03 Giôsê - Chương ba


CHƯƠNG BA

Ôbờn xem ra tránh được cái xáo trộn của xã hội hiện đại. Dân chúng sống đơn sơ và yên ổn. Nhà cửa của họ không đắt giá lắm, nhưng cũng bảo đảm cho đời sống. Khi kinh tế sa sút, Ôbờn cũng không bị ảnh hưởng mấy. Dân chúng ở đây không có những vấn đề của những nơi khác. Nếu có tin tức kích động thì thường là những thay đổi trong các giáo phái.
Ôbờn có đến sáu nhà thờ: nhà thờ Mêtôđít có một giáo sĩ niềm nở và thân thiện tên là Đô Manh; nhà thờ Prêbytêri có một giáo sĩ tài tử từ lúc lọt lòng mẹ; nhà thờ Lutêran có một giáo sĩ cứng cỏi và tự phụ; nhà thờ Báptít có một giáo sĩ đơn sơ và dễ mến; và nhà thờ Công giáo có một giáo sĩ lầm lì và khó thay đổi.
Những thay đổi trong giáo hội Công giáo đã gây ảnh hưởng và xúc động lớn trong cộng đồng. Những thói quen và truyền thống cứng nhắc ràng buộc từ bao thế hệ được nới rộng. Đó là chưa nói đến những thành kiến làm băng hoại tình giao hữu giữa dân chúng. Thường thì tín đồ có thiện chí để thay đổi hơn các giáo sĩ. Các ông cảm thấy bị đe doạ khi bàn về thay đổi. Các ông tỏ ra rất can đảm thi hành những thay đổi trong lễ nghi, vì thực ra chúng không ảnh hưởng mấy đến xã hội loài người. Tuy nhiên khi phải làm những việc có ảnh hưởng đến lối sống và sự giao tiếp của tín đồ với các tôn giáo khác thì các ông thường sợ sệt. Bởi vì ai cũng phải có tinh thần hiệp thông tôn giáo, nên các giáo sĩ thỉnh thoảng cũng họp. Họ tổ chức các nhà thờ cầu nguyện chung mỗi năm một lần. Họ cũng tụ họp uống cà phê hay ăn bánh ngọt mỗi tháng một lần và thảo luận những vấn đề vô bổ. Tuy nhiên khi tín đồ đi lễ nhà thờ khác thì họ bực mình và cảm thấy bị xúc phạm, vì sợ có kẻ nghĩ rằng nhà thờ khác hay hơn. Thực ra các giáo sĩ giận lắm khi thấy tín đồ của mình làm bạn với người của các giáo phái khác. Như thế, hiệp thông tôn giáo chỉ là bình phong hơn là một cố gắng chân thành để đem các tín đồ lại gần vớí nhau.
Dân chúng Ôbờn tuy có thân thiện, nhưng vì truyền thống gia đình nên chia ra từng nhóm và ai cũng biết rõ vị trí của mình. Thỉnh thoảng cũng có một số cá nhân thân nhau lâu năm và có tình nghĩa với nhau còn hơn tình giáo đoàn. Đó là trường họp của nhóm người hay la cà quán Sanđê. Họ thuộc nhiều sắc tộc và tôn giáo khác nhau. Họ thật sự tạo nên một tình thân hữu không phân biệt tôn giáo, chỉ có điều là họ không sùng đạo lắm!
Bởi vì dân chúng sống rất mật thiết với nhau, nên một người lạ mới dọn đến sẽ không có mấy hy vọng được nhập bọn. Một người lạ là người sống ở đấy dưới mười lăm năm. Dân Ôbờn thân nhau từ lúc bé và lớn lên như bè bạn.
Giôsê sống trong căn nhà nhỏ ở ngoại ô thành phố. Chỗ ở nói lên vị trí của chàng trong cộng đồng: chàng là người ngoại cuộc! Chàng làm cho mọi người chú ý, và lối sống đơn độc của chàng càng gợi tính tò mò của họ. Việc Sang tình cờ xâm nhập đời sống của Giôsê nói lên cái tính tò mò của dân Ôbờn đối với người cô độc này. Ai mới dọn đến Ôbờn đều tha thiết hoà đồng, nhưng Giôsê hình như không mấy quan tâm. Cả phố đều bàn tán về chàng, bởi vì họ không làm sao hiểu biết chàng. Tuy nhiên giờ đây cầu đã được bắc và Giôsê lại niềm nở tiếp đón mọi người, nên khách khứa tuôn đến nhà chàng trong những ngày sắp tới.
Hơm là người đầu tiên đến gặp chàng. Mấy hôm nay trời tốt, dân chúng đi lại trong phố trò chuyện với nhau. Giôsê thường làm việc sau vườn. Hơm cũng đã đến quán rượu mua một «chai thuốc» chữa bệnh tim! Anh đi ngang qua nhà Giôsê, mặc dù anh có thể cắt ngắn ba dãy nhà nếu anh đi con đường khác. Khi đi ngang qua nhà Giôsê, anh lớn tiếng gọi chàng. Giôsê quay lại vẫy tay rồi bỏ cuốc xuống tiến lại phía bờ dậu khi anh lên tiếng gọi. Chàng luôn luôn dừng việc để nói chuyện xã giao đôi ba phút. Hầu như đấy là công việc chính của chàng.
Hơm là người rất thân thiện. Anh có một nhà in nhỏ làm việc cho bạn bè từ lúc anh về hưu. Anh thích Giôsê từ ngày thấy chàng mang gói thực phẩm đi ngoài phố. Cũng như mọi người khác, anh tò mò muốn biết người mới dọn đến làm gì. Anh hỏi Giôsê về vườn tược. Giôsê hãnh diện về khu vườn của mình nên mời khách bước vào xem. Giôsê nói rằng vườn không lớn lắm nhưng cũng đủ để trồng vài luống rau trong mùa hè.
Hơm ngạc nhiên vì mảnh vườn trông rất thứ tự: nó rộng khoảng một trăm thước vuông, mỗi loại rau trồng theo khóm rất chính xác. Đó là công việc rất thẩm mỹ, rau trồng từng khóm dễ rút nước và thoáng khí. Có hàng cà chua và mấy loại rau diếp. Có cải tía, cải đỏ, tiêu và một ít dưa. Hành thì trồng dọc theo mép vườn thành hai hàng sát nhau. Bên ngoài luống hành là hoa vạn thọ trồng rất thứ tự. «Tại sao trồng hoa và hành như thế?», Hơm hỏi. «Để chúng bảo vệ lẫn nhau», Giôsê trả lời. «Thỏ không thích vạn thọ, còn cừu thì không thích hành. Dẫu có thích thỏ và cừu đến đâu, tôi cũng không thích chúng ăn rau của tôi».
«Thông minh lắm», Hơm mỉm cười bình phẩm. «Tôi thấy rau của anh mọc lên đầu mùa hè rồi chết đi vào mùa thu. Tại sao anh không trồng loại rau sống đến cuối mùa?». Giôsê nhìn Hơm thản nhiên đáp: «Lúc ấy tôi sẽ bận làm việc khác. Tôi không muốn phí thức ăn vì đó là của Trời ban».
Giôsê bảo Hơm có muốn lấy rau nào ở vườn thì lấy, cả những lúc không có chàng ở nhà. Hơm thích được nghe như thế lắm. Anh cám ơn Giôsê rồi từ giã bước ra cổng. Giôsê bước theo sau. Cử chỉ của Giôsê rất dễ thương, anh Sang phát thư cũng đã nhận thấy như vậy. Nó rất dễ gây cảm tình vì làm cho khách cảm thấy mình quan trọng. Nó còn làm cho họ sung sướng như thể nói lên rằng chủ nhà rất mừng khi khách đến thăm, dẫu họ có đến thình lình không được mời.
Ngày tháng trôi qua, dân chúng bắt đầu làm quen với Giôsê. Chàng không còn có nhiều thời giờ cho mình. Họ thích đến thăm chàng và nghe chàng nói chuyện. Chàng nói chuyện hay lắm, không phải những chuyện nhảm nhí nhưng là những chuyện chàng mục kích hàng ngày, những chuyện thích thú trong đời sống của dân chúng, hoặc những chuyện về thiên nhiên, những chi tiết mà người ta không nhận ra vì quá bận rộn. Càng lúc càng có nhiều người đến với những vấn đề của họ. GiôSê tỏ ra hiểu biết tâm trạng con người lắm và ai nghe lời chàng khuyên bảo đều thành công. Hầu hết những vấn đề của con người là do chính họ tạo ra, vì thế nếu họ ý thức được chính mình thì thường cũng giải quyết được những khó khăn. Khi không có khách đến thăm thì Giôsê làm việc. Chàng làm rất mau tay nên không mấy chốc đã xong được một việc. Phần nhiều những công việc của chàng rất đơn sơ, nên không cần phải suy nghĩ tính toán cho lắm. Cả đến khi bận việc, chàng cũng dừng lại khi có khách đến thăm. Niềm hạnh phúc và tính tình vui vẻ của chàng xem ra rất thu hút và dễ truyền cảm. Khách ra về cảm thấy an bình và vui vẻ sống. Cái nhìn của Giôsê về đời sống rất là đơn giản, và ý thức của chàng về mục đích của đời sống rất là lành mạnh, vì thế khách ra về cảm thấy thong dong và phấn khởi cho đến lúc họ tạo lại những khó khăn cho chính mình. Nhưng Giôsê cũng thấy mỏi mệt vì cống hiến bản thân nhiều quá. Khi chiều đến chàng cần ở một mình để lấy lại sức lực.
Giôsê nhìn xuống thung lũng đến những ngọn đồi đàng xa. Bên kia hiện lờ mờ chóp các dinh thự lớn của thị xã lân cận. «Ta sẽ cho ngươi tất cả, nếu ngươi phục xuống tôn thờ ta». Câu nói ấy hiện ra trong trí chàng như mới xảy ra hôm qua. Tâm trí chàng vượt bao thế kỷ hồi tưởng lại: nhà cửa có thay đổi, kiến trúc có thay đổi, 1ối ăn mặc có thay đổi tùy thời (mặc dù phái nữ vẫn thích mặc áo lông thú), phương tiện giao thông có tân kỳ hơn, dụng cụ có trở thành máy móc và thành người máy, nhưng con người vẫn chưa học được bài học của dĩ vãng. Mặc cho những kiến thức thu thập được qua bao thế hệ, con người vẫn chỉ học hỏi ở những kinh nghiệm hạn hẹp của mình. Vì thế các đáp ứng của họ đối với cuộc sống vẫn còn sơ khai như những người sống cách đây ngàn năm. Con người có thay đổi được không? Chàng chỉ nhớ lại được cho tới thời thơ ấu. Chàng không nhớ được những gì đã xảy ra trước đó. Tuy nhiên trí nhớ ảnh hưởng và tạo nên các đáp ứng cho cuộc sống cũng như xác định đường hướng lớn lên. Phải chăng con người cứ phải phát minh liên lỉ những kỷ thuật tân tiến, nhưng lại không bao giờ trưởng thành đủ để hiểu biết và kiểm soát những phát minh của mình? Giôsê suy nghĩ kỹ hồi lâu, chàng mường tượng ra vị trí của mình trong chương trình mà Cha chàng đã sắp sẵn cho chàng từ muôn thuở và cho dòng thời gian mà nhân loại sẽ tiến tới. Vì luôn luôn lạc quan, tích cực, hiểu biết và kiên nhẫn đối với những gì phải xảy ra, chàng duy trì được một thái độ đơn giản và hạnh phúc đối với cuộc sống. Chàng nhìn đến đích xa hơn là những thoả mãn tạm thời. Chàng biết rằng mặc dù có những thay đổi, nhưng ý muốn của Cha chàng cuối cùng sẽ thắng. Tiếng quạ đậu trên cành cây làm Giôsê giật mình. Không gian yên tĩnh hơn lúc trước và bóng tối lan dần qua cánh đồng. Chàng cảm thấy cô quạnh. Dẫu có mạnh mẽ và tự tin, dẫu có thích ở một mình, nhưng cũng có những lần chàng cảm thấy đời sống của chàng khác xa cái thân mật của đời sống nơi những người khác. Họ đến với chàng và thích được ở gần chàng, cũng như thích được tiếp thu cái nguồn cảm hứng và nghị lực phát ra từ sự khôn ngoan vô bờ bến của chàng, nhưng rồi họ về lại với gia đình, bè bạn và làng xóm. Chàng sống rất đơn độc, và có những lần như lúc này chàng cảm thấy rằng sống đơn độc không được lành mạnh lắm. Đời sống của chàng không giống những người khác. Nhưng không phải vì thế mà chàng không hạnh phúc. Đời chàng không thể khác hơn được, nhưng chàng lại nhận thấy rằng tất cả cuộc sống này là vì chàng, mà chàng lại là kẻ rất xa lạ! Ngày xưa nó đã là như thế rồi, bây giờ nó cũng chẳng khác hơn. Chàng đến với một dụng ý, với một mục tiêu rõ ràng đã được Cha chàng phác hoạ kỹ lưỡng.
Cái thân mật trong đời sống của loài người không nằm trong chương trình này. Chẳng vậy nó sẽ làm cản trở kế hoạch đã được phác hoạ cho đời chàng. Trên bàn trong phòng làm việc có một con chim mới đẽo đẹp lắm. Không biết đấy là con chim gì vì nó chưa được tô màu, hình như đấy là loại chim sẻ. Nó được chạm trỗ một cách rất tinh vi xem như con chim sống, có cảm tưởng sờ mát tay lắm.
Tiếp đó Giôsê lấy khúc gỗ lớn, dài độ ba tấc rưỡi và dày mười lăm phân. Đó là một khúc gỗ anh đào tốt. Chàng đặt nó nằm trên mặt bàn dưới ngọn đèn nê-on, rồi lấy búa và cái đục lớn bắt đầu đẽo một cách nhanh nhẹn và dễ dàng. Chàng tiện các góc phía trên trước, rồi đi dần xuống hai bên. Sau độ nửa giờ đồng hồ, cái chân đèn bắt đầu xuất hiện. Dân chúng rất thích các chân đèn Giôsê làm, vì thế mỗi ngày đều có giấy đặt hàng gởi đến. Các thư đặt hàng chỉ đề cách đơn sơ:
Giôsê
Đường núi
Ôbờn
Trên bì thư không đề tên tiểu bang, không số bưu điện. Nhưng người phát thư cũng biết giao thư ở đâu. Những đồ Giôsê làm giá rẻ, mười lăm đô-la một chân đèn, hai đô-la một chân ghế gãy, hai mươi đô-la một ghế vải. Còn chim thì miễn phí. Trẻ con thích chim, nên chàng cũng thích làm. Có con nằm nghỉ, đầu giấu dưới cánh; có con nằm xoè ra như đang đáp xuống, con thì cổ vươn lên như đang hót; mỗi con mỗi khác và thật hoàn hảo.
Giôsê không làm muộn lắm. Khi mặt trời lặn thì chàng nghỉ việc, cất đồ nghề, dọn dẹp phòng rồi đi ngủ. Đối với chàng đi ngủ là cả một nghi thức. Chàng quì gối rất lâu bên cạnh giường trò chuyện với Thượng Đế, đôi khi âm thầm đôi khi lớn tiếng. Những khi cầu nguyện như thế, chàng quì gối rất lâu. Chàng ít đổi vị trí, thỉnh thoảng đưa hai tay lên như thể nài nỉ. Thường thường chàng đặt hai tay lên giường cách thoải mái, tay này đặt lên tay kia, vẻ mặt rất yên tĩnh, mắt nhìn sâu vào bóng tối như đang nhìn cái gì mà không ai khác có thể thấy. Đối với chàng, Thượng Đế không phải là một ảo tưởng do con người bày vẽ ra, nhưng là một thực thể hiện diện truớc mặt chàng để đáp lại mỗi ý nghĩ và lời cầu xin. Đối với chàng cầu nguyện cũng không cực nhọc lắm. Xem như chàng đang thích thú trò chuyện với một người bạn tâm giao, với một người mà chàng yêu mến thực sự, với một người dính dáng mật thiết đến đời chàng, một người kiểm soát mọi hoàn cảnh, làm mọi quyết định, cả đến những quyết định mà đôi khi Giôsê không tán thành. Xem như thể chàng và Thượng Đế cùng nhau sắp đặt chương trình cho ngày mai trong từng chi tiết. Đêm nào cũng giống đêm nào, Giôsê thường mỏi mệt khi cầu nguyện xong. Chàng quì gối trò chuyện với Thượng Đế, rồi leo lên giường ngủ thẳng giấc suốt đêm.
Sáng hôm sau, chàng thức dậy lúc mặt trời mọc trong tiếng chim hót. Chàng ngồi lên, duỗi tay, ngáp to tiếng khoan khoái, rồi đứng lên đi rửa mặt và vào bếp chuẩn bị bữa ăn sáng. Chàng ăn một quả cam hay quả chuối, một miếng bánh mì rán mỡ heo và uống một ly cà phê. Gần đây khi chàng quen biết với nhiều người, thì chàng chỉ uống cà phê. Rồi khi quán cà phê mở cửa lúc bảy giờ sáng, thì chàng lại đến đấy ăn sáng với mấy người đàn ông. Trong những dịp này bữa ăn sáng có phần thịnh soạn hơn, gồm thịt heo muối và trứng hoặc bánh đa và lạp xưởng mà chàng thích nhất. Chàng hoà đồng với các ông cách dễ dàng, mặc dù chàng ít nói và dè dặt. Mari, cô chủ quán, luôn luôn đích thân hầu bàn chàng, cô cảm thấy bực bội khi có cô nào hầu bàn chàng. Chàng xem như biết các cô làm việc cực nhọc, vì thế những lúc không có ai để ý, thì chàng nói cho họ biết là chàng rất thích thức ăn họ nấu cũng như tính hiếu khách của họ. Một vài cô hơi ồn ào nhưng lại tốt bụng, nên Giôsê chỉ cười khi họ đưa ra những nhận xét khôi hài. Đôi khi các cô có lời thô tục, chàng cũng vui cười vì họ tốt bụng. Giôsê không quá nghiêm khắc. Chàng thực bụng thích họ và cảm thấy thoải mái với lối giễu cợt và cái tầm thường của nhóm bình dân này. Không gì có thể thay đổi họ được, bên ngoài họ xem hiền lành và dễ mến, nhưng bên trong không hẵn như vậy. Tuy nhiên chàng vẫn thích họ, và họ cũng thích chàng.
Đặc biệt sáng nay chàng ăn sáng ở nhà. Chàng bận suốt ngày vì hàng đặt nhiều hơn thường lệ phải làm cho xong. Người ta sẽ ghé lại lấy hàng, vì thế chàng muốn làm cho xong mọi thứ. Sau khi ăn sáng, chàng xỏ dép vào chân và ra đi.
Chàng đi ngang qua nhà Dô Lăng-Pho. Mari vợ anh thấy Giôsê từ đàng xa đi đến nên lớn tiếng mời chàng vào uống cà phê. Mari đã có lần nói chuyện với Giôsê khi chàng đi bộ buổi sáng, nhưng đây là lần đầu tiên nàng bạo dạn mời chàng vào. Dô cũng mới trở về nhà để ăn sáng. Anh thường vắt sửa bò trước khi ăn sáng. Làm việc như thế thì ăn sáng ngon hơn. Dô thích Giôsê, anh cười vui vẻ khi thấy Giôsê đang trên lề đường tiến về phía nhà anh. «Lại dậy sớm», Dô nói lớn với Giôsê.
Giôsê mỉm cười hí hỏm trả lời: «Tôi chỉ là bác nông phu thích dậy sớm trong lúc tốt trời.»
Hai người gặp nhau ở ngưỡng cửa trước, Dô chận cửa cho Giôsê bước vào. Nhà của Dô và Mari là nhà gạch cổ, không rộng lắm nhưng đủ để ở. Mari đã dọn sẵn bữa ăn sáng cho Dô, nàng mời Giôsê dùng bữa sáng với họ.
«Chú ở đâu đến?», Mari hỏi Giôsê.
«Ở Bê-lem», Giôsê trả lời cách tự nhiên. Bê-lem cũng là tên một làng gần đó, nên Dô và Mari không để ý gì đến câu trả lời.
«Cái gì thúc đẩy chú dọn đến đây?» Mari hỏi tiếp. «Ôbờn chán lắm».
«Ở đây yên tĩnh và dân chúng lại thân thiện», Giôsê đáp. «Tôi là người tầm thường và cũng không cần gì lắm, nên làm nghề mộc được bao nhiêu cũng đủ sống».
«Chú làm thứ gì?», Mari hỏi.
«Cái gì thiên hạ thích. Hôm trước tôi làm chân đèn cho một gia đình và tiện vài con chim cho trẻ con đến thăm tôi ngày hôm qua.»
«Chú làm cho chúng tôi một vài cái khi chú rảnh», Mari nói.
«Được lắm».
«Cà phê ngon lắm, cám ơn», Giôsê vừa nói vừa đứng lên khỏi bàn. «Anh chị là láng giềng tốt.»
«Mời chú đến chơi lúc nào cũng được,» Mari đáp và tiễn chàng ra cửa. Dô và Giôsê đi ra cửa sau đứng nói chuyện một lát rồi chia tay. Mười lăm phút sau Giôsê về đến nhà. Mặc dù chàng đã ghé ngang nhà Lăng-Phơ, nhưng trời vẫn còn sớm khi chàng bắt tay vào việc.
Phòng làm việc sáng sủa vào những buổi sáng có mặt trời. Ánh sáng chiếu qua cửa sổ bên cạnh làm cho căn phòng sáng lên làm việc thích thú lắm. Giôsê lấy đồ nghề và tiếp tục làm chân đèn bỏ dở hôm trước. Chàng đẽo từng tí đến mười giờ là xong việc. Chàng tháo ê-tô lấy chân đèn ra và dựng nó lên xem có phẳng không. Chàng lại gọt một bên đáy chân đèn rồi dựng nó đứng lên và thấy được. Sau đó chàng lấy giấy nhám đánh từng chi tiết, dùng mấy ngón tay sờ thử rồi đặt nó sang một bên và tiếp tục đẽo miếng gỗ khác. Giôsê rất hãnh diện về đồ mình làm. Đến mười một giờ là chàng làm xong cái thứ hai.
Vật tiếp theo lớn hơn và cần nhiều gỗ, nên chàng phải đi mua ở xưởng gỗ bên kia phố. Chàng bỏ nhà ra đi mà không màng khoá cửa.
Trên đường chàng gặp một đám trẻ con đang chơi trên lề đường trước quán bán kẹo. «Chú Giôsê», một bé gái mặt tàn nhang gọi chàng. Mấy đứa kia quay lại, và khi thấy chàng chúng chạy bổ đến nắm lấy tay chàng. Một bé gái tóc hoe trìu mến nhìn chàng và hỏi mấy con chim làm xong chưa. «Xong hết rồi», chàng đáp. «Nếu các em đến, khi chú ở xưởng gỗ về thì chú đưa cho». Bọn trẻ reo lên mừng rỡ lắm. «Tao muốn xem con chim của tao quá», một bé gái nói, và mấy đứa kia cũng nói hùa theo như vậy.
Bọn trẻ vui đùa trở lại còn Giôsê thì tiếp tục đi. Mặt trời lên cao và thời tiết bắt đầu nóng. Giôsê xem vạm vỡ đẹp trai. Da chàng bắt đầu sạm nắng, tóc thì quăn lại, chòm tóc quăn rơi phủ trán khi chàng bước nhanh với hai tay nhẹ nhàng đánh quàng xa. Khuôn mặt chàng thon có vẻ thanh nhã. Khi chàng bước đi xem rất đẹp mắt. Dĩ nhiên là chàng khác với mọi người. Nhìn chàng, người ta không khỏi thắc mắc chàng làm gì ở Ôbờn. Một nửa các cô gái trong phố đã để ý đến chàng. Cả đến những cô có chồng cũng âm thầm ngưỡng mộ.
Giôsê rẽ ở cuối con lộ chính và bước vào cổng xưởng gỗ. Đó là kỹ nghệ độc nhất trong phố. Những xe vận tải lớn chạy qua phố suốt ngày chở các khúc gỗ lớn để cưa thành ván xây cất. Có lẽ Giôsê là khách hàng nhỏ nhất, tuy nhiên anh quản lý thích chàng, vì chàng không hối hả thúc giục và cũng không phiền hà nhường cho người khác được tiếp trước.
«Này Giôsê, hôm nay có gì đó?», anh quản lý hỏi chàng.
«Không có gì. Tôi chỉ cần một khúc gỗ anh đào, nếu anh có. Không vội lắm đâu, Phiên», Giôsê đáp.
«Đợi tôi năm phút, tôi sẽ tiếp anh», Phiên vội trả lời trong khi đi với một người khách khác qua bãi gỗ.
«Phiền anh đợi lâu, Giôsê», Phiên nói thế khi trở lại. «Anh cần thứ gì?».
«Một khúc anh đào độ hai thước rưỡi và dày ba mươi phân», Giôsê trả lời.
«Gỗ đó cứng lắm. Anh có thấy khúc nào trong trại không?»
«Không».
Phiên gọi một người phụ tá hỏi, «Có khúc anh đào nào dài hai thước rưỡi và dày ba mươi phân không?». «Tôi không nhớ thấy khúc nào cả», một người lớn tiếng trả lời từ đầu bên kia phòng. Phiên dẫn Giôsê đến đống gỗ nằm cuối trại suốt cả mùa hè. «Có lẽ sẽ tìm được một khúc gỗ khô chưa cắt để anh làm». Hai người tìm được một khúc trong đống gỗ. «Khúc này», Giôsê nói, tay chỉ một khúc gỗ dài không có mắt.
«Mắt anh tinh quá», Phiên nói khi nhìn thấy khúc gỗ. «Để tôi bảo đem nó vào và cắt cho anh. Chỉ vài phút thôi». Phiên làm dấu khúc gỗ, rồi cùng Giôsê đi vào.
«Mấy đứa con tôi thích con vịt anh đẽo cho tuần trước. Nó đẹp quá, vợ tôi không thích chúng chơi với nó. Bà sợ chúng làm gãy nó. À, làm ăn ra làm sao?».
Giôsê trả lời ngay: «Đủ sống là được. Tôi không cần nhiều tiền».
«Làm gì với khúc gỗ lớn này? Đẽo nó lâu lắm đó, tốn rất nhiều gỗ. Anh không đủ khả năng lấy mười lăm hay hai mươi đô-la đâu. Nội gỗ không cũng hết năm mươi lăm đồng rồi.»
«Công việc này hơi đặc biệt một tí. Mấy người Do-Thái nhờ tôi khắc một tượng ông Mai-sen để đặt trong nhà hội của họ», Giôsê mỉm cười trả lời.
«Tôi không hiểu làm sao anh làm nổi công việc to tát như thế. Làm bao lâu mới xong?»
«Thực ra còn dễ làm hơn mấy con chim nhỏ. Cánh chim còn nhiều chi tiết hơn tượng hai thước rưỡi của Mai-sen. Chỉ phải đẽo gỗ nhiều hơn thôi. Có lẽ làm ba bốn ngày liền là xong».
«Anh trả tiền mặt hay đợi nhà thờ trả tiền rồi tính sau?»
«Tôi trả ngay. Tôi để dành tiền lâu nay chắc đủ. Bao nhiêu tiền, Phiên?»
«Năm mươi sáu đô-la».
Giôsê mở túi lấy tiền đếm đủ đưa cho Phiên.
«Khúc gỗ đó nặng lắm, Giôsê. Làm sao anh đem về được?» Phiên lo lắng hỏi.
«Tôi vác nó về».
«Nặng lắm. Đợi vài giờ nữa xe vận tải về, tôi sẽ chở đến cho anh trên đường về nhà».
«Cám ơn, Phiên. Tôi vác được», Giôsê trả lời.
Ngay lúc ấy mấy người làm khiêng khúc gỗ vào. Nó đã được cắt và bào tử tế. Miếng gỗ đẹp quá. «Khi nào xong bức tượng, cho tôi xem», Phiên nói trong khi Giôsê đi lấy khúc gỗ.
«Ghé lại sáng thứ sáu khi anh đi làm», Giôsê bảo Phiên.
«Được. Sáng thứ sáu. Tôi sẽ ghé lại trước tiên».
Giôsê nhấc khúc gỗ đặt lên vai và đi ra cửa. Chàng đi qua bãi gỗ rồi ra đường, hình như không để ý mấy đến sức nặng của nó trên vai. Nhưng khi đi được nửa con lộ chính thì chàng đặt khúc gỗ xuống nghỉ. Hôm ấy trời nóng, chàng toát mồ hôi nhễ nhãi.
Một khách hàng quán Sanđê chận chàng lại hỏi, «Có cái gì đó, Giôsê?»
«Miếng gỗ anh đào tôi có việc phải dùng», chàng trả lời.
«Gỗ nặng, muốn giúp một tay không?», người kia hỏi. Đó là Mai, chàng trai ít nói.
«Không, cám ơn», Giôsê đáp, nhưng Mai đã đỡ lấy khúc gỗ.
«Trời ơi, nó làm bằng gì, chì à? Nặng ghê». Mai vừa nói vừa cố vác. Rồi anh đặt nó xuống xin lỗi, «Anh vác đi, nặng quá tôi vác không nổi». Giôsê mỉm cười. «Cám ơn, tôi quen vác loại này. Không sao đâu».
«Anh mạnh hơn người ta tưởng», Mai ngơ ngác nói trong khi Giôsê đỡ khúc gỗ lên vai. Hai người cùng đi với nhau trên đường.
«Miếng gỗ này để làm gì?» Mai hỏi.
«Người ta đặt tôi làm một tượng ông Mai-sen cho nhà thờ Do-Thái trong phố».
«Anh là người Do-Thái à?»
«Gia đình tôi Do-Thái, lâu lắm rồi».
«Tôi thấy anh ở nhà thờ hôm Chủ nhật. Tôi tưởng anh là công giáo»
«Đúng vậy, tôi là tín đồ Kitô».
«Anh muốn nói anh là Do-Thái và là tín đồ Kitô?».
«Giê-Su là Do-Thái và là tín đồ Kitô, các tông đồ cũng vậy», Giôsê đáp.
Mai xem ra hoang mang vì lời tiết lộ này. Anh thích Giôsê, mặc dù ngạc nhiên khi nghe biết thế, anh cũng không thay đổi thái độ. Anh thích Giôsê, và nếu chàng có là người Do-Thái thì đấy không phải là lỗi của chàng. Chàng vẫn là một người tốt và là một người bạn tốt.
Chẳng mấy chốc người ta bàn tán khắp phố về câu chuyện khúc gỗ nặng khoảng một trăm ba mươi lăm kílô Giôsê vác từ hãng gỗ về như vác một tấm cạt-tông. Câu chuyện càng được bàn tán thì khúc gỗ càng lớn hơn cũng như vóc dáng của Giôsê, nhất là đối với nhóm thanh niên và trai trẻ. Người lạ này có sức thu hút vô bờ bến, và mọi người đều tọc mạch tìm hiểu về chàng ngần nào có thể.
Sau khi Mai từ giã Giôsê tại nhà chàng, Giôsê vác khúc gỗ ra sau vườn vì nó lớn quá không làm trong nhà được. Chàng cẩn thận đặt nó xuống đất và ngắm kỹ lưỡng, nghiên cứu thớ gỗ để xem phía nào làm mặt phía nào làm lưng cho pho tượng. Sau khi nhìn hết mọi góc cạnh, chàng quyết định ngay và bắt đầu làm việc. Chàng lấy bút chì vẽ đại cương khuôn mặt trên gỗ, đứng lùi lại ngắm bức phác hoạ, thay đổi chút ít, vẽ hai cánh tay trên hai phần khác nhau để dễ dàng chạm, rồi lấy cưa cắt chúng để qua một bên.
Rồi chàng bắt đầu chạm phần chính của pho tượng. Hai tay chàng làm việc lẹ làng, và chẳng mấy chốc không còn là khúc gỗ nữa nhưng một hình người bắt đầu hiện ra. Nét của cái đầu bắt đầu xuất hiện. Một phần cổ cũng thành hình. Phần vai nối liền với cổ xem rất hùng dũng. Vì say mê làm quá, Giôsê quên cả ăn trưa và làm cho đến chiều. Đến năm giờ là công việc tiến hành khá lắm, và hình pho tượng cũng hiện rõ ràng. Chiều sâu và cá tính mạnh mẽ của nó lộ ra dưới mỗi tiếng búa tiếng đục. Nhưng Giôsê cảm thấy mỏi mệt. Chàng làm việc suốt ngày từ sáng lúc về nhà.
Cuối cùng chàng đứng lên, lùi xa pho tượng để ngắm nghía. Chàng xem ra hài lòng vì công việc tiến triển tốt đẹp, và nghỉ làm, đi vào nhà.
Khi chàng rời phòng làm việc đi vào bếp thì có tiếng gõ cửa. Chàng mở cửa thấy bốn đứa bé gặp hồi sáng.
«Giôsê», một bé gái nói, «chú bảo chúng cháu đến sau trưa để lấy mấy con chim chú làm cho chúng cháu».
Giôsê nói, «Chú cũng đang nghĩ không biết các em có đến không. Vào đây».
Bọn trẻ theo Giôsê đi qua phòng khách và bếp đến phòng làm việc. Chúng nhìn mọi chỗ và cố gắng nhớ hết mọi thứ. Giôsê đến bàn thợ lấy bốn con chim gỗ đưa cho chúng. Bọn trẻ há hốc mồm sung sướng. Tuy còn nhỏ, nhưng chúng cũng biết được giá trị của các con vật làm bằng tay này. Chúng ngắm nghía các món quà và thích quá. «Cám ơn chú Giôsê lắm», bé gái mặt tàn nhang nói. Mấy đứa kia phụ hoạ theo, «Cám ơn chú, các con chim đẹp quá.» Một đứa trai chăm chú nhìn con chim của nó thật lâu.
Giôsê nhìn lũ trẻ và mỉm cười. Chàng cảm thấy hài lòng vì chúng xem rất đơn sơ khi vui sướng. Rồi đột nhiên bọn trẻ quay lại ôm chầm lấy Giôsê và nói là chúng yêu chàng lắm. Chàng cúi xuống ôm lấy chúng và nói chàng cũng yêu chúng. «Cha của các em trên trời cho các em nhiều quà giống như mấy con chim này, nhưng chúng sống động, tự do và hót suốt ngày đêm, như chim sơn ca. Các em nên nhìn các con vật đẹp đẽ này để chúng nhắc rằng Cha các em yêu thương các em».
«Chú có biết Chúa không, chú Giôsê?», bé gái tóc hoe hỏi.
«Có, chú biết ngài. Ngài là bạn của chú», chàng trả lời và nói thêm, «Thôi, các em chạy chơi để chú Giôsê còn nấu cơm chiều».
«Chào chú Giôsê», chúng cùng nói và đi cửa trước ra đường. Giôsê nhìn theo chúng nói chuyện om sòm về các món quà. Chúng thích các con chim lắm và chỉ chỏ nói không con nào giống con nào. Giôsê uể oải mỉm cười và đi vào nhà đóng cửa lại.
Vì không ăn gì từ sáng đến giờ, nên Giôsê cảm thấy đói. Chàng nhớ lại ngày xưa mẹ chàng và bà con đi tìm chàng vì lo ngại đến sức khoẻ của chàng. Chắc có người mách lẻo với mẹ chàng là chàng làm việc quá mức. Lúc ấy chàng giảng dạy suốt ngày không có giờ để ăn uống. Họ làm mẹ chàng lo quá nên bà đi tìm chàng. Chàng hơi thẹn khi nghĩ đến câu trả lời của mình. «Ai là mẹ ta và ai là anh em ta? Những ai vâng ý CHA ta là mẹ ta, và là anh chị em ta». Tối ấy trước khi ăn chàng ngồi im một lúc và đưa mắt nhìn lên cao như đang suy tư. Chàng làm như thế trước mỗi bữa ăn, chỉ ngắn thôi chứ không phải để phô trương. Không biết là chàng đang suy tư hay là cầu nguyện. Nhưng đó là cách thế của Giôsê. Đời sống nội tâm dồi dào của Giôsê ít khi bộc lộ ra bên ngoài, cũng như sự mật thiết giữa chàng và Thượng đế chỉ thấy được khi nào người ta hiểu biết chàng và những cảm nghĩ sâu xa của chàng biểu lộ trong những việc cỏn con chàng làm. Giôsê không phải là người ngoan đạo theo kiểu người ta thường thấy nơi những kẻ hay khoe đạo. Chàng không có đức tính đó. Chàng chỉ là người tầm thường say mê sống và những gì có sự sống. Chàng yêu những màu sắc đẹp đẽ trong thiên nhiên. Chàng thích súc vật, và nhìn thấy cái hài hước cả nơi những thú dữ. Tuy nhiên chàng không mơ mộng xa thực tế. Chàng rất quân bình. Thực vậy, chàng là con người rất hấp dẫn, chàng có một nội tâm đẹp đẽ khác xa với cái vẻ đơn sơ bên ngoài của chàng. Mặc dù Giôsê đẹp trai và rất lôi cuốn, nhưng khi người ta hiểu biết chàng cách mật thiết thì tất cả cái vẻ bên ngoài ấy lại xem ra lợt lạt so với cái phong phú và sâu sắc của con người chàng. Hiếm ai biết được con người thật của Giôsê, hoặc vì họ không có khả năng thấy được bên dưới cái bề mặt, hoặc vì họ không thấy được đời sống nội tâm dồi dào của chàng.
Muộn rồi, gần tám giờ rưỡi. Mặt trời sắp lặn xuống bên sau ngọn đồi đàng xa, và gió hiu hiu từ các ngọn đồi thổi đến. Giôsê làm việc xong một ngày và đi ngủ. Chàng thường đi ngủ khi mặt trời lặn và chỗi dậy khi mặt trời mọc. Có lẽ lối sống hoà hợp với thiên nhiên là bí quyết để được mạnh khoẻ.

Giôsê đi vào bên trong, và vài phút sau đó tắt đèn. 
____________________________________

Chương trước (02) <=> Chương sau (04)



Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam