để nói lên rằng lành bệnh là dấu chỉ và là bằng chứng tội lỗi đã được tha. Nhưng nó không có nghĩa là Đức Giêsu muốn chứng minh rằng mình có khả năng tha tội. Lý do chính để chữa bệnh là lòng từ bi như chúng ta đã thấy. Lý do cam đoan người tê liệt rằng anh đã được tha tội cũng là do lòng từ bi. Quyền năng chữa bệnh là quyền năng của lòng tin, như chúng ta đã thấy. Dân chúng ngạc nhiên không phải vì Đức Giêsu được ban quyền lực như thế, nhưng mà con người được ban quyền lực này (Mt9:8). Người nào có đức tin mạnh đủ cũng có thể làm được.
Điểm này còn thấy rõ hơn trong chuyện người đàn bà tội lỗi rửa chân cho Đức Giêsu «Tội của chị đã được tha», «Đức tin của chị đã cứu chị; thôi cứ an tâm mà về đi» (Lc 7:48,50).
Ở đây cuộc đối thoại được sắp xếp để cho thấy rằng chính vì đức tin của người đàn bà mà Thiên Chúa tha tội cho chị. Đức Giêsu cho chị biết rằng nợ nần của chị với Thượng đã được tha, và giờ đây Thượng đế chấp nhận chị. Ngay lúc chị tin điều này, tức khắc hiệu quả xảy ra và đời sống của chị biến đổi ngay. Lòng tin không hề lay chuyển của Giêsu đối với Thượng đế đã khơi dậy lòng tin nơi chị. Chúng ta không biết được Giêsu làm cách nào. Có thể do một cử chỉ đơn sơ thân tình hay bằng thái độ chấp nhận - cùng lắm là như việc ngài để cho chị rửa chân ngài với nước mắt của chị. Ngài không loại bỏ chị như người ta nghĩ các ngôn sứ sẽ làm (Lc 7:39). Ngài không phạt chị, mắng mỏ chị hay coi chị như người nhơ bẩn. Giống như người cha trong dụ ngôn thằng trai hoang đàng, Đức Giêsu không đặt điều kiện gì hay đòi chị phải làm gì cả. Bằng một cử chỉ đơn sơ ngài cho chị biết chị đã hoàn toàn được giải phóng khỏi quá khứ của chị- một cách nhưng không và vô điều kiện.
Kết quả có được là ơn chữa lành hay ơn tha tội vì chị cảm thấy nhẹ nhỏm, vui sướng, biết ơn và yêu thương. «Tội lỗi của chị nhiều lắm đã được tha, nếu không chị đâu có tỏ ra yêu thương như thế» (Lc 7:47).
Lòng yêu thương biết ơn và nỗi vui mừng khôn tả của chị hẵn là dấu bảo chị đã được giải thoát khỏi tội lỗi. Vui mừng là điều Giêsu tạo nên khi ngài hoạt động giữa những người nghèo và người bị đàn áp. Những bữa ăn ngài dùng với họ là những bữa tiệc liên hoan. Giêsu biết cách làm cho họ vui thích trong những buổi quần tụ như thế. Người Pharisêu rất lấy làm gai mắt. (Lc 15:1). Họ chỉ có thể nghĩ rằng ngài thích vui thú, «một người say sưa nhậu nhẹt» (lc 7:34).
Để giải thích nỗi vui mừng và liên hoan này, ngài đưa ra ba dụ ngôn - dụ ngôn con chiên lạc mất, đồng bạc lạc mất và đứa con lạc mất (Lc 15:1-32). Điểm được nêu ra là: tìm được cái đã mất là lý do để vui mừng và liên hoan.
Chắc hẵn Đức Giêsu là người vui tính, và cái vui tính cũng như lòng tin và hy vọng của ngài thì rất là lây lan. Đây là điều khác biệt rõ ràng giữa Giêsu và Gioan Tẩy giả. Giêsu thì ăn mừng còn Gioan thì ăn chay (Lc 7:31-34).
Như học giả Schillebeck có lý khi nêu ra điểm sau đây: các môn đồ của Giêsu không ăn chay là bằng chứng «hiện sinh» sống động rằng làm sao các ông có thể cảm thấy buồn phiền khi chung đụng với Giêsu. Chay tịnh là dấu hiệu của buồn bã. Không ai lại ăn chay khi dự tiệc cưới với chàng rể (Mc 2:18-19). Người nghèo và người bị đàn áp ít quan tâm đến «sĩ diện» nên cảm thấy vui lắm khi được tiếp xúc với Giêsu.
Ngài làm cho họ cảm thấy an toàn. Họ không phải sợ tà ma, sợ ác nhân hay sóng gió trên biển hồ. Họ cũng không phải lo sợ sẽ có gì để mặc, để ăn hay sợ bệnh. Giêsu cứ thường xuyên trấn an và bảo đảm với họ bằng những lời lẽ như sau: «Đừng sợ» «Đừng lo» hay «Vui lên đi» (Mc 5:36; 6:50; Mt 6:25, 27, 28, 31, 24; 9:2, 22; 10:19, 26, 28, 31; 14:27; Lc 12:32; Gio 16:33; xem thêm Mc 4:19, 40; 10:49; Lc 10:41). Không những Đức Giêsu chữa bệnh và tha tội cho họ, nhưng ngài còn làm cho họ hết lo sợ và trút đi mọi lo âu. Sự hiện diện của ngài đã giải phóng họ.


__________________________________

Chương trước (04) <=> Chương sau (06)



Comments

Popular posts from this blog

Chân Dung Đức Giêsu (Lm Jos. F. Girzone)

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Cốt tuỷ chung của các tôn giáo