07 Chương 7 - «Vương quốc» và Tiền bạc


Chương 7
«Vương quốc» và Tiền bạc

Tìm kiếm tiền bạc là đối nghịch với tìm kiếm «vương quốc» của Thiên Chúa. Mammon và Thiên Chúa là hai chủ nhân. Nếu yêu mến và phụng sự chủ này, thì nhất định phải bỏ chủ kia (Mt 6:24; Mc 4:19), không thể nào thoả hiệp được.
Trong các sách Phúc âm Đức Giêsu tuyên bố rất gay gắt về tiền bạc và tài sản, nhưng đa số các người Kitô lại hiểu nhẹ đi. Những lời tuyên bố của ngài về «vương quốc» của Thiên Chúa thật đáng kinh ngạc, không phải vì nó sắp được thành lập, nhưng «vương quốc» đó là triều đại của người nghèo. Người giàu có thì không có chân trong đó, bao lâu họ còn giàu sang (Lc 6:20-26). Người giàu không thể nào gia nhập «vương quốc», cũng như con lạc đà không thể nào chui qua lổ kim (Mc 10:25). Mátcô nói rằng chính các môn đệ của Đức Giêsu cũng phải sửng sốt về lời tuyên bố đó (Mc 10:24, 26). «Vương quốc» đó như thế nào?
«Họ bàn tán với nhau: Như thế thì ai sẽ được cứu rỗi. Đức Giêsu chằm chằm nhìn họ, ngài nói: Đối với loài người thì không được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được». (Mc 10:26-27)
Nói cách khác, phải là một phép lạ thì người giàu mới vào được «vương quốc» của Thiên Chúa, vì không phải đưa họ vào với của cải của họ, nhưng họ phải bỏ của cải để vào «vương quốc» của người nghèo. Đó là điều người thanh niên giàu có được dạy phải làm (Mc 19:17-22). Nhưng vì anh ta không tin ở «vương quốc» của Thiên Chúa mà lại quá tin tưởng ở của cải của anh, nên phép lạ đã không xảy ra. Quyền năng của Thiên Chúa không đủ sức hoạt động nơi anh để làm một việc không thể làm được.
«Vương quốc» của Thiên Chúa không có chỗ cho người giàu. Ở đó không có phần thưởng và phần an ủi cho họ (Lc 4:24-26). Trong dụ ngôn người giàu và người nghèo Lagiarô không nói lý do tại sao người giàu bị truất đi mọi phần thưởng ngoài việc ông ta giàu và không chia xẻ với người ăn mày (Lc 16:19-31). Đó cũng là điều người giàu muốn cảnh cáo anh em của ông. Nhưng ai sẽ tin ông?
Như vậy nếu muốn để tâm vào việc tìm kiếm «vương quốc» của Thiên Chúa và tiếp thu các giá trị của nó thì phải bán hết mọi tài sản (Mt 6:19-21; Lc 12:33-34; 14:33). Đức Giêsu đòi hỏi những ai theo ngài phải từ bỏ tất cả: nhà cửa, gia đình, đất đai, thuyền bè và chài lưới (Mc 1:18,20; 10:28-30; Lc 5:11). Ngài cảnh cáo họ phải ngồi xuống và tính toán phí tổn trước (Lc 14:28-33).
Làm việc bố thí thôi không đủ, nhưng Đức Giêsu còn đòi phải chia xẻ toàn diện mọi tài sản vật chất. Ngài muốn giáo dục dân chúng thoát ly khỏi mọi lo âu về tiền bạc và của cải. Họ không nên lo lắng phải có gì để ăn, có gì để mặc (Mt 6:25-33).
Ai đoạt lấy áo choàng của anh, thì cũng đừng cản họ lấy áo trong. Ai xin thì hãy cho họ, và ai cướp lấy gì cũng đừng đòi lại. Hãy cho vay mà đừng hòng được trả lại. (Lc 6:29-30, 35)
Khi ông đãi tiệc, hãy mời người nghèo, người tàn tật, người què, người đui. Vì họ không có gì để đáp lại, như thế mới thật là phúc cho ông. (Lc 14:13-14)
Nhưng thí dụ đẹp đẽ nhất mà Đức Giêsu dùng để giáo huấn dân chúng chia xẻ những gì mình có là thí dụ mấy ổ bánh và mấy con cá (Mc 6:35-44). Giáo hội sơ khởi và những người viết Phúc âm giải thích biến cố này như là một phép lạ- nhưng không ai nói rõ ràng rằng đó là một phép lạ. Thường thì một phép lạ làm cho thiên hạ ngạc nhiên, kinh hãi hoặc lặng người đi. Nhưng những điều đó không thấy nói ở đây mà chỉ nói rằng các môn đệ không hiểu được (Mc 6:52; 8:17-18,21). Biến cố này mang một ý nghĩa sâu xa hơn: không phải đó là phép lạ bánh hoá ra nhiều mà là thí dụ về việc chia xẻ.
Khi ấy Đức Giêsu giảng dạy dân chúng trong một nơi hoang vắng và đến giờ nghỉ ngơi ăn uống. Có người đem theo thức ăn, người thì không. Ngài và các môn đệ có năm ổ bánh và hai con cá. Các môn đệ ngỏ ý phải bảo dân chúng đi mua thứ gì để ăn. Nhưng Đức Giêsu bảo không, «Anh em hãy cho họ ăn». Các môn đệ phản đối, nhưng Đức Giêsu bảo dân chúng ngồi thành nhóm năm mươi người, rồi ngài lấy bánh và cá đưa cho các môn đệ bảo hãy «chia nhau ăn».
Hoặc là Đức Giêsu bảo ai trong nhóm năm mươi người có mang theo thức ăn hãy chia cho những người không có, hoặc là khi thấy Đức Giêsu và các môn đệ của ngài chia xẻ thức ăn của mình thì dân chúng cũng mở bao thức ăn của mình mà chia cho nhau ăn.
Đó là «một phép la», vì đột nhiên nhiều người không giữ bo bo thức ăn của mình nhưng bắt đầu chia cho nhau. Kết quả là có dư thức ăn cho mọi người, vì còn lại đến mười hai bao. Khi người ta chia xẻ cho nhau thì sẽ có nhiều hơn.
Cộng đồng Kitô đầu tiên ở Giêrusalem cũng đã khám phá ra bí quyết này khi họ chia xẻ cho nhau của cải của mình. Rất có thể Luca đã lý tưởng hoá cộng đồng này. Dẫu vậy điều đó cũng là một bằng chứng hùng hồn rằng những người Kitô đầu tiên cũng đã hiểu được ý muốn của Đức Giêsu.
«Các tín hữu để mọi sự làm của chung; họ bán tài sản của cải và lấy tiền chia nhau tùy theo nhu cầu của mỗi người... họ chia nhau thức ăn một cách vui vẻ và quảng đại» (CV 2:44-46). Đây không có nghĩa là họ bán tất cả những gì họ có. Họ cũng phải giữ lại áo quần, giường chiếu, nồi niêu, nhà cửa và đồ đạc trong nhà. Điểm được nêu lên là «không ai nói rằng những gì mình có là của riêng, nhưng những gì họ có đều là của chung» (CV 4:32). Họ bán thứ gì ? «Ai có đất đai hay nhà cửa thì bán đi mà dâng tiền cho các môn đệ để phân phát cho những ai thiếu thốn» (CV 4:34-35).
Dĩ nhiên là họ không bán nhà đang ở. Họ không sống chung dưới một mái nhà. Sách Công Vụ ghi lại rằng «họ luân phiên tụ họp tại nhà mỗi người» (CV 2:46). Nhà cửa họ bán đi phải là nhà cho thuê. Nói cách khác, họ bán bất động sản, tài sản hay tiền đầu tư. Đó là những của cải, những số thặng dư mà họ thực sự không cần đến.
Chúng ta cũng đọc thấy một thí dụ tương tự trong phúc âm Luca. Khi Giakêu hoán cải, ông cho đi một nửa tài sản của mình và hứa sẽ trả lại bốn lần những của cải ông đã gian lận (Lc 19: 8).
Bán đi tài sản của mình là thế đó: nghĩa là cho đi số thặng dư và xem không gì là của riêng mình. Kết quả là «không ai phải thiếu thốn» (4:34).
Đức Giêsu không lý tưởng hoá sự nghèo khó. Trái lại, ngài chỉ quan tâm đến việc không ai phải thiếu thốn. Vì vậy ngài chống đối thái độ làm sở hữu chủ và khuyến khích dân chúng đừng lo lắng về của cải, nhưng hãy chia xẻ của cải cho nhau. Điều đó chỉ có thể thực hiện trong một cộng đồng. Ngài hy vọng có được một vương quốc hay một cộng đồng thế giới tổ chức khéo léo để không còn có người giàu kẻ nghèo.
Lý do chính yếu cũng vì do lòng từ bi đối với người nghèo và người bị đàn áp. Khi ngài bảo chàng thanh niên giàu có bán đi tất cả của cải của anh, thì ngài không nhằm một nguyên tắc luân lý nhiệm nhặt hay trừu tượng nào cả, nhưng là do lòng từ bi đối với người nghèo. Cũng câu chuyện ấy trong Phúc âm của người Hêbru nói lên điểm này rõ rệt hơn.
Phần đầu câu chuyện thì chúng ta đã quen rồi, nhưng phần kế tiếp tác giả ghi chú thế này:
Nhưng người giàu có gải đầu vì anh không hài lòng lắm. Nhưng Chúa nói với anh: «Làm sao anh có thể nói được anh đã tuân giữ lề luật và sách các ngôn sứ ? Vì lề luật viết rằng: Ngươi phải yêu láng giềng như chính mình, và này nhiều anh em của ngươi là con cái Abraham đang sống dơ bẫn, chết đói, trong khi nhà cửa của anh thì có nhiều vật đẹp mà không cho họ thứ gì cả».
Theo ý kiến của học giả J. Jeremias thì câu nói này của Đức Giêsu cũng có tính cách lịch sử như mọi câu nói khác trong bốn sách Phúc âm.
Như thế tổ chức xã hội nào tạo nên đau khổ cho người nghèo trong khi người giàu lại có nhiều hơn nhu cầu, thì đó là «vương quốc» của Satan. Đức Giêsu lên án cái lối «đạo đức» trọng tiền bạc và tôn thờ cả Thiên Chúa lẫn thần tiền bạc là Mamon.
Người Pharisêu vốn ham hố tiền bạc nghe các điều ấy thì cười nhạo Đức Giêsu. Ngài bảo họ: «Các ông làm bộ ra vẻ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa biết rõ lòng các ông. Điều cao trọng đối với người đời thì lại ghê tởm trước mặt Thiên Chúa» (Lc 16:14-15).


__________________________________

Chương trước (06) <=> Chương sau (08)



Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam