Về Thiền sư Nhất Hạnh
Về Thiền sư Nhất Hạnh
Thiền sư Nhất Hạnh vừa viên tịch tại chùa Từ Hiếu ở Huế,
Việt
Sở dĩ có những cái nhìn khác nhau về nhân vật này là do sự
khác biệt giữa những thông tin, giữa những gì mỗi người nhận được liên quan đến
nhân vật trên. Những ai chỉ đọc sách hoặc nghe những bài thuyết giảng của ông
về đạo pháp, nếu phù hợp với trình độ tâm linh của mình, thì đều cảm thấy ông
đúng là một minh sư tuyệt vời. Còn ai có trình độ thấp hoặc cao hơn thì cảm
thấy không phù hợp. Riêng những ai biết được những bài thuyết trình sai sự thật
của ông tại Hoa Kỳ ca tụng cộng sản Bắc Việt, đả kích chế độ tự do dân chủ tại
Miền Nam Việt
Trước hai khuynh hướng trái ngược nhau như thế, một vài
người bạn hỏi tôi nhận định thế nào về Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Trước hết, tôi
xin xác định rằng tôi tôn trọng mọi cái nhìn khác biệt dù trái nghịch hay mâu
thuẫn nhau.
Phần tôi, là một người tìm hiểu các tôn giáo, trong đó có
Phật giáo, tôi đã từng đọc những tác phẩm của Thiền
sư Nhất
Hạnh, từng nghe những bài thuyết pháp của ông về tâm linh trên một số video
youtube, tôi cũng cảm phục sự uyên bác về tâm linh của ông, và tôi cũng từng
thực hành một số những lời dạy của ông với ít nhiều cảm phục.
Nhưng là một người biết và thực chứng quá rõ sự gian trá và
độc ác của chế độ CSVN, nên khi biết Thiền sư Nhất Hạnh từng ủng hộ
CSVN, từng viết bài và thuyết trình tại hải ngoại với ác ý rất bất lợi cho chế
độ tự do dân chủ của VNCH, và từng kết án Mỹ là kẻ xâm lược Việt Nam, tôi hoàn
toàn không đồng ý với ông về lập trường chính trị ấy của ông.
Như vậy, tôi vừa cảm phục những kiến thức, khả năng suy tư
của ông về tâm linh tôn giáo, vừa bất đồng ý kiến về lập trường chính trị của
ông, vậy thì chung cuộc, tôi phải kết luận thế nào về ông đây? Và trả lời sao
cho những người bạn hỏi tôi nghĩ thế nào về ông?
Là một người Kitô hữu, để nhận định và phán đoán sự việc,
tôi chỉ biết dựa vào những tiêu chuẩn qua giáo huấn của Chúa Giêsu, là người
tôi nhận là thầy để học hỏi và noi gương cho cả cuộc đời tôi. Qua giáo huấn của
Ngài, tôi luôn tìm hiểu cách nhìn vấn đề, cách quan niệm, cách suy nghĩ và hành
động của Ngài để noi theo. Vì thế, tôi xin chia sẻ với mọi người về cách nhìn,
cách đánh giá của tôi về Thiền sư Nhất Hạnh cũng như nhiều
người khác dựa trên quan điểm của Chúa Giêsu và của các môn đệ Ngài được ghi
lại trong sách Tân Ước về 2 giá trị khác nhau mà ai cũng coi trọng: đó là cái tâm
yêu thương và khả năng phục vụ tha nhân, nói ngắn
gọn theo kiểu nói của người Việt, đó là Đức và Tài.
Đoạn đầu tiên làm tôi hết sức ngạc nhiên trong Tân Ước cho
thấy cách nhìn hay quan niệm của Chúa Giêsu về hai giá trị Tài và Đức nói trên. Xin mọi người cùng đọc:
Sách Mátthêu chương 7 có đoạn: «(21) Không
phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả
đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của
Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. (22) Trong
ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi
đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” (23) Và
bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất
mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!»
(Matthêu 7:21-23).
Điều tôi lấy làm lạ, đó là những người tự kể công với Ngài
rằng họ đã dùng khả năng siêu phàm của mình để nói tiên tri, trừ quỷ và làm
nhiều phép lạ. Chắc chắn họ không dám nói dối Ngài về những khả năng siêu phàm ấy.
Những khả năng ấy, tôi cứ tưởng rằng phải là những người rất đạo đức, rất thánh
thiện mới có được. Chắc chắn rất nhiều Kitô hữu cũng nghĩ như tôi. Thế mà Chúa
Giêsu lại kết án họ là «bọn làm điều gian ác». Như vậy nghĩa là sao?
Chẳng lẽ Ngài nói sai câu này? – Chắc chắn không phải như vậy. Những đoạn khó
hiểu, khó giải thích này khiến tôi nghĩ rằng Ngài muốn mặc khải một điều quan
trọng mà rất nhiều người lầm tưởng. Vậy phải giải thích thế nào? Tôi chưa tìm
được cách giải thích cho tới khi đọc đoạn thư của Thánh Phaolô sau đây gửi cho
tín hữu thành phố Côrintô ở Hy Lạp:
Thánh nhân viết: «(1) Giả như tôi có nói
được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng
khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. (2) Giả như tôi
được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu,
hay có được tất cả đức tin đến chuyển
núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. (3)
Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp
mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến,
thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1 Cr 13:1-3).
Qua đoạn Tân Ước trên, tôi ngộ ra rằng rằng: trong đời sống
tâm linh, điều quan trọng nhất là phải có tâm yêu thương mà người Công giáo
gọi là đức mến. Không có cái tâm yêu thương này thì
tất cả mọi việc làm, mọi khả năng mà người đời thường cho là tốt đẹp, là quý
giá, thậm chí là đạo đức, đều không có giá trị gì trước mặt Thiên Chúa.
Những khả năng hay việc làm dù được người đời coi là vô cùng tốt đẹp, chỉ có
giá trị trước mặt Thiên Chúa khi chúng được thực hiện với tâm yêu thương mà
thôi.
Nói khác đi, dù tôi có tài năng cỡ nào, hoặc dùng những tài
năng đó để phục vụ mọi người, được mọi người đánh giá rất cao, nhưng nếu sự
phục vụ ấy chỉ nhắm mục đích để được mọi người khen tặng, hay để
đạt được một lợi lộc ích kỷ nào đó, dù là lợi lộc tâm linh, chứ không xuất phát
từ tâm yêu thương, thì sự phục vụ hay tài năng siêu việt ấy chẳng
có giá trị gì trước mặt Thiên Chúa cả.
Do đó, nếu tôi không có tâm yêu thương, nếu tôi vô cảm trước
những nỗi đau khổ của người khác, nhất là những đau khổ tận cùng của tha nhân;
hoặc tôi chỉ cảm thương xuông, chỉ tội nghiệp cho họ mà không có một hành động
hay một hy sinh nào để cứu giúp họ; hoặc tôi tích cực ra mặt cứu giúp họ chỉ để
được mọi người khen tặng, thì chẳng có giá trị tâm linh bao nhiêu. Hoặc nếu dân
tộc tôi đang lâm cảnh khốn cùng, như có nguy cơ mất nước, bị diệt chủng (tương
tự như dân tộc Tây Tạng hay dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hiện nay), mà tôi
vẫn vô cảm, vẫn cảm thấy vô trách nhiệm, thì những bài viết hay những bài giảng
thật hùng hồn, thật tuyệt vời về tình người, về lòng bác ái của tôi cũng trở
thành vô giá trị trước mặt Thiên Chúa.
Như vậy, đối với những người thuyết giảng rất hay, những
cuốn sách và những bài viết rất tuyệt vời về tâm linh tôn giáo, về tình yêu tha
nhân, về lòng bác ái, như của Thiền sư Nhất Hạnh chẳng hạn,
nhưng nếu cái tâm của người thuyết giảng hay viết lách chẳng có chút yêu thương
nào đối với tha nhân, đối với quốc gia dân tộc, nhất là sẵn sàng làm những điều
có hại cho quốc gia dân tộc, thì tôi nghĩ, có lẽ trước mặt Phật, trước mặt
những người am hiểu về tâm linh tôn giáo, cũng như như trước mặt Thiên Chúa của
Kitô giáo, sẽ chẳng có chút giá trị gì, mặc dù có thể được người đời coi là có
giá trị tuyệt vời.
Sau đoạn Tân Ước trong sách Mátthêu chương 7 nói trên, Chúa
Giêsu còn thêm: «(24) Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. (25) Dù
mưa sa, nước cuốn, hay bảo táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên
nền đá. (26) Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như
người ngu dại xây nhà trên cát. (27) Gặp
mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành»
(Matthêu 7:24-27).
Như vậy, theo quan điểm của Chúa Giêsu, điều cần thiết nhất trong đời
sống tâm linh không phải là hiểu biết thâm sâu lời của Ngài, hoặc đậu
những bằng này cấp nọ về Thánh Kinh, hay thuyết giảng những giáo huấn của Ngài
thật hùng hồn, thật hấp dẫn, được mọi người hết lòng khâm phục; mà là có
sống thật những gì mình hiểu,
những gì mình rao giảng về điều cốt yếu nhất trong giáo huấn của
Ngài hay không.
Theo tôi hiểu, điều cốt yếu nhất trong giáo huấn
của Ngài là có tình yêu thương thật sự đối với tha nhân hay không. Thật vậy,
trong bữa tiệc chia tay với các môn đệ trước khi chịu khổ hình thập giá, Ngài
tha thiết nói với các môn đệ của mình chỉ một giới răn mà Ngài cho là quan
trọng nhất: «(34) Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương
anh em. (35) Ở điểm
này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu
thương nhau» (Gioan 13:34-35).
Như vậy, để nhận ra một người có thật sự là môn đệ Chúa
Giêsu hay không, hay chỉ là thứ môn đệ «hữu
danh vô thực» của Ngài, thì chỉ cần căn cứ vào cách người ấy cư xử với tha
nhân xem có tâm yêu thương, có tình có nghĩa hay không. Ngày
phán xét cuối cùng được thánh Matthêu mô tả trong chương 25, Ngài cũng chỉ xét
theo tiêu
chuẩn duy nhất ấy để phân biệt kẻ tốt với người xấu, đó là có thực hành
giới răn duy nhất vừa trưng dẫn hay không. Ngài nói với những người tốt lành: «(34)Nào
những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi
ngay từ thuở tạo thiên lập địa. (35) Vì xưa Ta đói, các
ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã
tiếp rước; (36) Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta
đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm”. (37) bấy
giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã
thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; (38) có bao giờ
đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? (39) Có
bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu?” (40) Ðể
đáp lại, Ðức Vua sẽ bảo họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta
vậy»
(Matthêu 25:34-40).
Còn đối với những người xấu, Ngài cũng nói: «(45) Ta
bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi
không làm như thế cho một trong những
người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã
không làm cho chính Ta vậy» (Matthêu 25:45).
«Những anh em bé nhỏ nhất» hay «những người bé nhỏ
nhất» trong câu trên mà Ngài tự đồng hoá với chính Ngài, chính là
những người nghèo khổ, những kẻ bị áp bức, bóc lột… Qua những đoạn Tân Ước kể
trên, ta có thể rút ra kết luận: Dù ta là ai, là vua hay thường dân, là tổng
thống hay bộ trưởng, là giáo hoàng hay giám mục, là giáo sĩ hay giáo dân, dù ta
hiểu biết lời Chúa thâm sâu đến đâu, có thuyết giảng hay đến đâu, nếu không
có tình thương thật sự đối với «những người nhỏ bé nhất» ấy, thì
chẳng
là gì đáng kể trước mặt Ngài đâu!
Tuy nhiên, những gì họ viết, họ rao giảng, tuy không có giá
trị trước mặt Thiên Chúa, vẫn có ít nhiều giá trị về mặt giáo dục con người,
nên Chúa Giêsu khuyên: «Những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng
làm theo hành động của họ, vì họ nói mà không làm» (Matthêu 23:3).
Đọc những câu Kinh Thánh trên, thiết tưởng ai cũng có thể
kết luận về cách nhìn hay cách đánh giá của Chúa Giêsu về TÀI và ĐỨC,
không chỉ của Thiền sư Nhất Hạnh, mà còn áp dụng cho cả những
bậc vị vọng trong xã hội hay trong tôn giáo, tuy có tài năng xuất chúng, nhưng
thiếu tâm yêu thương, nhất là vô cảm đối với «những người nhỏ bé nhất»
mà Chúa Giêsu tự đồng hoá với chính Ngài. Và đó cũng là cách nhìn và cách đánh
giá của tôi.
Nguyễn Chính Kết
Houston,
26/1/2022.
Comments
Post a Comment