04 Chương 4 - Chữa bệnh
Chương 4
Chữa
bệnh
Thời ấy rất
hiếm thầy thuốc, kiến thức của họ về thuốc men thì hạn hẹp và người nghèo lại
cũng không có tiền chạy thầy. Chúng ta đã đề cập đến các thầy phù thuỷ và thầy
tướng số. Cũng có những thầy phù thủy chuyên nghiệp nói là trừ tà được và thỉnh
thoảng họ cũng làm được.
Những thầy
trừ quỉ chuyên nghiệp bảo là họ thành công nhờ ở chỗ làm đúng các nghi thức cổ
truyền. Đó là đọc các câu phù chú, làm những động tác tượng trưng, dùng những
chất liệu đặc biệt hay gọi hồn một nhân vật quan trọng nào đó trong quá khứ
(như Solomon) đã truyền lại nghi thức. Họ không khác những thầy ảo thuật mấy.
Nhưng thỉnh
thoảng cũng xuất hiện một vài nhân vật thánh thiện (như Hanina con ông Dôsa) có
thể cầu mưa hay chữa bệnh.
Đức Giêsu thì
hành động khác với những người này. Có thể một đôi khi ngài dùng nước bọt hay
một chất liệu gì thường được xem như là thuốc (Mc 7:33; 8:23). Cũng có lúc ngài
sờ đến bệnh nhân (Mc 1:31,41; 6:56; 8:22-25), nắm tay họ hay đặt tay lên họ.
Nhưng không bao giờ ngài đọc phù chú hay gọi thần. Rất có thể ngài bị cáo là
lấy danh Bêdêbút hay Satan mà trử quỉ vì ngài không không gọi thần hay dùng
nghi thức cổ truyền nào cả.
Cũng có thể
Giêsu cầu nguyện tại chỗ (Mc 9:29), nhưng ngài không giống như những người
thánh thiện cầu mưa hay chữa bệnh. Những người này tin mình thánh thiện và có
thế giá trước Thượng đế, còn Giêsu thì tin vào sức mạnh của lòng tin. Đối với
ngài không phải lời cầu có khả năng chữa bệnh, nhưng là lòng tin (Mt 21:22).
Phúc âm nhắc
đi nhắc lại lời Đức Giêsu bảo người bệnh: «Đức
tin của chị đã chữa cho chị». Đây là một lời tuyên bố lạ lùng, vì nó cho
thấy Giêsu khác với hết mọi thầy lang, thầy trừ tà hay người thánh thiện. Thực
vậy Giêsu cho thấy không phải chính ngài chữa lành bệnh, cũng không phải ngài
dùng tâm lý hay thế lực với Thượng đế, hay nhờ đọc phù chú hoặc sức chữa bệnh
của nước bọt. Ngài cũng không nói rõ là Thượng đế chữa bệnh nhưng «Đức tin của chị đã chữa chị».
Đây là lời
tuyên bố rất lạ lùng, bởi vì Đức Giêsu cũng như mọi người Dothái khác đều tin
rằng «Thượng đế có thể làm được mọi sự»
(Mc 10:27). Nhưng đối với Giêsu «Thượng
đế có thể làm được mọi sự» có nghĩa là «mọi
sự có thể làm được nếu người ta có lòng tin» (Mc 9:23). Đó là điều Giêsu
khác với những người đương thời. Người có lòng tin thì cũng giống như Thượng đế
- nghĩa là có nhiều quyền năng. «Nếu các
người có lòng tin lớn như hạt cải thôi, thì không có gì mà không làm được. Các
người có bảo núi này, ‘Dời đi nơi khác’ thì nó cũng dời» (Mt 17:20).
Hạt cải và
hòn núi chỉ là cách nói tượng trưng. Đức tin giống như hạt cải, dù bé nhỏ và
không đáng giá nhưng lại có thể làm nên đại sự. Đức tin có thể di chuyển núi,
hoặc theo Phúc âm Luca, có thể dời cây dâu (Lc 17:6). Lối nói ẩn dụ này có vẻ
khó hiểu, nhưng điều rõ ràng nhất là đối với Đức Giêsu thì đức tin có thể làm
được điều không thể làm được.
Gioan Tẩy giả
thì dựa vào phép rửa thống hối, còn Giêsu thì dựa vào lòng tin. Sức mạnh để cứu
chữa trần gian và làm điều phi thường là sức mạnh của lòng tin. «Lòng tin của các người đã chữa các người».
Lòng tin đây
không phải như tin giáo lý hay tin các tín điều. Nhưng đó là một niềm xác tín
mãnh liệt. Bệnh nhân có lòng tin khi họ tin chắc rằng họ có thể lành và sẽ
lành. Khi niềm xác tín này mạnh đủ thì bệnh sẽ lành; họ có thể đứng dậy đi
được. Nếu ai nói với lòng đầy xác tín, «nếu
lòng không nghi nan mà tin rằng điều mình nói sẽ được, thì sẽ được» (Mc
11:23). Nếu ai xin điều gì và hết lòng tin tưởng rằng «mình đã được, thì sẽ được» (Mc 11:24). Chỉ cần nghi ngờ hay lưỡng
lự thì không làm được gì cả. Điển hình là lúc Phêrô đi trên nước: lòng ông chỉ
nghi ngờ một chút mà làm ông phải chìm xuống (Mc 28:-31). Khi các môn đệ của Đức
Giêsu bắt đầu trừ quỉ thì không trừ được, vì lòng tin của họ còn yếu ớt và
lưỡng lự, họ có lòng tin quá kém (Mt 17:19-20).
Điều này
không có nghĩa là sức mạnh của đức tin chỉ là do lòng xác tín mạnh mẽ hay do
ảnh hưởng tâm thần mà chữa được bệnh gọi là «liệu pháp tâm thần». Đức tin không phải là bất cứ lòng xác tín nào
- phải hay trái, tốt xấu hay vô dụng. Nhưng đó là một lòng xác tín đặc biệt và
có hiệu lực tự chính nó. Đức tin là một niềm xác tín tốt đẹp và chân thực. Đó
là lòng xác tín rằng cái gì đó sẽ xảy ra, sẽ đến bởi vì nó tốt đẹp, vì điều
thiện có thể thắng và sẽ thắng điều ác. Nói cách khác, đó là lòng xác tín rằng
Thiên Chúa tốt với nhân loại và ngài có thể thắng và sẽ thắng điều ác. Sức mạnh
của lòng tin là sức mạnh của chân và thiện, đó là sức mạnh của Thiên Chúa.
Đối nghịch
với tin là buông xuôi theo định mệnh. Buông xuôi không phải là một triết lý
sống ở một hang hay ngõ hẻm nào trên thế giới. Buông xuôi là một thái độ chung
của hầu hết mọi người. Người ta thường nói: «Tôi không làm được gì hết», «Tôi
không thay đổi được thế giới», «Bạn
phải thực tế», «Không hy vọng gì»,
«Không có gì mới lạ trong thế gian này»,
«Bạn phải chấp nhận thực tế». Đó là
những lời của những kẻ không tin vào quyền năng của Thiên Chúa, không thực sự
hy vọng ở những gì Thiên Chúa hứa sẽ ban cho.
Tin và hy
vọng là hai điều rất giống nhau. Theo Kinh thánh, tin không khác với hy vọng
lắm (Heb 11:1; Rom 4:18-22). Chúng ta chỉ có thể nói rằng tin và hy vọng là hai
mặt của cùng một thái độ, cũng như không tin và thất vọng là hai mặt của một
thuyết định mệnh.
Chúng ta đã
thấy số kiếp hẩm hiu của người nghèo, người tội lỗi và người bệnh trong thời Đức
Giêsu. Kết quả của việc chữa bệnh của Đức Giêsu là lòng tin và hy vọng, khác
với lòng tin ở định mệnh. Người bệnh lâu nay cam phận với số mạng nay lại được
khuyến khích tin rằng họ có thể lành và sẽ được lành bệnh. Lòng tin của Đức
Giêsu và niềm xác tín không lay chuyển của ngài đã khơi dậy lòng tin nơi dân
chúng. Tin là một thái độ mà họ có được khi tiếp xúc với Đức Giêsu. Lòng tin
không ai dạy cho được, nhưng tin là tin. Vì thế dân chúng đến với Giêsu để được
tin mạnh hơn (Lc 12:5), hay là để giúp lòng yếu tin của mình (Mc 9:24). Đức
Giêsu làm khơi dậy lòng tin. Một khi lòng tin được khơi dậy, nó sẽ lan từ người
này sang người khác. Các môn đệ được phái đi để khơi dậy lòng tin nơi những
người khác.
Một khi bầu
khí định mệnh đen tối được thay thế bằng bầu khí đức tin, thì điều không thể
làm được sẽ làm được. Ở Nadarét là quê quán của Đức Giêsu dân chúng không có
lòng tin, và vì thế ở đó không có phép lạ xảy ra (Mc 6:5-6). Nhưng ở những nơi
khác trong miền Galilê thì dân chúng được chữa lành bệnh, tà ma bị trục xuất và
người phung hủi được lành mạnh lại. Phép lạ giải phóng đã bắt đầu thực hiện.
Nhưng đấy có
phải thực sự là phép lạ chăng?
Đối với người
tin cũng như người không tin thì phép lạ thường được xem như là trái luật tự
nhiên, vì trái với lý trí và khoa học. Nhưng đây không phải là điều mà Kinh
Thánh nói. Nếu không tin, bạn thử hỏi bất cứ học giả Thánh Kinh nào. «Luật tự nhiên» là một ý niệm khoa học
tân thời. Thánh Kinh không biết gì đến tự nhiên, thì nói làm gì đến luật tự
nhiên. Thế giới là sáng tạo của Thiên Chúa và bất cứ điều gì xảy ra trên thế
giới, bình thường hay khác lạ, là do sự quan phòng của Ngài. Thánh Kinh không phân
loại các biến cố là tự nhiên hay siêu tự nhiên. Một cách nào đó Thượng Đế làm
chủ mọi biến cố.
Phép lạ trong
Thánh Kinh là một biến cố bất thường được hiểu như là một hành động khác thường
của Thiên Chúa, một hành động vĩ đại. Có những việc của Thiên Chúa gọi là phép
lạ hay điềm lạ vì chúng làm cho chúng ta sửng sốt, ngạc nhiên và thán phục. Như
thế công việc sáng tạo thế giới là một phép lạ, ân sủng là phép lạ, cây cải lớn
mọc lên từ hạt giống nhỏ là một phép lạ, cuộc giải phóng dân tộc Dothái khỏi Aicập
là một phép lạ, «vương quốc» của
Thiên Chúa là một phép lạ. Thế giới có đầy dẫy phép lạ đối với những ai nhận ra
được. Nếu chúng ta chỉ ngạc nhiên và thán phục khi thấy cái gì khác với luật tự
nhiên thì thật là đáng buồn cho chúng ta!
Các luật tự
nhiên chỉ là những giả định của khoa học. Chúng rất quan trọng và thực tế đối
với chúng ta. Tuy nhiên luật là luật, chúng đã phải sửa đổi hoài và tu chỉnh
tuỳ theo những khám phá mới. Có những luật gọi là tự nhiên ở thế kỷ 17 bây giờ
không còn gọi là tự nhiên nữa. Bất cứ một khoa học gia liêm chính nào cũng nói
rằng những luật tự nhiên được khám phá mới nhất không phải là bất di bất dịch.
Nhiều khoa học gia cũng nói rằng không nên tiên quyết bài bác các phép lạ. Còn
rất nhiều bí ẩn trong thế giới mà chúng ta chưa hiểu được.
Do đó những
luật tự nhiên không có đủ tiêu chuẩn để quyết đoán cái nào là phép lạ cái nào
không. Có những điều nghịch với luật tự nhiên mà chúng ta biết được lại không
phải là phép lạ hay là hành động của Thượng Đế, tỉ dụ như châm cứu, khả năng ngoại
cảm, dùng ý chí để bẻ cong nỉa, và những kỳ công của các thầy yoga Ấn độ. Đàng
khác cũng có phép lạ được xem là tự nhiên. Đối với người Dothái phép lạ vĩ đại
nhất là phép lạ xuất hành vượt qua Biển Sậy (không phải là Biển Đỏ, đây chỉ là
do dịch sai; Biển Sậy là vùng đầm lầy ở phía bắc Biển Đỏ). Tất cả các học giả
liêm chính ngày nay đều đồng ý rằng cuộc vượt biển của người Dothái và chết
chìm của quân đội Aicập là do hiện tượng tự nhiên của sóng biển và gió lớn, còn
đối với người Dothái thì đó là sự quan phòng của Thiên Chúa. Dẫu sao đây vẫn là
một phép lạ vĩ đại nhất trong Cựu ước. Những thêm thắt vào biến cố này là để
cho chúng ta thán phục điều Thiên Chúa làm cho dân tộc Israel .
Như vậy phép
lạ là một hành động của Thiên Chúa làm cho chúng ta kinh ngạc và thán phục, vì
đó là một hành động mạnh mẽ và phi thường. Hiểu như vậy thì phép lạ có thể gọi
là - như Thánh Kinh thường gọi- dấu chỉ quyền lực, quan phòng, công lý và khoan
dung của Thiên Chúa và ý chí cứu độ và giải phóng của ngài.
Thế thì phải
hiểu các câu chuyện về phép lạ của Đức Giêsu thế nào?
Có một giả
thuyết xem ra rất đúng nói rằng Mátcô không hài lòng với hình ảnh Đức Giêsu là
một ông thầy được lưu truyền trong Giáo hội thời bấy giờ. Những người không
biết Đức Giêsu lúc ngài còn sống mà chỉ biết ngài qua lời giảng dạy hay các
phép lạ của ngài. Mátcô muốn sửa lại hình ảnh một chiều này. Có thể Mácô đã
gặp, trực tiếp hay gián tiếp, những dân làng đơn sơ sống cùng thời với Đức
Giêsu. Có thể những người này không bao giờ trở thành Kitô hữu, nhưng họ nhớ và
kể lại Đức Giêsu đã gây ấn tượng tốt đẹp cho người nghèo và người bị đàn áp thế
nào - qua các phép lạ. Phép lạ thì hấp dẫn hơn là những bài thuyết giáo hay tư
tưởng đạo lý mới. Phép lạ được kể đi kể lại chung quanh lửa hồng lúc đêm về và
chỉ cần thêm thắt chút ít là mọi người sẽ say mê ngay.
Những bài
tường thuật về các phép lạ trong Phúc âm Mátcô có lẽ cũng do góp nhặt những câu
chuyện trên. Cũng có những câu chuyện khác Mácô được nghe từ Phêrô hay các môn
đệ khác kể lại. Khi viết lại các phép lạ nghe nói, Mát cô không áp dụng phương
pháp sử ngày nay. Ông chỉ nghe sao kể lại vậy thôi. Hơn nữa phép lạ thì dễ dàng
thu hút thính giả. Người ta ai ai cũng hiểu và thích thú nghe phép lạ. Chắc
Mátthêu và Luca cũng theo lối viết của Mátcô. Còn Gioan thì dựa vào các «dấu hiệu» và «hành động» của Giêsu.
Do đó những
câu chuyện về phép lạ truyền lại đến ngày nay rất có thể đã được thêm thắt và
phóng đại. Cũng có thể lúc ban đầu chúng không phải là phép lạ hay hiện tượng
lạ lùng (tỉ dụ đi trên nước, bánh hoá thành nhiều, cây vả bị nguyền rủa và nước
biến thành rượu). Điều này xem ra đúng nếu chúng ta đọc kỹ các bản văn về các
phép lạ.
Vì thế, sau
khi đã lưu ý các điểm trên, chúng ta có thể tin rằng thật sự Giêsu có làm phép
lạ, và ngài đã trừ tà cũng như chữa bệnh một cách lạ lùng. Nhưng còn điều lạ
này nữa là mặc dù các phúc âm gia cố tìm các phép lạ để kể lại, nhưng các ông
lại không quên viết ra rõ ràng rằng Đức Giêsu làm phép lạ một các miễn cưỡng.
Những người
Pharisêu thì lại đòi Đức Giêsu làm «những
dấu lạ từ trời», và mỗi lần như thế ngài đều từ chối (Mc 8:11-13; xem thêm
Lc 11:16; Gioan 2:18; 4:48; 6:30). Họ muốn thấy một phép lạ vĩ đại để chứng
minh sứ mạng của ngài và cũng để chứng minh ngài là một vị ngôn sứ Thiên Chúa
gửi đến. Bằng không, làm sao họ tin ngài được? Nhưng Đức Giêsu nhất định từ
chối làm dấu lạ và còn tuyên bố rằng cái thế hệ đòi dấu lạ này chỉ là một thế
hệ gian ác và bất tín (Lc 11:29).
Điều này
chứng tỏ Đức Giêsu khác xa những người của thế hệ ngài. Ngài cho rằng làm phép
lạ để chứng minh cho mình là một hành động quỉ ma, như trong câu chuyện bị cám
dỗ trong sa mạc khi Satan thách thức ngài nhảy từ tháp Đền Thờ xuống. Đức Giêsu
chống lại lời cám dỗ vì nó dám thử thách Thiên Chúa. (Lc 4:12).
Hầu hết những
người đạo đức nào thời bấy giờ cũng cảm thấy bị cám dỗ dùng dấu lạ từ trời để
chứng minh cho sứ mạng của mình.
Ai nghĩ rằng
lý do thúc đẩy Đức Giêsu làm phép lạ chữa bệnh là muốn làm một cái gì, hoặc là
để chứng minh ngài là Vị Cứu Tinh hay Con của Thượng đế, đều không hiểu ngài.
Lý do độc nhất thúc đẩy ngài chữa bệnh là do lòng từ bi. Ngài chỉ muốn người ta
đừng đau khổ nữa và cũng đừng cam phận chịu đau khổ. Ngài nghĩ rằng việc này có
thể làm được và sẽ thành công nhờ ở lòng tin của ngài. Ngài cũng không nghĩ
rằng chỉ có mình mới có lòng từ bi, mới có lòng tin hay mới chữa bệnh được.
Điều ngài muốn: là khơi dậy trong lòng mọi người lòng từ bi và lòng tin. Chỉ có
vậy cũng đủ để lôi kéo quyền lực của Thiên Chúa tác động một các hữu hiệu giữa
họ.
Kết quả là
mặc dù Đức Giêsu không quyết ý chứng minh gì cả, nhưng các phép lạ của ngài
cũng đủ chứng minh rằng Thiên Chúa đang ra tay giải phóng dân ngài nhờ ở lòng
tin mà Đức Giêsu khơi dậy nơi họ.
Comments
Post a Comment