03 Chương 3 - Người nghèo và người bị đàn áp




Chương 3
Người nghèo và người bị đàn áp

Rất có thể Đức Giêsu lúc đầu theo gương Gioan mà làm phép rửa cho dân chúng trong sông Giođan (Gio 3:22-26). Nhưng sau đó không lâu ngài không làm nữa (Gio 4:1-3). Không có một bằng chứng nào nói lên sau khi rời Giođan và sa mạc Đức Giêsu rửa cho ai hay gửi ai đến cho Gioan hay ai khác rửa. Nhiều người lúc ấy nghĩ rằng Giêsu là người kế vị Gioan Tẩy giả, nhưng có là người kế vị hay không, ngài cũng không rửa nữa mà lại ra đi tìm cách giúp đỡ các chiên lạc của tộc Israel.
Ở đây chúng ta chứng kiến một quyết định thứ hai của Đức Giêsu như là một mấu chốt để hiểu tâm trạng và ý muốn của ngài. Ngài không cảm thấy được gọi để đi giục dân chúng chịu rửa sám hối trong sông Giođan. Ngài nghĩ rằng còn có cái gì cần thiết hơn, còn có cái gì quan trọng hơn phải làm cho người nghèo, người tội lỗi và người đau yếu - họ là những chiên lạc của tộc Israel.
Những người mà Giêsu nói đến trong Phúc âm mang nhiều tên khác nhau: người nghèo, người đui, người què, người cùi, người đói, người khốn khổ (người khóc), người tội lỗi, người đĩ điếm, người thu thuế, người bị quỉ ám, người bị bách hại, người bị chà đạp, người tù tội, người lao công vất vả, người ngu dốt về lề luật, đám dân đen, người bé nhỏ, người thấp hèn, người hạng bét và trẻ con hoặc các chiên lạc của tộc Israel. Những người được nhắc đến này là một thành phần dứt khoác và rõ rệt trong dân gian. Đức Giêsu thường gọi họ là những người nghèo hay người bé nhỏ; còn nhóm Pharisêu thì gọi họ là những người tội lỗi hoặc dân ngu dốt lề luật. Ngày nay có người nói thành phần này là giai cấp hạ lưu; có người thì xem họ là những người bị đàn áp.
Có nhiều tài liệu về những hoàn cảnh lịch sử mà Giêsu sống, cũng như về những biến cố ‘quan trọng’ về tình hình tôn giáo và chính trị của thời bấy giờ. Nhưng đấy cũng giống như hầu hết các tài liệu lịch sử, chúng chỉ nói đến hành động và lời nói của những người ‘có thế gia’ trong xã hội như vua chúa, những người có thế lực, những người giàu có, những kẻ đàn áp và quân lính của họ. Lịch sử đích thật của nhân loại là lịch sử của đói khổ - đấy là điều quí giá nhưng ít thấy nói đến trong sách sử. Còn những người phải đau khổ cho chiến thắng trong lịch sử thì sao? Còn những người phải đau khổ hàng ngày vì bị đàn áp khi một vị vua bắt đầu triều đại khải hoàng của ông? Chúng ta có thể hiểu được Nã-phá-luân mà không cần biết đến những đau khổ của triều đại ông, nhưng chắc chắn chúng ta không thể hiểu được Giêsu mà không nói đến cái bối cảnh lịch sử đau khổ của thời đại ngài. Vì thế chúng ta phải cố gắng đi sâu vào thế giới người nghèo và người bị đàn áp ở thế kỷ thứ nhất của Palêtina.
Tuy thành ngữ ‘người nghèo’ trong Phúc âm không nhất thiết ám chỉ người nghèo về kinh tế, nhưng ở đây nó cũng chỉ hạng người này nữa. Người nghèo trước hết là người ăn xin. Họ là những người bệnh hoạn và tàn tật sống bằng nghề ăn xin, vì họ không làm việc được và cũng không có họ hàng đủ khả năng giúp họ hay có lòng muốn giúp họ. Thời ấy không có bệnh viện, không có cơ sở hay trợ cấp xã hội cho người tàn tật. Vì thế, người nghèo, người câm điếc, người què, người cùi thường phải đi ăn xin.
Rồi đến những goá phụ và cô nhi: các bà và các em không có ai trợ cấp cho, và trong xã hội ấy họ không có cái gì để lập kế sinh nhai. Họ sống nhờ vào lòng từ thiện của những tổ chức đạo và ngân quỹ của Đền thờ.
Trong những người nghèo về tài chánh, cũng phải nói đến những người lao công thường hay thất nghiệp, những nông dân canh tác ruộng vườn và có lẽ cũng phải nói đến những người nô lệ.
Nói cách tổng quát, cái khổ của người nghèo không phải là cảnh cơ cực hay đói ăn, trừ khi có chiến tranh hay nạn đói. Người nghèo đôi khi phải đói khát, nhưng khác với hàng triệu người ngày nay, họ ít khi chết đói. Cái khổ chính của người nghèo thời ấy cũng như ngày nay là tủi thân và mất mặt. Chẳng hạn như người quản lý trong dụ ngôn nói thế này: «Tôi hổ ngươi lắm khi phải đi ăn xin» (Lc 16:3).
Người nghèo về kinh tế phải hoàn toàn lệ thuộc vào lòng «từ thiện» của người khác. Điều này rất nhục nhã đối với người Phương Đông còn hơn người Phương Tây. — Trung Đông, uy tín và danh dự còn quan trọng hơn thức ăn hay mạng sống. Tiền bạc, quyền hành và học thức đem lại cho con người uy tín và địa vị, bởi vì nhờ đó con người ta tương đối độc lập và có khả năng giúp đỡ người khác. Những người thật sự nghèo thì sống nhờ vào người khác nhưng không có ai sống nhờ vào họ. Họ là những người ở bực thang thấp nhất trong xã hội. Họ không có uy tín và danh dự. Họ không xứng đáng làm người. Đời sống của họ là vô ý nghĩa. Người Tây Phương ngày nay thì xem đó là mất nhân phẩm.
Vì thế thành ngữ «người nghèo» chỉ những ai bị đàn áp, những ai sống nhờ ở lòng từ thiện của kẻ khác. Và như vậy thành ngữ này cũng có thể hiểu rộng để ám chỉ những ai hoàn toàn lệ thuộc vào lòng từ bi của Thượng đế - những người nghèo về tinh thần (Mt 5:3).
Người «tội lỗi» là người bị xã hội ruồng bỏ. Ai sống sai luật và các phong tục cổ truyền của giới trung lưu (những người trí thức, những người đạo đức, những kinh sư và Pharisêu) sẽ bị xem là giai cấp hạ lưu. Những người tội lỗi là một giai cấp có ranh giới rõ rệt, họ cũng giống như giai cấp nghèo hiểu theo nghĩa rộng.
Họ gồm những người làm những nghề tội lỗi hay nhơ bẩn như đỉ điếm, thu thuế, cướp bóc, chăn gia súc, cho vay nặng lãi và cờ bạc. Những người thu thuế bị xem là lường gạt và cướp bóc vì nghề nghiệp cho phép họ định đoạt thuế má và tiền huê hồng. Chắc chắn là nhiều người trong bọn họ không liêm chính lắm. Cũng vậy, những người chăn gia súc bị nghi là vào đất kẻ khác mà trộm sản phẩm của súc vật. Những nghề nghiệp này và một số nghề nghiệp khác bị xem là ô nhục.
Người tội lỗi cũng là người không đóng thuế (một phần mười lợi tức) cho các giáo sĩ, và cũng là người xao lãng ngày Sabát hay không kiên giữ nghi thức gội rửa. Những luật lệ và phong tục về các vấn đề này thật rất phức tạp, nên người thất học khó mà hiểu được phải làm gì. Kinh Thánh là lề luật và các sách ngôn sứ, và các ngôn sứ được xem là những người giải thích luật. Vì thế được giáo dục có nghĩa là thông hiểu lề luật và các chi tiết của nó. Những người mù chữ và thất học chắc chắn là phạm luật và vô luân. Những người nông quê thất học là «thứ người không biết lề luật», bị người Phariasêu xem là loại người không có khả năng đức hạnh và đạo đức.
Không có lối thoát thực tế nào cho người tội lỗi cả. Theo lý thuyết, người đĩ điếm có thể được sạch lại sau khi làm những nghi thức rườm rà về thống hối, tẩy rửa và chuộc tội. Tuy nhiên làm thế rất tốn kém và của phi nghĩa của họ không được dùng cho mục đích này vì tiền bạc họ làm ra đã bị ôi thối. Người thu thuế thì phải bỏ nghề và phải bồi thường một phần năm cho ai bị họ gian lận. Người thất học thì phải được giáo huấn lâu năm để chắc chắn họ đã «sạch sẽ». Mang danh tội lỗi là như mang số mệnh rồi. Họ đã bị tiền định làm người thấp hèn vì số mệnh hay vì ý muốn của Thượng đế. Theo ý nghĩa này thì người tội lỗi là người bị giam giữ hay tù nhân.
Họ phải đau khổ vì thất vọng, vì mang mặc cảm tội lỗi và lo âu. Họ thất vọng vì biết rằng chẳng bao giờ mình được vào hàng những kẻ được kính trọng. Điều họ cảm thấy cần nhất là uy tín và được dân chúng quí trọng, nhưng họ không có được điều này. Họ cũng không cảm thấy được an ủi để có tên trong sổ của Thượng Đế. Những kẻ trí thức bảo rằng họ không đẹp ý Thượng Đế và «phải biết lấy bản thân». Kết quả là tạo nên ở họ một loại tâm bệnh đưa đến sợ hãi và lo âu, vì họ sợ nhiều hình phạt sẽ đổ lên đầu họ.
Người nghèo và người bị đán áp thường dễ mang bệnh tật. Điều này đặc biệt xảy ra trong thời Đức Giêsu, không phải chỉ do điều kiện vật chất nhưng cũng do tình trạng tâm lý. Nhiều người hình như mang bệnh tâm thần làm thần kinh căng thẳng và phát hiện ra ở những bệnh như tê liệt và nói ngọng nghệu. Nhưng hãy tạm gác qua một bên cách giải thích bệnh tật theo khoa tâm lý ngày nay. Hãy xem dân chúng thời bấy giờ giải thích những bệnh này thế nào.
Theo người Dothái và người Đông Phương ngoại giáo thì thể xác là nơi cư ngụ của thần khí. Thiên Chúa thổi thần khí vào con người làm thành đàn ông hay đàn bà. Lúc chết thần khí này lìa thể xác. Lúc sống có những thần khí khác cũng có thể xâm nhập vào thể xác con người - có thể là một thần khí tốt (Thần khí của Thiên Chúa) hay một thần ác, thần dơ dáy, hay ma quỉ. Điều này thấy rõ nơi cách cư xử của con người. Khi một người hành động quái dị, không tự chủ được, thì rõ ràng là bị thứ gì ám.
Người Đông Phương cho rằng không phải thần khí của người ấy đang hoạt động, nhưng chính là bị một thần khí nào đó ám. Gọi người nào có thần khí tốt hay xấu là tùy theo cách mình phê phán họ ăn ở làm sao. Như vậy, cách cư xử khác thường và bộc phát của một vị tiên tri (đặc biệt là khi xuất thần) thì được xem là do thần khí của Thượng đế, trong khi bệnh tâm thần thì cho là bị thần dữ ám.
Triệu chứng của thằng bé bị quỉ ám trong Phúc âm đối với chúng ta là triệu chứng chứng kinh phong: nó lăn đùng xuống đất hay nhảy vào lửa, trở thành điếc, câm, động kinh, méo mồm, sùi bọt mép (Mc 9:17-27).
Cũng dễ hiểu tại sao người ta nói nó bị quỉ ám. Có lẽ người đàn ông bị co giật trong hội đường (Mc 1:23-26) cũng mắc bệnh động kinh. Người bị quỉ ám ở Ghêsara sống giữa mồ mả với thần khí của người chết rõ ràng là một người điên. «Không ai có thể kiềm chế anh ta được, dầu có dùng dây xích... Anh bẻ gãy cả xích và gông, không ai đủ sức kiềm chế anh ta. Suốt ngày đêm... anh tru tréo và lấy đá đập vào mình» (Mc 5:3-5). Rõ ràng là anh bị thần ô uế hay thần dữ ám (Mc 5:2).
Một số bệnh tật và bệnh thần kinh cũng bị cho là do thần dữ ám. Luca kể lại chuyện một người đàn bà bị «quỉ ốm yếu» ám trở nên què quặt, nghĩa là quỉ làm cho bà yếu ớt. «Bà bị còng lưng», như thế là bị «Satan bẻ cong». Quỉ này đã nhập vào người bà nên mới gây nên tàn tật (lc 13:10-17). Rồi còn có quỉ câm quỉ điếc bịt tai bịt mồm những người câm điếc (Mc 9:18,25; 7:35). Cơn sốt nặng của bà mẹ vợ ông Simon không nói rõ là do quỉ ám, nhưng lời nói của Đức Giêsu cũng ngụ ý như vậy : «Đức Giêsu quát mắng cơn sốt và nó ra khỏi bà» (Lc 4:39). Người bị bại liệt được tha tội (Mc 2:1-12) xem ra bị căng thẳng thần kinh do mặc cảm tội lỗi. Anh ta có thể bị cho là quỉ què ám mặc dù các sách Phúc âm không dùng cách nói đó.
Trên đây là những chứng bệnh mà ngày chúng ta gọi là bệnh dị ứng. Bệnh ngoài da thì không gọi như vậy vì người thời đấy cho đó là tác dụng của thể xác chứ không phải của thần dữ ẩn bên trong. Ai bị bệnh ngoài da đều gọi là bị phong hủi. Thời xưa phong hủi là một danh từ chỉ mọi thứ bệnh ngoài da, kể cả trầy da hay nổi mụn. Người phung không bị cho là do quỉ ám, nhưng thân thể dơ bẫn cũng là do tội lỗi gây nên.
Tất cả những bất hạnh và bệnh tật là điều dữ. Đó là những cái khổ mà Thượng để gửi đến để phạt tội - tội của mình hay tội của người trong gia đình và tội của tổ tiên. «Ai phạm tội, người này hay cha mẹ nó, mà nó phải sinh ra mù loà?» (Gio 9:2; Luc 13:2,4). Tuy nhiên những bệnh tật không phải do chính Thượng đế trực tiếp nhúng tay vào, nhưng là do bàn tay của các thần dữ (Gióp 1:12).
Tội lỗi và đau khổ thường đi đôi với nhau, đó là một chân lý căn bản: làm tội là gây đau khổ cho chính mình và cho người khác. Nhưng điều này đã bị nhận thức sai. Dân chúng thời bấy giờ được dạy rằng phạm tội là do không giữ luật mà chính họ thường cũng chẳng biết. Như vậy làm tội không phải luôn luôn là một hành động có chủ tâm. Người ta có thể làm tội vì sai lầm hay ngu dốt. Người ta cũng có thể mang tội của người khác. Con hoang và con cháu đến mười đời vẫn còn phải mang tội. Nếu người Dothái nào không mang dòng máu chính tông hoặc không chứng minh được tổ tiên có dòng máu chính tông, thì họ phải mang tiếng xấu của tổ tiên vì có dòng máu pha máu ngoại đạo. Bởi vì tội lỗi được gán một cách máy móc, thì hình phạt và đau khổ cũng phải chịu một cách máy móc như vậy.
Trong hoàn cảnh này người ta rất dễ tin dị đoan, và dĩ nhiên người nghèo và thất học lại càng dễ tin dị đoan hơn nữa. Cả người Dothái cũng như người ngoại đạo ở Palêtina đều thỉnh thầy pháp vì tin rằng họ có thể đoán được bệnh tật từ đâu đến.
Đây là một giai đoạn đen tối hãi hùng mà người tứ cố vô thân bị đe doạ mọi mặt do thần ác cũng như do kẻ nghịch. Họ ở trong tay ma quỉ và tin rằng chúng có thể giáng bệnh hay làm cho họ điên. Họ cũng ở trong tay vua chúa như là hàng hoá có thể mua bán, tiêu dùng hay sa thải tùy theo chính sách đương thời. Họ thường bị bóc lột thuế má.
Người nghèo và người bị đàn áp cũng nằm trong tay những kinh sư là những người chỉ đưa ra những lề luật nặng nề để đàn áp chứ không bao giờ để nâng đỡ (Lc 11:46). Họ không được hưởng quyền lợi công dân. «Họ không được làm chức cao hay làm chứng trước toà.» «Tất cả những chức vị cao, những công việc có uy tín, và công chức, chỉ dành cho người Israel chính tông,» nghĩa là cho những người không tội lỗi và có thể chứng minh tổ tiên của họ không nhơ bẩn và không bất hợp pháp. Những người tội lỗi cũng không được đến hội đường.
Đó là số phận của những «người bị đàn áp», những «người bị bách hại» và”tù nhân” (Lc 4:18; Mt 5:10). Đó là những người ngày nay người ta gọi là «bị áp bức», «sống bên lề xã hội» hay «loại mạc kiếp»- họ là những người không đáng được đếm xỉa. Nhưng họ là đại đa số dân chúng ở xứ Palêtina - họ là đám đông nói trong Phúc âm. Giới trung lưu thì rất ít, còn thượng lưu lại càng ít hơn nữa. Những người chuyên nghiệp, người có cửa hàng, người làm thợ như thợ mộc, thợ đánh cá, thì được ‘nể nang’. Họ thuộc giai cấp trung lưu. Người Pharisêu, Étsên, Dêlót là hạng học thức và thuộc trung cấp. — vào giai đoạn chót của Giêrusalem có thể cũng có một số dân đen dốt nát lề luật trong nhóm Dêlót. Nhưng cách chung người nghèo và người bị đàn áp không tham gia vào phong trào tôn giáo-chính trị này.
Giới thượng lưu hay giới cầm quyền thì rất giàu có và sống xa hoa. Giữa hai giới thượng và trung lưu có một hố sâu kinh tế. Thượng lưu gồm có hoàng gia của Hêrốt được thuế má cung phụng, các gia tộc giáo sĩ quí tộc (các thượng tế) ăn bám vào Đền Thờ và giới quí tộc thường dân nắm hầu hết đất đai.
Đức Giêsu xuất thân từ giai cấp trung lưu. Ngài không sinh ra và giáo dục như người nghèo hay người bị dàn áp. Không giống như Phaolô, Đức Giêsu không là công dân Lamã và như thế ngài không được hưởng quyền công dân Lamã. Nhưng không có gì bất lợi cho ngài lắm trong xã hội ngài sống. Điều bất lợi duy nhất cho ngài chỉ có ở Giêsrusalem, đó là vì Giêsu là người Galilê. Người Dothái chính cống ở Giêrusalem thường khinh rẻ những người Dothái trung lưu xuất thân từ Galilê.
Cái đẹp của Đức Giêsu là mặc dù xuất thân từ giới trung lưu và không phải chịu thiệt thòi gì, nhưng ngài lại hoà đồng với giai cấp thấp nhất và xem mình là người của họ. Ngài tự ý trở thành người bị loại ra rìa. Tại sao Giêsu hành động thế đó? Tai sao con người trung lưu này tiếp xúc với người ăn xin và hoà đồng với giới nghèo? Tại sao một tiên tri lại trà trộn với dân đen ngu dốt lề luật? Câu trả lời thấy rõ trong các Phúc âm: đó là do lòng từ bi.
«Ngài động lòng thương khi thấy dân chúng, và ngài chữa bệnh cho nhiều người» (Mt 14:14). «Ngài động lòng thương vì thấy dân chúng sầu nảo và bơ vơ như chiên không người chăn» (Mt 89:36, đối chiếu với Mc 6:36). Đức Giêsu động lòng trước tình cảnh khốn khổ và nước mắt của người goá phụ thành Nain. «Thôi đừng khóc nữa», ngài bảo chị (Lc 7:13). Ngài cũng cảm thương khi thấy người phung hủi (Mc 1:41), hai người mù (Mc 20:34) và đám dân không có gì để ăn (Mt 8::2).
Trong các Phúc âm, có khi lòng từ bi của Đức Giêsu không được nhắc đến nhưng chúng ta cũng cảm thấy được. Đức Giêsu nói đi nói lại nhiều lần: «Đừng khóc nữa,» «Đừng khóc nữa,» «Đừng sợ hãi» (Mc 5:36; 6:50; Mt 6:25-34; xem thêm Mc 4:40; Lc 10:41). Đền thờ vĩ đại không đánh động lòng ngài được (Mc 13:1-2), nhưng ngài lại cảm động khi thấy một goá phụ nghèo bỏ đồng bạc duy nhất của bà vào hòm tiền Đền thờ (Mc 12:41-44). Trong khi mọi người phấn khởi khi thấy «phép lạ» cứu con gái của Giaru, thì ngài chỉ sợ nó đói bụng (Mc 5:42-43).
Điều làm cho người Samaritanô khác lạ là ông cảm thương một người đang nằm dở sống dở chết ở dọc đường (Lc 10:33). Điều làm cho người cha nhân ái trong dụ ngôn khác lạ là ông thương đứa con hoang đàng quá đổi (Lc 15:20). Điều làm cho Đức Giêsu khác lạ là ngài yêu thương vô bờ bến người nghèo và người bị đán áp.
Thành ngữ «động lòng» của tiếng Việt có lẻ diễn tả rất là cụ thể nổi ‘cảm xúc’ trong ruột trong gan chứ không chỉ ngoài môi mép.
Rõ ràng là Đức Giêsu động lòng. Đó là một cảm giác thật sự mà các Phúc âm gia và Giáo hội sơ khai đã không ngại dùng để nói về Đức Giêsu.
Sự cảm xúc «động lòng» này của Giêsu là lý do cho mọi hoạt động, mọi suy tư và mọi ảnh hưởng của ngài đối với người nghèo và người bị đàn áp.
Nếu sự đau khổ của người nghèo và người bị đàn áp đã có ảnh hưởng lớn đến Đức Giêsu, thì viễn tượng của đau khổ lớn hơn trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến ngài thế nào nữa. Nghĩ đến tai ương sắp xảy đến sẽ làm đổ máu nhiều người và gây ra đau khổ không thể tưởng tượng được, chắc hẳn đã làm động lòng con người đầy lòng từ ái đó. «Khốn thay những người mang thai hay có con còn bú trong những ngày đó» (Lc 21:23). «Chúng sẽ đạp dập đầu các ngươi và con cái các ngươi» (Lc 19:44).
Giêsu cũng chạnh lòng mà khóc như Giêrêmia. Nhưng làm gì bây giờ ? Thương hại hay thông cảm thì dễ, nhưng nào có ai làm gì được?
Gioan thì dùng phép rửa thống hối; còn Giêsu thì quyết tâm giải phóng dân chúng khỏi đau khổ và phiền muộn trong hiện tại và tương lai. Nhưng ngài làm thế nào?


__________________________________

Chương trước (02) <=> Chương sau (04)



Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam