01 Chương 1 - Cái nhìn mới


Chương 1
Cái nhìn mới

Qua bao thế hệ hàng triệu người tôn sùng tên Đức Giêsu, nhưng có mấy ai hiểu ngài. Số người cố gắng thực hành những gì ngài muốn lại càng ít hơn. Lời của ngài bị bóp méo và được giải thích trăm ngàn cách. Tên của ngài bị lạm dụng để bênh vực cho tội ác, để dọa dẫm trẻ con, để thúc đẩy dân chúng hăng say làm điều ác. Đức Giêsu được kính trọng và tôn thờ vì những gì ngài không muốn hơn là những gì ngài muốn. Mỉa mai hơn nữa là một số điều ngài cực lực chống đối trong xã hội của ngài thì lại được quật khởi, giảng dạy và truyền bá khắp thế giới - dưới danh hiệu của ngài!
Người ta không thể hoàn toàn nhận ra Đức Giêsu trong hiện tượng tôn giáo vĩ đại của thế giới Tây phương gọi là Kitô giáo. Ngài còn là cái gì hơn là một vị sáng lập một trong các tôn giáo lớn. Ngài cao cả hơn Kitô giáo, ngài phán xét mọi sự làm vì danh ngài. Kitô giáo cũng không thể giữ độc quyền Giêsu, vì ngài thuộc về tất cả nhân loại.
Như vậy có phải là ai (người Kitô hay không Kitô) cũng được tự do giải thích Giêsu theo đường lối của mình và uốn nắn Giêsu theo sở thích chăng? Thực ra rất dễ dàng dùng Giêsu cho mục đích riêng của mình - tốt hay xấu. Tuy nhiên Giêsu là một nhân vật lịch sử rất xác tín về những điều ngài tin - và sẵn sàng chết cho chúng. Phải chăng chúng ta (tin hay không tin) chẳng có cách nào để cho Giêsu một cơ hội, chỉ một cơ hội nữa thôi, để ngài nói về ngài sao?
Để làm thế, chúng ta phải gạt qua một bên những ý tưởng sẵn có về ngài. Đừng nghĩ ngài là Vị cứu tinh hay là Đấng cứu thế, là một người tốt và lương thiện. Chúng ta phải gạt qua một bên những hình ảnh đã có về ngài, những hình ảnh bảo thủ hay cấp tiến, đạo đức hay trí thức, để lắng nghe ngài với một tâm hồn cởi mở.
Chúng ta có thể nói về Đức Giêsu mà không cần đến giả định nào về ngài cả, nhưng lại không thể nói về ngài mà không dựa vào một giả định nào. Chúng ta phải chọn một vị trí nào đó để nhìn sự vật nếu muốn hiểu nó. Chẳng hạn chúng ta có thể thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật mà không cần đến một giả định nào về nó, nhưng không thể không nhìn nó từ một vị trí nào đó. Chúng ta có thể nhìn nó ở khía cạnh này hay khía cạnh kia, nhưng không thể nào nhìn nó mà không chọn một khía cạnh nào để nhìn. Điều này cũng đúng với lịch sử. Chúng ta không thể nhìn dĩ vảng mà không nhìn từ vị trí chúng ta đang đứng. «Cái nhìn khách quan về lịch sử không phải là diễn lại dĩ vãng như đã xảy ra, nhưng là nhìn dĩ vãng trong ánh sáng của hiện tại». Muốn có cái nhìn khách quan về lịch sử mà không chọn một khía cạnh để nhìn thì chỉ là một ảo tưởng!
Tuy nhiên cũng có cái nhìn tốt đẹp hơn cái nhìn khác. Cái nhìn của mỗi thời đại không có giá trị và xác thực như nhau. Một tác phẩm nghệ thuật có thể nhìn rõ ở khía cạnh này hơn ở khía cạnh kia. Cũng vậy, một dữ kiện kịch sử có thể nhìn rõ ràng hơn từ khía cạnh của thời đại này hơn thời đại kia. Thực ra chúng ta không có quyền lựa chọn trong vấn đề này, bởi vì khía cạnh chúng ta có là do hoàn cảnh lịch sử tạo nên. Nếu chúng ta không có một cái nhìn quang minh về Đức Giêsu từ vị trí của hiện tại, thì chúng ta cũng không thể nào có một cái nhìn quang minh nào về ngài cả.
Một vị trí hiện tại không nhất thiết tốt đẹp hơn một vị trí trong quá khứ. Dẫu vậy, cũng có khi hoàn cảnh hiện tại lại rất giống hoàn cảnh quá khứ. Vì thế, mặc dù bị chia cách bởi thời gian, chúng ta cũng có thể nhìn một hoàn cảnh quá khứ một cách rõ ràng hơn những thế hệ trước. Điều này rất đúng khi chúng ta bàn về Đức Giêsu Nadarét.
Dĩ nhiên điều này không thể giả định, nhưng phải khám phá ra. Chúng ta cũng không thể giả định rằng Đức Giêsu sẽ giải quyết mọi vấn đề của chúng ta. Chúng ta chỉ có thể nhìn ngài từ vị trí của thời đại này với một tâm hồn cởi mở.
Như vậy, khởi điểm của chúng ta là hoàn cảnh hiện tại. Thời đại của chúng ta có những vấn đề sinh tử, không phải chỉ cho một số cá nhân, một số quốc gia, sắc tộc và một số nền văn minh, nhưng là những vấn đề sinh tử cho toàn thể nhân loại. Chúng ta biết là có những vấn đề đang đe dọa sự sống còn của hành tinh này. Hơn nữa, thời đại này cũng đang lo sợ không thể giải quyết các vấn đề này được và không ai có đủ khả năng để ngăn chận chúng ta lao đầu vào việc hủy diệt toàn thể nhân loại.
Vấn đề thứ nhất là bom đạn. Đột nhiên chúng ta thấy mình đang sống trong một thế giới có khả năng tự hủy diệt - bằng một cái nút bấm. Vận mạng chúng ta đang nằm trong tay những người đứng trước cái nút bấm ấy. Có thể tin họ được không? Cảm giác bấp bênh càng lúc càng rõ rệt làm cho chúng ta lo âu và sống bất ổn. Thế hệ trẻ lớn lên trong bán thập kỳ 50 và thập kỳ 60 chỉ biết có thế giới bấp bênh này, tất cảm thấy lạc hướng. Những hành động chống đối, nhạc kích động, ma túy, tóc dài và kiếp sống bừa bãi là triệu chứng của cảm giác bất ổn do bom đạn gây nên.
Ngày nay hình như người ta ít lo âu về bom nguyên tử. Một phần là do sự hoà hoãn giữa các cường quốc, nhưng một phần cũng vì người ta quá quen đi với sợ hãi. Dẫu vậy chúng ta không thể sống trong an bình mãi. Giờ đây chúng ta lại phải đương đầu với những đe doạ mới, những đe dọa có thể hủy diệt chúng ta một cách chắc chắn và không thể tránh được, chúng còn hơn chiến tranh nguyên tử, đó là dân số gia tăng đột ngột, các tài nguyên thiên nhiên và thực phẩm giảm sút, môi sinh bị uế nhiễm và bạo động gia tăng.
Một trong những vấn đề trên cũng đủ đe dọa tương lai của chúng ta, còn nói chi đến tất cả cùng xảy ra một lúc!
Có nhiều cách để trình bày sự gia tăng dân số trên quả đất hiện tại với tỷ lệ 80 triệu người mỗi năm. Có nhiều bản ước lượng về số lượng than đá, dầu, khí đốt và nước uống còn đủ dùng bao lâu. Xem ra một số tài nguyên thiên nhiên này sẽ cạn đi trong thế hệ của chúng ta. Sa mạc cũng từ từ lan rộng khi đất đai bị xoi mòn và rừng rú bị phá hủy. Nội tờ New York Times phát hành ngày Chủ nhật cũng nuốt trọn 150 mẫu cây rừng để làm giấy. Giấy vệ sinh cũng dùng nhiều hơn giấy viết hay giấy in.
Hơn nữa trong những năm gần đây chúng ta được biết sông, biển và khí trời cũng bị ô nhiễm trầm trọng. Có những thị xã dân chúng chết vì khí trời ô nhiễm. Các nhà môi trường học cho biết nếu không có những thay đổi cấp tốc thì loài người sẽ bị hủy diệt do chính mức tiến của mình.
Không cần phải thổi phồng những tai họạ trên, vì cũng có cách giải quyết chúng. Nhưng muốn giải quyết thì phải thay đổi tận gốc và toàn diện về giá trị, thái độ, tâm tư và mức sống của nhiều người, nhất là những người sống ở các quốc gia giàu có. Nhưng hình như không thể nào thay đổi họ được.
Chúng ta có thể hoạt động tích cực để duy trì những tài nguyên của quả đất trong khi tìm năng lượng khác để thay thế. Nhưng liệu người ta có chịu mất nguồn lợi và bỏ ra phí tổn không? Để giảm bớt tốn kém chuyên chở và ô nhiễm quả đất, mỗi người trong chúng ta đang có mức sống cao có thể tình nguyện cắt giảm những nhu cầu không chính yếu - như phung phí giấy tờ. Một mức sống thấp hơn không có nghĩa là kém giá trị hơn, thực ra nó càng làm gia tăng giá trị đời sống. Nhưng làm sao có thể tìm đâu ra tài nguyên để kích động thay đổi nơi nhiều người trong chúng ta?
Xem ra rất khó mà thuyết phục con người cắt giảm phung phí để bảo vệ cho tương lai của họ. Còn nói chi đến việc bảo họ hy sinh cho người khác. Càng không thể được khi bảo họ phải hy sinh cho những người chưa sinh ra!
Đàng khác, thế giới cũng đang có rất nhiều người, cả nam lẫn nữ, đang quan tâm đến những vấn đề nói trên và sẵn sàng trợ lực cho. Nhưng họ làm được gì? Từng cá nhân hay từng nhóm cá nhân làm được gì? Chúng ta không đương đầu với người nhưng với những động lực vô tình của các hệ thống với động lực riêng của chúng. Chúng ta đã bao lần nghe những tiếng kêu thất vọng: «Chúng ta không chống lại được hệ thống.»
Đấy chính là căn bản của vấn đề. Chúng ta đã xây dựng một hệ thống chính trị và kinh tế toàn diện trên một số giả định và giá trị, và giờ đây chúng ta mới bắt đầu thấy hệ thống này không những phản tác dụng mà còn đưa chúng ta đến bờ vực thẳm và trở thành chủ ông của chúng ta. Xem ra không ai có thể thay đổi hay quản chế nó được. Cái khám phá hải hùng nhất là không có ai cầm lái, và cái guồng máy vô tình mà chúng ta đã thiết kế chắc chắn sẽ đưa chúng ta đến hủy diệt.
Hệ thống này đã không được thiết kế để ứng phó với tình trạng dân số gia tăng đột ngột. Tỉ dụ không có một guồng máy chính trị nào để giúp dân số ở những quốc gia đông nghẹt người như Banglađét đến định cư ở những quốc gia ít dân cư như Úc Đại Lợi. Điều này không thể có được khi hệ thống chính trị xây dựng trên quốc gia tính.
Về mặt kinh tế thì hệ thống này một trật tạo nên giàu có và nghèo khổ. Người giàu thì giàu hơn, còn người nghèo thì nghèo hơn. Các quốc gia nghèo càng cố đạt tiêu chuẩn phát triển kinh tế theo hệ thống thì lại càng nghèo hơn và kém mở mang hơn. Kẻ có của thì làm ra thêm, và họ càng làm ra thêm thì người không có đủ để cạnh tranh lại càng nghèo thêm. Đó là cái vòng oan nghiệt mà người nghèo luôn luôn là kẻ thua thiệt. Hơn một tỉ người - nghĩa là một trong năm người trên thế giới- phải nhịn đói ít lâu trong năm vì mùa màng không tốt. Họ cũng thiếu nước uống, thiếu giáo dục sơ cấp và y tế căn bản. Hàng trăm triệu người sinh ra trong thế giới này phải đói khổ dày xéo do kém dinh dưỡng và nghèo khổ. Chỉ có Thiên Chúa mới biết bao nhiêu người phải chết đói. Thật là kinh hãi khi nghĩ đến tình cảnh hiện tại - đó là chưa nói đến tương lai.
Hệ thống kinh tế không được thiết kế để giải quyết những vấn đề nói trên. Nó có thể tạo nên giàu có, nhưng không có khả năng để phân phối đồng đều những nhu cầu căn bản, bởi vì nó chỉ nhắm làm lợi chứ không nhắm phục vụ nhân loại. Con người chỉ được quan tâm đến, khi sự thịnh vượng của họ tạo nên lợi tức lớn hơn. Cái hệ thống này như một con quái vật đang ngấu nghiến con người để làm lợi.
Tệ hơn nữa, hình như hệ thống này còn đòi hỏi hơn và dùng vũ lực để tự bảo vệ. Ngoài thủ đoạn bạo động về công lý, đàn áp và bốc lột, chúng ta đang chứng kiến nhiều chính phủ quân sự được thành lập trên thế giới. Không cần phải đi đến các quốc gia thuộc Đệ Tam Thế Giới mới hiểu được tại sao chỉ có chính phủ quân sự mới bảo vệ được hệ thống này. Nhiều người chống lại hệ thống và họ đã dùng đến bạo động hay doạ sẽ dùng bạo động. Bạo động ở các cơ sở đưa đến bạo động cách mạng. Bạo động cách mạng lại gia tăng bạo động cơ sở như cảnh sát an ninh, giam giữ không phiên toà, tra tấn, chính phủ quân sự, giết người vì lý do chính trị- điều này lại làm ngòi cho bạo động cách mạng. Nếu không có một biện pháp nào để giải quyết các vấn đề kia (dân số, nghèo đói, ô nhiễm, phí phạm, lạm phát và tài nguyên gia giảm), hệ thống này sẽ đưa chúng ta đến «bạo động theo đường xoắn ốc» như lời Helder Camara, và cuối cùng đến hành động tàn sát lẫn nhau.
Thổi phồng những vấn đề này ví lý do ý thức hệ thì không ích lợi gì. Tuy nhiên chúng ta không thể lờ chúng đi hay tranh luận suông. Cái tầm mức to lớn, phức tạp và nan giải của vấn đề này mỗi ngày càng rõ rệt thêm. Hình ảnh tương lai còn hãi hùng hơn hình ảnh địa ngục của dĩ vãng. Dù nghĩ cách nào đi nữa thì tình cảnh hiện tại sẽ đưa đến một địa ngục trần gian.
Những tôn giáo có tổ chức cũng không giúp gì lắm cho khủng hoảng hiện tại, mà có khi còn làm cho tệ hơn. Loại tôn giáo chỉ chú trọng vào một thế giới siêu nhiên mà quên đi tương lai của thế giới này và toàn thể nhân loại, thì chỉ đưa ra một lối thoát còn làm cho những vấn đề của chúng ta trở thành khó khăn hơn.
‘Hãy thành thực’ là một giải đáp lành mạnh và cứu độ cho lịch sử hiện tại. Tại sao phải chỉ chú trọng vẻ bên ngoài hay giữ thể diện trong khi mọi sự chung quanh chúng ta có thể đi đến sụp đổ? Trước sự thật này ai còn ôm ấp những cái nhỏ nhen quá khứ của giáo đường hay giới trí thức?
Đứng trước khủng hoảng của thế giới hiện tại chúng ta không còn nhẫn nại với những người náo nức với những cái nhỏ nhen và vô bổ, với những người lang thang vui đùa trong khi nhà cháy. Viễn tượng một tai hoạ chưa từng thấy cũng đủ để thức tỉnh chúng ta.
Đức Giêsu cũng đã đương đầu một vấn đề tương tự - tuy ở mức độ bé nhỏ hơn. Ngài sống trong giai đoạn hình như tận thế sắp đến. Tuy bất đồng ý kiến về ngày tận thế sẽ xảy ra cách nào, lúc nào và tại sao, nhưng nhiều người Do thái thời bấy giờ tin rằng thế giới đang đến ngày tận cùng. Trong bối cảnh của tai ương này cũng như sự hiểu biết của ngài, Đức Giêsu ra đi thi hành sứ mạng của mình. Với một trí óc dồi dào tưởng tượng, con người này đã nhìn thấy lối thoát, và còn hơn một lối thoát, ngài tìm thấy con đường giải phóng toàn diện và thoả mãn cho nhân loại.
Chúng ta cũng đang trực diện một tương lai hãi hùng tương tự. Nói đây không phải chỉ để chúng ta thông cảm nỗi quan tâm của Đức Giêsu về tai hoạ sắp đến trong thời đại của ngài, nhưng để nhận thấy lối giải quyết của ngài cũng rất thích ứng cho chúng ta. Tuy nhiên chúng ta cũng không dám nói ngài có giải đáp cho mọi vấn đề, hoặc chúng ta có những câu giải đáp đó. Chúng ta cũng không cho là những nhận thức của ngài sẽ không thích hạp và nên lờ chúng đi. Tình cảnh của chúng ta rất trầm trọng, vì thế phải làm đủ mọi cách để tìm lối thoát.
Nếu mối quan tâm của Đức Giêsu về ‘ngày tận thế’ là một vấn đề khó khăn đối với các học giả Kinh thánh ở thế hệ trước, thì bây giờ chính vấn đề đó lại hấp dẫn đối với chúng ta. Điều này xem ra hơi mỉa mai! Thực ra hoàn cảnh lịch sử hiện tại lại cho chúng ta một viễn cảnh mới về Đức Giêsu thành Nadarét.


__________________________________

Giới thiệu - Nhập Đề <=> Chương sau (02)



Comments

Popular posts from this blog

Chân Dung Đức Giêsu (Lm Jos. F. Girzone)

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Cốt tuỷ chung của các tôn giáo