Thần BòBoul
Thần BòBoul
Thân
gửi Qúi Bằng-hữu,
Theo Lịch Công Giáo,
chúng ta đang ở vào “Tuần Lễ thứ 2 của Mùa Vọng Giáng Sinh” . Để đón mừng Đại
Lễ Chúa Giáng Trần, kính mời Qúi Bạn thưởng thức mẩu Hồi ký:
“THẦN
BÒBOUL”
Tượng Chúa Hài Đồng ban nhiều ơn lạ
của Trần Quốc Bảo.
Ðể chuẩn bị cho cuộc thăm viếng Thái Lan của bà
Rosalynn Carter, - phu nhân Tổng Thống Hoa Kỳ, - vào đầu tháng 11 năm 1979, Bộ
Ngoại Giao và An Ninh Mỹ đã phải âm thầm hoạt động trước nhiều tháng trời.
Mục tiêu của cuộc viếng thăm này là bà Rosalynn
Carter muốn đích thân quan sát tìm hiểu về thảm cảnh tại các Trại Tị Nạn trên
đất Thái Lan, điều mà báo chí và các hãng thông tấn, truyền hình... đã nhiều
lần tường thuật như là một vết thương đại thảm khốc do Cộng sản gây ra cho lịch
sử nhân loại vào thời bấy giờ.
Chắc chắn ông Carter, vị Tổng Thống mà nụ cười luôn
luôn đậu trên môi, một lúc nào đó đã phải chau mày, suy tư về thảm họa kinh
hoàng của hàng trăm ngàn người đang sống tại các trại tị nạn Ðông Nam Á. Không một bản tường thuật nào sẽ sống động và
thành thật hơn những nhận xét của chính vợ ông, bà Rosalynn.
Vậy nên nhiệm vụ của 14 người trong «Phái đoàn tiền sát» được cử qua Thái Lan
đầu tháng 10-1979 thực là quan trọng.
Phái đoàn sẽ đến Thái Lan như những người du lịch, sẽ tìm hiểu và ghi
nhận trước tất cả mọi khía cạnh của vấn đề; một bản phúc trình tỉ mỉ về tị nạn
sẽ được thiết lập với những nhận xét và đề nghị thật chuẩn xác, để cuộc tới
thăm của bà Ðệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ sẽ chỉ là duyệt lại các điều mà bà đã biết
từ trước.
Riêng tôi, một trong 14 nhân viên của phái đoàn tiền
sát, tôi hoàn toàn không hay biết mảy may gì về mục tiêu, mục đích của cuộc ra
đi này. Tôi lại cũng mù tịt về mọi lãnh
vực ngoại giao và an ninh của Mỹ. Thế mà
tôi lại được đi trong phái đoàn, điều mà chính tôi cũng phải ngạc nhiên. Trong 14 người, thì 11 là Mỹ chính hiệu «con nai trắng», còn 3 ngoại kiều là một
cô Cam-bốt, một giáo sư Thái Lan và tôi
là Việt Nam.
Sở dĩ có tên tôi là bởi một sự bất ngờ rất tếu. Tôi có anh bạn trong «Hội Nhà Thờ Bảo Trợ», tên John, anh này là cựu sĩ quan, trước từng
ở Việt Nam hai năm, làm cố vấn cho đơn vị tôi.
Ngẫu nhiên nay gặp lại nhau, anh rất khoái tôi. Thường thường tụi tôi có các buổi họp mặt
weekend là có John. Anh ta cũng ngồi xếp
bằng tròn quanh mâm nhậu, bóc lon la-de và nốc một hơi trăm phần trăm y chang
như các tay tổ trong băng độc thân vậy.
John nói được một ít tiếng Việt, ăn được nước mắm, khoái món phở tái,
chả giò ... và đôi khi chúng tôi nhậu khan với nhau bằng khô mực nướng, củ
kiệu, John cũng xáp vô nhai khô mực ra rít lắm.
Bởi cái chỗ thân tình ấy nên tụi tôi coi John như một
người bạn chí thiết. Một lần đang cơn
nhậu, John hỏi chúng tôi, ngoài tiếng Mỹ có ai biết nói tiếng Lào không? Tôi phét lác nhận là nói được và xổ ra một
tràng tiếng Lào líu lo líu lường... làm cho cả bọn cười bò. Thật tình, tôi có học được một ít tiếng Lào
trong thời gian hành quân Hạ Lào, lâu không nói thì nay cũng đã quên nhiều, nói
bậy bạ dỡn chơi thì được, chớ còn phiên dịch thông ngôn thì không nổi.
Thế mà nửa tháng sau tôi nhận được giấy mời lên Văn
phòng Ngoại giao. Người tiếp tôi chính
là John. Anh ta nói muốn dành cho tôi cơ
hội để về thăm miền Ðông Nam Á trong nhiệm vụ tiền sát như đã nói trên. Tôi thú thật với John tôi quá kém về Lào
ngữ. Nhưng anh ta trấn tĩnh tôi rằng, có
một nữ nhân viên Cam-bốt nói tiếng Lào giỏi sẽ giúp tôi, và có thể phái đoàn
cần tôi trong nhiệm vụ giao dịch tiếng Việt nữa.
Chúng tôi đã đến Thái Lan như những du khách, và đã
nhờ Hồng Thập Tự địa phương đưa đến các trại Tạm cư Tị nạn. Hai trại lớn mà chúng tôi đã ở lại nhiều ngày
là trại U-thong (phía Tây Bắc cách Bangkok trên 300 dặm) hiện khi đó có 36 ngàn
người Lào tị nạn; và trại Sa-kaeo nằm trên quốc lộ số 8 cách Bangkok 650 dặm về
phía Ðông, chứa tới 200 ngàn dân Căm-bốt tị nạn.
Có ai tưởng tượng được (vào thời điểm năm 1979) chỉ ở
một trại tạm cư thôi mà con số những người tị nạn Căm-bốt đã lớn lao đến thế
không? Hàng trăm ngàn người đó đang sống
vô cùng thiếu thốn, đói khổ và bệnh tật, ở chui rúc trong các tàng cây, những
lều lá xiêu vẹo mà họ gọi là cái nhà.
Thiếu thực phẩm, thuốc men, quần áo. – Một vài hình ảnh khiến ta có thể
tưởng như lớp người đó đang sống ở thời thượng cổ, thời đại sống trong hang
hốc, ăn lông, ở lỗ. Sau này khi bà
Rosalynn Carter đến viếng thăm đã phải thốt lên: «Thật
quả là thê thảm, những cảnh tượng này tôi chưa hề bao giờ thấy như vậy, đã làm
cho tôi xúc động kinh hoàng.» («It’s like nothing I've ever seen, it’s
emotionally overwhelming»).
Nếu muốn viết về chuyến đi Thái Lan của tôi thì sẽ có
một chuyện dài, nhưng tôi không thể đưa lên báo bản phúc trình chỉ dành riêng
cho vị Ðệ Nhất Phu Nhân đọc. Ở đây, tôi
muốn kể lại một câu chuyện nhỏ- một kỷ niệm mà mãi mãi tôi không thể quên.
Buổi chiều hôm đó, sau những giờ đã làm việc khá mệt
mỏi, chúng tôi chia nhau bánh mì và thịt hộp để ăn bữa tối, Saleng (cô gái
Căm-bốt trong phái đoàn) gọi tôi:
- Anh có muốn đi coi «Ông Thần Con Nít» không?
Tôi vừa nhai bánh vừa cười, hỏi đùa:
- Có Ông Thần Con Nít hả? Vậy Saleng làm ơn bồng ông Thần Bế-by ấy tới
đây, tụi mình chụp hình phỏng vấn, chớ đi nữa thì... mệt quá rồi.
Saleng nghiêm sắc mặt:
- Anh chớ nói dỡn, Thần Con Nít thiêng lắm, Thần đã
cứu nhiều người ta và đã đưa họ đến đây tị nạn.
Tôi hỏi một hơi:
- Sao cô biết? Thần con nít là Ông Thần gì ? ở
Ðâu? Cứu ai? Chuyện đầu đuôi ra sao?
Saleng liếc xéo tôi:
- Bộ anh muốn ghi vô biên bản phúc trình hả? Muốn biết thì đi! Đi tôi dẫn tới cho coi.
Tôi uống cạn ly cà phê rồi ngoắc John cùng đi
theo. Chúng tôi lên một ngọn đồi nhỏ,
chung quanh toàn là dân di tản Căm-bốt ở chen chúc dưới các lùm cây tàng
lá. Những cảnh sống cơ cực hiện ra trước
mắt trong suốt mấy ngày nay đã làm chúng tôi nhìn quen rồi. Các em nhỏ, phần lớn là ở trần truồng, gầy
gò, xanh xao và bệnh hoạn. Các ông già
bà cả ngồi trầm lặng như những pho tượng.
Nhiều cặp mắt lo âu nhìn về phía chúng tôi, không biết họ đang nghĩ
gì. Nhưng có điều chắc chắn là nếu ai
bảo họ trở lại với quê hương Cộng sản của họ thì họ lắc đầu cương quyết phản
đối ngay.
Saleng dừng lại ở đỉnh đồi – nơi có những đá lớn
chồng chất – trên một tảng đá, tôi thấy có bầy biện như một bàn thờ, cắm nhiều
cây nhang, có một cặp nến đỏ và mảnh vải trắng viết chữ Miên chằng chịt như một
đạo bùa.
Một bầy trẻ con chừng 20 đứa ốm o đang cầu kinh và ca
hát chung quanh. Vài người lớn thấy
chúng tôi, rê lại gần đứng nhìn. Ðến gần
bàn thờ, tôi và John đã ngạc nhiên khi nhận ra vị «Thần Con Nít» mà Saleng đặt tên cho, chính là tượng «Chúa Hài Ðồng nằm trong máng cỏ». Tượng bằng thạch cao lớn cỡ bằng quyển tự
điển, một góc bị bể nên bàn chân Chúa mất một nửa.
Rất tự nhiên, John và tôi cùng qùy gối xuống cạnh
những em bé trần truồng. Chúng tôi làm
dấu Thánh Giá. John hát lên một bài ca
Sinh Nhật bằng tiếng Mỹ, tôi cũng ca tiếp bài «Ðêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời...» Cử chỉ cung kính của chúng tôi trước vị Thần
Con Nít đã phút chốc gây cảm tình với các em bé và bà con cô bác tị nạn
Căm-bốt. Số đông đã bu lại quanh chúng
tôi có tới năm sáu chục người. Họ nói
chuyện ồn ào, và Saleng làm nhiệm vụ thông dịch cho chúng tôi hiểu. Trong đám đông đó, Saleng dẫn tới giới thiệu
với chúng tôi một bà già tên Lam-Pranak và con gái bà, bé Bòboul. Câu chuyện ly kỳ «Thần Bò-Boul» đã sẩy tới cho hai mẹ con bà, đầu đuôi thế này:
Ông Lam-Pranak, vị đại úy thời Lon-Nol, bị Miên cộng
hạ sát năm 1975. Hai đứa con trai của
ông đã bị trói tay chân, ném vô lửa thiêu sống, trước mắt ông, trước lúc chúng
bắn ông. Vợ ông và 4 đứa con khác trốn
về tỉnh Kompong Kdey, một năm sau bị phát giác và cũng bị bắt. Miên cộng nhốt năm mẹ con bà Pranak cùng với
khoảng 400 người khác thuộc «chế độ cũ»
trong một Nhà Thờ Chánh Tòa đổ nát ở tỉnh nhỏ Khum Samrong. Chính tại nơi đó, con gái út của bà, em bé
Bòboul, đã tìm thấy tượng Chúa Giêsu Hài Ðồng nằm trong máng cỏ. Thoạt đầu, em chỉ thấy đẹp và muốn giữ chơi
như một búp-bê. Nhưng rồi bà mẹ em đã
nghiệm thấy dường như có một uy quyền, một phép lạ nào đó ẩn tàng trong Búp-bê
Thần này. Cứ mỗi lần Bòboul bị đau ốm,
mà em được ôm lấy Búp-bê Thần thì em liền được khỏi bịnh. Rồi nhiều em nhỏ khác bị nhốt trong Nhà Thờ đau
ốm cũng đã được ơn cứu chữa ấy. Chí đến
các người lớn bệnh hoạn cũng đã được khỏi khi cầu xin Búp-bê Thần; và lòng sùng
kính tôn thờ tự nhiên dâng lên. Trước
con mắt nhòm ngó dữ dằn của bọn lính Miên cộng, những người tù khốn khổ trong
Nhà Thờ đã không dám lập nên một bàn Thờ cho Vị «Chúa Con Nít» của họ. Ðền
đài của Chúa Giêsu Hài Ðồng nơi đây chính là cái túi vải rách rưới đeo trên
lưng em bé Bòboul, một đứa trẻ gầy gò bẩn thỉu.
Ðến nỗi chính danh hiệu cao cả của Chúa cũng chẳng ai biết nữa. Ðoàn người tù tội đã dùng ngay tên em bé để
gọi Chúa Giêsu Hài Ðồng, bây giờ tên Ngài là «Thần Bòboul».
Nhiều đêm, cửa Nhà Thờ mở ra, những họng súng chĩa
vào, vài tên Miên cộng thò đầu vô gọi tên một số người. Những người bị gọi đi trong đêm sẽ không bao
giờ trở lại. Họ đến quỳ gối bên em bé
Bòboul, hôn tượng Chúa Giêsu Hài Ðồng:
- Lạy Thần của Bòboul, bây giờ con sắp đi vào cõi
chết, con muốn khi chết đi được Thần của Bòboul thương con, đem con về cõi Trời
với Thần!
Cầu nguyện xong, họ hôn em Bòboul và ra đi vĩnh biệt,
trong khi đó Bòboul vẫn ngủ say sưa không biết gì cả. Số tù nhân vô tội vơi xuống lần lần.
Một đêm nọ, bà Pranak bị gọi tên. Bà choáng người như bị sét đánh, gọi cả bốn
con dậy, mẹ con ôm lấy nhau khóc mướt rồi bà cầu nguyện:
- Lạy Thần của Bòboul, xin cứu con, xin cho con được
sống với bốn đứa nhỏ này, cha nó đã bị bắn, hai anh nó đã bị đốt lửa; xin Thần
hãy cứu con để chúng nó còn có mẹ, và để mẹ con chúng con suốt đời thờ lạy
Thần.
Bà hôn các con rồi ra đi trong đêm tối theo lũ Miên
cộng...
Chừng hơn 2 tiếng đồng hồ sau, cánh cửa hậu Nhà Thờ
bỗng hé mở. Bà Pranak len lén bò
vào. Bà thì thào với các con:
- Mẹ và nhiều người bị đẩy xuống một cái hố, tụi nó
xả súng bắn càn rồi lấp đất lên, và bỏ đi.
Mẹ không bị trúng đạn, moi đất chui lên được về đây với các con. Ðúng là Thần của Bòboul đã cứu mẹ!
Năm mẹ con lại ôm nhau khóc... và tạ ơn Thần. - Việc
bà thoát chết, mò mẫm đêm khuya trở lại Nhà Thờ (đúng ra là nhà tù), cũng như
việc lính gác ngủ vùi và cửa Nhà Thờ hé mở, cho đến bây giờ, bà Pranak vẫn
không hiểu tại sao được như vậy. Bà chỉ một mực tin rằng đó chính là Thần
Bò-Boul ra ơn cứu mạng
Ngày chế độ Pol-Pot bị lật đổ, bọn lính canh tù trước
khi tháo chạy đã thảy đại vô Nhà Thờ 3 trái lựu đạn. Bé Bòboul thất kinh, cầm tượng giơ ra ngăn
cản. Lạ thay, cả 3 qủa đạn đều tịt ngòi
lăn long lóc trên nền Nhà Thờ. Một người
trong toán tù đã liều mình nhặt vứt ra ngoài.
Khi qủa lựu đạn cuối cùng ném ra khỏi cửa sổ, cả 3 đã phát nổ dữ dội
khoét thủng một lỗ ở chân tường, và do đó đoàn tù đã thoát ra rồi tản mác, mạnh
ai nấy chạy trốn vượt biên giới qua Thái Lan tị nạn.
Bé Bòboul lạc gia đình, một mình chạy nhủi ở trong
rừng, hết lòng cầu xin, hai ngày sau thì gặp lại được mẹ và anh em như cũ.
Khi năm mẹ con đắt díu nhau vượt biên tại Ban Nong
Pru chính là chỗ quân đội hai nước canh phòng biên giới, đang ghìm nhau rất cẩn
mật. Bé Bòboul cầm tượng Chúa đi trước
dẫn đầu cho gia đình đi ngang qua hai trạm lính canh gác, lạ thay, thấy lính
Miên-cộng và lính gác Thái đều ôm súng ngủ khì.
Câu chuyện thuật lại tưởng như khôi hài và hoang đường vậy.
John tỏ ra đặc biệt chú trọng đến mọi chi tiết của
câu chuyện. – Anh hỏi và Saleng thông
ngôn:
- Cho đến nay, Chúa Hài Ðồng còn tiếp tục làm phép lạ
không?
Bà Pranak trả lời:
- Không! không phải phép lạ, Thần của Bòboul không
làm phép lạ ra lửa, ra ánh sáng đâu.
Thần chỉ cứu người thôi. Ai cầu
xin Thần sẽ được, nhưng phải ở hiền, ở tốt, đừng có dữ dằn, ai yêu thương người
ta, Thần của Bòboul mới cho ơn. Thần còn
cho ơn nhiều nhiều, phải tin Thần thì mới được chứ!.
Tôi ngạc nhiên đến sững sờ nhìn bà Pranak, có phải bà
vừa đọc một đoạn Thánh Kinh nào đó cho tôi nghe không? Tôi nhìn kỹ mặt bà, gương mặt cằn cỗi xám
xịt, hàm răng vàng khè, cặp mắt đục và mệt mỏi.
Bà quê kệch, xấu xí và rách rưới hôi hám nữa, nhưng tâm hồn bà dường như
tràn ngập Niềm Tin và sự vui mừng.
Bốn đứa nhỏ của bà cùng với lũ trẻ tị nạn khác đang
xúm quanh John nhai kẹo cao-su. John nhờ
Saleng giảng dịch cho chúng hiểu sơ lược về Chúa Cứu Thế, mà bức tượng của
Bòboul chính là Thánh tượng Ngài. Thật
mà nói, tôi thấy lũ nhỏ chăm chú vào việc nhai kẹo nhiều hơn là lắng nghe câu
chuyện Thánh Sử.
Khi chúng tôi từ biệt bà con tị nạn để về lều, John
chưa kịp nói lời Good Night thì một
thanh niên chạy tới rối rít lên:
- Ðem Thần của Bòboul tới mau, xin cứu vợ tôi, nó sắp
đẻ rồi, chẳng có cô mụ bác sĩ gì ráo, khéo nó chết mất! Lạy Thần, xin cho vợ con của con được sống.
Tượng Chúa Hài Ðồng được rước đi tức khắc. Chúng tôi cũng cấp tốc trở về lều. Khi John trở lại với một bác sĩ thì mọi sự đã
xong. Một em bé tị nạn đã sinh ra bằng
yên, Người sản phụ đang thiu thiu ngủ,
và người chồng đang quỳ dưới đất chắp tay lạy Chúa Hài Ðồng như tế sao.
Bà Rosalynn Carter, sau này khi đến thăm trại, đã
bồng đứa bé đó trên tay và ứa lệ nói rằng:
«I want to go home as fast as I
can and mobilize people and do all we can to help the people here». (Tôi muốn trở về Mỹ càng sớm càng tốt để vận
động dân chúng làm tất cả những gì chúng ta có thể làm được để giúp dân chúng
nơi đây.)
Trần quốc Bảo
Richmond, Virginia
quocbao_30@yahoo.com
Comments
Post a Comment