04 Giôsê - Chương bốn


CHƯƠNG BỐN

Vào lúc Giôsê đi ngủ thì có tiệc tùng tổ chức tại nhà Sanđê. Cả bọn có ở đó với các bà vợ. Phần đông họ không uống nhiều lắm có lẽ vì bận nói chuyện. Câu chuyện ở các bữa tiệc như thế này phần nhiều quanh quẩn ở các đề tài chính trị và kinh tế. Cuối cùng về khuya các đề tài mới chuyển sang vấn đề địa phương như câu chuyện về Giôsê chẳng hạn. «Có ai mới gặp anh ta không?». «Phải chi mời anh ta đến chơi tối nay. Anh ta thông minh lắm và chắc sẽ thích thú».
«Có thấy anh ta vác khúc gỗ lớn ở con lộ chính sáng nay không?», ông Dô hỏi. «Anh ta khoẻ dữ».
«Mai Sari thử giúp anh ta, nhưng không vác nổi», Hơm nói. «Có biết khúc gỗ đó nặng bao nhiêu không?»
«Phải nặng tới một trăm hai mươi lăm hay trăm rưởi ký», Sang nói.
Phát không đồng ý, «Không thể được. Anh ta làm gì vác nổi. Người anh ta mảnh khảnh quá.»
«Chú chưa gặp anh ta đó», ông Dô nói. «Xem người mảnh khảnh chứ khoẻ như trâu».
«Tôi không tin», Phát tiếp tục cãi. Rồi Mô thong thả chêm vào, «Tôi không nghĩ nó nặng một trăm rưởi kí, nhưng ít nhất cũng phải tới một trăm kí, như thế khúc gỗ cũng đã lớn lắm rồi».
«Tôi không biết về anh ta», Phát nói. «Tôi thích anh ta, nhưng tôi không đoán được anh ta là người thế nào. Anh ta không có bạn gái. Đó là điều bất bình thường. Có nghĩ anh ta đồng tình luyến ái không?»
«Nói ghê đi thôi», vợ anh là Minh ngắt lời. «Anh ta chỉ ít nói». Thật là một phép lạ, vì vợ của Phát vẫn còn nhẫn nại sau bốn mươi năm lấy anh.
«Phải, nhưng tại sao anh ta không đi chơi với gái?», Phát tiếp tục cãi lý.
«Không nghĩa lý gì cả», Hơm bực bội nói. Hơm thích ngay Giôsê từ lúc nói chuyện với chàng tuần trước. Nếu Hơm thích ai rồi thì cái gì cũng đúng, cũng bênh vực, dẫu có phải chống lại người bạn thân nhất.
«Có thể anh ta chỉ muốn sống yên ổn», anh phát thư Sang chêm vào. «Có thể anh ta ly dị, đâu biết được. Anh ta xem ra bình thường đối với tôi. Có thể anh ta thích công việc của anh ta và muốn sống một mình».
«Có lúc tôi không hiểu nổi các chú», Dim Đinh Ca thêm vào. «Các chú đưa ra những giả thuyết kỳ cục nhất. Trong đời chỉ có được một người như Giôsê. Anh ta dễ mến. Anh ta thông minh. Anh ta thân thiện. Anh ta được hết mọi phương diện thì các chú lại bảo là người bất bình thường. Đối với tôi, anh ta là người bình thường lắm. Anh ta thích công việc anh ta làm, và hài lòng với chính mình. Cá nhân tôi, tôi ước được như anh ta».
Vì ai cũng nể Dim, nên câu chuyện chấm dứt ở đấy và đồng ý Giôsê là người tốt. Họ cũng đồng ý mời chàng đến lần sau.
Sáng hôm sau, vừa hừng đông, Giôsê thức dậy với tiếng chim hót bên ngoài cửa sổ. Khi chàng ăn sáng xong thì mới sáu giờ. Hôm nay chàng rất phấn khởi vì sẽ làm xong tượng Maisen, vì thế chàng không đi bộ như mọi ngày, nhưng bắt tay vào việc ngay.
Khúc gỗ ướt vì sương mai, Giôsê lấy miếng vải lau đi. Chàng đứng lùi lại ngắm tượng rồi cầm búa và đục bắt đầu chạm.
Đến tám giờ thì những nét chính của bức tượng được cắt sâu vào gỗ. Chỉ có thợ lành nghề mới có thể làm việc dễ dàng và khéo léo như Giôsê. Mỗi giây phút là một ý nghĩa. Mỗi tiếng đục như đem lại sự sống cho khúc gỗ chết. Đến mười một giờ thì cái tượng được cắt hẳn ra khỏi khúc gỗ và xem rất sống động. Đối với cặp mắt thường thì cái tượng coi như là xong, nhưng thật ra còn nhiều chi tiết phải làm.
Giôsê nhắc tượng khỏi mặt đất và dựng nó đứng tựa vào cây phong gần phòng thợ. Chàng đứng lùi lại, ngắm nghía, dịch nó từ bên này qua bên nọ, và đứng lùi ra xa nữa để xem. Rồi chàng quì xuống dùng cái đục nhỏ chạm chi tiết khuôn mặt. Chàng chạm con mắt trước nhất, làm cho tròn và sâu dưới bộ lông mày.
Đây là công việc rất khó khăn, vì nhà điêu khắc phải lưu ý đến ảnh hưởng của ánh sáng từ mọi phía chiếu vào đôi mắt sâu.
Khi chàng làm xong thì cặp mắt xem rất sống động, như thể lúc nào cũng đang chớp nháy. Sau đó, chàng chạm sống mũi và lỗ mũi. Không bao lâu chúng bắt đầu phồng lên như xúc động. Cặp môi có vẻ mềm mại và gợi cảm, hơi mở ra như muốn nói. Cả những chòm tóc mà chàng làm tiếp đó cũng được chạm trổ rất tinh vi, như thể một luồng gió nhẹ cũng đủ để làm cho chúng phập phồng bay lên. Đến trưa thì Giôsê cảm thấy mỏi mệt. Tóc chàng phủ xuống mặt lấm tấm mồ hôi. Mình mẩy chàng đầy gỗ bào. Chàng đưa tay vuốt tóc rồi đứng dậy cầm búa và đục trong tay. Chàng rất thích làm cái dự án này. Thực vậy, chàng rất phấn khởi khi làm công việc này hơn là khi làm những công việc khác, như thể chàng làm cái tượng cho một người bạn rất thân và muốn làm cho nó thật hoàn hảo.
Chỉ còn lại hai cánh tay nữa là xong. Chàng để búa và đục xuống bàn gần bên cái dùi, rồi đi vào bên trong, miệng ngâm một bản nhạc không mấy quen thuộc và không giống bài ca nào hiện nay, nhưng nó rất vui và linh hoạt, nghe muốn vũ theo.
Lúc chàng đi ra mang một cái bị và trên vai đeo một khăn tắm. Chàng đi thẳng ra đồng cỏ ngang qua bức tượng mà không màng nhìn nó. Khi đến hồ nước chàng cởi đồ ra ngâm nước rồi lặn xuống biến mất. Khi chàng trồi lên thì đã ra giữa hồ, chàng bơi thẳng qua bờ bên kia. Khi đến bên kia bờ, chàng đứng lên nhìn tứ phía, thưởng thức phong cảnh đẹp.
Giôsê lại nhào xuống nước bơi trở lại. Chàng lấy quần áo và dùng miếng xà phòng mang theo xát lên mà giặt. Chàng vắt nước rồi treo quần áo lên cây dương liễu phơi khô ngoài nắng. Trong khi chờ đợi, chàng lại nhảy xuống nước bơi cho thoả thích.
Rồi chàng bơi vào bờ, bước lên lau khô mình mẩy và mặc đồ vào. Khi chàng lấy quần áo từ cây dương liễu xuống thì hình ảnh những cây liễu ngày xa xưa hiện ra trong ký ức của chàng: «Bên những cây liễu thành Babylôn chúng tôi ngồi khóc nhớ đến ngươi, hởi Xi-on. Chúng tôi gác đàn lên cây, vì làm sao chúng tôi có thể ca hát nơi đất lạ?». Chuyện xưa gợi lại một nỗi buồn man mác, ký ức của chàng đi ngược bao thế hệ trở lại thời lưu đày cô quạnh. Giôsê mặc quần áo vào mau lẹ. Chàng cảm thấy khoan khoái khi đi mình trần, nhưng nó cũng có thể gây nhiều phiền toái, nên chàng đã bỏ ngay ý định ấy. Quần áo mới giặt mặc vào dễ chịu hơn vì chúng không dính vào người. Chàng nhớ lại áo quần ngày xưa mặc mát mẻ thật, nhưng lại quá nặng nề.
Lúc ấy, gần hai giờ khi chàng băng qua cánh đồng trở về. Chàng còn phải làm cho xong hai cánh tay của bức tượng. Khi về đến nhà, chàng đi ra sân. Chàng làm hai cánh tay tượng mất gần hai giờ, tạo cho chúng hình thù và cái vẻ xem như hai chi thể sắp cử động. Đến bốn giờ rưởi thì chàng làm xong. Chàng đem hai cánh tay đặt vào cái lổ khoét ở thân tượng, và dựng bức tượng trên mặt đất, rồi ngắm nó từ mọi góc. Chàng cầm cái đục nhỏ sửa vài chỗ và dán hai cánh tay vào vị trí. Sau khi nhựa khô, chàng đánh nhám cái tượng từ đầu đến chân và phết một lớp dầu đậm. Một giờ sau đó chàng cho lớp thứ hai, rồi lớp thứ ba, mỗi lần như thế cái tượng xem ra phong phú và đẹp đẽ hơn. Mặc dù Giôsê chỉ mất một thời gian ngắn để làm xong công việc, nhưng ai cũng nói đấy là một kiệt tác. Nét mặt tượng đầy cảm giác và xác tín, gân cổ phồng lên biểu lộ một tính tình mạnh mẽ và cương quyết. Pho tượng trông rất sống động: vị trí của hai bàn tay và các ngón tay được chạm cách khéo léo, bàn tay trái một nửa nắm lại bấu lấy ngực và bàn tay mặt đưa ra với nhiều gân cốt. Khi ngắm bức tượng, người ta dễ dàng cảm được lòng nhiệt thành và quyền lực, cũng như sự thất vọng ê chề của một người đang cố khuất phục thính giả. Dân đi lễ nguyện đường sẽ lấy làm hãnh diện vì có được một tác phẩm mỹ thuật, hoặc họ sẽ bị xúc phạm bởi một sứ điệp nói cách rất linh động. Giôsê mỉm cười khi nghĩ đến các phản ứng đó. Nhưng chính chàng muốn đưa ra một sứ điệp rõ ràng: Maisen vạch ra con đường đưa đến Thượng Đế, nhưng nhiều người dân của ông chống lại.
Cái tượng bây giờ đã xong, chỉ còn đánh sáp cho bóng láng. Giôsê đợi cho dầu bóng khô rồi đánh sáp lên, lấp các chỗ nứt cho phẳng và sạch sẽ. Rồi chàng nhắc cái tượng đặt lên bàn ngắm xem. Chàng hãnh diện về công việc của mình. Chàng âu yếm vuốt ve cái tượng như thể nó là Maisen thật sự chứ không phải là tượng gỗ. Rồi chàng thu dọn đồ nghề, đem chúng cất vào phòng rồi trở ra quét dọn sân và nghỉ ngơi ít phút trước khi nấu cơm chiều.
Khi nghỉ ngơi Giôsê đi xem vườn hoặc nhổ vài cây cỏ dại. Rau cỏ mọc xanh um. Vì thời tiết tốt, nên những vườn lân cận cũng xanh tươi.
Trong lúc Giôsê sửa soạn bữa ăn thì có tiếng gõ cửa trước, phá tan bầu khí tu hành của nhà Giôsê. Chàng lau tay rồi ra mở cửa. Phát và Hơm đang đứng đấy. Giôsê cười vui vẻ. Phát lớn tiếng nói: «Hy vọng chúng tôi không đến trái giờ. Hơm và tôi định ghé thăm anh».
«Mời vào», Giôsê cười nói. «Lúc nào cũng được. Tôi đang nấu cơm chiều. Nếu các anh không chê nghề làm bếp của tôi, thì mời dùng».
«Không, không. Các bà nhà giết chết nếu chúng tôi không về ăn», Hơm xin cáo nhưng nói một cách không xác tín lắm, trong khi Giôsê bỏ thêm thịt và rau vào chảo. Chàng lấy ra một chai rượu, một miếng phó mát và một ổ bánh mì nhậu chơi trong khi đợi cơm chiều.
«Gió nào đưa các anh đến đây?», Giôsê hỏi hai người trong lúc nhấm rượu.
«Chúng tôi ăn tiệc ở nhà Dim tối hôm qua», Phát trả lời, «và có nhắc đến anh. Hơm và tôi quyết định từ nay sẽ mời anh đến dự tiệc. Họ nghĩ rằng anh sẽ thích. Không biết tại sao họ lại thích anh», Phát khôi hài nói.
«Chúng tôi đến là như vậy», Hơm chêm vào, «Chính thức mời anh. Chúng tôi sẽ có một tiệc nữa vào tuần tới, nếu anh không ngại».
«Tử tể quá», Giôsê đáp. «Tôi thích lắm», nhưng chàng lại khôi hài nói một cách tỉnh bơ, «Phát lúc nào cũng đến phải không?».
Hơm hài hước chêm thêm, «Chúng tôi chỉ mời bà vợ. Chị ấy dễ thương. Nhưng Phát lại cứ mò đến. Chúng tôi phải bảo anh ăn ở tử tế, vì thế cũng không rắc rối lắm».
Giôsê thích lối giễu cợt thân mật giữa hai người; họ làm bạn với nhau từ bé, nên lời ăn tiếng nói nghe lộn gan nếu do ai khác nói. Tuy nhiên giữa hai người cũng như những người trong bọn, thì đấy chỉ là lối nói chơi thường tình. Nếu ai không chọc giỡn như vậy thì người kia nghĩ là họ giận mình. Chính vì thế mà Giôsê thích đám bình dân này. Có khi họ lỗ mãn, dễ tức giận, chơi tréo cẳng ngỗng nhau, nhưng họ thành thật có thể tin được, không giả dối hay hai mặt, như trước mặt thì nói một điều và sau lưng thì nói điều khác. Nếu họ nói điều gì, là có thể tin lời họ. Họ dám đấu lưng chống lại cả một đạo binh, và nếu có thua thì cùng nhau thua. Các bà vợ là những người tốt, chịu khó và khoan dung khi chồng lầm lỗi; họ âm thầm dấn thân cho nhau.
Lúc đó họ đã ăn được nửa bữa cơm, và vì mải mê nói chuyện như thường lệ nên họ không để ý đến ăn uống.
«Giôsê, anh có biết anh là một người bí mật không?», Hơm nói. «Anh làm mọi người trong phố muốn biết anh là người thế nào. Anh là cái gì vậy?»
Trước khi Giôsê có dịp trả lời, Phát nhảy vào: «Này, ai cũng nghĩ là anh thông minh lắm, nhưng anh chỉ lại chạm gỗ. Điều đó làm mọi người thắc mắc. Nếu không cho là tôi xoi bói, thật tình anh có bao giờ làm linh mục hay cái gì giống vậy không? Anh có phong cách như đã làm linh mục».
Giôsê trở nên nghiêm chỉnh. «Tôi là con của Chúa», chàng đơn sơ trả lời, không dài dòng. «Chúng ta đều là vậy cả», Phát nói. «Nhưng còn có cái gì khác hơn nơi anh, có cái gì vượt tầm mắt, và đó là điều làm cho chúng tôi tò mò muốn biết. Nhưng anh lại khiêm tốn và cư xử y hệt như chúng tôi, có thể anh nghĩ là anh không khác với chúng tôi. Đó là điều làm cho mọi người thích anh. Chắc anh không biết người ta nghĩ gì khi nghe anh vác khúc gỗ khổng lồ đi ngoài đường. Người ta còn bàn tán về việc đó. Họ không chỉ kinh ngạc về sức nặng của khúc gỗ, nhưng còn ngạc nhiên nghe anh không ngần ngại làm việc như mọi người chúng tôi».
Hơm cũng thán phục vì Phát nói lên được rất nhiều về việc người trong phố đang nghĩ gì. Anh ngồi dựa lưng ghế và tiếp tục ăn, còn Giôsê thì ngồi trên bực, chống cùi chỏ trên gối. Chàng có nét nghiêm nghị khi nghe Phát nói. Chàng chăm chú nghe và nghĩ rằng câu hỏi của Phát đánh trúng tim đen mình. Chàng biết rằng những người có lòng tin đơn sơ sẽ tìm ra được cái bí ẩn bao quanh chàng, tuy nhiên chàng cũng nên giữ bí mật về lai lịch và sứ mạng của chàng cho nguyên vẹn. Giôsê không thích tránh né, đó là điều kỵ với bản tính của chàng. Nhưng chàng lại không có quyền vạch trần hết mọi sự thật mà con người không thể hiểu được, và điều đó cũng không liên hệ gì đến ai. Ai muốn biết thì sẽ có cách tìm ra được. Họ sẽ dần dần ý thức và hiểu được. Chàng cũng biết là có người sẽ không bao giờ hiểu được. Họ là những người tìm cách phá đổ. Họ không thể an tâm nhận ra điều thiện để thích nó. Họ phải bẻ cong, làm méo mó và thấy điều ác trong những việc thiện đơn thuần, rồi họ vẻ lên một hình ảnh tồi bại trong tâm trí rằng điều họ thấy là điều dữ và phải tẩy chay nó. Đó là định mệnh của bao kẻ thiện chí trong lịch sử. Không, không thể nào chàng có thể liều lĩnh nói cho họ biết sự thật trắng trợn được.
Giôsê lắng nghe Phát nói, và khi anh nói xong chàng trả lời: «Phát, thật sự mà nói, tôi chỉ là tôi, anh sẽ biết tôi nhiều hơn và rồi đây anh sẽ hiểu được những gì anh đã thấy. Và cũng sẽ có những người khác sẽ hiểu được, nhưng không phải tất cả. Lúc nào cũng vậy. Đó là vì đức tin của anh đơn sơ, cả Hơm nữa; các anh thấy những gì người khác không thể thấy. Điều các anh phải làm là trở nên chứng nhân cho sự thiện và cho tình yêu của Thiên Chúa nơi tạo vật».
Giôsê chưa bao giờ nói như vậy, nên Phát và Hơm hơi gờm trước câu trả lời nghiêm chỉnh của chàng. Tuy nhiên nhân lúc Giôsê còn đang hứng, các anh muốn hỏi chàng vài câu hốc búa hơn. «Giôsê», Hơm hỏi, «Anh nghĩ thế nào về Giáo hội và tôn giáo?».
«Đạo thật là ở trong lòng con người, không phải nơi những toà nhà. Đức Giêsu dạy như thế khi ngài nói với thiếu phụ ở giếng nước rằng con người sẽ không còn tôn thờ Thiên Chúa trên núi Garidim hay ở Giêrusalem, nhưng tôn thờ Chúa Cha trong tâm hồn và trong chân lý. Rủi thay, bài học ấy không được tiếp tục dạy. Các nhà lãnh đạo tôn giáo luôn luôn nghĩ rằng họ phải tổ chức dân chúng và lối hành đạo thế nào để họ trở thành những trung gian khả kính giữa dân chúng và Thiên Chúa, và như thế sống đạo là làm những gì các nhà lãnh đạo tôn giáo dạy phải làm. Vì thế, tôn giáo đã bị suy đồi và trở thành việc tôn giữ những lề luật do con người làm ra.»
«Tôn giáo không nên như vậy. Giêsu dạy rằng con người có tự do, tự do hưởng quyền làm con của Thiên Chúa, tự do lớn lên và trở thành một dân tộc tốt đẹp mà Thiên Chúa muốn. Tuy nhiên điều này không thể có được dưới sự thống trị khắt khe muốn kiểm soát tư tưởng của con người và sự tự do phát biểu của họ. Đức Giêsu không hài lòng với lề lối mà nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo thi hành quyền bính. Trong giờ phút cuối cùng, ngài đã cố gắng phá tan cái khuynh hướng ấy đi bằng việc rửa chân cho các tông đồ, ngài bảo họ phải khiêm tốn và phải phục vụ hơn là thống trị và ra chỉ thị như những người ngoại giáo thích làm đối với thuộc hạ của họ».
Phát và Hơm chưa sẵn sàng để tiếp thu điều đó, họ rất đỗåi ngạc nhiên về sự thẳng thắn của chủ nhà. Chàng không có vẻ gì cay đắng, chỉ thành thật và ngay thẳng. Hai người đồng ý với điều chàng nói. Hơm đi thêm một bước nữa khi hỏi chàng nghĩ gì về cha chính xứ của họ tại nhiệm trên hai mươi năm.
«Ông ấy không phải là người xấu», Giôsê đáp. «Ông ta chỉ không biết thế nào là yêu thôi. Ông vô tình làm mích lòng giáo dân, bởi vì ông chỉ biết lề luật chứ không biết đến tình yêu. Lề luật thì tàn nhẫn và cứng nhắc, nó đè bẹp con người dưới sức nặng của nó. Một chủ chăn tốt sẽ coi con người trọng hơn lề luật, giống như đức Giêsu đã làm, “Ngày thứ bảy được đặt cho con người, chứ không phải con người cho ngày thứ bảy, Đức Giêsu dạy như vậy».
Khi nói xong, Giôsê ăn một miếng nữa và uống một hớp rượu cho trôi đồ ăn. Ngay lúc ấy mấy con chim bạn của Giôsê đến đậu gần cái cây lớn trong vườn, chúng nhút nhát không dám đến gần. Giôsê nhìn thấy chúng ngay, chàng bỏ ít thức ăn lên đĩa và đem ra cho chúng. Hai người khách thích thú xem các con chim quá thân thiện, chúng đến bên Giôsê và nhảy lên người chàng khi chàng cúi xuống cho chúng ăn.
«Nhìn kìa! Chim chóc cũng thích anh ta», Hơm nói.
«Tại sao không? Có lẽ anh ta cho chúng ăn mỗi tối», Phát trả lời.
Giôsê đem cái đĩa trống vào khi chim bay đi. «Chúng là khách thường xuyên của tôi», chàng vừa nói vừa đặt cái đĩa trên bàn.
«Này, Giôsê», Phát hỏi, «Phiên nói anh làm một tượng cho nhà nguyện Do thái. Đúng không?».
«Đúng ra không phải cho nhà nguyện. Họ cấm làm tượng, như các anh biết. Họ đặt tôi khắc một tượng ông Maisen cho nhà hội của họ. Thực ra, tôi mới làm xong trước khi các anh đến. Muốn xem không?»
«», Phát nói.
Giôsê đứng dậy dẫn họ đi vào phòng thợ mà họ chưa có dịp xem. Họ ngạc nhiên khi bước vào và thấy cái tượng Maisen đứng đó. Nó như là người thật và rất sống động.
«Đẹp lắm», hai người cùng nói. «Anh là một nghệ sĩ chính danh», Hơm kính cẩn nói và sợ hãi trước một kiệt tác đứng trước mặt họ. «Làm từ khúc gỗ anh vác đi ngoài đường phải không?».
«Chỉ trong hai ngày?» Phát lập tức tiếp lời như không tin.
«Mang khúc gỗ cũ đó về mà làm đồ đẹp thế này!» Hơm thận trọng nói. «Đẹp lắm».
«Này, có biết mấy giờ rồi không!», Phát nói, «Về đi thôi».
Hai người đi ra lối hông nhà và Giôsê tiễn họ ra đến cổng.
«Tôi thích thùng thư này», Phát nói, tay sờ lưng hộp thư.
«Đúng vậy, nó làm mình nhớ chuyện xưa», Giôsê nói mà không để ý gì, rồi mỉm cười khi họ nhìn chàng.
«Chuyện xưa gì? Anh chưa đến bốn mươi mà! Chiếc ghe đó đâu có trong đời anh». Rồi Phát khôi hài thêm: «Có thể lúc Hơm còn bé, chứ không phải anh». Mọi người cùng cười.
Sau khi họ ra về, Giôsê vào lại nhà mà không đóng cửa lại, rồi sau khi rửa chén, chàng đi ra vườn sau nghỉ ngơi ít phút. Xong một ngày dài! Người ta biết nhiều về chàng, vì thế chàng khó mà sắp đặt giờ giấc. May mà chàng làm xong tượng Maisen trước khi Phát và Hơm đến, bởi vì dù có bận đến đâu chàng cũng đã ngưng việc để tiếp họ. Chàng nghĩ rằng con người quan trọng hơn giờ giấc, và chàng không bao giờ để cho người ta cảm thấy họ đến không đúng lúc. Chỉ những người lạ và người mình không thích mới bị cư xử thế đó. Bạn bè thì lúc nào cũng quí, và mọi người đều là bạn của Giôsê. Đó là một lý do nữa tại sao họ cảm thấy bị chàng thu hút. Họ cảm thấy chàng thực sự yêu mến họ, và họ rất thích như vậy.

Khi đến giờ đi ngủ, chàng quì gối bên cạnh giường thật lâu, hai tay ôm lấy đầu. Ngày mai sẽ là ngày lịch sử, vì đó là lần đầu tiên chàng sẽ gặp gỡ dân tộc của chàng qua bao thế kỷ. Lần này phải tốt đẹp hơn, vì mọi việc đều khác. Họ đã trải qua bao biến cố qua dòng thời gian. Mặc dù bị các người Kitô bạc đãi khi sống chung đụng với họ, tuy nhiên điều đó đã cho dân tộc của chàng nhìn thấy những phương diện đẹp đẽ của Giêsu và tình yêu của ngài đối với nhân loại. Điều đó phải ảnh hưởng đến họ. Chàng cầu xin cho mọi sự được tốt đẹp. Chàng hy vọng họ sẽ thích tượng Maisen của chàng. Mọi sự đã thay đổi. Ngày xưa không thể nào tưởng tượng được người Do Thái đặt chạm một bức tượng, cả Maisen cũng không làm việc đó. Đặt cái tượng trong nhà hội chứ không phải trong nguyện đường chỉ là một lối thoát để tránh phạm điều luật cấm chạm tượng. Thật là mỉa mai, vì chính Maisen đã ra điều luật ấy, mà tượng của ông bây giờ lại đứng giữa họ. Tuy nhiên có thể Maisen cũng hài lòng với những thay đổi trong tinh thần của dân tộc ông. Trong lúc cầu nguyện, chàng cảm thấy cái phản ứng của Maisen và Ê-Li, như thể các ông đã tiên liệu những biến bố trong ngày sắp tới. GiôSê mỉm cười. Khi cầu nguyện xong, chàng leo lên giường, mệt đừ nhưng hạnh phúc! 
____________________________________

Chương trước (03) <=> Chương sau (05)



Comments

Popular posts from this blog

Chân Dung Đức Giêsu (Lm Jos. F. Girzone)

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Cốt tuỷ chung của các tôn giáo