Tâm "Bồ Dao Găm"
Tâm "Bồ Dao Găm"
Tôn Nữ Như Không
Một việc chúng tôi rất ngại và cố né là viết đụng tới các vị tu hành. Một phần là vì lý do thực tế. Ðó là viết đụng tới một vị nào đó thì tất sẽ có kẻ bênh người chống, mà những kẻ đã nhắm mắt bênh các vị tu hành thì khủng khiếp lắm, họ sẽ bênh theo kiểu "thánh chiến", chứ không nghe phân trần phải trái. Một phần là vì bản thân chúng tôi, cũng giống như quý vị, đều giữ lòng tôn kính và kỳ vọng đặc biệt vào các vị lãnh đạo tinh thần.
Nhưng trong đời, có lúc cũng đành phải làm một vài chuyện chẳng đặng đừng, đã có gan cầm bút thì mình không thể làm ngơ trước sự giả trá quá lộ liễu, và sự bất công có khả năng dẫn tới sự tàn phá quá lớn lao. Nhất là nếu sự giả trá bất công đó lại đến từ một vị tu hành có ảnh hưởng lớn như Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Nói tới Thiền sư Thích Nhất Hạnh có lẽ phần đông người Việt Nam đều nghe danh, và đối với phần đông người Việt Nam và người ngoại quốc, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã xuất hiện như một người đạo cao, đức trọng. Chính vì cái hình ảnh đạo cao, đức trọng này, cộng với tài tổ chức, tài thuyết pháp và tiền rừng, bạc biển, mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh có khả năng góp phần gây ảnh hưởng tốt hay xấu trên dư luận thế giới về một vấn đề nào đó.
Nói cách khác, nếu cái tâm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đúng là tâm Phật thì thật phúc cho nhiều người, còn nếu cái tâm của Thiền sư chỉ là một bồ dao găm thì thật là họa cho chúng sinh!
Tại sao hôm nay chúng tôi lại buồn lòng phải thưa chuyện với Thiền sư Thích Nhất Hạnh, với Phật tử và với mọi người Việt Nam một cách thẳng thắn?
Xin thưa: vì Thiền sư Thích Nhất Hạnh lại vừa làm thêm một chuyện động trời.
Sau khi nước Mỹ bị bọn khủng bố tấn công tàn bạo, và trong khi nước Mỹ gạt nước mắt để cương quyết đứng lên cùng cả thế giới ngăn chặn những đợt khủng bố kế tiếp, đồng thời truy lùng bọn khủng bố có tổ chức quy mô và có khả năng tiêu diệt nền văn minh nhân loại bằng những thứ vũ khí độc hại nhất, thì Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã cấp tốc tổ chức một buổi thuyết pháp tại một nhà thờ ở New York và đã chi một số tiền kếch sù để đăng quảng cáo buổi thuyết pháp này trên một tờ báo có ảnh hưởng rất lớn ở nước Mỹ là tờ The New York Times.
Nếu đây chỉ là một bài thuyết pháp kêu gọi hòa bình, hay dạy dỗ người Mỹ biết cách kềm giữ để sự giận dữ không biến thành một cuộc trả thù bừa bãi, thì chúng tôi vẫn sẵn lòng lắng nghe, cũng như chúng tôi đã lắng nghe nhiều vị giáo chủ thuộc mọi tôn giáo đã lên tiếng cầu nguyện cho thế giới được hòa bình, đồng thời kêu gọi chính phủ Mỹ hãy sáng suốt và tự chế trong công tác truy lùng những thủ phạm gây tội ác, nhất là khuyến khích thăng tiến sự đối thoại, cảm thông và tôn trọng lẫn nhau để làm căn bản chung.
Bài thuyết pháp được mở đầu bằng tám câu thơ, xin tạm dịch:
Bài thơ thật tuyệt vời, nhưng là sự tuyệt vời khởi đầu cho một âm mưu gian dối!
Bởi vì ngay sau đó, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói với cử tọa Mỹ rằng bài thơ đã được làm trong cuộc chiến tranh Việt Nam, khi Thiền sư nghe tin thị xã Bến Tre với 300,000 ngàn dân đã bị máy bay Mỹ bỏ bom phá hủy, chỉ vì có 7 quân du kích đã bắn vài loạt đạn súng phòng không lên trời rồi bỏ chạy. Vụ phá hủy thị xã Bến Tre ấy đã làm Thiền sư đau đớn vô cùng.
Bịa. Bịa trắng trợn và ác ý!
Gian. Gian trơ trẽn và ác độc!
Viết tới đây, tôi phải bụm mặt tôi vào hai bàn tay, để sưởi ấm nỗi cô đơn thất vọng của tôi, và để ngăn cản hồn tôi đừng bỏ tôi một mình trong cơn giận dữ.
Bởi vì chuyện bịa không ngượng mồm và gian dối không ngượng mặt này đã không đến từ một người tầm thường, mà đến từ một Thiền sư được nhiều người tán tụng.
Ðây cũng không phải là lần bịa chuyện gian dối đầu tiên của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Hồi còn chiến tranh Việt Nam, để kích thích phong trào phản chiến, Thiền sư đã bịa chuyện nhìn thấy trực thăng Mỹ xà xuống đồng ruộng bắt gái quê đem đi hiếp. Sau đó có người hỏi rằng chuyện ấy đã xảy ra ở tỉnh nào, xã nào, Thiền sư đã không trả lời. Những chuyện gian dối này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh chỉ bịa với người ngoại quốc, mặt khác Thiền sư thừa biết rằng nếu bịa trước cử tọa Việt Nam thì Thiền sư sẽ bị lật mặt nạ ngay.
Muốn phân tích chuyện bịa trắng trợn mở đầu cho bài thuyết pháp hôm 25 tháng 9 vừa qua, thiết tưởng nên chép lại đây nguyên văn lời Thiền sư Thích Nhất Hạnh thuyết pháp bằng tiếng Mỹ:
"I wrote this poem during the Vietnam war after I heard about the bombing of Ben Tre city. The city of 300,000 was destroyed because seven guerrillas shot several rounds of unsuccessful anti-aircraft gunfire and then left. My pain was profound..."
Người Việt Nam mình đọc đoạn thuyết pháp này thì chỉ cười khẩy, vì hiểu là chuyện bịa trắng trợn. Ai cũng biết rằng chẳng có một toán chỉ 7 quân du kích nào mà có súng phòng không. Mà giả sử có anh du kích nào gặp hên lượm được khẩu súng phòng không do ai đó đánh rơi ở dọc đường mà bắn lên trời đi nữa, thì máy bay Mỹ cũng chẳng đủ bom và đủ tàn ác để phá sạch (destroy) thị xã Bến Tre với 300,000 dân. Chứng minh rõ ràng nhất là thị xã Bến Tre vẫn còn đó, người Bến Tre vẫn còn đây, trong và ngoài nước, để làm chứng cho sự bịa đặt gian dối ác ý này.
Bây giờ, nếu có ai lại đặt câu hỏi rằng chuyện Mỹ bỏ bom phá sạch thị xã Bến Tre với 300,000 dân ấy xẩy ra ngày nào, tháng nào, năm nào, thì lại một lần nữa Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng chỉ - lầm lì - nhắm mắt - ngồi thiền - im lặng!
Nhưng như đã nói ở trên, đối tượng tuyên truyền của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong bài thuyết pháp đắt tiền vừa qua là người Mỹ. Mà người Mỹ, khi nghe lời thuyết pháp từ một Thiền sư với dáng dấp khoan thai, giọng nói từ bi như vậy, thì họ tin lắm.
Họ chẳng biết Bến Tre ở đâu.
Lẫn trong giọng thuyết pháp từ bi đều đều là hình ảnh của một thành phố với 300,000 người đàn bà, đàn ông, người già, trẻ thơ vô tội bị giết sạch. Cái câu cố ý lấp lửng. All the city of 300,000 was destroyed có hậu ý và tác dụng gây mặc cảm phạm tội vô cùng khủng khiếp. Ðể phá hủy cả một thành phố như vậy, máy bay Mỹ phải lồng lộn như bầy quạ, máu tóe, thịt văng, khói lửa ngút trời. Người Mỹ rùng mình vì sự tàn ác. Của ai? Của máy bay Mỹ? Của chính phủ Mỹ! Phút chốc, cái hình ảnh hai chiếc máy bay bị quân khủng bố cho lao vào tòa nhà Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York biến mất trong đầu người nghe. Bởi vì sự tàn ác của bọn không tặc nào có thấm gì so với sự tàn ác của Mỹ? Một tòa nhà bị phá hủy làm sao so sánh được với cả thành phố? Vài ngàn người chết làm sao so sánh được với con số 300,000 người? Cử tọa Mỹ nghe thuyết pháp trực tiếp và người đọc báo Mỹ rũ xuống với mặc cảm phạm tội. Một màn phù thủy tài tình! Đối tượng của sự kinh tởm và oán ghét được chuyển từ quân khủng bố sang quân đội Mỹ và chính phủ Mỹ. Mục đích của bài thuyết pháp đã thành công! Sự bịa chuyện gian dối đã được đền bù!
Cái hậu ý ác độc được che dấu bằng nụ cười tươi nở búp sen. Cái Tâm Dao Găm được khép kín trong hai con mắt nhắm ngồi thiền.
Bài thơ có lẽ vừa mới được làm chưa ráo mực, được nói dối là đã làm hồi chiến tranh Việt Nam để làm tiền đề cho một lời nói dối khác có tính cách vu vạ ác độc, nhằm mục đích phá hủy chính nghĩa và lòng tự tin của những nạn nhân vừa bị tai họa khủng bố giáng xuống. Ác thật ác! Ðộc thật độc!
Ác ấy, độc ấy vừa được phun ra từ cửa miệng của một Thiền sư, được phóng ra từ tâm của một Thiền sư! Người Việt Nam nói chung và người Phật tử Việt Nam nói riêng không thể giữ im lặng đồng lõa với cái ác độc bội phản này. Với cái tâm dao găm phảng phất mùi thiền, trong quá khứ Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đâm những nhát chí tử vào ý chí chiến đấu tự vệ của người miền Nam Việt Nam. Nay cũng với cái tâm dao găm phảng phất mùi thiền ấy, cộng với danh tiếng và thế lực tiền tài lớn hơn xưa. Thiền sư Thích Nhất Hạnh bằng sự biạ đặt gian dối ác ý, đang âm mưu hạ gục ý chí chiến đấu của người Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố gian nan khốc liệt này.
Ác! Ác quá! ..Người Việt Nam chúng ta thuộc mọi tôn giáo không thể đồng lõa vì nếu chúng ta im lặng thì cái tâm dao găm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đâm một nhát thấu được qua hai con tim: con tim người Mỹ với mặc cảm phạm tội ác chiến tranh và con tim của người Việt chúng ta với mặc cảm đồng lõa với sự bịa đặt gian dối ác độc. Chúng ta cần hiệp lực chữa cái ác độc do một Thiền sư Việt Nam gây ra. Xin đề nghị ba việc:
Thứ nhất, xin kính bạch Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc 42 năm, kẻ gây chiến là đảng Cộng Sản Việt Nam đã thắng, nạn nhân là cả dân tộc Việt Nam đã thua, thế mà tới bây giờ Thiền sư vẫn còn trường kỳ mai phục để tiếp tục bịa những chuyện động trời một cách ác ý và có tính toán như vầy, thế thì xin hỏi:
Thiền sư là ai? Thiền sư là ai mà cứ mỗi lần nước Mỹ đang lâm chiến hay sắp sửa lâm chiến thì Thiền sư lại mượn mùi thiền để bịa chuyện nhằm gây mặc cảm phạm tội chiến tranh trong dân chúng Mỹ, với mục đích thúc đẩy hoặc vực dậy phong trào phản chiến trói tay chính phủ Mỹ hành động? Trong quảng cáo trên báo The New York Times, Thiền sư tự giới thiệu là một a peace maker. Tạm dịch là người xây dựng hòa bình.
Kính bạch Thiền sư, hòa bình không thể xây dựng bằng cái tâm gian dối - ác độc - và phản bội! Cái tâm dao găm cũng không phải là cái tâm của một Thiền sư. Phản chiến có hai mặt tích cực và tiêu cực. Rất tiếc, qua hành động, Thiền sư đã và đang hiện hình là một người phản chiến với cái nghĩa tiêu cực. Thiền sư đã và đang khoác áo thiền, mượn danh yêu hòa bình, để giả đò can gián bằng cách ôm cứng nạn nhân cho thủ phạm hung hăng đánh gục. Với thủ đoạn gây mặc cảm phạm tội ác chiến tranh trong lòng những nạn nhân vừa bị khủng bố, Thiền sư cũng đã đích thực là một thành phần khủng bố! Nguy hiểm hơn cả những tên khủng bố lái máy bay đâm vào tòa nhà Trung Tâm Thương Mại Thế Giới, vì sự khủng bố của Thiền sư nhằm đánh gục tinh thần và ý chí chiến đấu chống khủng bố của những người nghe Thiền sư thuyết pháp và đọc quảng cáo của Thiền sư trên báo.
Thứ hai, chúng tôi xin thưa chuyện với người Việt Nam, đặc biệt là người Bến Tre. Chúng ta biết đây là một bịa đặt ác ý bởi một vị lãnh đạo tinh thần Việt Nam. Chúng ta xấu hổ. Nhưng xấu hổ không đủ, chúng ta cần góp phần giải độc cái bịa đặt ác ý này. Đối tượng rải độc của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người Mỹ, nên đối tượng giải độc của chúng ta cũng phải là người Mỹ. Chúng ta cần thông báo cho chính phủ Mỹ và các cơ quan truyền thông Mỹ về sự kiện gian dối và hậu ý ác động này.
Thứ ba, chúng tôi xin các hội đoàn và đặc biệt là các vị Luật sư cùng nghiên cứu, để một mặt đặt vấn đề với Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một mặt đặt vấn đề với báo The New York Times. Chúng ta là những người sống có lý và có tình. Chúng ta không thể im lặng đồng lõa với sự gian dối lọc lừa và âm mưu phản bội. Ðây là vấn đề lương tâm và cũng là liên quan tới cái sống cái chết của chúng ta, không hề nhuốm một tí màu sắc tôn giáo nào.
Xin trân trọng kính chào,
Tôn Nữ Như Không (Báo Mai)
Comments
Post a Comment