Hiệp nhất trong đa dạng, hay thống nhất trong đồng dạng?
Hiệp nhất trong đa dạng,
hay thống nhất trong đồng dạng?
Chúng ta
hãy suy nghĩ về đoạn Kinh thánh sau:
Sáng Thế 11:1-9 => «[1] Thuở ấy, mọi người đều nói một thứ tiếng và dùng những từ như nhau. [2] Trong khi di chuyển ở phía đông, họ tìm thấy một đồng bằng ở đất Sin-a và định cư tại đó. [3] Họ bảo nhau : "Nào ! Ta đúc gạch và lấy lửa mà nung !" Họ dùng gạch thay vì đá và lấy nhựa đen làm hồ. [4] Họ nói : "Nào ! Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng, để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất."
«[5] Đức Chúa xuống xem thành và tháp con cái loài người đang xây. [6] Đức Chúa phán : "Đây, tất cả chúng nó họp thành một dân, nói một thứ tiếng. Chúng mới khởi công mà đã như thế thì từ nay, chẳng có gì chúng định làm mà không làm được. [27 Nào ! Ta xuống và làm cho tiếng nói của chúng phải xáo trộn, khiến chúng không ai hiểu ai nữa." [8] Thế là Đức Chúa phân tán họ từ chỗ đó ra khắp nơi trên mặt đất, và họ phải thôi không xây thành phố nữa. [9] Bởi vậy, người ta đặt tên cho thành ấy là Ba-ben, vì tại đó, Đức Chúa đã làm xáo trộn tiếng nói của mọi người trên mặt đất, và cũng từ chỗ đó, Đức Chúa đã phân tán họ ra khắp nơi trên mặt đất.»
Ta thấy
khởi đầu con người chỉ có một ngôn ngữ trên trái đất, mọi người đều nói chung
một thứ tiếng. Nhưng khi ấy,
Dưới mắt
con người thì việc thống nhất mọi sự vào một mối như vậy là điều rất tốt, và
Giáo Hội Công giáo cũng muốn thống nhất mọi giáo phái vào một mối như vậy dưới
quyền của mình và thống nhất niềm tin theo giáo lý của mình.
Nhưng Thiên Chúa lại không thấy đó là điều tốt, Ngài không muốn quyền bính tập trung vào một người, và mọi người phải rập theo một khuôn mẫu duy nhất. Vì thế, Ngài đã biến họ trở thành đa dạng bằng cách khiến họ nói nhiều thứ tiếng khác nhau (xem St 11:7.9). Ngài không muốn họ thống nhất trong đồng dạng như thế, mà muốn họ hiệp nhất với nhau trong đa dạng. Muốn hiệp nhất với nhau trong đa dạng, như ý Thiên Chúa muốn (mà Công đồng Vatican II đã nhận ra), thì con người phải tôn trọng tính đa dạng, nghĩa là phải tôn trọng sự khác biệt tự nhiên của nhau.
Nhưng rất
tiếc cho đến nay, Giáo Hội Công giáo chỉ muốn thống nhất trong đồng dạng, lý
tưởng đại kết hay hiệp nhất trong đa dạng xem ra vẫn còn là một ý tưởng hay lý
tưởng rất xa lạ đối với các giám mục, linh mục, giáo sĩ và giáo dân trong Giáo
Hội hiện nay.
Gương mẫu lý tưởng nhất của sự «Hiệp nhất trong Đa dạng» chính là Ba Ngôi Thiên Chúa, Ngài gồm ba Ngôi khác biệt nhau, nhưng do yêu thương, tôn trọng sự khác biệt của nhau nên đã hiệp nhất với nhau để trở nên một Thiên Chúa duy nhất. Một gương mẫu khác của sự «hiệp nhất trong đa dạng» mà thánh Phaolô nêu lên, đó là thân thể con người gồm rất nhiều cơ quan, chi thể khác biệt nhau, nhưng hoà hợp một cách hài hoà với nhau một cách toàn vẹn để trở thành một thân thể duy nhất.
Thánh nhân viết: «[13] Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Dothái hay Hylạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. [14] Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi. (...) [25] Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. [26] Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung» (1Cr 12:13-26).
Thử tưởng tượng: nếu thân thế mà thống nhất với nhau thành một thể đồng dạng, các chi thể hay các tế bào đều giống hệt nhau, thì thân thể ấy sẽ ra sao? Chẳng phải sẽ thành một cục thịt vô dụng và bất động sao? Cho nên các chi thể nhất thiết phải khác biệt nhau và cùng hợp tác với nhau thì thân thể mới hoạt động được.
Trước khi đi chịu khổ nạn, Đức Giêsu từng cầu nguyện với Thiên Chúa Cha bằng hai lời tương tự nhau: «Ut sint unum sicut et nos» (xin cho họ nên một như chúng ta)(Gioan 17:11b), hay «ut omnes unum sint sicut tu Pater in me et ego in te» (để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha)(Gioan 17:21). Nghĩa là: Ngài xin cho Hội Thánh Ngài thành lập được hiệp nhất với nhau như Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiết tưởng các giáo phái Kitô giáo muốn trung thành với Thầy mình thì cần thực hiện ý muốn quan trọng ấy của Ngài. Tôi nhận thấy các giáo phái Kitô giáo hiện nay không những không hiệp nhất, mà còn coi nhau như tà đạo, khác hẳn với mệnh lệnh hay giới răn cuối cùng của Đức Giêsu: «[34] Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. [35] Ở điểm này, là anh em có lòng yêu thương nhau, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy» (Gioan 13:34-35).
Thiết tưởng cách hiệp nhất như thế nào thì chắc chắn không phải là «thống nhất trong đồng dạng» như cách mà Babel đã thực hiện trước đây, mà là «hiệp nhất trong đa dạng» hay «đại kết» (Œcumenius), như Công đồng Vatican II chủ trương trong Sắc lệnh về Hiệp nhất, và đã được nhiều vị Giáo Hoàng quan tâm đề cập tới. Nhưng cho tới nay dường như vẫn chưa thấy Giáo Hội thật sự quan tâm thực hiện.
Cái ngăn trở lớn nhất là các giáo phái chưa chấp nhận được sự đa dạng trong cách giải thích, cách chú giải hay cách hiểu khác nhau đối với một số câu hay văn bản quan trọng trong Kinh thánh. Giáo Hội Công giáo đã có một tiêu chuẩn mà ai cũng phải công nhận là đúng đắn: «In necessariis unitas, in dubiis libertas, in omnibus caritas» = «Hiệp nhất trong những gì cần thiết, tự do trong những gì còn nghi ngờ, bác ái trong tất cả mọi sự». Nhưng cái khó là sự khác biệt giữa các giáo phái trong việc xác định được cái nào là cần thiết, và cái nào không cần thiết. Giáo phái A cho rằng câu Kinh thánh X là cần thiết và phải hiểu theo cách aaa chứ không thể hiểu khác được; nhưng giáo phái B cho rằng phải hiểu theo cách bbb mới đúng; còn giáo phái C cho rằng phải theo cách ccc mới được… Theo thiển ý tôi thì khi có sự khác biệt như thế thì cần phải xếp những cách hiểu khác nhau ấy vào loại «còn nghi ngờ» để mọi người tự do hiểu cách nào thì hiểu, không kết án họ… Điều quan trọng nhất vẫn là «in omnibus caritas» = «bác ái trong mọi sự», nghĩa là phải tôn trọng tự do của nhau trong tinh thần bác ái về những cách hiểu khác biệt ấy để có thể hiệp nhất với nhau.
Yếu tố cốt yếu để hiệp nhất, chính là sự đồng nhất đang có giữa các giáo phái Kitô giáo, trước hết là cùng tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu là Thiên Chúa và là Cứu Chúa, cùng đọc một cuốn Kinh thánh, và cùng có chung những yếu tố được kê ra trong lời đề nghị sau của thánh Phaolô: «[2] Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. [3] Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. [4] Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. [5] Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. [6] Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.» (Êphêsô 4:2-6). Tất cả mọi giáo phái đều tin giống nhau về những điều trên, thì hãy lấy những điều ấy làm căn bản, đồng thời coi nhẹ và chấp nhận những khác biệt trong những điều kém quan trọng, thì mới có thể hiệp nhất với nhau được. Còn ai hiểu khác với mình trong những điều không quan trọng thì đừng kết án hay loại trừ họ, khi họ cùng tin những điều căn bản trên y hệt mình. Có như thế thì mới hiệp nhất với nhau được.
Tôi nhận thấy thế giới đã tiến từ chế độ phong kiến, chế độ độc tài chuyển thành chế độ tự do dân chủ. Chỉ còn một số quốc gia theo chế độ độc tài, thường là những quốc gia phát triển thua kém các quốc gia theo chế độ dân chủ. Trong các quốc gia theo chế độ tự do dân chủ, có rất nhiều lập trường chính trị, văn hóa, xã hội… khác biệt nhau. Tất cả những lập trường khác biệt nhau ấy đều được chấp nhận, nhờ thế họ có thể sống hoà hợp với nhau, cộng tác với nhau thành một quốc gia duy nhất, Họ chỉ có chung nhau một số giá trị như: tôn trọng sự khác biệt hay đa dạng, tôn trọng tự do, các quyền con người, sự toàn vẹn lãnh thổ, v.v... Nói chung, họ cùng chấp nhận một hiến pháp tự do dân chủ. Quốc gia đa dạng nhất là Hiệp Chúng quốc Hoa Kỳ với rất nhiều sắc tộc khác nhau, nhiều tôn giáo khác nhau, nhiều lập trường chính trị khác nhau… Nhưng nói chung họ vẫn hiệp nhất với nhau được, chính nhờ tôn trọng sự khác biệt của nhau, chấp nhận cho người khác được suy nghĩ hay sống khác với mình. Có lẽ đó cũng là một gương khá tốt của sự hiệp nhất.
Nhưng xem ra điều mong ước của Chúa Giêsu về sự hiệp nhất của những người theo Ngài, việc thành tựu mong ước ấy cho tới nay vẫn còn xa vời lắm!
Nguyễn Chính Kết
Comments
Post a Comment