Chống ác, chống bất công không phải là làm chính trị
Chống
ác, chống bất công
không phải là làm chính trị
«Tôn giáo nào cũng đòi hỏi mọi tín đồ phải chống ác, chống bất công.
Có những kẻ lý luận: Chống ác, chống bất công do ai gây nên thì đều là điều
tốt,
nhưng chống ác, chống bất công do nhà cầm quyền quốc gia gây nên thì là làm chính trị, là điều
xấu»,
Tôi cho rằng chỉ những kẻ nguỵ biện, hoặc kém hiểu biết,
hoặc không đủ dũng khí trước bạo lực, mới chấp nhận như vậy.
Chống ác, chống bất công, đó là điều mà không chỉ các
tôn giáo, mà ngay cả Karl Marx, Lenin và những người cộng sản chân chính nhất
cũng đều coi đó là điều tốt, thậm chí cần phải làm. Tôi chắc chắn điều ấy.
Nhưng quả thật, tôi rất lấy làm lạ, thậm chí không
hiểu nổi khi thấy những người trí thức, cả những người lãnh đạo quần chúng, lại
có thể chấp nhận dễ dàng một nguỵ biện là: chống ác, chống bất công do ai làm
thì cũng đều tốt cả, và không có gì là chính trị cả; nhưng chống ác, chống bất
công do nhà cầm quyền quốc gia gây nên là làm chính trị, là phản động, là xấu xa, là điều mà các
tín đồ tôn giáo không nên làm.
Và tôi càng không hiểu nổi khi thấy cả những người đã
từng học triết học, từng là thầy dạy triết, nghĩa là từng học hay dạy môn luận
lý học, lại không thấy gì phi lý trong cái lập luận trên để rồi sẵn sàng chấp
nhận nó, và hành động theo nó như một điều hợp lý. Thật tôi không hiểu nổi tại
sao, trừ cách lý giải sau đây.
Chỉ có một cách giải thích, đó là: người chấp nhận lý
luận phi lý đó chỉ vì sợ, vì bị áp lực mà thôi: nếu không chấp nhận như vậy thì
coi chừng bị một thế lực ác và tàn bạo nào đó chế tài, trừng phạt, bỏ tù, kết
án, tra tấn, hoặc giết chết...
Tôi là người tương đối nhát, chỉ không chấp nhận hèn
thôi, nên rất thông cảm cho những người dù biết rằng lý luận đó là hoàn toàn
phi lý, nhưng vẫn phải tỏ ra chấp nhận nó vì sợ hãi, vì sợ
đau khổ, sợ liên luỵ đến bản thân, sợ liên luỵ đến người thân hoặc những người
mình có trách nhiệm coi sóc, v.v... Phải nói rằng có hàng trăm lý do để mà sợ áp
lực hay đe doạ của những kẻ ác có quyền lực và hành động bất chấp phi lý.
Trong những trường hợp như vậy, kẻ đáng trách móc nhiều nhất
chính là thế lực tàn ác kia. Còn kẻ sợ đau khổ cho mình hoặc cho người
khác mà phải chấp nhận sự phi lý ấy, thì chỉ đáng trách ở chỗ họ không đủ bất
khuất và can đảm để làm những gì lương tâm hay sự hợp lý đòi buộc. Những người
này rất
đáng thông cảm, vì bản năng của mọi người không trừ ai, kể cả những anh
hùng vĩ đại nhất, đó là sợ đau khổ, sợ chết. Những bậc anh hùng chỉ là những
người dám vượt thắng bản năng sợ hãi để thực hiện lý tưởng, thực hiện
những gì lương tâm mình đòi hỏi. Người có lòng khoan dung thường không kết
án quá nặng nề những người yếu đuối, không đủ bất khuất và can đảm để thực hiện
những gì lương tâm mình đòi hỏi.
Trong đa số những người không đủ dũng khí và tính bất
khuất trên, tôi chỉ phiền trách những người đã thệ nguyện trung thành
với lý tưởng của mình, lý tưởng mà họ biết rằng lý tưởng đó đòi hỏi sự hy sinh
cao cả, sự dũng mãnh, nhưng họ lại tỏ ra hèn và nhát khi việc thực hành
lý tưởng ấy trong thực tế cuộc sống đòi hỏi họ phải can đảm chấp nhận hy sinh
cao hơn người bình thường một chút như lý tưởng họ đòi hỏi.
Đối với những người này, họ đáng phiền trách ở chỗ họ
đã không
hề lượng sức mình khi chọn lý tưởng cao thượng để theo. Có thể là vì họ
nhắm những quyền lợi dành cho những người theo lý tưởng ấy, hơn là vì chính lý
tưởng ấy. Chúa Giêsu đã có lời tiên báo trước về số phận của những
người muốn theo Ngài để họ xét xem họ có chấp nhận được hay
không. Ngài nói: «Họ sẽ bị anh em mình nộp
cho các hội đồng, và bị đánh đập trong các hội đường. Và họ sẽ bị điệu ra trước
mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho mọi người và cho các dân ngoại
được biết» (Mt 10:17-18). Chính vì thế, Chúa Giêsu đã phải đề nghị những ai
theo Ngài nên lượng sức xem mình có theo nổi không thì hãy theo.
Thật vậy, Ngài đã báo trước những điều kiện để theo
Ngài để ai muốn theo thì phải lượng sức: «Ai đến với tôi
mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì
không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì
không thể làm môn đệ tôi được» (Lc 14:26-27). Ngay sau khi nói như
vậy, Ngài liền đề nghị họ hãy lượng sức mình xem có theo Ngài nổi hay không,
bằng 2 ví dụ cụ thể: «Ai trong anh em
muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả
năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: “Anh ta đã
khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho
xong việc”. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên
lại không ngồi xuống bàn tính xem
mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến
đánh mình chăng? Nếu không đủ sức,
thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải
sai sứ đi cầu hoà. Cũng vậy, ai
trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi
được» (Lc 14:28-33).
Chính vì thế, tôi rất cảm phục những người, tuy không
minh nhiên hay công khai theo lý tưởng nào cả như những người kể trên, nhưng họ
đã dám
vượt thắng sự sợ hãi để bênh vực cho lẽ phải, cho sự hợp lý, dám chống
lại sự ác, chống lại tất cả những bất công do bất kỳ ai gây nên, cho dù đó là
những kẻ cầm quyền trong lãnh vực chính trị, tôn giáo, khoa học, văn hóa, xã
hội, hay thương trường, sân khấu, v.v... Tại Việt
Tôi rất cảm động và cảm phục khi đọc tin: Tháng 10
năm 2020, nhà báo Phạm Đoan Trang trước khi bị bắt đã viết bức thư
trong đó có câu: «Xin đừng cứu tôi
mà hãy cứu quê hương tôi». Câu đó đáng phục đến nỗi tờ báo Washington
Post có đăng trong bài xã luận «Don’t
Free Me - Free My Country». Đó là tinh thần «hoàn toàn từ bỏ mình», chỉ nghĩ đến tha nhân, đến quê hương dân
tộc. Đáng phục biết bao! Tôi chưa có được một tâm hồn cao thượng như thế, nếu
có thì chỉ được phần nào thôi, nên tôi phải coi đó là tấm gương cao thượng để noi
theo.
Trong lãnh vực khoa học, có những người điển hình như
Linh mục Bruno, thầy dòng Galilei, v.v... dám chấp nhận mọi đau đớn, thậm chí
cả cái chết để bênh vực một sự thật khoa học mà chính mình chứng nghiệm: Trái
đất quay chung quanh mặt trời, chứ không phải mặt trời quay chung quanh trái
đất. Trong lãnh vực tôn giáo, tôi rất cảm phục những vị lãnh đạo điển hình như
Hồng y Giuse Trần Nhật Quân tại Hồng Kông, Linh mục Jerzy Popiełuszko tại Ba
Lan, v.v... không chỉ bảo vệ đức tin của mình, mà còn sẵn sàng chấp nhận mọi hy
sinh để bảo vệ chân lý, công lý, chống bất công xã hội, bênh vực những người
nghèo khổ bị bạo quyền đàn áp. Tôi cũng vô cùng cảm phục Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền, người từng nói: «Từ ngàn xưa, trải qua lịch sử Giáo Hội, đã có nhiều vị chết để bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội. Ngày nay đã có một vị Giám mục nào sẵn sàng liều chết để bảo vệ Nhân quyền chưa? Ngày hôm nay tôi là người được diễm phúc ấy: Thiên Chúa đã gọi tôi để chịu Tù Tội và Chết Chóc vì bảo vệ Nhân Quyền và Công Lý.»
Trước khi kết thúc bài này, tôi chỉ dám đề
nghị những người nổi tiếng về trí thức, những vị đào tạo lương tâm con
người, hãy dám bác bỏ những lập luận mà kẻ biết chút ít lý luận cũng thấy là
phi lý, nhất là đừng hùa theo những kẻ xấu ác mà kết án những người dám chấp
nhận hy sinh, khó khăn, tù đày hay cả mạng sống mình để bác bỏ lập luận phi lý
ấy.
Nguyễn Chính Kết
Houston,
21-1-2022.
Comments
Post a Comment