02 Chương 2 - Lời tiên tri của Gioan Tẩy giả
Chương 2
Lời
tiên tri của Gioan Tẩy giả
Bốn sách nhỏ
mà chúng ta gọi là sách Phúc âm không phải là tiểu sử, và cũng không bao giờ có
dụng ý như vậy. Mục đích của các sách này là để trình bày Đức Giêsu sao cho có
ý nghĩa đối với dân chúng sống ngoài đất Palêtina một hay hai thế hệ sau Đức
Giêsu. Thế hệ đầu tiên của những người Kitô không cảm thấy cần có một tiểu sử
rõ ràng về Đức Giêsu. Họ chỉ muốn biết Giêsu có ý nghĩa gì với hoàn cảnh của họ
đang sống ngoài đất Palêtina.
Ngày nay
chúng ta cũng không cần có một tiểu sử của Đức Giêsu hơn thế hệ đầu tiên hay
bất kỳ thế hệ nào. Cũng như họ, chúng ta chỉ cần có một quyển sách về Đức Giêsu
để xem ngài có ý nghĩa gì cho hoàn cảnh hiện tại của chúng ta. Một danh sách
các tên tuổi, địa thế hay ngày tháng thật ra không đủ để làm cho một nhân vật
lịch sử sống động lại với thế hệ sau.
Tuy nhiên,
chúng ta cũng có thể làm cho Đức Giêsu sống động lại với chúng ta bằng cách mở
bốn sách Phúc âm để xem Giêsu đã đem gì đến cho dân chúng Palêtina trong thời
đại của ngài. Chúng ta không cần một tiểu sử, nhưng cần một lịch sử xác đáng về
Đức Giêsu. Nếu chúng ta đọc kỹ ẩn ý của bốn sách Phúc âm và triệt để khai thác
những tài liệu đang có về hoàn cảnh đương thời, chúng ta sẽ biết được lịch sử
chính xác về Đức Giêsu. Điều này có thể làm được, bởi vì mặc dù các Phúc âm
được viết một thế hệ sau Giêsu, nhưng các tác giả đã dùng những tài liệu thời Đức
Giêsu và những người đương thời với ngài. Có nhiều chỗ trong Phúc âm chúng ta
còn đọc được chính những lời Đức Giêsu nói và những công việc ngài làm. Nhưng
điều quan trọng hơn là tìm xem Đức Giêsu muốn gì.
Nếu mục đích
của chúng ta là tìm xem Đức Giêsu muốn thực hiện gì trong đời sống của ngài, có
lẽ nên tìm xem những người đương thời với ngài sống và suy nghĩ thế nào, cũng
như phản ứng của họ đối với ngài làm sao, hơn là biết chính xác những lời ngài
nói và những việc ngài làm. Biết những lời nói và hành động của Giêsu chỉ có
giá trị khi chúng giúp chúng ta khám phá ra dụng ý của ngài.
Đức Giêsu cố
gắng thực hiện gì? Ngài hy vọng làm gì cho dân chúng mà ngài đang sống với
trong thế kỷ thứ nhất ở Palêtina?
Một trong
những phương cách để biết ý định của Đức Giêsu là tìm xem ngài quyết định và
lựa chọn làm sao. Nếu chúng ta có thể tìm ra một biến cố lịch sử cho thấy Đức
Giêsu chọn một trong hai quyết định, chúng ta sẽ thấy được manh mối ngài nghĩ
thế nào. Điều này thấy ở phần đầu của các sách Phúc âm: Giêsu chịu để cho Gioan
rửa.
Dù phép rửa
đó có ý nghĩa gì đi nữa, một điều rõ rệt là Giêsu đứng chung hàng ngũ với Gioan
Tẩy giả chứ không đứng chung với những phong trào đương thời. Nếu chúng ta hiểu
được sự khác biệt giữa Gioan Tẩy giả và những người đương thời với ông, chúng
ta sẽ thấy được Giêsu suy nghĩ thế nào. Sau đây là lịch sử của giai đoạn này.
Người Lamã
thuộc địa hoá xứ Palêtina vào năm 63 trước Tây Lịch. Theo chính sách đặt quan
cai trị người bản xứ, họ đặt Hêrốt làm vua người Dothái. Đức Giêsu sinh ra dưới
thời Hêrốt, gọi là Hêrốt Cả. Năm 4 trước Tây lịch (theo sự tính toán hiện tại)
Hêrốt chết và vương quốc của ông được chia cho ba con. Hêrốt Akêla cai trị xứ
Giuđa và Samaria, Hêrốt Antipa xứ Galilê và Phêraê, và Hêrốt Philíp các miền
phía bắc.
Akala không
dẹp nổi xáo trộn trong dân chúng, vì thế người Lamã rất lo ngại và cuối cùng
truất phế ông mà đặt một quan toàn quyền người Lamã cai trị xứ Giuđa và Samaria . Lúc bấy giờ
Giêsu độ 12 tuổi. Người Lamã bắt đầu cai trị trực tiếp. Đó là khởi đầu giai
đoạn chót và rối loạn lớn trong lịch sử quốc gia Dothái. Giai đoạn này kết thúc
khi người Lamã tàn phá đền thờ, thị trấn và quốc gia Dothái vào năm 70 Tây
Lịch. Cuộc tàn phá toàn diện cuối cùng xảy ra vào năm 135 Tây Lịch. Đấy là giai
đoạn Giêsu sống và chết và cũng là lúc mà những cộng đoàn Kitô đầu tiên phải di
cư.
Nổi loạn bùng
nổ ở đầu giai đoạn này. Lý do là thuế má. Người Lamã kiểm tra dân số và tài
nguyên để đánh thuế. Dân Do thái phản đối vì lý do tôn giáo và nổi dậy bạo
động. Lãnh tụ quân phản loạn là Giuđa người Galilê. Ông tổ chức một phong trào
tranh đấu cho tự do dựa trên tinh thần tôn giáo.
Người Lamã
dẹp ngay phong trào này, và để cảnh cáo, họ đóng đinh thập tự hơn hai ngàn quân
phiến loạn. Nhưng phong trào này vẫn tiếp tục hoạt động. Người Do thái gọi
những người của phong trào là Dêlốt; còn người Lamã gọi họ là quân cướp. Dĩ
nhiên đây là một phong trào hoạt động chìm, có một lối tổ chức không chặt chẽ,
có khi hoạt động từng nhóm và có khi họp nhau lại, như nhóm Sicari chuyên về ám
sát. Có người nhập bọn vì thích đánh nhau, nhưng cũng có người gia nhập vì lý
do tôn giáo mặc dù biết rằng mình có thể bị tra tấn hay bị đóng đanh. Trong sáu
mươi năm trời họ quấy phá quân đội viễn chinh Lamã, thỉnh thoáng nổi dậy đánh
phá hay đánh du kích. Từ một nhóm phản loạn họ thành lập một đoàn quân cách
mạng. Rồi vào năm 66 Tây lịch, khoảng 30 năm sau khi Đức Giêsu chết, với sự hổ
trợ của dân chúng họ lật đổ người Lamã và nắm chính quyền. Nhưng bốn năm sau
Lamã gửi một quân đội thật hùng mạnh đến tiêu diệt họ. Đấy là một cuộc tàn sát
rất tàn nhẫn. Nhóm cách mạng cuối cùng tử thủ đồn Masađa
chống lại quân đội Lamã cho đến năm 73 Tây lịch. Cuối cùng độ một ngàn người tự
sát chứ không muốn bị bắt.
Phong trào
Dêlốt là một phong trào tôn giáo. Thời đó hầu hết người Dothái ở Palêtina tin
rằng Israel là một chế độ thần quyền, họ tin rằng họ là một quốc gia được Thiên
Chúa chọn, Thiên Chúa là vua, là chủ tể và là Chủ của họ; đất đai cũng như tài
nguyên đất nước chỉ thuộc về Thiên Chúa. Chấp nhận Lamã làm chủ là một hành
động phản bội Thiên Chúa. Nạp thuế cho vua Xêda là nạp cho Xêda những gì thuộc
về Thiên Chúa. Nhóm Dêlốt là những người Dothái trung thành, nhiệt tâm với lề
luật và tôn trọng Thiên Chúa là Vua, là Chủ tể.
Nhóm Pharisêu
không chống lại nhóm Dêlốt trong vấn đề này. Sáu ngàn người Pharisêu không chịu
ký trung thành với vua Xêda. Người Lamã cũng phải bãi bỏ luật lệ này đối với
công dân Dothái. Nhưng phần đông người Pharisêu không cảm thấy cần phải vũ
trang để chống lại người Lamã, có lẽ họ thấy phần thiệt thòi sẽ về phía họ.
Điều họ quan tâm nhất là cải tổ nước Israel . Thiên Chúa để họ phải bị
người Lamã thống trị là vì họ không trung thành với lề luật và truyền thống của
cha ông.
Người
Pharisiêu miễn cưỡng nạp thuế cho Lamã, nhưng họ xa tránh những người không
tuân giữ lề luật và truyền thống. Họ thành lập một nhóm riêng gọi là thiểu số
trung kiên của Israel .
Tên Pharisêu có nghĩa là «nhóm riêng»,
nghĩa là những người thánh thiện, là cộng đoàn đích thực của Israel . Luân lý
của họ là luật pháp theo nguyên tắc thưởng phạt. Thiên Chúa yêu thương và ban
thưởng những ai tuân giữ lề luật và gia phạt những ai không tuân giữ. Người
Pharisêu tin có sự sống đời sau, tin người chết sẽ sống lại và tin rằng trong
tương lai Thiên Chúa sẽ gửi đến một vị cứu tinh để giải phóng họ khỏi tay Lamã.
Nhóm Ếtsên
còn đi xa hơn nữa để trở nên toàn hảo. Nhiều người bỏ thế tục, sống độc thân và
khổ hạnh trong những lều ở sa mạc. Họ còn nhiệm nhặt hơn người Pharisêu trong
vấn đề sắc dục, họ sợ bị thế giới gian tà và ô uế làm uế nhiễm. Hàng ngày họ
tuân giữ một cách nhiệm nhặt những nghi thức tẩy rửa mà các giáo sĩ phải làm
trước khi dâng hiến của lễ trong Đền thờ.
Những người
Ếtsên không thừa nhận những ai không thuộc nhóm của họ. Giới giáo sĩ trong Đền
thờ bị họ xem là thối nát. Còn những người ngoài nhóm là «con cái sự tối». Yêu thương và kính trọng chỉ dành cho thành viên
trong nhóm - họ là «con cái sự sáng».
Chỉ họ mới là thiểu số trung kiên của Israel .
Họ xa lìa xã
hội và nghiêm giữ lề luật vì nghĩ rằng ngày tận thế sắp đến. Họ chuẩn bị đón
tiếp một vị Cứu tinh (hay có lẽ là hai vị) và chuẩn bị một cuộc chiến mà ‘con
cái sự sáng’ sẽ tiêu diệt ‘con cái sự tối’ là quân đội của Satan. Người Lamã là
‘con cái sự tối’ đầu tiên sẽ bị hủy diệt.
Người Ếtsên
cũng hiếu chiến như người Dêlốt, nhưng họ nghĩ rằng thời lúc chưa đến. Họ phải
chờ đợi ngày của Thiên Chúa. Vào khoảng năm 66 Tây lịch, khi người Dêlốt nổi
dậy lật đổ người Lamã, thì hình như nhóm Ếtsên cũng tham gia, nhưng sau đó tất
cả cùng bị tiêu diệt.
Trong cảnh
lòng đạo hăng say này, người Sađuxê là nhóm bảo thủ nhất. Họ bám lấy những
truyền thống Hêbru cổ xưa và chống lại những cái mới lạ về tín ngưỡng và nghi
thức. Sự sống đời sau và việc người chết sống lại bị xem là những cái mới lạ.
Thưởng phạt chỉ có ở đời này. Nhóm Sađuxê xem ra thực tế hơn. Họ hợp tác với
người Lamã và nỗ lực duy trì tình trạng hiện tại
Cách chung,
người Sađuxê thuộc giai cấp quí phái giàu có gồm các giáo sĩ trưởng và các vị
trùm trưởng. Các giáo sĩ trưởng là một giai cấp đặt biệt. Không những họ làm
việc tế tự như các giáo sĩ khác, nhưng họ cũng còn phụ trách tổ chức và quản
trị Đền thờ. Giai cấp giáo sĩ là do cha truyền con nối.
Các vị kỳ lão
là giai cấp quí phái trong dân gian, họ là những gia đình quí tộc thâm niên làm
chủ hầu hết đất đai.
Nhóm Sađuxê
cũng gồm một số kinh sư hay giáo sĩ, tuy đa số thuộc nhóm Pharisêu. Những kinh
sư và giáo sĩ là những người học thức. Họ cũng là những thần học gia, luật sư
và giáo sư nhưng không phải là giáo sĩ. Như vậy trong các sách Phúc âm người
Sađuxê thường gọi là «giáo sĩ trưởng, kỳ
lão và kinh sư» hoặc là «các vị lãnh
đạo dân chúng». Họ thuộc giai cấp thượng lưu, giai cấp cầm quyền.
Cũng cần nhắc
đến một nhóm văn sĩ nhỏ vô danh viết một loại văn tự mà ngày nay chúng ta gọi
là khải huyền. Họ là những người thấy xa, tin rằng những bí mật của Thiên Chúa
về lịch sử và nhất là về ngày tận thế đã được tiết lộ cho họ. Theo họ, Thiên
Chúa đã tiền định mọi thời gian và mọi thời đại, ngài đã tiết lộ những chương
trình bí mật cho những người thời xưa như Ênóc, Nôe, Êra, Abraham,và Maisen.
Những văn sĩ khải huyền nghĩ rằng mình biết được những bí mật này nên viết ra
cho những học giả đương thời biết với.
Những văn sĩ
này có thể là những kinh sư, hoặc thuộc về nhóm Pharisêu hay Étsên, nhưng không
chắc lắm. Họ là những người vô danh và ngày nay vẫn còn vô danh.
Giữa những
phong trào và suy đoán có tính cách tôn giáo chính trị này xuất hiện một nhân
vật rất mâu thuẩn, đó là Gioan Tẩy giả. Ông khác lắm vì ông là một ngôn sứ, và
đúng thế, ông là một ngôn sứ tiên báo về bất hạnh và đổ nát, giống như các ngôn
sứ tiền bối của ông. Bên ngoài ông có vẻ giống như những người Ếtsên hay các
văn sĩ khải huyền, nhưng đừng quên rằng ông khác với những người đương thời, vì
một vị ngôn sứ bao giờ cũng khác người. Trong khi dân chúng mong đợi một ngày
mà dân Israel sẽ chiến thắng
kẻ thù, thì Gioan lại tiên đoán Israel
sẽ bị bất hạnh và sẽ bị hủy diệt.
Từ lâu không
có lấy một ngôn sứ tri ở Israel .
Ai ai cũng ao ước có ngôn sứ, như văn chương thời đại chứng minh. Hình như dòng
ngôn sứ đã tắt nghẽn. Thiên Chúa trở nên câm lặng. Người ta chỉ nghe tiếng vang
của ngài. Người ta có cảm tưởng rằng một số quyết định đã bị đình hoãn «cho đến ngày có được một vị ngôn sứ đáng giá»
(1 Mc 14:41; 4:45-46).
Gioan Tẩy giả
phá tan cái thinh lặng này trong hoang địa. Lối sống, cách nói và sứ điệp của
ông đi theo truyền thống các ngôn sứ thời xưa. Những bằng chứng chúng ta có về
ông, cả trong các sách Phúc âm hay ở những nơi khác, đều đồng ý về điểm này.
Sứ điệp của
Gioan hết sức là đơn giản. Thượng đế đang giận dân ngài và quyết định trừng
phạt họ. Thiên Chúa sắp can thiệp vào lịch sử để lên án và tiêu diệt dân Israel . Gioan
mô tả sự hủy diệt này như một cơn cháy rừng lớn mà rắn rết cũng phải bỏ chạy
(Mt 3:8), cây cối sẽ bị thiêu rụi (Mt 3:10-12) và dân chúng sẽ bị nướng chín
(Mt 3:11). Ông cũng dùng ẩn dụ cái rìu và cái nia. Đây là những lối nói ẩn dụ
của các ngôn sứ. Lối dùng ẩn dụ này không giống với những hình ảnh của các văn
sĩ khải huyền. Không có lý do gì để nghĩ rằng Gioan ám chỉ hoả ngục đời sau
hoặc là một biến động hoàn vũ. Lửa rừng là một hình ảnh của địa ngục trần gian.
Theo Gioan, án lệnh nặng nề của Thiên Chúa trên Israel sẽ do một người thi hành.
Gioan nói về con người này là «một người
sẽ đến» (Mt 3:11; Mt 11:3). Con người này hiện đang sẵn sàng rìu, nia trong
tay. «Ông ta sẽ rửa các người ... bằng
lửa» (Mt 3:11).
Lời tiên tri
không phải là lời tiên đoán, nhưng là một lời cảnh cáo hay lời hứa. Vị ngôn sứ
cảnh cáo Israel
về án phạt của Thiên Chúa và hứa với họ ơn cứu độ của ngài. Lời cảnh cáo và hứa
hẹn đi kèm với điều kiện, tuỳ theo sự đáp ứng tự do của dân chúng. Nếu dân Israel không
thay đổi thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp. Nếu dân Israel chịu thay đổi, họ sẽ được
nhiều ân lành. Ý định thực tế của lời tiên tri là thuyết phục dân chúng thay
đổi hay hối cải. Tất cả mọi vị ngôn sứ đều kêu gọi hoán cải.
Khác với
những người đương thời không phải là ngôn sứ, Gioan cảnh cáo và kêu gọi mọi
người Israel .
Đừng nghĩ rằng chỉ những người ngoại giáo mới sẽ bị hủy diệt, còn con cái
Abraham sẽ được khoan dung nhờ có tổ tiên và nòi giống. «Đừng nghĩ rằng ‘Chúng ta có tổ phụ Abraham’, bởi vì tôi nói cho các người
hay, Thiên Chúa có thể biến những hòn đá này thành con cái Abraham» (Mt
3:9). Thiên Chúa có thể hủy diệt Israel
và lập một dân tộc mới làm con cái Abraham, nếu Israel không thay đổi.
Gioan kêu gọi
những người tội lỗi, đĩ điếm, những người thu thuế và lính tráng cũng như các
kinh sư và Pharisêu (Lk 3:12, 14; Mt 21:32). Ông còn dám thách thức vua Dothái
là Hêrốt Antipa (Mc 6:18; Lc 3:18). Ông không phải chỉ kêu gọi một nhóm nhỏ hay
thành lập một Ổgiáo pháiỖ. Tất cả mọi người phải thay đổi.
Những vị ngôn
sứ tiền nhiệm khi kêu gọi Israel
thay đổi thường nhắm đến vua hay lãnh tụ. Còn Gioan thì giống như các ngôn sứ
gần ông hơn, ông kêu gọi mỗi cá nhân ở Israel phải hối cải và thay đổi
lòng dạ. Đó là ý nghĩa căn bản của phép rửa của Gioan. Điều kiện để nhận nghi
thức này không quan trọng. Điều quan trọng là Gioan đã dùng nghi thức này. Phép
rửa của Gioan đánh dấu một tâm hồn hối cải. «Họ thú tội» và chịu rửa (Mc 1:5).
Phép rửa này
được xem như để ban ơn tha tội (Mc 1:4). Trong bối cảnh lúc bấy giờ thì được
tha tội có nghĩa là sẽ khỏi bị phạt. Nếu toàn thể Israel hay đa số con cái Abraham
chịu hối cải, Thiên Chúa sẽ nguôi giận và tai ương sẽ không xảy đến. Nhưng
không biết cá nhân những người chịu rửa có được cứu không, nếu tai ương xảy ra?
Cái đó tùy theo Gioan nghĩ đến loại tai ương nào. Chiến tranh chăng? Thường thì
các ngôn sứ nghĩ đến tai ương chiến tranh mà Israel bị đánh bại. Những người vô
tội thường cũng không thoát được. Tuy nhiên chúng ta không có đủ bằng chứng để
biết Gioan nghĩ thế nào, hoặc là ông có nghĩ hay không nghĩ về vấn đề này.
Một điều quan
trọng nữa là khi Gioan kêu gọi thay đổi, ông không nhắm vào nghi thức thanh tẩy
hay những việc vụn vặt như giữ ngày Sabát hoặc đóng thuế cho người ngoại giáo.
Điều Gioan kêu gọi là luân lý xã hội.
«Nếu ai có hai áo choàng thì phải chia với
người không có, và ai có ăn cũng phải làm như vậy...»
Với người thu
thuế ông bảo , «Đừng đòi quá mức ấn định!»...
Với binh sĩ
ông bảo, «Đừng hà hiếp! Đừng bốc lột!
Phải an phận với đồng lương của mình!» (Lc 3:11-14)
Gioan công
kích vua Hêrốt ly dị vợ mà lấy vợ của em và làm những tội ác khác (Lc 3:19).
Nhưng theo sử gia đương thời là Giôsêphu thì Hêrốt bắt giam Gioan vì lý do
chính trị. Ông sợ Gioan xúi giục dân chúng chống lại ông. Hêrốt phải được lòng
dân chúng, nhất là về vấn đề chính trị liên quan đến việc tái hôn của ông. Để
cưới bà Hêrôdia bắt buộc ông phải ly dị vợ là con gái của Arêta II đang cai trị
nước lân cận Nabatan. Đây chẳng những là một điều sỉ nhục cá nhân, nhưng là một
hành động phá đổ liên minh chính trị. Xứ Nabatan liền chuẩn bị chiến tranh. Đối
với Hêrốt Gioan chỉ làm cho vấn đề thêm trầm trọng khi ông công kích việc ly dị
và tái hôn của nhà vua và còn nói Thiên Chúa sẽ trừng phạt. Ít năm sau đó xứ
Nabatan tấn công và đánh bại Hêrốt. Ông bèn cầu cứu Lamã đến giúp ông và xứ sở
của ông.
Gioan bị bắt
giữ và bị xử trảm vì đã dám lên tiếng chống lại Hêrốt.
Gioan Tẩy giả
là người duy nhấy trong xã hội thời bấy giờ mà Đức Giêsu thán phục. Đây là
tiếng gọi của Thiên Chúa cảnh cáo dân chúng về một tai ương rất gần và kêu gọi
dân chúng hãy thay đổi lòng dạ. Giêsu tin điều đó và nhập với những người quyết
tâm làm một cái gì để đáp lại lời kêu gọi đó. Ngài chịu để Gioan rửa.
Đức Giêsu có
thể không đồng ý với Gioan trong mọi chi tiết. Sau đó, như chúng ta sẽ thấy,
ngài hành động khác với Gioan. Tuy nhiên việc ngài chịu để Gioan rửa là chứng
cớ rõ ràng ngài chấp nhận căn bản lời tiên tri của Gioan: đó là Israel đang lao
đầu vào một tai ương vô tiền khoáng hậu. Chấp nhận lời tiên tri này, tất nhiên
Giêsu tỏ ra mình không đồng ý với những người từ chối Gioan và phép rửa của
ông: đó là những người Dêlốt, Pharisêu, Ếtsên, Sađuxê, kinh sư và các văn sĩ
khải huyền. Không ai trong các nhóm này tin ở một ngôn sứ nguyền rủa cả dân tộc
Israel
giống như các ngôn sứ ngày xưa đã làm.
Vì thế Giêsu
bắt đầu loan báo Israel
ngày gần đây sẽ bị án phạt, sẽ bị một tai ương chưa từng thấy. Có nhiều bằng
chứng để cho thấy Giêsu lập lại nhiều lần lời tiên tri này trong suốt đời ngài.
Thực vậy, trong những bản văn chúng ta có được, Đức Giêsu còn nói rõ ràng hơn
cả Gioan về tai ương sắp đến. Đây chỉ xin trích ra ít đoạn.
«Sẽ đến ngày quân thù đắp lũy chung quanh
ngươi, bao vây và công hãm ngươi mọi mặt; chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái
ngươi xuống đất bên trong thành lũy của ngươi; chúng sẽ không để hòn đá nào nằm
trên hòn đá nào - tất cả chỉ vì ngươi không nhận ra cơ hội mà Thiên Chúa ban
cho» (Lc 19:43-44)
Đức Giêsu
nói: «Hỡi các nử tì Giêrusalem, đừng có
khóc cho tôi; hãy khóc cho các người và con cái các người» (lc 23:28)
«Dân chúng kể lại cho Giêsu nghe chuyện
Philatô giết những người Galilê mà lấy máu hoà với vật tế của họ... Ngài nói “Nếu
các người không hối cải thì cũng sẽ bị tàn sát như họ”»
Điều ám chỉ ở
đây thật quá rõ ràng: đó là Giêrusalem sẽ bị tàn phá trong chiến tranh với
Lamã. Cùng một lối văn tự tiên tri, Giêsu báo trước một cuộc bại trận kinh
hoàng chưa từng thấy. Án phạt của Thiên Chúa là một cuộc tàn sát ghê gớm, và
những người thi hành án phạt này là người Lamã. Chỉ có những ai biết chạy trốn
mới thoát nạn (Mc 13:14). Đó là việc đã xảy ra vào năm 70 Tây lịch.
Phần đông học
giả không mấy để ý đến những bản văn này hay những bản văn tương tự (Mc 13:2;
23:37-39 = Lc 13:34-35; Lc 11:49-51; 17:26-37). Họ nghĩ rằng những bản văn này
đã được thêm vào sau khi biến cố đã xảy ra. Tuy nhiên những sưu tầm gần đây cho
thấy không phải vậy.
Học giả C.H.
Dodd là người đầu tiên dẫn chứng rằng các bản văn này không thể viết sau biến
cố, bởi vì chúng được mô phỏng theo những quy chiếu của Thánh Kinh tới sự sụp
đổ của Giêsusalem năm 586 trước Tây lịch, và chúng cũng không ám chỉ đến những
nét đặc biệt của sự sụp đổ năm 70. Lloyd Gaston cũng kết luận
như thế. Ông
bỏ ra tám năm để suy tầm vấn đề này và đã phát hành một quyển sách rất dày và
uyên thâm với lý lẽ xác đáng, mặc dù ít người biết đến và đọc nó.
Chắc chắn là Đức
Giêsu đã tiên tri ngày Giêrusalem bị Lamã tàn phá. Những người Kitô đầu tiên có
thể thay đổi ít nhiều ngôn từ của Giêsu, nhưng việc làm này phải xảy ra trước
biến cố năm 70. Chính Gioan Tẩy giả là người đầu tiên thấy trước tai ương này, mặc
dù chúng ta không biết ông dự kiến nó thế nào. Giêsu đồng ý với Gioan. Ngài đọc
được những dấu hiệu của thời đại và thấy rõ rằng Israel đang đụng độ với Lamã. Cả
Giêsu lẫn Gioan, giống như các ngôn sứ thời Cựu Ước, diễn tả tai ương sắp xảy
ra này là án phạt của Thiên Chúa.
Nghĩ đến tai
ương này làm cho Giêsu phải khóc (Lc 19:41) cũng như nó đã làm cho tiên tri
Giêrêmi khóc khi xưa. Nhưng ngài phải làm gì bây giờ ?
Comments
Post a Comment