01 Giôsê - Chương một
CHƯƠNG
MỘT
Trưa nay trời Ôbờn
oi bức và lặng gió. Người ta tụ tập ở quán Sanđê để trò chuyện và trao đổi tin
tức. Mấy ngày qua trời nóng toát mồ hôi, giống như trước một cơn mưa giông. Ruồi
muỗi đông đặc bay ra từ khu rừng gần đó.
Mấy anh em Basinh phải
ngưng việc đặt ống nước vì đất sình lầy sau trận mưa hôm qua. Ruồi muỗi cắn rát
lắm, tại sao phải mất giờ lội trong bùn? Hai chàng ngưng việc để đi đến quán Sanđê.
Trên đường họ gặp Phát Bazum cũng nghỉ làm sau trưa. Phát chào hai chàng với giọng
tấn công thường lệ:
«Trời ơi, các chú làm gì mà không làm việc? Khi
nào cái ống nước mới xong để chúng tôi còn dùng các bồn rửa? Các bà đang giận
đó. Các chú làm ăn gì mà lâu thế».
«Bớt giận đi anh Phát ơi, trời nóng quá làm
việc sao nổi. Anh chỉ có cái việc ngồi trên xe ủi mà cũng nghỉ làm. Lội trong
bùn mệt lắm». Tôn phản pháo như thế vì chàng không chịu nổi giọng hồ đồ của
Phát.
Họ đi trên lề đường,
tiếng giày nện mạnh trên các khúc gỗ lót đường nghe như tiếng sét. Họ thích tiếng
động như thế, vì nó làm cho họ cảm thấy quan trọng. Phát đến quán Sanđê trước, anh
mở cửa nhường cho mấy người kia bước vào và dập cửa lại ngay sau đó. Tiếng động
làm bà Trinh giật mình, bà ta đang lau quày hàng.
«Các cậu đấy à? Tôi tưởng tránh xa được các cậu
rồi», bà vừa nói vừa tiếp tục làm.
«Trời nóng quá làm việc sao nổi», Ninh
đáp, «Đi câu cá thì thích hơn».
«Câu cá làm quái gì», bà Trinh đáp, «Các cậu phải làm cho xong ống nước để chúng
tôi còn lo quét dọn».
Ngay lúc ấy Dô Sanđê
từ phòng sau bước ra. Ông Dô người thanh lịch, mới về hưu sau ba mươi năm làm
việc ở sở lục lộ của quận. Bây giờ ông dành hết thời giờ cho quán, mặc dù bà vợ
đã một mình coi quán trong mấy năm trời mà không cần có ông. Cái quán không phải
chỉ là nơi bán buôn, và mấy anh chàng này cũng không phải chỉ là khách hàng. Họ
thân nhau từ bé và biết nhau còn hơn anh em ruột. Không còn gì bí mật giữa họ nữa,
họ phải biết hết mọi việc của nhau, nhưng lại không làm mích lòng nhau. Thật ra
cái quán là nơi gặp gỡ thường xuyên nếu họ không có gì để làm. Vì quày hàng nhỏ
quá nên họ đứng quanh quẩn uống cà phê hay ăn bánh mì săng-huých. Họ có tài giễu
cợt và chọc nhau.
Hôm nay câu chuyện đầu
môi trong phố là về anh chàng mới dọn đến căn nhà nhỏ ở cuối phố. Không ai biết
nhiều về chàng, chỉ biết tên chàng là Giôsê và chàng sống rất đơn sơ. Chàng lại
kín đáo, làm mọi người càng tò mò muốn biết về chàng. Mỗi tuần hai lần chàng đến
quán tạp hoá mua thức ăn và các thứ cần dùng. Chàng không nhút nhát lắm, mặc dù
chàng ít nói. Chàng chỉ lo công việc của mình và mỉm cười chào hỏi mỗi khi gặp
ai. Chàng ăn mặc đơn sơ, với cái quần kaki và chiếc áo sơ-mi rộng tròng qua cổ
màu nâu hơn quần. Chiếc áo sơ-mi hở cổ bỏ vào quần ngang thắt lưng. Thay vì
mang nịt da, chàng mang nịt bện dây rộng cở hai phân rưỡi thắt gút đàng trước. Giôsê
có vẻ cao lớn vì người chàng thanh thanh và lực lưỡng. Chàng có đôi tay dài và
khéo léo do quen làm việc nặng. Mặt chàng thon thon, có nét cứng rắn. Chàng có
đôi mắt xanh rất thu hút, mỗi khi nhìn ai là như thu hút tâm hồn họ. Tuy vậy
chàng không có cái nhìn xoi mói, nhưng rất nhân hậu như muốn nói: «Tôi hiểu biết bạn lắm».
Tóc chàng màu nâu, dày
và gợn sóng, không có vẻ gì là mới cắt, nó sà xuống hai bên tai đến tận cổ.
Giôsê gợi tính tò mò
của mọi người vì không ai biết gì về chàng, cũng như không ai có cách gì để tìm
biết chàng. Hình như chàng không lập gia đình. Chàng không đi làm nhưng lại
không có vẻ gì giàu có đến độ không cần phải làm việc. Theo lời anh phát thư
thì chàng không hề lãnh trợ cấp xã hội, chàng không lãnh lương hưu hay nhận thư
tín nào của chính phủ. Chàng sống làm sao? Đó là điều mọi người thắc mắc. Mỗi
khi đến phố mua thức ăn, chàng chỉ mua ít thôi: một ổ bánh mì Pháp hay Ý, một
con cá tươi khi có cá bán, vài miếng thịt gà, ít thịt hăm-bơ-gơ, vài hộp cá nục,
ít trái cây và rau tươi. Món hàng chàng mua ít khi thay đổi và không bao giờ
nhiều cả. Mỗi khi rời chợ chàng lội qua đường đi đến quán rượu mua vài chai rượu
nho. Xong đâu đấy, chàng lại cuốc bộ về nhà, hai tay xách hàng. Người ta chỉ biết
có bấy nhiêu về chàng. Chàng sống rất đều đặn và mực thước. Ngoài ra, chỉ còn
là bí mật.
Chàng ở căn nhà ba
phòng: phòng bếp, phòng khách và phòng ngủ. Có một phòng phía sau nhà làm xưởng
thợ. Phía trước nhà gần đường có dựng một hộp thư. Nó khác hết mọi cái. Nó làm
bằng gỗ tựa như một chiếc ghe đánh cá kiểu cổ. Sống ghe giống như một ngăn kéo
để bỏ thư. Bên cạnh thùng thư có treo một cái lưới để nhận các gói hàng. Trước
nhà có một hàng rào gỗ sơn trắng. Chính giữa là cổng vào. Hàng rào chạy dài xuống
hai bên hông nhà. Giôsê tháo hàng rào sau nhà, để sân mở ra bải cỏ nối liền với
nông trại nuôi cừu và bò. Giôsê không phải cắt cỏ, vì thường có vài con cừu đi
lạc vào vườn gậm cỏ dùm, chỉ chừa lại các cụm hoa lác đác tạo nên một cảnh rất
tự nhiên và hấp dẫn. Đó là một vài sự kiện hiển nhiên về Giôsê mà dân phố biết,
điều đó làm họ muốn biết về chàng nhiều hơn.
Chính Dô Sanđê là
người gợi lên đề tài Giôsê:
«Anh chàng ở căn nhà nhỏ trên bãi cỏ xanh mới
rời đây trước khi các chú đến. Bà Trinh mất cả tự nhiên mỗi khi anh ta vào quán
uống cà phê. Tôi nghĩ là bà mê tít chàng ta thôi». Dô cười nắc nẻ.
Bà Trinh giận tức
lên. «Chẳng đúng tí nào cả», bà ta cắt
ngang. «Tôi chỉ hơi luống cuống khi anh
ta ở đây. Anh ta khác hết mọi người. Tôi cảm thấy lưỡi líu lại khi muốn hỏi
chuyện anh ta. Ông Dô cũng không khá hơn, cứ đứng trố mắt nhìn như người mất
trí». Ông Dô chỉ biết cười trừ.
«Này, anh chàng đó rất dễ mến nếu mình biết
rõ về anh. Anh ta không ngu đâu», Dô tiếp tục nói. «Tôi hỏi anh ta nghĩ thế nào về việc Do Thái xâm phạm lãnh thổ Li-Ban, anh
ta trả lời rằng ai cũng có quyền được sống hoà bình. Đó là một câu trả lời rất
sắc bén. Anh ta không theo bên nào cả, nhưng lại bênh vực cả hai bên. Anh ta biết
tôi dò hỏi, nên lịch thiệp trả lời mà không cho biết thực sự anh nghĩ làm sao.»
Lúc ấy Mô Sanđê bước
vào quán: «Này, các anh, tại sao ống dẫn
nước chưa xong? Ai cũng hỏi các anh đi đâu. Tôi nói giúp rằng các anh đi câu cá.
Họ giận lắm vì không có nước dùng từ trưa hôm qua.»
«Anh nói giúp chúng tôi nhiều lắm đó», Tôn
Basinh nói.
«Chúng tôi hì hục trong vũng ấy suốt buổi
sáng mà không làm được gì vì bùn quá. Ống dẫn nước gãy sáu chỗ. Nếu máy bơm chạy
được và trời đừng mưa thì có thể chúng tôi làm xong tối nay. Mô chuyển đề tài, nói
rằng anh mới đụng đầu Giôsê. Khi anh ta rời quán rượu về nhà, tôi bước lại gợi
chuyện với anh ta. Này, anh ta không tệ lắm đâu. Anh ta cũng hài hước lắm. Anh
ta muốn biết cái anh chàng mập lùn nói giọng oang oang là ai. Tôi bảo người anh
ta muốn nói là Phát Bazum.»
«Xạo, anh ta không có nói như vậy nhé», Phát
xen vào. «Anh ta có biết tôi là ai đâu».
«Anh ta không nói đích danh chú như vậy»,
Mô nói, «nhưng anh ta diễn tả con người của
chú không sai tí nào cả. Chú dễ gây cảm tình với mọi người dẫu họ chưa biết chú.
Chắc chắn anh ta để ý đến chú khi chú ra đường. Tiếng nói của chú vang từ góc
đường đó, biết không?»
«Chúng tôi cũng đang nói về anh chàng đó trước
khi anh đến», Tôn ngắt lời. «Ông Dô
có nói chuyện với anh ta. Anh ta có vẻ thân thiện lắm.»
Mô đồng ý và cho biết
thêm rằng Giôsê mời anh khi nào rảnh đến nhà chơi và đem theo cả bạn bè nữa.
«Tôi hỏi anh ta làm ở đâu. Anh ta nói chỉ sửa
đồ cho người ta, các loại đồ gỗ và đồ dùng trong nhà. Anh ta không làm nhiều tiền
lắm, chỉ đủ để trả các chi phí. Anh ta nói là không cần nhiều tiền».
«Vậy à, sống như thế thì hay quá. Tôi ước được
sống như vậy», Ninh nói.
Trong khi trao đổi
câu chuyện, Ông Dô nhìn ra cửa sổ nói: «Nhìn
kìa, hình như trời sắp mưa».
Sinh quay lại nhìn
ra cửa sổ tiếp lời:
«Chúng tôi không làm xong ống nước được. Gặp
lại ngày mai nhé.» Anh vừa nói vừa bước ra cửa. Mọi người cũng theo anh rời
quán. Bà Trinh dọn mấy cái cốc khách hàng dùng và lau quày hàng rồi đóng cửa
quán.
Con đường lớn yên lặng.
Mọi người về nhà để tránh cơn bão sắp tới. Chỉ còn vài chiếc xe nhà và xe vận tải
trên con đường lớn. Ôbờn là một phố lớn xây khoảng hậu thế kỷ 18, nó nằm dưới
chân một dãy núi chạy dài ra xa. Làng mạc với các cánh đồng và thôn xóm nhỏ có
một nét đặc biệt. Sáu ngôi nhà thờ trong phố nói lên tính cách hiệp chủng của
dân tình. Tên các hộp thơ được viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Các căn nhà
cổ cùng quán xá cũng gợi lên hình ảnh sống động của cuộc sống cách đây hai thế
kỷ.
Dân chúng Ôbờn rất
niềm nở và thân thiện khi bạn hiểu họ. Làng mạc nằm tách khỏi các trục giao
thông lớn nên không bị cuốn theo đà thay đổi của các thị xã lớn. Dân chúng còn
sống theo lối cũ, và nếu có thay đổi thì thay đổi rất chậm.
Comments
Post a Comment